Giấy trắng
Long Thừa Tự tọa ở lưng chừng núi Rồng. Ở đấy, ngọn tháp bảy tầng bốn mùa ngả bóng xuống sông Đồng Nai trông giống như một cây bút đang viết lên mặt nước lớp lớp sóng xanh. Mỗi khi gió nổi, sóng nước xôn xao, bóng ngọn tháp lúc tan lúc hợp, chập chờn như những cánh tay đang bơi hoặc những nét chữ chữ xô lệch, mực nhòe nhoẹt…Thân tháp cất giữ tro cốt những người đã thành hư vô trong các hũ sứ nâu. Riêng tro cốt giáo sư Trần, không biết vì lý do gì, lại được cất trong một cái nậm rượu màu trắng, men rạn, miệng bị sứt một mảnh nhỏ.Nghe nói vị trụ trì Long Thừa lúc còn đi học ở Sài Gòn là trò cưng của giáo sư Trần. Nhưng về sau, thầy thì vào chiến khu chống Mỹ, còn trò thì lại đeo lon trung úy tâm lý chiến của quân đội ngụy. Đây chính là nơi thầy trò họ gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách. Và cuối cùng thì giáo sư đã ở lại đây mãi mãi... Vào những ngày tuần, có một người đàn ông trạc năm mươi, dáng người mảnh khảnh, tóc lốm đốm bạc, đôi mắt sáng lấp lánh sau cặp kính thường ghé thăm chùa. Có lần, ông ta ngồi thụp xuống chân tháp, thắp vài nén nhang, đốt một ít vàng mã, lóng ngóng rưới nậm rượu xuống đất, miệng lẩm bẩm: “ Đúng là ông ấy rồi! Không thể khác được!”.Vô tình nghe được câu nói ấy, chú tiểu đang quét sân chùa rất lấy làm lạ.Càng lạ hơn khi người đàn ông vừa đi khuất, hoà thượng trụ trì đã đứng ở bên chú và đột ngột hỏi: - Bao giờ thì vị thí chủ ấy quay lại nhỉ! Hiểu ý bề trên, chú tiểu nhanh nhẩu thưa: - Bạch thầy! Con đồ tháng sau ông ta sẽ tới ạ! - Người ấy cúng dường bao nhiêu sách rồi?- Thưa, cả thảy có bốn mươi tám cuốn. Bốn mươi lăm cuốn viết cho trẻ con tham khảo. Ba cuốn tự truyện.Nói tới đây, chú tiểu bỗng buông lỏng cán chổi, nét mặt lộ rõ vẻ băn khoăn: - Bạch thầy! Bảy bảy bốn chín là vòng đủ cho một linh hồn siêu thoát khỏi kiếp hồng trần. Nhưng con vẫn chưa tường sao phải là bốn mươi chín lần mà không phải bốn mươi chín ngày ạ? Vị hoà thượng không giải thích mà chỉ khẽ nói:- Kỳ lạ thật! Rồi chợt nhớ ra điều gì, người dặn: - À, hôm nào ông ấy tới, con nhớ báo ta hay. Để hỏi cho tỏ nhẽ... Vào lúc quá ngọ ngày rằm tháng chín, người đàn ông xách một cái giỏ cói, quai giỏ sờn vẹt quá nửa ghé thăm chùa. Nhìn qua miệng giỏ bỏ ngỏ, chú tiểu thấy trong đó có một cái nậm, một gói hoa rời, một thẻ nhang và hai cuốn sách. Bước sân vào chùa, người đàn ông nhanh nhẩu đi về phía hòm công đức, bỏ vào đó một cái phong bì. Ông xin phép chú tiểu được thắp vài nén nhang bái Phật và cúng nhà chùa một cuốn sách. Sau đó, ông thong thả quay ra sân chùa, đi vòng quanh tháp và chậm rãi rắc hết cả gói hoa. Những cánh hoa lả tả rơi, vương trên lớp tro tàn khá dày mà ai đó đã để vương lại từ nhiều ngày trước. Rồi ông lặng lẽ quỳ xuống đất, tay run run xoáy cái nút lá chuối nút trên miệng nậm, rưới rượu thật nhanh xuống chân tháp. Cuối cùng, ông lấy cuốn sách từ trong giỏ ra, lật trang thứ nhất, mắt nhắm nghiền lại, miệng lầm rầm một đoạn văn ngắn và bất ngờ xoè diêm châm lửa đốt. Giấy bén lửa lem lém cháy, trừ phần gáy sách, nơi ghi tên sách và tên tác giả. Lúc ấy, một cơn gió từ phía mặt sông ùa tới làm ngọn lửa bùng lên lần cuối, hất tàn than bay ngược lên trời. Hình như có một mẩu nhỏ trong số tro vụn ấy đã bay vào mắt ông. Người đàn ông đưa tay áo lên quệt ngang hàng nước mắt đã ứa ra, chảy dài trên má tự lúc nào không rõ. Với một nụ cười mãn nguyện thoáng nở trên môi, người đàn ông khẽ rũ tay áo đứng dậy. Nhìn dáng đứng lặng phắc của vị hoà thượng đang ở bên cạnh mình, ông ta cung kính chắp tay đáp lễ: - Bạch thầy! - Kẻ tu hành hỏi khí không phải, ông đến cúng sách? Giọng người đàn ông xa xăm: - Dạ. Riêng lần bốn chín này, tôi mượn chữ làm nhịp cầu... Vị hoà thượng đưa tay trỏ vào đám tro tàn: - Kia là nhịp cầu? - Đó chỉ là bóng cuốn sách. Tiếng vị hoà thượng nhẹ như gió thoảng: - Tôi biết, đó là cách ông tri âm với người muôn năm cũ? - Bạch thầy! - Ông gửi cuốn nào cho thầy? - Thưa, cuốn thầy và tôi đứng tên, tôi vừa chỉnh lý xong... - Sao ông không gửi cuốn tự truyện mới in?- Cuốn đó dành cho tôi. - Còn thầy Trần?- Tôi muốn đem lại cho thầy sự thanh thản. Tuy muộn mằn, nhưng có vẫn hơn không! Vì nó là cuốn sách đã làm thầy phải đau đớn, chí ít là tới hôm nay… - Ông tin thầy vẫn đọc sách? - Tin! Nhưng không dám chắc! Hoà thượng hỏi dồn: - Vậy sao ông lại làm thế? - Tôi làm để giải thoát mình. Bởi vì... - Xin đừng quá xúc động! Nếu nói ra được, ông sẽ thấy nhẹ nhõm hơn... Người đàn ông chăm chắm nhìn vào cái bình tro, giọng nghẹn ngào: - Thầy trò tôi viết chung khá nhiều sách. Nhìn chung sách được bạn đọc đánh giá là có chất lượng khá và có ích. Chỉ tiếc là có một cuốn, do chủ quan, và có lẽ do cả năng lực có hạn nữa, chúng tôi đã để sai sót ba lỗi kiến thức. Giấy trắng mực đen! Buồn qúa! Xấu hổ qúa! Chúng tôi đã uống không biết bao nhiêu là rượu để giải sầu. Rượu rót tới mức cái nậm kia sứt cả miệng… - Tôi hiểu tâm sự của ông. Nhưng ông sẽ còn tới đây? Và viết? - Đó là nghiệp, làm sao tôi rũ bỏ được? Nhưng tôi sẽ không quấy quả vong linh thầy nữa! - Sao vậy? - Tôi nghĩ, những chữ được lửa chừa lại báo cho tôi hay thầy tôi đã hài lòng. Từ nay, theo lời hứa với thầy phút lâm chung, tôi chỉ gửi cho thầy rượu và giấy trắng thôi... - Thầy vẫn viết? - Phải, viết vào vô thủy vô chung chẳng hạn. Bởi chiều nay, trong khi mở to mắt nhìn thẳng vào ngọn lửa, tôi đã ngộ ra rằng những trang viết dành cho người như chúng ta đây, hơn bao giờ hết, cần phải được phát lộ ở bất cứ đâu... Nghe người đàn ông bộc bạch, con tim vị hoà thượng bỗng nhiên bị đau nhói. Người thở dài, bộc bạch: - Những điều ông nói khiến tôi thẹn quá! Tôi cũng học thầy Trần. Nhưng tôi khác ông. - Thưa... Người đàn ông ngập ngừng rồi hỏi – Nếu tôi không lầm, tôi đã từng gặp ông trong trận càn năm sáu chín ở Bời Lời? - Đúng! Khi ấy tôi là một sĩ quan ngụy. - Ông đã gí súng vào đầu tôi và bóp cò? - Trí nhớ của ông rất siêu việt! - Lúc đó tôi bị thương nặng. Nhưng tới tận hôm nay, tôi vẫn chưa quên được ánh mắt thất thần của ông. Tôi chỉ lấy làm lạ vì sao ông lại bắn ra ngoài? - Vì tôi biết ông là học trò thầy Trần! - Làm sao ông biết? - Tôi vô tình có được tập hình thầy chụp lưu niệm với học trò, trong đó có ông. - Nhưng nếu ông không nhớ? Nếu đó là một người lính xa lạ khác? - Thì tôi vẫn cứ làm như vậy thôi! - Cảm ơn ông! Lần đầu tới đây, nhác thấy ông, tôi đã không tin vào mắt mình... - Tôi cũng không ngờ thầy tìm được ông cho tôi và tôi cho ông. Chính ông mới là người cứu tôi đó! Người đàn ông ngỡ ngàng nói: - Tôi không hiểu! Vị hòa thượng mỉm cười: - Từ hôm gí súng vào đầu ông, nhìn ánh mắt nảy lửa của ông, tôi đã quyết định ngừng viết! - Nhưng nghe thầy kể, ông cũng đã viết rất nhiều!- Phải! Nhưng khi tôi đã xuống tóc, phát tâm hướng về Đức Phật, thầy Trần đã bỏ qua cho tôi mọi lỗi lầm cũ. Thầy cho người gặp tôi và biến nơi này thành một cơ sở bí mật... - Rồi khuyên ông quay về đời tục? Hòa thượng nhìn dòng sông chuyển sang màu tím sẫm, chậm rãi nói: - Không, cụ chỉ nhắc tôi đừng bỏ nghiệp văn... - Và ông đã nghe theo? - Tôi chỉ theo một nửa. - Một nửa? - Tôi không viết văn xuôi nữa. Tôi chọn thơ làm lối thoát cho mình... - Ông có thể cho tôi được lĩnh ý một bài thơ nào chăng? Hoà thượng nhìn đăm đắm vào những viên gạch dưới chân tháp, khẽ lắc đầu: - Thật đáng tiếc! Tôi đã dâng tặng thầy… Chú tiểu thỉnh một hồi chuông. Rồi chú chắp tay vái sư phụ đang bước vào chính điện: - Bạch thầy, giấy trắng con đã đặt sẵn. Xin thầy cho con được chép lại chuyện vừa rồi để tĩnh tâm trong những đêm thanh vắng, liệu có được chăng?Vị hoà thượng đứng bất động. Trong khi đó, bóng tháp Long Thừa vẫn lung liêng trên mặt sóng.Cái bóng tượng dáng người ấy bỗng gật đầu!