1956! Ba năm sau khi Stalin chết, đảng cộng sản Liên Xô tổ chức Đại hội lần thứ XX, nhằm mục đích thay đổi chính sách, sửa đổi sai lầm, cải tổ đảng và cải tổ chế độ. Ngày bế mạc Đại hội, giữa lúc các đại biểu lục tục kéo nhau ra về, Khrushốp - tổng bí thư đảng - triệu tập một cuộc họp bất thường gồm riêng các đại biểu Liên Xô, không có mặt các đại biểu các đảng anh em. Trước cuộc họp, Khrushốp đã đọc một bản báo cáo, đúng hơn là một bản án, vạch trần những sai lầm và những tội ác của Stalin. Bản báo cáo này đã đi vào lịch sử với cái tên Báo cáo mật của Khrushốp về Stalin(1). Gọi là "mật", nhưng chỉ trong vòng hai ba ngày, bản báo cáo của Khrushốp đã được dịch ra khắp các thứ tiếng, lưu hành khắp các nước không nằm dưới quyền kiểm soát của các đảng cộng sản. Đây là một sự kiện quan trọng có một không hai trong lịch sử. Nó mở đầu một thời kỳ chuyển biến của hầu hết các đảng cộng sản trên thế giới. Nó đánh dấu một bước ngoặt quyết định dẫn tới sự băng hoại của chủ nghĩa Stalin cùng sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu như ta đã thấy. Ngay sau khi bản báo cáo này được công bố trên các báo chí, tờ Tiếng thợ - cơ quan tuyên truyền của Nhóm trốt-kít Việt Nam ở Pháp - đã trích dịch nhiều đoạn và viết bài bình luận. Ơ± Việt Nam, tại miền Bắc, nhóm Nhân văn Giai phẩm có gián tiếp nói tới. Tại miền Nam, các báo chí nói tới nó rất nhiều. Nhưng theo chỗ chúng tôi biết, chưa có ai và chưa có nơi nào dịch nguyên bản ra tiếng Việt. Phải đợi tới tháng 10-1982, tờ tạp chí Nghiên cứu - cơ quan lý luận của Nhóm trốt-kít Việt Nam tại Pháp - mới dịch và in ra toàn bộ, từ bản tiếng Pháp. Hai ngàn số đã được phát hành, phần lớn ở Pháp và các nước Tây Âu, một phần nhỏ gửi về Việt Nam. Hiện nay chúng tôi không còn số nào cả, ngoài một hai số giữ làm lưu chiếu. Hơn lúc nào hết, chúng tôi nhận thấy cần phải tái bản cuốn sách này. Không những vì tầm quan trọng lịch sử mà còn vì tác động chính trị của nó đối với các đảng cộng sản sta-lin-nít, trong đó có đảng cộng sản Việt Nam. Không phải tình cờ mà đảng này, cho tới nay, vẫn giấu giếm và ngăn cấm Báo cáo mật của Khrushốp về Stalin đối với nhân dân trong nước. Cũng không phải tình cờ mà đảng này vẫn cấm ngặt không cho ai được nói tới Stalin. Vì nói tới Stalin là phải nói đến những sai lầm và tội ác của Stalin; phải nói tới đường lối chính trị của đảng trong nhiều năm đã học đòi Stalin, coi Stalin là thần tượng và gương mẫu; phải nói tới phương pháp mà đảng đã áp dụng trong việc thủ tiêu các thành phần và các tổ chức đối lập với đảng, trong đảng cũng như ngoài đảng. Tái bản cuốn sách này, chúng tôi giữ lại nguyên văn bản dịch của dịch giả Đỗ Tịnh, không sửa chữa. Bạn đọc sẽ thấy bài diễn văn của Khrushốp là văn nói, mộc mạc và ít chú trọng tới văn phong. Chúng tôi cũng in lại nguyên văn bài Mấy lời nói đầu của Hà Cương Nghị. Viết từ hơn mười năm nay, bài này vẫn còn thích hợp với thời cuộc. Hà Cương Nghị đã đề cập một số vấn đề - hồi ấy ít ai lưu ý - hiện nay trở thành đề tài và đối tượng của các phong trào đòi dân chủ đa nguyên, đa đảng, đối lập với lập trường của đảng cộng sản. Â'y là các vấn đề: đảng và nhà nước, độc tài một đảng, chuyên chính vô sản, tập trung dân chủ v.v... Cũng trong bài Mấy lời nói đầu, tác giả nêu lên hai nhận định mà hồi ấy ít ai quan tâm. Một, những sai lầm và tội ác của Stalin mà Khrushốp vạch ra, vẫn còn thiếu sót một phần lớn. Khrushốp chỉ nói tới giai đoạn cuối đời Stalin từ năm 1937, nhưng "bỏ quên" những giai đoạn trước đó, khi 90% đồng chí thân cận của Lênin bị giết hại. Vì thế, những người này chưa được phục hồi danh dự. Hai, sự "cải tổ" do ban lãnh đạo đảng cộng sản Liên Xô đứng ra chủ trương, thực ra chỉ là một biện pháp tự bảo vệ của giới quan liêu cộng sản để tồn tại. Nó không thể dẫn tới dân chủ, càng không thể dẫn tới sự tái thiết nền dân chủ xô-viết mà chỉ có một cuộc cách mạng chính trị, lật đổ chính quyền quan liêu cộng sản mới thực hiện nổi. Mỗi bước "cải tổ" sẽ tạo ra những điều kiện dẫn tới sự sụp đổ của chế độ. Sáu năm trôi qua. Nhận định thứ nhất đã được thời cuộc gần đây chứng minh: năm 1988, ba năm sau khi lên chính quyền, Góocbachốp đã bắt buộc phải trở lại vấn đề những tội ác của Stalin. Dưới áp lực của dư luận, Bộ Chính trị của đảng cộng sản Liên Xô đã phải tuyên bố xóa án cho Dinôviép, Bukharin và hầu hết những đồng chí kỳ cựu của Lênin. Trừ một nạn nhân quan trọng nhất, gần gũi nhất của Lênin về mặt tư tưởng là Lép Trốtsky! Vì sao? Vì Trốtsky không những là người đối lập kiên quyết nhất với Stalin mà còn là người đối lập không khoan nhượng với toàn thể đẳng cấp quan liêu cộng sản đang nắm giữ chính quyền ở điện Kremlin. Quan liêu cộng sản chấp thuận "cải tổ", nhưng họ không chấp nhận đầu hàng! Nhận định thứ hai cũng đã được thực tế kiểm chứng: chính sách "cải tổ" của Góocbachốp không những đã thất bại như Khrushốp thời kỳ 1956 mà nó còn kéo theo sự sụp đổ của Liên Xô và tất cả các nước "xã hội chủ nghĩa hiện tồn" ở Đông Âu. Sự sụp đổ này không những làm thượng tầng kiến trúc sụp đổ mà còn kéo theo sự sụp đổ của hạ tầng cơ sở do cách mạng tháng Mười dựng nên; giờ đây, khẩu hiệu của giới quan liêu cộng sản là Trở về với chế độ tư bản! Vì không có một cuộc cách mạng chính trị do quần chúng lao động đứng lên lật đổ quan liêu cộng sản, lập lại nền dân chủ xô-viết của cách mạng tháng Mười, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu đã mang hình thức một cuộc "sụp đổ nội tại" (implosion) tự trong lòng chế độ quan liêu cộng sản. Hàng ngũ quan liêu cộng sản bị phân tán, nhưng một bộ phận quan liêu vẫn nắm giữ được chính quyền, mặc dầu chính quyền này lệ thuộc phần nào vào lá phiếu của dân chúng. Đứng về phương diện chính trị, dầu sao đây cũng là một bước tiến bộ. Nhân dân Liên Xô từ nay thoát khỏi chế độ độc tài đẫm máu do Stalin dựng nên. Bây giờ, họ có cơ hội để nhận xét, lựa chọn, thử nghiệm: chế độ nào thích hợp với quyền lợi và nguyện vọng của họ! Đứng về phương diện lịch sử, đây là một hiện tượng hoàn toàn mới lạ, chưa từng có. Một chuyển biến ngược chiều. Mọi sự hầu như đều trở về điểm xuất phát. Tương lai nước Nga và các nước Đông Âu sẽ ra sao? Chưa ai có thể quyết đoán. Một điều chắc chắn là sự chuyển hóa các nước này thành các chế độ tư bản và dân chủ như các nước Tây phương không phải là điều dễ dàng như nhiều người tưởng. Nhiều triệu chứng cho thấy sự thiết lập một nền dân chủ - dầu là dân chủ tư sản - ở những nước này vẫn còn bấp bênh. Chưa có dấu hiệu gì bảo đảm cho sự thành công của nó. Tái bản cuốn sách này, chúng tôi mong cống hiến các đảng viên chân chính của đảng cộng sản Việt Nam một bằng chứng về Stalin và chủ nghĩa Stalin, để họ có điều kiện suy ngẫm và tìm hiểu: vì đâu Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ như ngày nay? Chúng tôi mong cống hiến các độc giả một tài liệu để nhận xét sự quái đản của hiện tượng Stalin, là hiện tượng tiêu biểu cho tư duy và quyền lợi của đám quan liêu cộng sản. Nó không dính líu gì tới chủ nghĩa Mác, là chủ nghĩa nhân bản, nhằm mục tiêu giải phóng lao động và các tầng lớp nhân dân bị áp bức và bóc lột. Ước mong cuốn sách này sẽ tới tay mọi người, nhất là tới tay đông đảo đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, gia nhập đảng vì muốn đấu tranh cho một lý tưởng cao đẹp! Nguyễn Tiến Cơ Paris, ngày 10 tháng Giêng 1994 (1)tựa đề nguyên thuỷ của bản báo cáo là"về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó"