Cách chế tạo một con người bé tí chỉ trong hơn 9 tháng với những gì có sẵn trong nhà quí vị...
QUÍ VỊ ĐÃ SẴN SÀNG SINH EM BÉ? VÀI LỜI KHUYÊN VÔ BỔ DÀNH CHO CÁC CẶP VỢ CHỒNG ÐỊNH CÓ CON Mang bầu là một trong những việc trọng đại trong đời, bởi vì đó là lúc thân hình họ trở nên to lớn, kềnh càng và phải mặc những trang phục kích cỡ bằng tấm bạt che hiên các quán cà phê ngoài phố. Ðấy là nhiệm vụ của phái nữ, một nhiệm vụ dành riêng cho phái nữ từ hàng ngàn năm trước đây, bởi cánh đàn ông đâu có thời gian mang bầu, họ còn phải bận đứng gác cả đêm ngoài cửa hang để canh chừng và xua đuổi voi răng mấu. Tất nhiên bây giờ người ta không còn phải bận tâm xua đuổi voi răng mấu nữa, nhưng cánh đàn ông vẫn luôn luôn có những lí do vắng mặt, như bận la cà tìm mua đồ nữ trang tặng vợ chẳng hạn. Vì thế cho nên truyền thống vẫn giữ nguyên cho đến nay, rằng phụ nữ phải mang bầu, sinh con và nuôi nấng chúng cho đến khi chúng có thể đánh quả bóng chày với một độ chính xác nhất định. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, đàn ông cũng phải tham gia nhiều hơn trong quá trình trên vì đây là xu hướng quốc gia theo lệnh của Chính quyền Liên bang. Theo những điều khoản này, đàn ông bắt đầu tự giải phóng khỏi những hàng rào tâm lí xã hội ích kỉ của mình để bày tỏ một cách cở mở nhất tình cảm của họ: cười, khóc, âu yếm, v.v.. Nghĩa là nếu quí vị có vợ mang bầu, quí vị cần phải biết một số phương pháp bày tỏ tình cảm sao cho tế nhị và nhạy cảm nhất, và phải biết cách theo dõi đứa trẻ sinh ra như thế nào. Tôi sẽ diễn giải chi tiết trong những phần tiếp theo. Ý tôi muốn nói ở đây là, hỡi những cặp vợ chồng trẻ, sinh con là một việc rất nghiêm túc và quan trọng, và rất có thể quí vị chưa được chuẩn bị đầy đủ cho những gì sắp xảy đến (điều đó có thể dễ dàng nhận ra vì quí vị đang đọc một bài viết lá cải và nghèo nàn như thế này). Vậy tôi xin gợi ý quí vị hãy bắt đầu với những câu hỏi trắc nghiệm sau đây. TRẮC NGHIỆM DÀNH CHO ÐÔI BẠN SẮP CÓ CON VÀ CHƯA RÕ SẼ PHẢI LÀM GÌ 1. Cần bao nhiêu lần thay tã trước khi em bé biết sử dụng toa lét thành thạo? a. Một tỉ tỉ lầnb. Một tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ tỉ lầnc. Bé trai sẽ không bao giờ sử dụng toa lét thành thạo. 2. Theo quí vị, một em bé thường sẽ cho gì vào miệng sau một hồi suy nghĩ cân nhắc kĩ lưỡng? a. Một con ốc sên đầy bùnb. Một con ốc sên đầy bùn và nhớt nhúac. Một con ốc sên đầy bùn và nhớt nhúa vừa rơi vào thùng nước cống bẩn thỉu độc hại 3. Quí vị sẽ làm gì khi em bé hai tuổi của quí vị cứ khóc mãi không nín trên máy bay? a. Gọi cô phục vụ đến và nói: "Chị ơi, đứa bé này là con ai thế?"b. Gọi cô phục vụ đến và nói: "Chị ơi, đứa bé này rất thích ngành hàng không. Chị làm ơn bế cháu đến tham quan buồng lái trong suốt chuyến bay đi."c. Gọi cô phục vụ đến và nói: "Xin làm ơn thông báo với cơ trưởng rằng đứa bé này vừa trao cho tôi một thông điệp nói rằng nó sẽ không chịu ngưng khóc nếu máy bay không lập tức đến ngay Havana." Với mỗi câu trả lời khớp, quí vị hãy tự cho mình một điểm, và sau đó cộng tất cả lại. Nếu kết quả là 3, thì điều đó có nghĩa là quí vị hoàn toàn nghiêm túc và được chuẩn bị đầy đủ để sinh cháu. Nếu kết quả là 2 hoặc thấp hơn, thì điều đó có nghĩa là quí vị chưa thực sự sẵn sàng. CHI PHÍ SINH CON Vào thời cổ đại, chi phí này còn rất thấp. Khi người mẹ cần sinh con, cô ấy chỉ cần ra đồng để đẻ; vì thế chi phí thực chất không có gì khác hơn khoản tiền không đáng kể thuê lều ngoài đồng. Tất nhiên các bác sí ngày nay luôn khuyến khích sản phụ sinh con trong bệnh viện, bởi vì chỉ có ở bệnh viện, với những công cụ y khoa tân tiến nhất trợ giúp, các bác sĩ mới có thể kiếm được những khoản tiền kếch sù. Rất khó có thể đoán trước được số tiền ghi trong hoá đơn của bác sĩ sẽ là bao nhiêu. Nếu như chiếc ô tô Mercedes-Benz cuả bác sĩ chạy tốt, thì hoá đơn chỉ khoảng 2000 đô la. Còn nếu như có những gì đó bất thường hay trục trặc nào đấy chẳng hạn có tiếng lích tích trong hệ truyền động thì có thể quí vị phải trả rất nhiều tiền. Tôi khuyên quí vị nên tìm hiểu trước khi chọn bác sĩ nào. Hãy hỏi thăm tình trạng chiếc Mercedes của bác sĩ. Quí vị không cần thiết phải cảm thấy ngại ngùng gì hết! Xét cho cùng, người trả tiền là quí vị kia mà CÁC CHI PHÍ KHÁC CHO ÐẾN KHI ÐỨA BÉ HỌC PHỔ THÔNG, HOẶC, ƠN CHÚA, HỌC HẾT ÐẠI HỌC Bài toán này cũng rất khó tìm ra đáp số. Lí do chủ yếu là chính tôi cũng chưa kịp nghiên cứu đầy đủ. Với trường hợp thằng cu Rob con trai tôi, nay đã lên 3 tuổi, thì chi phí dành cho cháu như sau: - Tiền mua ô tô nhựa: 13.000 đô la.- Các chi phí khác: 4.000 đô la. Nếu quí vị thử dùng phép ngoại suy để tính cho 18 năm tiếp theo, tính đến cả khả năng lạm phát không ngừng, với điều kiện là không xảy ra chiến tranh hạt nhân, thì chi phí tính ra sẽ vô cùng to lớn. MANG BẦU CHẾ ÐỘ ĂN UỐNG Quí vị cần phải ý thức được rằng trong khi mang bầu, quí vị ăn cho hai người. Nhưng quí vị cũng cần hiểu là cái người thứ hai kia chỉ bé bằng quả bóng chơi golf thôi, vì thế chớ có ăn thái quá. Ý tôi muốn nói là có nhiều quí cô khi mang bầu chuyển sang chế độ ăn cứ như thể người thứ hai kia là Mike Tyson vậy: ngay khi biết rằng mình có mang, họ liền chạy ngay ra siêu thị mua hàng két bánh kem sữa trứng, và chỉ trong vài ngày họ to đùng như quả khinh khí cầu. Vậy hãy luôn nhớ rằng quí vị đang ăn cho ai: ăn cho em bé. Như vậy chớ có ăn theo kiểu ăn của người lớn, quí vị hãy ăn theo kiểu ăn em bé. Nói thế không có nghĩa là quí vị chỉ cắn một miếng sau đó ngậm lúng búng hàng giờ trong miệng trong khi kem và sô cô la trên bánh chảy nhũn ra rồi được bôi lên đầu và vương đầy bàn ghế. Quí vị cũng có thể đến nhà hàng và gọi món bít tết nhưng nhớ là yêu cầu người phục vụ cắt nhỏ miếng thịt làm 650.000 mẩu bé tí, sau đó quí vị ngúng nguẩy không chịu ăn mà chỉ nhai ngấu nghiến khăn trải bàn và làm cho đĩa bít tết đổ hết ra quần. CÒN CÁC ÔNG CHỒNG PHẢI LÀM GÌ? Vấn đề ở chỗ phải luôn tỏ ra tế nhị và nhạy cảm. Quí vị không được phép để vợ biết rằng quí vị thấy cô ấy trông rất kém hấp dẫn chỉ vì cô ấy mập kinh khủng. Quí vị phải tìm mọi cách để vợ quán triệt điều này. Thỉnh thoảng, hãy nói với cô ấy: "Anh thật sự không thấy em kém hấp dẫn chỉ vì em mập kinh khủng đâu". Nếu hai vợ chồng đi dự tiệc, và nếu quí vị nhận ra rằng tất cả các cô gái trong phòng đều gọn gàng, nhanh nhẹn, trừ vợ quí vị với trang phục không khác gì chiếc ghế sofa dựng đứng, thì quí vị cần phải nói với vợ một cách chắc nịch rằng không phải ai cũng có thể quen ăn chiếc bánh chỉ vì hình thức bên ngoài của nó. Vâng, quí vị cần phải không ngớt nhấn mạnh điểm này. Và ý trung nhân của quí vị sẽ không bao giờ có thể quên được những cử chỉ tế nhị và nhạy cảm ấy của ông chồng. DẠY TRẺ NGAY KHI CÒN Ở TRONG BỤNG Liệu người ta có thể dạy cho trẻ ngay khi chúng còn trong bụng mẹ không? CÓ - Ðó là câu trả lời của cặp vợ chồng trên chương trình tivi "Phil Donahue" mà tôi đã từng được xem. Tất cả những đứa trẻ trong gia đình ấy ngay từ khi ra đời đã có trình độ cảm nhận âm nhạc cổ điển rất tốt. Nhưng thực lòng mà nói, tôi vẫn nghĩ rằng vậy thì điều đó có gì là hay ho cho các ông bố, bà mẹ kia chứ. Nếu kí ức thời thơ ấu của tôi còn chính xác, thì những đứa trẻ yêu thích nhạc cổ điển hầu hết là những đứa trẻ hay bị bắt nạt nhất ở lớp. Vậy nên chăng, nếu quí vị có ý định dạy em bé trong bụng, thì có lẽ hãy dạy chúng cách làm những bạn cùng lứa phải tôn trọng, ví dụ cách huýt sáo thật kêu, hay cách nhổ nước bọt từ cửa sổ lớp học xuống sân trường một cách chính xác nhất. Tạm gác lại ở đây vấn đề nên dạy em bé chủ đề gì, dù sao đi nữa thì điều quan trọng là ở chỗ quí vị có thể dạy đứa bé ngay từ khi nó còn trong bụng mẹ, và chắc quí vị hoàn toàn nên làm điều ấy, nhất là khi quí vị muốn con mình sau này có được mảnh bằng tốt nghiệp từ những trường Đại học danh tiếng như Ðại học Havard. Thực ra thì phương pháp dạy học ở đây rất đơn giản. Ý tôi muốn nói là quí vị đâu có nhiều lựa chọn: quí vị nào có thể đem máy chiếu, màn hình vào đó để dạy cho cháu, lí do là trong bụng mẹ làm gì có ổ cắm điện. Tất cả những gì quí vị có thể làm ở đây đơn giản là nói thật to vào bụng. Và đó chính là công việc của đàn ông, bởi vì trông sẽ rất kì cục nếu một quí bà mang bầu lại tự cúi xuống để nói vào bụng của chính mình. Vậy là mỗi khi hai vợ chồng quí vị có dịp rỗi rãi bên nhau, chẳng hạn khi đứng xếp hàng trước quầy thanh toán tiền tại ngân hàng, ông chồng hãy dạy gì đó vào bụng bà vợ, ví dụ "Pierre là thủ phủ của North Dakota". Cũng có thể là của South Dakota. Tôi cũng chẳng biết nữa, bởi vì hồi tôi còn trong bụng mẹ, năm 1946, trên ti vi vẫn chưa có chương trình "Phil Donahue". CHUẨN BỊ SINH CON HÃY HỌC THUỘC LÒNG MỘT SỐ THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN Một khi mang bầu và chuẩn bị sinh con, quí vị sẽ có dịp gặp gỡ và tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn khác nhau, vì thế quí vị phải biết quy tắc sau đây: Khi nói về sinh nở, các chuyên gia không bao giờ dùng từ "đau". Thực tế như thế đấy, cứ như thể là người ta đàm luận về đề tài Thái Bình Dương Học mà chẳng dùng đến từ "nước". Lí do thật đơn giản: là nếu họ nói béng ra những gì thực sự sẽ xảy đến cho người mẹ khi phải lôi cái vật thể to tướng trong người ra, thì phái yếu chắc chắn sẽ chẳng ai dám mang bầu, và các vị chuyên gia sẽ phải tìm nghề khác. Vì thế từ "đau" được các Chuyên Gia Sinh Nở Quốc Tế gọi là "co thắt". Với những người không có chuyên môn thì "co thắt" là một cái gì đó mà ghê lắm thì cũng như chuột rút là cùng, nhưng kì tình thì đó là thuật ngữ được dùng để chỉ đến cái cảm giác khi một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp sút mạnh vào thành tử cung. Còn thuật ngữ "cơn co thắt mạnh" được dùng để chỉ cảm giác trên với điều kiện là trung phong kia đi giầy trượt băng. Nói chung quí vị cần phải lường trước được tình huống "co thắt" này trước khi đi đến quyết định sinh con. Tôi ban đầu cũng rất sợ, nhưng cuối cùng cũng vẫn quyết định có con bởi vì sau một số nghiên cứu tôi đã phát hiện ra rằng mình không phải là người kinh qua những khó khăn ấy. CÁC BÀ MẸ CHÚNG TA ÐÃ SINH CON NHƯ THẾ NÀO VÀ TẠI SAO CHÚNG TA LẠI THẤY MỌI CÁI ÐỀU SAI LẦM Ðây là cách thức người ta sinh nở hồi bấy giờ. Khi có những dấu hiệu lâm bồn, ông chồng liền cấp tốc đưa vợ đến bệnh viện, ở đó bà vợ liền được một liều thuốc mê làm cho cô ấy không còn có thể cảm thấy co thắt hay bất kì một điều gì khác, kể cả khi núi lửa phun ngay giữa phòng đẻ. Nhờ vậy người ta hầu như không còn cảm thấy đau. Nhiều trường hợp các bà tỉnh lại khi đứa con bắt đầu vào học lớp bốn. Cái dở của phương pháp này là chất gây mê có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ, mà bằng chứng hiển nhiên là thế hệ công dân Hoa Kì sinh ở thập kỉ 40, 50 hay cả thập kỉ 60 đều chẳng ra gì. Nhưng tệ hơn nữa là nếu sinh con theo phương pháp này thì các ông chồng nhàn quá. Ông ấy chỉ phải làm mỗi một công việc là ngồi ngoài phòng chờ cùng với các ông chồng khác, vừa nhả khói thuốc lá vừa lần giở những trang tiểu thuyết rẻ tiền, và không ngớt kêu ca là không biết người ta làm gì trong ấy mà lâu thế. Khi đứa trẻ ra đời, cô y tá liền lau sạch nó và bế ra cho người bố xem, thế là ông chồng yên tâm ra về và vác bộ mặt hãnh diện đến nhà mọi người để giải trí bằng những chuyện thư giãn vốn dành cho nhà tắm cho đến khi bà vợ hồi sức và có thể về nấu cơm phục vụ. Như thế là phương pháp này đã cướp đi cơ hội để ông chồng được chiêm ngưỡng những giây phút trang trọng nhất khi đứa con của chính mình chào đời, đấy là không kể đến việc quan sát những chất cứng và chất nhầy cũng được đưa ra cùng với đứa trẻ. Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta đã có cách thức sinh nở tân tiến hơn. Bây giờ Chính quyền Liên bang yêu cầu chồng phải có mặt bên cạnh khi vợ đẻ, và sản phụ không được dùng chất gây mê mà phải đẻ tự nhiên. Hiểu theo một nghĩa nào đó chúng ta quay về một cái gì đấy tương tự kiểu "sinh hạ ngoài đồng" thuở ban sơ, chỉ khác ở chỗ là chúng ta thực hiện điều ấy ở các bệnh viện tối tân hiện đại, nơi mà các ông chồng không phải tự mình đi đun nước. Nước sôi vệ sinh luôn được sẵn sàng cung cấp từ những chuyên gia y tế với giá 62 đô la một lít. GIỜ CAO ĐIỂMSinh con cũng tương tự như ma cà rồng: nó không bao giờ xuất hiện trước khi mặt trời lặn. Nếu quí vị thấy có cái gì đó giống những cơn co thắt xuất hiện vào ban ngày, thì rất có thể đó là cái mà bác sĩ gọi là "chuyển dạ giả". Có nhiều chuyển dạ giả y như thật, và khi đó quí vị đến bệnh viện, gặp một bác sĩ giả, để rồi quí vị có thể nhận được thậm chí một con búp bê chính xác theo hình thể giải phẫu. Cú chuyển dạ thật bao giờ cũng chỉ bắt đầu vào 3 giờ 15 phút sáng, theo giờ chuẩn Tây bán cầu, bởi vì chỉ có thời điểm đấy là lúc tất cả các bác sĩ sản khoa ở nước Mĩ đang ngủ say nhất. Một khi xuất hiện những cơn co thắt, quí vị hãy điện thoại ngay cho bác sĩ sản khoa, người sẽ chỉ nhấc điện thoại và hỏi lại mà không cần tỉnh giấc: "Thế các cơn co thắt cách nhau bao nhiêu?" Quí vị có thể trả lời bằng đơn vị nào cũng được (chẳng hạn: "Cách nhau 5 cm") và bác sĩ sẽ nói: "Vậy hãy đến bệnh viện ngay đi" rồi ông ấy lại giở mình và ngáy tiếp. Trong khi đó quí vị cuống cuồng thu nhặt các thứ cần phải đem đến bệnh viện (nhớ đừng có quên hộ chiếu đấy nhé!) và lên xe thật mau. Hỡi các ông chồng, đây là cảnh các đức ông chồng đưa vợ đến bệnh viện: quí vị ngồi ở mép ghế xe hơi trong khi mắt cách kính chắn ô tô 3 cm; còn hai tay quí vị tóm chặt tay lái như muốn bóp vụn nó ra làm trăm mảnh; cứ khoảng 9 đến 10 giây, đầu quí vị lại gục xuống như thể là để xem đồng hồ đo xăng với chiếc kim đã chỉ sang đáy vạch đỏ, sau đó quí vị mỉm cười nhăn nhó với vợ và nói: "Mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy cả thôi!" GIÂY PHÚT TRỌNG ÐẠI Mọi việc diễn ra thế nào? Tất nhiên sẽ có nhiều quí vị hỏi thế. Trông nó ra làm sao? v.v. Thành thực mà nói, tôi không biết tí gì cả. Tôi chỉ nhớ những âm thanh, lời nói khi đẻ thằng cu Rob nhà tôi thôi. Lúc đó tôi đứng đầu bên này vợ tôi, Beth, không ngừng hét vào tai vợ những lời động viên chân thành nhất. Còn bác sĩ cùng nữ y tá đứng ở phía kia và hét vào bụng cô ấy. Nói chung là tình cảnh giống như một tiểu đội đang cố gắng bằng những lời động viên chân thành nhất để giúp đỡ một chú voi bự đang hóc trong cổ một chiếc xe Volkswagen: Bác sĩ: Cố gắng lên nào, Beth! Cô đang làm một việc phi thường đấy! Cô đang làm một việc phi thường đấy! Ðúng không? Y tá: Ðúng, cô ấy thật phi thường! Nào cố lên đi, Beth! Tôi: Em yêu! Em thật phi thường! Cố lên nào! Vợ tôi: AAAARRRRRRRUUNNNNNNGGGGGGHHH! Bác sĩ: Xong rồi, thật phi thường! Cuối cùng Rob cũng được lôi ra và khóc toáng lên để đòi quay vào. Hai vợ chồng tôi đều hài lòng. Tôi không quên ghì đầu cô ấy vào ngực như bài học ở lớp huấn luyện trước khi đẻ đã hướng dẫn. CẦN PHẢI LÀM GÌ NGAY SAU KHI SINH CON Quí vị cần phải nhắm tịt mắt lại, bởi vì bác sĩ đỡ đẻ sẽ giơ em bé lên kèm theo hàng đống tử hà sa, mà đó là cái thứ trông gớm guốc nhất quả đất. Ngày xưa khi mọi người đều thanh tao lịch lãm, người ta huỷ ngay cái thứ ây sau khi đẻ và không bao giờ nói đến trước mặt người khác. Nhưng ở xã hội mở cửa hiện nay người ta thoải mái bình luận về nó cứ như thể đấy là huân chương chiến thắng vậy. ĐẶT TÊN CHO CON NHƯ THẾ NÀO Ðể tránh phải mất nhiều thời gian quyết định đặt tên con khi tạm lưu trong bệnh viện, quí vị hãy tranh luận với chồng bằng những lời lẽ to tiếng nhất. Quí vị bắt buộc phải làm thế thôi, bởi vì chồng cũng như vợ, ai cũng có những lí do riêng và rất nặng kí của mình. Chẳng hạn ông chồng muốn đặt tên con là John để tưởng nhớ đến một ông bác quá cố nào đấy, trong khi cái tên John kia lại gợi nhớ đến một bạn trai thời phổ thông của bà vợ. Có một số tên mà cả hai vợ chồng nên tránh đặt cho con. Ví dụ nếu là con trai, quí vị không nên đặt tên là "Cyril" hay "Percy" vì những đứa trẻ mang tên đấy thường đi học về với đầy u trên đầu. Quí vị không nên chọn cho con gái cái tên nào điệu quá, kiểu như "Cyndi", vì lớn lên hầu như chắc chắn cháu sẽ không làm được chức vụ gì quá nhân viên đánh máy. Mấy năm trở lại đây, người ta có xu hướng đặt tên nghe như tên người Anh, như "Jessica" chẳng hạn. Tôi thấy đây là một trào lưu rất hay. Mặc dù chân thành mà nói Anh Quốc chưa hề sản xuất được chiếc xe hơi nào có thể chạy được qua quãng đường ra bãi đỗ xe mà không bị ít nhất một lần chết máy, nhưng hiện nay những tên kiểu Ănglê như vậy vẫn được người ta rất khoái. Vậy hãy đặt tên cho con theo bất cứ cái tên Anh nào mà quí vị nghĩ ra, ví dụ "Queen Elizabeth", hoặc "Big Ben", hay là "Crumpet Scone-Hayes". BẢO DƯỠNG EM BÉ Vào một ngày đẹp trời nào đó, nhân viên chuyên trách sẽ thông báo rằng quí vị có thể xuất viện, và hai vợ chồng cần đưa con về nhà. Không có một thời điểm nào trong đời có được cái cảm giác giống như lúc ấy, khi lần đầu tiên trong đời hai vợ chồng ẵm một đứa bé trên tay, vâng, đứa bé của chính quí vị, khi mà hai vợ chồng cùng nhau bước ra cổng bệnh viện với cái dáng vẻ hiển nhiên là của ông bố bà mẹ lần đầu có con và sắp sửa đánh rớt đứa trẻ cắm đầu xuống đất. Khoảnh khắc riêng tư đáng tự hào ấy kéo dài cho đến khi quí vị bước ra khỏi cổng bệnh viện tám bước. Lúc đó quí vị sẽ gặp những bà già cả qua đường chặn lại để khuyên bảo đủ điều. Pháp luật Chính quyền Liên bang đã quy định các bà già cả có thể chặn bất kì một cặp vợ chồng trẻ nào đang ẵm con trên tay. Họ rất nghiêm túc đón nhận trách nhiệm này. Họ dễ dàng thấy rằng những em bé trên tay quí vị không đội mũ, nên họ đến và nói rằng cháu sẽ bị cảm lạnh. Còn nếu em bé đang đội mũ, thì họ sẽ nói rằng mũ đó dầy quá, dễ làm em bé nóng. Họ luôn luôn khuyên nhủ quí vị một cách chắc nịch như thể nếu không có họ, những đứa trẻ sẽ không thể sống được sang ngày hôm sau dưới sự chăm sóc của những đôi vợ chồng trẻ đểnh đoảng còn ít kinh nghiệm như quí vị. CHU TRÌNH TRẠNG THÁI CỦA TRẺ SƠ SINH Ðây là Chu trình Các trạng thái Cơ bản của trẻ sơ sinh, chu trình được cài đặt ngay từ khi em bé ra đời: Trạng thái 1: Chuẩn bị khóc;Trạng thái 2: Khóc;Trạng thái 3: Vừa nín. Công việc chủ yếu quí vị phải làm là đưa em bé về trạng thái 3 càng sớm càng tốt. Và đây là một phương pháp truyền thống, hi vọng sẽ giúp quí vị ít nhiều. Khi em bé bắt đầu khóc, bố mẹ hãy ẵm cháu đưa đi đưa lại và nói với nhau bằng một giọng đều đều: "Mình nghĩ rằng nó đói phải không? Không thể như thế được. Nó vừa ăn cách đây không lâu mà. Hay là nó muốn ợ hơi? Chắc là không phải thế rồi. Hay là phải thay tã? Không phải, vẫn khô nguyên này. Thế thì tại sao? Mình nghĩ rằng nó đói phải không?..." Cứ liên tục như thế một lúc lâu cho đến khi em bé phát chán và quyết định ngủ thiếp đi. Khi em bé không ngủ mà cũng không khóc, quí vị có thể nhận thấy nó đang dõi theo những phân tử không khí. Nhiều năm qua các nhà khoa học vẫn tưởng rằng trẻ con chưa có khả năng tập trung ánh mắt vào các đối tượng xung quanh vì có một thực tế rằng chúng cứ nhìn qua nhìn lại nhưng không nhìn vào đâu cả; nhưng ngày nay người ta đã chứng minh được rằng vì mắt trẻ sơ sinh còn rất bé nên chúng có thể theo dõi được các vật thể bé tẹo như phân tử không khí đang trôi nổi khắp nơi, mà với chúng điều đó dù sao cũng thú vị hơn là phải nhìn những đồ vật loè loẹt vô duyên mà bố mẹ cùng gia đình cứ khua khua trước mặt chúng. NÊN CHO BÉ BÚ MẸ HAY BÚ BÌNH Có lẽ câu trả lời đã khá rõ ràng. Tất cả các bác sĩ nhi hiện đại đều khẳng định chắc chắn rằng nên cho bé bú mẹ. Có hai lí do chính: - Mẹ của quí vị trước đây vẫn cho con bú bình thay cho bú mẹ, mà mọi thứ trước đây làm đều sai. - Bú mẹ hiển nhiên là tốt hơn vì đã có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh như vậy, có hàng tấn sách và tạp chí mà thực thà mà nói tôi chưa kịp đọc chúng vì phải bận viết bài này cho kịp thời hạn. THẾ NÀO LÀ KHÓC DẠ ÐỀ Ðó là khi em bé khóc liên tục không ngớt trong 71 giờ đồng hồ liền. Nếu em bé của quí vị khóc dạ đề như thế, quí vị phải lập tức đưa cháu đến bác sĩ nhi, người sẽ trả lời quí vị rằng không phải lo lắng gì hết. Ðiều đó thực ra cũng đúng thôi, nếu xét theo quan điểm của bác sĩ, vì căn hộ ông ấy ở cách quí vị cả chục kilômét. THAY TÃ CHO BÉ Trước tiên quí vị nên biết rằng theo cách nghĩ của em bé, quí vị không bao giờ cần phải thay tã cả. Không có một sinh vật nào trên hành tinh này lại có sự thoả mãn trong một cái tã đầy nhoét như trẻ sơ sinh. Xoẹt một bãi chính là một trong những kĩ năng đầu tiên mà bất cứ em bé nào cũng thành thạo, và chúng rất lấy làm hãnh diện và tự hào với kĩ năng mới này, đặc biệt là khi có nhiều người chứng kiến, ví dụ như trước mặt ông bà chúng, hay trước mặt cả bạn bè đến nhà quí vị nhân dịp lễ Noel. Chúng khẽ cau mày tư lự, và bụp một cái, thế là xong. Sau khi hoàn thành công việc rất khoái ấy, chúng muốn dành chút thời gian để tận hưởng thành quả của mình bằng cách oằn đi oằn lại cho đến khi cái bãi đó nát bét ra và len lỏi vào từng nếp gấp xó xỉnh của bộ đồ trẻ em 45 đô la quí vị vừa mua để diện lễ Noel cho chúng. Vì thế cho nên, mỗi khi thay một cái tã đầy nhoét, quí vị đừng tưởng rằng quí vị đang làm một cái gì đó giúp đỡ cho em bé. Dưới con mắt của chúng, quí vị đang lấy đi mất đống chất nhầy vốn là thành quả sau bao nỗ lực lao động. SÁU THÁNG ĐẦU Sáu tháng đầu là thời gian chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của em bé: Nó học cách mỉm cười, cách nâng đầu lên, cách chơi đàn cello và cách sửa ô tô. Ha ha! Tất nhiên đó chỉ là một chút hài hước dành cho các ông bố, bà mẹ vẫn thường xuyên có ảo tưởng rằng có thể nhanh chóng đốt cháy hàng tá giai đoạn trưởng thành của em bé. Thực tế là trong sáu tháng đầu, đứa trẻ chỉ biết đặt đâu nằm đấy, bú sữa và đi vệ sinh tại chỗ thôi. Chúng vẫn chưa hoàn chỉnh phần não bộ: nếu quí vị mở đầu em bé ra - tôi thành thực xin quí vị không nên làm điều ấy ngay bây giờ - quí vị sẽ không thấy gì ngoài một tuyến nước dãi to tướng trong đó. Nhưng dù thế nào đi nữa, quí vị cũng phải mua ngay máy tính cho cháu. Không bao giờ là quá sớm để mua máy tính cho con cả. Lập luận trên được dựa trên những quảng cáo gần đây của hãng bán máy vi tính, mà chắc quí vị vẫn thấy trên ti vi, ở đó có cảnh một đứa trẻ chịu bao đau đớn khắp mình mẩy chỉ vì bố mẹ không mua máy tính cho bé. NGƯỜI TRÔNG TRẺ Người trông trẻ tốt nhất tất nhiên là bà nội hay bà ngoại của cháu. Quí vị luôn luôn cảm thấy yên tâm khi giao em bé cho các bà, dẫu quí vị có phải đi xa trong một thời gian dài, chính vì vậy mà các bà nội, bà ngoại đã rời khỏi vùng Florida này ngay khi có cơ hội đầu tiên. NHẬT KÍ CHO EM BÉ Nhật kí em bé có lẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất cho những vụ bạo động giết người ở Mĩ. Lí do là khi người ta sinh cháu thứ nhất, nhật kí sẽ như thế này: Ngày mồng 5 tháng Giêng - Hôm nay Robert tròn 1,5 tuần tuổi! Nó nặng 4,244 kg, vậy là tăng được 0,023kg so với hôm qua! Hôm nay phải thay hai cái tã đầy, nhưng không đến nỗi nhão quá như hôm mồng 3 tháng Giêng vừa qua! Nhưng trông nó vẫn còn xanh xao lắm! Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác. Cho đến khi họ có đứa con thứ hai, lúc mà họ đã phát chán khi phải ghi nhật kí hàng ngày như vậy rồi. Nhưng không lẽ lại bỏ, thôi không viết. Vậy là kết quả cuốn nhật kí thứ hai như sau: 1966-1974 - Byron sinh ra và đi học cấp 2 Và thế là Byron lớn lên, trông bên ngoài thì bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng thực ra nó luôn luôn không bao giờ quên được thực tế phũ phàng là cuốn nhật kí của mình trông thật mỏng manh, trong khi cuốn nhật kí của Robert trông không khác gì một cuốn danh bạ điện thoại. Kết cục là đến một ngày đẹp trời, không thể chịu được căng thẳng nữa, Byron chạy như điên vào một nơi công cộng như phòng khám răng chẳng hạn với khẩu súng máy lăm lăm trên tay... Vì vậy cho nên, nếu quí vị muốn ghi nhật kí cho con, cũng tốt thôi không sao cả, nhưng xin hãy thông báo trước cho cảnh sát khu vực.TỪ SÁU THÁNG ĐẾN MỘT NĂM TUỔITHỨC ĂN SAM ĐẦU TIÊN Từ "thức ăn" được dùng ở đây hoàn toàn không chính xác. Thực ra chúng là những thứ chứa trong hàng triệu cái hộp bày bán ngoài siêu thị với nhãn hình em bé nhoẻn miệng cười. Trẻ con rất ghét ăn thứ đó. Mà ai thích được kia chứ. Khi nấu xong, trông chúng giống một bãi chất thải thật buồn tẻ. ÐI DU LỊCH VỚI EM BÉ Bây giờ là lúc quí vị nghĩ đến việc giải trí bằng cách cho em bé cùng đi du lịch đến những nơi sẽ không phải thấy những vết cáu bẩn vàng vàng tạo thành từ chuối trộn với nước miếng trẻ em được bôi đầy khắp các bề mặt quanh phòng nằm ở độ cao dưới 30cm. Sáng kiến tuyệt vời! Hai vợ chồng tôi thường xuyên đưa cu tí Rob đi đây đi đó ngay từ khi cháu dưới một tuổi, và chúng tôi lần nào cũng rất ngạc nhiên là, mọi cái đều tốt đẹp, suôn sẻ, và không có gì phải lo lắng mãi cho đến khi chúng tôi rời khỏi nhà được khoảng 4 tiếng đồng hồ, khi mà Rob sốt đến 106 độ. Mà chúng tôi nhiều khi cũng chẳng cần phải đo nhiệt độ vì có thể nhận rõ là núm vú giả đang chảy nhũn ra. Hầu hết các em bé đều ẩn chứa trong mình các loại virus không lộ diện, nhưng sẽ tự động phát bệnh khi em bé cách xa phòng khám bác sĩ nhi của cháu khoảng 150km. Lần đầu tiên xảy ra tình huống này với Robert, chúng tôi phải cấp tốc đưa cháu đến một bác sĩ nhi. Ông này tốt nghiệp trường Ðại học Tổng hợp Y khoa Kuala Lumpur và trường Cao đẳng Dệt kim. Ông kêu lên: "Cháu nóng quá! Nóng dữ hè! Chắc là bị seezah không chừng!" Chúng tôi hoảng quá: "Trời! Không thể thế được! Seezah!" Xong chúng tôi tự hỏi nhau: "Nhưng mà seezah là gì nhỉ?" đồng thời trong đầu hình dung đến một căn bệnh kinh khủng nào đó ở Châu Á. Thế là bác sĩ quay tròn mắt trong đầu một hồi, và nói "Aaargh...", và vợ chồng tôi hiểu ra: "À, seizure!" Bài học chúng tôi rút ra từ vụ này là phải luôn luôn đề phòng đến những tình huống bất ngờ nhất. Nếu quí vị định đưa con đi nghỉ hè ngoài bãi biển, thì ngoài vài thứ vật dụng hàng ngày của cháu như: thức ăn, đơn thuốc, bình bú, máy khử trùng, thuốc men, quần áo, tã lót, khăn giấy ẩm, thuốc mỡ, nước hoa, dầu xả, xà phòng các loại, phấn rôm, núm vú giả, đồ chơi, cũi du lịch, chăn lông, cặp sốt, ghế đèo, xe đẩy v.v.. quí vị cần phải nhớ mang thêm những thứ sau: - Một thứ trông na ná cái vịt dầu dùng để hút mũi cho em bé vì nếu không, khi cháu bị lạnh, nó sẽ phát ra những tiếng sụt sịt ùng ục suốt đêm trong khách sạn.- Một liều thuốc mạnh phòng bệnh tả dành cho em bé, bởi vì sẽ có một lúc nào đó, khi quí vị đang ngả mình thư giãn ngoài bãi biển để tận hưởng ánh nắng và tiếng sóng, quí vị chợt nhìn thấy cháu đang vuốt ve âu yếm một con chó chết trôi giạt vào bờ.- Vài cuốn tiểu thuyết để đọc ngoài hành lang phòng cấp cứu.- Máy ảnh cùng vài cuộn phim để ghi lại những hình ảnh, những tình huống bất ngờ kiểu như trên làm kỉ niệm. MỌC RĂNG Mọi em bé mọc răng vào đúng 3 giờ 25 phút sáng ngày 11 tháng 3, mặc dù có một số em mọc muộn hơn khoảng 10 phút. Dấu hiệu đặc trưng của hiện tượng mọc răng là em bé trở nên cáu bẳn và khóc. Tất nhiên đó cũng là dấu hiệu của mọi hiện tượng khác, do đó quí vị cần áp dụng phương pháp cổ truyền để khẳng định thêm: đút ngón tay vào miệng của bé để xem bé cắn thế nào, nếu thấy răng bé chạm đến xương ngón tay thì có nghĩa là bé đã mọc răng. TỪ MỘT ĐẾN HAI TUỔI Em bé sẽ tập đi và bắt đầu tập nói, nhưng có lẽ điều mà nó học được nhiều nhất là tự dưng khóc toáng lên ngoài siêu thị mà không cần lí do gì cả. TẬP ÐI Hầu hết em bé bắt đầu tập đi vào tháng thứ 12, nhưng không ai lí giải được tại sao chúng lại cần tập đi vào lúc đấy, bởi vì liên tục trong 12 tháng tiếp theo, những gì chúng làm là chỉ di chuyển loăng quăng không có phương hướng nhất định đến những xó xỉnh đầy bụi, rồi thỉnh thoảng ngã bẹt mông xuống đất. Có lẽ vì thế người ta thiết kế loại tã (slip giấy) có độ dày nhiều như vậy. Trong giai đoạn này bố mẹ cháu cần phải luôn luôn đi theo sau với hai tay giang ra để sẵn sàng đỡ em bé mỗi khi bé ngã giống như cảnh trong bộ phim nổi tiếng "Mẹ em" dành cho bố mẹ trẻ con. Chỉ khác một điều là quí vị phải cố gắng cúi xuống thấp hơn nữa để có thể dựng bé dậy được nhanh nhất vì càng để em bé ngã lâu trên đất, em bé càng có nhiều cơ hội để với một cái gì đó bỏ vào mồm. TẬP NÓI Có hai từ cơ bản mà mọi em bé đều bắt đầu tập. Từ thứ hai là từ mà em thật sự nói, thường bắt đầu vào tháng thứ 18. Còn từ thứ nhất là từ mà bố mẹ chúng nghĩ rằng chúng đã nói, thường bắt đầu vào tháng thứ 12, hoặc sớm hơn nếu đó là con đầu lòng. Sự việc xảy ra như sau. Em bé ngồi chơi và đang tìm cách đưa chiếc ô tô nhựa vào mồm rồi phát ra một âm thanh ngẫu nhiên của trẻ, ví dụ: "gawanoo", thế là bố mẹ của cháu, với não bộ đã được làm mềm vì hít phải nhiều hơi dầu xả dành cho trẻ em khi gội đầu cho cháu, liền nhao nhao lên hỏi nhau: "Mình thấy chưa, Teddy vừa nói ôtô đấy!" CÁC DẠY DỖ VỤN VẶT KHÁC Các chuyên gia tâm lí học đều cho rằng nguồn gốc chính làm đứa trẻ quan tâm lo lắng là các hoạt động chức năng của cơ thể, chính vì thế quí vị có thể yên tâm hiểu rằng điều đó là không đúng. ÍT NHẤT thì điều đó cũng không đúng với thằng cu Rob, con trai chúng tôi. Không có gì làm nó cảm thấy thoải mái hơn một chiếc tã đầy nhoét. Một lần chúng tôi đưa cháu đến hiệu ảnh để chụp, khi mà không còn kịp thời gian để thay tã nữa, thì cháu làm luôn một bãi với kích thước mà không một định luật vật lí nào có thể giải thích được. Tay thợ ảnh vừa chụp vừa không ngớt xuýt xoa rằng chưa bao giờ được chụp một em bé tươi tỉnh như thế này, tất nhiên anh ta nói thế cũng dễ thôi, vì anh ta ở cách cháu trên 5m. Các ảnh chụp được đều tuyệt hảo. Trong tấm hình nào Robert cũng toét miệng ra cười hở cả răng của một em bé đang thoát ra thứ hương vị đủ làm ngất xỉu bất kì con bò mộng nào trong bán kính 5m. Ðấy, đấy là tất cả những gì em bé lo lắng về hoạt động chức năng cơ thể chúng. Thế quí vị có biết ai là người lo lắng quan tâm nhất về điều đó không? Ðó chính là các ông bố, bà mẹ. Các cặp vợ chồng trẻ mất rất nhiều thời gian suy nghĩ và lo lắng đến sinh hoạt thường nhật của con. Cứ lấy ví dụ bất kì một cặp vợ chồng có hiểu biết rắc rối, chuyên bàn về những đề tài như văn học, thơ ca hay nghệ thuật sống trước khi có con, thì chẳng bao lâu sau khi có đứa con đầu lòng, họ sẽ không bao giờ mất hứng thú khi chuyển sang đề tài về các loại ghế nhỏ có lỗ ở giữa dành cho trẻ, cho đến khi mà không bạn bè nào có ý đồ mời họ đến dùng cơm tối nữa. SANG NĂM THỨ BA SỢ HÃI Mọi người chúng ta đều được sinh ra kèm theo một số nỗi sợ hãi cảnh giác có tính bản năng; sợ ngã, sợ bóng tối, sợ tôm hùm, hay là sợ ngã phải tôm hùm trong bóng tối, v.v.. Những sợ hãi bản năng như vậy giúp em bé tránh được nhiều nguy hiểm, vì thế quí vị cần khuyến khích chúng ("Chạy mau, tôm hùm đến kìa...") Nhưng có nhiều em 2, 3 tuổi sợ hãi nhiều điều rất là phi lí. Có lẽ chúng bị nhiễm từ ngài Roger. Tôi và thằng cu Rob có lần xem bộ phim mà trong đó Roger cứ hát mãi cái câu "không thể nào đi xuống rãnh nước" với một giọng hát vui vẻ đến mức khó tưởng tượng được; và thế là sau khi xem xong phim, hai bố con rất ngại đi gần rãnh nước. Còn có lần tôi đâm ra rất sợ bị đâm chết khi đang tắm vòi hoa sen, đó là kết quả sau lần gặp một chuyên gia tâm lí học. Gần đây Robert đâm ra rất sợ sẽ bị một con ngựa nào đó đột nhập vào phòng ngủ và tấn công lúc nửa đêm. Vợ chồng tôi giải quyết nỗi lo âu này của cháu bằng một cách rất cởi mở và thẳng thắn: chúng tôi đưa cháu đến thăm một trại ngựa để qua đó cháu có thể tận mắt nhìn những con ngựa trong chuồng, để qua đó cháu có thể thấy rõ rằng đó là một loài thú to lớn như thế nào với cặp mắt to và lạnh lùng đến kì quái, kèm theo bộ răng dài và cặp móng cứng đến là gớm guốc đủ để giẵm nát bất kì ai thành một đống thịt vụn chỉ trong vòng không đầy 2 giây. Nhờ phương pháp này mà Robert thôi không tưởng tượng gì đến ngựa của cháu nữa, và điều đó cũng tốt thôi vì nó đã giày nát đệm nhà tôi rồi. NHỮNG NỖI SỢ HÃI MÀ MẸ QUÍ VỊ ĐÃ DẠY KHI QUÍ VỊ CÒN BÉ Ðó là những điều mà quí vị đã từng phải biết sợ trước khi trở thành người lớn, và bây giờ chính là lúc quí vị cần phải chuyển những cái đó sang em bé 3 tuổi của quí vị: - Sợ rằng nếu liếc mắt nhiều quá thì mắt sẽ bị kẹt không nhìn lại được.- Sợ rằng nếu đi tắm hoặc đi bơi sớm hơn 1 giờ sau bữa ăn thì sẽ bị co rúm, chìm nghỉm xuống đáy hoặc bị chết rét.- Sợ rằng nếu mặc áo lót cũ thì sẽ bị máy bay đâm vào người và lột tung áo ngoài ra, để rồi sẽ bị bêu riếu trong bản tin chiều trên ti vi phát sóng toàn quốc. ("Nạn nhân có chiếc áo lót thủng lỗ chỗ, sờn rách, và lem luốc này đã được xác định chính xác là ông...")- Sợ rằng nếu làm điều gì đó không phải ở trường mẫu giáo, thì những điều xấu ấy sẽ bị vĩnh viễn ghi vào sổ đen và đeo đẳng mình khắp cuộc đời. ("Mọi bằng cấp của ngài và thông tin chúng tôi biết về ngài qua quá trình công tác tại cơ quan cũ đều rất tốt, thưa ngài Barry, nhưng qua cuốn sổ đen này chúng tôi biết được rằng khi học lớp tám, ngài và Joseph di Jacinto đã thả một quả pháo đùng vào hố toa lét của Trường Phổ thông Trung học Harold C. Crittenden. Rất lấy làm tiếc, thưa ông Dave Barry, thật lòng mà nói chúng tôi cần tuyển những người có hiểu biết hơn về hệ thống cấp thoát nước.") ÐỒ CHƠI CHO EM BÉ Quí vị đừng mất thời giờ để ý đến những dòng chữ nhỏ xíu ghi trên hộp kiểu như "dành cho trẻ em từ 1 đến 3 tuổi". Nếu quí vị tuân thủ những hướng dẫn kiểu như thế thì quí vị sẽ lôi về nhà một đống những miếng nhựa hình thù khác nhau mà em bé sẽ phải lắp ghép đúng chỗ lồi ở miếng này và cái lỗ bé xíu ở miếng kia, mà chơi như thế rất tẻ nhạt và kết quả là chỉ sau 4 phút cháu sẽ chán và quăng hết đồ chơi vào gầm giường, gầm ghế. Ðồ chơi phù hợp nhất cho các cháu từ 0 đến 3 tuổi là đồ chơi trên đó ghi "dành cho trẻ em từ 10 đến 14 tuổi". Còn đồ chơi thích hợp cho lứa tuổi 10-14 là tiền mặt và căn hộ riêng. Quí vị cũng nên mua đồ chơi của hãng Fisher-Price. Không phải dành cho cháu bé. Mục đích là để bảo vệ chính quí vị. Mỗi mặt hàng của Fisher-Price đều đã được chứng thực qua cả tá các nhà tâm lí học trẻ em và bác sĩ nhi khoa, Ralph Nader và cả ngài Roger, nhờ đó mà tại hầu hết các tiểu bang trên đất Hoa Kì này, nếu quí vị không có trong nhà khoảng một chục loại đồ chơi của Fisher-Price, thì đó được coi là một bằng chứng hợp pháp về tội thiếu trách nhiệm nuôi dạy con cái. THAY LỜI KẾT: VẬY CÓ NÊN SINH ĐỨA CON NỮA? Voilà! Vậy là chúng ta đã đến đây! Chúng ta đã cùng nhau ra qua từng giai đoạn từ một vật thể trông từa tựa như quả bí, chưa biết làm gì có ích, cho đến khi nó hoàn toàn trưởng thành có đủ khả năng tự mình bỏ con mèo vào trong lò vi sóng, đóng cửa lò rồi bật công tắc. Tất nhiên đó là một thời gian dài đầy nỗ lực của quí vị. Tất nhiên bây giờ quí vị muốn có một thời gian yên tĩnh thư giãn, chỉ có hai vợ chồng với nhau, ngồi tâm sự bên tách cà phê của một quán sang trọng, thay vì ngóng chờ suốt đêm ngoài cửa phòng chiếu X-quang để biết xem liệu có phải cháu bé vừa nuốt phải viên đạn bị rớt ra khỏi thắt lưng viên cảnh sát, người chiều nay vừa viết hoá đơn phạt quí vị chỉ với lí do là quí vị lao xe đâm vào cửa hàng bán nội thất gia đình (vì cháu bé vừa quăng cặp kính cận duy nhất của quí vị ra khỏi ô tô). Nhưng dù sao đi nữa, cũng xin quí vị nhìn nhận vấn đề theo kía cạnh tốt của nó.(Im lặng một lúc lâu)
Tất nhiên, cần phải đợi lâu! Rồi một lúc nào đó quí vị sẽ thấy thích. Khi ấy, quí vị sẽ cảm thấy hứng thú sinh đứa con nữa để lặp lại tất cả những bước trên một lần thứ hai. Tất nhiên lần này rất có thể quí vị sẽ đỡ được một số khâu vất vả, chẳng hạn như không phải lâm bồn. Tôi biết được như vậy là nhờ gần đây tôi có dịp đọc tờ báo mua ngoài siêu thị khi đang đợi xếp hàng trả tiền mua sữa, rằng người ta có dịch vụ cho phép sinh con trong ống nghiệm! Tôi cũng không có đủ thông tin chi tiết, nhưng hình như phương pháp tân tiến này giúp quí vị tránh phải những vất vả khi lâm bồn, nhưng có điều quí vị cần phải cân nhắc là đứa trẻ sẽ rất bé và có hình trụ. Nhưng dù quí vị có định sinh đứa con thứ hai hay không, thì một điều quan trọng là quí vị đã có dịp chứng nghiệm nỗi hạnh phúc được làm cha làm mẹ, và tôi xin đảm bảo rằng chỉ một vài năm trôi qua là con của quí vị, nay đã trưởng thành, sẽ đến thăm quí vị cùng với những đứa cháu kháu khỉnh, và hỏi quí vị một cách chân thành và cảm động nhất, rằng chúng cần vay một khoản tiền không thời hạn để trả nợ cho ngôi nhà riêng mới xây trông to và đẹp gấp ba lần ngôi nhà quí vị đang sống.