Chương 2

Mười ngày sau. Mẫn Huy trở lại tìm cát nơi bãi cũ. Anh ghé nhà ông Trần nhà trống trải, anh ngạc nhiên quá đỗi.
Mẫn Huy hỏi thăm mới hay một tin khủng khiếp xảy ra.
Ông Trần đi câu mực trên thuyền thúng, cơn giông gió nổi lên, vào bờ không kịp. Ông đã bị sóng nhận chìm nơi bãi vắng, không tìm thấy xác.
Sau tai họa bi thảm xảy ra cho ông Trần, Hồng Cát cũng mất tích, không ai biết cô đi đâu.
Mẫn Huy cảm thấy như đất trời tối sầm lại. Một gia đình nhân hậu đã giúp đỡ Mẫn Huy trong phút chốc đã không còn.
Tại sao ông Trần gặp tai họa? Tại sao Hồng Cát mất tích?
Những câu hỏi vang lên nhưng Mẫn Huy không thể trả lời.
Mới hôm nào Mẫn Huy còn trò chuyện với ông Trần và Hồng Cát.
Trong phút chốc hai cha con ông Trần đã biến mất.
Ông Trần bị sóng cuốn trôi, còn Hồng Cát đi về đâu? Bao năm qua Hồng Cát với cha sống gắn bó ở miền biển vắng nầy. Bỗng dưng ông Trần không còn, Hồng Cát chơi vơi. Cha chết không tìm được xác, nỗi đau lớn nhất đời Hồng Cát. Và cô đã đi đâu? Tại sao Hồng Cát mất tích?
Mẫn Huy lo sợ mơ hồ. Anh đi tìm Hồng Cát ở các nơi lân cận không thấy bóng dáng Hồng cát.
Bất chợt, Mẫn Huy ao ước, giá như Hồng Cát hiện ra bắt Mẫn Huy chạy đuổi theo mãi cũng được Mẫn Huy nhất định đuổi theo cô đuổi hoài đuổi mãi.
Như cô Tấm chui ra từ quả thị, Hồng Cát giúp đỡ Mẫn Huy rất nhiều. Cô bé tiếp tế thức ăn tươi cho anh, dọn dẹp lều trại của anh rất sạch sẽ. Hồng Cát thường ngồi xem Mẫn Huy rây cát màu nữa. Vắng Hồng Cát, Mẫn Huy chợt bàng hoàng như mất mát vật gì quý giá.
Hình ảnh Hồng Cát luôn hiện ra trong tâm trí Mẫn Huy. Cô bé có làn da rám nắng, mái tóc đuôi gà vàng hoe, đặc biệt là lúm đồng tiền tròn xoe xinh xắn trên má. Nét duyên ngầm trong phút chốc chẳng hiện ra...
Là đàn ông thanh niên, Mẫn Huy chẳng quan tâm đến chuyện ăn uống và sức khỏe, Hồng Cát đã nhắc nhở anh. Cô bé như là đứa em gái nhỏ thân thiết. Mẫn Huy đã gọi đùa Hồng Cát là chuyên gia sức khỏe đâu có sai.
Giờ đây cô bé Hồng Cát đã biến khỏi làng biển vắng nầy rồi. Hồng Cát ơi, em đi đâu, hãy về đây.
Mẫn Huy rất sợ sự mất tích. Bị nước cuốn chìm mất xác như ông Trần là quá bi thảm đớn đau. Lạy trời cho Hồng Cát bình yên đừng gặp chuyện bất trắc gì cá. Thẫn thờ bên căn nhà xiêu vẹo của cha con Hồng Cát rồi Mẫn huy lại đi tìm cô lần nữa. Lang thang ra bãi biển vắng, ra ngoài vịnh, Mẫn Huy một mình một bóng, lúc trước tìm cát, bây giờ tìm Hồng Cát.
Không có chút dấu vết gì về cô bé – chuyên gia dinh dưỡng của Mẫn Huy, anh thất vọng hoàn toàn.
Ơi, Hồng Cát ơi...
Hôm Ngạn bỏ về thành phố, Mẫn Huy không thấy buồn bã trống vắng như thế nầy. Có lẽ hình ảnh của Hồng Cát đã để lại trong anh những ấn tượng đậm nét? Hồng Cát đã mất tích, Mẫn Huy không thể nào ở biển vắng nầy được nữa.
Tâm trạng rối bời héo hắt Mẫn Huy cũug chẳng làm gì được.
Cô bé Hồng Cát vui tươi, nhí nhảnh, tinh nghịch đã khiến Mẫn Huy nghĩ ngợi nhiều.
Mẫn Huy rời khỏi biển trong tâm trạng buồn da diết.
Nhớ biển. Nhớ người!
Ơi, cô bé Hồng Cát đã đi về đâu?
Về thành phố nhưng Mẫn Huy không dám ghé nhà. Anh sợ gặp bà nội, gặp cha. Bà nội nghiêm khắc oai quyền như mấy bà phán ngày xưa. Chuyện hôn nhân của con cháu mà bà cũng can thiệp vào cho mệt tuổi già. Bà nội và cha đừng hòng ép buộc Mẫn Huy cưới cô gái tên Đan Uyên lạ hoắc nào đó. Mẫn Huy yêu ai sẽ cưới người đó.
Không để cho bà nội và cha quyết định cuộc hôn nhân, Mẫn Huy sẽ chống đối đến cùng. Mẫn Huy đã trưởng thành. Là người đàn ông có bản lĩnh, Mẫn Huy tự quyết định cuộc đời mình. Khăn gói lên Đồng Nai, Mẫn Huy gõ cửa nhà Khánh Toàn tên bạn thân, cùng học mỹ thuật, hiện là họa sĩ.
Gặp Khánh Toàn, câu đầu tiên Mẫn Huy thốt lên:
– Mầy cho tao tá túc một thời gian nhé!
Khánh Toàn gật đầu lia lịa:
– Nhà chỉ có một người đàn ông, thêm một tên nữa cũng chẳng sao cả.
Rồi Khánh Toàn khôi hài:
– Có hẹp nhà tao cũng rộng bụng hà.
Mẫn Huy đặt valy xuống góc nhà, vỗ vai Khánh Toàn:
– Tao biết mầy luôn rộng bụng mà!
Đưa mắt nhìn Mẫn Huy, Khánh Toàn đùa giọng:
– Tự nhiên cao hứng xách gói lên đây ở? Có phải bị người yêu đuổi không?
Mẫn Huy cười khì:
– Có người đâu mà bị đuổi.
– Chứ sao lại khăn gói ra Đồng Nai hiu quạnh nầy?
Mẫn Huy hạ giọng:
– Đi lánh nạn hai kẻ bề trên.
Khánh Toàn kêu lên:
– Cái gì?
Mẫn Huy từ tốn giải thích:
– Hoàng thái hậu và phụ vương bắt cưới vợ.
Khánh Toàn hỏi dồn:
– Cưới ai?
– Một thiên kim tiểu thư lạ hoắc từ trên trời rơi xuống.
Khánh Toàn tỉnh bơ:
– Cưới người không quen biết càng tốt. Cứ cưới, sao bỏ chạy?
Mẫn Huy cũng tỉnh rụi đáp trả:
– Nếu mầy thích cứ cưới.
Khánh Toàn giãy nảy:
– Thằng quỷ! Của mầy chứ phải của tao đâu.
Mẫn Huy cất giọng khôi hài:
– Có của đâu. Tao đang trắng tay đây.
Khánh Toàn hỏi vặn:
– Con ông giám đốc công ty địa ốc mà trắng tay ư?
Mẫn Huy đính chính:
– Công ty của cha chớ của tao ư? Tao đang bị chặn nguồn lương thực.
– Tại sao?
– Vì không chịu cưới vợ.
– Vậy có kẻ bỏ nhà ra đi vì không chịu cưới vợ.
– Tao thà chịu trắng tay, không giữ chức giám đốc.
– Nên bỏ nhà ra đi. Khí khái nhỉ!
Mẫn Huy cười:
– Tao lên đây với mầy tìm một chỗ làm tranh cát.
Khánh Toàn vui vẻ pha trò:
– Tao sẵn sàng chứa kẻ đang bị truy nã.
– Cái thằng! Tao không có làm gì sai pháp luật nghe!
– Mầy làm trái luật nhà. Hoàng thái hậu và phụ hoàng truy nã cũng đủ chết.
À, còn mẫu hậu thì sao?
Mẫn Huy ranh mãnh giải thích:
– Mẫu hậu với phụ hoàng là một đôi. Mà cùng đôi thì bao giờ cũng cùng phe.
– Rốt cuộc có mình mầy cô thế?
– Cô thế không đồng minh, bởi vậy tao mới đi lánh nạn đây nè.
– Mong là mầy tai qua nạn khỏi.
Mẫn Huy nhẹ nhàng bày tỏ:
– Không có mầy, tao chẳng biết tá túc ở đâu.
Khánh Toàn cười tỉnh bơ:
– Thì mầy tá túc ở khách sạn.
– Tao cháy túi rồi.
– Vậy thì ở vỉa hè.
Mẫn Huy vui nhộn:
– Cũng may tao có thằng bạn như mầy nên khỏi ở vỉa hè.
Khánh Toàn đưa mắt nhìn Mẫn Huy từ đầu đến chân, hạ một câu bình luận:
– Chẳng ai như mầy, tự đày đọa bản thân chi cho khổ.
Mẫn Huy kêu lên:
– Cái gì?
– Nhà cao cửa rộng không ở, cuộc sống sung sướng không chịu lại chui đến đây tá túc tao cho khổ?
– Tao tự nguyện chịu khổ.
Khánh Toàn xúi bảo:
– Theo tao, mầy nên cưới thiên kim tiểu thư và nhận chức giám đốc công ty địa ốc có hơn không, được cả đôi đàng.
Mẫn Huy phản ứng:
– Thôi mầy, đừng xúi! Tao thà bị đuổi khỏi nhà chứ không chịu ép mình.
Khánh Toàn bông đùa:
– Phụ hoàng có ép mầy đi tu đâu mà mầy sợ?
Mẫn Huy đáp tỉnh bơ:
– Ép cưới vợ cũng đáng sợ hơn ép đi tu đấy.
– Cưới vợ để mầy tu thân lập chí.
Mẫn Huy xua tay:
– Mầy đừng nói như mấy ông cụ! Bộ có vợ rồi mới tu thân lập chí được à.
– Chứ sao!
– Không có vợ, tao cũng tu thân lập chí được vậy.
Khánh Toàn lý giải:
– Nói chung, phụ hoàng muốn mầy có người giữ chân.
Mẫn Huy lắc đầu:
– Tao không muốn bị ai giữ chân cả.
Khánh Toàn gật gù:
– Tao biết mầy còn muốn làm thằng lãng tử phiêu bạt.
Mẫn Huy cười khì:
– Mầy biết tính tao sao còn xúi dại?
– Xúi có lợi cho mầy chứ có hại đâu.
– Lợi gì?
– Lợi là mầy có vợ đẹp con khôn và làm ông chủ.
Mẫn Huy lắc đầu liên tục:
– Tao nghe mà oải quá, chắc kiểu đó hết thực hiện mộng lớn.
Khánh Toàn cười khì:
– Điều đó tốt quá rồi, còn đòi mộng lớn gì nữa?
Mẫn Huy nói nhanh:
– Mầy nên nhớ tao lên đây là để tự do thực hiện mộng làm tranh cát. Mầy phải tạo điều kiện cho tao.
Khánh Toàn bát tay Mẫn Huy cười pha trò:
– Tao sẽ cung cấp cho mầy mì gói và nước lã.
Không ngờ Mẫn Huy lại hưởng ứng:
– Đồng ý! Bao tử lép xẹp của tao sẽ không từ chối đâu.
Khánh Toàn thản nhiên:
– Mầy không chê là tốt. Tao còn mì gói kia kìa?
Đứng lên Mẫn Huy vỗ túi:
– Nói thế chứ tao vẫn chưa cháy túi đâu. Tao với mầy ra quán kiếm gì bỏ bụng đi!
– OK!
Khánh Toàn hưởng ứng nhanh. Hai người cùng kéo nhau ra quán ăn.
Những ngày ở nhà Khánh Toàn, Mẫn Huy bắt đầu làm tranh cát.
Công việc đầu tiên là tạo chất liệu. Cát đã có sẵn sau bao ngày tìm kiếm chọn lọc. Để sáng tạo những bức tranh cát đẹp, Mẫn Huy tỉ mỉ rây cát cho thật nhuyễn mịn, để màu cát tự nhiên chứ không pha chế gì cả. Việc rây cát vất vả hơn pha màu vẽ của các họa sĩ cầm cọ vẽ. Nhưng Mẫn Huy làm việc rất hăng say và hào hứng.
Khánh Toàn thì lo vẽ tranh lụa, thỉnh thoảng cũng ghé mắt vào xem Mẫn Huy làm việc Mẫn Huy dồn hết tài năng tâm trí để sáng tác tranh cát. Anh tạo rất nhiều tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Đặc biệt là bức tranh cát thiếu nữ. Một thiếu nữ đẹp tự nhiên, giản dị. Bức tranh sống động, có hồn.
Nhìn bức tranh, Khánh Toàn tấm tắc khen ngợi:
– Đẹp tuyệt vời! Người trong mộng phải không?
Rồi anh chàng thản nhiên bình luận:
– Chỉ có người tình trong mộng, mầy mới để hết tâm huyết mà tạo nên bức tranh đẹp lộng lẫy như thế.
Mẫn Huy hỏi lại:
– Những bức khác không đẹp lộng lẫy sao?
– Tất nhiên là đẹp lộng lẫy, nhưng bức thiếu nữ đẹp nhất. Vì thiếu nữ ở trong tim óc mầy rồi và mầy chỉ việc nặn ra.
Mẫn Huy cười thật hiền:
– Tao không biết có thiếu nữ nào ở trong tim tao không?
Khánh Toàn khẳng định:
– Chắc chắn là có.
– Sao mầy biết?
– Có thiếu nữ trong tim mầy mới khăng khăng từ chối thiên kim tiểu thư nào đó.
– Cái thằng khéo suy luận.
Khánh Toàn vặn lại:
– Mầy không thừa nhận à? Thế thiếu nữ nầy ở đâu ra mà mầy vọc cát tạo nên tranh đây?
Mẫn Huy đáp tỉnh rụi:
– Ở trên núi xuống!
Khánh Toàn kêu lên:
– Trời đất. Nữ hiệp sĩ hay là một Bà La Môn phái nào?
– Thằng quỷ! Nói năng giọng chướng!
Khánh Toàn nhe răng cười:
– Tại mầy bảo thiếu nữ trên núi xuống, tao liên tưởng chứ sao.
Rồi Khánh Toàn nheo mắt với Mẫn Huy:
– Nói chứ khai thiệt đi. Thiếu nữ trong cát là ai? ở đâu vậy?
Mẫn Huy đáp gọn:
– Thì tao cũng có một người mẫu để tạo hình như mầy có một người mẫu để vẽ vậy.
– Nhưng tao có thấy người mẫu nào ngồi cho mầy tạo cát đâu.
– Tao tưởng tượng!
Khánh Toàn cười cười:
– Phải có người thật để mầy tưởng tượng phải không?
Mẫn Huy đành chịu thua:
– Cái thằng! Mầy nghĩ sao cũng được!
– Tao đoán trúng phốc hà!
Khánh Toàn cười đắc ý rồi bảo:
– Đợt nầy tao với mầy triển lãm chung nhé!
– Ồ, còn gì bằng!
Mẫn Huy mừng rỡ kêu lên.
Được triển lãm để giới thiệu tranh cát với giới yêu nghệ thuật thì còn gì bằng. Lòng nôn nao bồn chồn chuẩn bị cho buổi triển lãm, Khánh Toàn sẽ trưng bày các bức tranh lụa, Mẫn Huy sẽ giới thiệu với mọi người các bức tranh cát. Một loại tranh sáng tạo mới lạ bằng chất liệu cát. Hy vọng mọi người thưởng thức sẽ thích những bức tranh độc đáo nầy.
Mẫn Huy chưa nghĩ đến việc triển lãm. Anh dồn hết tâm huyết làm tranh với lòng đam mê chân chính. Khánh Toàn mở triển lãm cũng là cơ hội để Mẫn Huy giới thiệu tranh cát với mọi người. Mẫn Huy chuẩn bị các bức tranh cát rất công phu. Bức nào anh cũng ưng ý.
Mẫn Huy và Khánh Toàn rất vui.
Hai người hy vọng dạt dào vào đợt triển lãm nầy.
 
Phòng triển lãm được trang bị khá công phu, đẹp và độc đáo. Một bên tranh lụa một bên tranh cát. Khác nhau nhưng có sự kết hợp hài hòa khéo léo.
Sự kết hợp của một tình bạn thân thiết cảm thông.
Những bức tranh cát của Mẫn Huy mới lạ, đủ sắc màu. Cả hai như đang hòa quyện vào nhau thu hút khách thưởng lãm. Khách xem khá đông đủ mọi lứa tuồi. Nhiều nhất là giới trẻ. Mẫn Huy và Khánh Toàn như hai ông chủ lịch lãm saug trọng. Khác với lúc bông đùa chọc phá nhau, lúc nầy trông hai chàng trai thật chững chạc điềm đạm. Hai người ân cần tiếp khách. Nét vui tươi, phấn khởi hiện lên gương mặt Mẫn Huy khi anh được yêu cầu thuyết minh về thể loại tranh cát với mọi người.
Thể loại tranh cát mới mẻ có sức cuốn hút khiến mọi người chú ý và hỏi mua. Một ông khách nước ngoài ngắm nhìn mãi bức tranh thiếu nữ Hồng Cát.
Phải, đó chính là chân dung của Hồng Cát.
Như họa sĩ cầm cọ vẽ, Mẫn Huy đã cầm dụng cụ, tráng cát theo trí nhớ. Một khuôn mặt đằm thắm dịu dàng hiện ra bằng cát màu thật độc đáo. Nhìn tranh Mẫn Huy chạnh lòng nhớ Hồng Cát. Giờ nầy em ở đâu?
Giá như Hồng Cát được nhìn thấy tranh nầy nhỉ? Công lao Hồng Cát đã giúp Mẫn Huy bao nhiêu việc lúc anh đi tìm cát màu ở biển vắng. Anh không đãi cát tìm vàng mà anh đãi cát tìm em đó Hồng Cát. Giờ nầy đây anh chỉ thấy dáng hình em qua bức tranh cát. Em đang ở trong tranh. Em là cô tiên huyền ảo hay cô Tấm dịu hiền? Ôi, có bao giờ từ trong bức tranh cát, em bước ra? Dường như con tim Mẫn Huy đang gọi tên Hồng Cát Hồng Cát ơi, Hồng Cát?
Người khách nước ngoài mãi ngắm bức tranh thiếu nữ và ông tô ý muốn mua. Bán tranh thiếu nữ Hồng Cát ư? Không! Không bao giờ! Mẫn Huy đã sáng tác tranh bằng cả con tim và khối óc, bằng nỗi đam mê là niềm nhung nhớ quắt quay. Bức tranh thiếu nữ là của Mẫn Huy. Anh chỉ để dành tặng riêng một người.
Mỉm cười nhã nhặn. Mẫn Huy từ chối, không chịu bán bức tranh cát thiếu nữ.
Người khách nước ngoài biết đây là bức tranh quý giá, ông nài nỉ Mẫu Huy và đề nghị một giá khá cao: “Mười mấy ngàn đô la”. Số tiền lớn rất hấp dẫn nhưng Mẫn Huy vẫn không bán bức tranh.
Thế là dù nghèo cháy túi, bị cha cắt hết nguồn viện trợ bấy lâu nay, Mẫn Huy nhất quyết không vì tiền mà bán tranh. Bức tranh thiếu nữ Hồng Cát mãi mãi là kho báu của riêng anh. Mẫn Huy sẽ giữ gìn nâng niu trân trọng bức tranh cát nầy.
Mẫn Huy đã làm bước đột phá sản xuất tranh cát để giới thiệu với mọi người. Bức tranh cát là quà thưởng của sự thành công. Khách xem triển lãm đều không ngớt ngợi khen. Đó là những lời động viên quý giá với Mẫn Huy. Dù bán chưa nhiều tranh nhưng Mẫn Huy Vẫn rất phấn chấn. Anh sẽ tiếp tục sản xuất tranh cát nữa.
Hay tin người khách nước ngoài trả mười mấy ngàn đô đề mua bức tranh thiếu nữ Hồng Cát mà Mẫn Huy không bán, Khánh Toàn chất vấn ngay:
– Mầy sản xuất tranh cát để làm gì? Có phải để bán không?
– Tất nhiên để bán.
– Thế sao người ta mua bức tranh mười mấy ngàn đô la mà mầy không bán?
Mẫn Huy giải thích bằng giọng triết lý:
– Cái gì càng cao giá thì càng quý.
Khánh Toàn hỏi dồn:
– Quý thì sao?
– Thì phải cất giữ!
– Cái thằng! Đúng là người trong mộng nên không dám bán cho ai.
Mẫn Huy tỉnh tỉnh:
– Cứ xem là như vậy!
Khánh Toàn kêu lên với giọng khẳng định rồi thắc mắc hỏi:
– Cô ấy là ai, ở đâu vậy?
– Hồng Cát ở ngoài biển.
Khánh Toàn tròn mắt nhìn Mẫn Huy:
– Gì vậy ông? Hồng Cát à? Bộ mê tranh cát rồi ghép cho cô ấy biệt danh hả?
Mẫn Huy cao giọng giải thích:
– Thật đó! Tao cũng bất ngờ khi cô ấy tên là Hồng Cát.
– Vì Hồng Cát, mầy mới không chịu cưới vợ theo lệnh phụ vương chứ gì?
– Tao không biết phải thế không. Điều đầu tiên là tao muốn phản đối sự ép buộc.
Khánh Toàn bổ sung thêm:
– Việc thứ hai là chỉ chịu cưới Hồng Cát thôi.
Mẫn Huy chép miệng:
– Điều đó tao cũng không biết.
Khánh Toàn tặc lưỡi:
– Cái thằng, việc gì mầy cũng không biết là sao? Đã đưa người đẹp lên tranh, tạo hình tạo dáng rồi mà còn bày đặt.
Mẫn Huy phân trần:
– Tao biết nói thế nào với mầy đây, chỉ là mường tượng hình ảnh Hồng Cát.
mà tạo hình thôi, còn cô ấy thì có gặp lại đâu.
Khánh Toàn ngạc nhìên:
– Tại sao? Em lấy chồng rồi à?
– Hồng Cát mất tích.
– Cái gì?
Khánh Toàn bật dậy:
– Mầy không đùa chứ? Người đẹp mất tích ư?
Mẫn Huy kể mọi chuyện cho Khánh Toàn rồi bảo:
– Cha bị nước cuốn trôi, Hồng Cát mất tích, chẳng biết đi về đâu.
Khánh Toàn buột miệng:
– Chẳng lẽ cô ấy bị sóng biển cuốn trôi.
Mẫn Huy kêu lên vì không muốn tin điều đó.
– Không có đâu!
– Chuyện rủi ro không thể ngờ được.
Mẫn Huy ngồi im lặng, hai tay bưng lấy mặt.
Khánh Toàn lại nhận định:
– Mầy đã kiếm Hồng Cát khắp nơi và cũng tạo nên tranh để kỷ niệm rồi, đừng day dứt nữa.
– Tao không hiểu tại sao Hồng Cát mất tích.
Có thể là Hồng Cát không còn. Khánh Toàn muốn nói với Mẫn Huy nhưng anh lặng thinh, rồi lại an ủi Mẫn Huy:
– Có lẽ mầy và Hồng Cát không có được mối lương duyên. Thôi, hãy cưới thiên kim tiểu thư cho phụ hoàng yên lòng.
Mẫn Huy phẩy tay:
– Mầy đừng xúi quẩy. Hãy để cho tao được yên tâm làm tranh cát.
– Bộ cưới vợ rồi mầy không làm tranh cát được ư?
– Bị ràng buộc mất tự do sao làm được.
– Lúc đó mầy lo làm giám đốc khỏi làm tranh cát.
Mẫn Huy lắc đầu:
– Thôi đi ông! Tôi mê làm tranh cát hơn làm giám đốc.
Khánh Toàn cười châm chọc:
– Chưa có thấy ai dại như mầy.
– Mầy cũng vậy thôi.
– Tao khác.
– Khác gì?
Khánh Toàn không tra lời mà lại trầm trồ:
– Lạ thật bức tranh cát thiếu nữ mà có người chị bỏ tiền mua với giá cao ngất. Tao thấy mà phát mê.
– Phải của mầy chắc bán rồi ha?
Khánh Toàn gãi đầu:
– Cũng có thể. Bán lấy số tiền cao dùng biết bao nhiêu việc.
Mẫn Huy lắc đầu:
– Thôi đi ông! Tôi không nghĩ nhiều đến vật chất đâu.
– Có vật chất mới sống được nghe. Mầy không phải là người cõi trên mà ăn hương hoa, không khí.
Mẫn Huy lý giải:
– Cái thằng! Ý tao là bức tranh thì tao phải giữ, còn chuyện cơm áo thì vẫn phải lo.
Khánh Toàn cười hề hề:
– Mầy Vẫn tạo ra những bức tranh thiếu nữ khác được mà.
– Mầy nên nhớ là chỉ có hình ảnh buổi ban đầu là đẹp nhất.
– Mầy nghĩ là những bức thiếu nữ sau sẽ không đẹp.
Mẫn Huy giải thích thêm:
– Tao tạo tranh thiếu nữ Hồng Cát một cách xuất thần vì những lúc đang tưởng nhớ cô ấy.
 Khánh Toàn bổ sung:
– Và bằng cả tình yêu mãnh liệt nữa chứ.
Bây giờ Khánh Toàn không cho Mẫn Huy gàn dở nữa, mười mấy ngàn đô la mà không chịu bán. Mẫn Huy đã có một tình yêu chân chính và đã gửi vào bức tranh thì làm sao mà bán chứ. Tình yêu là điều kỳ diệu. Người ta có thể đánh đổi tất cả để bảo vệ tình yêu.
Không bán tranh cát thiếu nữ Hồng Cát thì Mẫn Huy vẫn bán những bức tranh khác.
Buổi triển lãm chung của hai người rất thành công.
Cuối đợt triển lãm chợt có một cô gái rất sang trọng đến tham quan và mua tranh cát của Mẫn Huy.
Khi tiếp xúc với cô gái, Mẫn Huy rất đỗi ngỡ ngàng. Cô gái có gương mặt giống Hồng Cát như đúc.
Hồng Cát! Có phải Hồng Cát? Đúng là Hồng Cát hay Mẫn Huy đang trong cơn chiêm bao?
Mẫn Huy đau đáu nhớ về Hồng Cát nên nhìn thấy cô gái nào cũng ngỡ là Hồng Cát. Trước mất Mẫn Huy các cô gái đều biến thành Hồng Cát.
Ánh mắt Mẫn Huy chiếu vào cô với cái nhìn của nhà quan sát. Cô gái mặc bộ váy màu hồng phấn điểm những chùm hoa đỏ thật sang trọng, dáng vẻ kiêu sa. Gương mặt trang điểm đẹp lộng lẫy, nữ trang lấp lánh nơi cổ và tay, mái tóc nhuộm vàng buông lơi.
Chỉ có gương mặt là của Hồng Cát, còn trang phục và phong cách thì khác xa.
Có lẽ cô gái nầy là Việt kiều mới về nước. Nghĩ thế nhưng Mẫn Huy ngỡ ngàng lơ mơ như đang chìm trong mộng. Hồng Cát! Biết đâu Hồng Cát đã hóa trang.
Cô gái buột miệng khen:
– Mấy bức tranh cát đẹp quá.
Mẫn Huy hỏi thăm dò:
– Cô có thích tranh cát không?
– Tôi rất thích! Tôi mua tặng bạn. Chắc chắn anh ấy thích lắm.
Cô gái trả lời rồi hỏi lại:
– Một mình anh làm đó hả?
– Chỉ một mình tôi.
– Những hạt cát mà tạo nên tranh thật là công phu.
Mẫn Huy gật nhẹ:
– Đúng là công phu. Công việc không vất vả nhưng đòi hỏi phải thật kiên nhẫn và tỉ mỉ.
Cô gái vui vẻ:
– Vậy là anh có đủ hai yếu tố tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Bức tranh thiếu nữ Hồng Cát đập vào mắt cô gái reo lên:
– Ồ, bức tranh thiếu nữ đẹp quá.
– Cô có thấy thiếu nữ trong tranh...
Mẫn Huy hỏi chưa dứt câu, cô gái đã ồ lên thích thú vì phát hiện thiếu nữ trong tranh giống mình.
– Cô gái là ai vậy anh?
– Bạn tôi đấy.
– Cô ấy ở đâu vậy?
– Ở ngoài vùng biển.
Cô gái đặt vấn đề:
– Anh bán bức tranh nầy cho tôi nhé.
Mẫn Huy lắc đầu:
– Bức tranh nầy không bán. Tôi có ghi dưới rồi đó.
Cô gái nằn nì:
– Bán cho tôi đi mà. Tôi sẽ trả giá cao.
– Giá nào tôi cũng không bán.
Cô gái mơ màng:
– Anh cho tôi đi! Tôi mà mang bức tranh nầy về, ai cũng bảo là anh tạc hình tôi đấy.
Mẫn Huy nghiêm giọng khẳng định:
– Đó là chân dung cô bạn gái tôi.
– Anh nhất định không bán sao?
– Có người cũng đã trả giá cao nhưng tôi không bán. Tôi phải giữ cho riêng mình. Cô cứ mua những bức khác.
Cô gái hất mặt đầy vẻ cao ngạo:
– Tôi sẽ mua hết mấy bức tranh cát nầy.
Mẫn Huy thật lòng đáp:
– Tôi rất vui được cô ủng hộ.
Cô gái bỗng đề nghị:
– A phải rồi! Anh hãy dùng cát tạo bức chân dung nhé!
Một đề nghị bất ngờ, Mẫn Huy không biết trả lời sao? Có nên đồng ý? Cô gái lại ân cần.
– Anh tạo chân dung tôi nhé! Tôi sẽ mua lại bức tranh, giá bao nhiêu tùy anh.
Mẫn Huy đắn đo:
– Để tôi suy nghĩ.
– Còn suy nghĩ gì nữa anh. Với bàn tay khéo léo tài hoa, anh đã tạo chân dung bạn gái đẹp rồi. Hãy tạo chân dung em đẹp hơn thế nữa nha!
Gương mặt ánh mắt của cô gái như làm cho hình ảnh Hồng Cát hiện ra trước mắt Mẫn Huy. Anh lại ngắm nhìn và nghe cô nói.