The New York Times Ngày 6 tháng 5, 1975 “Hoa Kỳ giờ đây tin rằng những kẻ chiến thắng đã lùa dân ra khỏi những thành phố ở Cambodia”. Washington, 5 tháng Năm – Các viên chức Bộ Ngoại giao ngày hôm nay nói họ tin rằng những người Cộng sản Cambodia đã ngầm bắt buộc toàn bộ dân ở Phnom Penh di tản ra khỏi thành phố ngay khi họ nắm quyền ở thủ đô đầu tháng qua. Hai ngày sau năm mới, ngày 15 tháng Tư năm 1975, chú Seng về nhà, xô bật cổng mở rộng. Không nói một lời, chú chạy vội vào nhà. Chú ùa đến phòng ngủ của mình, ném túi xách quân đội xuống giường, rồi vội vã nhét quần áo vào. Thấy thế, tôi ben phóng sang tìm Mak ở nhà bếp. “Mak ơi! Poo (chú) Seng làm rất lạ. Chú chạy ùa vào và tống quần áo vô túi xách. Mak, sang mà xem”. Mak nhíu mày. Im lặng một lát, bà cúi xuống tôi, nói “Con đi nói với ba con đi. Đi nhanh đi, koon!” Tôi bảo Pa đúng những gì tôi vừa bảo với Mak, nhưng lần này bằng một tốc độ nhanh gấp đôi lần trước. Pa vùng ngay dậy và rảo bước đi xuyên qua nhà để tìm chú Seng. Khi đó chú đã xong việc và đi ra khỏi nhà. Pa và tôi chận chú ngay gần cổng. “Seng! Em đi đâu vậy?” Pa hỏi. “Em sắp rời Cambodia đây”, chú Seng trả lời. Chú tránh cặp mắt Pa, chăm chăm nhìn xuống đất như thể không còn cần phải bàn cãi gì nữa. “Nhưng em không đi đến gặp Yom [1]sao? “ Pa lắp bắp, ông tức giận vì chú ấy quyết định ra đi mà không hỏi ý kiến người lớn hơn. Chú Seng buồn bã trả lời “Lok bang![2], bọn Khmer Đỏ là kẻ thù thứ nhất của em. Em không thể ở lại để nhìn mặt chúng” Lời chú rơi ra từ miệng như những viên đá dẹt. Chú nói một cách cương quyết “Em sẽ bay đến Kampong Chharng để gặp các bạn em, rồi từ đó bay sang Thái Lan. Lok bang, em đi đây”. Chú Seng bước ra khỏi cổng. Pa không nói một lời. Ông nhìn tôi, tôi thấy Pa đầy nước mắt. Thường thì người anh cả hiếm khi mất nghị lực tự kiềm chế, thế nhưng trước khuôn mặt của chiến tranh, ông không còn khả năng ấy nữa. ° Giống như nhiều gia đình khác có nhà cửa xây liền nhau, chúng tôi cũng không có khoảng trống nào để làm hầm tránh bom. Chúng tôi phải nhờ đến dì Nakry, em gái của mẹ tôi, dì có hầm tránh bom ở cách chúng tôi chừng hai căn nhà. Trong cái khoảng khắc kinh hoàng sau khi bom rơi xuống một nơi nào đó trong thành phố, cả trẻ con, đàn ông, đàn bà đều ua ra khỏi nhà, ngửng cổ lên nhìn xem nguy hiểm đến từ đâu. Chúng tôi cũng làm như vậy, gồm anh chị em chúng tôi, cha mẹ tôi và chú Surg, em của ba tôi (chú này lớn hơn chú Seng) mà gia đình đã đến ở với chúng tôi từ vài tháng nay. Nguy hiểm từ đâu? Chúng tôi đưa mắt thăm dò vùng chung quanh. Ít nói lên được điều gì. Liếc nhìn qua hàng xóm, chúng tôi tự hỏi bom sẽ đánh vào đâu. Sẽ có nhiều quả thả xuống nữa không? Khmer Đỏ sẽ dội bom xuống phần nào của thành phố? Chẳng ai biết cả. Còn bây giờ, tôi thấy nhẹ nhõm vì bom đã đánh trượt chúng tôi. Sáng hôm sau, ngày 16 tháng tư năm 1975, Pa đến sở làm. Đó là một cố gắng tuyệt vọng để cố tỏ ra mọi việc bình thường. Mặc dù ông biết rằng chẳng có nhân viên dưới quyền ông đến làm việc, và cũng chẳng có tàu nào đến cảng ngày hôm đó, ông vẫn cảm thấy mình phải có mặt để coi sóc các thiết bị. Trong khi Pa đến sở, mọi người đều ở nhà. Từ một tháng nay, các trường học đều đóng cửa. Cho đến khi bóng đêm phủ xuống nhà và trải xuống đường phố, Pa vẫn chưa về nhà. Đột nhiên có một tiếng nổ lớn phía sau nhà chúng tôi. Một quả đạn pháo làm rung chuyển nền nhà, gần như cùng một lúc bắn tung những mảnh đạn pháo rào rào lên mái ngói, như thể đất đá đang tuôn một trận mưa rào xuống đầu chúng tôi vậy. Từ trong bếp, Mak đang chạy ùa ra với hai đứa em trai nhỏ tuổi của tôi. “Koon, nấp vào nơi nào đó đi! Nấp đi! Dưới giường chú con đấy. Nắm lấy em này!” Mak gào lên với chị Ry và anh Than. Chúng tôi nhanh chóng chui vào dưới tấm nệm giường chú Seng. Một tiếng nổ khác làm tôi giật nảy người, trán húc vào lò xo giường. Lại một tiếng nổ khác, nó khiến cho tôi văng thành một đống co quắp với chị Ry, anh Than, Avy, Vin và Map. Âm thanh lớn đến điếc tai. Tôi quá sợ đến nỗi không còn đủ sức để niệm kinh Phật nữa. Cuộc pháo kích ngừng. Một lát sau Mak bảo có thể chui ra được rồi. tôi thấy nhẹ cả người và có cảm giác mình thở được bình thường trở lại. Mak, chị Chea và anh Ra chui đầu nhìn chúng tôi và đưa tay vào giúp chúng tôi duỗi thân thể ra, vì chúng tôi co quắp lại như những trái banh nhỏ xíu. Sáng hôm sau, 17 tháng tư năm 1975, tôi thức giấc vì một tiếng nói. Tiếng radio nổ ra vang tai. Chân tôi đạp vào tấm nệm. Trong một giây tôi có cảm giác như mình được đánh thức ra khỏi cái chết, vì thân thể tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt lả đến như vậy. Một giọng nam khác thường vang lên trong không trung. Không phải là tiếng nói mà là tiếng hét “Đầu hàng đi! Phnom Penh đã bị chiếm!” Tôi nhảy ra khỏi giường chạy đi tìm mọi người. Mak, Chea, Ra, Ry và Than đang tập trung quanh chiếc trường kỷ lắng tai nghe đài phát thanh. Tiếng nói đe doạ tuôn ra từ radio: “Nếu ai không buông vũ khí và treo cờ trắng, các đồng chí của chúng tôi sẽ xem đó là hành động nổi loạn chống lại chúng tôi!” giọng nói thật trang trọng. “Chea, tất cả các con, Ra nữa, đi làm lá cờ! Nhanh lên!” Các chị Chea, Ra và Ry chạy đi ngay khi những lời đó rời miệng Mak. Chị Ra đến tìm trong một chiếc tủ nhỏ trong khi ch. Chea cùng chị Ry chạy đến một tủ khác. Trong một giây tôi kinh hoảng, nóng lòng muốn làm một điều gì đó. Nhưng rồi tôi thấy chị Ra đang lục lọi tủ. Mak thì phóng vào phòng ngủ. Anh Than thì mở cửa trước, tôi bèn theo. Than hé cổng và tôi lách ra ngoài đường. Trời buổi sớm vẫn tối sầm khi tôi đi ra đường. Tôi chưa thấy có lá cờ nào, nhưng tôi chú ý một vài người phụ nữ cuống quýt chạy qua nhà hàng xóm. Trông họ cũng hoảng hốt như mẹ tôi. Bằng giọng the thé, họ báo động cho các người khác lo treo cờ trắng, và nhắc nhau lắng nghe tin tức trên đài. Càng lúc người ta ra khỏi nhà nhiều hơn, rồi đường đầy người. Người ta hỏi nhau về tin tức những người khác, và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Không ai biết được sự thay đổi đột ngột này rồi sẽ tác động lên họ như thế nào. Ơn trời, tôi thấy Pa đang tiến lại trên chiếc xe gắn máy màu xanh nhạt. Ông đột ngột dừng ngay giữa đường, chống chân xuống đất gần một vài người. Pa nói điều gì đó trong khi tay vẫn nắm chặt ghi đông xe. Một trong mấy người đó nói gì lại với ông và ông gật đầu. rồi mấy người này tản đi, cũng nhanh như khi họ tụ tập lại. Nhưng khi Pa sắp đi tiếp thì nhiều khác tiến lại, họ nóng lòng hỏi thăm tin tức. “Pa!” vừa kêu tôi vừa chạy, mừng quá đỗi khi thấy ông bình yên. Khi tôi chạy đến đám đông vây quanh Pa, tôi kêu lớn thêm một lần nữa. Pa ngừng nói, quay lại và ngạc nhiên thấy tôi. Ông nói nhanh “Athy, tại sao con không ở nhà? Trở về nhà ngay đi, koon. Đi!” Tôi vâng lời. Tôi không thể không chú ý đến vẻ rã rời, nhàu nát của Pa. Mắt ông đỏ ngầu, đầy gân máu, và trông sưng hơn thường ngày. Tôi cũng chú ý thấy ông không mặc bộ đồng phục thanh tra thường mang. Thay vào đó, ông mặc một chiếc sơ mi màu ngà và quần nâu đậm. Khi tôi chạy về nhà, tôi nghe tiếng Pa gào lớn “Treo lá cờ trắng trước nhà! Họ thắng, chúng ta thua rồi!” Rời chú ý vào đám đông, Pa ngước nhìn lên “Không cần phải là cờ trắng gì cho đẹp đâu. Một bao gối màu trắng hoặc một tấm vải trải giường màu trắng là được rồi. Bất cứ cái gì màu trắng để cho họ thấy chúng ta đầu hàng!” Tôi lo lắng báo tin cho Mak biết Pa đã về. Tôi như bay xuyên qua cánh cổng đang mở, la to “Mak! Pa về nhà rồi! Con thấy Pa đang bảo mọi người treo cờ trắng. Pa về kia kìa!” Mọi người lo âu ùa ra khỏi nhà. Chúng tôi vây quanh Pa như một bầy ong quanh tổ mật khi ông vừa bước qua cổng. Ông thở một hơi dài, nói “Phe Khmer Đỏ đã chiếm đất nước này. Chúng ta đang gặp khó khăn đây”. Đó là một lời thừa nhận không ai có thể chối cãi. Pa lắc đầu và chậm chạp bước vào nhà. Mọi người nôn nao muốn nghe ông nói về Khmer Đỏ. Ông ngồi xuống đi văng và thở dài. Không nói một lời, chúng tôi ngồi xuống quanh ông. Pa nói, chọn từng từ một cách chính xác “Srok Khmer (Cambodia) đã rơi vào tay Khmer Đỏ. Đời sống chúng ta sẽ không giống như trước nữa. Họ đã ra lệnh cho lính của Lon Nol hạ vũ khí và đầu hàng. Ai từ chối buông vũ khí sẽ bị bắn ngay”. Pa thở dài thật mạnh, mặt ông bạc trắng. Ông tiếp, “Họ đã bắt Lon Non [3]và thân quyến của ông ta. Ba không nghĩ rằng họ sẽ cho những người đó sống. Họ cũng không tha cho thường dân. Họ đe doạ những người dân vẫn còn nấp trong hầm tránh bom. Họ thét gọi vài lần bảo người ta chui ra. Rồi họ cũng không cho những người dân đang sợ hãi đó có cơ hội để đi ra nữa. Họ ném lựu đạn vào hầm trú bom. Không ai có thể sống sót, một con kiến cũng không.” “Tại sao bố nó tối hôm qua không về nhà?” Mak hỏi. “Em cứ tưởng có một chuyện gì đó khủng khiếp đã xảy ra cho bố nó. Mấy đứa nhỏ sợ hãi và cứ hỏi bố luôn miệng.” “Thì tôi đã muốn về ngay khi ở sở người ta nhận định rằng quân Khmer Đỏ vừa vượt qua sông từ Phnom Penh. Nhưng tụi tôi không được phép rời sở. Khmer Đỏ pháo kích khắp nơi trong đường phố. Vì thế người tuyệt đối cấm rời khỏi sở”. Rồi ông giật mình. “Mà chúng ta đã treo cờ trắng trước nhà chưa vậy?” “Chưa, Pa ạ” chị Chea trả lời. “Con lo chạy ra xem ba và chưa làm xong lá cờ.” Chị có vẻ xin lỗi – điều này khá lạ đôi với người chị lớn bạo gan này. Nhưng trước những tin tức xấu như thế này thì ai cũng thuần đi. “Không cần phải làm cho đẹp đâu, koon. Lấy cái bao gối trắng treo đâu đó cho người ta thấy là được rồi. Nhanh lên! Quan trọng là để cho Khmer Đỏ thấy chúng ta sẵn sàng hợp tác”. Pa nhỏm dậy khỏi đi văng và mọi người đều làm theo như vậy, gần như đồng loạt. Ông quay sang Mak. “Tôi đi xem hàng xóm đã treo cờ chưa. Nếu mình không giúp nhau, Khmer Đỏ sẽ cho rằng chúng ta không muốn đầu hàng. Họ sẽ làm hại tất cả chúng ta. Tôi sẽ trở lại ngay.” Tôi chạy theo sau ba tôi. Tôi gọi “Pa, con cũng muốn đi với ba nữa” Tôi chạy đến níu cánh tay phải của ông. Ông dừng lại và nói “Athy, ở nhà với má con! Ba về ngay mà”. “Nhưng con muốn đi với ba!” Tôi nói mà cúi mặt xuống đất. “Được rồi, thì đi!” ông nắm lấy cánh tay tôi. Tôi nhẹ nhõm, cảm thấy an toàn chỉ vì có sự hiện diện của ông. Pa và tôi dừng lại trước một ngôi nhà chưa có cờ. Ông nhắc với chủ nhà, nhấn mạnh đến việc cần thiết phải treo cờ. Tôi hãnh diện vì thấy cha tôi là người đầu tiên đã lo lắng cho hàng xóm như thể họ là gia đình của ông vậy. Sáng hôm sau tôi rời nhà ngay sau khi ăn sáng. Bây giờ Pa bình yên rồi, trong trí tôi nghĩ đến trường học. Tôi bèn chạy sang nhà Thavy bạn tôi, chỉ cách nhà tôi chừng bảy căn nhà. Tôi lo lắng muốn biết trường tôi có bị phá huỷ không kể từ sau khi Khmer Đỏ bỏ bom gần đó nhiều lần. Thavy còn mang theo đứa em trai sáu tuổi của nó như thể chúng tôi đi ra tiệm thực phẩm mua bánh kẹo vậy. Chúng tôi đi, mỗi người nắm một tay cậu bé. Chúng tôi kể cho nhau nghe những nỗi sợ hãi của cái đêm bị ném bom. Cứ như kể chuyện ma vậy. Trước khi chúng tôi nhận ra, chúng tôi đã đứng trên con đường của trường học, hay đúng hơn, những gì còn lại của nó. Chúng tôi cứng người, lặng lẽ bước đi như những pho tượng nhỏ, mặt bạc trắng như phấn nụ vì kinh hoàng. Mắt chúng tôi chăm chăm nhìn vào cái hố sâu như miệng núi lửa do một trong mấy quả bom mới đào, chỗ hàng rào phía trái của trường học trước đây. Chúng tôi chầm chậm bước qua hàng rào bị xé nát. Mảnh hàng rào vỡ, cành cây gãy vụn tạo thành một đống hỗn độn. Cơn gió nhẹ quạt vào mặt tôi, mang theo mùi nồng khó chịu. Tôi nói “Có mùi gì hôi thối ở đây” Sự huỷ diệt của một cái gì đó rất quen thuộc đã kéo chúng tôi lại gần hơn. Chúng tôi chạy về phía các toà nhà đổ nát, mùi hôi thối càng gắt hơn. Trên mặt đất dọc theo lối đi, chúng tôi thấy chiếc mũ rằn ri của một người lính và những mảnh gỗ cháy đen từ các phòng học bị vất ra. Đến gần hơn nữa, mùi hôi bốc nồng nặc, ruồi nhặng bay vù vù. Trước mắt chúng tôi những xác lính chết chồng lên nhau trong một căn hầm tránh bom đã bị bom phá nát, căn hầm trước đây đã được xây nơi mỗi góc vuông dùng để trồng các luống hoa, giữa các bậc cấp dẫn lên mỗi phòng học. Lũ ruồi lớn với đầu và mắt xanh lè bu lúc nhúc lên các vết thương sâu hoắm nơi xác các người lính đang thối rữa. Một cái chân đứt lìa khỏi thân thể nằm bên cạnh bậc cấp của lớp học đầu tiên, nằm lạc lõng một cách đơn độc và bệnh hoạn. Xác quặt quẹo của một người lính nằm chồng lên phía trên các xác khác, cái miệng cứng đờ há rộng ra trong một cơn đau khủng khiếp. Tôi mới được chín tuổi. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy nhiều cái chết đến như vậy. Trong một lúc tôi như bị thôi miên, ngây người trước những người lính bị giết. Tôi quên mất cả Thavy và tay của đứa em nó mà bàn tay tôi vẫn còn nắm chặt. Tôi che miệng và nhìn trừng trừng vào đống thây người: những lớp máu đông đặc, những phần thân thể thối rữa, bầy ruồi nhặng xanh lè đói khát đang rút tỉa các vết thương mở lớn trên thi thể. Bao tử tôi bắt đầu chuyển động, bữa ăn sáng mới nuốt vào bụng đang tìm đường vọt lên trên họng, tiếp theo đó là một cơn choáng váng cả người. Chỉ lúc đó tôi mới cố kìm giữ mình lại và cảm thấy được cái kéo, giựt liên tục từ bàn tay của em Thavy. “Thy, mình đi đi!” Thavy kêu lên, tiếng nó vo ve như một tiếng vang chậm chạp. Tiếng nó đến tai tôi như từ một nơi rất xa vọng lại. Thavy và em nó đã kéo tôi ra khỏi cơn hôn mê. Chúng tôi chạy về phía lỗ hổng trên hàng rào nơi chúng tôi chui vào. Tôi đang chạy bỗng nghe tiếng kêu thét bật ra từ lồng ngực cậu bé. Cậu em của Thavy vấp chân và té khi hai chị em đến hàng rào. Thì ra tôi quên bẵng không nắm tay nó và chạy lên phía trước hai người. Thavy kêu thét lên khi nó cố nhấc cậu em mặc quần ngắn màu xanh và mang giầy săng đan như thường khi nó chơi ở sân trường, như thể trong một ngày bình thường. Tôi chạy lại giúp Thavy. Tôi ngoái lại nhìn ngôi trường, hầu như mong đợi thấy được một bóng đen, cái hồn ma của người lính đau khổ chạy theo chúng tôi. Hai đứa chúng tôi nắm lấy hai bàn tay nhỏ xíu của cậu bé rồi dắt nó chạy về nhà. Chúng tôi cẩn thận phủi sạch bụi đất trên người nó, chùi sạch tay và đầu gối của nó để xoá sạch bất cứ chứng cứ nào, để khỏi bị người lớn ở nhà đặt ra những câu hỏi ngờ vực. Chúng tôi cố dỗ nó và hối lộ nó bằng cách hứa cho nó kẹo, bánh…bất cứ thứ gì chúng tôi nghĩ ra được. Bất cứ thứ gì để gạt ra khỏi tâm trí hoảng loạn của nó cái hình ảnh ngôi trường và các xác chết thối rữa, đưa nó trở lại trạng thái tâm trạng bình thường khi chúng tôi về gần đến nhà. Hai chị em rời tôi khi đến trước nhà tôi, tôi nhìn theo Thavy bước đi, tay choàng qua người cậu em, vừa đi vừa thì thào những lời trấn an. Tôi nhìn những cái lưng nhỏ xíu của chúng di chuyển trên đường phố. Một cuộc chia tay hiếm hoi. Đây có lẽ là lần cuối cùng tôi thăm ngôi trường. Và có lẽ là lần cuối cùng tôi thấy Thavy. Vào nhà, tôi cố tỏ ra bình thường, hành động như chỉ vừa sang thăm nhà một người bạn rồi về. Không ai nghi ngờ gì về việc tôi đã lén đi “do thám”, cũng không ai nhận ra vẻ kinh hoàng của tôi. Tôi giữ nó cho riêng mình và hình như nó đã gậm nhấm, nhai nuốt tôi từ bên trong ra ngoài. Ngày hôm sau tin tức đến với chúng tôi. Khmer Đỏ ra lệnh mọi người phải rời khỏi thành phố. Người ta bảo chúng tôi rằng bọn Mỹ sẽ thả bom chúng ta. Chúng tôi phải ra khỏi Phnom Penh ba ki lô mét để tránh bom. Vì chúng tôi không rời xa thành phố, chúng tôi được khuyến cáo đừng mang theo quá nhiều đồ đạc, chỉ đem vừa đủ cho đến khi được phép trở lại. Vừa nghe tin phải rời khỏi thành phố, lập tức, Pa bèn nhờ chú Surg với anh Than đi đón mẹ ông, tức Yiey Khmeng, và gia đình người em gái ông gần chợ Olympic. Kế hoạch của Pa là cả đại gia đình cùng rời thành phố một lần. Nếu chúng tôi không được trở về thành phố, chúng tôi sẽ về làng Year Piar, quê quán của ông và là vùng đất Khmer Đỏ đã “giải phóng” từ trước, nơi ông nội tôi là Kong Houng sống. Chuyện đi đón bà nội tôi không lâu, chỉ mất chừng mười phút. Chỉ mất độ một hoặc hai giờ để gói ghém vật dụng. Vậy mà cuối cùng cũng mất hết ba tiếng đồng hồ, ngày đã trở thành đêm, vậy mà chúng tôi vẫn không thấy hay nghe tiếng xe của Than hay chú Surg về. Không có gì cả. Mọi người đều lo lắng, đặc biệt là Pa và vợ của chú Surg, thím Heak. Mak lo cho anh Than, nhưng cũng hơi yên tâm vì anh đi với chú Surg. Pa quyết định đi tìm họ. Mak nài nỉ Pa cố đợi đến sáng. Pa không nói gì với Mak nhưng đã sẵn sàng, ông mặc áo sơ mi và quần. Ông lấy chìa khoá và bảo tôi ra mở cổng. Chiếc xe gắn máy giật một cái và gầm gừ rồi chuyển bánh, đèn trước đèn sau chớp lên trong vài giây và Pa biến mất trên con đường tối đen. Chỉ một lát sau ông trở lại “Bọn Khmer Đỏ này thật khó thương lượng. Chúng chĩa súng vào tôi và bắt tôi quay lui!” Sáng ngày hôm sau, 19 tháng Tư, Pa đi bộ sang đường phố bên cạnh xem xét tình hình. Vài giờ sau ông về nhà và bảo chúng tôi nhiều quân Khmer Đỏ hơn đang tràn vào thành phố. Da họ đen sạm vì ánh nắng mặt trời, trông họ nhếch nhác, thô sơ như nhiều ngày chưa tắm. Đầu họ quấn khăn như nông dân. Ngồi ngạo nghễ trên xe tắng, xe quân sự, xe vận tải, họ tạo thành cuộc diễu hành chiến thắng lạ mắt. Đúng là một đoàn xe hoa trang hoàng bằng những kẻ khố rách áo ôm. Đồng phục của họ trông giống áo ngủ màu đen. Nhiều người mang khăn rằn màu đỏ trắng quàng quanh cổ. Dép của họ cũng kỳ cục, đế thì cắt từ vỏ xe hơi, còn dây buộc thì cắt từ ruột bánh xe ra. Kiểu trang phục này phù hợp với quan điểm dùng tay không chiến đấu của họ. Thật ra điều này không làm cha tôi quan tâm lắm. Điều đập vào mắt ông chính là tình trạng sức khoẻ, thân thể thiếu dinh dưỡng của họ. Tuy họ có vẻ hung hăng với súng lúc bên hông và súng trường đeo bên vai, nhưng làn da vàng ủng của họ nói lên tất cả. Pa không nhìn họ bằng mắt mà bằng cả trái tim. Tối đến Pa lấy một chai vitamin cho những người Khmer Đỏ thiếu ăn kia. Dưới mắt họ, hẳn ông trông giống một nhà buôn người Hoa. Giờ ông là một người có lòng tôi cầm một chai thuốc và một cây đèn bấm. Ông không có gì phải sợ hãi những người mà ông muốn giúp đỡ. Trong khi những người kia chỉ biết rằng mảnh đất mà họ vừa mới nắm giữ đang bị người ta bước lên, họ bèn gầm rống lên như sơn cẩu, gồng mình lên với một vẻ hung hăng giả tạo, cố làm cho ông phải sợ. Họ chĩa súng vào ông và tiến lại gần. Pa bèn chiếu đèn pin vào chai vitamin màu trắng và giải thích thiện chí của mình. Nhưng giải thích thôi thì không đủ. Họ không tin ông, họ buộc tội ông đang cố đầu độc họ. Một người đưa tay gạt chai thuốc ra. Để làm họ hết nghi ngờ, Pa bèn đổ luôn hai viên màu đỏ vào miệng và nhai như nhai kẹo. Chỉ đến lúc đó bọn Khmer Đỏ mới chìa tay ra và Pa cảm thấy mình giống như một đứa trẻ đứng chia kẹo cho đám con trai hung hăng vây chung quanh. Bây giờ lấy được lòng tin của họ rồi, ông mới hỏi thăm xem Hou Youn và Hu Nim [4], thành viên cao cấp của Khmer Đỏ đã đến Phnom Penh chưa. Cha tôi biết hai người này từ khi ông còn bé. Có lẽ ông nghĩ rằng họ sẽ giúp được ông, cho phép ông đi đến chợ Olympic để tìm chú Surg, anh Than, mẹ ông và gia đình những người em gái trước khi chúng tôi rời thành phố. Nhưng không ai trong số những người Khmer Đỏ này biết họ. Pa sau đó mới biết – từ những người Khmer Đỏ khác trên đường phố - rằng Hou Youn và Hu Nim không đến Phnom Penh. Tim của Pa chìm xuống. Buổi sáng hôm sau còn mang lại nhiều thất vọng hơn. Chúng tôi phập phồng chờ đợi những điều chưa biết. Khmer Đỏ ghé lại nhà thúc giục chúng tôi phải rời thành phố. Họ hỏi Pa có vũ khí gì không, ông trao cho họ một khẩu súng vốn được cấp cho ông đã lâu vì công việc. Pa hưá với họ chúng tôi sẽ rời thành phố ngay ngày mai, ngày 21 tháng Tư, cố nán lại lâu chừng nào hay chừng nấy với hy vọng rằng anh Than và chú Surg sẽ về kịp. Bây giờ thì chúng tôi phải gói ghém đồ đạc. Mỗi người đều có một việc và chúng tôi làm đúng nhiệm vụ của mình: chuẩn bị bữa ăn dọc đường, dấu tiền và đồ đạc có giá trị, đồng hồ, nữ trang, giấy tờ nhà, giấy khai sinh, vân vân. Chị Ra thì vội vã tập hợp những ruột tượng bằng vải, có phân chia từng ngăn, nơi đó chúng tôi sẽ dấu tiền. Một số người lo gấp quần áo và gói lại. Người khác thì lo nấu cơm, cắt rau, luộc một nồi đầy trứng do đàn gà nhà chúng tôi đẻ. Pa phải giết gà cho chúng tôi ăn, có mười con cả thảy. Đêm nay là đêm cuối cùng chúng tôi hôị ngộ dưới mái nhà của gia đình, thoáng mong manh cuối cùng của chúng tôi. Đêm tối đè nặng lên chúng tôi. Cơn mệt mỏi lan ra khắp người tôi. Tôi chìm vào giấc ngủ sâu, bồng bềnh trong tiếng chặt rau, thịt sửa soạn cho bữa ăn dọc đường. Ngày đến. Buổi sáng sớm phủ lên chúng tôi một vẻ xanh xao u ám nặng nề. Như thể cả trời đất đang để tang. Thời tiết trở nên đáng sợ kể từ khi Khmer Đỏ chiếm trọn đất nước. Mây đen kịt phủ khắp bầu trời Phnom Penh. Rời nhà sáng hôm nay gồm Pa, Mak, Chea, Ra, Ry, tôi, Avy bảy tuổi, Vin, ba tuổi, Map, một tuổi, thím Heak, vợ chú Surg, Atek, đứa con hai tuổi, cùng đứa con mới đẻ của chú thím, và con chó Akie của chúng tôi. Chúng tôi là một trong những gia đình cuối cùng rời thành phố, đi bộ. chúng tôi khóa cổng lại phía sau lưng và bắt đầu cất bước. Tôi giật mình thấy chúng tôi di chuyển quá chậm chạp, người như bị kéo lại bởi sức nặng của nỗi buồn phiền. Pa bỗng ngừng đẩy chiếc xe máy như bị ai đột ngột kéo lại. Ông quay lui về ngôi nhà không nói với ai một lời. Tôi bước theo ông trong khi những người khác đứng lại bên đường chờ đợi. Pa mở cổng, lao vào cửa trước mở khóa. Cửa bật mở ra. Pa lẩm bẩm “Mình để phấn ở đâu nhỉ? Ở đâu nhỉ?...” “Pa…” Tôi định nói cho ông biết phấn để ở đâu nhưng ông đã biến vào trong nhà. Chúng tôi chỉ mới rời khỏi nhà được vài phút mà trông nó như bị bỏ hoang. Pa xuất hiện với những vết nhăn trên trán. Ông nhảy lên sàn và bắt đầu viết nguệch ngoạc tên chú Surg bằng nét lớn trên tường nhà. Rồi tên anh Than tiếp theo, sau đó là lời nhắn họ đến gặp chúng tôi ở Year Piar. Trong “bức thư tường” đó, ông bảo chú Serg đừng lo lắng gì về thím và hai đứa con – Pa đang trông coi họ, mang họ theo chúng tôi đến Year Piar. Họ đều khoẻ và chú sẽ sớm gặp. “Thôi mình đi, con” Pa nhẹ nhàng nói khi bước xuống sàn. Cuộc di tản lại tiếp tục. Các đường phố lớn đều bị chận, có lính Khmer Đỏ canh gác. Gia đình chúng tôi đi thành một nhóm áp sát vào nhau, gia nhập vào dòng người đang di chuyển chầm chậm như một dòng thuỷ triều. Quanh tôi, mọi người đi lừ đừ, nặng nhọc, như thể phải cất bước trong lớp bùn dày. Mọi người đều phải mang vác một vật gì đó, ngoại trừ những đứa bé nhỏ nhất. Pa dắt chiếc xe máy, bánh xe xẹp xuống dưới sức nặng của valy, túi xách buộc ở phía sau. Map và Vin đứng trước xe, ở chỗ để chân. Chị Chea và Ra thì dắt hai chiếc xe đạp chất đầy chén bát, nồi bọc trong khăn. Bên dưới áo ngoài của Chea, Ra và Ry là ba cái ruột tượng chứa đầy tiền của chúng tôi. Còn Mak và Ry thì mang theo thức ăn nấu sẵn. Thím Heak đeo một cái xách đầy quần áo trẻ em trên vai, một tay thím ẵm đứa con nhỏ, tay kia nắm tay đứa lớn hơn. Thím nhíu mày nhìn đăm đăm vào khoảng không, sững sờ trước một cái vô hình nào đó. Ra khỏi trung tâm thành phố, dọc đường Khmer Đỏ đóng khắp nơi. Chúng thẩm vấn, tra xét mọi người, chỉ chỗ cho chúng tôi đến. Tiến vào một đường phố lớn đông đúc, gia đình chúng tôi hoà nhập vào một khối nhân loại hỗn loạn. Tôi chưa bao giờ được thấy số người đông như vậy, chen chúc trên lề đường lát đá trước đây chưa bao giờ chứa đựng chừng ấy con người. Chúng tôi ở trong một đoàn người gồm hai triệu dân Cambodia bị lùa ra khỏi thành phố trong chỉ vài ngày. Bây giờ đoàn người tụ lại nơi cầu Sturng Mean Chey giống như một chất đặc trôi đến nơi cổ chai. Từ nơi miệng cầu ùn lại một dòng sông người khổng lồ với đồ đạc lỉnh kỉnh buộc vào xe gắn máy, xe đạp, xe ba bánh, xe hơi, xe bò…bất cứ xe gì người ta có thể kiếm được. Quá đông người cho nên không còn lái xe được nữa. Cho nên bất cứ xe gì có động cơ thì cũng phải đẩy. Dòng sông người đó cứ tiếp tục trôi xa như mắt thường còn thấy được. Quanh mình tôi thấy người thành phố người thôn quê, tức những người mới đây từ nông thôn vào thành phố tị nạn. Những người này có ít đồ đạc hơn. Những người không có xe để chuyên chở thì mang, vác đồ đạc, đặt trong thúng, hoặc bó thành hai bó đặt vào đầu đòn gánh lắc lư trên vai. Đối với tôi, quang cảnh này như từ một trang nào đó của lịch sử, mặc dù đối với tôi lúc này sách vở và bài học ở trường là những cái gì đó rất mơ hồ và xa vời. Hoà với đám người là đám heo, chó, gà hoảng loạn. Tôi thấy được nỗi sợ hãi trong tiếng kêu thét không ngừng của lũ heo, tiếng vùng vẫy hoảng hốt của lũ gà bị kẹp trong nách hoặc bị buộc vào thúng. Đứng trấn tại ngã ba, và trên các xe tải quân sự đỗ dọc theo đường là lính Khmer Đỏ trẻ, phần lón là nam giới. Tất cả đều mặc đồng phục đen, mang khăn kẻ ô màu xanh thẫm buộc trên đầu hay quấn quanh cổ. Quanh lưng họ là chiếc nịt chùng xuống vì đạn và lựu đạn dắt đầy. Trên tay hay trên vai là khẩu súng máy. Họ chĩa súng vào chúng tôi, ra lệnh cho chúng tôi tiến về phía trước, tiếp tục đi, về phía cây cầu, không được quay trở lại thành phố. Chỉ được đi ra, không được vào. Ở giữa cái khối người hỗn độn ấy là một bé trai, chừng ba tuổi, mặc sơ mi và quần sọoc xám. Nó khóc đến se phổi. Nó di chuyển dọc theo đám đông tay giơ lên trời để tự bảo vệ trước đám đông đang băng qua nó. Khi chúng tôi tiến lên phía trước, tôi không còn thấy nó ở đâu nữa, nhưng tiếng khóc của nó vẫn xé không trung khiến tôi nghĩ mãi về nó và cặp chân trần của nó. Tôi chú ý một cặp vợ chồng đang chống chọi với đám đông, cố chen chúc giữa họ đi ngược đường trở lại thành phố. Họ ăn mặc đàng hoàng, chắc vừa từ một văn phòng nào đó tìm đường về nhà. Nhưng họ bị lính Khmer Đỏ chặn ngay lại trên đường. Súng trường chĩa về phía họ như những ngón tay buộc tội. Hai vợ chồng liền chắp hai lòng bàn tay lại, một cử chỉ biểu lộ lòng kính trọng và sự van xin. Họ van xin những người lính kia để cho họ đi qua về nhà tìm mấy đứa con của họ. “Các đồng chí không đi qua được!” một tên Khmer Đỏ sủa “Không được phép! Đi đi!” Đồng chí! Từ đó thật lạ đối với tôi. Những người lính đó, vốn trẻ hơn cặp vợ chồng mà họ đang ra lệnh, đã không dùng cách nói lễ phép thích hợp hơn để gọi người lớn tuổi hơn, không gọi họ là “cô” hay “chú”. Cách chúng gọi cặp vợ chồng nọ ngầm nói rằng chúng xem mình là ngang hàng. Đó không phải là cách chúng tôi chào hỏi người lớn, nhất là trong lúc chúng tôi đang có khủng hoảng như thế này. Sự thiếu lễ độ đó làm cho tôi chấn động. Chỉ có quyền lực là được duy trì. Giờ đây súng đạn quan trọng hơn tuổi tác và sự hiểu biết rất nhiều. “Athy! Athy!” Mak gọi tôi “Tiếp tục đi đi con!” Chân tôi bước nhanh hơn như được đẩy nhanh vì giọng nói của Mak. “Đi bên cạnh ba ấy. Đừng nhìn lui, koon!” Mak nhăn mày khi bà hất đầu ra hiệu. Tôi thấy bà đưa mắt liếc trộm một cái về phía cặp vợ chồng khốn khổ đó, rồi bà đi sát phía sau lưng tôi như thể để che chở cho tôi. Cuối cùng chúng tôi cũng lên đến cầu, nhưng đám đông vẫn còn di chuyển rất chậm. Gia đình tôi bị cắt ra bởi rào chắn bằng kim loại nơi cầu. Không thấy được phía trước do bức tường người chắn trước mặt, vì thế tôi bèn nhìn xuống sông. Dòng sông chảy chậm rì vào mùa này trong năm. Nhiều thứ nổi lều bều giữa dòng, kể cả xác người. “Pa, nhìn kìa!” tôi kéo tay cha tôi nhè nhẹ. “Athy, đến đây!” Cha tôi ra hiệu bằng đầu. Chúng tôi nhìn về phía trước, chỉ phía trước mà thôi. Dòng người tuôn ra khỏi Phnom Penh, dưới sông, nước cũng mang đi những rác rưởi của chiến tranh. Như thể mọi thứ đều bị quét sạch. Rồi tôi bỗng nghe thấy tiếng chó sủa liên hồi. Tiếng sủa vang lên như thất vọng, như tiếng gọi giúp đỡ. Tiếng sủa quen thuộc khiến tôi giật mình quay trở lại với thực tế. “Pa ơi, Akie đâu rồi?” Tôi bật ra “Con không thấy nó đâu cả?” Tôi cúi xuống, cố tìm nó giữa rừng chân người đang chuyển động. Rồi tôi thấy Akie đang rên rỉ, cố chui qua đám chân dày đặc. Đầu nó loay hoay cố tạo một khoảng trống giữa hàng chân chuyển động. “Pa ơi! Mak ơi! Akie đang ở phía sau chúng ta đó!” Pa nhẹ nhàng nói “Athy, tiếp tục đi đi, đừng nghĩ về nó nữa”. Ông nhìn thẳng về phía trước, không quay đầu lại. Akie đã từng là một phần của gia đình chúng tôi và tôi không muốn bị mất nó thêm một lần nữa. “Mak, Akie không còn ở phía sau chúng ta nữa” tôi nói nhỏ, mắt đẫm lệ. “Có lẽ nó đã bị lạc mất rồi, koon. Thôi đừng lo lắng cho nó nữa. Tiếp tục đi đi con”. Giọng Mak có vẻ ưu tư. Tiếng mẹ tôi làm cho tôi dịu lại, và tôi vâng lời. Bây giờ chúng tôi đã ra khỏi thành phố, bầu trời xanh và mặt trời chiếu sáng, tiếng trẻ em khóc thét. Tiếng khóc đau đớn và rối loạn tạo thành âm thanh nền cho tiếng bước chân rầm rập. Bọn Khmer Đỏ ở khắp nơi. Chúng tôi đi qua một cánh đồng mở rộng và thấy chúng đang chất người lên xe tải. Ở các ngã ba xa lộ, bọn Khmer Đỏ đứng gác, súng trên tay. Chúng nhìn đám đông đang di chuyển một cách ngờ vực, mắt soi mói nhìn từng khuôn mặt chúng tôi. Ở đàng xa tôi thấy cái gì giống như xe tải quân sự và những người mặc đồng phục khác nhau di chuyển trên cánh đồng nằm phía bên tay phải của xa lộ. Khi chúng tôi đến gần hơn, mọi người đều tò mò nhìn. “Pa, xem kìa! Lính Khmer Đỏ đang trói những người lính của Lon Nol!” Chea thông báo. “Pa biết”, Pa nói thật nhỏ như sợ có ai nghe thấy. Giọng ông khiến tim tôi đập thình thịch. Việc trói người như thế này nghĩa là gì? Điều gì sẽ xảy ra cho những người ấy? Có khoảng độ một trăm người lính trong bộ áo rằn ri màu xanh lục. Họ bị trói, tay quặt ra sau lưng. Đi phía sau họ cũng là những hàng người bị trói, trong đó có một số người mặc thường phục. Trong số họ cũng có những người phải đưa tay lên đầu, khi lính Khmer Đỏ trong bộ đồ màu đen chĩa súng vào họ. Pa vội vã đẩy chiếc xe gắn máy lẫn vào trong khối người dày đặc đang di chuyển, cố gắng hoà lẫn vào đám đông. Trong số họ, ông là người cao lớn nhất. Ông bèn vội khom lưng và vai xuống, mắt chú mục vào bảng ghi tốc độ trên chiếc xe máy. Mak chú ý đến thái độ của Pa ngay và mọi người trong gia đình cũng vậy. Nỗi lo âu lướt qua chúng tôi như một cơn lạnh bất ngờ. Chúng tôi vượt qua cánh đồng, qua trạm gác, và tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Pa cũng vậy, ông đẩy chiếc xe gắn máy bình thường trở lại, lưng thẳng, mắt nhìn về phía trước. Ateck, đứa con trai hai tuổi của thím Heak, khóc thảm não.Ông bèn cho nó đứng lên xe cùng với Vin và Map, thế là yên. Nó thôi khóc ngay. Phía trước chúng tôi, đoàn người chậm lại. Từ xa tôi nhìn thấy cán bộ Khmer Đỏ đang chận từng gia đình lại. Pa dừng xe gắn máy, ông thì thào điều gì đó, bảo tôi đứng yên, rồi ông tròng hai chiếc đồng hồ vào cườm tay tôi, kéo tay áo tôi che lại. Mak nhìn ông vẻ mặt không yên. Ông trấn an Mak “Họ không lục soát trẻ con đâu”. “Đừng nói gì hết! Achea, Ara, giấu đồng hồ của tụi con đi, để ba nói chuyện với họ”. “Đồng chí, có đồng hồ không?” một người Khmer Đỏ hét lên với người đàn ông phía trước chúng tôi. “Nếu có, đưa cho tôi ngay! Có hay không nào?” người đàn ông đứng trước chúng tôi lục tung giỏ áo quần, cố chứng tỏ cho người lính đang giận dữ trước mặt là ông không có chiếc đồng hồ nào. Với vẻ bực bội, người Khmer Đỏ ra lệnh cho ông tiến về phía trước, và gia đình ông ta lặng lẽ đi theo sau như những người nô lệ phục tùng. Đến phiên chúng tôi đi qua trạm gác. Trạm này có năm lính Khmer Đỏ mang súng máy. Pa tiến lên, như thể ông tiến đến phòng bán vé để mua vé vào xem chiếu bóng vậy? “Tôi có một cái đồng hồ. Ông có thể giữ lấy”. Pa tuyên bố. Ông dừng xe lại và cẩn thận dựng gần bên mình, rồi ông tháo chiếc đồng hồ ở cổ tay và đưa qua cửa sổ trạm gác. Pa biết luật chơi. Ông cố gắng hợp tác với họ. “Đồng chí còn nữa không?” người lính hỏi một cách dữ tợn trong khi trao chiếc đồng hồ của Pa cho một cán bộ trẻ đứng sau lưng, người này nhìn đông hồ của Pa một cách thích thú. Cổ tay hắn đã đeo rất nhiều loại đồng hồ khác nhau. Hắn cười trơ tráo, giống như một đứa trẻ tham lam đòi ăn thêm. Tôi đứng bên cạnh Pa, cúi nhìn xuống đất, cố tỏ ra bình tĩnh. Pa lễ phép nói “Tôi chỉ có mỗi một cái đồng hồ này thôi, không còn cái nào khác”. Người lính vẫy tay cho chúng tôi đi qua. Phía trước chúng tôi, trên vành đai xa lộ, năm người nông dân đang đứng cầm những khúc thịt heo tươi, mới mổ, còn đầy máu. Họ rao lên với chúng tôi “Thịt heo tươi đây!”. Họ nói giá, Pa và Mak đồng ý mua một ít thịt heo. Ông bà thấy nhẹ nhõm và ngạc nhiên khi biết rằng vẫn còn có một cái chợ tạm thời lúc cần thiết. Chúng tôi cần thêm thực phẩm cho những ngày sắp tới. có lẽ một tuần, khi chúng tôi đi đến làng Year Piar. Đến hồ Sturng Khartort, chỗ chúng tôi ngủ qua đêm, tôi thấy hàng đã có hàng trăm người đến trước mình. Những cột khói lửa trại bốc lên khắp nơi. Là những người đến sau, chúng tôi phải cắm trại cách xa hồ đến nửa dặm. Sau khi ăn xong, cha mẹ tôi, thím Heak và những người lớn cắm trại gần chỗ chúng tôi, ngồi lại với nhau và bàn về chuyện tương lai. Không giống các anh chị trong nhà, tôi chen vào đám người lớn đó. Nhiều suy nghĩ, dự đoán… “Còn những người lính bị trói tay thì như thế nào?” Mak ngắt lời ông. “Những người ta đã thấy dọc đường đó. Điều gì sẽ xảy ra cho họ?” “Tôi không biết người ta sẽ làm gì với họ. Nhưng tôi không nghĩ rằng Khmer Đỏ không chỉ chiếm lấy đất nước. Tôi nghĩ rằng một chính quyền chiến đấu cho quốc gia là để giải phóng cho dân tộc của mình”. Pa triết lý. Ông muốn tin rằng Khmer Đỏ sẽ tha thứ, rằng nó sẽ trở thành chính quyền của nhân dân Cambodia. Sau buổi tối đó ở hồ Sturng Krartort, chúng tôi lại tiếp tục đi qua nhiều ngôi làng và dừng lại ở nhiều chặng. Sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi đi hầu như suốt ngày và ngủ lại vào ban đêm. Bầu trời trở thành mái nhà của chúng tôi, và ánh sao thay thế cho đèn nê ông. Chúng tôi quây quần lại trên tấm chăn hay tấm vải nhựa trải trên nền đất, dùng mùng thay lều nhưng không hữu hiệu mấy. Muỗi tha hồ chè chén máu của chúng tôi, để lại những vết đỏ bầm nhức nhối trên khắp tay chân. Sau một tuần chúng tôi đến nhà của Yiey [5] Narg, cô của Pa, ở tại Srey Va, một ngôi làng nhỏ nằm giữa cánh đồng cát khô, nằm trên đường đến Year Piar. Tôi thấy khát và đói rã họng, hăm hở muốn được ăn ngon và được nghỉ ngơi thoải mái trên một chiếc giường êm ấm như chiếc giường mà tôi đã bỏ lại ở Phnom Penh. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ. Yiey Narg và chồng bà, những người nông dân nghèo khổ nhất đã từng sống trong vùng Khmer Đỏ kiểm soát từ năm năm nay. Ngôi nhà gỗ của họ thì nhỏ xíu và chật ních. Nhà không có ghế, chỉ có sàn nhà bằng đất nện và một cái quầy tre đặt gần sát vách. Thay vì là một màu xanh tươi tốt, toàn bộ quang cảnh ở đây là một màu nâu buồn tẻ. Tôi ngắm nghía mấy cây chuối và đu đủ còi cọc trồng trên sân cát khô ở sau nhà. Đất đai ở đây đã bị cạn kiệt, khô héo như vẻ mặt của cố Narg và chồng của cố. Yiey Narg cho chúng tôi biết gia đình của họ bị hạn chế tự do đến mức nào kể từ khi Khmer Đỏ đến đây. Trước đây họ rêu rao hư’a hẹn bình đẳng, tuy nhiên, gia đình cố không thể đánh cá hay buôn bán với những người khác như trước đây họ vẫn thường làm. Họ không được đi ra ngoài phạm vi các nhà hàng xóm của mình. Kết quả là họ rất khốn khó. Dường như họ cũng không có đủ muối để mà nấu ăn. Vì thế họ phải nghĩ ra sáng kiến dùng tro nấu bếp để bảo quản số cá mà họ đánh bắt được. Sau khi ăn một bữa ăn đạm bạc kiểu nông thôn, Pa muốn đi Year Piar ngay lập tức, nhưng Yiey Narg nài nỉ tất cả chúng tôi ở lại qua đêm tại nhà cố. Pa trả lời lễ phép nhưng rất cương quyết rằng ông phải đi Year Piar để gặp cha mình ngay. “Thế thì để vợ con của mày ở lại, cả con Heak và con cái của nó nữa. Được rồi, chúng bây ở lại. Hãy nghỉ ngơi đi”. Bà quyết định cho tất cả chúng tôi, đó luôn luôn là cách của người lớn tuổi Cambodia. “Tidsim (tên của Pa)”, cố nói tiếp “Nhớ cẩn thận. Ta nghe người ta đồn đại nhiều lắm. Có nhiều gia đình phải bỏ đi nơi khác, ra khỏi tỉnh nhà vì bọn Khmer Đỏ không thể tin cậy được. Chúng sẽ hỏi mày về nghề nghiệp của mày trong quá khứ. Ai mà biết chúng sẽ làm gì mày? Cẩn thận, đừng tin chúng”. Cố nhắc Pa. Cẩn thận, đừng tin chúng. Những lời này có vẻ đe doạ và mơ hồ, một lời cảnh báo vừa đóng vừa mở. Dẫu sao thì sự sợ hãi của tôi bây giờ đã trở nên hiện thực hơn, nhất là khi tôi nghe lời khuyên từ một người thân đã từng sống dưới chế độ Khmer Đỏ trong năm năm. Pa mang tôi theo ông đến Year Piar. Tôi rất mệt nhưng thấy nhẹ người khi rời khỏi nơi này. Giống như Pa, người vốn tin vào điều tốt của con người, tôi vẫn tin rằng cuộc sống rồi sẽ trở lại như trước đây. Vì thế sắp rời đây để đến Year Piar, tôi trông đợi một điều gì đó đỡ khắc nghiệt hơn. “Athy, koon, đừng ngủ, con có nghe không?” Mắt tôi nhắm lại, má áp vào cái lưng ấm áp của Pa, tôi vẫn cảm thấy một cơn mệt nhoài bao phủ khắp người. Tuy thế tôi vẫn muốn rời khỏi nơi này. Tôi thấy sung sướng được ngồi như thế này, đeo vào lưng Pa như một con khỉ con mệt mỏi. Sợi dây xích mệt nhọc của động cơ xe quay chiếc bánh xe dọc theo con đường đầy bùn khô khi cặp mắt mệt mỏi của tôi cố nhướng lên. “Pa, gần đến nơi chưa Pa?” “Gần đến rồi, koon. Con cố đừng ngủ nhé?” “Con không ngủ đâu” tôi nói nhỏ. Tôi nói dối. Mắt tôi chỉ hé mở. Tay ôm hông Pa trượt xuống. Tôi đã bắt đầu ngủ gục. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy tay Pa quặt lui, lay lưng tôi liên hồi. Tôi nghe ông nói “Đừng ngủ, koon. Chúng ta sắp tới nơi rồi”. Tôi cố mở mắt ra nhưng rồi khép lại ngay. Rồi tôi nghe tiếng bọn con nít. Âm thanh hợp xướng ấy dần dần trở nên lớn hơn. “Coi kìa, coi nó chuyển động kìa!” Những tiếng cười reo liên tiếp theo đó. Rồi cả một làn sóng trẻ em ùa đến chỗ chúng tôi như thể chúng tôi là một gánh xiếc rong về làng vậy. Pa chạy chậm rồi đột ngột dừng lại, làm thân hình chúng tôi chúi về phía trước. Trẻ con không biết từ đâu ùa đến vây lấy chúng tôi, lởn vởn như đám ruồi quanh miếng thịt. Chúng chạy theo, chỉ chỏ vào bánh xe rồi cười rúc rích như những thằng điên. Có đứa còn vói tay sờ vào vỏ bánh xe cao su như bị thôi miên. Đoàn trẻ con trần truồng này, tuổi từ hai đến chín, trông không giống bất cứ cái gì tôi được nhìn thấy. Chúng là những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Quần áo chúng rách nát, quá cũ, bạc màu đến mức không thể nhận ra nổi màu gì. Quá nhiều miếng giẻ vá chằng, vá đụp lên nhau khiến áo quần chúng dày cộm lên và cồng kềnh. Đây không phải là hình ảnh trẻ con nông thôn điển hình, mà là một sản phẩm hậu cách mạng. Sự dơ bẩn chính là đồng phục của chúng, và tất cả mọi đứa đều cần phải tắm. Những đứa nhỏ nhất tiến lại gần với những chiếc mũi đầy mồ hóng và cứt mũi. Sự bẩn thỉu và cùng khổ của chúng, cộng với vẻ say sưa của chúng đối với chiếc vỏ xe đã khiến cho tôi thất thần. Trước hết, tôi bực bội vì thấy chúng xử sự một cách ngu ngốc trước một vật thông thường như vỏ chiếc xe gắn máy. Tôi co rút, lùi lại trước đám trẻ ấy. Một số bằng tuổi tôi, trong khi chúng vẫn tiếp tục chạy theo chúng tôi. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng đối với nhiều đứa trong số bọn trẻ con này, đây là lần đầu tiên chúng được trông thấy một chiếc xe gắn máy. Chú Thích[1] Cha –từ dùng của người con đã từng là tu sĩ Phật giáo [2] Từ kính trọng để gọi người anh hoặc một người lớn tuổi hơn mình [3] Lon Non là em của Lon Nol. Lon Nol là thủ tướng, tổng tư lệnh và là người đứng đầu của nhà nước Cộng hoà Khmer từ năm 1970 đến năm 1975. Ông chạy sang Hawaii ngày 1 tháng tư, 1975 [4] Cả hai người này là mac xít Cambodia đã rời Phnom Penh vào bưng chiến đấu từ năm 1967 [5] Vì tuổi tác và vì lẽ bà là em của Kong Houng, chúng tôi gọi là “bà”, mặc dù về mặt sinh học, bà là bà cố của chúng tôi