Hai tuần nay thời tiết tốt. Tuy thế đêm vẫn rét kinh khủng. Gió thổi rít qua bờ giậu, trong vườn cành khô đập vào nhau nghe não ruột, và bên cạnh là rừng taiga đang rên rỉ. Dân làng Baironopca ngủ say sau một ngày làm việc mệt nhọc. Thêm một ngày nữa của cuộc chiến tranh, ngày thứ 99. Ở đây, tuy cách mặt trận năm nghìn kilômet, và người dân Baironopca không nghe thấy tiếng súng, nhưng họ biết là chồng con, anh em họ đang hy sinh ở vùng ngoại ô Matxcova, Lêningrat. Ở đó làng mạc đang bốc cháy, và hàng nghìn người tỵ nạn đang đổ về miền Đông. Cạnh làng chiếc máy đập lúa đang chạy không nghỉ, tiếng máy nghe cô đơn, buồn bã, khác hẳn trước chiến tranh. Mà cũng có thể chỉ là cảm giác, điều đó thì ai biết được. Mặc dù mọi người vẫn ngủ rất say, tuy vậy, đêm ở đây vẫn là những đêm lo lắng, hồi hộp... Thường vẫn thế... Khi mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng đầu tiên thì cả làng đã tỉnh dậy. Bò cái thò những chiếc mõm ướt vào những ô cửa nhỏ và rống lên gọi đàn. Từ các cổng, những con chó còn ngái ngủ, chạy ra vươn dài mình như mèo, đứng ngáp một cách lười biếng rồi cất tiếng sủa vu vơ. Những con bê ghếch mõm vào nhau, lim dim đôi mắt xinh đẹp một cách lạ lùng của mình, đứng sưởi dưới nắng ấm, một vài con thổi thổi vào những vũng nước nhỏ bị đóng băng rồi nhốp nhoáp uống một cách ngon lành. Các em học sinh đã ra đồng từ lâu, cứ dỡ xong một gốc khoai tây lại chạy đến hơ tay trên ngọn lửa - đất rất lạnh và ẩm ướt. Bây giờ không còn như những ngày đầu, chẳng còn lúc nào mà nói đùa nữa. Thời tiết chẳng chờ ai - không phải là lúc cười đùa nữa, mà phải làm việc gấp. Cụ Gavrin chở khoai từ đồng về, những ngày gần đây thường nói với ông giáo: - Chà, Ephim Grigôêvich ạ, học trò của thầy thật lớn lên trông thấy. Mới đến, có thể nói, chúng còn nhóc lắm, thế mà bây giờ, thầy xem, chúng rắn lên bao nhiêu. Chúng hiểu mà... Thậm chí cả cô bé Tamara, người Matxcova, có lẽ hai tay đã ứa máu hết, thế mà ngày nào cũng ra đồng. Đôi mắt đen cứ ánh lên như muốn nói: “Sao cháu phải thua kém người khác? Cháu cũng sẽ ra đồng!” Đấy, cứ xem cô ta thì biết... Hôm nay các em làm việc đặc biệt hăng hái. Một phần vì hôm qua chị chủ tịch về nhà sớm hơn thường lệ, tới ngưỡng cửa, chưa kịp cởi xong đôi ủng lấm bẩn, nói: - Tôi biết là các em mệt lắm. Nhưng dù sao thì các em hãy cố gắng hơn nữa... Chúng ta không được để tuyết vùi lấp lương thực, các em ạ. Chúng ta không có quyền làm thế. Các em đã lớn và hiểu điều đó… Nhưng dù các em có cố bao nhiêu, các bì khoai vẫn đầy lên một cách chậm chạp. Ngay việc đổ khoai từ giỏ vốn nặng vì đất bám cũng trở nên khó khăn hơn, như đổ hắc ín nấu quánh từ thùng ra vậy. Cánh đồng có những cây cổ thụ cao vút trở nên xám xịt. Các em thấy rét lạnh. Các em có cảm giác như đang làm việc dưới đáy một chiếc giếng khổng lồ.Ai cũng co rúm lại vì lạnh và thỉnh thoảng lại đưa mắt buồn bã liếc nhìn những tia nắng như đang đọng trên các tháp nhọn của rừng thông và cây tùng lá rụng. Sức ấm của mặt trời chậm chạp xuyên qua các kẽ cây. Qua một đêm dài bị đóng băng, đất từ từ nhũn ra thành bùn nhão bám vào chân.. Tamara thậm chí cảm thấy xấu hổ nhớ lại cách đây không lâu cô còn là người sợ lạnh và sợ bẩn nhất. Ngay từ những ngày đầu mới đến, đôi giày màu nâu của cô trông đã giống như một đôi dép rơm bện vụng về, luôn bị đất dính kéo tụt. Giấu không cho các bạn biết, cô bé lấy rơm lót dưới đế và dùng dây buộc chặt lại. Nhưng một chiều nọ, Cachia lính thủy đã trông thấy: - Giày thế này mà cậu còn đi ư? Cậu sẽ ốm đấy! Quẳng đi! Này các cậu ơi, lại đây mà xem! - Cachia chỉ cho các bạn mình xem đôi giày rách bươm của cô bé Matxcova. Tối ấy mọi người suy nghĩ rất lâu tìm cách giúp Tamara. Có người đề nghị cho Tamara trông coi việc nội trợ ở nhà. Nhưng Tamara, không hiểu sao mặt ửng đỏ, nói: - Không, các bạn ạ, mình có lạnh tí nào đâu.. Và cuối cùng, để kết luận, Ephim Grigôêvich nói: - Tamara, ngày mai em sẽ trở lại Taiset. Chân đất thì ở đây không làm được gì cả. Hơn nữa cũng chẳng được nhiều việc. Thiếu em các bạn cũng sẽ làm xong. Dĩ nhiên là tiếc đấy, nhưng... - ông giáo đưa tay sửa lại cặp kính. - Em sẽ không đi đâu cả..- Tamara nói như thì thầm. Nhưng ngày hôm sau, cụ Gavrin đến gặp cô bé Matxcova, ôm ngang vai, nói: - Thế nào cháu, sao buồn vậy? Không muốn về nhà một mình à? Cô bé gật đầu. - Thế là đúng. Cháu cứ ở đây. Ông đã tìm được cho cháu đôi giày này. Kể ra có hơi rộng một tý, nhưng lấy vải quấn vào chân đi cũng vừa. Đi nó sẽ ấm như nằm trên lò sưởi ấy, chẳng thua giày lông một tý nào. Bày cho Tamara quấn vải vào chân xong, cụ Gavrin giúp cô bé xỏ giày, rồi lấy một sợi dây mềm quấn chặt ở bàn và ống chân. - Trông cháu như một cô gái địa phương - cụ nói, một mắt nhíu mày lại, còn mắt kia nheo nhìn. Từ hôm đó, Tamara đi đôi giày cụ Gavrin tặng, và chân không còn biết lạnh là gì nữa. Khi các bạn gái hơ những đôi giày sũng nước của mình bên ngọn lửa, cô bé Matxcova nói: - Các bạn cứ sưởi đi để mình làm nốt chỗ này. Giamin thấy Tamara làm việc tích cực, không hiểu sao bỗng mỉm cười. - Còn khoảng ba ngày nữa là có thể ta sẽ về. - Mà ba ngày này phải làm căng lắm! - Vichia tì người lên cán xẻng, nói. Khi các cô bé đã bỏ đi dỡ khoai, Giamin lại ngồi gần đống lửa, cởi giày, giũ những cọng rơm ướt vào ngọn lửa, nhưng vừa thấy Tamara bước lại, đã vội vàng quấn lại mảnh dẻ bọc chân mà cậu mới bắt đầu cởi ra. Tuy giày khá rộng, nhưng cho được chân vào cũng khá vất vả. - Ngón tay mình cóng hết cả rồi- cô bé nói và chìa đôi tay bám đầy đất về phía ngọn lửa. “Sao cậu ấy im lặng thế nhỉ - Tamara ngạc nhiên nhìn Giamin đang định vội vàng bỏ đi - Hay cậu ấy ganh tị? Hãy xem cậu ấy nhìn vào đôi chân của mình kìa. Mà sao có thể ganh tị được cơ chứ?” - Chân cóng rồi à? - Tamara hỏi - Khô -ô-ô. Mình đi lại đôi giày. Giày mình tốt lắm - Giamin nói, vẫn không ngước lên. - Giày của mình cũng tốt lắm. Bây giờ mình hoàn toàn không thấy rét nữa. Chỉ có tay là buốt cứng mà thôi. - Vâng, các bạn vất vả hơn. Bọn mình chỉ có việc đào thôi. Tamara, sưởi đi, sưởi cho ấm. Không thì, như người ta nói, có thể bị tê thấp đấy - Giamin nói với vẻ thông thạo. Cậu cạo sạch đất bám ở lưỡi xẻng rồi lại lao vào làm việc. Dưới chân, đôi giày kêu ọp ẹp, nghe đến phát ngán, nhưng Giamin vẫn như không nghe thấy gì. Giamin, vốn bao giờ cũng ăn ngon miệng, nhưng bỗng dưng bỏ ăn tối. - Để mình ăn thay cho cậu nhé? - Gôga nói ngay. - Nhưng ít ra cũng phải chừa bánh mì lại, sáng mai cậu ấy sẽ ăn - Vichia giật áo Gôga - Cứ để cậu ấy ăn - Giamin uể oải nó rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh lò sưởi - Cậu không ốm đấy chứ? - Côlia hỏi - Không, chỉ hơi lạnh một tí - Thì sưởi đi, sưởi đi, còn bọn mình sẽ sưởi bằng thìa - Gôga vừa nói vừa khoái trí cười vì câu pha trò của mình. Bọn trẻ nghiêm khắc nhìn về phía cậu. - À, mà người cậu nóng bừng lên thế này cơ mà - đặt lòng bàn tay khô của mình lên má của Giamin, Ephim Grigôvich nói- Em ốm rồi! Theo lời dặn bảo của ông giáo, Giamin leo lên lò sưởi nằm, bọc mình trong chiếc áo ấm ngắn, cũ kỹ, sặc mùi hành và ngủ thiếp liền ngay lúc đó. Cậu có cảm giác như bị nâng lên, rất cao, rồi lại lao nhanh xuống đất. Cậu muốn kêu to nhưng không được.. Sau khi đã kể cho cụ Gavrin vừa từ đồng về nhà việc Giamin ốm, ông giáo khoa tay một cách ngạc nhiên, nói: - Lạ thật, người khỏe nhất lớp lại bị gục. Mà cậu ta không hề than phiền một lần nào. Để không đánh thức các em, ông cụ lặng lẽ cởi chiếc áo khoác dày không thấm nước và chiếc áo ấm mặc trong ra. - Tội nghiệp cậu ấy - ông cụ nói rồi đứng lên ghế, với tay về phía nguời bệnh. - Đang sốt! Đúng là bị cảm. Được, bây giờ lão sẽ chữa khỏi ngay thôi, cháu ạ. - Nhưng tại sao cậu ta lại ốm được?- ông giáo hỏi, vẻ không hiểu - Giày của cậu ta ấm hơn giày người khác. Ngay cả Tamara mà tôi lo nhất cũng không sao nữa là, thế mà, đùng một cái, cậu ta lại… Ông cụ nhếch mép cười, lẩm bẩm một câu gì đấy trong chòm râu. - Cụ có cần tôi giúp chứ? - ông giáo hỏi. - Có, bây giờ để lão xuống hầm lấy ít củ cải đã. Ông giáo soi đường cho lão nhé? Trong khi ông giáo xát nhỏ củ cải không cạo vỏ thì ông cụ lấy quả mâm xôi cho vào ấm để pha đặc. - Bây giờ thì có thể đánh thức cậu ấy dậy được rồi - cụ chủ nhà nói. Hồi lâu, Giamin không sao hiểu nổi ông lão rậm râu, giống ông già Tuyết và người đàn ông đeo kính kia muốn gì ở cậu. - Này cháu, lão đây, cụ Gavrin đây - ông lão nói, giọng ngọt ngào - Cháu khát, khát quá cụ ạ.. - Tốt lắm, bây giờ lão sẽ cho cháu uống nước chè nấu với phúc bồn tử nhé! - Nóng quá! - Giamin ẩy chiếc cốc ra - Không sao! Không sao! Cháu uống đi, uống đi! - ông cụ nói như dỗ một đứa bé, tay vẫn giữ cốc thuốc trước mặt. Giamin chậm rãi uống, người nóng bừng vì cốc thuốc đang bốc mùi thơm. Xong cốc thứ nhất, ông cụ lại đưa tiếp cốc thứ hai rồi khẩn khoản nói: - Cháu ạ, bây giờ sẽ trị bệnh cho cháu đây. Sáng mai bệnh cháu sẽ biến mất. Để lão lấy củ cải đắp vào người cháu. Ngọn lửa trên mẩu nến trong tay ông giáo lung linh, nhảy nhót tỏa khói,lúc thì soi sáng khuôn mặt đỏ bừng nhễ nhại mồ hôi của Giamin, lúc thì soi tỏ ông già đang lấy những ngón tay to và cong cong đắp bã củ cải lên lưng và ngực người bệnh. - Nóng quá! - Giamin khẽ rên - Thế là tốt, xem này, cái lạnh đang ra khỏi người cháu đấy - ông cụ lấy lòng bàn tay vuốt những giọt mồ hôi lớn trên trán người bệnh. - Cháu có thấy là tấm kính từ lạnh vào chỗ ấm thì khóc không? Hay như chiếc rìu cũng thế. Cháu biết không? Chúng tuy không có hồn nhưng biết ghét băng giá đấy - Nóng quá! - Giamin lại khẽ nói. - Có lẽ bây giờ thế là đủ - ông cụ nói và cởi bỏ miếng gạc Giamin có cảm giác như vừa ở nhà tắm hơi ra, người nhẹ nhàng và dễ chịu hẳn lên. Có điều cậu thấy bải hoải khắp toàn thân. Trong khi cụ Gavrin đang loay hoay lấy một chiếc áo sạch từ hòm ra cho cậu mặc thì cậu đã ngủ thiếp đi rồi. Tiếng thở đều và nhẹ của cậu làm ông lão yên tâm. Thậm chí Giamin cũng không tỉnh dậy cả khi người ta cởi chiếc áo đẫm mồ hôi và mặc cho cậu chiếc áo của ông cụ. - Thầy giáo ở lại ăn cơm với lão nhé? - vừa ngồi xuống bàn, ông cụ vừa nói - Cậu ta cảm cũng khá nặng đấy. - Nhưng sao lại thế được nhỉ, cậu ta là người Xibêri cơ mà? - Bây giờ lão sẽ kể cho thầy giáo nghe vì sao cậu ấy bị cảm... Và ông cụ kể như sau: - Vào đúng ngày mọi người muốn để Tamara về Taiset, Giamin đứng chờ cụ ở phòng ngoài, ấp úng nói: - Cụ không được cho ai biết, cụ nhé. Cụ lấy giày của cháu đây đưa cho cô bé Matxcova, cái cô có đôi bím tóc ấy… Giày của bạn ấy thủng, chân lúc nào cũng sũng nước…Thầy giáo bắt về nhưng cô ấy không muốn, nhất định không chịu thua ai. Cụ đưa đôi giày này của cháu cho bạn ấy, giày còn tốt lắm.. - Thế còn cháu? - cụ Gavrin nghi ngờ nhìn Giamin - Cháu sẽ tự lo lấy... Cháu thấy trong thùng đựng dụng cụ của cụ có một đôi giày cũ. Nếu cụ cho phép... - Nhưng đôi giày ấy thì còn đi thế nào được nữa! Cháu làm lão khó nghĩ đấy, cháu ạ - ông cụ khẽ vuốt bộ râu rậm - Thôi ra ngoài cửa ta bàn thêm. Con chó Benca phấn khởi đón họ bằng những tiếng sủa ăng ẳng. Nó không ngớt nhảy nhảy như muốn liếm vào mặt Giamin. Còn đối với ông cụ thì nó có vẻ từ tốn hơn. Nó cà mình vào chân, rúc chiếc mõm đen vào tay cụ, kiên nhẫn chờ chủ vuốt lên người nó. Trong chuồng, bầy cừu kêu be be, con bò sữa chậm rãi nhai cỏ. Trên trời, trăng thuợng tuần như chiếc câu liêm đang bơi giữa những tầng mây nhấp nhô như sóng. - Đôi giày đã tã lắm rồi, cháu làm thế nào mà đi được? Khéo không lại ốm. - Cháu sẽ vá lại. Miễn chỉ bền là được - Giamin nói, vẻ cuơng quyết - Cụ Cudia đã dạy cháu. Cháu khỏe lắm, không sợ gì đâu. Còn cô bé kia chưa quen… có thể ốm… - Được, cháu đã quyết thế thì ta làm thế, có điều phải cẩn thận. Không được ốm đấy nhé! - cụ giơ ngón tay lên dọa- Hôm nay lão sẽ chữa lại. Không biết có đi được lâu không. Trời sắp tối hẳn, Giamin không nhìn thấy đôi mắt của cụ đang lấp lánh và tay cụ đang xoa xoa đầu con Benca, làm nó sung sướng đến nỗi không dám ngọ nguậy đôi tai nữa... - Thế mà thầy giáo còn bảo - người Xibêiri- ông cụ kết thúc câu chuyện của mình. - Vâng, ra thế... - Ephim Grigôêvich kéo dài giọng, hai cùi tay tì lên bàn - Người ta hay nói tâm hồn trẻ con là chiếc gương, trong đấy có thể soi thấy tất cả. Thì đấy, hãy thử nhìn vào chiếc gương này, thấy một cái gì đó...