Chương 6

Không điều gì có thể tin chắc được ở đời, đặc biệt khi đó lại là lời hứa của một ông chồng mắc bệnh đãng trí. Lan Chi đã rút ra kết luận này vào buổi tối hôm nay, khi cô hỏi Trung:
- Chú Cừ bảo thế nào hả anh?
- Bảo cái gì nhỉ? - Trung lơ đãng hỏi lại.
- Ơ kìa, còn cái gì nữa! Thế anh đã gọi điện cho chú Cừ chưa? - Lan Chi sốt ruột kêu lên.
- Trời đất! Anh quên béng đi mất cái chuyện này rồi! - Trung ồ lên, có vẻ bây giờ mới sực nhớ ra.
- Quên là thế nào? - Lan Chi cáu. - Anh đã hứa đi hứa lại với em bao nhiêu lần, chắc như đinh đóng cột. Em tin anh mới đi hứa lại với Thanh Hoa. Bây giờ để lỡ việc của người ta ra thì có phải ê mặt mình không!
- Lỡ sao được, anh sẽ đi gọi điện ngay bây giờ đây, - Trung cười xí xóa. - Vậy cái ông viện sĩ của em bao giờ thì về nước đó?
- Thấy Thanh Hoa bảo là ngày hai mươi tư tháng ba này ông ta sẽ bay về Hà Nội. Hôm nay là ngày bao nhiêu nhỉ? - Lan Chi nhìn lịch và nhẩm tính. - Mười chín tháng ba. Như vậy chỉ còn năm hôm nữa thôi. Anh làm sao giải quyết cho xong việc này thì làm.
- Rồi, xong ngay chớ có gì đâu, - Trung đáp. - Mà nói thiệt, anh vẫn chưa hiểu tại sao em với Thanh Hoa lại nghĩ ra cái trò này. Hết sức vớ vẩn. Vậy mà em cứ làm như quan trọng lắm, - Trung làu bàu nói, nhưng không giấu được nụ cười tủm tỉm.
Không riêng Trung, mà đến cả Lan Chi lúc đầu cũng không hiểu được ngay tầm quan trọng của vấn đề. Cô hết sức sửng sốt khi Thanh Hoa gọi điện cho cô, tha thiết nhờ vợ chồng cô giúp cho việc tổ chức cuộc gặp gỡ giữa một nhà khoa học Việt Nam, giáo sư viện sĩ viện gì đó, với ông chú của chồng cô.
- Này, mày định đùa đấy hả? - Lan Chi hỏi. - Giáo sư, viện sĩ thì gặp cái ông hâm ấy để làm gì?
- À, nhưng mà giáo sư viện sĩ này lại là lão Tài mày ạ, - Thanh Hoa đáp.
- Tài nào? - Lan Chi hỏi.
- Tài "ủng " ấy, cây si của mày ngày xưa ấy. Mày không nhớ à?
- Tài "ủng" thì tao nhớ. Nhưng sao mày lại bảo là giáo sư, viện sĩ? - Lan Chi vẫn chưa hiểu.
- Chậm hiểu quá, - Thanh Hoa cười rộ lên trong máy điện thoại. - Này, bây giờ chớ có gọi là Tài "ủng" mà phạm thượng đấy nhé. Người ta bây giờ là giáo sư viện sĩ Trần Sỹ Tài!
Hóa ra là từ cái thuở trồng cây si trước cửa phòng Lan Chi đến giờ, Tài "ủng" đã đi được một chặng đường rất xa, vượt lên tất cả bạn bè cùng trang lứa. Vượt một cách xuất sắc mà không ai ngờ đến.
Tất nhiên, ở Matxcơva thời ấy, ai cũng phải công nhận Tài là một tay anh hùng hảo hán, chứ không phải là loại tầm thường. Trong khi thiên hạ đi buôn hầu như ai cũng phải trải qua những thời kỳ lên voi xuống chó, thì Tài bao giờ cũng vẫn cứ giàu sụ. Bất kể thời nào, bất kể phương thức làm ăn nào, Tài luôn luôn ung dung giữ vai trò thủ lĩnh trên thương trường. Về cái khoản làm kinh tế này, thì tài năng và bản lĩnh của Tài đã thể hiện quá rõ. Giá như bảo rằng anh bây giờ đã trở thành triệu phú, tỷ phú, giám đốc công ty gì gì đó..., thì hẳn là chẳng có ai lấy làm ngạc nhiên.
Thế nhưng, không hiểu mồ mả tổ tiên anh chọn được chỗ long mạch tốt thế nào, mà bây giờ con cháu không những chỉ được hưởng phúc đức ở khoản no cơm ấm cật, mà lại còn phát cả sang đường khoa học nữa! Điều này quả thật nghe có hơi lạ tai. Rất lạ tai đối với những người đã biết Tài từ cái thời Matxcơva xa vắng ấy.
Thời ấy, ai cũng biết là toàn bộ thời gian, tâm huyết của Tài đều được dành hết cho việc làm kinh tế. Làm kinh tế, chứ không phải là nghiên cứu kinh tế học, cái ngành học của anh. Nói đến việc học của anh, thì kết quả của nó cho thấy rằng kinh tế học hóa ra lại là một khoa học hết sức xa rời thực tế. Vì thế mới có hiện tượng quái lạ như thế này: một nhà thực hành kinh tế xuất sắc như Tài, trong khi toàn bộ tài ba và nhiệt huyết đã thể hiện chói sáng trên thương trường không ai có thể chối cãi, thì cứ đến kỳ thi ở khoa Kinh tế lại vác về một đống điểm hai! Tình hình trầm trọng đến mức suýt nữa Tài đã bị đuổi học. May quá, cuối cùng nhờ rất nhiều tác động ở đủ mọi phía, nhờ cả thái độ ăn năn thành khẩn, những lời hứa quyết tâm học tập và những điểm ba khi thi lại của Tài, cuối cùng, khoa Kinh tế đã tránh được cái sai lầm tai hại là đuổi nhầm một nhà kinh tế có tài năng thực sự.
Rồi mọi việc cũng đâu vào đấy. Tài cũng bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ, nhận bằng đàng hoàng. Bọn xấu miệng thì bảo rằng đó là bằng đi mua. Những kẻ khác (có thể do ghen tị với tài sản của anh) thì bảo rằng luận án của anh là thuê người viết, chứ một chữ trong đó anh cũng chẳng hiểu. Mua hay thuê không biết, không có bằng chứng gì cả. Có điều chắc chắn rằng đó là bằng thật, xịn một trăm phần trăm. Đố ai dám bảo đó là bằng giả. Điều này mới là quan trọng, chứ còn miệng lưỡi thế gian thì người đứng đắn hơi đâu thèm để ý đến.
Có lẽ chính nhờ một số người giữ những trọng trách nào đó ở trong nước có thái độ nghiêm túc và thận trọng với những điều thị phi như vậy, mà Tài bỗng dưng xuất hiện ở Việt Nam với danh nghĩa một nhà khoa học có tên tuổi tầm cỡ thế giới.
Trong khi bạn bè cứ tưởng anh vẫn còn đi buôn ở Nga, thì báo chí trong nước cho biết rằng anh hiện là giáo sư viện sĩ của những cơ quan khoa học danh tiếng ở nước ngoài, niềm tự hào của khoa học Việt Nam, người đã mở ra một chân trời mới cho nền khoa học thế giới. Giáo sư trường nào, viện sĩ ở đâu thì còn là một vấn đề khó hiểu. Vì cứ căn cứ vào những cái tên trường, tên viện mà một vài tờ báo trong nước cung cấp, thì bạn bè của anh ở nước ngoài chưa lần ra được, hoặc đã lần ra được rồi nhưng lại thấy nó không giống như báo nói. Theo như những kẻ tò mò, đa nghi, cứ thích đi kiểm tra lại những điều viết trong báo, thì cái trường mà anh nhận chức danh giáo sư chỉ là một cái trường ma, không hề tồn tại trên đời. Còn cái viện hàn lâm khoa học mà anh là viện sĩ thì quả là có thật, nhưng lại không thiêng liêng như sự mô tả của nhà báo. Là vì bất cứ ai có được tấm bằng tiến sĩ đều có thể thành viện sĩ ở đây, không cần phải qua bầu chọn gì hết cả. Điều kiện duy nhất để có được danh hiệu cao quý đó là phải nộp tiền. Tai hại nhất là cái viện hàn lâm khoa học này lại không hề biết giữ giá, lại đi bán giấy chứng nhận viện sĩ với giá rẻ mạt đến mức đau lòng. Thành thử người Việt mình làm ăn ở Nga thừa tiền là đua nhau trở thành viện sĩ cả loạt.
Về phần Tài thì, với những chức danh khoa học vẻ vang trên, tuy làm ăn ( hay là hoạt động khoa học, theo cách gọi của báo chí) ở Nga, nhưng anh vẫn thường xuyên đi về thăm Tổ quốc. Nghe nói mỗi lần anh về nước là báo chí lại có dịp để bàn về tương lai tươi sáng của khoa học Việt Nam, mà một trong những niềm hy vọng lớn là Tài. Thậm chí, hình như có một đài truyền hình nào đó còn phấn chấn đến mức làm hẳn một bộ phim tài liệu về cuộc đời hoạt động khoa học của anh, tái hiện lại những nỗ lực của anh trong việc vượt khó khăn để làm khoa học, cảm động không kém gì chuyện Lomonoxop ngày xưa đi bộ hàng ngàn cây số từ nhà quê lên Matxcơva để tìm đến với khoa học vậy. Xem phim, bạn bè của Tài sững sờ được biết rằng thuở hàn vi, khi còn làm nghiên cứu sinh ở Matxcơva, do không muốn mất thời giờ vào chuyện làm ăn buôn bán, nên Tài đã phải sống rất vất vả bằng số tiền học bổng ít ỏi, chỉ toàn ăn bánh mỳ với bơ thôi mà đã đóng góp được cho đời những công trình khoa học đồ sộ.
Sau khi danh tiếng đã nổi như cồn ở trong nước, tiền đô đã ních chặt túi ở Nga, Tài quyết định về nước hẳn để dành trọn những ngày còn lại của đời mình (nếu không có gì bất trắc thì còn khá dài) cho nền khoa học nước nhà. Dễ hiểu là với một tên tuổi như vậy, anh được mời ngay về làm việc ở một viện khoa học lớn, được giao cho một chức vụ khá quan trọng. Và bây giờ, với tư cách là đại diện cho viện khoa học này, anh đang có mặt ở Paris.
Thực ra, chuyện giáo sư viện sĩ Trần Sỹ Tài đến Paris cũng có nhiều pha khá là gay cấn, chứ không đơn giản như việc người ta đi trao đổi khoa học thông thường. Số là, tuy rằng anh đã mở ra một chân trời mới cho nền khoa học thế giới như báo chí nước nhà cho biết, nhưng các nhà khoa học Pháp hình như thiếu thông tin, nên không hề biết đến anh là ai. Vì vậy, sau nhiều năm tung hoành ngang dọc ở Nga, giờ đây Tài muốn đưa chân trời của anh đến phương tây, cụ thể là sang Pháp, nhưng tìm mãi mà chưa thấy được nhà khoa học nào ở nước này hưởng ứng.
May thay, trời thương (hoặc là do long mạch của tổ tiên anh quá tốt), cứ mỗi lúc Tài bí kế thì lại có trời hiến kế cho. Tự dưng, vợ Tài được một suất đi thực tập ở Pháp một năm. Tài bèn quyết định nhân dịp này bám váy vợ sang Pháp để xem xét tình hình khoa học của nước này.
Tuy vậy, tham vọng của Tài là mang lại vinh quang cho khoa học nước nhà. Là để chứng tỏ cho đồng nghiệp trong nước rằng uy tín khoa học của anh vang dội không chỉ ở Nga, mà còn ở phương tây. Là để báo chí nước nhà còn có dịp vui mừng bàn luận về vị trí sáng giá của các nhà khoa học Việt Nam trong nền khoa học thế giới. Vì thế, nếu giáo sư viện sĩ lại xuất ngoại một cách chính thức dưới dạng bám váy vợ thì còn ăn thua gì nữa.
Cần phải có một cái giấy mời. Một cái giấy mời khống cũng được, nhưng phải là giấy mời hẳn hoi. Do một nhà khoa học hẳn hoi hoặc một cơ quan khoa học hẳn hoi ở Pháp đứng tên chịu trách nhiệm. Tài nghĩ rằng việc xin cái giấy mời này có thể là chuyện khả thi nếu anh hứa với phía mời là anh không đòi hỏi gì hết, không quấy rầy gì hết. Không đòi hỏi kinh phí tài chính cho chuyến đi. Không đòi hỏi cả việc đón tiếp. Tức là trong thời gian anh ở Pháp, phía mời thậm chí không cần biết đến mặt anh. Chỉ cần họ biết tên anh để viết giấy mời cho đúng. Đã có vợ Tài ở Pháp để lo cho anh những chuyện lạ nước lạ cái, Tài chỉ cần một tấm giấy mời để xuất ngoại cho vẻ vang.
Với những yêu cầu khiêm tốn như thế, Tài thấy rằng không cần các nhà khoa học Pháp phải biết đến chân trời khoa học của anh. Chỉ cần anh tìm được một người nào đang ở Pháp, có nhiều quan hệ trong giới khoa học Pháp, có thể đứng ra đảm bảo về những lời hứa của anh để xin được cho anh một tấm giấy mời. Sau một thời gian ngắn đi điều tra tìm hiểu, Tài đã chộp được đúng cái con người hội đủ mọi điều kiện ấy. Người ấy là Thanh Hoa.
Lan Chi rất ngạc nhiên trước sự tận tâm của Thanh Hoa trong việc thực hiện những tham vọng của Tài "ủng". Theo trí nhớ của cô thì thời ở Matxcơva hai người này có thân thiết gì với nhau đâu. Hay là họ có những mối liên quan họ hàng mà hồi trước Thanh Hoa không cho cô biết?
- Không có họ hàng gì cả, - Thanh Hoa bảo. - Nhưng lại quan trọng hơn cả họ hàng mày ạ. Là vì em họ của vợ Tài "ủng" là cô giáo của thằng con trai của ông anh ruột của tao.
Chết thật, một cái quan hệ phức tạp như thế này thì người thường nghe qua làm sao có thể hiểu được cho thấu đáo. Lan Chi cứ phải hỏi đi hỏi lại mấy bận, đếm đi đếm lại mấy lần "của", mà cuối cùng vẫn chịu chết không luận ra nổi tầm quan trọng của mối quan hệ ấy. Cô chỉ vỡ ra sau khi đã được Thanh Hoa bỏ công giải thích cặn kẽ. Phải thừa nhận rằng đây là một chuyện không thể xem nhẹ được.
Sự thể là thế này: vợ chồng ông anh ruột của Thanh Hoa có độc mỗi một cậu quý tử, năm nay học lớp bảy. Cậu này không những là niềm hy vọng duy nhất của hai bậc thân sinh, mà còn là biểu tượng tương lai của cả dòng họ. Là vì dòng họ nhà Thanh Hoa đã ba bốn đời rồi toàn là độc đinh cả. Bố cô là con trai duy nhất, anh cô là con trai duy nhất, và đời này thì đến lượt cậu quý tử này. Nhưng cu cậu vô tư, chẳng hề ý thức chút nào về trách nhiệm nặng nề của mình đối với tổ tiên, cho nên học hành hết sức ấm ớ, năm ngoái vừa mới bị đúp. Cả họ phát hoảng, phải họp bàn, rồi ra quyết định là tốn bao nhiêu thì tốn cũng phải lo cho quý tử nên người bằng được, mục tiêu phấn đấu lâu dài là phải nhồi cho được cu cậu vào đại học, mục tiêu cụ thể trước mắt là làm sao đừng có đúp năm nào nữa. Vợ chồng ông anh ruột của Thanh Hoa, chịu trách nhiệm trước dòng họ về việc thực hiện những mục tiêu khó khăn trên, đã đến gặp cô giáo chủ nhiệm của quý tử để bàn bạc cặn kẽ những phương án thực hiện. May được cô giáo thông cảm, nhận lời giúp đỡ. Chỉ sau ba tháng học thêm ở nhà cô giáo theo chế độ đặc biệt (số giờ học gấp đôi các bạn cùng lớp, số tiền học còn gấp nhiều lần hơn), cu cậu đã có những kết quả khá là hứa hẹn, tuy chưa được hẳn như mong muốn. Bố mẹ quý tử nhẩm tính rằng nếu tăng tiền học lên mà kết quả tăng nhanh hơn thì cũng bõ. Thế nhưng, chưa kịp bàn phương án này với cô giáo thì cô đã đích thân đến tận nhà, bảo là có việc muốn nhờ vả. Cái việc ấy, tất nhiên, chính là cái việc mà Tài "ủng" muốn nhờ Thanh Hoa.
Cô giáo hết sức tha thiết muốn giúp đỡ ông anh rể họ, vì tuy chỉ là em họ, nhưng quan hệ của cô với vợ chồng Tài thân thiết quý hóa có khi còn hơn anh chị em ruột trong nhà. Chẳng thân, chẳng quý, sao khi vợ chồng cô mua nhà, ông anh rể họ lại đồng ý cho vay ngay năm ngàn đô? Mà là với lãi suất hữu nghị thôi đấy nhé. Năm ngàn đô ấy, cô mới trả được có hai ngàn, còn ba ngàn hiện chưa có khả năng, anh chị họ cũng không nỡ thúc ép quá (đành rằng đôi khi anh chị cũng có nhắc nhở, bảo rằng đang có nhiều khoản cần tiêu). Bây giờ, anh rể muốn nhờ mỗi một việc này, mà mình không giúp được, thì thật là áy náy.
Không những cô giáo áy náy, mà anh ruột chị dâu của Thanh Hoa cũng áy náy, thậm chí đến mẹ của Thanh Hoa cũng áy náy nốt. Cho nên, sau khi ông anh ruột đích thân gọi điện sang Pháp để bàn với Thanh Hoa về việc này, thì mẹ cô vẫn không yên tâm, còn phải gọi điện thêm lần nữa. Bảo rằng con cố giúp anh Tài con nhé, chứ có mỗi một việc như vậy mà không giúp người ta được thì cô giáo của thằng Thắng cô ấy giận cho đấy, mà thằng Thắng nó lại đúp thêm một lần nữa thì mẹ khổ lắm con ơi. Thanh Hoa hiểu rằng vấn đề không đơn giản là một cái giấy mời, mà là danh dự của cả dòng họ.
Phải nói thêm rằng sở dĩ Thanh Hoa được Tài "ủng" chọn mặt gửi vàng, là vì gia đình chồng cô là một gia đình có nhiều quan hệ rộng rãi trong giới khoa học Pháp. Bố chồng cô, mẹ chồng cô đều là những giáo sư đại học có tên tuổi. Bản thân Pascal, chồng Thanh Hoa, cũng đã trở thành giáo sư từ khi tuổi còn rất trẻ, chưa đến ba mươi. Chuyện này thì cả Hà Nội đều biết, thậm chí còn biết hơn cả Thanh Hoa. Có lần cô về Hà Nội thăm nhà, nghe nói chuyện mới vỡ nhẽ ra rằng cả bố chồng, mẹ chồng lẫn chồng mình đều là viện sĩ hết.
Như vậy, Thanh Hoa đã phải huy động hết những mối quen biết của mình, của chồng ra để tìm cho được một nhà kinh tế học đồng ý làm một cái giấy mời khống cho Tài. Cuối cùng thì cũng tìm được một ông bạn của Pascal nhận giúp cho việc đó. Cái giấy mời lập tức được gửi về Hà Nội. Công việc đến đây tưởng là đã xong.
Nhưng giáo sư viện sĩ Trần Sỹ Tài đến được Paris rồi thì lại nảy ra những tham vọng khác. Sau khi đi dạo Paris một vòng, chụp một cái ảnh ở nhà thờ Đức Bà Paris, ba cái ở tháp Eiffel (ba góc độ khác nhau), một cái đứng tư lự bên dòng sông Seine, hai cái cười trước trường Đại học Tổng hợp Paris 7, một cái cũng trước trường này nhưng đăm chiêu trầm tư..., Tài thấy rằng tư liệu ảnh để cung cấp cho giới báo chí vậy là đã đủ. Nhưng vẫn còn thiếu một cái gì đó. Một cái gì đó làm bằng chứng về những hoạt động khoa học của Tài ở Paris.
Suy đi nghĩ lại, Tài nảy ra ý muốn gặp gỡ một nhà kinh tế học Pháp để bàn luận, trao đổi. Không nhất thiết phải bàn luận sâu vào những vấn đề chuyên môn cụ thể, mà chỉ cần là một sự gặp gỡ làm quen giữa giới kinh tế học hai nước, đặt tiền đề cho sự hợp tác khoa học trong tương lai. Bản thân Tài cũng không sẵn sàng cho những trao đổi chuyên môn, vì khi sang đây, có thể do quá nặng, anh không mang theo tài liệu công trình gì của mình hết cả. Bù lại, Tài mang theo một đống danh thiếp, in rất đẹp, chữ đã lấp lánh lại còn tỏa mùi thơm ngan ngát, trong đó ghi rõ họ tên chức vụ và mọi học hàm học vị của anh. Ngoài ra, Tài còn cẩn thận mang kèm cả tờ giấy giới thiệu của viện khoa học nơi anh làm việc, viết cả bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp, xác nhận tư cách đại diện cho viện của anh. Giấy giới thiệu có đóng dấu đỏ chói, hoàn toàn là dấu thật (Trần Sỹ Tài xưa nay không có xài của rởm bao giờ!) Với từng ấy thứ giấy tờ, Tài thấy anh đã được trang bị đầy đủ cho một cuộc gặp gỡ khoa học. Vấn đề là phải tìm cho được ra đối tác.
Chuyện này tất nhiên lại phải nhờ đến Thanh Hoa. Cô bạn của Lan Chi, sau khi nghe Tài bày tỏ nguyện vọng trên, thì vò đầu kêu khổ. Là vì cô không hình dung được có nhà kinh tế học Pháp nào lại chịu bỏ thời gian ra để làm cái công việc khó nhọc đó. Nhưng cô không dám gạt phắt đi, vì sợ làm cho nhiều người ở Hà Nội áy náy.
Được cái, Thanh Hoa xưa nay bao giờ cũng là người lắm sáng kiến. Vò đầu bứt trán, đào sâu suy nghĩ một hồi, trong đầu cô chợt lóe ra một cái tên. Một cái tên hoàn toàn ngang tầm cỡ giáo sư viện sĩ Trần Sỹ Tài. Hoàn toàn đủ tư cách để đàm đạo khoa học với giáo sư viện sĩ. Cái tên đó là Ba Lê Dị Nhân.
Ba Lê Dị Nhân chính là ông chú của chồng Lan Chi. Tên cha sinh mẹ đẻ của ông là Phan Cừ. Tên riêng của ông khi nhập làng tây là Philippe. Tên đầy đủ của ông khi xuất hiện trên những tờ báo tiếng Việt của cộng đồng người Việt hải ngoại là giáo sư tiến sĩ Philippe Phan Cừ. Tên do những miệng lưỡi thích châm chọc ở Paris đặt cho ông và được những người quen dùng để gọi vụng sau lưng ông là Ba Lê Dị Nhân.
Ba Lê Dị Nhân có một lý lịch khoa học kỳ bí không kém gì giáo sư viện sĩ Trần Sỹ Tài. Trước năm 1975, ông đã từng học luật ở Sài Gòn. Nhưng học được hai năm thì phải đi quân dịch, thành ra sự học nửa chừng dang dở. Rời Sài Gòn sau tháng 4 năm 1975, ông đến Paris, lúc đó mới ngoài ba mươi tuổi. Thôi binh nghiệp, không biết làm gì, ông bèn quyết chí trở lại với con đường khoa bảng. Lần này, ông chọn học ngành kinh tế.
Chí lớn, thế thời thuận lợi, nhưng không rõ vì lý do gì ông cũng chỉ mài đũng quần trên ghế giảng đường đại học ba năm rồi thôi. Hẳn là ông cho rằng đã đến lúc nên mang học vấn của mình ra giúp sức cho đời. Bằng chứng là từ đó ông thôi hẳn đời học trò dài lưng tốn vải, chuyển sang ngạch làm công ăn lương.
Tiểu sử của Ba Lê Dị Nhân đến chỗ này thì hoàn toàn minh bạch. Bà con, bạn bè nhiều người có thể đứng ra xác nhận cho ông.
Hành tung của ông mới chỉ trở nên mù mờ bí hiểm trong vòng một chục năm trở lại đây, khi tên tuổi ông bỗng dưng xuất hiện rộn rã trên báo chí tiếng Việt hải ngoại, kèm theo các chức danh "tiến sĩ kinh tế học, giáo sư trường X kiêm giám đốc viện Y". Những người quen ông lúc bấy giờ mới ngã ngửa ra, không hiểu ông âm thầm đi học lấy bằng tiến sĩ lúc nào mà khiêm tốn không cho bà con biết. Nhiều người thường gặp ông ở trường X, nơi ông lui tới làm việc hàng ngày, thì bảo rằng chức danh của ông tại đó là nhân viên thư viện, chứ chẳng phải giáo sư gì hết. Thực hư chưa biết thế nào, nhưng ít ra trường X còn tồn tại thật bằng gạch, bằng bê tông ở giữa Paris, chứ còn viện Y nơi ông làm giám đốc thì chỉ có độc mỗi một cái tên và một địa chỉ e-mail trên Internet.
Ba Lê Dị Nhân là một nhà khoa học uyên bác trong nhiều lĩnh vực. Ông không chỉ thu hẹp hoạt động khoa học của mình trong lĩnh vực kinh tế học, mà còn xông xáo đánh Nam dẹp Bắc trong cả chính trị học và sử học. Tất cả các công trình nghiên cứu khoa học của ông đều được đăng tải trên các tờ báo tiếng Việt đại chúng hải ngoại, báo giấy hoặc báo Internet. Theo như ông cho biết, thì bản gốc của những công trình này được công bố dưới dạng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, trên những tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng. Nhưng do khiêm tốn, hoặc vì thông cảm với trình độ ngoại ngữ có hạn của đồng bào mình, không bao giờ ông chịu nên tên những tạp chí quốc tế đã đăng công trình của ông ra.
Một trong những điều khiến Ba Lê Dị Nhân nổi bật lên trong giới khoa học là vốn cổ học vô cùng thâm thúy của ông. Các công trình khoa học của ông, do vậy, là một sự kết hợp tài tình đông tây kim cổ. Tên gọi thì là "điều trần khoa học" hoặc "tham luận khoa học", từ ngữ sử dụng thì "khảo sát", "chứng minh", "luận cứ", luận điểm"... đâu ra đấy, nhưng nội dung khoa học (bản tiếng Việt, còn tiếng ngoại quốc không biết ra sao) lại thường được trình bày bằng thể văn biền ngẫu, thỉnh thoảng lại xen một hai khổ thơ tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ý tứ hết sức sâu xa. Làm khoa học với cả bầu nhiệt huyết, nên ông không thể che giấu được cảm xúc của mình: nhiều khi chứng minh xong một "luận điểm khoa học", ông lại tuôn ra một câu cảm thán "ô hô, ai tai"... Có lẽ, chính do đem cái phong cách quân tử Tàu này ra làm khoa học, nên ông mới được nhận cái tên gọi là Ba Lê Dị Nhân.
Xem đi xét lại, Thanh Hoa thấy rằng không thể tìm ra được một đối tượng nào phù hợp hơn là Ba Lê Dị Nhân cho cuộc gặp gỡ khoa học với giáo sư viện sĩ Trần Sỹ Tài. Ngành nghề phù hợp, chức danh tương đương, tên tuổi đều vang dội như nhau trên báo chí: một người là niềm hy vọng của khoa học nước nhà, người kia lại là biểu tượng "vẻ vang dân Việt" của cộng đồng người Việt hải ngoại. Thanh Hoa bèn đề xuất ý kiến này với Tài. Mới đầu, Tài không được phấn khởi lắm, vì anh muốn gặp một nhà kinh tế học Pháp xịn kia. Nhưng Thanh Hoa đã thuyết phục được Tài bằng cách đưa ra đầy đủ học hàm, học vị, chức vụ của đối tác, kèm thêm cả cái tên tây Philippe của ông.
Nhiệm vụ môi giới được giao cho vợ chồng Lan Chi, mà Trung là người trực tiếp thực hiện.
Đúng như Lan Chi dự kiến, thoạt đầu ông chú của chồng cô tỏ ra không mặn mà với cuộc trao đổi khoa học này. Ông bảo là ngôn ngữ bất đồng, e rằng không nói chuyện với nhau được.
Phải công nhận rằng nỗi lo ngại của Ba Lê Dị Nhân là hoàn toàn có cơ sở. Ai cũng biết rằng tiếng Việt Hà Nội với tiếng Việt Sài Gòn vốn đã có nhiều chỗ khác nhau, đằng này lại là tiếng Việt Hà Nội nguyên chất từ trong nước, và tiếng Việt Sài Gòn đã phôi pha nhiều năm ở Paris, thì sự khác nhau có thể còn hơn cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
Nhưng Trung không phải là người dễ đầu hàng. Một trong những ưu điểm lớn của anh là rất kính nể vợ, nên nhiệm vụ vợ giao anh quyết thực hiện cho bằng được, chứ không có chuyện nửa chừng thoái lui. Anh ra sức thuyết phục ông chú bằng nhiều lý lẽ, đặc biệt là cứ nhằm vào tình yêu khoa học của ông mà kích động.
Có cái may là người Việt mình, tuy có thể không nhìn mặt nhau vì đối lập chính kiến, cãi nhau chí chóe vì dị biệt địa phương, nhưng vẫn mang trong người rất nhiều điểm chung chứng tỏ ngày xưa chui ra từ cùng một bọc. Một trong những điểm chung ấy chính là tình yêu thiêng liêng đến mức sùng kính đối với khoa học (cụ thể trong trường hợp này là đối với các danh vị khoa học, đặc biệt là danh vị ngoại). Bị Trung lôi cái tình yêu ấy ra để kích động, bằng cách trưng bày toàn danh vị có nguồn gốc châu Âu, kêu vang như tiếng kèn đồng, của giáo sư viện sĩ Trần Sỹ Tài, cuối cùng Ba Lê Dị Nhân đã phải xiêu lòng, nhượng bộ. Ông đồng ý tiến hành cuộc trao đổi khoa học này.
Cuộc gặp gỡ như vậy về nguyên tắc đã có thể tiến hành, nhưng cụ thể thế nào thì còn phải để Ba Lê Dị Nhân xem lại lịch làm việc cái đã. Vì rằng lịch làm việc của ông bao giờ cũng xếp đặt trước cả tháng rất khít khao. Những người thường gặp ông luẩn quẩn ở nhà hàng của vợ ông mà tưởng rằng ông rỗi rãi là hết sức nhầm. Phải đọc báo tiếng Việt hải ngoại thì mới biết là hoạt động khoa học của ông cực kỳ bận rộn: lúc thì đi điều trần ở viện khoa học uy tín nọ, khi lại đi thỉnh giảng ở trường đại học danh tiếng kia...
Cái sự xem lại lịch của ông chú làm Lan Chi hơi lo, vì thời gian còn lại trước chuyến bay của Tài không còn nhiều, nhỡ trong thời gian đó ông chú lại phải đi thỉnh giảng ở đâu thì phiền quá. Nhưng đúng là vì số Tài bao giờ cũng đỏ, cho nên cuối cùng Ba Lê Dị Nhân cũng tìm được một ngày còn trống trong lịch làm việc của ông. Ông ấn định cuộc gặp gỡ vào ngày hai mươi hai tháng đó, vào lúc bốn giờ chiều.
Cuộc gặp gỡ của đại diện giới kinh tế học hai nước Việt -Pháp mới đầu dự định tổ chức trong phòng giám đốc của viện Y, nhưng đến phút cuối cùng, Ba Lê Dị Nhân cho biết phòng làm việc của ông tạm thời không sử dụng được, vì có một vài công việc thay đổi về trang trí nội thất đang tiến hành dở dang. Ông đề nghị chuyển địa điểm gặp gỡ sang nhà hàng của vợ ông cho ấm cúng.
Vì theo như thỏa thuận thì cuộc gặp gỡ này mới chỉ có tính chất làm quen, giới thiệu, đặt nền móng..., cho nên nó diễn ra khá là ngắn ngủi. Nó được bắt đầu bằng sự kiện then chốt là hai bên trao cho nhau những chứng cớ khoa học của mình, tức là hai tấm danh thiếp, nội dung dài xấp xỉ nhau, về độ lấp lánh thì tài liệu Hà Nội xem ra có phần trội hơn tài liệu Paris một chút. Sau khi bên này đã khảo sát kỹ càng tài liệu của bên kia, sự tin cậy có vẻ đã được thiết lập. Hai bên bèn chuyển sang bàn đến những vấn đề cụ thể hơn của việc hợp tác khoa học Pháp - Việt trong tương lai.
Kết quả của sự hợp tác khoa học này như thế nào thì phải đợi tương lai lâu dài mới biết rõ được, vì làm khoa học là một quá trình gian khổ, không phải ngày một ngày hai là xong. Tuy vậy, trong tương lai không xa lắm, tức là chỉ khoảng một tháng sau, cuộc gặp gỡ này cũng đã đem lại cho đời được hai kết quả cụ thể là hai bài báo. Bài thứ nhất đăng trên một tờ báo đứng đắn ở trong nước, thuật lại những hoạt động khoa học của giáo sư viện sĩ Trần Sỹ Tài ở Paris, mà đáng chú ý nhất là việc xây dựng một đề án hợp tác khoa học với giới kinh tế học Pháp, đại diện là giáo sư tiến sĩ giám đốc Philippe Phan Cừ. Bài thứ hai đăng trên một tờ báo tiếng Việt hải ngoại, cũng đứng đắn không kém, trong đó tác giả (chính là Ba Lê Dị Nhân) cho biết rằng vừa rồi, trên cương vị giám đốc của mình, ông đã giúp cho ngành kinh tế học Việt Nam (thông qua một giáo sư viện sĩ) một số phương hướng nghiên cứu mới, ngõ hầu đưa kinh tế học Việt Nam ra khỏi tình trạng tụt hậu so với thế giới.
Trước mắt thì cuộc gặp gỡ này có một kết quả rõ ràng là giáo sư viện sĩ Trần Sỹ Tài khá thỏa mãn, Thanh Hoa cũng nhẹ cả người, và ở Hà Nội không có ai phải áy náy cả. Công việc đến đây hẳn đã là xong.
Buổi sáng ngày hai mươi ba tháng ba, Lan Chi đang ngồi ở hiệu sách thì một hồi chuông điện thoại vang lên. Cô nhấc ống nghe. Một giọng đàn ông nói bằng tiếng Việt xin được gặp cô.
- Vâng, tôi đây, - Lan Chi trả lời.
- Hê hê hê hê...- lập tức, một tràng cười vang dội lên ở đầu máy bên kia. - Lan Chi đấy hả, Sỹ Tài đây, có nhận ra anh không em?
Bao nhiêu năm rồi mà nghe cái tiếng cười khả ố ấy Lan Chi vẫn thấy gai cả người. "Lại vẫn xoen xoét anh em như là thân thiết lắm", cô nghĩ thầm rồi nói:
- Vâng, chào anh Tài, nghe Thanh Hoa bảo anh đang ở Paris phải không?
Tài gọi điện để cảm ơn về việc vợ chồng Lan Chi đã giúp anh. Mồm miệng vẫn dẻo như xưa, anh kể tràng giang đại hải về những ấn tượng của anh khi đến Paris, rồi về cuộc sống và công việc của anh ở Hà Nội ("Sống trong nước bây giờ sướng lắm rồi, Lan Chi ạ. Gì cũng có, mà rẻ hơn ở Pháp nhiều!"). Tiếp đó, Tài nhắc đến những bạn bè thuở Matxcơva hiện sống ở Hà Nội, ai cũng ăn nên làm ra. Vẻ hết sức tình cờ, Tài kể chuyện trước hôm đi sang đây anh có gặp Kiên.
- Kiên bây giờ làm ăn rất phát đạt, xây nhà ba tầng, có một con trai rồi, vợ trẻ và xinh lắm, chắc Lan Chi cũng biết?
- Vâng, cũng có nghe nói thế, - Lan Chi trả lời, cố giữ giọng thật bình thản.
- Anh có bảo Kiên nếu muốn gửi thư hay quà gì cho Lan Chi thì anh cầm sang cho, nhưng không thấy nó đến gửi gì cả. À, mà đến giữa tháng bảy này thì Kiên đi công tác sang Berlin hai tuần đấy. - Tài nói, rồi sau một lúc im lặng tế nhị đủ để cho cái tin ấy có thời giờ tác động đến Lan Chi, anh nói tiếp, vẫn với một vẻ hết sức tình cờ:
- Thấy Thanh Hoa bảo cậu em của Lan Chi ở Đức đang mời Lan Chi sang đó chơi. Hè này Lan Chi có định sang Đức chơi với cậu em không đấy?
"Sang hay không thì việc gì đến ông mà hỏi", Lan Chi bực bội nghĩ rồi xẵng giọng trả lời:
- Chưa định gì hết cả. Để xem tình hình thế nào cái đã.