Dịch giả: Nguyễn Nam Trân
Phần 1
Vua Nhà Trời

Thời tôi rong chơi vùng núi sâu Yoshino trong đất Yamato dễ chừng đã hai mươi năm về trước, khoảng cuối đời Meiji hay đầu Taishô (1912), lúc giao thông còn khó khăn chứ chưa được như bây giờ.Tại sao nổi hứng đi làm chi vào chốn rừng sâu núi thẳm, cái xứ mà gần đây người ta hay gọi là rặng Alpes của Yamato? Thì câu chuyện này xin được bắt đầu bằng việc trình bày duyên may nào đã run rủi bước chân tôi.
Bạn đọc có lẽ nhiều người đã biết, từ ngày xưa ở vùng đất này, nghĩa là chung quanh dòng Totsugawa, rặng Kitayama và làng Kawakami, dân cư sở tại còn truyền tụng sự tích về một người thuộc dòng dõi các hoàng đế Nam Triều mà họ gọi là Ngài Nam Triều hay Đức Vua Nhà Trời. Người mang tên Vua Nhà Trời, có thể chắt chít gì của thiên hoàng Go-Kameyama [vi], chính là hoàng tử Kitayama. Ngài không phải là nhân vật trong truyền thuyết mà hoàn toàn có thật, các sử gia nghiên cứu về thời đó đều nhìn nhận. Nếu nói sơ qua cho dễ nắm thì theo các sách giáo khoa trường cấp hai, trong năm Genchuu thứ 9 của Nam Triều [vii] (tức năm Meitoku thứ 3 Bắc Triều, 1392) đời Tướng QuânYoshimitsu, hai bên Nam Bắc đã hòa nghị để đi đến thống nhất, chấm dứt sự tồn tại của triều đình miền Nam đóng ở Yoshino hơn nửa thế kỷ sau ngày nó được thiên hoàng Go-Daigo thành lập vào năm Engen nguyên niên (1336). Tuy vậy, giữa đêm 23 tháng 9 năm Kakitsu thứ 3 (1443), đã xảy ra việc kẻ tên Kusunoki Jirô Masahide [viii] phò hoàng tử Manjuuji, bất chợt tấn công cung điện Tsuchimikado và trộm lấy ba báu vật truyền quốc đem về cố thủ trên ngọn núi Eizan. Lúc ấy, họ bị quân truy kích lùng bắt, hoàng tử phải tự sát. Trong số ba quốc bảo [ix] thì kiếm báu và gương thiêng đã bị thu hồi nhưng ngọc tỉ vẫn còn nằm trong tay người Nam Triều. Bọn hào tộc họ Kusu và Ochi lại phò hai con của hoàng tử, thu thập nghĩa binh, trốn chạy từ đất Izu sang Kii, từ Kii sang Yamato, rốt cuộc rút vào vùng núi sâu Oku-Yoshino là nơi ở ngoài tầm tay quân Bắc. Họ tôn vương tử thứ nhất làm Jiten.ô (Tự Thiên Vương) tức Vua Nhà Trời, vương tử thứ hai làm Seii Daishôgun tức Tướng Quân, đổi niên hiệu thành Tensei (Thiên Tĩnh), giữ được ngọc tỉ hơn 60 năm trời trong vùng hẻm núi mà quân địch không dễ gì dòm ngó. Chỉ vì sự man trá của dư đảng nhà Akamatsu [x] mà hai vị vương tử phải bỏ mình, rốt cục dòng dõi chi Daikakuji (của thiên hoàng Go-Kameyama) mới bị diệt vong vào tháng 12 năm Chôroku nguyên niên (1457). Nếu tính cho đến thời điểm đó thì từ năm Engen nguyên niên cho đến năm Genchuu thứ 9 đã là 57 năm, đến tháng 12 năm Chôroku nguyên niên thêm 65 năm nữa, thực ra tất cả trong khoảng 122 năm ấy, những hòn máu rơi của Nam Triều đã náu mình trong xứ Yoshino để chống cự lại lực lượng ở kinh sư.
Từ đời cha ông, dân tình Yoshino vẫn một lòng một dạ với Nam Triều nên mới giữ truyền thống đó mà tính toán là Nam Triều đã được tiếp nối đến tận thời của Vua Nhà Trời. Việc khăng khăng chủ trương "không phải chỉ có trên sáu mươi năm mà cả hơn trăm năm kia!" thành ra chẳng có gì vô lý. Về phần tôi, nhờ cái duyên may thích đọc Thái Bình Ký (Taiheiki) [xi]hồi còn bé nên có hứng thú tìm hiểu những chuyện bí mật về Nam Triều, và từ lâu vẫn ôm ấp hoài bão viết một quyển tiểu thuyết lịch sử đóng khung sự tích nhân vật chính của nó là Vua Nhà Trời.
Theo một tập sách ghi chép lời truyền tụng của người làng Kawakami, có một thời, các di thần Nam Triều vì lo sợ sự tập kích bất ngờ của quân Bắc đã dời căn cứ của họ từ Shionoha dưới chân ngọn Ôdaigahara vào hẻm Ôsugi gần biên giới xứ Ise, một vùng thật sâu trong núi ít khi có dấu chân người. Ở một nơi do ba thung lũng nhỏ hợp lại gọi là Sannoko, họ xây cung điện cho nhà vua và giấu ngọc tỉ truyền quốc trong một cái hang. Ngoài ra, theo như điều ghi chép lại trong các tập truyện ký Thượng Nguyệt Ký (Kôtsuki-ki), Xích Tùng Ký (Akamatsu-ki) thì bọn ba mươi tên tàn đảng Akamatsu do Majima Hikotarô dẫn đầu đã trá hàng Vua Nhà Trời, rồi vào ngày thứ 2 tháng chạp năm Chôroku (1457), lợi dụng trời mưa tuyết lớn, bất đồ khởi sự, một cánh đánh vào cung Ôkôchi của ngài, một cánh tấn công dinh Tướng Quân đóng ở thung lũng Kônotani. Nhà vua rút đại đao ra chiến đấu nhưng cuối cùng phải chết dưới bàn tay nghịch tặc. Giặc cắt đầu vua, cắp cả ngọc tỉ lẫn thủ cấp bỏ chạy, giữa chừng bị tuyết nghẽn đường, đến đèo Obagamine thì trời đã tối. Chúng mới vùi thủ cấp của ngài trong tuyết và qua đêm ở đó. Sáng hôm sau, lý trưởng cùng hương dõng của 18 làng vùng Yoshino truy kích đến nơi và giữa khi đang giao tranh kịch liệt, từ thủ cấp của nhà vua đang vùi trong tuyết, một luồng máu bỗng phun lên, nhờ đó mà họ đã đoạt lại nó mang về.
Tùy theo sách vở, những chi tiết kể trên có khác nhau đôi chút nhưng câu chuyện đều đã được ghi lại trong Nam Sơn Tuần Thú Lục (Nanzan Junshu-roku), Nam Phương Kỷ Truyền (Nannpô Kiden), Anh Vân Ký (Ôun-ki), Thập Tân Xuyên Ký (Totsugawa-no-ki)  vv... Đặc biệt hai cuốn Kôtsuki-ki và Akamatsu-ki vốn do những người tham dự vào biến cố đó lúc về già chép để lại hay là ký sự do con cháu của họ soạn ra nên không có gì để hồ nghi nữa. Một quyển cho biết lúc đó nhà vua mới mười tám tuổi, còn dòng họ Akamatsu, tiêu vong một lần từ vụ nội loạn năm Kakitsu, có hưng thịnh trở lại cũng nhờ được báo đền cái công lao sát hại hai vị vương tử Nam Triều và mang quả ấn truyền quốc về kinh đô.
Chính vì vùng núi sâu từ Yoshino cho đến Kumano giao thông tắc nghẽn như thế, việc những truyền thuyết xa xưa tồn tại lâu dài và những gia đình cố cựu còn giữ được gốc gác, không phải là chuyện lạ lùng gì. Ví như chuyện nói về dinh cơ của họ Hori ở Anofu, nơi có lần thiên hoàng Go-Daigo chọn làm hành tại. Không những một phần ngôi nhà ngày nay hãy đứng nguyên mà người ta còn bảo con cháu tộc nầy bây giờ vẫn cư ngụ tại đó. Cả chuyện dòng dõi một nhân vật tên Takehara Hachirô vốn được nhắc đến trong Thái Bình Ký (Taiheiki)[xi], ở chương thuật lại cuộc bôn tẩu của hoàng tử Daitô [xii] (Đại Tháp) xuống vùng Kumano. Hoàng tử từng ở tạm nhà họ ít lâu, và có với con gái của gia đình ấy một đứa con trai cho nên nhà Takehara nhờ đó cũng được hiển vinh. Ngoài ra còn có một tục lệ xưa hơn nữa ở một làng tên gọi Gokitsugu trong vùng núi non Ôdaigahara: người chung quanh vùng đó cho rằng dân làng nầy là con cháu của quỷ sứ nên không bao giờ chịu gả bán với họ mà người làng Gokitsugu cũng không màng đến việc cưới hỏi dân thiên hạ. Họ còn tự xưng mình là dòng dõi của bọn quỉ sứ đã mở đường cho En-no-Gyôja (ông tổ của các thầy tăng du hành trên núi) nữa! Vì phong thổ của vùng nầy như thế cho nên trong dân chúng không thiếu gì những gia đình cố cựu, gọi là "gia đình dòng dõi", tự cho trong người mình có dòng máu của lớp hào tộc địa phương ngày xưa đã từng phục vụ các quan Nam Triều. Hiện nay, vùng chung quanh Kashiwagi, hàng năm đến ngày mồng 5 tháng 2, bao giờ cũng có cúng tế "Ngài Nam Triều", còn ở chùa Kim Cương Tự (Kongô) ở Kônotani, nơi có dấu vết dinh Tướng Quân xưa, người ta cũng cử hành lễ triều bái năm mới một cách trang nghiêm.Vào dịp đó, hơn vài chục gia đình gọi là con nhà dòng dõi, được đặc biệt cho phép mặc lễ phục có hoa văn bông cúc mười sáu cánh và được ngồi lên trên trước cả đại diện của quan đầu tỉnh hay đầu quận.
Việc được làm quen với vô số những tài liệu như thế chỉ nung nấu trong tôi ý nghĩ sẵn có là lập kế hoạch viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử về đề tài này. NamTriều - Yoshino vào mùa anh đào nở - vẻ thần bí chốn thâm sơn - ông Vua Nhà Trời mới mười tám tuổi - nhân vật Kusunoki Jirô Masahide - cái ấn truyền quốc dấu trong hang núi - thủ cấp nhà vua phun bắn máu trong đám tuyết vv...chỉ cần thử nêu ra chừng ấy thôi, thiết tưởng không đề tài nào còn có thể đặc sắc hơn.Ngoài ra, bối cảnh câu chuyện lại tuyệt vời. Sân khấu của nó đủ cả khe suối, ghềnh đá, cung điện, lều tranh, anh đào mùa xuân, lá đỏ mùa thu, đem tom góp những cái đó và làm sống lại nó là có thể thành hình rồi. Hơn thế, người viết không chỉ dựa vào tưởng tượng vì ngoài chính sử là cái dĩ nhiên, không nói cũng biết đã có sẵn biết bao nhiêu truyện ký hoặc văn thư cổ. Cho dầu tác giả có sử dụng sự thực lịch sử một cách tùy tiện thôi đi nữa, thì cũng đủ soạn ra một quyển sách thú vị. Nếu chịu khó nhuận sắc một chút, trộn lẫn vào đó ít truyền thuyết và lời đồn đại trong dân, tô điểm bằng những nét độc đáo của địa phương, dùng những chi tiết như dòng dõi quỷ sứ, tăng nhân tu hành trên ngọn Ômine, khách đi hành hương vùng Kumano vv...rồi dựng nên một nhân vật nữ chính qua hình ảnh người con gái đẹp kết duyên với nhà vua, hay một nàng công chúa nào đó vốn là con cháu hoàng tử Daitô, chẳng hạn. Nếu biết sáng tạo như thế, có lẽ câu chuyện lại hào hứng hơn. Tôi lấy làm lạ là không hiểu vì cớ gì mãi đến ngày nay chừng ấy chi tiết chưa lọt được vào mắt của một ông văn sĩ nào.Nhất là trong một cuốn như Hiệp Khách Truyện (Kyôkakuden) [xiii], nghe nói là tiểu thuyết viết dở dang của Bakin [xiv] mà tôi chưa được đọc, có một nhân vật tưởng tượng là tiểu thư Koma-hime, con gái dòng dõi họ Kusunoki nhưng xem ra hình như không dính dáng gì đến sự tích Vua Nhà Trời. Ngoài ra, những tác phẩm viết về nhà vua trên núi Yoshino thì vào thời Tokugawa có một hay hai cuốn nhưng không hiểu trong đó, người viết lấy được mấy phần sự thực lịch sử để làm chuẩn. Nói tóm lại, đảo mắt một vòng xem qua thôi thì người đời, kể từ lãnh vực tiểu thuyết đại chúng bước sang sân khấu múa rối cho đến kịch tuồng, không thấy ai lưu tâm đến sự tích nầy.Vì lý do đó, trong khi chưa có kẻ mó tay vào, tôi muốn thế nào cũng phải sử dụng ngay những tư liệu ấy.
Lúc ấy may mắn có người đem đến cơ hội không ngờ để tìm hiểu về địa lý và phong tục vùng núi sâu, đó là cái anh chàng Tsumura, bạn của tôi hồi Dự Bị Đại Học [xv]. Tsumura vốn dân Ôsaka, nhưng thân thích lại sinh sống ở Kuzu thuộc vùng Yoshino nên nếu nhờ được Tsumura giúp hỏi thăm về địa điểm đó qua bọn họ thì thật tiện.
Ven bờ sôngYoshino, có hai làng mang tên Kuzu.Về phía hạ lưu, tên cái làng gọi là Kuzu được viết bằng chữ Cát (sắn dây ) [xvi]. Phía thượng lưu (quê Tsumura) thì tên Kuzu lại viết là Quốc Thê (Chổ Nhà Nước Tạm Trú). Cái lớp tuồng Nô nổi tiếng Kuzu, liên quan đến sự tích thiên hoàng Tenmu [xvii], tức vị thiên hoàng đã lên ngôi ở cung Kiyomihara tự thời Asuka (cuối thế kỷ thứ 6 đến đầu thế kỷ thứ 7), là tên của địa điểm thứ hai. Thế nhưng cả Kuzu (Cát) lẫn Kuzu (Quốc Thê) không chỗ nào sản xuất ra kuzuko tức bột sắn giây, thổ sản tên tuổi của vùng Yoshino. Dân Kuzu (Cát) thì không biết thế nào chứ người Kuzu (Quốc Thê) chuyên sống bằng nghề làm giấy. Cho đến bây giờ người ta vẫn theo phương pháp cổ truyền, lấy sợi kôzo, một loại lá dâu núi, tẩy nó bằng nước sông để chế tạo giấy lối thủ công. Thế rồi, hình như làng Kuzu này lại có rất nhiều người mang cùng một họ kỳ cục gọi là họ Konbu. Bà con của Tsumura cũng họ Konbu, lại sống bằng nghề làm giấy và được xem như một gia đình đông đúc nhất ở đấy. Theo lời Tsumura, họ Konbu cũng là một gia đình cố cựu và nhất định có mang không ít thời nhiều dòng máu của các di thần Nam Triều.Từ khi có dịp hỏi thăm gia đình nầy, tôi mới biết cách đọc chính xác tên các địa danh, ví dụ như Nhập Ba thì phải đọc là Shionoha, Tam Công là Sannoko...Và cũng nhờ người họ Konbu cho biết, muốn đi từ Kuzu (Quốc Thê) tới Shionoha thì sau khi vượt qua ngọn Đèo Gosha ( Ngũ Xã) hiểm trở rồi, phải đi hơn năm dặm nữa; muốn tới Sannoko thì phải đi hai dặm mới tới ngõ vào hẻm núi, còn như muốn vào tận chỗ sâu nhất nơi ngày xưa Vua Nhà Trời ngự lại mất thêm bốn dặm. Những chuyện như thế chăng nữa đều là điều nghe kể cho thôi vì dân Kuzu (Quốc Thê) có mấy ai đã lên chỗ mãi đầu nguồn!. Chẳng qua, theo những người sống bằng nghề thả bè trên sông học lại, phía sâu trong hẻm núi, ở vùng đất bằng gọi là Hachimandaira có một làng gồm năm bảy gia đình làm nghề đốt than sinh sống và nếu đi thêm ba bốn dặm, sẽ tới chỗ ẩn tít trong cùng gọi là Kakushidaira, mới thực sự là nơi có dấu vết cung điện của Vua Nhà Trời cũng như hang động ngày xưa cất dấu ngọc tỉ. Từ cửa ngõ hẻm núi đi vào bốn dặm thì đường đất thật chẳng ra đường, chỉ có vách đá dựng lên liên tiếp đến nỗi những nhà sư du hành tu trên ngọn Ômine cũng không dễ gì vào tận đó.Thường người chung quanh vùng Kashiwagi đi tắm suối nước nóng dọc bờ sông Shionoha, chỉ đến đây là cùng.Thực ra, nếu đi vào sâu thêm trong hẻm núi thì hãy còn có rất nhiều suối nước nóng phun ra tự trong lòng khe và có nhiều thác nước từ sườn núi cao đổ ào xuống như thác Myôjin chẳng hạn nhưng chỉ có dân mạn ngược hay bọn đốt than mới biết được phong cảnh tuyệt vời như vậy.
Câu chuyện của mấy tay thả bè kể lại đã góp phần làm cho thế giới tiểu thuyết của tôi phong phú thêm một bậc, và hình ảnh suối nước nóng phun ra từ trong lòng khe là một chi tiết ăn tiền để đem vào câu chuyện. Tuy nhiên bấy giờ tôi đã tiến hành điều tra để có tất cả tin tức cần thiết trong khả năng của một người ở xa nên nếu không có lời mời của Tsumura thì tôi cũng chả hơi đâu vào mãi tận chốn thâm sơn cùng cốc ấy. Thu thập chừng nầy tư liệu rồi thì không đến tận chỗ mà chỉ cần huy động trí tưởng tượng thôi cũng đủ để viết. Xử lý kiểu này không phải là không có cái hay của nó. Thế nhưng, lời nhắn tin của Tsumura: "Mấy khi có cơ hội, rán vào trong nầy chơi cho biết!" đã đến nơi tôi ở khoảng cuối tháng mười hay đầu tháng mười một năm đó thì phải. Vừa vặn đúng dịp Tsumura có việc phải gặp mấy người thân quyến ở Kuzu (từ đây xin hiểu là Quốc Thê), và anh ta nói đại khái: "Tuy có lẽ không đi nổi đến tận Sannoko, nhưng nếu cậu đánh bộ một vòng quanh khu vực phụ cận Kuzu thì nội việc khảo sát sơ sơ địa lý và phong tục trong vùng cũng đã có ích rồi. Không riêng lịch sử Nam Triều thôi đâu. Vào tận địa phương như thế nầy làm gì cậu chả đào thêm được một số chi tiết khác cũng hấp dẫn không kém để có thể viết thêm một lô hai ba tác phẩm nữa. Không bỏ công đâu, vả lại cậu cũng phải chứng tỏ mình là người có lương tâm nhà nghề một chút chứ! Lúc nầy thời tiết vừa đẹp, thuận lợi cho việc đi đường. Thăm viếng Yoshino đã đành phải đợi đúng dịp anh đào nở, nhưng mùa thu cũng nên thơ không kém đâu, cậu ơi!".
Tôi nhập đề có hơi dài dòng nhưng quả là tôi đã bất chợt lên đường trong những tình huống như trên. Một phần vì cái lý do mà Tsumura gọi là "lương tâm nhà nghề" nhưng thực tâm mà nói, chính cái viễn tượng được rong chơi đây đó mới là điều đã thuyết phục tôi ra đi.