Chương II
Này các con, nhớ trở về

Giamin để mặc mẹ ngồi khóc, chạy bổ ra ngoài nhà và trong chốc lát tạm thời quên những gì đã xảy ra ở sân nhà Gôga.
- Cậu nghe chưa? Chiến tranh! - Gô-ga hồi hộp nói với Giamin khi gặp cậu ở cổng. Mặt Gôga bẩn vì hoen nước mắt.
- Tớ biết rồi! Giamin đáp - Mẹ tớ đang khóc ở nhà. Tớ cũng chẳng hiểu vì sao nữa. Ta chạy tìm Côlia và Vichia đi!
Ngoài phố, người lớn đứng từng toán một, lo lắng bàn về thông báo của Chính phủ Liên Xô. Còn phụ nữ thì không hiểu sao chẳng thấy ai cả. Những người đàn ông đã đứng tuổi thì nói chuyện với nhau một cách bình tĩnh, chỉ vừa đủ nghe thôi. Bọn trẻ thậm chí cảm thấy như người lớn cố tình nói thế để các cậu không biết được bí mật của họ. Chẳng trách mà ở đâu họ cũng đuổi chúng: "Chúng mày đứng đây làm gì? Về nhà đi"
Thử hỏi sao lại "làm gì" khi người lớn đang bàn cách làm sao mau chóng đánh tan Hítle. Và rồi dù họ có bí mật đến đâu, cuối cùng bọn trẻ cũng biết được là khoảng hai, ba tháng gì đó Hít le sẽ toi đời. Cánh thanh niên trẻ nói như vậy. Trong số đó có hai anh của Giamin, anh Pêchia Vôncôp hay bẽn lẽn đang học lớp mười, anh Valenchi Pôncốp tay đánh cờ tướng giỏi nhất trường, anh của Côlia là Xêmiôn, người bao giờ cũng mắng em trai vì tội câu cá, anh Giênhia Cukharsic cao lêu khêu, người học giỏi nhất lớp mười và còn nhiều thanh niên khác không quen biết từ các đường khác nữa.
Các cậu bé bây giờ thấy thích những người anh của chúng, mặc dù từ lớp bốn trở đi, quan hệ giữa họ không hiểu sao không lấy gì làm thân thiết cho lắm. Thường thì trẻ em nhiều khi cũng muốn làm những việc như người lớn...Ai cũng biết là không có gì xấu xa trong việc này cả, ấy thế mà bao giờ người ta cũng bảo chúng: "Cái này không được, cái kia không được! Chờ lớn đã, khi ấy hẵng hay"
Nhưng hôm nay, các anh của chúng không đuổi chúng nữa. Nghe họ, các cậu tin chắc là trong chiến tranh chẳng có điều gì đáng sợ cả, vì họ đã quả quyết là Hitle sẽ bị đè bẹp trong vòng hai ba tháng gì đó thôi. Thế mà các bà mẹ cứ sụt sùi vô ích, và bác Xtêphan, bố Côlia, các bác thợ rèn xưởng cơ khí và các bác giữ ngựa phải hoài công nhíu mày nhăn trán.
Ngày hôm sau, những người được động viên đầu tiên đã kéo đến phòng quân vụ. Và từ đấy đi thẳng ra ga. Ở đây, từng đoàn tầu nôi đuôi nhau chạy về phía Đông, nơi các sư đoàn Xibêri đang được xây dựng.
Những người nhập ngũ đang từ biệt người thân cạnh nhà ga, trông giống một cái kho chứa đồ sộ. Trông mặt họ long trọng như sắp sửa đi dự một ngày hội lớn chứ không phải ra mặt trận.
- Việc gì mà phải khóc! Chắc là chúng tôi chỉ đi một thời gian ngắn thôi mà!
Người ta vội vàng lùa ngựa lên các toa hàng. Cụ Cudia cũng có mặt ở đấy. Cụ là nhân viên trại nuôi ngựa. Cụ khuyên các chiến sỹ Hồng quân nên chăm sóc từng con ngựa một như thế nào, và giúp họ dẫn những con nhút nhát bước qua chiếc cầu gỗ lung lay để vào toa.
Nhìn những thanh niên to lớn, khỏe mạnh, Giamin, đã có mặt ở đây từ sáng sớm, nói với các bạn mình, vẻ quả quyết:
- Rồi họ sẽ cho Hítle biết tay!
- Hẳn là thế. Nhìn xem, ai cũng cừ cả! - Vichia phụ thêm.
Tuy thế các cậu cũng không cầm được nước mắt khi đoàn tàu chuyển bánh và khắp sân ga nhao nhao tiếng của những người đi tiễn. Cụ Cudia vừa vẫy chiếc mũ nỉ bám đầy cỏ khô, vừa dặn theo:
Này các con, nhớ trở về nhé!!
°

*

Sau khi những người được động viên đầu tiên ra đi, làng Taiset ít người vốn đã vắng lặng, nay lại càng vắng lặng thêm. Từ tháng này qua tháng khác, người ta càng cảm thấy rõ ràng hơi thở của chiến tranh, không ngày nào là không có người được động viên ra mặt trận, càng ngày càng có thêm phụ nữ làm việc ở các xưởng cơ khí, ở trại nuôi ngựa, trên đường sắt….
Kẻ thù vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Mỗi lần gặp nhau, người ta lại thì thầm: “Không ngờ nó lại mạnh thế”. Nghe những lời như vậy của người lớn bọn trẻ như muốn kêu to: “Không, không, không bao giờ!” và sẵn sàng ngay lúc ấy đi ra mặt trận chiến đấu. Chúng sẽ chặn đứng ngay được Hitle. Thử tập hợp tất cả thiếu niên của đất nước Xô Viết (chỉ riêng ở Taiset thôi cũng đã bao nhiêu rồi), cho trang bị vũ khí và hô to: "xung phong" rồi cứ thế xông thẳng vào kẻ thù xem nào. Lúc ấy không Hítle, không Gơben thọt chân nào có thể tới Matxcơva được, các cậu bé Taiset hoàn toàn tin như thế. Chỉ riêng Gôga là bao giờ cũng chõ vào cãi được và luôn làm hỏng tất cả mọi kế hoạch.
- Thế bọn chúng không có trẻ con như ta hay sao? – Cậu ta bỗng hỏi và nhếch môi cười (môi giần giật như môi thỏ)
- Có
- Nếu thế sao các cậu lại bảo: “Bọn mình sẽ cho biết tay”
- Nhưng chúng không có thiếu niên tiền phong, không có thanh niên cộng sản, hiểu chưa – Giamin nổi nóng và không hình dung nổi sao Gôga lại không hiểu được những điều đơn giản như vậy.
- Cômxomon là sức mạnh, cậu hiểu chứ- Côlia ủng hộ bạn.
Thường thì Côlia im lặng, bây giờ không hiểu sao lại bắt chuyện.
- Cậu nghe mình đây, Gôga – Côlia chậm rãi nói – Bọn chúng không có những đứa trẻ Xiberi như mình đâu. Bố mình nói là trên đời này không có người lính nào khỏe mạnh, dẻo dai và dũng cảm hơn người lính Xiberi. Vì khí hậu của ta ở đây tốt lắm. Khí hậu lục địa khắc nghiệt! Ta chẳng học địa lý ở lớp năm rồi sao. Mùa đông thì lạnh buốt như cắt da cắt thịt, còn mùa hè nóng thế nào thì các cậu biết rồi đấy. Và con người được tôi như một thanh sắt như trong tay anh thợ rèn, hết vào nóng lại ra lạnh, rồi lại vào nóng. Còn bố mình và cụ Cudia như vậy vẫn chưa đủ: vừa ở trong nhà tắm bằng hơi nóng đã trần truồng lăn ra ngoài tuyết, rồi lại vào nhà tắm. Cũng chính nhờ thế mà cụ Cudia đã chiến đấu dũng cảm với bọn Nhật, bọn Đức, bọn Bạch vệ được. Người ta còn bảo không ai khỏe hơn bố mình, cậu hiểu chứ?
- Hiểu, - Gôga kéo dài giọng, và không muốn tỏ ra mình là người bị thua, cậu nói - Thì bố mình tắm hơi nóng cũng có kém ai đâu.
Mấy ngày sau bố Côlia và năm người khác cùng xưởng cơ khí tình nguyện ra mặt trận. Mỗi người trong bọn họ đều có một giấy chứng nhận rằng họ là thợ lành nghề không thể thay thế được và hết sức cần thiết cho công việc ở đây, và họ chỉ được động viên theo một mệnh lệnh đặc biệt mà thôi. Các bà láng giềng nhà Xtephan Xô cô lôp ái ngại nói: “Để lại một gia đình như thế - bốn miệng ăn! Ôi, ôi, ôi! Mà đứa lớn nhất mới có mười bốn tuổi ranh, còn đứa lớn hơn là Xêmiôn thì anh ta lại cho theo ra mặt trận luôn. Không hiểu anh ta nghĩ gì?”
Cô Grunhia, vợ Xtephan, nổi tiếng bạo mồm bạo miệng, bây giờ trở nên lặng lẽ. Thường thì bao giờ trong sân cũng chỉ nghe giọng nói lanh lảnh của cô:
- Xtephan! Cho bò ăn!,….Xtephan, láng giềng họ mang thùng sang nhờ làm quai đấy. Làm cho chắc vào, đừng để tôi phải hổ thẹn với họ! Xtephan! Phơi giúp tôi ít quần áo ướt! Mà rửa tay cho sạch đã, chứ ông thì cứ như đi đâu cũng mang cả cái lò rèn của mình đi theo!
Xtephan làm bất cứ điều gì Grunhia yêu cầu, bao giờ cũng vui vẻ và pha trò nữa.
Biết rõ quyền lực của Grunhia với Xtephan, một hôm gặp cô ở giếng nước, bà Gôga bóng gió hỏi:
- Thế nào, bà chị, khoẻ chứ? Còn bọn trẻ thế nào – Mụ chậm rãi lấy nước.
- Thì cũng như mọi người cả thôi, bà ạ..
- Tại sao một người thông minh, nhanh nhẹn như cô lại chịu để Xtephan ra trận? Tôi còn nghe là bác ta, rõ ngốc, còn tự nguyện xin đi nữa cơ đấy, để lại cho cô một bầy con như thế. Thật là một gã quá tệ!
- Sao bà lại có thể nói thế? - Grunhia trách, xách đôi thùng không sửa soạn đi – Thế ai sẽ bảo vệ con cái chúng ta, nhà cửa chúng ta?
- Ai, ai à? Chính quyền Xô viết chứ ai! Chính quyền mạnh lắm. Bọn Đức sẽ không tới vùng ta được. Ai cần thì đi mà đánh nhau! – Giọng của mụ rít lên. Mụ đem đổ một nửa nước từ chiếc thùng đầy sang chiếc thùng không rồi bước đi thẳng.
Cả làng Taiset ra tiễn Xtephan. Những người thợ rèn làm cùng ca với bác trong những bộ quần áo lao động của công nhân sặc mùi than đá và mùi sắt, cũng tạm tắt lò đến tiễn. Bố Gôga cũng láng cháng ở đấy. Hắn vừa uống rượu xong, cái mặt bầu bầu đỏ bừng như một quả gấc chín.
- Pronca, sao mày bỗng nhiên lại đến đây thế? Cụ Cudia hỏi hắn. Cụ vừa dùng con ngựa Tôdich kéo xe chở cả nhà Xtephan ra đây, mặc dù đi bộ tới ga cũng chỉ mất khoảng bảy hay mười phút gì đó – Người ta ra trận bao nhiêu rồi, cả bọn cùng tuổi của mày nữa, mày có đi tiễn ai bao giờ đâu, thế mà bỗng nhiên nay lại...
- Tôi đến đây, cụ ạ, cốt để nói một vài lời thông minh cho ông bạn láng giềng nghe trước lúc lên đường. Tôi thương hại bác Xtephan lắm. Cái hòn đạn, cụ ạ, nó ngốc lắm! – Cặp môi dầy của Pronca trông giống như hai viên mằn thắn nấu quá chín. – Cụ đừng nghĩ là Xtephan to khỏe và hòn đạn chì thì bé tí! Nó mà đụng đến thì Xtephan toi đời. Con nai to thế, ấy vậy mà tôi chỉ "tắc" một cái là xong!
- Thì ra những lời thông minh của mày là thế đấy! - Cụ Cudia khinh bỉ nhìn Pronca – Người ta đang đi làm một việc thiêng liêng, đi bảo vệ quê hương mình, mà hắn thì lại ăn nói như thế!
- Tôi có làm gì đâu, chẳng qua chỗ bà con láng giềng...Pronca đảo mắt nhìn xung quanh.
- Tất cả lên toa! – Có lệnh vang lên.
Những người đi tiễn chen nhau về phía bác Xtephan và các bạn cùng đi với bác. Chắc Xtephan không ngờ lại có nhiều người đến tiễn mình như vậy. Bác cao hơn người khác đến một cái đầu và từ biệt mọi người có vẻ ngượng ngịu, lúng túng, một lúc bắt luôn cả hai, ba bàn tay, khẽ vỗ vào vai bạn bè làm họ cũng phải mỉm cười "Thật đúng khỏe như gấu". Khi từ biệt các bạn cùng làm việc, Xtephan nói với từng người một: "Liệu đấy, ở nhà đừng có phụ lòng tin của mọi người. Còn chúng tớ ngoài kia sẽ cũng sẽ không để người Xiberi phải hổ thẹn đâu!"
Các cậu bé cũng cố chen tới chỗ bác, nhưng lần nào cũng bị người lớn ẩy ra. Cuối cùng Xtephan nhìn thấy các bạn của con trai và tự mình lách đến chỗ chúng.
- Này, các cháu! Phải làm thế nào cho đâu vào đấy, nhé! Trở về, bác sẽ dẫn các cháu đi săn gấu. Các cháu phải nhớ bây giờ các cháu là chủ nhân ở đây – Rồi bác bắt tay từng cậu một như bắt tay người lớn, xong bác đi lại chỗ gia đình.
Ba đứa bé nằm gọn trong tay người bố, đang tranh nhau nói một điều gì đấy. Côlia giống bố như đúc, buồn rầu đứng cạnh mẹ, mắt đỏ hoe vì khóc. Cậu cố mỉm cười – ai chứ cậu thì hẳn là biết bố đi đâu.
- Thôi, tạm biệt, Grunhia. Ở nhà trông nom con cái...Em sẽ vất vả đấy. Nhưng không sao, Côlia đã lớn. Em đừng giận anh nhé. Kẻ thù tàn ác, tàn ác hơn cả thú dữ. Em biết đấy, cần phải.....- Bác Xtephan đặt các con xuống đất, ôm vợ và Côlia vào lòng rồi chạy vội tới toa tàu.
- Em thì nói làm gì, chỉ có anh là phải giữ lấy mình – Grunhia vẫy theo, đầm đìa nước mắt.
Trước đây, Giamin ít nghĩ tới bố mình – cậu mồ côi từ bé, vào năm đói. Cậu lớn lên với các anh và không biết thế nào là sự âu yếm, những lời khiển trách nghiêm khắc hay những lời khuyên đáng quý của người bố. Và bây giờ Giamin rất muốn được làm Côlia, để bàn tay to như chiếc xẻng của bác Xtephan xoa đầu cậu, để được nghe: "Cố giúp mẹ, con nhé"
Đến lúc này Giamin mới nhận thấy là đoàn tàu chạy về phía Tây.
- Cụ Cudia ơi, sao bác Xtephan lại đi về phía Tây? Những người trước bao giờ cũng đi về phía Đông cơ mà.
- Bởi vì, cháu ạ, bác ta là cán bộ, có kinh nghiệm và thành thạo. Bác ấy xuống tàu là có thể ra trận đánh nhau được ngay, không phải chờ đợi gì cả. Xtephan là lính cận vệ đấy! Còn thuộc binh chủng nào thì cụ chưa hỏi. Thật là sai lầm. Hay là kỵ binh? Không, bác ta nặng quá. Lính xe tăng – cũng to quá. À, lính pháo binh! Đúng thế, lính pháo binh như lão ấy! – Cụ Cudia vui mừng vì đã đoán ra được như vậy.
Càng gần tới mùa thu, càng có nhiều đoàn tàu quân sự chạy về phía Tây. Có ngày tầu chạy cả hai chiều. Lúc ấy, những người kiểm tra đường ray phải nhờ cả những người thân giúp đỡ. Cứ cách một giờ họ thay nhau kiểm tra lại tuyến đường mình phụ trách. Thường thì bọn trẻ hay đi theo người lớn, và chúng làm họ vốn đã quá mệt mỏi, phải phát ngấy lên vì những câu chuyện của chúng. Đã có một số trường hợp người kiểm tra đường ray, bị nghiền nát dưới bánh của những con tàu đang chạy vùn vụt.
Còn làng thì có vẻ vẫn đang sống một cuộc sống hòa bình. Ở đây bom không réo trên đầu, đạn trái phá không nổ, nhà không đổ.
Chiến tranh đang còn ở xa lắm – năm nghìn cây số. Phim thời sự về chiến tranh chỉ mới chứ chưa chiếu, nên bọn trẻ Xiberi còn chưa được nhìn thấy mặt thật của chiến tranh, chưa nhìn thấy bọn lính quốc xã. Những người cha, người anh của chúng ra trận gửi về những bức thư dài kể rằng họ chưa tham gia một trận chiến đấu nào, và mặt trận còn xa, nhưng họ đang được huấn luyện cẩn thận, có lẽ là cho một chiến đấu lâu dài.
Họ dặn ở nhà mỗi người phải làm việc bằng hai: hậu phương và tiền tuyến là anh em! Họ còn báo trước là chiến tranh sẽ ác liệt và lâu dài.
Đọc những bức thư như vậy, bọn trẻ bao giờ cũng lấy làm ngạc nhiên: gửi về Taiset, ai cũng chỉ ghi số hòm thư dã chiến, có điều số hòm thư mỗi người mỗi khác – thế thì người nhận thư ở đâu? Còn chưa đánh nhau thực sự nhưng cái gì cũng biết, thậm chí còn nghiên cứu cả kỹ thuật tác chiến của địch nữa...
Suy nghĩ một lúc, Giamin kết luận là các anh cậu, bác Xtephan và những người khác đang ở ngoài chiến trường. Nếu không sao họ lại phải viết "hòm thư dã chiến"?