Mấy ngày sau ông ngoại lại vào. Sau khi thăm bệnh cho tôi, ông gọi mẹ tôi vào bảo: - Thằng Vững nó bị bán thân bất toại rồi. Mẹ tôi sầm mặt lại nhăn nhó đến khó coi. Nỗi thất vọng hiện ra rõ nét. Như thế có nghĩa là nó mang tật nguyền suốt đời sao? Nó nằm chết gí một chỗ, phải mất một người hầu hạ, nâng giấc. Bà mếu máo: - Thầy bảo con phải làm thế nào bây giờ? Lộc con lộc của ở đâu thì chẳng biết, chứ tai vạ suốt từ ngày đó cho đến nay còn gì. Tất cả là tại nhà con hết. Giờ đâm ra một nách ba đứa con mọn, chồng lại đi công tác thoát ly chẳng đỡ đần được gì. Có chú Thìn ở nhà trông nom chúng nó giúp con thì bố thằng Thành lại cho đi tòng quân. Nay cái bệnh bắt nó nằm liệt đấy, ai là người hầu hạ? Rồi mẹ tôi khóc òa lên: - Sao cái thân tôi khổ sở thế này! Nào tôi có ăn ở bất lương mà ông giời đầy ải đời tôi long đong lận đận gian truân như vậy. Con với cái! Sống thì nuôi, chết thì chôn cho rảnh. Chứ sống như thế, sau này cũng chỉ ăn báo cô thôi... Ông ngoại gắt lên: Bán thân bất toại: Bại liệt nửa người. - Ô hay con mẹ thằng Thành lạ nhỉ? Có con thì phải khổ với con chứ. - Nhưng nó có phải... lại dở sống dở chết như vậy thì ai hầu hạ suốt đời được. - Thì cứ cố chạy chữa thuốc men đã. Mẹ tôi phân trần: - Thì thầy tính chạy chữa đến bao giờ? Cắt thuốc như uống nước vối ròng rã hơn năm trời rồi có ít ỏi gì đâu. Kiếm được đồng nào là đội nón ra đi sạch, lại còn mang công mắc nợ nữa. Nói rồi bà sụp xuống bậc cửa khóc hu hu, than thân trách phận, kể lể mọi công lao khó nhọc bấy lâu nay làm cho ông ngoại cũng phải mủi lòng. Ông vê điếu thuốc lào tra vào nõ điếu, rồi châm lửa hút. Ông ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu mới nói: - Để thầy lo liệu vậy. Giờ các con lớn đều đã ra ở riêng cả rồi. Mẹ mày qua đời đã đoạn tang. Nay chỉ còn thằng Tùng, con Thảo, con Chín và thằng Phùng ở với thầy. Con Chín với thằng Phùng thì bé quá. Công việc đồng áng dồn lên vai thằng Tùng với con Thảo thì làm không xuể. Nên thầy tính chia ruộng đều cho các con. Gái cũng như trai. Ruộng nhà ta cả thảy có ba mẫu, con nhận lấy mấy sào mà cấy. Mẹ tôi nói xen vào cắt ngang lời ông: - Con đi chợ suốt ngày bán hàng nuôi các cháu, làm sao mà cấy được? - Để thầy nói hết đã nào! - Giọng ông ngoại hơi sẵng - Thì con cứ nhận. Thầy sẽ bảo thằng Tùng con Thảo nó làm giúp. Tôi nằm im ắng nghe ông ngoại với mẹ tôi bàn tính lo toan cho số phận của tôi mà lòng những ngậm ngùi buồn tủi xen lẫn giận hờn. Tôi bỗng cảm thấy tai họa thật sự đã giáng xuống cuộc đời mình ngay từ khi bắt đầu ốm cơ. Và bi kịch ngày càng hiện ra một cách khủng khiếp thê thảm. Giả sử nếu có sống, sau này lớn lên tôi cũng chỉ là con người vô dụng. Giờ đây tuy đã có hy vọng sống lại mà sao tôi lại muốn chết quách cho xong! Bởi sống mà suốt đời ăn bám bố mẹ, anh em thì sống làm gì? Sống như vậy thì tủi hèn lắm, cay đắng lắm. Ông ngoại chia ruộng cho các con thật. Không những thế, ông còn chia đều tài sản từ cái bát cái đũa trở lên. Ông cho người đi gọi cha tôi về. Cha tôi chỉ nhận ba sào ruộng thôi. Còn tài sản cha tôi nhường phần của mẹ tôi cho thêm cậu Phùng, là em rốt mới mười một tuổi. Nhưng ông ngoại vẫn ép cha tôi phải nhận cái đỉnh, một cái nồi mười lăm cùng với đôi mâm đồng và cái chậu thau lớn. Ngoài ra ông ngoại còn cho cha tôi tất cả những cuốn sách thuốc của mình. Để đầy một cái hòm gỗ lớn. Ông ngoại bảo cha tôi là người hiếu học, sáng dạ, lại có đức nên ông muốn truyền lại nghề thuốc cho. ít lâu sau, ông ngoại gửi thuốc và miếng cao hổ cốt bằng bao diêm vào cho tôi. Ông viết thư dặn dò tỉ mỉ và nhắc nhở tôi phải gắng sức uống hết nửa lạng cao đó. Quả đúng như trong thư của ông ngoại. Uống cao hổ rất tanh. Thỉnh thoảng ợ nước miếng lên miệng thì tanh lắm, vẫn không được khạc, được nôn ra. Khó hơn cả uống thuốc bắc. Tôi cố ráng sức chịu đựng. Chịu đựng một cách nhẫn nại. Sức khỏe của tôi hồi lại trông thấy, trong người nhẹ nhõm, đầu óc lúc nào cũng tỉnh táo. Tôi đã thấy đói và thèm ăn đủ thứ. Ngày ngày mẹ tôi thức giấc từ sớm tinh mơ nấu cơm để lại cho ba anh em chúng tôi rồi gồng gánh đi chợ. Anh Thành sau khi bón cơm cho tôi ăn xong, đưa thằng Bền sang gửi bên nhà chị Nhàn, đi học cho đến chiều mới về. Nhà chỉ còn một mình tôi nằm ở phản. Nhớ lời ông ngoại dặn, tôi cố cử động tay chân. Thật khó khăn. Thân thể, tay chân tôi như thân cây chuối nằm thẳng đơ. Tôi cố lấy sức lăn toàn thân lật sang phải hoặc sang trái đều không thấy động đậy gì. Gắng sức đến vã mồ hôi cũng chẳng ăn thua. Suốt sáng sang chiều, rồi tới tối. Đến lúc mệt quá là ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Cuối cùng tôi đành tìm cách tập khác. Tay chân bên phải có khá hơn bên trái. Vậy là cả ngày lẫn đêm, hễ lúc nào thức là tôi cử động chúng. Thời gian nặng nề và chậm chạp trôi qua. Thời gian trở thành một sự thử thách khắc nghiệt đối với tôi. Nó câm lặng nhưng cám dỗ cuộc sống làm sao! Nó làm cho con người vui tươi, ham muốn, ước vọng. Song cũng sẵn sàng quật ngã con người đến thất bại, và làm họ nản chí đến rã rời. Không còn cách nào khác, cuộc sống buộc tôi phải kiên trì, kiên trì một cách bản năng. Rồi đến một lúc, các ngón chân, ngón tay bên phải của tôi cử động được nhanh hơn, hoạt hơn. Tôi liền tập cả bên trái. Rõ ràng bên này thật khó suy suyển. Phải rất lâu mấy ngón tay mới động đậy còn các ngón chân vẫn "nằm ì ra" như chết rồi, như không phải là ngón chân nữa. Dần dà bàn chân phải, bàn tay phải, rồi chuyển tới cổ chân, cổ tay cử động. Tôi tập co vào, duỗi ra, rê đi rê lại. Rồi tiến cao hơn là thử nhắc tay chân lên. Đến khổ. Gắng sức nâng tay nâng chân lên vừa khỏi mặt phản thì nó rơi đến bịch xuống ngay. Cứ thế đến hàng trăm hàng nghìn rồi hàng vạn lần, lặp đi lặp lại không biết chán, không biết mệt mỏi, chân tay bên phải của tôi mới tự nâng cao lên khỏi mặt phản được một chút, lâu chừng vài chục giây làcùng. Nhưng tôi không nản. Vả lại tôi cũng không còn biết cậy nhờ ai xoa bóp và "khởi động" giúp cho tay chân co duỗi. Chắc chắn là do công hiệu của thuốc cùng với tác dụng của cao hổ cốt và sự kiên trì luyện tập mà chân tay bên phải của tôi cử động co duỗi mau lẹ hơn, tay bên trái cũng bắt đầu chuyển biến. Vậy là tay chân bên phải cứ đạp tứ tung quờ quạng loạn xạ. Và rồi tự đẩy thân thể di động xê dịch trên phản. Cổ cứng dần và đã nhấc nổi đầu lên. Lật được người bên này sang bên kia rồi. Sướng quá! Lần đầu tiên lật úp được người xuống phản thì lại khốn, vì không thể nào xoay người lật ngửa lên được. Tôi tìm mọi cách. Nhưng chỉ có một bên tay chân phải cử động nên chẳng ăn thua gì. Mệt rã rời và đói quá, tôi đành cứ nằm úp người xuống mặt phản như thế suốt ngày. ỉa đái dầm dề nhầy nhụa. Đến khi anh Thành đi học về thấy thế khiếp quá kêu chị Nhàn sang bế tôi ra vại nước tắm rửa cho mới thoát nạn. Tôi vẫn cứ tập. Được cái là chị Nhàn thỉnh thoảng lại chạy sang lật người cho tôi nằm ngửa. Cứ thế, tháng này nối tiếp tháng sau. Cho đến mùa con nước năm tới lại lên, tràn vào mép hiên nhà thì tôi ngồi dậy được. Lúc này tay bên trái co duỗi, giơ lên hạ xuống chỉ kém tay bên phải ba bốn phần. Chân trái bắt đầu có tín hiệu nhúc nhích cử động. Nỗi khát vọng được đi lại, chạy nhảy, nô đùa như anh Thành, thằng Bền, như chúng bạn xóm Núi Ngang càng nôn nao rạo rực trong lòng tôi. Trí nhớ và sự nhận biết ngày càng hồi phục thì nỗi khát vọng, mơ ước được như mọi đứa trẻ có tay chân khỏe mạnh ngày càng cháy bỏng, thôi thúc và dằn vặt tâm can tôi. Tròn một năm sáu tháng tôi nằm bệt trong xó nhà nên thèm lê từ phản sang giường, từ góc nhà này tới bên góc nhà kia, thèm ra tới ngoài hiên nhìn cánh đồng ngập nước mọc đầy cỏ bái, được trông thấy núi Cháy ở bên kia cánh đồng nom giống như con gà trống vươn cổ gáy đánh thức mặt trời buổi sớm. Trước khi tôi bị ốm, buổi tối nào, lũ trẻ con xóm Núi Ngang cũng tụ tập nhau ngồi nhìn những đốm sáng di động, lúc ẩn lúc hiện lạ kỳ trên sườn núi đen kịt để dứ dọa đứa nhát gan, bảo đó là "ma trơi", làm nhiều cu cậu và bọn cái hĩm sợ té đái ra quần; hoặc ngồi nghe tôi kể chuyện. Tôi thèm được leo lên sườn núi bắt chim, nằm trên hang đá cao lưng chừng núi hóng mát. Thèm đi hái sún đá vào những ngày mưa rào tháng ba mang về nấu canh chua, hoặc luộc lên ăn sần sật như mộc nhĩ, lại có vị chua chua. Thèm được chèo thuyền chơi trên cánh đồng nước hái những bông hoa súng tim tím đến là đẹp. Thèm được cắp sách tung tăng đến lớp học với chúng bạn, nghe ông giáo Kỳ giảng bài, hoặc nghe ông kể những chuyện về người thổ dân da đỏ châu Mỹ, người Eskimô ở Bắc Cực, hay những con đười ươi ngửng mặt cười nhăn nhó với ông trời. Tôi yêu quý và kính phục sự hiểu biết của ông giáo. Không hiểu bây giờ ông có còn kể nhiều chuyện cho lũ học trò cứ há hốc mồm, nghếch mặt ngồi nghe nữa không? Sún đá: một loại địa y mọc ở vách đá vôi, mùa hanh khô teo đi, gặp mưa rào tháng ba nở như mộc nhĩ. Tới kỳ nghỉ hè, anh Thành ở nhà nên tôi đỡ buồn. Nhưng anh ấy ham chơi nên chốc chốc lại tót sang nhà hàng xóm, có hôm đi biệt đến trưa mới về. Cố nhiên là tôi không dám mách mẹ. Lơ mơ là anh Thành dọa đánh liền. Chẳng riêng gì tôi, thằng Bền mà đòi theo phá thối cũng ăn bạt tai, đá đít... Thành thử vẫn chỉ có mình tôi ở nhà, vẫn tự luyện tập một mình. Cũng may là cái Dung thường sang chơi với tôi luôn. Có hôm ở cả ngày. Tôi nói với nó: - Từ khi ốm dậy đến giờ tớ quên không biết đứng nữa rồi. - Không phải đâu. Tại đằng ấy còn yếu quá đấy. Tôi thú nhận: - Tớ như đứa bé mới mười tháng ấy, phải tập lẫy tập bò đến khổ. - Cứ chịu khó tập đi, đã có tớ giúp. Thế là nó giúp tôi tập đứng. Hôm đầu cái Dung hăm hở bặm môi bế xốc tôi dậy, nặng nhọc lễ mễ như con cóc tha con nhái. Tôi hơn nó chừng một tuổi là cùng. Giá như tôi không bị ốm chắc nó chỉ cao đến tai tôi thôi. Nhưng bây giờ nó đã nhỉnh bằng đầu tôi rồi. Nó để cho hai bàn chân tôi chạm xuống mặt phản thì buông tay ra định xốc lại cái quần của nó bị tụt. Không ngờ hai ống chân tôi dài ngoằng giống đôi ống nứa tép mềm nhũn như bún. Nó không kịp đỡ, đành để cái quần tụt giải rút tuột xuống đầu gối mà tôi thì vẫn cứ ngã đổ chổng kềnh xuống phản, hai chân trẹo ra, đau điếng đến nỗi tôi bật khóc òa. Cái Dung càng hoảng hốt và sợ hãi. Nó lúng túng quên khuấy kéo quần lên, và cũng chẳng biết làm gì, òa lên khóc theo. Nghe thấy tiếng hai đứa trẻ khóc, chị Nhàn chạy sang nom cảnh ngộ chúng tôi đến tức cười. Cái Dung quần tụt xuống đến chân, đứng mếu máo. Còn tôi hai chân ống giang xoạc ra, mặt nhăn nhó, miệng sụt sịt. Chị Nhàn bế tôi lên, nắn nắn hai chân: - Không sao... không sao! Cả hai đứa nín đi nào. Dung, mày kéo quần lên thắt lại giải rút đi chứ. Rồi chị kéo cái Dung ngồi xuống sát vào mình: - Thôi nín đi. Chị nắn lại chân thằng Vững rồi. Mày là con bé ngoan lắm. ở chơi với nó nhé. Ngồi với chúng tôi một lúc thì chị về nhà. Nhà chị Nhàn chỉ có hai mẹ con. Tôi không rõ mẹ con chị ở đâu mà chạy vào tản cư tới ở trong núi Ngang này. Và tôi cũng không được biết mẹ con chị sinh sống bằng cách gì. Mẹ chị đi suốt ngày. Bà hiền lành phúc hậu lắm. Tối tối bà vẫn sang bên nhà tôi chơi. Có hôm ngồi bế tôi suốt buổi. Chẳng mấy khi thấy bà nói chuyện. Chị Nhàn giống mẹ như đúc, tuổi mới mười lăm, mười sáu là cùng. Dáng người chị mảnh khảnh, bộ ngực bắt đầu nở nang, không vấn tóc như các bà các cô ở đây mà chị buộc túm lại phía sau bằng một sợi len đỏ. Gương mặt trái xoan, hơi gầy, xanh xanh, được đôi mắt tròn to và sáng lúc nào cũng như đang cười. Chị ở nhà băm bèo nấu cám nuôi hai con lợn, chẳng hề đi chơi đâu. Chỉ tới mùa cấy, khi lúa đang thì con gái chị mới đi kéo vó te, kiếm được rõ nhiều cá vụn và tôm tép, ăn không hết, đem phơi khô la liệt mẹt nọ giần kia rồi cho vào hũ đậy kín bằng lá chuối khô, để làm thức ăn phòng ngày mưa bão chứ không đem bán. Tôi không dám tập đứng tênh tênh như đứa trẻ mười tháng, và cũng không chịu để cho cái Dung bế thốc đứng lên rồi buông tay ra nữa. Sau cái lần ngã đau điếng người ấy, tôi hoảng sợ thực sự. Có lẽ không bao giờ tôi có thể đứng được chứ đừng nói đến chuyện đi lại, chạy nhảy. Thành thử khi mót đi tiểu hay muốn ra ngoài hiên ngắm nhìn bầu trời, đồng nước, núi non... tôi chỉ còn cách bò ra mép phản, tụt người ngồi bệt xuống đất lê đít "đi" thôi. Cái Dung không chịu bó tay. Nó loay hoay tìm cách. Ngày nào cũng xăng xái một cách nhiệt thành. Nhưng cũng chả tìm được cách gì. Nó ngồi đần mặt ra, rồi nựng tôi như nựng em bé: - Đằng ấy không chịu tập đứng thì chẳng bao giờ đứng được đâu, chẳng bao giờ đi lại được như tớ đâu. Đằng ấy chịu khó để cho tớ bế lên vậy. Tớ không để đằng ấy ngã nữa đâu mà sợ. Nó nói rõ nhiều. Rằng nó sẽ đứng ôm chặt lấy tôi để cho hai bàn chân của tôi đặt xuống mặt phản cho quen. Thật quen đã. Rằng sau đó nó mới buông tay, nhưng để tôi vịn chặt vào người nó. Như thế sẽ không bao giờ ngã. Giọng nó thân thiết dịu ngọt lạ lùng: - Như thế sẽ không ngã đâu. Thật mà. Đằng ấy đừng sợ. Tôi buộc phải nghe theo nó chứ còn biết làm cách nào để tự đứng lên được mà tập đi. Anh Thành thì ham chơi quá không mấy khi nhòm ngó đến tôi. Anh ấy có cái thói biết mẹ tôi về vào lúc nào là anh ấy về trước một tí để dọn dẹp nhà cửa cho gọn kẻo mẹ tôi rầy la. Thành thử bà không thể biết ở nhà anh Thành như thế nào. Nhiều khi còn khen anh ấy nữa. Được thể anh Thành càng lên nước. Tôi và thằng Bền sợ anh bằng phép. Ngậm miệng không dám mách điều gì. Tôi chỉ còn nhờ được cái Dung thôi. Hai đứa chúng tôi cứ ôm nhau đứng lên ngồi xuống suốt buổi. Bởi tôi vẫn sợ ngã, ôm chặt lấy cái Dung chứ không chịu để cho nó buông tay ra. Ngày hôm sau. Rồi ngày hôm sau nữa. Cũng thế. Thực tình tôi nản lắm rồi. Song cái Dung vẫn không chịu buông tha. Đầu óc tôi trì độn quá không tìm được cách khác. Còn cái Dung lại vẫn luẩn quẩn với cái trò bế tôi đứng lên. Cũng lạ. Nó không biết mệt hay sao? Chị Nhàn đã sang gỡ thế bí cho chúng tôi. Chị mang chiếc ghế đẩu ra, đặt bụng tôi áp vào mặt ghế để thõng hai chân chạm xuống mặt đất cho quen dần đã. Có thế mà chúng tôi cũng không nghĩ ra! Tôi cảm thấy thoải mái chứ không gò bó như để cái Dung bậm môi gắng sức bế đứng dậy. Lúc nào mỏi, hoặc chán thì tôi mới tụt người ngồi bệt xuống đất chẳng hề đau đớn gì. Cứ thế thành quen. Rồi tôi đủ sức từ từ vươn thẳng người đứng vịn chặt vào thành ghế. Thích quá! Tôi ngây ngất vì vui sướng. Và, lần đầu tiên tôi để ý đến cái Dung. Nhà nó chạy tản cư vào Núi Ngang cùng với nhà tôi. Bố nó cũng đi kháng chiến nên ở nhà chỉ có hai mẹ con nó thôi. Bác Vinh gái là dân thành thị nên thạo buôn bán lắm, nhà lại khá giả. Cái Dung cùng học với tôi một lớp. Tính nó nhẹ nhàng ít nói. Nó chơi với tôi đến thân và rất thích nghe tôi kể chuyện. Có bao giờ tôi để tâm đến nó đâu. Tôi cứ mải những chuyện đẩu đâu, hết sách lại vở, vùi đầu vào đọc truyện. Còn nó thì hễ rỗi rảnh lại sang chơi với tôi luôn. Tự nó đến chứ chẳng ai xui hay khiến mà tôi cũng không thể nài bắt nó được. Nó chẳng mấy khi rời tôi nửa bước. Lúc này cái Dung đang ngồi ở phản nhìn tôi đứng vịn vào ghế đẩu. Hẳn nó cũng thấy vui thích nên gương mặt tươi tắn lắm. Hai núm đồng tiền bên má lộ rõ, đến xinh. Nó trắng trẻo, mặt trái mận, có mái tóc dài chấm gấu áo sau lưng đen nhánh. Cả tôi lẫn cái Dung đều đã chín mười tuổi rồi. Bọn con trai như tôi vẫn mải chơi, ham nghịch và vẫn còn tắm truồng tồng ngồng ngoài vại nước. Nhưng cái Dung đã bắt đầu biết giữ ý tứ, e thẹn và xấu hổ. Nó ra dáng người lớn hơn tôi. Không hiểu sao tôi cảm nhận mọi sự ân cần của nó, ngoan ngoãn như một đứa em trai với chị gái. Phải thế chăng mà cái Dung mỗi ngày một khẳng định thêm sự khôn lớn của nó bằng cách cư xử, chơi đùa với tôi và chúng bạn. Cảm thấy mình đã đứng vững, tôi thử buông tay vịn ghế ra. Một đứa trẻ chín mười tuổi lại tập đứng tênh tênh như đứa bé chín mười tháng. Chao ôi... đứng buông được tay ra đến là thích! Cái Dung thấy thế mừng quá nhảy tót xuống đất, reo rối rít: - Đứng được rồi! Đứng được rồi!... Tôi nhìn nó, tít mắt cười khoái chí, cũng reo theo nên mất thăng bằng ngã bệt xuống ngay. May, cũng chỉ là đau đít thôi. Sang bước tập cao hơn: tập đi. Lúc này đầu óc tôi cũng không đến nỗi đần độn lắm. Tôi tự tìm ra cách cho mình tập. Tôi lần quanh giường, quanh phản cho hai chân thêm cứng cáp, cho bàn chân bám vào mặt đất chắc chắn hơn, "thật " chân hơn. Tôi mê mải say sưa. Càng lần đi càng hăng càng vững hơn. Hai đầu gối bớt run hơn, chân bước mạnh bạo hơn. Tôi với cái Dung hoặc thằng Bền chơi trò đuổi nhau quanh giường. Chúng nó cứ đứng chờ cho tôi lần đi gần tới thì lại nhảo ra xa hơn, đến tức. Nhưng mà ham. Lại còn thích nữa. Nhà lúc nào cũng vang tiếng la hét, tiếng reo cười nắc nẻ đến ồn ã. Không còn vắng lặng, tẻ nhạt, cô đơn nữa. Sau đó, tôi bảo chúng nó xếp giúp cho mấy cái ghế đẩu cách xa nhau hơn từ phản ra cửa, rồi ra hiên. Tôi đã đi ra được đến hiên, rồi xuống sân. Nói là "đi được" nhưng chỉ có chân bên phải là co bước được thôi. Còn chân bên trái vẫn còn quá yếu nên chỉ kéo lết trên mặt đất. Song dầu sao tôi vẫn tự đi được ra sân, mặc dù phải vịn vào ghế, cũng thấy khoái lắm rồi. Bầu trời đã hiện ra trước mặt. Tôi lại nom thấy núi Cháy và dãy núi đá vôi trùng điệp chẳng rõ nó bắt đầu từ đâu và đến chỗ nào mới kết thúc. Tôi thích thú ngắm nhìn thiên nhiên quanh mình như là kẻ đầu tiên khám phá ra xứ sở màu mỡ và tươi xanh của chúng ta. Con Vàng chạy đến. Nó đưa cái mũi hít hít hai chân tôi, ve vẩy đuôi mừng rỡ như được gặp lại chủ cũ, hay là nó mừng vì thấy tôi còn sống để nô đùa với nó? Tôi vỗ vỗ tay vào lưng nó trong tâm trạng hào hứng khó tả. Giống như trước ngày tôi bị ốm, mỗi khi đi học về nó đều đứng đón tôi trước cửa nhà, chồm lên giơ hai chân trước đặt trên ngực. Tôi nắm lấy chân con Vàng, lắc lắc, gật đầu với nó. Giá tôi có cái gì làm quà cho nó nhỉ? Tôi nói với con Vàng: - Vàng ơi... mày vẫn còn nhớ tao à? Cô Thắm ở Hệ Dưỡng cho nhà tôi con Vàng hồi nó được hơn một tháng. Cả nhà tôi ai cũng thích nó. Ăn khỏe, lớn nhanh, không cắn trộm nhưng lại biết giữ nhà, quyến luyến chủ. Càng lớn nom con Vàng càng đẹp mã. Nó cao to gần như chó lài, lông vàng mượt, đôi tai vểnh lên hướng về phía trước đến thích, cái mõm vừa phải và cặp mắt sạch sẽ, tinh nhanh. Ai vào nhà tôi chơi cũng khen, đều dặn hễ nó đẻ thì để cho họ một con. Anh Thành với tôi đều hay cho nó theo trèo lên núi hóng mát, bắt chim hoặc dẫn nó đi săn chuột trong các hang dưới chân núi. Con Vàng luôn tỏ ra hăng hái, đón ý chủ và cũng "sáng dạ" đáo để. Còn điều này nữa thì cả tôi lẫn anh Thành đều không nói ra. ấy là mẹ tôi thường hay đi chợ đến khuya. Bởi ở vùng tự do tùy địa điểm của từng làng xã quanh vùng mà họp chợ vào buổi sáng, buổi chiều hoặc buổi tối để phòng tránh tàu bay Pháp oanh tạc. Nên ở nhà chỉ có mấy anh em chúng tôi thôi. Thực tình chúng tôi cũng thấy sờ sợ. Nhất là tối đến. Từ khi xin con Vàng về nuôi, đêm tối nó lùng sục chỗ này, góc kia trong nhà, ngoài sân. Hễ thấy động là nó sủa liền nên anh em tôi yên tâm lắm. Anh Thành chúa sợ ma. Tối hay lỉnh đi chơi. Đến khi về nhà là tót lên giường ngủ ngay. Thành thử tôi phải thu dọn nhà cửa, xem chuồng gà, con lợn. Có con Vàng đi bên vững bụng hẳn. Hơn năm nay tôi nằm liệt giường, chắc con Vàng băn khoăn lắm thì phải. Bởi không thấy tôi nô đùa với nó, hoặc thiếu vắng tôi trong những cuộc leo núi vui nhộn và thú vị. Giờ con Vàng đã thành "mẹ sề" của mấy lứa con rồi. Nó đằm tính và càng tinh khôn hơn trước. Nó quanh quẩn bên tôi một lúc rồi phốc ra cánh đồng. Chạy được một quãng nó dừng lại quay đầu ngó nhìn tôi. Thấy chủ vẫn đứng ì ra nhìn, nó liền quay lại, ngoạm vào ống quần tôi giằng giằng kéo đi. Tôi đã chạy nhảy được đâu mà đi theo nó. Cúi xuống vuốt nhẹ tay lên lưng con Vàng, tôi nói: - Tao chưa đi lại bình thường được. Thôi... một mình mày chạy ra cánh đồng đi. Hiểu ý. Con Vàng cúi đầu lượn vòng quanh tôi mấy lần rồi mới thong thả bước từng bước một đi chỗ khác. Chắc nó cảm thấy nô đùa ngoài cánh đồng một mình thì buồn lắm. Tôi đứng tần ngần nhìn nó, lòng những thân thiết mến yêu như người bạn thân. Mặt trời đã chui tọt xuống sau rặng núi đá vôi trùng điệp. Bầu trời còn bừng sáng nhờ ánh hoàng hôn do sự khúc xạ của mặt trời phản chiếu. Núi non bàng bạc một màu xanh lam huyền ảo. Từng đàn chim đang sải cánh bay về núi, chấp chới dập dờn trên các tầng mây. Tôi nhìn thấy rõ người đi kiếm củi đang gánh xuống quèn bên núi Cháy. Liệu đến bao giờ tôi mới có thể đi được tới đấy? Cái Dung sang giúp tôi thu dọn mấy cái ghế đẩu, rồi múc nước vào chậu thau rửa mặt mũi tay chân cho tôi. Nó làm với mọi cử chỉ của người chị gái, đến tháo vát, gọn gàng. Chị Nhàn đi gánh nước qua thấy thế cứ tấm tắc khen mãi. Đến khi anh Thành với thằng Bền đi chơi kéo nhau về thì còn có mỗi việc đi thổi cơm. Tôi bám vào thằng Bền tập tễnh lê bước chân tới bếp. Anh Thành đong gạo, vo, nhóm lửa cho tôi ngồi đun. Thằng Bền hào hứng kể chuyện nó theo anh Thành đi thả diều ở bên kia núi Ngang, chỗ cái quèn dốc mà trước đây có lần con Vàng xồ vào hang bắt chuột, khi chạy ra trượt cẳng lăn theo sườn núi xuống, suýt chết. Rằm tháng Tám. Xóm Núi Ngang nhà nào cũng làm cỗ "trông trăng" vui tết Trung thu. Nhà khá giả thì giết gà giết vịt làm cỗ bàn cơm rượu, bánh trái hoa quả. Nhà nghèo khó nhất cũng cố kiếm quả bòng, nải chuối hoặc vài trái ổi cho con. Thành thử cái xóm Núi Ngang heo hắt bỗng rộn rịp tưng bừng. Cứ như mọi năm thì mẹ con chúng tôi bồng bế nhau ra nhà ông ngoại ăn cỗ, chơi bời đến ngày hôm sau mới về. Khi còn sống, bà ngoại quả là một người tài đảm nhất vùng. Chả thế mà ngày bước về nhà chồng chỉ có hai bàn tay trắng, cơ ngơi nhà chồng lụp xụp nghèo túng, tuy phận làm hai, bà xin ra ở riêng, tự mình lo toan tính toán công việc làm ăn. Vậy mà chỉ mấy năm sau, bà đã tậu ruộng tậu trâu, trông nom cấy cày hàng mẫu ruộng. Rồi mua đất làm nhà. Tòa nhà đến đẹp. Đá phiến bó thềm dài rộng hơn một mét. Nhà xây dựng kiểu Tây, có trần quét vôi sáng, vẽ những hoa văn màu xanh màu đỏ đến vui mắt. Cậu Tùng thường leo lên trần nhà bắt chim ngói, xiên nướng chả cho chúng tôi ăn, ngon hết chỗ nói. Tuy là ngày tết của trẻ con, nhưng vì đông con, lắm cháu nên ông ngoại thường giết lợn làm cỗ hẳn hoi. Con cháu dâu rể nội ngoại về hết. Cả nhà quây quần đoàn tụ đến vui. Lũ trẻ con chúng tôi có dịp quen biết và nhận anh, nhận em vui chơi thỏa thích. Từ ngày tôi ốm đau đến giờ, mẹ tôi không mấy khi nghỉ chợ cho anh em chúng tôi ra nhà ông ngoại chơi. Dẫu sao anh em chúng tôi vẫn cứ háo hức chờ mong từ mấy ngày hôm trước. Chả là các anh chị Thanh niên cứu quốc trong Hệ Dưỡng tổ chức cho đội thiếu nhi ăn cơm kết đoàn, rước đèn, phá cỗ tập đoàn và còn diễn cả kịch. Không khí náo nức chuẩn bị ngày Trung thu cuốn hút tôi hòa nhập cùng anh em và chúng bạn bàn tính các trò vui. Nhiều khi tôi quên khuấy mình là thằng bé tàn tật ốm yếu. Hồi tháng ba. Khi chú Thìn còn ở nhà. Nhân mấy ngày mưa tầm tã, rỗi rãi chẳng có việc gì, chú kiếm mấy thanh tre, tỉ mẩn vót nan làm cho anh em tôi một chiếc đèn con thỏ. Dán giấy vàng, điểm tai mắt mũi miệng bằng giấy trắng, nom giống ơi là giống. Rồi chú lấy một tờ giấy bản rõ to, bọc kín lại để giữ đèn cho mới. Treo cất lên xà nhà. Chú dặn để đến tết Trung thu mới được lấy xuống chơi. Giờ ba anh em tôi cũng rối rít với chiếc đèn. Cố nhiên là tôi chỉ biết có trố mắt ngồi nhìn anh Thành hớn hở cầm cây đèn giơ lên cao hý hửng chạy lăng xăng quanh trong nhà, ra ngoài hiên, mặc cho thằng Bền đuổi theo túm vào chân gào thét đòi. Mẹ tôi vẫn đi chợ như thường ngày. Bà để sẵn nải chuối với quả bòng cho anh em tôi, chờ tối đến cùng "phá cỗ". Nhân thể vào năm học mới, mẹ tôi may cho anh Thành một bộ quần áo bằng vải diềm bâu Nam Định nhuộm nâu hồi hè. Nghĩ mà tủi. Suốt ngày tôi ngồi ở nhà trông miếng vải nhuộm phơi ngoài sân mà những thèm mong được may áo quần bằng miếng vải đó. Mẹ tôi bảo sẽ may tất cho cả ba đứa để khỏi phải tranh nhau. Đến khi mang đi may. Tôi thấy mẹ bảo có mỗi một mình anh Thành đến nhà bác thợ may đo vải. Tôi đòi theo. Mẹ tôi bảo không đủ vải. Tôi không thể như thằng Bền chạy theo gào khóc. Ngồi ở nhà rân rấn nước mắt nhẫn nhịn. Vốn đã trắng trẻo và xinh trai, anh Thành mặc quần áo mới, nom càng kháu khỉnh, sạch sẽ, bảnh bao. Thằng Bền lại được dịp hờn suốt buổi vì không được quần áo mới. Té ra bác thợ may đo làm phép người nó. Còn tôi, cũng chỉ biết nhìn, cố gạt đi mà vẫn cứ thèm. Nhà tôi nghèo quá. Tôi lại ốm đau bệnh tật chết đi sống lại mấy phen. Dai dẳng, ròng rã suốt một năm trời. Thì còn lấy đâu ra mà may mặc mua sắm thứ gì. Dẫu tôi có đòi thì mẹ cũng không thể kiếm đâu ra vải may cho. Vả lại tôi bị què quặt thế này, có đi lại được đâu mà cần đến quần áo đẹp. Ngay từ lúc còn bốn năm tuổi, chẳng mấy khi tôi được may quần áo mới. Toàn mặc quần áo anh Thành chật trút cho. Rồi đến lượt thằng Bền ra đời. Nó không bị rơi vào cảnh như tôi vì quần áo tôi có thải ra thì cũng chỉ còn làm được khăn lau bàn, giẻ rửa bát là cùng! Nhiều khi cũng thấy tủi thân. Nghĩ mà ứa nước mắt. Tối đến, anh Thành bổ quả bòng chia cho mỗi đứa một phần. Nải chuối cũng được cắt ra tính từng quả, thật công bằng, không đứa nào hơn kém đứa nào. Ai ăn hết thì thôi. Đứa nào để dành cũng tùy. Tôi có đi đâu chơi bời được mà ăn cho vội. Thằng Bền chén liền. Nhưng nó không thể ăn hết được ngay phần của mình. Anh Thành quấn vào ăn dỗ của nó. Còn phần của mình, anh ấy giấu vào khe đá đầu hồi nhà. Anh ấy hứa sẽ cõng thằng Bền vào Hệ Dưỡng cho cùng đi rước đèn và xem kịch. Thằng Bền hớn hở không đòi quần áo mới nữa. Không những thế, còn quả chuối, múi bòng nào nó đều đưa hết cho anh Thành ăn. Có mấy đứa bạn gọi ở ngoài sân. Không kịp đóng chuồng gà, ngó qua con lợn, anh Thành vội cầm cây đèn con thỏ chạy tót ra với chúng bạn, quên khuấy lời hứa với thằng Bền. Nó bật gào khóc chạy đuổi theo gọi. Vướng hèm cửa nên không túm được áo anh Thành giữ lại, nó ngồi bệt xuống đất, tay chân cào đạp tứ tung. Anh Thành mải chạy theo chúng bạn, nói vọng lại qua hơi thở: - Mày ở nhà chơi với thằng Vững. Đi theo tao lội qua dòng nước thế nào được. Tháng này, tuy con nước ròng nhưng chỗ đầu núi Ngang sang làng Hệ Dưỡng là quãng đồng trũng, đi qua lại phải lội bì bõm đến bụng chân người lớn. Đám trẻ em phải tụt quần lội qua. Tôi bước lần ra ngồi dỗ thằng Bền mãi mà nó vẫn không thôi gào khóc. Không những thế, nó còn nằm bò ra đất ăn vạ. Tôi những tức anh Thành quá. Thà anh ấy đừng nói dối, mặc nó chơi từ chập tối thì đâu có đến nông nỗi này! Chắc nghe thấy tiếng khóc gào của thằng Bền, chị Nhàn chạy sang: - Thế thằng Thành đâu rồi? - Anh ấy mang đèn vào Hệ Dưỡng đi rước với đám thiếu nhi trong ấy rồi. Tôi nói, lòng những ấm ức, suýt nữa thì cũng khóc òa. Chị Nhàn bế thốc thằng Bền lên: - Thôi... Vững lên giường ngủ đi. Chị bế thằng Bền cho nó chơi rồi ngủ luôn ở bên nhà với chị. Chị Nhàn đi rồi, tiếng thằng Bền khóc tỉ ti vẫn còn vọng lại. °