- Con gà nó ở nhà tao nó là con gà con qué. Nó về nhà mày nó thành con đồng đanh đỏ mỏ. Nó mổ người lớn người bé nhà mày! Không biết bà đứng ở đâu bà chửi. Nhưng chắc chắn bà đứng giữa ngã ba ngã bảy, chứ bà chả chịu đứng khuất đâu. Bà đứng cho ai cũng thấy bà. Bà chửi cho ai cũng nghe tiếng. Cả làng, ai cũng quen thuộc tiếng chửi của bà, còn thích nghe hay không thì tôi không rõ. Riêng tôi, tôi cứ thích nghe bà chửi và bà nói chuyện. Người ta đồn là bà có ba-mươi-sáu bài chửi, không hiểu bà bịa ra hay bà nhặt nhạnh ở đâu? - Mẹ mày có mấy luống củ. Mẹ mày mất bao công lênh. Ma không thương người ốm. Kẻ trộm không thương người nghèo. Mày bới trộm của tao, đứa nào ăn vào sưng cổ nổ hầu nó ra, ăn năm chết năm, ăn ba chết ba... Đấy lại tiếng bà kép Hỉ! - Ai cũng cười tủm tỉm bảo thế. Lần này thì bà đứng chửi giữa cánh đồng màu, ngay trước nhà tôi. Tôi lặng lẽ ra cổng ngắm bà. Bao giờ bà cũng mặc chiếc váy đụp và bao giờ bà cũng xắn váy quai cồng. Bà đang đứng kia, giữa trưa trời nắng, bà vấn chiếc khăn mỏ quạ rõ cao. Bà chỉ lên giời, bà vạch xuống đất. Giữa lúc ấy, ông chánh tổng Đà cưỡi ngựa leng keng đi hầu quan trên tỉnh về. Bà càng chửi: - Sao mày không ăn trộm của nhà Lý, nhà Tổng, của nhà giàu nhà có. Mày cứ ăn quẩn của nhà khó nhà nghèo... Bà về. Cánh đồng vắng tanh vắng ngắt. Bà mới trạc tuổi bốn mươi, xấp xỉ tuổi u tôi. Bà cũng chẳng làm cái chức cái tước gì, mà sao cả làng gọi là "bà". Cả làng không ai biết tên cúng cơm của bà. Người ta chỉ biết bà là vợ ông kép tên là Hỉ. Ông kép ở gánh hát của Tổng. Ông mất áng chừng độ mươi năm. Ông bà sinh được mụn con. Anh Nộ hơn tôi vài tuổi. Đôi mắt to, đầu to, răng bàn cuốc, anh cứ thui thủi bắt cua, mò cá. Ai cũng bảo bà khéo nuôi con. Anh Nộ béo như hạt mít. Bà cũng béo, cái lưng thắt lại như lưng con tò vò. Răng bà đều và cứ đen như hạt na. Nước da ngăm ngăm như màu bánh mật. Hôm bà đội thóc đến nhà tôi để xay nhờ, thầy tôi bảo: - Này bà ơi, sao không tái giá? - Ui dà, chồng với chả chềnh. Tôi cứ ở vậy nuôi thằng Nộ cho yên cái thân! Bà xay ù ù, một lúc hết thúng thóc. Một thúng thóc xay ra, bà đội về làm hai lần. Tôi, anh Liễn, thằng Dị đến cạnh bà: - Bà ơi! Bà kể chuyện đi! - Ui dà! Hôm nào chờ cái lão huyện Cung về đây, tao sẽ kể cho các cháu nghe. Chuyện với trò - chuyện lão huyện về quê - có hai hòn dái đi lê khắp làng... Chúng tôi cười ngặt nghẽo, trố mắt nhìn nhau. Bà nói thật chứ chả phải chơi. Những ông chánh, phó tổng; chánh phó lý ở cái làng cái tổng này ai cũng kiềng mặt bà. Bà đội gạo xay ra về. Thầy tôi tủm tỉm cười: - Cái bà này đáo để, dám đặt tên con là Nộ. Nộ là Giận! Bố nó là Hỉ. Hỉ là Mừng. Có khi bà ấy đúng. Mừng cái nỗi gì! Nộ! Phẫn Nộ! Qua chuyện của bố nói, tôi mới biết: Ông kép đi hát thuê hát mướn; nay đây, mai đó. Bà cũng theo đi. Khi ông mất, một thước đất cắm dùi không có. Sau nửa năm thì bà sinh được mụn con. Bà tự đặt tên con, tự dựng nhà dựng cửa. Nhà là cái lều. Bà tự nuôi gà nuôi qué, tự tậu một góc ruộng màu. Chao ôi! Nó đẻ ra muôn thứ thuế: thuế thân cho anh Nộ, thuế thổ thuế trạch cho cái lều, thuế điền cho góc ruộng bằng bàn tay. Thu được đồng thuế của bà không phải dễ, các nhà chức trách ít nhất cũng phải vặn vẹo dăm lần bảy lượt. Lần nào nộp xong thuế bà cũng chửi bóng chửi gió. Các nhà chức trách cứ câm như hến, chả làm gì được bà. Mẹ góa, con côi. Một dạo vắng tiếng chửi của bà. Ai cũng biết là ba nguyên cớ: Một là bà không còn gì để mà mất trộm. Hai là, bà chửi đổng cho thỏa thích thì bà đã chửi đổng thích rồi. Ba là, bà ốm. Lần này bà ốm thật! Nghe tin, ai cũng động lòng. Người cho bơ gạo, kẻ cho con cá, người cho lá rau. Thấy anh Nộ đi bới củ non về nuôi mẹ, ai gặp cũng hỏi: "U mày khỏi chửa?". "U cháu ngồi dậy được chửa?"... Đang nằm liệt giường liệt chiếu, ai đến thăm, bà cũng cố ngóc đầu dậy: - Chết làm sao được! Cái thân này chết làm sao được! Bà đã khỏi. Khỏi hẳn! Tiếng bà gọi con lại vang lên: - Nộ ơi! - N... ộ...!