Có thể quí vị chưa nhận ra, nhưng hiện nay chúng ta từng ngày từng giờ đang được thừa hưởng những lợi ích lớn lao do khoa học đem lại. Ví dụ, khi bật đài quí vị có thể yên tâm là sẽ được nghe âm nhạc phát ra từ đó; nhưng đã bao giờ quí vị tự ngẫm nghĩ rằng liệu điều kì diệu ấy có xảy ra được không nếu thiếu vắng đóng góp của các nhà khoa học?
Ðúng thế: bên trong đài chắc chắn phải có các nhà khoa học tí hon đang chơi nhạc!
Vâng, khoa học đóng vai trò sống còn trong cuộc sống của chúng ta: nhưng khi động đến vấn đề hành trang khoa học thì rất cỏ thể quí vị còn hiểu biết quá ít. Tôi viết như vậy dựa trên một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Khoa học Quốc gia, cho biết hầu hết dân Mĩ không nắm được những định luật cơ bản của khoa học.
Ðể minh chứng kết luận trên với chính bản thân mình, quí vị hãy thử sức với ba câu hỏi sau đây, trích từ các câu hỏi của Tổ chức Khoa học Quốc gia:
1. Ðúng hay sai: con người đầu tiên đã từng sống cùng thời với khủng long?
2. Cái gì chuyển động nhanh hơn: ánh sáng hay âm thanh?
3. Hãy cho biết ADN là gì?

°°°

Quí vị đã xong chưa? Nào, chúng ta thử xem đáp án.
1. SAI. Thực tế là tất cả các con khủng long đã bị diệt chủng khoảng hơn một tuần trước khi xuất hiện con người đầu tiên, có lẽ dưới dạng như Bob Dole. Ấy thế mà hầu hết dân Mĩ lại lầm tưởng rằng loài người và khủng long đã từng chung sống. Hiểu biết sai lầm này bắt nguồn từ những thông tin đại chúng hết sức lệch lạc, điển hình là một sêri phim hoạt hình hàng ngày "Gia đình Flintstones", trong đó có một gia đình hoang dã Flintstones nuôi một chú khủng long tên là Dino.
Nhưng trái lại, theo các nhà khảo cổ học, những người đã nghiên cứu rất kĩ các hoá thạch với độ chính xác rất cao bằng một phương pháp gọi là "bán rã đồng vị carbon", thì Dino thực ra chỉ là một nhân vật do diễn viên đóng giả thôi. "Tôi cho rằng đó là Barney", một nhà khảo cổ học gần đây vừa tuyên bố.
2. Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta cần quan sát một cơn bão ập đến và khi một tia sét đánh xuống. Ðầu tiên quí vị sẽ nhìn thấy tia chớp; rồi sau đó nghe thấy tiếng sấm; tiếp đó là tiếng người thét lên, nếu tia sét đánh trúng ai đó; cuối cùng là các tiếng kêu, tiếng la hét của những người đứng gần đó và chứng kiến cảnh này. Từ hiện tượng này chúng ta rút ra kết luận là ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh, bởi vì ánh sáng xuất phát từ trên trời và lập tức bị lực hấp dẫn hút xuống, còn âm thanh thì chuyển động lan toả và bị chuyển động tự quay của quả đất kéo đi.
3. ADN là viết tắt của một thuật ngữ di truyền học "deoxy ribonucleic antidisestablisment arianis - m", một chuỗi kí tự rất phức tạp được tìm thấy bên trong cơ thể con người dưới dạng những gen rất nhỏ được gọi là "chromosomes". Thông tin chứa trong chuỗi ADN quyết định các đặc tính sinh học của mỗi chúng ta như giới tính, màu mắt, tuổi tác, và số chứng minh thư. Các nhà di truyền học cũng có một khám phá kì diệu là các gen này rất giống với các gen của những loài động vật khác.
Phát minh trên đã đưa đến một hướng nghiên cứu mới phục vụ nhân loại bằng cách thay đổi gen, điển hình là các thí nghiệm với ruồi giấm để tách ra được gen gây bệnh hói đầu. Các nhà sinh vật học sở dĩ chọn ruồi giấm để nghiên cứu vì họ nhận thấy hầu hết ruồi giấm đều không có tóc. Chương trình này đã kéo dài chín năm và tiêu tốn 31 triệu đô la, nhưng kết quả thì thật hoàn mĩ: khi đối chiếu một nhóm các ruồi giấm đã đổi gen với các ruồi giấm không đổi gen, người ta đều thấy đó là các chấm đen, bởi vì cách duy nhất mà nhà sinh vật học bắt ruồi giấm đứng im để quan sát dưới kính hiển vi là đập bẹt chúng một cái bằng cuốn tạp chí Khoa Học Hoa Kì Hôm Nay.

°°°

Nếu câu trả lời của quí vị không đạt theo đáp án thì cũng xin đừng quá lo lắng. Quí vị không đơn độc, vì theo kết quả của Tổ chức Khoa học Quốc gia, có 25%, tức là cứ 6 người thì mới có một người, trả lời đúng những câu hỏi trên.
Và nếu quí vị cho rằng đó là một nhận xét đáng buồn, thì có lẽ quí vị nên xem những bức thư độc giả sẽ gửi cho tôi, trong đó có bài viết này gửi kèm với đoạn "25%" và "6 người thì có một" được khoanh tròn trong mực đỏ với hàng đống nhận xét rằng con số ấy không đúng.


NGHỀ ĐI HỌP

Muốn thăng quan tiến chức chóng vánh trên con đường sự nghiệp? - Ðiều kiện tiên quyết là nắm vững công việc của mình, tất nhiên rồi. Chẳng hạn quí vị cần nắm được mình phải làm những gì ở văn phòng công sở. Như vậy, việc đầu tiên là hãy hỏi những đồng nghiệp chung quanh: "Tên công việc của tôi là gì?" Nếu câu trả lời là: "Giám đốc Kế hoạch" hoặc là "Chánh Văn phòng" thì quí vị có thể yên tâm ngồi đọc tiểu phẩm hài cũng như chơi bài Solitaire cho đến ngày nghỉ hưu. Tuy nhiên hầu hết các vị trí khác không có được cái may mắn ấy bởi vì quí vị phải thực sự làm việc.
Tại các hãng và các công ti ngày nay, có hai loại việc chính như sau:
1. Nhận phone cho những vị đang bận họp.
2. Ði họp.
Chiến lược then chốt ở đây là làm thế nào để nhanh chân lọt vào vị trí mà thời gian dành cho loại việc số hai là chính, bởi vì chỉ có những vị trí ấy mới là những vị trí uy tín và chất lượng.
Kể ra thì việc nhận thông điệp qua phone cũng thú vị đấy, nhưng liệu có được hay chăng cái uy quyền to lớn là chỉ cần tặc lưỡi ẩu một cái là hàng nghìn người phải liêu xiêu xẹo vẹo? Ðiều đó chứng minh rằng chỉ có Nghề-Đi-Họp mới thực sự đem lại sức mạnh cho quí vị mà thôi.
Cuộc họp đầu tiên diễn ra vào thời đại đồ đá. Câu chuyện như thế này: Vào thời đồ đá, nhiệm vụ của đàn ông là bắt thú vật và đem chúng về cho đàn bà. Nhiệm vụ của đàn bà là tìm cách chế biến thịt những con thú ấy. Khó khăn là ở chỗ đàn ông thì chậm chạp, trần như nhộng và lạnh lẽo; còn thú vật thì rất ấm áp và nhiều lông như những con sơn dương. (Thực ra chính là những con sơn dương, nhưng mãi sau này người ta mới phát minh ra điều ấy).
Cuối cùng một ông nói, "Tại sao chúng ta không ngồi với nhau để suy nghĩ và tìm ra một cách săn bắt thú vật tốt hơn nhỉ?" Tất cả diễn ra rất tốt đẹp, hơn nữa ngồi thành vòng tròn sẽ cảm thấy ấm áp, sảng khoái hơn nhiều so với việc chạy rông ngoài rừng. Thế là họ lại hẹn tổ chức họp lại vào hôm sau, và hôm sau nữa, hôm sau nữa, vân vân...
Nhưng đàn bà nhanh chóng nhận ra rằng với cung cách này, đàn ông chẳng kiếm chác được gì và thế là loài người lâm vào cảnh đói ăn. Ðàn ông cũng đồng ý rằng vấn đề này rất nghiêm trọng và đánh dấu điều đó ngay lên đầu "Lịch họp tuần tới"(!). Và thế là đàn bà đành phải tự giải quyết bằng cách chuyển sang ăn rau quả và ngũ cốc. Nông nghiệp đã ra đời như vậy đấy. Một bước chuyển lịch sử vô vàn quan trọng từ chế độ săn bắt sang chế độ trồng trọt mà nếu không nhờ cơ chế họp hành thì có lẽ đã không xảy ra.
Họp hành trong xã hội loài người đã thay đổi nhiều về hình thức. Nhưng bản chất vẫn giữ nguyên như cũ. Ngày nay có hai loại họp chính:
1. Họp theo thói quen. Ví dụ hiện nay có rất nhiều cán bộ thích họp vào Thứ Hai hàng tuần, đơn giản chỉ vì đó là Thứ Hai hàng tuần. Lâu rồi thành quen. Quí vị rồi cũng quen thôi, bởi vì có tất cả 83,2% những cuộc họp hiện nay thuộc vào loại này - dựa trên những con số thống kê của tôi (theo phương pháp nghiên cứu là: tôi viết ngẫu nhiên một con số nào đó đến khi thu được một con số trông giống như thật).
Loại họp này tiến hành tương tự lối "Ðứng Lên Phát Biểu" như trong giờ học "Em Tập Làm Y Tá" tại trường phổ thông, ở đó mỗi người phải lần lượt đứng lên phát biểu một cái gì đó. Khác nhau ở chỗ mỗi em học sinh đều có ý kiến mới mẻ, còn trong cuộc họp thì mỗi vị, khi đến lượt mình, liền đứng lên phát biểu rằng mình vẫn đang tiến hành công việc mà mình cần phải làm. Ðiều này rất chi là ngớ ngẩn, bởi vì hiển nhiên quí vị phải vẫn đang làm cái việc mà quí vị cần phải làm. Vả lại dẫu quí vị có thật sự đang không làm cái việc ấy đi nữa thì quí vị vẫn cứ phải tuyên bố là quí vị đang làm cái việc mà quí vị cần phải làm. Nói chung sẽ đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều nếu cán bộ chủ trì cuộc họp đứng lên yêu cầu: "Ai vẫn đang làm cái việc mà mình cần phải làm, đề nghị hãy giơ tay lên!" và cuộc họp chắc chắn sẽ diễn ra không quá năm phút, kể cả thời gian tán gẫu. Ðáng tiếc là chính phủ Hoa Kì đã cấm cách làm này.
2. Họp nhắm vào một mục đích nào đó. Vấn đề ở đây rất tế nhị bởi vì còn tuỳ vào mục đích họp là gì. Nhiều khi mục đích họp hoàn toàn vô hại, ví dụ ai đó muốn mở cuộc họp để chiếu lên bảng một số hình đồ thị hình tròn hay dẹt rồi cuối cùng phát cho mỗi người một tập báo cáo dầy cộp. Nhiệm vụ của quí vị là ngồi yên ở ghế, thỉnh thoảng tỏ ra là đang quan tâm đến chủ đề, cuối giờ mang tập báo cáo về phòng rồi cho vào sọt rác, trừ phi nếu quí vị là phó Tổng Giám đốc thì quí vị cần ghi tên ai đó vào góc trên bên phải tập tài liệu, ví dụ "Norm", sau đó đưa cho thư kí chuyển cho Norm và quí vị quên tập tài liệu đó đi.
Nhưng cũng có những cuộc họp mà ở đó quí vị phải "đưa ra" một số thông tin và nhận định nào đấy. Vấn đề khi này rất nghiêm trọng, bởi vì điều đó có nghĩa là mọi người muốn được thấy rằng hễ sau này có sự cố sơ sảy gì thì quí vị sẽ phải gánh chịu đâu đó vài phần trách nhiệm. Vì thế quí vị phải nhanh chóng tìm cách chuồn trước khi mọi người đinh đặt câu hỏi. Cách tốt nhất là để cà phê rớt ra quần. Nếu không thể làm như vậy thì quí vị hãy nói rằng quí vị cần phải nhận một cú phone từ một nhân vật đặc biệt quan trọng, ví dụ Tổng Giám đốc, hoặc Tổng thống, hoặc người hành tinh khác.
Quí vị cũng cần phải học cách ghi chép trong cuộc họp. Hãy mua một quyển sổ đẹp bìa đỏ chữ vàng. Tại dòng trên cùng trang giấy, quí vị hãy ghi ngày tháng thật rõ ràng, sau đó gạch đít hai lần bằng bút đỏ. Bây giờ đến lúc ngồi đợi nhân vật quan trọng nhất lên phát biểu, ví dụ như sếp của quí vị. Khi đó quí vị phải chăm chú lắng nghe, tỏ ra là mình đang nuốt từng lời của sếp dường như đó là những lời vàng ngọc được thốt ra từ một cái miệng minh triết như thể là để mở toang cánh cửa kì diệu dẫn đến một thế giới thiên đường kì vĩ. Quí vị ghi lại tóm tắt, gạch đầu dòng những lời vàng ngọc ấy, sau đó cẩn thận đóng khung nổi bật và phệt bút phớt nhớ dòng màu đỏ thật rõ ràng.
Nếu bài thuyết của sếp kéo dài quá mà ai đó nhỡ ngủ mất và mấy vị khác bỏ ra về, thì quí vị hãy chạy ra phố đón ngay một tốp người qua đường xa lạ nhất ngồi vào thay thế.
Cũng đừng quên yêu cầu họ vỗ tay khi bài thuyết kết thúc.