XX. Thứ bảy, mồng 1 tháng 7 Hôm nay đi chơi Saint Cloud, cách Paris chừng 15 cây-lô-mét. Tỉnh này nhỏ, nhưng địa thế đẹp, nhà cửa xây thành từng lớp ở sườn các cao nguyên, bên tả ngạn sông Seine, cảnh rừng, núi, sông, rất ngoạn mục. Ở Saint Cloud trước có một cái cung vua chúa ở, nhưng hồi trận năm 1870 cung bị cháy. Ngày nay chỉ còn có cái vườn ngự uyển là chỗ khách du lịch thường đến xem. Vườn ngự uyển rộng ngót 400 mẫu tây, cây cối rậm rạp như cái rừng ở trên cao nguyên. Trong vườn có những đình, những tạ, những bể cạn, những rồng phun nước. Có một cái cầu cao như hình cái tháp, gọi là "Lalanterne de Diogène", xây ở đỉnh núi, đi lên do một con đường dốc xây lan can, quanh co khuất khúc, đến mỗi chỗ góc lại nhìn ra một cảnh khác, lên đến nơi thì thu được cả toàn cảnh thành Paris, chỉ thấy những cây xanh rì như rừng rậm, lác đác có một vài cái mái nhà cao. Các vùng chung quanh thành Paris này thật là sơn thanh thủy tú, cũng núi non, cũng rừng nước, nhưng mà nhỏ nhỏ xinh xinh, tươi tươi đẹp đẹp, như một cái vòng hoa bao bọc chốn kinh đô vậy. Người Pháp không tin phong thủy; giá cho thầy địa lý ta xem cái thế đất này, thời chắc ai cũng phải cho là kiểu đất đẹp, gồm được cả cái tú khí của giang sơn, thu được cả cái vượng mạch của địa đạo, thật đáng làm chốn trung tâm của văn hoá một phương cầu.
[1]Tức là đối đáp.[2]Hoa dại.[3]Đau đáu.[4]Cặm cụi siêng năng.[5]Điều hư thói xấu.[6]Tức quan toàn quyền Đông Pháp bấy giờ.[7]Ma rốc.[8]Ba cập: tràn đến, chuyển đến.[9]Hán Việt từ điển Đào Duy Anh dịch ra là nơi ẩn náu.[10]Học rộng.[11]Phá sản.[12]Làm giàu (trí ở đây là làm đến cùng một việc gì đó).
°
Thứ ba, mồng 4 tháng 7 1922 Tối mai đây đã phải diễn thuyết ở Hội Đông Pháp ái hữu. Mấy hôm nay nằm hầm ở nhà để soạn bài, không đi chơi đâu cả.°
Thứ tư, mồng 5 tháng 7 1922 Ông A.V. biên tập ở tạp chí Le Monde nouveau, có chân Hội Đông phương nghe thấy mình sắp diễn thuyết, có viết thư lại trọ muốn mời đến nhà chơi. ông ở đường Saint Germain. Hẹn 11 giờ, nhưng đến nhà thì ông ở toà soạn chưa về, có cụ thân sinh ra tiếp. Cụ trông đạo mạo lắm, ra dáng một bậc túc nho, tuổi đã cao. Nhà này xem chừng một nhà nền nếp, coi cái phong thể trong nhà thì đủ biết. Nói chuyện với cụ chừng nửa giờ thì ông con về. Ông nói ông có quen biết người Đông phương nhiều, như người ấn Độ, người Nhật, người Tàu, nhưng chưa từng được biết người An Nam, nay nghe tin mình sang diễn thuyết bên này muốn làm quen để trước là hỏi về bài diễn thuyết hôm nay để nói trong tạp chí của ông, sau là hỏi về chuyện nước Nam. Nói chuyện đến trưa mới về. Tuy mới quen biết nhau lần đầu mà đã ý hợp tâm đầu có tình thân mật vậy. 8 giờ diễn thuyết ở Kinh tế cục cho các hội viên hội Đông phương ái hữu nghe. Nói về "Thi ca Việt Nam" (La Poésie annamite). Trước khi diễn ông Maitre (nguyên đốc trường Bác Cổ Hà Nội trước) nói mấy lời giới thiệu cho người nghe. Diễn thuyết chừng một giờ đồng hồ. Được lắm. Nói xong nhiều người đưa thiếp danh đến bắt tay mừng. Có một vị phu nhân coi người lịch sự lắm, mời đến mai lại nhà uống nước chè.°
Thứ năm, mồng 6 tháng 7 4 giờ chiều đến chơi nhà bà F. Ở boulevard Maillot, trông ra rừng Boulogne. Bà này quen mình chiều hôm qua, ở cuộc diễn thuyết. Người có chân hội Đông phương ái hữu. Nhà lịch sự lắm. Trong sa-lông bày những thảm cùng đệm, có vẻ đầm ấm. Vào đến nơi thì đã thấy đông người, vì ngày hôm nay là ngày bà tiếp khách, có năm sáu vị phu nhân, ba bốn ông quý khách, chừng là những tay văn nhân tài tử cả. Trong bọn có một người Ba Tư, nghe đâu làm quan ở toà sứ Ba Tư, nói tiếng Pháp thạo lắm, và cách giao tế rất thiệp. Bà chủ người tuyệt nhã; tuổi còn thanh xuân, hình dung yểu điệu, dáng dấp dịu dàng, mà câu chuyện phong phú biết bao nhiêu! Thật là một bà chủ sa-lông theo như lịch sử phong nhã của nước Pháp. Bao giờ cho xã hội An Nam ta cũng có những bậc đàn bà nhã thú như thế? Bà mời ngồi chơi, rồi hỏi chuyện về bên ta, nói về đạo Khổng, đạo Phật, về văn hoá Đông phương Tây phương. Trong bài diễn thuyết hôm qua bà lấy làm thích nhất là chỗ nói về cái tục nam nữ giao ca [1] ở nước ta, bà muốn biết rõ cái cách hát thi ở nhà quê ta thế nào; mình cắt nghĩa cho nghe về cách hát trống quân, hát quan họ, những buổi ngày xuân nhàn hạ, hay những đêm trăng sáng mát mẻ, con trai con gái các làng thường họp nhau trước cửa đình để thi nhau mà ngâm vịnh, dùng những lời thật thà mà tả tấm lòng tưởng vọng, các quan viên làng ngồi nghe, người nào đối đáp khéo, giọng điệu hay mà có ý tứ thời được thưởng; bà cho cái tục đó là tuyệt thú mà nức nỏm khen. Các khách cũng xúm lại nghe chuyện, tựa hồ như cho nước ta là một chốn Bồng lai tiên cảnh, mà dân ta như một bọn mục tử đất Arcadie vậy. Có bà có cái tư tưởng lãng mạn đến ngờ rằng dưới bán đảo ấn Độ Chi na ta có lẽ có một cõi đất ngầm, trước kia đã có hồi văn minh rực rỡ như đất Atlantide ở sa mạc Phi châu, mà sau bị sóng Thái Bình Dương tràn ngập. Lại có bà mơ tưởng rằng các rừng hoang cùng tịch ở nước ta đầy những lâu đài cung điện như Angkor hết cả. Cho hay cái tên Đông phương đối với những nhà lãng mạn Tây phương vẫn còn có một cái thanh hưởng réo rắt ly kỳ. Nhưng những nhà lãng mạn này không phải số nhiều, còn đối với những tay doanh lợi thì Đông phương chẳng qua là một thị trường để tiêu thụ đồ hàng của Tây phương mà thôi, cái tư tưởng này thật khác cái tư tưởng lãng mạn nhiều... - Phu nhân mời khách ăn kẹo để trong một cái tráp tròn đỏ của ta. Phu nhân nói có người bà con ở bên An Nam về biếu cái tráp này, nhưng không biết vốn dùng để làm gì. Mình cắt nghĩa cho nghe là tráp để đựng trầu và cái tục ăn trầu ở nước ta thế nào, "miếng trầu là đầu câu chuyện", là môi giới cho sự vãng lai trong xã hội, sự ái tình của người ta, cử toạ lấy làm thích lắm, cũng cho là một cái tục rất nhã, nói rằng người Âu châu gần đây, - nhất là người nước Anh, - muốn bắt chước Đông phương, khi tiếp chuyện nhau cũng nhai một thứ quế cho thơm miệng, nhưng tưởng cái tục ăn trầu của An Nam còn thú hơn nhiều, vì cách têm trầu, xếp trầu, mời trầu, thật là một cái lễ trang trọng trong cuộc giao tế, chứ không phải là chỉ nhai cho bận mồm thơm miệng mà thôi. Thế mới biết những tục rất tầm thường của mình, có khi cho là những sự phiền, không nghĩa lý, đối với con mắt lạ, cái cảm tình của người nước khác, lại thành ra có ý nghĩa, có phong thú vô cùng. Cho nên thuộc về phong tục tập quán của nước nhà, ta cũng chớ nên nhẹ dạ vội đem lòng rẻ rúng. Khi sắp đứng ra về, mới nhận thấy trên bàn có cái lọ cắm mấy cái hoa giống như thứ hoa sen nhỏ, mà không phải là hoa sen; phu nhân nhìn thấy tủm tỉm cười mà rằng: "Hôm qua nghe ông diễn thuyết thấy nói hoa sen là biểu hiệu người quân tử, nay ông đến chơi, tôi cũng muốn kiếm mấy cái hoa sen để cắm mừng, nhưng tiếc đây không có, chỉ có thứ dã hoa [2] này trông cũng phảng phất, nhưng không có hương có sắc như sen bên quý quốc". Nghe phu nhân nói mới biết cái thịnh tình nhã ý của phu nhân, trong lòng lấy làm cảm phục vô cùng, lúc tiễn về phu nhân còn ân cần nói rằng: "Tôi ước ao khi về bên An Nam ông còn giữ được cái kỷ niệm êm ái về nước Pháp chúng tôi." Nghĩ bụng rằng nếu nước Pháp được những người nhã nhặn như phu nhân cả, và nếu người Pháp ở bên ta cũng được như phu nhân hết, thì ta không thể không đem lòng yêu mến vậy.°
Thứ sáu, mồng 7 tháng 7. Hôm qua ở nhà bà F., có gặp bà nam tước d'E. mời hôm nay đến nói chuyện ở Hội "La Bienvenue française" đường Faubourg Saint Honoré. Hội này là do các bậc quý phái và các nhà danh giá nước Pháp lập lên để đón tiếp và chỉ dẫn cho các khách ngoại quốc sang chơi bên Pháp, quan Thống chế Foch làm hội trưởng, bà bá tước Boas De Jouvenel làm tổng thư ký. Hội sở chính là nhà "Đồng minh câu lạc bộ" (Cercle interallié) lập từ hồi chiến tranh để tiếp các bạn đồng minh nước Pháp. Nhà lịch sự lắm, trong chia ra vô số những sa-lông rộng rãi và trang hoàng thật đẹp. Sau lại có một cái vườn rộng, cây cối um tùm, có vẻ u nhã. Bà nam tước đón vào sa-lông ngồi nói chuyện một lát, rồi mời ra vườn uống nước chè. Trong vườn bày la liệt những bàn cùng ghế, bàn nào cũng đông người ngồi, phần nhiều là khách ngoại quốc. Nam tước giới thiệu mình cho bà bá tước tổng thư ký, bà này coi người vừa có nhan sắc vừa có vẻ lanh lợi thông minh. Hai bà cắt nghĩa cho nghe về mục đích của Hội là trước nhất cổ động cho người các nước có lòng yêu mến nước Pháp mà sang chơi bên Pháp, sau là khách sang đến Pháp thời Hội chỉ dẫn cho những chỗ nên đi xem, giới thiệu cho những người nên quen biết. Hiện ở hội sở có đặt một sảnh thư ký để sưu tập những điều có ích lợi về các loại, phòng cống hiến cho các khách muốn hỏi han việc gì, xếp thành mục để tiện tra cứu, khác nào như một bộ từ điển vậy. Thí dụ như có người khách đến Paris muốn nghiên cứu về hoạ học ở nước Pháp, sẽ mở mục "hoạ học" trong tập ra, đấy có biên rõ ra từng mảnh giấy những tên sở các bảo tàng có tranh đẹp, ngày nào giờ nào xem được, những nhà riêng có tranh đẹp, những tay danh hoạ sẵn lòng tiếp khách đến xem nhà hay sẵn lòng chỉ dẫn cho hoặc giúp cho trong sự nghiên cứu, vân vân. - Về các loại khác cũng thế, mỗi loại có một tay chuyên môn hay một bậc danh giá đứng chủ trương, như mục "Hoạ học" thì ông Besnard có chân Hội "Mỹ thuật bác sĩ"; mục "Báo quán" thì ông bá tước De Nalèche, chủ báo Les Débats; mục "Các thư viện và các hội học" thì ông Pereire, tổng thư ký Hội các quan viên tòng sự các thư viện nước Pháp; mục "Nông nghiệp" thì ông Ricard, nguyên Nông bộ tổng trưởng; mục "Thuộc địa" thì ông Gourdon, nguyên Học chính Giám đốc ở bên ta, v.v.. Các mục xếp theo thứ tự A B, mỗi khoản biên ra một cái "phích" (fiche) riêng, "phích" đặt vào tủ có ngăn có ô, như mục lục tên sách trong các thư viện, tra tìm dễ lắm. Ai muốn nghiên cứu về việc gì, vào tra trong mục lục sẽ biết hết những nơi có thể đến xem xét, những người có thể hỏi han, bấy giờ muốn đi xem đâu hay muốn đến thăm ai Hội sẽ cho giấy giới thiệu. Không những giới thiệu cho những khách nghiên cứu, mà lại giới thiệu cho những khách du lịch các nơi nữa. Hội có đặt các chi ở các tỉnh, khách định đi xem tỉnh nào thì Hội viết thư cho đại biểu ở chi tỉnh ấy để chỉ dẫn cho. Những người đại biểu của Hội thường thường lại là những nhà quý phái, những bậc sang trọng ở địa phương, nếu gặp khách sang thời có khi đặt tiệc và đón tiếp ở nhà. Hội mới lập vào khoảng giữa năm 1921, đến cuối năm tiếp được mười bọn khách các nước sang chơi Pháp: như tiếp học sinh trường Đại học Harvard nước Mỹ, tiếp các học sinh về môn kiến trúc học nước Mỹ, tiếp các ông giáo Pháp văn ở Mỹ, tiếp các giáo viên Canada và Néo Zélande, tiếp các giáo viên Roumanie, tiếp các giáo viên và học sinh Pologne, tiếp các thân hào Ecosse, tiếp các học sinh nước Afghanistan, các học sinh thành Damas v.v… Nói tóm lại thì Hội này tổ chức đã khéo mà mục đích rất cao, muốn liên lạc cái cảm tình người các nước đối với nước Pháp. Khách du lịch đến đây được giao tiếp với những người trong Hội này tức là được biết bậc thượng lưu xã hội nước Pháp vậy. Tiếc thay mình không chủ ý ở lâu, nên không mong đi lại với các ông các bà đây nhiều. Khi ra về, bà nam tước có ân cần dặn rằng còn ở Paris thời hoặc có cần đến việc gì cứ đến đây, Hội sẽ sẵn lòng giúp.°
Thứ bảy, mồng 8 tháng 7 Sớm đến Kinh tế cục, tiếp chuyện quan Cai trị C. Chiều đến nhà Bảo tàng Guimet thăm ông B. và cô K. là thư ký Hội Đông phương ái hữu. Hai người hôm mình diễn thuyết cho Hội mắc bận không thể lại được, đều lấy làm phàn nàn. Chuyện xong, nhân tiện đi xem nhà bảo tàng một lần nữa. Ở giữa nhà, có một cái thư viện rất nhiều sách về Đông phương. Ở nhà bảo tàng ra, thì luôn đến sở xuất bản Ernest Leroux ở đường Bonaparte, để thăm ông G., chủ bút tạp chí "Đông phương và Tây phương" (Orient et Occident). Nhân ông có viết thư xin bài diễn thuyết về Thi ca Nam Việt để đăng vào tạp chí, nên đến chơi để nói chuyện với ông. – Năm xưa làm việc ở trường Bác Cổ vẫn đã biết tiếng hiệu Ernest Leroux là nhà xuất bản về các sách về Đông phương nhiều lắm, vẫn tưởng là một cửa hàng to, nay đến thì thấy một cái nhà cũ ở một đường phố nhỏ, ngoài cửa không có đề gì cả, đến nơi rồi còn ngợ chửa dám vào, sau nhận đích số nhà mới được vào thì phải trèo lên một tầng gác mới thấy ngoài cửa có cái biển đồng con đề tên Ernest Leroux. Gõ cửa vào thì thấy ở trong có dăm người làm đương soạn sách, buồng giấy ông chủ bút tạp chí "Đông phương" thì lại ở vào bên trong nữa. Còn nhớ bữa trước đi tìm hiệu Hachette và hiệu Armand Colin cũng thế; ai không biết tiếng hai hiệu sách đó, mình vẫn tưởng rằng cửa hàng to lớn, đi ngoài đường tất trông thấy tên hiệu rực rỡ, còn phải dò số nhà làm chi nữa, nên không nhớ số, thành ra đi suốt từ đầu phố đến cuối phố không tìm thấy, sau phải về tra số nhà mới tìm được, thì ra bề ngoài cũng giống các nhà ở khác, không có bày sách vở, không có treo biển hiệu gì cả. Bấy giờ mới biết cửa hàng sách và sở xuất bản khác nhau, hàng sách thì mới bày sách bán, còn sở xuất bản thời chỉ nhận in sách, rồi bán buôn cho các cửa hàng, nên không cần phải bày biện gì. Những sở xuất bản sách phổ thông và sách giáo khoa như nhà Hachette và nhà Armand Colin còn khó tìm như thế, huống một sở xuất bản sách chuyên môn về Đông phương như nhà Ernest Leroux này, khách mua hàng chỉ có một số ít người, không cần phải mở cửa hàng ra phố. Tiếp chuyện ông G. xong, nhân tiện ra mua ít sách khảo cứu về Tàu. Tối ăn cơm ở nhà ông bà V. Từ bữa nhân đến chơi với ông con là André được biết hai cụ, thì hai cụ cũng có lòng yêu mến, cố hẹn làm thế nào tối hôm nay cũng đến ăn cơm để nói chuyện. Hai cụ lại hẹn đến trước giờ ăn cơm để nói chuyện được lâu. Cơm nước xong mãi đến 11 giờ khuya mới về trọ. Nhà này thật là một nhà nền nếp, mà hai cụ thật là người phúc đức quá. Cụ ông rõ là một bậc túc nho, thủa trẻ đã từng làm báo, thường viết trong báo Les Débats, lại có xuất bản sách về Tây Ban Nha, nghe muốn ứng cử vào Hội hàn lâm (ban Luân lý Chính trị học); cụ bà thời người hiền hậu và học thức cũng rộng, lại có ý muốn kê cứu về nghĩa lý Đông phương. Hai cụ sinh được hai người con: người con trai là ông André, hiện làm tổng thư ký bộ biên tập một tạp chí lớn, với một cô con gái chừng ngoài hai mươi tuổi. Hai cụ nói khi ông con trai còn nhỏ chính hai cụ dạy học lấy ở nhà, không cho học trường công, sợ nhiễm lấy những thói xấu, xem thế thì biết hai cụ chăm chút về sự giáo dục biết dường nào. Hai cụ hỏi han về phong tục, luân lý, cách ăn ở trong gia đình xã hội nước Nam thế nào. Mình cũng nói rõ về cái chế độ cũ nước nhà có vẻ thuần túy, có tình liên lạc, có nền nếp, có phong thể, mà bây giờ có ý kém sút hơn xưa. Cụ lấy làm phải và đối với cái tình trạng xã hội nước Pháp ngày nay cũng có cái cảm như thế. Cụ khuyên cứ nên giữ lấy những nền nếp cũ, không nên theo thói thường hay ham mới chán cũ, vì một xã hội không thể một buổi gây dựng nên được, và cái mới chưa chắc đã hơn gì cái cũ. Câu chuyện càng lâu càng có ý vị thâm trầm thân mật. Sau dần dà cụ hỏi đến lịch sử riêng của mình. Mình cũng lấy lòng thành thực đáp lại, kể những nông nỗi linh đinh cô khổ lúc thiếu thời, nhờ bà già nuôi cho đi học, may mà giữ được nghiệp nhà, thật cũng là tổ tiên có phúc; từ khi khôn lớn biết nghĩ đến giờ, chỉ nuôi một cái chí ở trong lòng, là đối với nhà làm thế nào nối được nghiệp của ông cha, đắp được cái nền "sĩ phong" cho xứng đáng để chống đối với những phong trào mới đời nay, đối với nước làm thế nào giúp cho quốc hồn được tỉnh tao để mong cho quốc vận được sáng sủa; cũng biết rằng tài có khi không kịp chí, nhưng khu khu [3] một tấm lòng thành, chỉ sở nguyện có thế mà thôi, còn sự phong lưu phú quý là cái thêm ra ngoài, có thì cũng hay mà không thì cũng chịu, không dám đem cái chí nguyện mà hi sinh cho sự giàu sang. Cụ thấy lời nói thành thực thiết tha, cũng lấy làm cảm động, lại quá yêu khen rằng người ít tuổi mà biết nghĩ xa. Cụ nói: "Cái chí của ông, thật đáng khen mà đáng phục. Thờ nhà, thờ nước, đó là hai cái nghĩa vụ cốt yếu ở đời, mà cả cái nghĩa đời người rút lại dễ cũng chỉ có thế mà thôi. Tôi chúc cho cái gia đình quý báu của ông được hưởng mọi sự phúc lành, cho bõ sự tân cần [4] lúc thủa nhỏ. Tôi chắc rằng vong linh hai cụ thân sinh ra ông ở dưới suối vàng cũng mừng rằng để được trên đời một người con lành có thể nối nghiệp tổ tiên. Tôi lại rất thành tâm mà chúc cho nước Nam được hưởng một cái vận mệnh rỡ ràng tốt đẹp hơn bây giờ, cho thoả lòng những bậc chí sĩ như các ông, và cho xứng đáng cái lịch sử vẻ vang của quý quốc đã mấy nghìn năm." Những lời vàng ngọc đó làm cho mình thổn thức trong lòng, bồi hồi trong dạ, nửa tủi nửa mừng, cảm cái bụng trượng phu đã quá yêu mà kỳ vọng cho như thế, lại thương cái tài hèn, chẳng biết có làm nên chuyện gì không. - Cụ bà thời ân cần hỏi đến lũ trẻ ở nhà, nói rằng: "Thôi, tôi đàn bà, chỉ khuyên ông chăm nuôi dạy lấy bọn nhỏ đó cho thành người, ấy là cái nghĩa vụ thứ nhất. Nhiều con cũng là cái phúc, nhưng thực là gánh nặng. Tôi đã từng nuôi con tôi biết. Các ông đàn ông lo việc quốc gia, lo việc xã hội thế nào mặc lòng, nhưng cốt nhất lo cho gia đình được ấm no, lo cho con cái có giáo dục, thế là có công với nước với đời đó." Lời nói thật cũng chí tình vậy. Người ở cực Đông, người ở cực Tây, tình cờ một buổi gặp nhau, mà nói được những lời chí tình như thế, thật cũng là một sự lạ. Cho hay đạo làm người đâu cũng là một, mà điều nghĩa lý thật là điều chung. Nếu bỏ được những sự thiên kiến bề ngoài, mà tới được chỗ nhân tình cốt thiết, thì dù Đông dù Tây, cũng nhân tâm ấy, há thiên lý nào. Mình may được biết một nhà có đạo đức, có phong thể như thế này, thật là một sự đáng kỷ niệm trong cuộc Âu du này vậy. Hai cụ hẹn đến thứ ba này lại đến ăn cơm trưa nữa.°
Chủ nhật, mồng 9 tháng 7. Hôm nay đi chơi Neuilly, có đường xe điện đến tận nơi. Neuilly là một nơi phố xá đẹp nhất ở ngoại châu thành Paris, về mặt cửa ô Maillot. Người ở phần nhiều là những nhà tư bản, nhà văn sĩ, mỹ thuật, nên nhà cửa đường phố có cái vẻ bình tĩnh êm đềm, phong lưu mà không náo nhiệt. Ở đây đẹp nhất có cái cầu đá cũ, gọi là "cầu Neuilly" của ông kiến trúc sư Perronet dựng ra từ năm 1766 đến 1772; cầu bắc qua sông Seine, có năm cái cuốn, dài cả thảy là 240 thước, coi có vẻ trang nghiêm mà kiên cố. Nhân ông Madrolle có hẹn đến chơi, nên đi dạo qua các phố rồi tìm lại nhà ông ở đường Avenue du Roule. Ông này là một nhà du lịch có tiếng, đã làm những sách "du lịch chỉ nam" về các nước Đông á (Tàu, Nhật, Đông Pháp ta). Những Guides Madrolle đã nổi tiếng, ai cũng biết. Ông lại là một tay bác học nữa, thường nghiên cứu về dân tộc học, đã có bài khảo về các thổ dân ở đảo Hải Nam. Hiện ông đương soạn một cái địa đồ về các dân tộc ở Đông Pháp (Carte ethnographique de l'Indochine), còn dự thảo chưa xong, muốn mời mình đến chơi để đưa xem. Lại đương sửa soạn in tái bản quyển "chỉ nam" về Bắc kỳ của ông, nên muốn hỏi han mấy điều về ngữ ngôn, văn tự, phong tục, xã hội xứ Bắc ta. Ông ở tầng thứ nhì một cái nhà lớn sang trọng lắm. Ông mời vào trong thư viện của ông ngồi nói chuyện. Sách rất nhiều, mà nhiều bộ quý lắm, phần nhiều đóng da bìa cổ, thếp chữ vàng cả. Cái thư viện này cũng là một cái của to. Ông có cho xem mấy bộ du ký của các nhà du lịch, các tay thám hiểm đời xưa, những địa đồ, tranh vẽ cổ quý lắm. Ông này cũng là một nhà hiếu cổ, xem cái cách sưu tập và bảo tồn những cổ thư hoạ thì đủ biết. Nói chuyện giờ lâu về sách vở, rồi ông dẫn đi chơi phố, sau mời vào ăn cơm trưa ở cao lâu. Ăn cơm xong lại mời về nhà chơi, uống nước nói chuyện, cho đến bốn giờ chiều. Phu nhân mới đi vắng về, cũng ra tiếp chuyện. Người lịch sự và nhã nhặn. Ông M. đã sang chơi bên ta nhiều lần, nhưng cách mươi năm nay ông chưa trở lại, muốn biết những sự thay đổi trong bấy lâu thế nào. Mình cũng nói rằng ở các nơi thành thị thì xem ra có ý khởi sắc hơn xưa, phố xá cũng thấy đã mở mang, buôn bán cũng có ý phát đạt, những thói xa hoa đã thấy thịnh hành, cứ bề ngoài mà xét thì có tiến bộ thật, cứ nội dung thì nhân tâm nhân trí hãy còn dở dang lắm, sự giàu có phần nhiều là cái giàu có xốc nổi chửa lấy gì làm chắc bằng, sự khôn ngoan phần nhiều là cái khôn ngoan mánh khoé, chưa lấy gì làm lọc lõi; đến như chỗ dân thôn thì tuy cũng ơn nhờ Bảo hộ được yên ổn hơn xưa, nhưng những lại tệ [5] dân tình vẫn còn nhiều nỗi khó chịu, mà cái vấn đề giáo dục lại là gian nan lắm, bất luận nho học với tây học hơn kém nhau thế nào, có một điều hiển nhiên là xưa kia các con em nhà quê còn có giáo dục, đi đến nơi ngõ hẻm hang cùng còn nghe thấy tiếng bình văn đọc sách, ngày nay tuy trường sơ học cũng thấy lác đác một vài nơi, mà sự phổ thông giáo dục chốn dân thôn hầu như tuyệt nhiên không có vậy. Ông cũng hiểu rằng cái tình thế như thế cũng có điều bối rối, nhưng mong rằng buổi giao thời này rồi sẽ qua được trót lọt vậy. XXI. Thứ hai, 10 tháng 7. Hôm nay là ngày tiệc tháng Hội Địa dư. Hội có mời đến dự tiệc. Tiệc đúng 12 giờ trưa; người dự tiệc tới bảy tám mươi người, toàn là hội viên Hội Địa dư cả. Hội có mời quan Toàn quyền Tây Phi châu Merlin [6] làm chủ toạ. Nhưng đợi đến quá trưa không thấy lại, sau mới có thư đến kiếu, nói rằng hiện còn đương dở hội thương với quan Thượng thư ở Bộ Thuộc địa không thể lại được. Bấy giờ các hội viên mới vào bàn ăn tiệc, ông phó chủ Hội Địa dư là quan sáu De Trentinian, làm chủ toạ thay quan Toàn quyền Merlin. Lúc ngồi đâu vào đấy rồi, một ông phần việc trong Hội đứng lên xướng tên cả các người dự tiệc, đó cũng là một cách giới thiệu lẫn cho nhau biết. Tiệc vui vẻ lắm, mình ngồi cạnh quan sáu De Trentinian và quan sáu Leturc, hai ông đã từng tòng quân ở bên ta, còn nhớ nhiều việc về An Nam. Suốt bữa tiệc chỉ nói chuyện về bên ta. Lệ Hội hễ mỗi khi mời người khách nào dự tiệc, thời người ấy phải đứng lên diễn thuyết chừng mươi lăm phút, muốn chọn đề gì cũng được. Tiệc gần tan, sắp đến mình phải nói đây. Mình đã dự bị sẵn, định nói về Hội Khai Trí ở Hà Nội. Khi dọn đồ tráng miệng thì ông chủ tiệc đứng lên nói mấy lời chúc mừng. Rồi đến ông Tổng thư ký Hội là ông Henri Lorin, đứng lên giới thiệu mình cho cử toạ. Ông này vừa là chân nghị viên, lại vừa làm giáo thụ trường Đại học thành Bordeaux, cũng là một tay học thức và một tay ăn nói, không phải người vừa. Ông tặng cho mình những lời khen quá đáng, song cũng là một cách lễ phép đó mà thôi. Chỉ trách ông một điều, là ông lầm đến nỗi giới thiệu mình cho đồng nhân là một "vị quan to xứ Bắc kỳ!" Chết nỗi! Cái này giá các ngài trong quan trường bên ta biết thì không khỏi buộc cho cái tội "lạm xưng quan tước", có lẽ cũng nặng bằng tội "lạm đeo huy chương" vậy. Nhưng nghĩ lại nếu trong luật có cái tội như thế, thì ở nước mình bây giờ biết bao nhiêu người mắc phải, mà còn đáng tội hơn mình biết bao nhiêu! Ông nghị đây chẳng qua là xét lầm, trông thấy mình ăn mặc súng sính, - vì những hôm đi như thế này vẫn giữ quốc phục, không dám đổi Âu trang, - tặng cho cái tên "quan", cho nó trang trọng, cũng như cái tên "caid", đối với người Ả rập hay người Ma Lặc Kha [7], - nghĩa là vào hạng tù trưởng dân thuộc địa, - tưởng thế là danh giá cho mình lắm, có biết đâu!... Vả lại cái tiếng "quan" ông nói đây nó có một cái nghĩa khác tiếng "quan" như người mình hiểu. Thôi thì ông đã hiểu sai mà tặng khống cho cái danh hiệu hão huyền đó, cũng tạm nhận vậy, không hại gì; vả lúc này cũng không phải lúc nên "cải chính". - Đoạn rồi đến lượt mình đứng lên đọc một bài ngăn ngắn nói về Hội Khai Trí, cử toạ cũng có ý lẳng lặng nghe xem "cái quan An Nam" nói những chuyện gì, nghe xong chắc mới hiểu rằng "cái quan" đây chẳng có quyền cao chức trọng chi cả, chỉ là anh thư ký Hội Khai Trí mà thôi! Nhưng các ông có lẽ cho Hội Khai Trí là có địa vị, có thế lực to tát lắm đấy. Nhất là đoạn mình nói về Hội Khai Trí diễn kịch Molière, có câu rằng; "Người đóng vai toàn là những tài tử An Nam cả, và ăn mặc theo kiểu y phục của quý quốc về thế kỷ thứ 17 (des amateurs annamites habillès à la mode du grand siècle), vân vân”..., xem chừng các ông thích chí lắm, tủm tỉm cười mà vỗ tay ầm lên. Ý giả cho cái giống người ăn mặc lượt mượt như thế này mà bắt chước đóng tuồng Molière được thì cũng lạ thật. - Tiệc xong chuyện vãn ít lâu, làm quen với nhiều người, rồi về trọ, đã ngót ba giờ chiều. Nơi đặt tiệc vừa rồi gọi là "Khách sạn các hội học" (Hôtel des Sociétés savantes), ở đường Danton, tức là một nhà công quán để các hội học đến hội đồng, học tập, đặt tiệc, diễn thuyết, thường ngày ngày tối tối có đông người luôn, có khi hai ba hội họp nhau ở mỗi khu mỗi tầng. Ở Marseille thì có "nhà diễn thuyết của thành phố", ở Paris thì có nhà này; đại khái tỉnh thành nào cũng có những nơi công đồng để tiện cho các cuộc họp hành về đường văn hoá như thế. Ở Hà Nội ta có hội quán Hội Trí Tri và Hội Khai Trí cũng hơi có cái tính cách ấy, nhưng phải chỉnh đốn cho hơn nữa mới được, và hiện nay chỉ hiềm hãy còn ít những cuộc học tập có ích, bất quá thỉnh thoảng có mấy hội "ái hữu" mượn để họp bầu mấy ông trị sự hay bàn mấy vấn đề suông, cũng có lúc nói năng to tiếng, cãi cọ rậm lời, nhưng chưa khỏi cái lối "việc làng", nghĩa là ồn ào lộn xộn mà chẳng nên câu chuyện gì.°
Thứ ba 11 tháng 7. Trưa hôm nay ăn cơm ở nhà cụ ông cụ bà V.. Bữa nay chỉ có một mình, không có khách nào lạ cả. Chuyện trò rất vui vẻ và thân mật. Hai cụ thật có bụng quá yêu mà mình đối với hai cụ cũng một lòng kính mến. Buổi chiều ở trường Đại học Sorbonne có lễ kỷ niệm ông Champollion. Có người quen cho giấy vào xem. Ông Champollion là nhà bác học nước Pháp đã tìm ra trước nhất phép học lối chữ tượng hình cổ của Ai Cập. Năm 1822 là năm ông làm được sự phát minh đó, lại vừa chính là năm ở Paris mới lập ra Hội "Đông phương nghiên cứu Hội" (Société asiatique). Nên lễ kỷ niệm hôm nay vừa là kỷ niệm sự phát minh của ông Champollion, lại vừa là kỷ niệm sự sáng lập ra Hội Đông phương. Chính quan Giám quốc Millerand chủ toạ. Lại các chính phủ, các hội bác học, viện nghiên cứu các nước cũng phái đại biểu đến dự lễ. Trông trên đàn cao về hàng thứ nhất, ở hai bên tả hữu quan Giám quốc, toàn là đại biểu các ngoại quốc cả: người Anh, người Mỹ, người Ý, người Nhật Bản, người Ai Cập, vân vân. Còn khắp trong nhà đại diễn đường Sorbonne, rộng mênh mông như thế, mà ngồi chật cả tầng trên tầng dưới, có tới ba bốn nghìn người. Lễ này xem ra trọng thể lắm. – Lúc cử toạ ngồi đâu vào đấy rồi, ông Senart là hội trưởng Hội Đông phương đứng lên đọc một bài diễn văn thuật về lịch sử Hội, và tán dương cái công nghiệp lớn lao của ông Champollion đối với môn khảo cổ học Ai Cập. Ông Senart là một nhà bác học có tiếng, chuyên trị về ấn Độ học, đã từng làm sách về đạo Phật, thứ nhất là một quyển về "Truyện huyền của ông Phật" (La légende du Bouddha), nói rằng chữ Phật là một tên chung không phải tên riêng, và kỳ thực không có ông Phật, sách này hồi mới xuất bản thiên hạ nghị luận nhiều lắm. Ông có chân viện "Khảo cổ bác sĩ" (Académie des Inscriptions et Belles Lettres), năm nay tuổi đã cao lắm. Tiếng ông nói nhỏ, giọng già yếu, nên ngồi xa không nghe được mấy câu rõ. Nói ở một nơi to rộng như thế này, phải người có tiếng mạnh, và nhiều dư âm thời mới ba cập [8] ra khắp trong diễn đường được. Đoạn đến ông Học bộ tổng trưởng Léon Bérard đứng lên diễn thuyết, thay mặt chính phủ ngợi khen cái công học vấn của Hội Đông phương và ông Champollion. Ông Học bộ này thì nói giỏi lắm, đã có tiếng ở nghị viện là một tay biện thuyết có trí tuệ và có văn chương. Chính ông hiện đương chủ trương về sự khôi phục cổ học Hy Lạp La Mã ở các trường trung học, xem chừng dư luận trong quốc dân có ý hoan nghênh. Người ta cho ông là thuộc về phái "nhà nho" chuộng cổ học. Coi người ông cũng có cái vẻ nho nhã lắm. Nhân nghĩ "nhà nho" Tây họ cũng có khác "nhà nho" mình: họ lanh lợi, hoạt bát, sắc sảo, khôn ngoan, biết đem cái cổ học mà điểm vào cuộc đời nay cho có phong vị nghĩa lý, chứ không phải làm nô lệ cổ nhân; họ là "thông nho", không phải là "tục nho", "hủ nho". Nước ta bây giờ đương phải cần có những nhà nho như thế... Ông Thượng thư nói rồi, đến đại biểu các ngoại quốc. Người Anh và người Mỹ toàn nói bằng tiếng Anh cả, mình chẳng hiểu một câu cú gì, và tưởng nhiều người ngồi đây cũng như mình mà thôi. Đến đại biểu nước Ý thời nói bằng tiếng Pháp, nói cũng dễ nghe, và không có giọng gì là giọng ngoại quốc cả. Thường người Ý Đại Lợi, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, học tiếng Pháp dễ hơn người các nước khác, và khi học đã thông thì nói không khác gì người Pháp mấy, vì mấy nước ấy cùng với Pháp là thuộc về dòng "La tinh" cả, cho nên về đường ngôn ngữ, tính tình, phong tục, xã hội, đều có hơi họ hàng với nhau hết. Nhưng dòng "La tinh" mà đối với dòng "Nhật Nhĩ Man" và dòng "Anh Cát Lợi" thì thật là cách biệt nhau, cứ một cái mô dạng bề ngoài cũng đã khác lắm rồi, không nói đến tính tình ngôn ngữ nữa. Tuy vậy mà về đường chính trị, dẫu cùng dòng cùng giống nhưng vị tất đã cùng lợi cùng quyền, nên họ hàng mà nhiều khi cũng xô xát nhau hơn người ngoài vậy. Hiện nay sự giao thiệp Pháp với Ý cũng chưa lấy gì làm tốt cho lắm. - Người Ý nói tiếng Pháp đã giỏi mà người Ai Cập nói lại giỏi nữa. Mới biết không cứ giống dòng, hễ học đến nơi thì tất phải giỏi. Người Ai cập vốn mến chuộng tiếng Pháp, phàm người thượng lưu học thức trong nước, ai cũng thông tiếng Pháp cả. Khi ông đại biểu Ai Cập, đầu đội cái "mũ ống" đỏ (fez), như mũ người ấn Độ ở bên ta, đứng lên diễn thuyết, ai nấy đều có ý để mắt nhìn, để tai nghe. Ông nói tiếng Pháp y như người Pháp vậy, mà lại có phần rõ ràng dễ nghe hơn nhiều người Pháp. Đại khái nói rằng ngày nay là ngày kỷ niệm ông Champollion, đối với người Ai Cập không khác gì như ngày giỗ một ông tiên sư, nên cái nghĩa vụ của chính phủ, của quốc dân Ai Cập là phải phái người đến dự lễ để tỏ lòng thờ kính một bậc bác học đã có công phát minh ra cái lịch sử vẻ vang của nước Ai Cập, và nhân thể tỏ lòng mến yêu nước Pháp xưa nay vẫn giàu cái lòng hào hiệp giúp đỡ cho các dân tộc nhỏ yếu. Nói đến đấy, cử toạ đều vỗ tay. Ông Ai Cập này nói không những rõ ràng dễ nghe, mà lại có văn chương, có ý tứ, có cảm động, có "ngoại giao". Nghe đâu là một người trong chính giới, chứ không phải trong học giới, chính phủ Ai Cập đặc phái sang để dự lễ kỷ niệm này. - Đại biểu các nước nói xong rồi, thời thấy lẳng lặng cả như sắp xẩy ra một sự gì quan trọng, ai ai cũng chú mục nhìn lên trên đàn cao chỗ các quan khách ngồi. Bấy giờ thấy quan Giám quốc đứng dậy, cử toạ cũng đều răm rắp đứng dậy theo cả. Quan Giám quốc diễn thuyết, ai nấy đều cứ đứng như thế mà nghe, cho đến khi nói xong mới ngồi xuống. Quan Giám quốc nói thong thả, mạnh mẽ, trịnh trọng, uy nghi như nện xuống từng chữ, uốn rõ từng vần, rõ ra cách người quyền quý. Đại khái cũng là biểu dương cái công của các nhà học vấn thường cặm cụi trong chốn thư phòng, nơi học viện mà sưu tầm khảo cứu, người đời nông nổi không biết đến, nhưng thực là nhờ có những người ấy mới hiểu cái lẽ cao thượng ở đời, mới biết đời người sở dĩ làm sao mà không những đáng sống, lại đáng quý đáng chuộng nữa; như thế thì nhân loại đáng biết ơn những bậc ấy lắm mới phải. Những người ấy sinh thời nhiều khi không được hưởng phú quý như kẻ khác, nhưng tử hậu đáng làm bia kỷ niệm muôn đời. Trong lịch sử học thuật nước Pháp thật đã có nhiều những người như thế: ông Champollion đây tức là vào hạng đó, và hội "Đông phương nghiên cứu" lại chính là một nơi lâm tẩu [9] những bậc học vấn yêm bác [10] đã làm vẻ vang cho nước Pháp, cho cả loài người như vậy. - Quan Giám quốc nói xong thời phường kèn của đội "Dân quốc Vệ binh" (Garde républicaine) thổi mấy khúc, thế là lễ xong.°
Thứ tư, 12 tháng 7 1922 Cả ngày hôm nay, đi chơi các phố, xem các cửa hàng, sắm ít đồ vặt. Xét ra đồ hàng bên này, nhiều thứ cũng chẳng rẻ gì hơn bên ta. Là bởi các cửa hàng đây, một khoản "tổng phí" (frais généraux) nặng lắm. Như một cửa hàng vừa vừa, hàng giầy, hàng mũ, hàng quần áo, v.v..., mỗi năm phí về việc quảng cáo cũng kể hàng chục vạn. Lại có hàng dùng cách quảng cáo bằng điện, yết chữ bằng điện ở giữa phố, xoay đi tứ phía được, và cứ khi loè, khi tắt như đèn tháp bể, như thế thời phí tổn biết bao nhiêu. Ấy một mục quảng cáo như thế còn nhiều khoản phí khác nữa. Bấy nhiêu thứ phí rút lại cũng là đổ vào một người mua phải chịu cả, thành ra phải mua đắt. Nay các nhà buôn bên ta, - dù của người Pháp, dù của người Nam mặc lòng, - trực tiếp mua được các hàng hoá ở ngay chỗ chế tạo, dẫu có phải cái phí vận tải tự Tây sang đây, nhưng không phải cái khoản "tổng phí" nặng quá như ở Paris, có thể bán giá không đắt hơn gì bên Tây mấy tí, và có khi lại bán được rẻ hơn cũng có. Tôi nghiệm ra có mấy thứ đồ mua bên này đắt hơn bên ta, lấy làm lạ lắm, xét ra mới biết chỉ vì một cái khoản "tổng phí" đó mà thôi. - Cứ thế mà suy ra thì cửa hàng bên ta đối với cửa hàng Tây ở bên ta cũng như thế. Nói riêng về những cửa hàng của người An Nam buôn các hoá hạng tây, muốn cho địch được với các hàng Tây, chỉ mong ở cái "tổng phí" của mình ít mà thôi. Người An Nam mở một ngôi hàng, thường không phí tổn lắm bằng người Tây, cách trang hoàng bày biện không cần phải sang trọng cho lắm, tiền quảng cáo, công người làm cũng không mất nhiều gì lắm; lại khách mua hàng hầu hết là người đồng bang, mình đã thuộc tính tình, cách giao thiệp cũng dễ. Chỉ phải một điều là mình ít vốn buôn không bằng người, - nhưng vốn ít thì buôn nhỏ, đây không nói sự to nhỏ, chỉ nói sự thua được thôi, - còn thời có nhiều cách tiện lợi hơn người trong việc buôn bán. Thế mà không mấy nhà buôn được phát đạt là cớ sao? Chỉ thấy nay nhà này vỡ nợ, mai nhà kia đảo trướng [11] là nghĩa thế nào? Xét ra là người mình không biết chỗ ưu điểm của mình, mà lại theo vào chỗ khuyết điểm của người. Mình tranh buôn với người chỉ sở cậy ở cái "tổng phí" của mình ít, thế mà ví có người nào nho nhoe mở ngôi hàng thì có độ hai nghìn bạc vốn đã mất nghìn rưởi vào tiền trang hoàng cái cửa hàng, làm cho "choáng" như cửa hàng tây, còn có năm trăm bạc buôn, thì buôn làm sao được. Nay đã thành thân ngôi hàng rồi, nếu cứ trần lực chịu khó mà làm như người Tàu, nghĩa là ông chủ cũng mó tay vào làm, đừng lên mặt "ông chủ" vội, bớt những cái phí thuê mượn đi; lại khéo chiều khách, bất cứ kẻ sang người hèn, vào đến hàng mình cũng là chào hỏi tử tế, đừng lên mặt "văn minh" mà khinh người "nhà quê"; lại đừng làm ra cách buôn bán có giờ như các hàng Tây, từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, lúc nào cửa hàng cũng mở như các hiệu khách vậy; lại trông thấy hàng đắt khách, có cơ phát đạt thời đừng có tự mãn tự túc vội, cố làm cho đạt được cái thuật trí phú [12] ; như thế thì buôn bán gì mà không thành. Nhưng khốn người mình nhiều khi lưng vốn không bằng người Tây, mà lại muốn học đòi cái lối buôn bán "văn minh" như người ta, - "văn minh" đây chỉ là cái "văn minh" tốn tiền mà thôi, cách buôn "văn minh" chỉ là cái cách buôn nặng tiền "tổng phí" mà thôi, - thì địch lại làm sao được. Thiết tưởng cái nghề buôn ta phải bắt chước người Tàu trước đã, vì phép buôn Âu tây chửa chắc đã là diệu, mà lại chưa hợp với tánh tình người mình...[1]Tức là đối đáp.[2]Hoa dại.[3]Đau đáu.[4]Cặm cụi siêng năng.[5]Điều hư thói xấu.[6]Tức quan toàn quyền Đông Pháp bấy giờ.[7]Ma rốc.[8]Ba cập: tràn đến, chuyển đến.[9]Hán Việt từ điển Đào Duy Anh dịch ra là nơi ẩn náu.[10]Học rộng.[11]Phá sản.[12]Làm giàu (trí ở đây là làm đến cùng một việc gì đó).