Nó đen tuyền. Khi về nhà tôi thì nó đã "luống tuổi". Nó lủi thủi. ít khi thấy nó đùa. Đêm mùa rét, khi tỉnh giấc đã thấy nó rúc đầu vào nách tôi. Nó ự... ự... Mẹ tôi gọi nó là ''Mãn''. Gọi thế nghe thương thương. Nhiều đêm mưa gió, nó gào ở vườn xa. Bố bảo: "Nó sắp cho một lứa nữa đấy''. Nó gào tìm đực mà sao lại thảm thiết? Tôi thức đến khi nó thôi gào. Bữa cơm, đánh hơi thấy, thường lệ nó "meo... meo...'' ở góc vườn. Thế nghĩa là nó đã đói meo. Nhưng, có lần nó đi đâu ba ngày liền. Cả nhà mong. Cả nhà lo. Cả nhà nhớ... Sớm, đỉnh chạn có nửa con cá sộp to bằng bắp chân... còn đầm những nước. Tôi "meo... meo", chả thấy nó đâu. Một lát, nhà chú Chàng lao xao: "Con cá sộp to nhất thả ở vại, đậy rổ, đè gạch mà sao mất?". Tôi im lặng và ôm mèo, lo cho nó quá. Đêm ấy, thấy "meo... meo..." ở góc sân, tôi bật dậy. Nó lôi con cá sộp to kềnh về đặt đó ngồi thở. Trời lạnh, khắp mình mẩy nó lấm bê lấm bết. Tôi vuốt ve và dịu dàng bảo nó: "Này, đi đâu lâu thế. Sợ mày đi lang thang thành mèo vườn, thành cáo thì chết. Bắt cá ở đâu thì bắt, đừng bắt trộm nhà người, họ đánh chết đấy. Có ai khiến mày đi trộm đâu". Nó lại ự... ự... như nghe lời rồi rúc vào chân tôi, run như cầy sấy. Tháng sau, có bao nhiêu tiếng "eo... eo..." trong buồng. Nó đẻ một đàn cả mướp lẫn đen lẫn khoang. Cả nhả mừng. Ai cũng vào thăm. Hắn đẻ, nhưng có gì cho hắn ăn lại sức đâu! Được một ngày, tôi vào buồng bỗng thấy những con mèo con đi đâu sạch. Thì ra, mèo mẹ, đã càm con đi giấu. Tưởng giấu đâu, lại giấu ngay ở thùng trấu trong bếp. Nơi mà bữa nào cũng có người lấy rơm rạ đun. Mèo con đã mở mắt, lớn dần. Khi chúng choai choai như thường lệ sau mỗi lứa mèo, mẹ tôi cho tất cả vào thúng đem ra chợ bán. Mèo mẹ về, sục tìm con, gào đến lạc cả giọng mấy đêm, mấy ngày, ai cho ăn cũng không ăn. Ngày một, ngày hai, hắn nguôi dần, kêu gào ít dần, rồi thôi. Khi tôi ở xa thì nó chết bao giờ? Chỉ biết lúc về chẳng thấy mèo đen đâu.