Phần II
LỜI NGƯỜI VIẾT

(Bản in lần thứ hai)
Khi thỏa thuận với tôi để xuất-bản “YÊU”, anh Nguyễn Trọng Nho, giám đốc nhà xuất-bản ĐƯỜNG SÁNG, nửa đùa, nửa thật hỏi tôi:
- Liệu trong vòng hai năm, có bán hết năm ngàn cuốn không? Tuy tin ở mình, tôi vẫn không dám nghĩ rằng sách của mình sẽ bán chạy, tôi đành trả lời bừa:
- Tôi hy vọng sẽ bán hết trong vòng bốn tháng.
Nhưng chỉ hai mươi lăm ngày sau, nhà xuất-bản ĐƯỜNG SÁNG đã bán hết năm ngàn cuốn “YÊU” và sửa soạn cho in lần thứ hai: Một kết quả bất ngờ vượt ra ngoài ước đoán của nhà xuất-bản cũng như của tác giả.
Sự ngạc nhiên của chúng tôi thật dễ hiểu: Từ nhiều năm nay, hiện trạng bế tắc của bộ moan tiểu thuyết, đã khiến các nhà xuất-bản dè đặt, coi việc in tiểu thuyết là điều phiêu lưu, nguy hiểm, và hầu hết các tiểu thuyết vừa ra khỏi nhà in đã phải bán “son” cho các ông cai thầu văn nghệ Ba Tàu… Tôi đã từng đưa tác phẩm của mình cho nhiều nhà xuất-bản, nhưng họ đều lắc đầu, trả lời:
- Truyện của anh “được lắm”, nhưng tôi sợ không có độc giả.
Mà không phải chỉ các nhà xuất-bản là nhầm về trình độ thưởng thức của độc giả, ngay cả những người văn nghệ—bắt đầu là tôi—cũng vẫn thường đánh giá sai người đọc. Một tỷ dụ: trong truyện “YÊU”, một đôi chỗ, tôi thường mắc cái “tật”: giảng giải lòng thong, hoặc xen cái “chủ quan” của mình vào truyện: Một điều tối kỵ trong nghệ thuật viết tiểu thuyết. Tôi biết vậy, mà tôi vẫn không thể không giảng giải vì tôi luôn luôn nơm nớp lo rằng độc giả sẽ không hiểu… Nhưng tôi đã lĩnh hội được một bài học thâm thái khi đọc các thư phê bình của độc giả “YÊU”, trong đó nhiều bạn đã thẳng thắn chỉ trích cái bệnh giảng giải của tôi. Chẳng hạn bạn đọc Nguyễn Văn Đương ở Huế, gửi cho tôi một bức thư dài mười hai trang, có đoạn dưới đây:
… Tác phẩm “YÊU” đến với tôi như một cơn gió lốc tình cảm. Tôi nghĩ rằng nó là một biến cố trong văn chương tiểu thuyết Việt Nam. Tác phẩm chứ đựng được bề rộng của đời và chiều sâu của tâm hồn. Cuộc sống qua “YÊU” đã hiện ra rất linh động và chân thực. Đặc điểm này nâng tác phẩm lên tầm quốc tế, nếu tác giả không vướng mắc hai cái “tật” là ưa giảng giải, và xen cái “chủ quan tính” của người viết vào trong truyện. Ông hay giảng giải về tâm lý, về phản ứng của các nhân vật, khiến các nhân vật kém linh động. Trí tưởng tượng của độc giả vì thế ít được kích thích, hầu như bị tê liệt. “Chủ quan tính” của người viết nhiều khi khá rõ rệt làm cho nhiều đoạn kém tự nhiên. Chẳng hạn đoạn Tuấn trúng số độc đắc và đóng cửa buồng, tác giả viết: “Cái cử chỉ đề phòng bần tiện của kẻ có tiền…”…
Đọc bài “Nghệ thuật” đọc tiểu thuyết” do ông viết trên báo Dân-Việt, tôi thấy ông có ý định thay đổi kỹ thuật viết, tôi cảm thấy rất phấn khởi vì tôi nghĩ rằng, ý hướng thay đổi bút pháp đó chứng tỏ ông là một nhà văn quả cảm, đáng phục. Thành thật bày tỏ cùng ông rằng nếu ông cảm thấy cần thay đổi bút pháp thì ông đừng ngần ngại. Tôi hy vọng đó là một cuộc cách mạng ở bản thân ông và trong văn học Việt Nam. Ông đừng sợ thiếu độc giả: thành phần giáo sư, sinh viên và học sinh rất đông đảo. Họ đang nhìn vào ông và theo dõi con đường ông đi. Đất nước đầy dông bão này không muốn thấy có một sự trì chậm nào trong ý thức Dân tộc. Ông không thể dễ gì bị nao núng vì một vài lá thư của một vài độc giả “lạc hậu” nào đó… Riêng cá nhân tôi, cái mà tôi chờ đợi ở ông chính là sự tân kỳ… Tôi nhận thấy ông là nhà văn sở trường ở nhiều khía cạnh: hài hước, cay độc, ngổ ngáo, thâm trầm. Tôi mong ông đừng giống bất cứ nhà văn nào…
Bức thư của bạn đọc Nguyễn Văn Đương đã mang lại cho tôi không phải chỉ một sự khuyến khích, một sự an ủi, mà là cả một niềm tin, tin tưởng ở độc giả và nhất là tin tưởng rằng, người làm văn nghệ—nếu thực có tâm hồn và ý thức rõ rệt vềø sứ mệnh của mình—sẽ không bao giờ cô đơn. Bởi vì, không những tôi vốn là kẻ sợ cô đơn, tôi nghĩ như một văn hào nọ, là người làm văn nghệ không được “phép” cô đơn: lẽ sống duy nhất của người văn nghệ là gì, nếu không phải là sự thông cảm và cảm tình của độc giả?...
Nhân dịp “YÊU” tái bản, tôi có bổn phận bày tỏ nơi đây, lòng biết ơn của tôi đối với nhà xuất-bản ĐƯỜNG SÁNG không những đã nhận xuất bản “YÊU” với những điều kiện đặc biệt đối với tác giả, mà con khuyến khích tôi rất nhiều về mặt tinh thần bằng cách gây tin tưởng cho chính tôi, cũng như lòng biết ơn của tôi đối với các văn hữu đã phê bình tác phẩm của tôi trên các nhật báo, tuần báo, tạp chí, đài phát thanh với rất nhiều thiện cảm. Riêng nhật báo Ngôn Luận—dưới ngòi bút của bạn Nguyễn Trọng mà mãi sau này tôi mới được làm quen—đã dành sáu kỳ báo liên tiếtp để phê bình “YÊU”. Có thể nói, truyện “YÊU” được đón tiếp nồng hậu, một phần không nhỏ là do các bài phê bình trên các nhật báo và tạp chí v.v… Để đền đáp lại, tôi đã căn cứ vào những nhận xét của các văn hữu để bổ khuyết những sơ hở, lỗi lầm mà các bạn đã nêu ra. Duy có hai điểm, tôi vẫn bảo thủ ý kiến và không chịu thay đổi: đoạn thứ nhất là đoạn bà Hằng vừa gặp Thúc, đã trao thân gởi thịt cho Thúc trong một đêm mưa gió, sấm sét. Thi sĩ Nguyễn Vỹ phê bình đoạn này là quá ư đột ngột. Điểm thứ hai là câu chuyện bà Hằng “ủng hộ” người dân quân du kích, bị một số độc giả cho là vô lý. Tôi xin trả lời: câu chuyện bà Hằng “ủng hộ” là một chuyện có thực một trăm phần trăm. Có nhẽ ngòi bút của tôi chưa đủ sức diễn tả để câu chuyện trở thành “có lý”, chứ không phải câu chuyện “vô lý”… Ngoài ra, tôi cần thú thực với các bạn là: tôi rất tha thiết muốn làm theo lời đề nghị của bạn Hoàng Anh Tuấn—viết một truyện không có cốt truyện, không có nhân vật, “tung hê” tất cả những qui luật cổ điển về lề lối xây dựng một tiểu thuyết, để cho truyện thoát khỏi mọi gò bó, giả tạo như bạn đọc có thể tìm thấy trong “YÊU”. Sở dĩ tôi lưỡng lự, chưa dám táo bạo đến mực độ đó, là vì tôi vẫn sợ không có độc giả. Nhưng sau khi đọc những bức thư của bạn đọc và những lời phê bình của các văn hữu, tôi thấy tôi đủ tin tưởng. Ngay từ bây giờ, tôi có thể thưa trước với bạn đọc là sau ba cuốn “SỐNG”, “YÊU”, “LOẠN”, toàn xây dựng theo quan niệm cổ điển về tiểu thuyết, bắt đầu từ “TIỀN” và “BÃO”, tôi đã thay đổi kỹ thuật—lề lối suy cảm, diễn đạt. Tôi không biết sự thay đổi đó sẽ hay hoặc dở, sẽ mang lại thành công hay thất bại, nhưng ít ra cũng chứng tỏ một điều là tôi không muốn dừng lại, ở bất cứ nơi nào, và tôi luôn luôn là kẻ “bất mãn” với chính mình. Riêng ở điểm này, tôi mong được sự nâng đỡ của bạn đọc và các thân hữu.

Chu-Tử.

10-63