Về cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty. Đây là cuộc hành quân trên bộ lớn nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ cả về quy mô lực lượng lẫn mục tiêu nêu ra. Như bạn đọc đã biết, Bộ tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ ở Nam Việt Nam cho rằng sở dĩ họ thất bại trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất là do diện phản công rộng, hướng tiến công nhiều(1), dẫn tới lực lượng bị phân tán, nên cuộc phản công mùa khô lần thứ hai này chúng tập trung ưu thế binh hoả lực vào một chiến trường trọng điểm là Đông Nam Bộ, vào một mục tiêu chủ yếu là chiến khu Dương Minh Châu Để giành thắng lợi chắc chắn, ngoài 5 cuộc hành quân thăm dò, nghi binh, tạo thế (2), địch còn có cả một kế hoạch chuẩn bị với nhiều nội dung rất công phu. Từ ngày 25-9-1966 đến 20-2-1967, địch tiến hành một chiến dịch khai quang dồn dập với frên 60 phi vụ máy bay C.47, C.123 thả chất độc hoá học dọc theo đường 4, tỉnh lộ 13, đường 22, dọc các sông Sài Gòn, Tha La, Suối Mây, theo hướng biên giới từ Kà Tum đến Tà Nôi. Chú trọng các trục giao thông và những nơi có cơ quan, nơi đóng quân của đối phương, tiến hành mở rộng sân bay Trảng Lớn, Suối Đá, Dầu Tiếng, Minh Thạnh, Quản Lợi, sửa gấp các đường 19, 22, 26, xây dựng các kho tàng dự trữ ở Trảng Lớn, Dầu Tiếng, Hớn Quản, tăng cường quân sự cho các khu dự kiến triển khai chỉ huy sở hành quân. Cũng từ tháng 12 năm 1966, địch vận chuyển 3.000 chuyến đưa 10.000 tấn hàng các loại gồm xi măng, bao cát, kẽm gai, gỗ đá ống cống, cốt sắt, máy phát điện, tủ ướp lạnh, xe ủi đất, cầu dã chiến. từ Sài Gòn lên Tây Ninh. Ngoài ra mỗi ngày địch còn dùng từ 10 - 15 lần / chiếc máy bay C.128, C.130 chuyển hàng từ hậu cứ Biên Hoà lên Dầu Tiếng, Trảng Lớn, Suối Đá, Minh Thạnh, Quản Lợi. Từ 1 tháng 2 đến 21 tháng 2 địch dùng trên 80 phi vụ L.19, RB.57, C.47 bay quan sát, chụp ảnh địa hình, thả máy thu tiếng động, dò hướng VTĐ theo các tuyến đường sông, ven biên giới, trong khu vực căn cứ; tung thám báo, biệt kích vào khu căn cứ để nghe trộm điện thoại, phát hiện mục tiêu, điều tra theo dõi dấu vết ta dọc theo các lộ kiểm, lộ ủi. Càng gần đến ngày N, địch tăng cường chuẩn bị hoả lực sát thương ta trước khi bộ binh nhảy vào. Từ ngày 1 tháng 2 đến ngày 21 tháng 2 (một ngày trước khi mở cuộc tiến công) địch dùng 16 phi vụ B.52 (40 - 50 lần / chiếc) và 30 phi vụ phản lực (90 lần/ chiếc) oanh tạc các mục tiêu Bầu Cỏ, Trảng Chiến, Chà Dơ, Đất Đỏ, Sóc Mới, suối Nước Đục; dùng 60 phi vụ C.123, C.47 rải chất độc hoá học xuống các khu rừng còn sót trên sông Sài Gòn, Tha La, thả bom cháy đết các trảng trống dự định sẽ đổ quân đóng chốt. Đêm 21-2-1967, máy bay B.52 oanh tạc 9 lần, mỗi lần từ 3-9 lần/chiếc ném bom rải thảm xuống khu vực Dương Minh Châu. Xen kẽ giữa các đợt hoạt động của máy bay B.52 và cả ngày 22 là 234 lần xuất kích của máy bay cường kích chiến thuật. Có thể nói trong suốt thời gian chuẩn bị, chờ đợi, tuy chưa trực tiếp đối mặt với quân thù, nhưng âm vang của chiến tranh làm rung chuyển mặt đất nơi chúng tôi đứng, khói bụi của chiến tranh bay khắp không gian, nhiều lúc không sao chợp mắt vì những tiếng nổ chát chúa rất gần dội vào tai, vào óc, nghe nhức nhối khó chịu. Sau nhiều tháng hối hả chuẩn bị, Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Mỹ đã tung vào cuộc phản công chủ yếu này 45.000 quân, gồm 26 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn tăng - thiết giáp (2.300 xe), 17 tiểu đoàn pháo binh(3) (250 khẩu),17 phi đoàn máy bay phản lực, máy bay vận tải, hàng trăm lần 1 chiếc máy bay chiến lược B.52. Quân nguỵ tham gia cuộc hành quân này có một chiến đoàn thuỷ quân lục chiến (2 tiểu đoàn), một tiểu đoàn biệt động quân và 12 đại đội biệt kích. Bằng lực lượng gần gấp hai lần cuộc hành quân Xê-đa-phôn, địch mở cuộc hành quân quy mô lớn với thủ đoạn bao vây kết hợp dùng lực lượng đột kích mạnh thọc sâu chia cắt; dùng đổ bộ đường không thẳng đứng, nhảy dù, bất ngờ tạo thế bao vây chặt bằng một "vành móng ngựa khổng lồ" (chữ U lộn ngược) khoá chặt phía biên giới Campuchia và hai bên sườn; đồng thời dùng lực lượng hỗn hợp bộ binh và cơ giới làm mũi tiến công chủ yếu thọc vào trung tâm căn cứ nhằm tiệu diệt cơ quan đầu não và lực lượng chủ lực của ta. Trung tuần tháng 2, các sư đoàn bộ binh số 1, bộ binh cơ giới số 25 đã chuyển vào vị trí ở hai phía đông và tây dọc biên giới Campuchia. Ngày 22-2-1967 khi cuộc hành quân Gian-xơn Xi- ty chính thức bắt đầu thì cả vùng phía bắc đã bị địch đóng chốt vít chặt. Cuộc hành quân do tướng ba sao Xi-mân, tư lệnh lực lượng dã chiến II của Mỹ đóng nhiệm sở ở Biên Hoà chỉ huy, dự định tiếp theo ngay sau cuộc hành quân Xê-đa-phôn, đã bị chậm lại một tháng để có thời gian sửa chữa sai lầm của các cuộc hành quân trước đó. Về diễn biến chung nhiều tài liệu đã phản ánh đầy đủ, ở đây xin kể thêm một số chi tiết qua sách báo địch mà chúng tôi thu thập sau này càng nổi rõ thủ đoạn lắt léo và phức tạp mà địch đã thực thi. Ngày N (tức ngày 22 tháng 2), mở đầu cuộc hành quân đã diễn ra một trong những cuộc cất cánh trực thăng đông đảo nhất (trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Nam Việt Nam), đổ 9 tiểu đoàn bộ binh thuộc sư đoàn bộ binh số 1, lữ 196, 173 xuống Sóc Mới, Rùm Đuôn, Ang Khắc. Một tiểu đoàn còn lại của lữ đoàn 173 gồm 845 quân do 16 máy bay C.130 từ Biên Hoà chở đến nhảy dù xuống Kà Tum để hoàn thành cánh quân phía bắc của chiếc móng ngựa và do lữ 1 của sư đoàn 25 từ đường 22 đánh sang hướng đông-bắc. Ngày N+1 (tức ngày 23 tháng 2), lữ 2 của sư đoàn 25 cùng với trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 (thiếu một tiểu đoàn) từ phía nam theo đường 4 đánh lên đóng chốt ở Bầu Cỏ, Đồng Pan, Sóc Kỳ nối liền với Kà Tum, lấy huyện Tà Đạt làm hợp điểm hiệp đồng bao vây bốn mặt toàn bộ khu vực căn cứ. Như vậy là bằng phương tiện cơ động nhiều và hiện đại cao, ngay ngày đầu của cuộc hành quân, tướng Oét-mo-len đã đưa toàn bộ đội hình chiến dịch cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, pháo cối vào các mục tiêu tiến công, bao vây, án ngữ toàn bộ khu căn cứ trên các hướng, bằng nhiều lớp bộ binh và hoả lực. Đúng là nếu nhìn trên bản đồ hình thái chiến dịch, ta thấy thế trận hành quân của địch vừa kín lại vừa hiểm, tưởng chừng đối phương khó có thể lọt qua vòng phong toả bằng bộ binh, xe tăng, thiết giáp và hệ thống hoả lực ken dày của địch. Nhân đây xin được kể một chi tiết ngoài lề: Tháng 7 năm 1967, tôi được phép của Bộ tư lệnh Miền, đi trong đoàn anh Nguyễn Chí Thanh, bí thư Trung ương Cục ra Hà Nội nhận kế hoạch tiến công nổi dậy Xuân 1968, được tin này nhiều bạn bè chiến đấu cũ đến thăm, hỏi đủ mọi chuyện đi đường, chuyện cảnh vật, nhân tình ở trong đó và rôm rả nhất là chuyện chiến đấu, chuyện về cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty. Chả là trong số bạn bè, có một số muốn hỏi sâu những kinh nghiệm vì các anh đã nhận lệnh đi B. Mặc dầu người vẫn còn đang mệt, nhưng đụng đến một vấn đề tâm đắc còn nóng hổi, tôi say sưa kể lại những điều mình chứng kiến quá trình đối mặt với kẻ thù trong một tình thế cực kỳ hiểm nghèo. Không khí buổi gặp mặt thân mật mà trầm lắng, tất cả đều chăm chú dõi theo tôi kể, với gương mặt rạng rỡ như để chia vui với người trong cuộc. Bỗng có một anh bạn cắt ngang, chậm rãi xen vào một ý kiến thật lòng: - Theo dõi những ngày đầu của cuộc hành quân, mình nghĩ chỉ cần quân ta ra khỏi vòng vây của địch một cách an toàn là thắng lợi rồi. - Thoát đấy chứ! - Ra đến tận Hà Nội - Tôi nói vui. - Ra hẳn chứ - Bạn hỏi tiếp. - Ra nhận nhiệm vụ mới, để lại vào - Tôi trả lời. Xin được trở lại câu chuyện đang kể. Như trên đã trình bày, chúng ta đánh địch không bằng kiểu dàn trận, phân tuyến, mà bằng thế trận chiến tranh nhân dân với ba thứ quân rất đặc biệt, nếu không nói là độc đáo. Khi 45.000 quân địch với hàng ngàn xe, pháo hình thành vòng vây tiến vào căn cứ, có các mũi đổ bộ bất ngờ bằng máy bay lên thẳng, thọc sâu bằng bộ binh kết hợp với xe tăng, xe bọc thép vu hồi vào phía sau, đánh qua các khu vực, đến tận toạ độ đặt cơ quan Trung ương Cục mà các phương tiện trinh sát của chúng đã ghi sẵn. Nhưng trước mắt quân Mỹ chỉ là những lán nhỏ không người, quanh đó là những hầm hào và những bãi mìn, là những đơn vị du kích cơ quan bí mật ém sẵn, nếu quân Mỹ vượt quá giới hạn cho phép là nhận hnh nguy hiểm. Ngay từ phút đầu đặt chân đến các mục tiêu được giao, quân Mỹ vốn chủ quan ngạo mạn đã hoang mang sợ hãi, bởi đâu cũng có trận địa của đối phương đánh chặn. Quân ta tác chiến không theo đội hình sư đoàn mà thực hiện chủ động, linh hoạt chiến đấu theo đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn theo các hướng được phân công. Thực hiện nguyên tắc này, ngày 23 tháng 2, khi lữ đoàn 2, sư đoàn 25 và trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 tiến lên phía bắc thực hiện hợp vây, thì trung đoàn 16 luồn xuống phía nam tiến quân vào đội hình quân địch đang di chuyển. Trung đội đi đầu bị cắt đứt, đại đội 13 thuộc trung đoàn l, trung đoàn 16 địch đã lọt vào trận địa phục sẵn của ta, hàng chục lính Mỹ chết. Vào khoảng nửa đêm, sau 54 đợt ném bom yểm trợ chúng mới cứu thoát số tàn quân rút về phía sau. Ngay đêm đó, trung đoàn còn tổ chức pháo kích căn cứ hậu cần của địch ở Suối Đá, gây nhiều thiệt hại. Trong khi du kích Kà Tum nổ súng bắn rơi 12 máy bay lên thẳng; du kích cơ quan Trung ương Cục ở Rùm Đuôn, Ang Khắc, bộ đội địa phương Tà Đạt chiến đấu bắn rơi thêm 9 máy bay lên thẳng, thì chúng tôi lệnh cho các đơn vị thực hiện đánh nhỏ hai bên sườn và sau lưng đội hình hành quân của chúng: ngày 26 tháng 2, Trung đoàn 2 vận động tập kích Mỹ ở Trảng A Lầu, một bộ phặn khác phối hợp với du kích cơ quan đánh địch ở Tà Xia, ngày và đêm 28 tháng 2, Trung đoàn 16 triển khai phục kích địch ở đông-nam Giếng Thí, tập kích cụm cơ giới Mỹ ở gần cầu suối ông Hùng, bắn rơi ba máy bay lên thẳng. Các phân đội pháo của sư đoàn, trung đoàn liên tục pháo kích chỉ huy sở quân địch ở Dầu Tiếng, căn cứ hậu cần địch ở Suối Đá. Hành quân và chiến đấu trong điều kiện thời tiết nóng nực, ban ngày bị chặn đánh, ban đêm bị du kích cơ quan quấy rối, sức khỏe và tinh thần chiến đấu của lính Mỹ giảm sút rõ rệt, số quân ốm đau lên tới 16%. Từ ngày 1 đến ngày 13 tháng 3, địch buộc phải co lực lượng về giữ chốt và bảo vệ hành lang tiếp viện theo các trục đường 22, đường 4, tìm cách đánh mới. Sở chỉ huy sư đoàn liên tục nhận được điện báo của các đơn vị gọi về, đều có chung một nhận xét: tình hình bớt căng, cường độ nống lấn của địch có giảm, không rõ vì nguyên nhân gì? Tôi điện trả lời: Trước hết sư đoàn biểu dương ý thức báo cáo thỉnh thị kịp thời của các đơn vị. Đúng là địch có triệu chứng co lại là do ta tích cực chống trả. Các đơn vị cần tổ chức theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, tuyệt đối không được chủ quan, khẩn trương xốc lại đội hình, sẵn sàng đánh trả, có khả năng địch thay đổi thủ đoạn hành quân. Cùng lúc sư đoàn cũng nhận được điện của Bộ tư lệnh Miền: Địch tiến vào khu căn cứ rộng mà không nắm được mục tiêu đánh chiếm cụ thể, lại bị ta liên tiếp đánh đòn phủ đầu, chúng bắt đầu dao động. Từ nhận định trên, Bộ tư lệnh Miền quyết định cần tập trung chủ lực đánh những đòn tiêu diệt lớn, đánh mạnh vào tinh thần quân Mỹ, làm thất bại cuộc hành quân của chúng. Quyết định trên có tính định hướng, chúng tôi coi đây là mệnh lệnh phải chấp hành. Trên giao quyền cho dưới được chủ động sáng tạo trong biện pháp, miễn sao tiêu diệt được sinh lực địch. Dễ mà khó, vì yêu cầu của thế trận chung lúc này chưa cho phép tập trung lực lượng bằng cách kéo các đơn vị về tổ chức chiến đấu theo đội hình sư đoàn, vì các trung đoàn vẫn phải đứng chân ở địa bàn quy định, tác chiến phối hợp theo thế ba thứ quân. Trong khi đó, từ ngày 1 đến 5 tháng 3, lợi dụng địch co cụm, du kích cơ quan các "xã", bộ đội địa phương các "huyện" được dịp bung ra tiến công vào các cụm quân địch ở Bầu Bàng, Ang Khắc, Bầu Lùng Tùng, Kà Tum,. đánh địch vận chuyển trên các đường giao thông, phá huỷ, đánh hỏng 85 xe tăng, xe bọc thép. Tin vui mà chúng tôi đứng ngồi không yên, vì lo sao phải kịp thời phối hợp chiến đấu, chậm là lỡ thời cơ. Suy nghĩ và trao đổi, nhưng không được kéo dài, vì diễn biến tình hình đang rất mau lẹ. Chúng tôi quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng Trung đoàn 2 vận động tập kích cụm quân Mỹ ở Đồng Pan, ngày N tiến công là ngày 10 tháng 3, vì trước đó trung đoàn này có đụng độ với địch một vài trận nhưng thường nhỏ, lẻ, lực lượng cỡ tiểu đoàn, đang còn sung sức, lại đứng chân ở vị trí thuận tiện cơ động tiếp cận mục tiêu. Chúng tôi coi đây là trận đánh then chốt, nhưng không thành, do chuẩn bị triển khai chiến đấu chậm (một phần có khó khăn khách quan), quyết tâm của cán bộ chưa cao, đồng chí Trần Xoa trung đoàn trường phụ trách hướng chủ yếu hy sinh trong khi đi chuẩn bị chiến trường. Đành rằng đây là khuyết điểm của cấp dưới, nhưng là người chỉ huy chung, tôi thấy mình có phần trách nhiệm. Bài học rút ra là tình thế càng khẩn trương càng đòi hỏi người chỉ huy phải sâu sát hơn nữa; sau mệnh lệnh chiến đấu, cần phải quan tâm đúng mức khâu hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc cấp dưới triển khai, thực hiện, được coi như một quy trình của người chỉ huy trong chỉ huy chiến đấu. Với tôi đây thực sự là một kỷ niệm không vui! Nhưng nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi phải vươn lên, xốc tới. Tôi lại cùng các anh trong Bộ tư lệnh sư đoàn lao vào công việc. Hỏng việc này bày việc khác mà làm. Lúc này không trách móc, phê phán. Theo kế hoạch vừa được bổ sung, ngay đêm 10 tháng 3 (chỉ sau vài giờ trận đánh Đồng Pan không thành), một tiểu đoàn của Trung đoàn 2, sau một đợt pháo kích kéo dài 30 phút bằng súng cối và ĐKZ đã tiến công tiểu đoàn cơ giới địch. Trời đêm đỏ rực vị pháo sáng liên tục và bom nổ, trực thăng lao vào tiếp tế đạn dược và đưa thương binh ra. Vào năm giờ sáng hôm sau trận đánh mới kết thúc. Đặc biệt, Trung đoàn 16 do tổ chức chiến đấu tốt, đã liên tiếp pháo kích, tập kích cụm quân địch ở Bầu Cỏ (10-3), Trảng Bầu, Trảng A Lầu (11-3), ở Tà Xia, Bến Ra... phá huỷ, phá hỏng 72 xe tăng, xe bọc thép. Những trận tiến công trên của sư đoàn 9 cùng với các trận đáng có hiệu quả trong cùng thời gian của lực lượng du kích cơ quan binh vận Trung ương Cục ở Suối Mây, du kích công binh "huyện" Sóc Kỳ, du kích xường thông tin S.3 "huyện" Tà Đạt... đã góp phần làm cho tinh thần chiến đấu của quân Mỹ càng thêm sa sút. Ngày 13-3-1967, Mỹ cho máy bay lên thẳng bốc quân rút khỏi Kà Tum, Bổ Túc và một số cụm ở tây-bắc tỉnh Tây Ninh, địch chỉ còn chốt lại ở Đồng Pan, Bầu Cỏ trên trục đường 4, kết thúc đợt 1 cuộc hành quân. Ngày 15 tháng 3, lữ đoàn 173 và trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11 chấm dứt hoạt động, coi như đã kết thúc cuộc hành quân nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của ta. Thực tế là Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho giai đoạn hai của cuộc phản công. Cùng thời gian, Trung đoàn 3 từ quốc lộ 18 báo cáo về sư đoàn: có nhiều dấu hiệu địch tăng quân ngược lên phía Hớn Quản. Đồng thời Bộ chỉ huy Miền cũng điện gấp xuống sư đoàn: Địch đã thua đau nhưng chưa từ bỏ tham vọng, chúng tiếp tục cuộc hành quân nhưng lật cánh sang hướng đông, và giao nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang nói chung, Sư đoàn 9 nói riêng cần phải làm để đối phó thắng lợi âm mưu mới của địch. Công việc chuẩn bị thật bộn bề, mà thời gian chỉ có năm ngày! Không đợi đến lúc cấp trên nhắc nhở, uốn nắn, chúng tôi tự thấy phải làm gì. Trong đợt một, Sư đoàn 9 tuy có mở được một số trận tiến công nhưng do chưa quán triệt quyết tâm và phương châm chỉ đạo tác chiến của Miền, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, chưa thực hiện được trận đánh thối động nào. Đây là vấn đề mấu chốt, nổi cộm cần phải giải quyết trong giai đoạn chuẩn bị trước khi bước vào chiến đấu chống lại bước hai cuộc phản công của địch. Thường vụ Đảng uỷ và Bộ tư lệnh sư đoàn hội ý trao đổi để rút kinh nghiệm việc đã qua, bàn công việc cần làm ngay. Một thách thức, nhưng phải đặt ra tức khắc là đánh hay không đánh. Nếu còn lưỡng lự trong nhận thức tư tưởng thì không thể bàn các vấn đề khác. Một lần nữa tôi càng hiểu câu nói sâu sắc của anh Thanh: "Dám đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh Mỹ". Nó như một nguyên lý của công tác chính trị tư tưởng lúc này. Với tinh thần thực sự cầu thị, không vòng vo lý sự, không né tránh, từ nhận thức ấy chúng tôi tìm được nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm chưa hoàn thành tất nhiệm vụ trên giao trong đợt một của chiến dịch là do tư tưởng ngại hoả lực phi pháo, xe tăng địch, muốn phân tán đánh nhỏ như hoạt động của các lực lượng du kích cơ quan. Từ đó sư đoàn nêu ra yêu cầu lãnh đạo tư tưởng lúc này cần phải thể hiện tính chiến đấu cao. Nói cho hết những khí phách anh hùng, những thành tích có giá trong đợt chiến đấu vừa qua. Đồng thời phê phán có lý có tình những biểu hiện bi quan đánh giá địch quá cao, không thấy hết mặt mạnh của ta, củng cố và xây dựng tư tưởng đánh lớn là chức năng của các đơn vị bộ đội chủ lực. Từ đó các đơn vị tiến hành sinh hoạt chính trị nhẹ nhàng mà nghiêm túc, nhằm thống nhất nhận thức tư tưởng "dám đánh", động viên cổ vũ mọi người phát huy truyền thống đoàn kết, dũng cảm, mưu trí, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng tư tưởng dẫn đầu nếu được hiểu đúng, có biện pháp lãnh đạo đồng bộ, phù hợp với thực tế, đâu phải là duy ý chí, mà trái lại, nó là một nguyên nhân tạo nên các kết quả khác. Nắm chắc quả đấm chủ lực, đánh cho được một hai trận lớn, diệt tiểu đoàn, chiến đoàn địch, đó là phương hướng lãnh đạo tư tưởng của sư đoàn, đồng thời cũng là mệnh lệnh chiến đấu đối với toàn sư đoàn. Trong đợt hai này lãnh đạo Miền vẫn kiên trì chủ trương đánh địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân, bằng sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân, mà quả đấm chủ lực vẫn là Sư đoàn 9. Không tăng thêm và không thể tăng thêm, vì đưa nhiều lực lượng chủ lực vào chiến dịch ìúc này là không có, vì Sư đoàn 5 vẫn cần thiết đứng chân ở hướng Bà Rịa đánh địch ở vòng ngoài. Nếu có cũng không cần thiết phải đưa vào, như vậy sẽ gây ùn, dễ bị địch sát thương. Để tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 có cơ hội đánh tập trung, lãnh đạo Miền có kế hoạch tăng thêm trang bị vũ khí cho du kích cơ quan và bộ đội địa phương "huyện", tổ chức thêm nhiều đội săn cơ giới, triển khai thêm nhiều bãi mìn ở các trảng, các đường. tiếp tục tiêu hao tiêu diệt nhỏ, đặc biệt tăng cường diệt xe tăng, máy bay lên thẳng vừa giữ gìn căn cứ vừa chặn giao thông địch. Một số cán bộ cơ sở từ phân vân lúc đầu, nay khi nhận ra vấn đề lại thấy tự tin, tự hào, mặc dầu phía trước còn gặp không ít thử thách. Số anh em này tự nhận biết, tự thông suốt, tất cả như các nhà tham mưu cỡ nhỏ mà biết tính toán cỡ chiến dịch, đều thấy bối cảnh lúc này địch dồn ưu thế binh hoả lực sang hướng đông trên diện tích hẹp(4), nếu ta đưa thêm lực lượng đội hình dễ bị ùn, mật độ bố trí dày, dẫn đến thương vong cao. Tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng tạo và đầy bản lĩnh của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền, Sư đoàn 9 đón nhận quả đấm chủ lực trong một tương quan không cân sức với tinh thần tự tin và nghiêm túc. Nhưng đánh lớn là thế nào, và đâu là then chốt có sức thối động trong khi do yêu cầu dàn thế, lực lượng bố trí lại phân tán hơn trong đợt một. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Miền, sư đoàn điếu Trung đoàn 1 từ tây đường 22 ngược lên phía bắc, đứng chân ở bắc Bổ Túc làm lực lượng dự bị, sẵn sàng đón thời cơ, đánh địch tập trung diệt các cụm hành quân của địch trên lộ Đá Đỏ ở khu vực Bổ Túc, Sóc Con Trăng hoặc Trảng Ba Vũng; Trung đoàn 3 tiếp tục bám quốc lộ 18 đánh địch vòng ngoài. Lực lượng đánh lớn chỉ còn Trung đoàn 2 và Trung đoàn 16, trong khi về nguyên tắc đòi hỏi phải có ưu thế binh lực, đánh độì hình sư đoàn hoặc sư đoàn tăng cường. Trên đây là những vấn đề đặt ra cho chúng tôi phải giải quyết trong cuộc hội ý bàn biện pháp thực hiện. Đã qua một đợt chiến đấu đầy ác liệt, căng thẳng, sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác của mọi người. Luồng suy nghĩ có khác nhau, nhưng khi trao đổi đều hội tụ ở bàn vào: quyết đánh; có đồng chí còn cao giọng: quyết rửa hận! Khẩu khí không được chỉnh lắm nhưng không ai tham gia, góp ý, cứ thả sức cho tinh thần hăng say được thể hiện. Cuối cùng sư đoàn quyết định: lấy trục tỉnh lộ 4 là nơi tổ chức trận đánh tiêu diệt lớn, vì tiến hay rút bộ binh địch nhất thiết phải dựa vào trục đường này để thực hành thọc sâu, chia cắt, tìm diệt đối phương. Lấy Đồng Pan, Đồng Rùm, Chà Dơ là nơi tổ chức các trận đánh then chốt, vì nơi đây đều là các trảng địch sẽ chọn làm điểm tạm dừng hoặc đóng chốt. Trung đoàn 2 và Trung đoàn 16 đảm nhận nhiệm vụ phản công trên tỉnh lộ 4, cụ thể: Trung đoàn 2 đứng chân ở Chà Dơ, Trung đoàn 16 lùi về Suối Dây, ngã ba Sóc Xoài tạo thế đánh trận phủ đầu, đón thờỉ cơ đánh trận then chốt, tiêu diệt lớn sinh lực địch. Sự điều chỉnh thế bố trí chỉ là xê dịch, không có khó khăn gì đáng kể, vì cả hai trung đoàn đều có mặt ở khu vực này cho đến lúc địch kết thúc đợt một cuộc hành quân. Đây là thế đứng thích hợp, có thể sẵn sàng đánh địch ở Đồng Pan, Đồng Rùm, Bầu Cỏ. Khi giao nhiệm vụ, sư đoàn nhấn mạnh, các trung đoàn vẫn phải giấu quân ở địa điểm thích hợp, không được gần đường quá, dễ bị địch phát hiện sát thương trước khi hai bên trực tiếp đụng độ. Cần tổ chức khảo sát các điểm chờ sẵn, để thiết bị chiến trường, có phương án trên thực địa trước, làm kỹ, nhưng khẩn trương, tuyệt đối giữ bí mật. Sẵn sàng có hai phương án phục kích nếu địch hành quân và tập kích nếu địch tạm dừng đóng cụm dã ngoại. Ngày 18-3-1967 địch triển khai đợt hai cuộc hành quân với lực lượng 8 lữ đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp, một tiểu đoàn quân đội nguỵ Sài Gòn trên một khu vực chủ yếu từ đông tỉnh lộ 4 đến tây sông Sài Gòn, từ biên giới đến bắc đường 13. Trọng điểm là vùng Đồng Rùm - Đồng Kền, Bầu Châm - Bầu Cột, Sóc Con Trăng - Suối Ngô. Ý đồ của tướng Oét-mo-len trong đợt hai là triển khai kế hoạch bao vây khu vực đông-bắc căn cứ khu B bằng hai cánh quân từ Hớn Quản đánh sang phối hợp với lực lượng cơ giới từ phía nam phát triển lên, hình thành thế bao vây, kết hợp với máy bay lên thẳng đổ quân chốt chặn và cơ giới đột phá cất vó cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Miền, các lực lượng và cơ sở của quân Giải phóng. Để giữ yếu tố bất ngờ, địch không cho chuẩn bị hoả lực trước, mà chỉ dựa vào máy bay trinh sát dẫn đường, dùng bộ binh cơ giới thọc sâu tiến chắc từng bước. Lực lượng bộ binh cơ giới do sư đoàn 25 từ hai hướng tây- nam theo lộ 4, lộ Kiểm, lộ Trắng đánh lên, từ hướng đông sư đoàn 1 theo lộ Đá Đỏ đánh sang hướng tây, kết hợp với lực lượng đổ bộ đường không hình thành thế bao vây căn cứ đông- bắc khu B. Rút kinh nghiệm đợt một, quân Mỹ tập trung thành cụm lớn có cả bộ binh, xe tăng, pháo binh từ đó đánh toả ra xung quanh; vừa thăm dò vừa phá, vừa thọc sâu vào căn cứ của ta, vừa chú trọng giữ vị trí bàn đạp nhưng dè dặt, thận trọng. Ngoài ra địch tìm mọi cách nghi binh, đánh lạc hướng cùng với việc hối hả chuẩn bị, chỉ trong năm ngày sau khi kết thúc đợt một, địch đã triển khai cuộc hành quân hai với nhiều thủ đoạn xảo quyệt, lại rút kinh nghiệm thất bại đợt một, tướng Oét-mo-len tin trước là sẽ "tìm diệt" được đối phương. Những phán đoán của Bộ chỉ huy Miền, những bố trí lực lượng và dự kiến các trận đánh của Sư đoàn 9 gần như trùng hợp với những gì xảy ra ngay những giờ đầu, ngày đầu cuộc hành quân của Mỹ đánh vào chiến khu C từ hướng đông. Chúng ta đúng vì chúng ta biết mình biết người, có bề dày thực tiễn chiến đấu ngay trên đất nước mình, lại nắm vững quy luật chiến tranh, nghệ thuật quân sự cũng được tổng kết rút ra từ chính cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong nhiều thập kỷ. Còn tướng tá Mỹ không phải nghèo về trình độ học vấn, về nghiệp vụ tham mưu, mà điều cơ bản, hình như đội quân xâm lược nào cũng không tránh khỏi, đó là đầu óc chứa đầy những suy tính chủ quan ngạo mạn, chỉ biết mình mà không biết người. Ngay từ lúc địch mới ra quân, chỉ huy sư đoàn chúng tôi theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời xử lý, nhất là trên hướng dự kiến có đánh lớn, không thể lặp lại khuyết điểm chuẩn bị triển khai chiến đấu chậm như trận Đồng Pan. Trước ngày 18 tháng 3, địch tung các đại đội biệt kích thám báo hoạt động thăm dò theo tỉnh lộ 13, phía đông sông Tha La và khu vực Đồng Rùm. Đến ngày 18, ở khu vực phía bắc, địch ra quân ồ ạt, nhưng riêng Đồng Rùm vẫn tương đối yên tĩnh, chỉ có phi pháo địch thi nhau oanh tạc bắn phá mang tính chất dọn bãi, dấu hiệu địch sắp đổ quân. Tôi điện gấp xuống hai trung đoàn nhắc nhở: có khả năng ngày mai 19 tháng 3 địch đổ quân xuống Đồng Rùm, các đơn vị phải sẵn sàng, tổ chức theo dõi chặt diễn biến 24/24 giờ nhưng vẫn tuyệt đối giữ bí mật và động viên: gắng lên, đừng để hổ phá cũi nhé! Cả đêm 18 rạng ngày 19, ở sở chỉ huy tiền phương sư đoàn, chúng tôi thật sự hồi hộp, chờ đợi đến căng óc về những khả năng và diễn biến khi trời sáng? Ngày 19 tháng 3, sau khi nhận điện thông báo của Bộ chỉ huy Miền, cả khu vực Đồng Rùm vang lên vì bom đạn Mỹ trút xuống, từng đụn khói bốc cao, toả rộng như một đám mây màu chì che phủ cả một vùng trời. Rồi từng tốp máy bay lên thẳng ập đến thi nhau đổ quân. Mọi việc diễn ra khẩn trương, bài bản, ăn khớp. 17 giờ cùng ngày trận địa pháo địch bắt đầu hoạt động; 20 giờ bộ binh địch căng bạt, đào công sự, rào kẽm gai, gài mìn. Tự tin được củng cố, phấn khởi được nhân lên. Tin từ Trung đoàn 3 báo về: cùng ngày trung đoàn đã tập kích cụm cơ giới lữ đoàn 1 sư đoàn 9 Mỹ ở Bầu Bàng, phá 92 xe (có 65 xe tăng), 9 khẩu pháo. Niềm vui đến nhanh, không có điều kiện để ngấm sâu vì trước mắt chúng tôi là sự kiện Đồng Rùm. Chúng tôi nhận định, đây là thời cơ để sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Thực ra Đồng Rùm không phải là địa danh xa lạ đối với sư đoàn 9, mà trái lại. Trong giai đoạn chuẩn bị theo kế hoạch chung của Miền, chúng tôi đã tổ chức đi khảo sát cơ bản trên thực địa, biết nơi đây là một trâng lớn(5), giữ một vị trí quan trọng từ phía nam đánh vào căn cứ. Tin từ quân báo cấp trên và từ Hà Nội thông báo vào, lực lượng địch đổ xuống Đồng Rùm gồm lữ đoàn 3, sư đoàn bộ binh số 4, một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn không vận 173, một tiểu đoàn pháo hỗn hợp 105 và 156,7 ly, một tiểu đoàn xe tăng, xe bọc thép, lực lượng khoảng 3.000 tên. Sau khi đổ quân cùng lô cốt đúc sẵn thả xuống, địch hối hả tổ chức thành hai tuyến phòng thủ phía bắc trảng và phía nam trảng, giữa là sở chỉ huy, trận địa pháo và khu thông tin. Trước giờ nổ súng, sư đoàn còn tổ chức đợt trinh sát cuối cùng, trong và sau chiến đấu được biết thêm: khu vực địch đóng thành cụm nằm gọn giữa trảng theo hình bầu dục dài 700 mét theo chiều bắc nam, rộng hơn 400 mét theo chiều đông tây; hình thành hai khu: khu bắc có bộ binh, tăng, thiết giáp xen kẽ; khu nam chia thành hai tuyến gồm sở chỉ huy nhẹ lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn 4, khu thông tin và trận địa pháo có bộ binh cơ giới bố trí vòng ngoài. Gần sở chỉ huy có lực lượng bộ binh cơ giới làm nhiệm vụ dự bị. Cách tuyến một từ 15 đến 20 mét, chúng thả kẽm gai bùng nhùng, đoạn có đoạn không. Xung quanh đều có mìn chiếu sáng, lựu đạn gài và mìn định hướng. Từ thực tế trên cho thấy phạm vi tiến công rộng, lực lượng địch đông, hệ thống bố phòng tuy dã chiến nhưng đã hình thành lớp lang phòng thủ, hoả lực ken dày. Tình hình địch luôn biến động, thủ đoạn địch luôn thay đổi. Trong khu vực giữa trảng rất khó nắm (có những điều ta chỉ biết được trong và sau trận đánh), nên khó tránh khỏi lúng túng trong xử lý khi bước vào chiến đấu. Một khó khăn nữa, cũng phải tính đến. Mặc dầu sư đoàn đã bố trí thế đánh mục tiêu chọn sẵn, đã đưa lực lượng vào trước ém sẵn, song không thể tiến công khi địch chưa kịp đổ quân hoặc chúng vừa chạm đất, mà phải bố trí từ xa, thực hành vận động tập kích. Vì trước khi đổ quân, địch tung thám báo thăm dò; dùng các phương tiện trinh sát hiện đại phát hiện đối phương; dùng phi pháo bắn phá, thả bom trải thảm dọn bãi, sát thương đối phương, sau đó mới đổ quân. Đây là một đặc điểm khác với đánh quân Pháp đóng quân dã ngoại hồi kháng chiến chín năm. Ở đây, trong trận Đồng Rùm, khi Mỹ đổ quân, Trung đoàn 2 đang ở Chà Dơ, cách Đồng Rùm 5 ki-lô-mét về phía đông-nam, Trung đoàn 16 đứng cách Đồng Rùm 7 ki-lô-mét về phía bắc, một khoảng cách hoàn toàn bất lợi cho bên tiến công, song không còn cách nào khác vẫn phải chấp nhận vì những lý do như đã kể trên. Do yêu cầu phối hợp tác chiến đồng bộ của chiến dịch, nếu kế hoạch triển khai chiến đấu chậm, sẽ lại như trận đánh Đồng Pan! Hơn thế nữa, ở đây vào thời điểm này còn lặp lại sai lầm như thế, thì tình hình càng trở nên phức tạp. Địch có điều kiện củng cố khu vực chiếm đóng vững chắc, biến nơi đây thành căn cứ trung tâm hành quân dã chiến, đánh toả ra các khu vực tây đường 4, đông lộ Trắng, phối hợp với cánh quân phía bắc từ Hớn Quản đánh qua, tiến vào trung tâm căn cứ khu B. Vì vậy ngày 19 tháng 3, khi địch chưa chấm dứt đợt đổ quân, tôi và các anh Nguyễn Văn Quảng, phó chính uỷ sư đoàn, Bùi Thanh Vân, phó tham mưu trưởng có mặt tại sở chỉ huy tiền phương sư đoàn đã có dự chiến về kế hoạch tác chiến. Đến sáng 20 tháng 3, khi mặt trời vừa rạng, một cuộc hội ý Thường vụ Đảng uỷ sư đoàn diễn ra nhanh gọn, có một quyết tâm chiến đấu chính thức: Dùng lực lượng sư đoàn thiếu tập kích cụm quân Mỹ ở Đồng Rùm trong đêm 20 rạng sáng 21 tháng 3. Trung đoàn 2 đột phá hướng chủ yếu từ phía nam lên; Trung đoàn 16 đột phá hướng thứ yếu từ bắc xuống; tổ chức một tiểu đoàn phục kích chặn không cho địch từ Đồng Rùm tháo chạy ra bến Tha La qua Bầu Cỏ để lực lượng lớn vận động đến tiêu diệt. Riêng hướng chủ yếu chúng tôi có trao đi đổi lại, cuối cùng mới thống nhất chọn phía nam vì ở đây có sở chỉ huy, khu thông tin nhưng địch chủ quan, bố phòng ít cẩn mật vì chúng coi như hậu phương phía sau của toàn cụm, trong khi ở phía bắc địch tăng cường đề phòng, hình thành phòng ngự ba tuyến. Sau cuộc hội ý, tôi lệnh cho các đơn vị khẩn trương chuẩn bị, triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được giao. Đồng thời cơ quan chỉ huy tiền phương của sư đoàn từ Suối Dây rời về nam Đồng Rùm, cạnh Trung đoàn 2, tiện theo dõi, chỉ huy xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trên hướng chủ yếu. 10 giờ, trinh sát Trung đoàn 2 báo cáo: địch vẫn ở khu Đồng Rùm. Thế là chắc ăn rồi! Tôi tự nhủ mình như vậy và nhẹ nhõm thở phào, như trút được gánh nặng của lo âu. Vì đã có nhiều bài học ở Bầu Bàng, Dầu Tiếng, kẻ địch xảo quyệt, luôn luôn di chuyển đội hình, làm động tác giả để lừa ta. Mọi việc đã dự định từ trước, vậy mà khi vào cuộc vẫn cứ bộn bề, tất cả đều thiếu thời gian. Mới chỉ là vận động đến vị trí xuất phát tiến công mà như đi vào trận chiến đấu thật, một cuộc chiến đấu đơn phương sôi động mà âm thầm đối phó với những hành động dự phòng của đội quân con nhà giàu - đánh trận kiểu nhiều tiền, nhiều súng đạn hiện đại. Đến giờ phút này mọi việc hình thành trận địa phòng thủ của địch coi như tạm ổn, thì cũng là thời gian hoạt động của các loại hoả lực dự phòng. Các trận địa pháo cối của địch bắn liên tục, không tiếc đạn, cùng lúc trên bầu trời là các loại máy bay thay nhau quần đảo bom trút xuống, thả đèn dù chiếu sáng cả khu vực rộng lớn nhằm sát thương, phá mọi ý định tiến công của ta từ xa. Đây là một nguyên tắc chiến thuật chung nhất, bất cứ bên phòng ngự nào cũng phải làm. Khác chăng với quân đội Mỹ được trang bị đến tận răng đủ loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại, thì cái nguyên tắc dự phòng từ xa lại được thả sức, thực hiện một cách triệt để, ác liệt. Đó là lý do, là nguyên nhân làm cho công việc của chúng tôi càng thêm chồng chất, dồn thời gian vào cuộc chuyển quân, dồn tâm trí vào xử lý tình huống bất trắc trên đường vận động tiếp cận mục tiêu. Trung đoàn 16 do Võ Văn Dần làm Trung đoàn trường trên đường vận động từ vì trí tập kết vào vị trí xuất phát tiến công, dài 7 ki-lô- mét phải mất ba giờ, là tốc độ con rùa. Nhưng không có cách nào khác nhanh hơn, vì bị cối 120 ly, 106, 7 ly địch bắn xối xả, liên tục, không còn thì giờ họp thường vụ đảng uỷ trung đoàn để xác định quyết tâm lần cuối, sau khi đi trinh sát thực địa trở về. Sau này khi chiến tranh kết thúc, trở lại rút kinh nghiệm trận đánh, Võ Văn Dần (Sau này là thiếu tướng, tư lệnh trưởng Quân đoàn 4, đã nghỉ hưu) đã kể lại tâm trạng của mình trong tình huống thật khó xử. Anh tâm sự: - Lúc đó rối như tơ vò! Tình hình địch còn lơ mơ, bộ đội đang hành quân vào vị trí chiến đấu với quyết tâm trường hợp nào cũng đánh, không có bước chuẩn bị, không họp được thường vụ. Biết là sai nguyên tắc, mà họp thì mất thời cơ. Tôi nghĩ, họp thì không đánh, mà đánh thì không họp. Tôi quyết định lựa chọn cách hai - đánh đã, khuyết điểm phải chịu! Cách chức cũng đành, biết làm sao? Vấn đề lúc này là đánh Mỹ và phải thắng chúng, đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty. Tôi tự nhủ, chỉ huy phải dũng cảm sống chết cùng chiến sĩ. Nhưng dũng cảm của người chỉ huy còn thể hiện ở tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trong những tình huống gay cấn. Nhưng trinh sát nắm địch thì vội mấy cũng phải thực hiện. Thế là tôi và một số cán bộ bứt khỏi đội hình trung đoàn, vượt lên trước để nắm địch, đơn vị đi sau sẽ gặp ở điểm hẹn có quy ước tín hiệu để vào vị trí chiến đấu. Nhưng thật là kỳ diệu, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Thường vụ Đảng uỷ vẫn họp trước giờ nổ súng, không mất thời gian mà nhất trí nhanh. - Tại sao? - Có cử toạ hỏi. Nét mặt tự tin, Võ Văn Dần chậm rãi trả lời ngay, nhưng không khẳng định: - Mọi việc đã diễn ra rồi. Sự đúng đắn của nó là đơn vị đã đến được vị trí xuất phát tiến công trước giờ G quy định. Bỗng Võ Văn Dần quay mặt về phía tôi, hỏi: - Tại sao anh Năm ra lệnh đánh Đồng Rùm trong khi Trung đoàn 16 chưa được chuẩn bị. Tôi trả lời: - Chuẩn bị là một nguyên tắc của công tác tổ chức chiến đấu. Nhưng không phải bao giờ cũng có đầy đủ thời gian, điều này phụ thuộc vào các yếu tố khách quan. Ở điều kiện cụ thể của Đồng Rùm, nếu chờ có thời gian chuẩn bị thì không thể có trận Đồng Rùm lịch sử. Là cán bộ chỉ huy, trong chiến đấu luôn luôn phải đặt ra, luôn luôn phải suy nghĩ về các tình huống khó khăn để thích ứng, đánh địch trong mọi điều kiện, trong đó có cả tình huống rất ít thời gian chuẩn bị. Xin được trở lại chuyện kể. Bốn giờ 15 phút ngày 21 tháng 3, thờì gian đang chuyển về ban ngày, sao mà hồi hộp đến thế! Chỉ còn 10 phút nữa là đến giờ G mà Trung đoàn 2 vẫn đang còn chiếm lĩnh trận địa, Trung đoàn 16 chưa bước qua trinh sát thực địa, vẫn còn cách vị trí xuất phát tiến công 2 ki-lô-mét. Thấy không còn cách nào khác, tôi lệnh kéo dài giờ nổ súng thêm 40 phút, tức 5 giờ 40 phút. Như vậy trận đánh chuyển sang ngày với bao vấn đề phức tạp phải đương đầu, pháo binh, không quân và cả viện binh đổ xuống bằng máy bay lên thẳng. Giờ G đã đến! Cả sở chỉ huy tiền phương sư đoàn nhộn nhịp và tất bật hẳn lên. Chuông điện thoại và cả máy bộ đàm (lúc này mới được lệnh) làm việc liên tục. Súng nổ dữ dội ở trong trảng. Trung đoàn 2 báo cáo là đã đột phá xong tiền duyên đang phát triển vào tung thâm thuận lợi. Nhưng tôi lại lo, vì chưa nhận được tin từ phía bắc, nơi Trung đoàn 16 đang phải đương đầu với vỏ phòng thủ cứng của địch! Song tôi lại tự nhủ, Trung đoàn 16 phần lớn là cán bộ, chiến sĩ là con em của nhân dân Khu 4, một trong những cái nôi của cách mạng Vìệt Nam. Trung đoàn được huấn luyện quân sự có bài bản chính quy, được giáo dục tốt về chính trị, đã qua chiến đấu ở Tây Nguyên trước khi được bổ sung vào Đông Nam Bộ, lập thành tích cụ thể trong đợt một cuộc phản công của địch. Với bề dày chiến đấu ấy tôi tin rằng trung đoàn có đủ bản lĩnh, đủ trình độ xử lý các tình huống chiến đấu gay go, phức tạp; việc mất liên lạc với sư đoàn và sư đoàn với trung đoàn kéo dài gần như suốt cả quá trình xảy ra trận đánh là do khó khăn cụ thể, chứ không thể có lý do về phía bản thân trung đoàn. Mãi sau khi chiến dịch kết thúc chúng tôi mới thấy rõ nguyên nhân. Sau giờ G ít phút, Trung đoàn 16 đang vào vị trí chiếm lĩnh. Nghe thấy tiếng súng nổ từ hướng nam vọng lại, lập tức chỉ huy trung đoàn cho đơn vị vận động hướng về phía có tiếng súng, cùng Trung đoàn 2 tiến công theo kế hoạch hiệp đồng, tạo thuận lợi cho trung đoàn bạn phát triển vào sâu đánh chiếm sở chỉ huy, gần hết cụm quân Mỹ ở phía nam trảng. Mãi sáu giờ, trời sáng rõ, Trung đoàn 16 mới chiếm xong tuyến một, đang phát triển sang tuyến hai thì gặp địch phản kích. Máy bay trinh sát L.19 bay thấp chỉnh cho pháo địch từ Lộc Ninh, Bầu Cỏ bắn vào đội hình, nhiều tốp máy bay phản lực, máy bay lên thẳng vũ trang rà thấp các vạt rừng quanh trảng, ném bom ngăn quân ta phát triển. Cùng lúc cụm địch ở phía tây kết hợp với bọn còn lại ở cụm phía bắc chống trả ta quyết liệt. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 16 chiến đấu như là đã học(6), thắng to, anh em phấn khởi tự tin khi tận mắt chứng kiến cảnh Mỹ tháo chạy. Nhưng có một số cán bộ đơn vị bạn đi ngang qua hỏi: - Đánh trận này để làm gì, sao thiệt hại nhiều thế? - Khi cần thiết dù phải hy sinh lớn cũng sẵn sàng chấp nhận - Một đồng chí cán bộ của Trung đoàn 16 trả lời. Là người chịu trách nhiệm chính trong trận đánh, sau khi nghe những người trong cuộc tường thuật lại mẩu đối thoại trên, tôi thấy cả hai câu hỏi và trả lời đều có lý. Đứng trước sự thiệt hại lớn, có đơn vị quá lớn(7) thì sự đau thương, ân hận và cả sự tra xét là một phản ứng tất nhiên của tình cảm chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta, những cán bộ chỉ huy mỗi khi suy nghĩ hạ quyết tâm chiến đấu, cần phải cân nhắc, phải tính toán; trận đánh phải thắng, thắng to nhưng lại ít tổn thất. Đó là một yêu cầu có tính nguyên tắc, cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương, quý trọng của người cán bộ chỉ huy đối với đồng đội đồng chí. Nhưng sứ mệnh chiến đấu vì độc lập, tự do, vì thống nhất Tổ quốc là cao cả. Nếu cần thiết thì phải vui vẻ, sẵn sàng nhận lệnh xả thân, "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" như Bác Hồ dạy. Sự quyết tử của chúng ta cho trận thắng Đồng Rùm là đúng. Vì đây là trận phủ đầu bẻ gãy cánh quân ở phía nam trảng đánh lên trong đợt hai cuộc phản công đánh phá căn cứ ta, với mục đích "tim diệt" cơ quan đầu não Miền, "tìm diệt" chủ lực Sư đoàn 9. Đây là trận đánh tiêu diệt lớn nhất của Sư đoàn 9, có sức thối động lớn, góp phần chuyển biến có lợi cho ta trong những ngày sau đó. Trước hết là ý định địch dàn thế bao vây, chia cắt ta ở hướng đông đã trở nên rối, có chiều hướng buộc chúng phải phản kích bộ phận để bảo vệ vị trí đóng quân. Ngay tối 27 tháng 3, tôi mở đài BBC đưa tin nhận xét của hãng thống tấn Pháp AFP: "Mỹ đánh vào chiến khu C như người ta đấm vào một quả bóng". Ngày 1 tháng 4 quân địch còn lại ở Đồng Rùm rút sau khi bị Trung đoàn 16 bồi thêm trận tập kích tiêu diệt một bộ phận của chúng ở bầu Tri Giếc. Vai trò của căn cứ dã chiến Đồng Rùm trong đợt hai cuộc hành quân đến đây coi như chấm dứt, Mặt trận bắt đầu chuyển về bắc, đông-bắc. Dựa vào định hướng chỉ đạo chung của Bộ chỉ huy Miền, căn cứ vào sự thay đổi hình thái sau trận Đồng Rùm, chúng tôi, những người được phân công ở sở chỉ huy tiền phương sư đoàn trao đổi, thấy cần thiết phải đổi thế bố trí, đưa trung đoàn 16 từ phía nam (khu vực Đồng Rùm) lên phía bắc hợp cùng Trung đoàn 1 đã đứng chân ở đây vừa tạo ưu thế tương đối về lực lượng vừa tạo thời cơ và đón thời cơ, sẵn sàng đánh tập trung theo quy mô sư đoàn thiếu, tiêu diệt vừa và lớn quân địch. Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 vẫn bố trí phân tán, tác chiến theo đội hình trung đoàn sẵn sàng đánh địch rút lui. Khi sở chỉ huy tiền phương sư đoàn cùng với Trung đoàn 16 hành quân ngược lên phía đông-bắc tới khu vực Sóc Con Trăng, thì bắt gặp một tiểu đoàn Mỹ đóng chốt ở Sóc Trâu đang bị du kích cơ quan bao vây, kìm chế. Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi, tôi quyết định dùng cả hai Trung đoàn 16 và Trung đoàn 2 tiến hành tập kích tiêu diệt. Nhưng chưa kịp triển khai thì địch dùng máy bay lên thẳng bốc tiểu đoàn này và đổ thêm hai tiểu đoàn nữa xuống trảng Ba Vũng (tây-bắc cầu Suối Ngô). Theo kế hoạch của sư đoàn, ngày 31 tháng 3, Trung đoàn 1 và tiểu đoàn 7 Trung đoàn 16 vận động tập kích cụm quân địch ở nam trảng, đánh thiệt hại nặng hai đại đội địch, đánh lùi ba đợt phản kích của chúng; đồng thời pháo kích cụm quân địch ở Sóc Con Trăng. Đây là một trong những căn cứ chi viện hoả lực lớn nhất của cuộc hành quân đã bị ta tiến công, càng có tác dụng thối động đến tinh thần chiến đấu của quân Mỹ trên khu vực. Cùng với các trận đánh phục kích, tập kích, tiêu hao, tiêu diệt nhỏ quân địch của các lực lượng du kích cơ quan, các trận đánh tập trung của Sư đoàn 9 vào các cụm quân Mỹ ở Bầu Bàng, Đồng Rùm, Trảng Ba Vũng là những đòn đánh mạnh vào tinh thần quân đội Mỹ. Chúng không còn đủ sức co cụm, buộc phải rút tiếp Đồng Kèn (6-4), Trảng Ba Vũng (10-4), Bầu Cật, làm nao núng các cánh quân địch khác trên toàn khu vực chiến dịch. Đến ngày 18 tháng 4 bộ phận cuối cùng của quân Mỹ rút khỏi Sóc Con Trăng, cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty coi như kết thúc trên thực tế. Nhưng phải hai ngày sau, 15 tháng 4, tướng Oét-mo-len mới chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc hành quân này. Thất bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty là một thực tế hiển nhiên, bắt đầu sự cáo chung của chiến lược "chiến tranh cục bộ", nói như những quan chức Mỹ - giai đoạn "Mỹ hoá cuộc chiến tranh" đã thất bại, từ đây bắt đầu một chiến lược khác được thực thi, "Việt Nam hoá chiến tranh". Chú thích: (1) Cuộc phản công mùa khô lần thứ nhất (1965 - 1966) của Mỹ với kế hoạch ra quân ồ ạt đánh cùng một thời gian trên hai chiến trường Khu 5 và Đông Nam Bộ vơí 5 hướng (còn gọi là 5 mũi tên): - Tây bắc Sài Gòn gồm Củ Chi, Bến Cát, chiến khu Đ. - Đông nam Sài Gòn gồm từ sông Đồng Nai đến Bà Rịa. - Nam tỉnh Phú Yên (Tuy Hoà). - Bắc Bình Định. - Nam Quảng Ngãi. (2) Năm cuộc hành quân, nghi bính, tạo thế: - Cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ từ 3- 11 đến 26-11-1966 vào khu vực Bầu Gòn - Chà Dơ. - Cuộc hành quân Xê-đa-phôn từ 18-1 đến 31-1-1967 vào vùng "tam giác sắt" Bến Súc - Củ Chi. Cuộc hành quân Bic-spring từ 12 đến 16-2-1967 vào khu vực sình Bà Đá. - Cuộc hành quân Túc Sơn từ 14-2 đến 18-2-1967 vào khu vực Ván Tám, Thị Tính, Long Nguyên. - Cuộc hành quân Gát-xđen từ 2-2 đến 21-2 vào tây đường 22. (3) Số đầu đơn vị tham gia cuộc hành quân: hai sư đoàn bộ binh số 1 "Anh Cả đỏ ", sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 "Tia chớp nhiệt đới", bốn lữ đoàn: lữ đoàn không vận 173, lữ đoàn bộ binh nhẹ 196, lữ 3 sư đoàn bộ binh số 4, lữ 1 sư đoàn bộ binh số 9, trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11. (4) Đợt một địch đánh vào toàn bộ khu căn cứ có diện tích 1.500km2, đợt hai địch đánh sang khu đông căn cứ có dlện tích 600km2. (5) Trảng Đổng Rùm dài 1.200 mét, rộng 500 mét, xung quanh là những vạt rừng le và rừng dầu thưa xen kẽ, có nhiều trảng nhô bao quanh như. Trảng Dài, Tri Giếc, Sóc Xoài, Chà Dơ. Phía tây trảng là suối Dây và sông Tha La, phía nam là đường liên tỉnh 13, phía đông là lộ kiểm Chà Dơ - Bổ Túc, phía bắc có lộ kiểm từ trảng Sóc Xoài đến bờ sông Tha La. Tuy bị chất độc hoá học làm rụng lá cây, nhưng rừng còn trú ém được quân, bìa trăng vào sâu 500 mét có nhiều hầm hào, căn cứ trú quân tốt. (6) Đánh như là học. Đó là lỡi khen của đồng chí chỉ huy đơn vị bạn đi qua sau khi kết thúc trận đánh. Như trên đã nói. Trung đoàn 16 nguyên là trung đoàn 101 sư đoàn 325 thuộc Quân khu 4, đã qua chương trình huấn luyện chính quy trước khi vào Nam chiến đấu. (7) Đại đội 1 tiểu đoàn 4 Trung đoàn 2 chỉ còn 9 cán bộ, chiến sĩ.