Có thể quí vị chưa nhận ra, nhưng hiện nay chúng ta từng ngày từng giờ đang được thừa hưởng những lợi ích lớn lao do khoa học đem lại. Ví dụ, khi bật đài quí vị có thể yên tâm là sẽ được nghe âm nhạc phát ra từ đó; nhưng đã bao giờ quí vị tự ngẫm nghĩ rằng liệu điều kì diệu ấy có xảy ra được không nếu thiếu vắng đóng góp của các nhà khoa học?
Ðúng thế: bên trong đài chắc chắn phải có các nhà khoa học tí hon đang chơi nhạc!
Vâng, khoa học đóng vai trò sống còn trong cuộc sống của chúng ta: nhưng khi động đến vấn đề hành trang khoa học thì rất cỏ thể quí vị còn hiểu biết quá ít. Tôi viết như vậy dựa trên một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Khoa học Quốc gia, cho biết hầu hết dân Mĩ không nắm được những định luật cơ bản của khoa học.
Ðể minh chứng kết luận trên với chính bản thân mình, quí vị hãy thử sức với ba câu hỏi sau đây, trích từ các câu hỏi của Tổ chức Khoa học Quốc gia:
1. Ðúng hay sai: con người đầu tiên đã từng sống cùng thời với khủng long?
2. Cái gì chuyển động nhanh hơn: ánh sáng hay âm thanh?
3. Hãy cho biết ADN là gì?

°°°

Quí vị đã xong chưa? Nào, chúng ta thử xem đáp án.
1. SAI. Thực tế là tất cả các con khủng long đã bị diệt chủng khoảng hơn một tuần trước khi xuất hiện con người đầu tiên, có lẽ dưới dạng như Bob Dole. Ấy thế mà hầu hết dân Mĩ lại lầm tưởng rằng loài người và khủng long đã từng chung sống. Hiểu biết sai lầm này bắt nguồn từ những thông tin đại chúng hết sức lệch lạc, điển hình là một sêri phim hoạt hình hàng ngày "Gia đình Flintstones", trong đó có một gia đình hoang dã Flintstones nuôi một chú khủng long tên là Dino.
Nhưng trái lại, theo các nhà khảo cổ học, những người đã nghiên cứu rất kĩ các hoá thạch với độ chính xác rất cao bằng một phương pháp gọi là "bán rã đồng vị carbon", thì Dino thực ra chỉ là một nhân vật do diễn viên đóng giả thôi. "Tôi cho rằng đó là Barney", một nhà khảo cổ học gần đây vừa tuyên bố.
2. Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta cần quan sát một cơn bão ập đến và khi một tia sét đánh xuống. Ðầu tiên quí vị sẽ nhìn thấy tia chớp; rồi sau đó nghe thấy tiếng sấm; tiếp đó là tiếng người thét lên, nếu tia sét đánh trúng ai đó; cuối cùng là các tiếng kêu, tiếng la hét của những người đứng gần đó và chứng kiến cảnh này. Từ hiện tượng này chúng ta rút ra kết luận là ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh, bởi vì ánh sáng xuất phát từ trên trời và lập tức bị lực hấp dẫn hút xuống, còn âm thanh thì chuyển động lan toả và bị chuyển động tự quay của quả đất kéo đi.
3. ADN là viết tắt của một thuật ngữ di truyền học "deoxy ribonucleic antidisestablisment arianis - m", một chuỗi kí tự rất phức tạp được tìm thấy bên trong cơ thể con người dưới dạng những gen rất nhỏ được gọi là "chromosomes". Thông tin chứa trong chuỗi ADN quyết định các đặc tính sinh học của mỗi chúng ta như giới tính, màu mắt, tuổi tác, và số chứng minh thư. Các nhà di truyền học cũng có một khám phá kì diệu là các gen này rất giống với các gen của những loài động vật khác.
Phát minh trên đã đưa đến một hướng nghiên cứu mới phục vụ nhân loại bằng cách thay đổi gen, điển hình là các thí nghiệm với ruồi giấm để tách ra được gen gây bệnh hói đầu. Các nhà sinh vật học sở dĩ chọn ruồi giấm để nghiên cứu vì họ nhận thấy hầu hết ruồi giấm đều không có tóc. Chương trình này đã kéo dài chín năm và tiêu tốn 31 triệu đô la, nhưng kết quả thì thật hoàn mĩ: khi đối chiếu một nhóm các ruồi giấm đã đổi gen với các ruồi giấm không đổi gen, người ta đều thấy đó là các chấm đen, bởi vì cách duy nhất mà nhà sinh vật học bắt ruồi giấm đứng im để quan sát dưới kính hiển vi là đập bẹt chúng một cái bằng cuốn tạp chí Khoa Học Hoa Kì Hôm Nay.

°°°

Nếu câu trả lời của quí vị không đạt theo đáp án thì cũng xin đừng quá lo lắng. Quí vị không đơn độc, vì theo kết quả của Tổ chức Khoa học Quốc gia, có 25%, tức là cứ 6 người thì mới có một người, trả lời đúng những câu hỏi trên.
Và nếu quí vị cho rằng đó là một nhận xét đáng buồn, thì có lẽ quí vị nên xem những bức thư độc giả sẽ gửi cho tôi, trong đó có bài viết này gửi kèm với đoạn "25%" và "6 người thì có một" được khoanh tròn trong mực đỏ với hàng đống nhận xét rằng con số ấy không đúng.


CẦN BIẾT GÌ KHI CHƠI THÚ KIỂNG

Vật kiểng đầu tiên của tôi chính là món quà Noel mẹ tôi cho thằng con mười tuổi: một đàn kiến. Một món quà hết sức không bình thường - tất nhiên, tôi rất thông cảm vì đấy là hậu quả của sức ép ngày lễ Noel đang đến gần trong khi người ta không còn nghĩ nổi là nên tặng cái gì cho thật đặc biệt và bất ngờ. Khi đó nhà tôi vốn đã phát sốt lên vì nhiều kiến quá, và mẹ tôi rất ghét chúng. Bà phải lấy chổi để xua chúng đi.
Nhưng đàn kiến kiểng của tôi hoàn toàn không phải là đám kiến nhà thông thường. Chúng là những con kiến có giáo dục và có chuyên môn. Chúng được mua về với mong muốn là tôi nuôi chúng bằng nước đường và chúng sẽ dạy tôi xem cách thức các con kiến sẽ làm gì trong không gian riêng tư của mình, ví dụ cách chúng tranh nhau một miếng thịt thối như thế nào. Thế là tôi cho chúng uống nước đường, đặt tên cho từng con trong đàn... và hai ngày sau chúng lăn đùng ra chết, có lẽ vì bệnh sâu răng. Tôi vẫn nhớ là đã rất buồn và luyến tiếc vì hồi đó tôi chưa biết rằng người ta vẫn thường dùng một quyển sách bìa cứng để đập chết những con kiến trong nhà.
Ðấy là tất cả những gì cần biết khi chơi thú kiểng. Ngay khi quí vị đặt cho con vật nào đó một cái tên, chúng đột nhiên không còn là một con vật thông thường mà quí vị ngẫu nhiên gặp trên đường - chúng đã là một thành viên trong gia đình - và quí vị không thể đem chúng ra để đập chết hay ăn thịt được nữa. Lấy bò làm ví dụ. Quí vị chắc chẳng áy náy tí nào khi chén một miếng bít tết. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi quí vị đã có mấy phút dạo chơi sánh đôi với một chú bò nào đó, quí vị sẽ yêu mến chính con bò ấy, để rồi biết đâu lại chẳng muốn bắt chuyện thân mật với nó nữa chứ.
Chị tôi, Kate, cũng có cái thứ tình cảm yêu thương sinh vật chóng vánh như vậy. Hồi tôi còn nhỏ, gia đình cùng nhau đi ăn đồ biển; ở đó có một cái bể kính chứa rất nhiều tôm hùm. Chúng luôn ngoe nguẩy đôi càng và hé mắt ngó nhìn thực khách. Chị Kate đã nhanh chóng đặt tên cho từng con tôm hùm, rồi chỉ sau vài phút đã chúi mũi vào bể và bắt đầu tỉ tê đủ chuyện tâm tình trên đời. Kết quả là mọi người không ai còn dám ăn nữa. Họ tần ngần nhìn vào đĩa và băn khoăn tự hỏi không biết con tôm trên đĩa được Kate đặt tên là gì. Bây giờ chị Kate đã hoàn toàn ăn chay.
Nhờ những cố gắng của chị tôi mà hồi nhỏ chúng tôi đã từng có đủ loại thú kiểng khác nhau. Ví dụ những con vật lông mịn ngớ ngẩn như chuột bạch hay là thỏ. Chúng chẳng biết làm gì ngoài việc chạy lóc cóc đó đây rồi đứng lại nhìn quanh, trông rất tội nghiệp. Chị em tôi không bao giờ nuôi chúng được lâu vì chẳng mấy chốc chị tôi cảm thấy thương hại cho cuộc sống trong cũi và thả chúng ra để chạy về rừng. Chị cho rằng đó là một ân huệ to tát, nhưng có lẽ chúng cũng chẳng sống được lâu vì phải yếu đuối lần mò kiếm tìm các viên thức ăn xưa vẫn luôn sẵn có trong nhà.
Hồi bé, chị em tôi cũng đã từng nuôi nhiều loài bò sát, như rắn, cóc hay kì nhông. Nhưng chị Kate có lẽ không thành công lắm khi chuyện trò với những loài bò sát này. Các nhà bác học xếp bò sát vào loại "động vật máu lạnh", nghĩa là chúng chỉ nghĩ đến tàn sát và bạo lực. Không biết quí vị còn nhớ một bộ phim của Nhật Bản sản xuất vào những năm 50 không: sau một thảm hoạ nguyên tử, những chất phóng xạ thất thoát đã biến những loài bò sát trở thành khổng lồ như những con khủng long thời tiền sử. Chúng liền lan rộng đến những thành phố lân cận, lật đổ những đoàn tàu và ăn thịt người. Ðấy chính là mong ước của những loài bò sát. Nếu quí vị nuôi một con thằn lằn, quí vị sẽ thấy nó thầm lặng suốt ngày trong chuồng, giương cặp mắt tinh ranh nhìn quí vị, trong trái tim băng giá chỉ có một ý nghĩ: "Ta muốn hôm nay chuyện ấy sẽ xảy ra. Sẽ có một tai nạn nguyên tử. Ta sẽ được tắm mình trong những tia phóng xạ. Ta sẽ ăn tươi nuốt sống tất cả bọn ngươi. Ha ha ha ha ha ha ha ha ha!" Nghe đến mà rợn cả người, nhưng hãy tin tôi đi, vì đó là sự thật.
Theo suy nghĩ của một người am tường thú vật kiểng như tôi, thì chỉ có loài chó là loại thú kiểng tuyệt vời nhất. "Chó" ở đây tôi muốn nói đến là một con "chó" thật sự: to lớn, răng nhọn, luôn chảy dãi và có hơi thở hôi thối; chứ không phải cái đồ bé tẹo kêu ót ót, cứ thích ngồi trong lòng mọi người, rồi lại hay nhảy cẫng lên hệt như một kẻ bợ đỡ - những nhà sinh vật học cho rằng đó không phải là loài chó, mà nên xếp vào họ gối nệm.
Ðiều tôi khoái nhất là chó thường có khả năng nghe chuyện của con người. Tôi thường bỏ ra hàng giờ để tâm sự về mọi quan điểm nhân sinh với Shawna, con chó chăn cừu nòi Đức của tôi. Shawna nuốt từng lời tôi nói: còn tôi chỉ tiếc là không hiểu được những gì Shawna nói mà thôi:
Tôi: Mày biết không, Shawna, tao rất quan tâm đến những sự kiện xảy ra ở Châu Phi thời gian gần đây.
Shawna: Không biết có gì bỏ bụng không nhỉ.
Tôi: Tình hình phát triển và quan hệ song phương với Việt Nam cũng rất quan trọng và đáng lưu ý.
Shawna: Sắp được ăn rồi đây.
Tôi: Tất nhiên, phản ứng vừa rồi của Cuba cũng có ảnh hưởng nhất định.
Shawna: Ông ấy chuẩn bị vào bếp lấy xương thì phải.
Theo kinh nghiệm của tôi thì loài mèo không thể có được tình cảm sâu sắc như vậy. Nếu một con mèo thích quí vị, nó sẽ thể hiện tình cảm bằng cách găm những móng nhọn vào da thịt quí vị, sau đó leo tót lên chân và rồi làm một-cái-gì đó-mà-chỉ có-Chúa-mới-biết lên mặt quí vị. Vì vậy tôi không có quan hệ gần gũi lắm với loài mèo.
Cũng có nhiều rắc rối khi nuôi một số thú kiểng khác. Ngựa chẳng hạn. Chúng là loài động vật to lớn và có móng guốc, vì thế chúng có thể dễ dàng dẵm nát người ta thành cám chỉ trong tíc tắc. Quí vị không nên đặt lòng tin vào ngựa, bởi vì quí vị không thể nhìn thấu được cặp mắt chúng đâu. Hai con mắt to bằng quả bi-a của một con ngựa được bố trí ở hai bên đối diện của đầu, cách nhau đến mấy chục phân. Vì thế một mắt đang nhìn quí vị một cách hữu hảo, trong khi mắt kia - ở phía quí vị không thấy - đang đảo điên toan tính: "Ta mà dẵm chết thằng này thì đã sao..."
Tôi cũng có một qui tắc là không nên nuôi cá, bởi vì cứ lần nào nuôi cá, điều ấy cũng xảy ra. Sau khi được cho vào bể, lũ cá lần nào cũng làm cái điều mà tất cả những con cá đều làm: Tìm cách trốn khỏi bể. Chúng bơi đến một đầu bể và tự nhủ với nhau, "A! Không phải lối này!"; rồi chúng quay lại bơi đến đầu bể bên kia và lại nói, "A! Có lẽ ở bên kia!" Cứ như thế chúng quay đi quay lại như thế suốt ngày, cho đến một hôm nào đó chết mục thì thôi.
Cứ khoảng 5 năm một lần, vợ tôi lại cao hứng nuôi cá cảnh nhiệt đới. Chúng tôi chi khoảng 50 đô la để mua cá, thức ăn và thuốc cho cá, bộ lọc nước, và một loại sỏi đặc biệt. Chúng tôi đo nhiệt độ và độ pH (một khái niệm khoa học nào đó) và phải thường xuyên điều chỉnh; vì nếu không, theo tay bán hàng hướng dẫn, lũ cá sẽ chết. Tôi lấy làm lạ là không hiểu những con cá thiên nhiên sống ra sao nếu chúng không có máy lọc nước, không có sỏi nhân tạo, lại không được điều chỉnh nhiệt độ và độ pH.
Sau đó vợ chồng tôi đem cá về, đặt tên cho từng con, yêu thương chúng, và chúng đã là những thành viên trong nhà. Rồi một hôm tôi thấy chú Bob Ðuôi lớn bắt đầu có mấy chỗ xơ xác và mục nát ở vây. Thế là chúng tôi phải cho thêm thuốc vào; nhưng không ăn thua, vì chẳng bao lâu sau toàn bộ cánh vây đã tróc hết. Rồi một số con cá bắt đầu bơi ngửa. Cuối cùng thì tất cả đều bị mục hết vây, và chúng tôi không thể cầm lòng khi thấy lũ cá chỉ còn những cái thân bé bé trôi nổi trong bề. Trong một nỗi tiếc thương vô hạn, vợ tôi đành phải cho lũ cá vào sọt rác và cất bề kính xuống hầm nhà. Sau đó tự thề rằng sẽ cạch đến già, rằng sẽ không bao giờ nuôi nữa. Tất nhiên chúng tôi sẽ không nuôi nữa, vâng, chỉ đến một lúc nào đó, khi mà vợ tôi lại cao hứng.
Ðấy, đó là tất cả những gì tôi biết về chơi thú kiểng; ý tôi muốn nói là tôi chỉ có một thành công thực sự là Shawna. Có lẽ Shawna chưa hoàn toàn là một người bạn tâm sự thích hợp, nhưng nó lại rất trung thành. Mỗi khi tôi thấy buồn tẻ, thì chú-bạn-thông-minh-như-người-trong-đời-tôi lại đến an ủi. Mỗi khi thấy cô đơn, tôi luôn tin rằng Shawna sẽ là người bạn nhắc nhở rằng vẫn còn có ai đó cần đến tôi. Nó sẽ dùng mũi đẩy cửa, mon men vào phòng, nằm xuống bên tôi và giằng xé tấm đệm.