Vừa nhón một trái sơ-ri bỏ vào miệng, Bích Đông vừa hỏi: - Thằng cha này ăn cơm tháng ở đây hả Đàn? - Mày muốn nói thằng cha nào? Hất mặt về phía Giang, Đông hạ giọng: - Thằng cha ngồi nhơi nhơi một mình ở cuối phòng kìa. Không trả lời Bích Đông, Đàn hỏi lại: - Mày biết... lão à? - Biết! Nhưng không nhiều lắm. - Vậy tao cho mày biết thêm một chi tiết nữa: lão đang trọ ở nhà tao đó. Bích Đông trợn mắt: - Dì Ngọc mày thay đổi tư duy rồi sao? Bạch Đàn so vai: - Muốn kiếm được tiền trước hết phải thay đổi tư duy. Dì tao cho lão ta mướn phòng của Hiền Thục. Thế là lợi cả hai mặt, vừa thu tiền vào, lại khỏi nghe đồn bậy. Đêm hôm có đàn ông con trai trong nhà cũng đỡ lo trộm đạo. Bích Đông nheo mắt: - Và biết đâu lại kiếm được thằng cháu rể tương lai. Nói thật, anh ta trông đâu có tệ. Trái lại, bộ mặt lầm lì càng làm khối đứa chết mê. Model bây giờ tụi nó thích yêu người lầm lì, lạnh lùng, bí hiểm như hắn vậy đó nghe. - Yêu mà cũng có model? Thật khó tin! Mày biết lão ta vì mày đang kết model này, phải không? Bích Đông vênh váo: - Phải thì sao nào? - Thì tao sẽ tạo điều kiện cho... hai trẻ gặp nhau mà không tính thù lao. - Thôi đi con quỷ! Mai Ly nó xé tao như xé gà trộn gỏi bây giờ. Anh Giang là bồ nó đó. Bạch Đàn kêu lên: - Thật hả? - Thất vọng rồi phải không? - Ờ! Nhưng thất vọng giùm mày. Bích Đông bật cười. Cô lại cho một trái sơ-ri nữa vào miệng rồi hất hàm hỏi Đàn: - Sao mày không dạy chỗ vừa rồi? Bạch Đàn xụ mặt xuống: - Tại tao không đủ trình độ trong khi học trò thì như ngáo ộp. Gia đình đó lại chê tao bé tí, làm sao dạy thằng nhỏ... tồng ngồng nhà họ được. Tốt hơn hết tao bỏ về cho xong. Để dạy không nên thân, mày lại mang tiếng. Bích Đông trách: - Vậy sao mày không nói với tao lời nào hết vậy? - Biết nói gì bây giờ? Tao định chiều nay tới nhờ mày kiếm nơi khác đây. Mày còn một chỗ dạy kèm ba đứa lớp 7 không? Lắc đầu, Bích Đông ngán ngẩm đáp: - Chỉ có chỗ thằng bé "cao niên" đó thôi. - Nhưng họ không chịu tao mà. Đông hỏi vặn: - Họ trả lời dứt khoát với mày rồi hả? Bạch Đàn gật đầu như máy: - Ờ! - Xạo! Tao không tin. - Tao dối mày làm chi. Bích Đông nhíu mày: - Nếu bây giờ họ yêu cầu mày tới dạy, mày có đồng ý không? Bạch Đàn lắc đầu: - Tao ớn thằng cha học trò đó quá. Lẽ ra, hôm trước mày phải nói về Đại để tao chuẩn bị tinh thần. Anh ta làm tao quê dễ sợ! - Tao biết gì về anh chàng ấy. Mãi tới hôm nay, anh ta đến nhà, tao mới hết vía khi nghĩ mày phải dạy dỗ người đáng tuổi anh Hai mày như thế. - Vậy mà lúc đầu tao ba chớp ba nhoáng gọi anh ta là "em" đó... nghĩ lại thấy buồn cười thiệt! Bích Đông khoát tay: - Tóm lại, mày sẽ tới dạy cho Đại chớ? Anh ta muốn học lắm đấy! Nếu không, đâu phải khẩn trương nhờ tao chuyển lời xin lỗi tới mày. À! Đại còn gởi tập vở cho mày kiểm tra trình độ trước khi nhận anh ta làm đệ tử nữa nè. Thấy Đàn nhăn nhó, ngần ngừ, Bích Đông chắc lưỡi: - Còn do dự quái gì! Lương ở đây gấp hai những chỗ khác, lại gần nhà, mày không dạy, tao kêu con Quyên, nó nhận liền. Bạch Đàn thở dài: - Hay là để Quyên dạy đi. - Mày điên rồi! Bây giờ khó kiếm học trò lắm, ngu sao mà nhường cho nó. Tao hỏi thật, mày sợ cái gì? Anh ta già đời nhưng dốt. Mày nhỏ tuổi nhưng có ăn học thì phải vận dụng chữ nghĩa để làm hắn nể mình chứ. Ai lại sợ kẻ rỗng đầu, rỗng ruột bao giờ. - Tao không sợ nhưng tao ghét. Bọn giàu mà dốt, thấy ghét đến mức nào mày không biết đâu. Bích Đông nhún vai: - Công việc là công việc. Đặt vấn đề ưa hay ghét vào là ngu khi họ không cần mình, mày có ưa hay thậm chí si mê, yêu điên cuồng cũng vô ích. Mày nên dạy ở đó. Tao thấy Đại cũng được, anh ta hoạt bát, mềm mỏng và rất tế nhị nên mới đến tìm, nhờ tao năn nỉ mày dùm. Đàn kêu lên: Anh ta mà mềm mỏng, tế nhị? Mày lầm rồi! Tại sao Đại không tới trung tâm luyện thi, hoặc một lớp bổ túc ban đêm nào đó? - Mày lại giỏi đoán mò. Ban ngày, Đại có tới các trung tâm luyện thi. Ban đêm, anh ta rảnh, gia đình sợ Đại đi quậy, nên mới mướn gia sư để... kềm kẹp đó chứ. Lấy trong túi xách ra hai quyển vở, Đông đẩy về phía Bạch Đàn: - Tập của Đại. Mày cứ xem thử rồi dạy hay không cũng đến trả lời với anh ta. Tao về đây, chiều lắm rồi. Đưa Bích Đông ra cổng xong, Đàn lại trở vào với chồng chén bát, nồi niêu. Cô cố không ganh tỵ khi bọn Huệ đang sửa soạn đi xem biểu diễn thời trang. Mang tiếng là dân thành phố nhưng hầu như chưa bao giờ Đàn được đi xem những chương trình ca nhạc, hay những hình thức biểu diễn khác, chỉ vì giá vé quá đắt. Với cô, giải trí nghĩa là xem tivi, hoặc nghe nhạc từ cassette cũ kỹ của anh Triết, nhưng Bạch Đàn cũng chẳng có thời gian để... giải trí như vậy. Bích Đông hay Ngọc Quyên cũng thế. Bọn nhà lá của cô suốt ngày đầu tắt mặt tối vì học, vì dạy và vì trăm ngàn công việc linh tinh khác để có tiền. Nếu Đàn được sống sung sướng như Huệ nhí hoặc những sinh viên khác chắc cô đây hay cáu gắt và ganh tỵ so bì với những người xung quanh. - Bạch Đàn ơi! Giật mình vì bị gọi lúc đang thả hồn vào cõi... trầm luân, cô ngước vội lên và ngạc nhiên khi thấy Giang cười. Đó là nụ cười tươi rói đầu tiên cô nhìn thấy ở anh ta. Chắc định nhờ vả gì đây thôi. Cô đứng dậy, giọng khô khan: - Chuyện gì vậy anh Giang? - Tối nay em có đi dạy không? Bạch Đàn khe khẽ lắc đầu. Vẫn chưa biết ý định của Giang, nên cô hết sức đối phó khi nghe anh nói tiếp: - Tôi có hai vé xem biểu diễn thời trang nhưng không đi được. Nếu em thích xem thì rủ một người bạn nào đó cùng đi cho vui. - Sao anh không xem? Giang hờ hững đáp: - Tôi nghĩ các cô thích loại hình này hơn đàn ông. Bạch Đàn châm biếm: - Nghĩa là anh cũng thích nhưng lại có lòng nghĩ tới người khác? Rất tiếc, tôi không đi được. Anh nên tặng các cô kia, họ đi được, họ thích lắm đó. Họ sẽ chuyền tai nhau lời ngợi khen anh là người hào phóng. Giang cau mày: - Chỉ là hai vé hát nhỏ nhoi thôi, nhưng nếu em nghĩ tôi tặng ai cũng được thì lầm to rồi đấy. Anh ta đi rồi mà Bạch Đàn vẫn còn đứng chết. Cô đúng là vô duyên quá mức. Người ta có ý tốt, mình lại khước từ bằng những lời khác nào khiêu khích. Nghĩ cho cùng, tới giờ phút này, Giang vẫn chưa làm gì không phải với cô. Trái lại, anh luôn lịch sự hơn những người ăn cơm ở đây. Anh chưa bao giờ lớn tiếng cau có, cự nự khi bị trễ cơm, đôi lúc Giang còn giúp cả mẹ và cô dọn dẹp nhà bếp, một việc làm mà cả bạn con gái cũng chẳng đời nào đụng tay, vì họ nghĩ: tội vạ gì, khi ta đã bỏ tiền ra ăn cơm tháng. Tội duy nhất của Giang là lầm lì, không bông lơn đùa giỡn và không để ý tới cô gái nào trong khu nhà trọ này hết, kể cã Bạch Đàn. Có phải tại anh không tán cô như những người khác nên Đàn ghét anh không? Hay vì những lời Bích Đông nói lúc nãy? Chả lẽ Đàn sợ mình... bị kết model với tuýt người lầm lì, bí hiểm, nên từ trong vô thức cô đã tuôn ra những câu khó nghe vừa rồi. Hay tại bản thân Bạch Đàn quá nhiều tự ti, nên khi Giang thật lòng muốn tặng vé hát là cô đã tự ái đến mức nói lời khiêu khích. Nhưng vì lý do gì chăng nữa, thái độ và cách cư xử của Đàn vẫn là lỗ mãng, là không nên. Bực bội với chính mình, Bạch Đàn đưa tay mở robinê hết cỡ. Tiếng nước chảy ào ào chẳng làm dịu được sự căng thẳng trong đầu cộ Việc gì phải nghĩ ngợi dữ thế? Bất quá, anh ta cũng chỉ như những gã sinh viên khác thôi, tại sao cô lại phải bận tâm chứ? Từ khi biết suy nghĩ tới bây giờ, Bạch Đàn luôn luôn có định kiến với bọn mày râu. Cô không bao giờ cởi mở, thân mật hay nghĩ tới một chàng trai nào hết. Với cô, mẹ và dì Ngọc là hai điển hình sống thiết thực, gần gũi nhất để Đàn đủ sợ mà xa lánh đàn ông. Bạch Đàn chưa hề biết mặt ba mình, thấy bạn bè có ba, Đàn hỏi, mẹ lững lờ bảo rằng: ba ở rất xa, đâu tận bên Mỹ. Lớn lên, Đàn không hỏi về ông nữa. Cô đủ khôn để hiểu mình là một đứa con không cha và cô cay đắng chấp nhận điều đó. Hai mẹ con sống chung với dì Ngọc từ hồi nào Đàn cũng không nhớ rõ. Cô chỉ biết dì Ngọc, anh Triết là hai người thân duy nhất của mẹ con cô. Dì Ngọc bị chồng bỏ lúc anh Triết được bốn tuổi. Người đàn ông đó vẫn có lương tâm hơn ba của Đàn, nên khi bỏ đi, ông ta có để lại mấy cây vàng cho dì nuôi con. Nhờ vậy, dì Ngọc mới mua được miếng đất này và xây nhiều phòng cho sinh viên trọ. Cuộc sống của dì xem ra nhàn hơn mẹ cô. Nhưng về tinh thần, mỗi người luôn có một nỗi đau riêng, dai dẳng và âm ỉ. Chính nỗi đau đó làm Bạch Đàn lo sợ khi nghĩ đến tình yêu... Lúc nào cô cũng giữ ý định "ở vậy" với mẹ cho tới già, tới chết. Bích Đông vẫn cười ngạo cô về chuyện yêu đương, bồ bịch. Nó bảo rằng: "Đố mày thoát khỏi lưới trời... " Bạch Đàn vươn vai đứng dậy. Nhất định cô không ngu dại chui đầu vào lưới. Từ xưa tới giờ, cô luôn để lý trí dẫn dắt, suy tính mọi việc, và chưa lần nào cô thất bại. Bạch Đàn đã tự huấn luyện nên tin chắc trái tim mình tồn tại để tuần hoàn máu chớ không phải để yêu. Cô ghét... yêu lắm! Yêu để khổ như mẹ, hay chết non như Hiền Thục thì yêu làm gì? Điều quan trọng nhất đối với Bạch Đàn là kiếm được thật nhiều tiền để phụ mẹ và để học hành. Muốn vậy, chắc cô phải nhận lời dạy anh chàng Đại quá. Rầu rĩ chớ không phấn khởi như những lần tìm được chỗ dạy trước đây, Đàn miễn cưỡng lấy vở của Đại ra xem... Cô vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh ta đã học lớp 12 cách đây sáu năm, vào thời đó, Đàn mới chỉ là con bé học lớp 7, lớp 8 mà thôi. Những trang vở sạch đẹp với nét chữ rắn rỏi nhưng bay bướm của đàn ông cứ lần lượt hiện ra trước mắt cô. Rất nhiều bài tập có điểm mười chứng tõ Đại không dốt như Bích Đông và cả cô tưởng. Anh học giỏi nhưng tiếc là quyển vở còn gần phân nửa giấy trắng chưa viết. Lý do gì khiến Đại thôi học khi nhà anh giàu thế kia? Rồi sáu năm, sáu năm dài bỏ chữ bỏ nghĩa, động cơ nào khiến anh học lại? Chắc chắn Đại không tự nguyện tìm đến sách vở đâu. Vì nếu muốn học, không đời nào anh lại đùa cợt với cô ngay buổi gặp đầu tiên như vừa rồi. Xem hết những quyển tập của Đại, Bạch Đàn bắt đầu coi lại bài vở của mình. Dù chưa quyết định dứt khoát sẽ dạy Đại hay không, nhưng cô vẫn phải học để khỏi suy nghĩ đủ điều như từ chiều tới giờ cô vẫn nghĩ. Xách xâu chìa khóa và cái đèn pin theo, Bạch Đàn bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, đóng cửa của mình. Đêm nay cô đóng cửa trễ vì phải đợi những người đi xem biểu diễn thời trang về hết. Không khí sôi động bàn tán với những người mẫu trong các phòng đã lắng xuống. Có lẽ chả còn ai chưa về nữa đâu mà chờ. Cô vừa đưa tay khép cánh cổng sắt vừa cũ vừa nặng thì Giang lách người vào, theo sau anh là Huệ nhí. Mặt con bé hí hửng trông thật dễ ghét. Liếc Bạch Đàn một cái như xem thái độ cô ra sao, Huệ õng ẹo nói trỏng: - Đêm nay thật đáng nhớ. Cúi xuống móc ổ khóa vào khoen, Đàn không nghe anh nói gì, nhưng cô biết chắc Giang đi vào trong với Huệ. Con bé sợ ma ấy làm sao dám băng qua khoảng sân vắng một mình. Nó càng vờ vịt yếu đuối hơn nữa, khi kế bên là một anh chàng lầm lì đầy phong độ, đúng kiểu mẫu người tình lý tưởng... thời trang. Bỗng dưng, cô bĩu môi khinh bỉ. Hóa ra bề ngoài lạnh lùng ngạo mạn của Giang chỉ là một thứ model để câu gái. Ngày xưa Hiền Thục từng yêu cái vỏ ấy đến chết, con nhỏ Huệ thừa biết chuyện này, nhưng vẫn nhắm mắt lao vào. Thật kinh khủng khi cả con bé Mai Ly nhà giàu nứt vách cũng rơi vào tay anh ta. Giang có đàng hoàng tử tế đâu mà anh Triết giới thiệu chớ? Bạch Đàn càng khó chịu hơn khi nghĩ tới chuyện hai tấm vé đi xem biểu diễn thời trang. Anh ta tưởng cô giống như Huệ hay sao? Thái độ của Đàn hồi chiều ra không quá đáng chút nào hết. Anh ta đáng bị đối xử như thế. Quay người lại, Đàn sững sờ khi thấy Giang còn đứng đó. Cho hai tay vào túi áo lạnh, Bạch Đàn bước đi. Rồi không hiểu sao, cô đứng lại, hỏi trỏng: - Chương trình hay lắm phải không? - Chắc là vậy. Bạch Đàn bắt bẻ: - Sao lại "chắc là" nhỉ? Giang ngước lên nhìn các tàn lá đêm đã xếp cánh ngủ trên cao rồi mới trả lời cô: - Tôi đoán vậy. Và cô bé lúc nãy cũng khen hay. - Tôi chỉ nghe Huệ bảo đêm nay thật đáng nhớ thôi. Giang nhún vai: - Tôi lại không nghe câu đó. Có lẽ cô ấy nói với riêng em. - Vậy sao? Anh đúng là cao siêu. Cô vừa dợm bước, Giang đã gọi: - Bạch Đàn! Hình như em ghét tôi lắm thì phải? Bất ngờ vì câu hỏi của anh, Đàn lúng túng: - Anh nói vậy với ý gì? Giang thản nhiên: - Nghe đồn phụ nữ trong gia đình em rất ghét đàn ông nên không bao giờ cho nam sinh viên ở trọ. Tôi là trường hợp ngoại lệ duy nhất, vì tôi được Triết "bảo lãnh" phải không? Nhìn Giang với cặp mắt dữ dội, Đàn nói: - Ai nói với anh? - Thì... Triết chớ ai. - Anh Triết không có thói quen ăn nói bừa bãi. - Em nhận xét rất đúng. Điều này chứng tỏ những điều Triết tiết lộ với tôi là nghiêm túc, là sự thật. Bạch Đàn cau mày: - Đó là suy nghĩ của anh. Suy nghĩ của một người từ nhỏ đã phải sống trong thế giới phụ nữ, mà ảnh luôn muốn thoát ra, khi thấy lúc nào mình cũng bị quan tâm quá mức. Mẹ biết ảnh từng nói vậy với người... dưng, chắc chắn sẽ rất giận. - Em không mách lại, làm sao hai dì ấy biết được? Liếc xéo Giang một cái, Bạch Đàn nói: - Tôi sẽ mách đấy, và người đầu tiên bị rầy là anh. Thật đáng đời! Giang bật cười: - Con nít khi bị ăn hiếp thường mách người lớn để nhờ "trừng trị" kẻ ăn hiếp mình. Không ngờ em lại sợ tôi đến như vậy. Bạch Đàn nóng mặt, cô những tưởng Giang ít lời, ai dè anh ta cũng già mồn gớm. Cô chưa chuẩn bị tinh thần để "đấu khẩu" với Giang nên ức vô cùng khi bị anh trêu tới tấp. Thấy Đàn làm thinh, Giang nghiêng nghiêng đầu: - Tôi đùa cho vui mà em cũng giận sao? Mặt Bạch Đàn nghiêm lại: - Tôi không biết đùa. - Bởi vậy, tôi mới tập cho em biết. Đàn này! Không biết đùa mau già, mau xấu lắm đó. Bạch Đàn trả đũa ngay: - Còn suốt ngày lầm lì không nhìn tới ai ngoài bốn bức tường lặng câm thì hay ho gì? Giang tủm tỉm cười: - Cám ơn em đã nhắc nhở điều này. Thú thật, tôi không có duyên ăn nói nên mới phải lầm lì. Ở đây, ngoài hai dì và em ra tôi đâu có quen ai nữa. Đôi lúc muốn bắt chuyện, lại thấy em khó đăm đăm, tôi quê quá rút vào phòng đóng cửa chờ hết một ngày cho rồi. - Xì... làm như anh hiền lắm! Không quen ai thật không? Đàn chợt nín ngang khi thấy câu hỏi vừa rồi có hơi quá đáng. Cô chưa đủ thân thiết để hỏi như vậy. Giang nhíu nhíu mày: - Em nói tới Huệ chớ gì? Cô bé ấy là trường hợp khác. Tôi hoàn toàn không quen cô ta. Mãi vừa rồi, Huệ nhắc tôi mới nhớ là đã từng gặp Huệ... Bỏ hai tay vào túi, Bạch Đàn hỏi: - Sao lại phân trần với tôi nhỉ? Giang không trả lời. Anh ngẫm nghĩ gì đó một hồi rồi ngập ngừng hỏi: - Căn phòng tôi đang ở có gì đặc biệt hơn những phòng khác không? Bạch Đàn lững lờ: - Điều này anh phải... rõ hơn tôi chứ. Giang ngơ ngác: - Rõ về cái gì? Tôi có biết gì đâu? Đàn hỏi gặng: - Thật không? Giang tỏ vẻ khó chịu: - Là người ở trọ, tôi muốn tìm hiểu phòng mình đã thuê. Điều ấy hoàn toàn nghiêm túc. Nhưng hình như em không thích giải đáp thắc mắc của tôi? Bạch Đàn cắn môi: - Anh thắc mắc về chuyện gì mới được cơ chứ? - Các cô ở đây nói với tôi cố ý trọ căn phòng đó để ngày đêm được gần gũi với người yêu đã chết. Vậy nghĩa là sao? - Thật sự anh không biết à? Giang lắc đầu, Bạch Đàn tiếp: - Trước đây phòng đó có một cô gái trọ. Cô ấy đã tự tử chết vì thất tình. Bộ anh Triết không nói chuyện này với anh sao? - Không! - Nhưng chắc anh quen chị Hiền Thục? - Làm sao tôi quen được. Cô ấy là ai? Bạch Đàn thủng thỉnh trả lời: - Huệ nhí loan tin cho cả khu tập thể nữ biết rằng Hiền Thục là người yêu của anh. Thục tự tử chết vì anh đã phụ tình chị. Chị ấy chết trong phòng đó đó. - Trời ơi! Thật là kinh khủng. - Anh sợ rồi sao? - Phải! Tôi sợ đầu óc tưởng tượng siêu phàm của các cô quá sức. Hèn chi, hôm ở nhà ăn Huệ nói bóng nói gió những câu thật khó hiểu... Bạch Đàn nhấn mạnh: Khó hiểu nhất là người yêu của Hiền Thục cũng tên Giang. Anh ta không đến đây bao giờ, nên tôi chỉ nghe tên chớ chưa thấy người. Thành thật khai báo đi. Phải anh không? - Đừng có đùa với người đã chết! Tôi không quen Hiền Thục thật mà! Bạch Đàn hỏi tới: - Nhưng chắc anh biết Mai Ly? Con bé hay cột tóc đuôi ngực ấy! Giang làm thinh, Bạch Đàn mai mỉa: - Anh biết Mai Ly vì con bé còn sống, Hiền Thục chết rồi nên anh đâu có quen chị ấy. Thật đáng sợ! Đêm nay anh sẽ khó ngủ đó. Đúng là "ma đưa lối quỷ dẫn đường" nên nhè ngay căn phòng "người xưa" đã chết mà mướn ở. Giang chắt lưỡi: - Em độc miệng thật! Tôi đâu làm gì... nên tội mà phải khó ngủ. Đã biết lý do tại sao mọi người cứ nhìn mình như quái vật, tôi sẽ ngủ ngon hơn là khác. Nhưng tôi sẽ yêu cầu dì Ngà, dì Ngọc, rồi em thanh minh với các cô là tôi và Hiền Thục chưa hề quen biết, căn phòng tôi ở không có ma... Bạch Đàn nheo nheo mắt: - Đương nhiên phòng anh ở không có ma, chuyện này chúng tôi đã nói với mọi người hàng trăm lần rồi. Bây giờ anh đang trọ trong đó, anh lên tiếng người ta mới tin chứ, sao lại yêu cầu chúng tôi? Còn vụ anh và Hiền Thục ấy hả? Nhỏ Huệ... tung tin này, anh bắt nói đính chánh. Tôi chỉ là người nghe thôi, lấy cơ sở nào để thanh minh... thanh nga cho anh. Biết đâu anh là người từng làm Hiền Thục đau khổ đến mức tự tử thật thì sao? Giang hậm hực: - Em đúng là trơn tuột như con lươn. Thú thật, tôi không hiểu nổi một con người cởi mở, vui tính, dễ hòa đồng hay giúp người khác như Triết sao lại có thể có cô em lạ lùng thế này? Dứt lời, anh ta bỏ đi thật nhanh. Bạch Đàn trừng mắt nhìn theo, lòng tức anh ách. Hừ! Hắn ta dám so sánh cô với lươn, con vật cô ghê sợ nhất. Ý hắn muốn nói cô lẩn tránh trách nhiệm trước những lời người ta đồn đãi về hắn chứ gì? Bọn nhò Huệ sẽ nghĩ gì khi tự nhiên cô đứng ra bênh vực Giang? Kéo cổ áo lạnh lên cao cho ấm. Bạch Đàn tiếc... công đứng dưới sương đêm để nghe Giang lên giọng dạy đời. Cô xách đèn pin đi quanh sân nhà. Ngang phòng Giang, Đàn thấy đèn vẫn thắp sáng, cửa mở và anh đang bắc ghế ngồi ngoài hiên với điếu thuốc cháy đỏ trên tay. Bạch Đàn hả hê nghĩ: "Hừ! không ngủ được rồi. đáng kiếp" Làm như không thấy anh, cô tiếp tục lia đèn vào những chỗ tối trong vườn một cách chăm chú. Hôm nay là ngày gì mà cô phải bận tâm tới hai gã đàn ông, và gã nào cũng đáng gờm đáng ghét hết vậy? Bước vào nhà, Bạch Đàn còn ráng nhìn về phía phòng của Giang thêm một lần nữa. Cô thấy nơi ấy đèn vẫn sáng, cửa vẫn mở, anh vẫn còn ngồi ở hiên với đốm lửa cô đơn trong đêm. Ngoài sân như có tiếng lá rụng thật nhẹ. Nhẹ như một tiếng thở dài. Bỗng dưng Bạch Đàn nghĩ tới Hiền Thục... Chắc chị ấy đang khóc vì nghe Giang nói không hề quen mình. Nhưng thật sự anh có phải là người chị đã yêu không? Tự nhiên Bạch Đàn thầm mong Giang là người khác, chưa hề biết Hiền Thục là ai. Tại sao cô mong như vậy? Chắc tại Đàn lo ở thế giới bên kia Hiền Thục đã buồn vì đơn độc, lại phải buồn hơn vì thất vọng. Cũng như Đàn sợ phải ghét thêm chút nữa người cô đã không ưa. Bên dãy phòng nữ, giọng khàn đục của ai bỗng vang lên bất ngờ. - Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa... Tội nghiệp trái tim mù lòa của Hiền Thục. Nếu biết chết chỉ tổ khổ cho ba mẹ mình, còn gã đàn ông tên Giang nào đó vẫn tỉnh bơ chắc Hiền Thục đã chẳng tự tử làm gì cho uổng phí cuộc đời.