Dịch giả: Mịch La
CHƯƠNG 1
Sao chổi trên trời báo điềm chiến tranh
The New York times
Phnom Penh, Cambodia – 28 tháng 3 1969
(Agence France Press)

Cuộc hôn nhân tương lai của cha mẹ tôi đã được quyết định sẵn từ khi hai người còn bé. Cha mẹ của cả hai người bảo họ rằng ngày sau họ sẽ lấy nhau. Cả hai gia đình đều thuộc loại khá giả vì thế cuộc hôn nhân này được chuẩn bị rình rang. Có người cho rằng họ được kết đôi với nhau vì hai anh em Kong Houng và Kong Lorng không muốn tài sản của họ bị phân tán. Bằng cách đó của cải của gia đình vẫn được tập trung. Và trong truyền thống Cambodia, anh em họ lấy nhau là chuyện thường.
May thay tình cảm của cha tôi cũng phù hợp với ý tưởng của các vị tiền bối. Khi Pa mười bảy tuổi, ông yêu Mak, bà là một cô gái sáng láng, ý tưởng mạnh mẽ. Khi còn bé, bà thường lén đến chùa để học đọc và viết tiếng Khmer, và đọc tiếng Pali, ngôn ngữ được dùng trong kinh sách của Cambodia. Lớn hơn bà còn học được tiếng Pháp nữa, vốn là một điều cấm đối với phụ nữ. Thường thì cha mẹ không muốn con gái mình học chữ vì sợ nó sẽ viết thư tình trước khi họ có cơ hội thu xếp cho con một cuộc hôn nhân thích hợp. Bằng mọi cách, Mak đã thách đố điều đó, bí mật tự học một mình.
Đó là cô gái mà Pa yêu thương – một cô gái trẻ trung, sáng láng, dám nói ý kiến mình. Xem ra khó có vẻ là một cô dâu kín đáo, e dè theo truyền thống Cambodia. Nhưng chính Pa cũng là người biết mình muốn gì. Ông kiên nhẫn chờ cha mẹ mình thực hiện lời hứa, thu xếp để cưới Mak. Theo truyền thống, họ phải sang gia đình Mak để xin làm lễ hỏi chính thức. Nhưng nghi thức ấy kéo dài quá lâu. Pa không thể chờ đợi được. Ông bèn đến nhà người cô ông yêu mến nhất là bà Om, ở làng Srey Va. Ông xin bà đứng làm chủ hôn cho mình, để xin bà Srem và ông Lorng. Hiểu rõ cả tận đáy sâu của tình yêu và nỗi sợ hãi của đứa cháu mình – sợ bất cứ người đàn ông nào vào lúc nào đó sẽ xin cưới Mak – bà cô này liền lấy thuyền đến làng Prey Ronn. Thật ra trông bà chẳng giống sứ giả tình yêu một chút nào, nhưng bà rất hữu hiệu.
Cha mẹ Mak đồng ý cho xúc tiến đám cưới. Nhưng truyền thống Cambodia thì phải bắt buộc tuân theo. Cha mẹ Pa, tức Kong Houng và Yiey Khmeng được yêu  cầu phải có sự chấp thuận chính thức của cha mẹ Mak. Được phép, thế là vào tuổi mười bảy, cuối cùng Pa đạt được ước nguyện, ông lấy Mak, một cô dâu mới mười bốn tuổi và còn hơi bối rối.
Pa mang vợ về Year Piar sống với cha mẹ mình. Hoặc vì sợ hãi, hoặc đơn giản chỉ vì bà còn quá trẻ không thích hợp được với cuộc sống gia đình, Mak lập tức bỏ chạy về lại với cha mẹ mình. Nhưng bà ngạc nhiên vì mẹ bà lập tức mang bà trở lại về nhà chồng ngay. Về sau Mak thường cười về chuyện này. Nhưng bà cũng nhớ rõ những nghĩa vụ nặng nề mà mẹ chồng trông chờ ở bà.
Quả thật bà Khmeng hẳn đã chờ đợi rất nhiều ở Mak, quên bẵng là Mak còn quá trẻ. Theo phong tục Cambodia, nơi trán của những đứa bé mới sinh được đánh dấu bằng một thứ nước từ rễ cây gọi là Paley có màu vàng nghệ. Đây là nơi phần mềm trên đầu đứa bé, và người ta tin rằng nước rễ cây sẽ giúp cho sọ của nó cứng hơn. Tất nhiên khi đứa bé lớn lên thì chất bột trên trán cũng rớt đi. Khi Mak lấy chồng, có thể nói chất bột paley trên trán bà vẫn chưa rơi hết, nhưng điều đó cũng không khác biệt gì mấy. Các bà mẹ chồng thường đòi hỏi rất nhiều, và họ chi phối tất cả. Một người đàn bà không chỉ lấy chồng, mà còn lấy cả gia đình chồng. Thế nhưng Pa không nhìn theo cách đó, ông là người đàn ông có gan quay lưng với những tập tục mà ông không đồng tình. Vào thời gian đó, họ có hai người con, cả hai đều chết. Đứa con thứ ba là một đứa bé gầy nhom, ốm yếu. Pa và Mak ít hy vọng đứa bé gái này sống sót, nhưng cô bé này đã làm cha mẹ ngạc nhiên, cô có tên tục là Chea, có nghĩa là “lành”. Với đứa con thứ ba ốm yếu này, Pa và Mak rời Year Piar.
Họ khởi đầu cuộc hành trình, bỏ lại phía sau sự bảo đảm về mặt tài chính của gia đình để đi tìm con đường riêng, để tạo ra một cuộc sống riêng của mình. Họ đi đến Phnom Penh. Cay đắng trước những đòi hỏi không nhượng bộ của cha mẹ họ, Pa và Mak thực hiện lời thề trên cầu Preah Monivong: nếu không thành công trong cuộc đời, họ sẽ không bao giờ trở lại Year Piar để gặp lại cha mẹ họ nữa. Họ sẽ tự sát, nhảy xuống dòng nước sâu đang chảy dưới chân họ.
Và giờ chỉ trong tuổi ngoài hai mươi, họ không còn bối rối vì lời thề nữa. Họ xây một căn nhà ở Takeo. Pa là một người chồng và người cha tốt. Ở tuổi hai mươi lăm, ông đã thành công trong việc cưu mang một gia đình đang phát triển. Quả thực cha mẹ tôi không những làm ngạc nhiên cha mẹ của Pa mà cả cha mẹ của Mak nữa. Một ngôi nhà là một biểu tượng của địa vị xã hội. Ngay cả cha mẹ của họ cũng tự hỏi “Chúng lấy tiền đâu mà xây một ngôi nhà lớn như vậy?”
Thật ra họ không biết đến lời thề cháy bỏng trong Pa và Mak. Và ngôi nhà này là đền thờ của lời thề đó. Một thành tích mà Pa dành cho Mak, cô dâu của ông.
Cũng chính tại ngôi nhà này mà lần đầu tiên trong đời tôi được nghe đến tiếng “chiến tranh”. Đó là một đêm không mây và bầu trời thắp đầy sao lóng lánh. Mak đi vào phòng khách và hỏi mấy chị em chúng tôi có muốn ra ngoài xem sao chổi không. Mak nói sao chổi có một cái đuôi dài và sáng.
Tôi còn nhớ nỗi háo hức của chúng tôi. Tôi ùa chạy theo năm anh chị tôi. Họ gồm Chea, mười một tuổi, người mà trí thông minh và sự hiểu biết khiến chị được các đứa trẻ lớn tuổi hơn kính nể. Ra, mười tuổi, người chị nhút nhát của tôi, rất thích giúp Mak nấu nướng và lau chùi, cách chị làm việc nhà ngăn nắp, trật tự khiến mẹ tôi rất hài lòng. Còn Tha là anh trai lớn của tôi, chín tuổi, anh giỏi tóan và rất tinh nghịch, để biết bắp có ngọt không, anh nhặt mọi trái bắp trên bàn lên cắn thử mỗi trái một miếng! Ry, bảy tuổi, là người chị vui vẻ và dễ tính của tôi, chị thích bồng tôi và Avy, đứa em gái mới lên một của chúng tôi. Còn Than, năm tuổi, người anh trai thứ hai của tôi, tính thích trèo cây, mạo hiểm của anh làm tôi tò mò. Anh cũng là đối thủ cạnh tranh của tôi.
Chúng tôi đi sau lưng mẹ, lúc thúc sát vào bà như sáu con gà con bám theo con gà mẹ. Mak nhấc tôi lên và tôi nhìn thấy cái thiên thể gồm một hạt nhân sáng như sao và một cái đuôi dài lấp lánh. Ánh sáng của nó tăng lên thêm trên bầu trời đêm và các ngôi sao chung quanh. Tất cả chúng tôi sững người, chen chúc bên cạnh mẹ, dựa vào hàng rào.
Một lúc sau niềm vui của mẹ tôi dường như nhạt đi – ngay cả một đứa bé cũng có thể cảm thấy được điều đó. Mẹ kể cho chúng tôi về một điều mê tín xưa trong dân gian: khi đuôi sao chổi chỉ vào một nơi đặc biệt nào đó thì Cambodia sẽ bị kéo vào một cuộc chiến tranh với xứ sở đó. Cái từ “chiến tranh” làm đi niềm vui háo hức của chúng tôi; ngay cả với tôi, một đứa bé không hiểu chút gì về ý nghĩa của từ đó. Tôi chỉ cảm nhận sự sợ hãi từ nơi mẹ tôi và các anh chị tôi. Tôi tự hỏi từ “xứ sở” nghĩa là gì, và cái đuôi sao chổi đã chỉ vào “xứ sở” nào đêm hôm đó.
 
°
Rồi vào năm 1969, chiến tranh đến lúc tôi được bốn tuổi.
Những tiếng động ầm ầm đánh thức tôi dậy. Tôi sờ soạng trong bóng tối, cố mở mùng ra. Tôi chạy trong bóng tối, ra phòng khách, cố đi tìm cha mẹ. “Pa ơi! Mak ơi!” tôi gân cổ thét lên, cố tranh đua với những âm thanh khàn khàn, đùng đục bên tôi.
Tiếng kêu như động kinh của chị Chea khiến tôi nhận thức rằng tiếng ồn điên cuồng bên ngoài hẳn có liên quan tới cái từ mà tôi đã từng tự hỏi không biết nghĩa là gì: chiến tranh. Hơn tất cả mọi điều, tôi muốn thấy cha mẹ. Thình lình ánh đèn loé lên, tôi nhìn thấy các anh chị tôi đang chạy quanh, hoảng loạn và mất phương hướng như những chú kiến trong tổ đã bị cày nát.
Tôi thấy mẹ tôi đang ôm chặt lấy Avy, em gái tôi, còn cha tôi thì đứng sát tường nơi ông vừa mới bật đèn sáng. Tôi chạy đến bên cạnh Mak. Cha tôi vói tay nắm lấy vai chị Chea. Ông nhìn vào mắt chị và nói thật cẩn thận “A Chea, koon, đem các em con ra núp ngoài hầm cạnh ao.Nhớ khom người xuống và đi thật cẩn thận và chậm để khỏi bị trúng đạn.Nhanh lên, koon pa (con của cha)!”.
Các anh chị tôi ùa ra khỏi cửa, trông thật thảm hại như một đàn bò bị trúng thương. Tôi nắm chặt tay mẹ, người run lên lập cập theo từng tiếng súng dội lại. Ẵm Avy và dắt tay tôi, Mak cũng vội ra cửa. Nhưng Mak không đi nhanh được vì bà đang có bầu sáu tháng. Pháo nổ bên ngoài và tôi lại gào lên rồi bật khóc. Mak lắc lắc tay tôi rồi nắm chặt lại.
“Pa vea![1]” mẹ gọi cha, lúc đó đang chạy từ cửa sổ này sang cửa sổ khác,nhoài đầu ra ngoài và lắng nghe. “Bố nó làm gì vậy? Bị bắn đấy! Sao bố nó không cẩn thận gì cả. Giúp em với bọn nhỏ này đi!” Mak sợ cứng người và giọng nói của bà làm tôi còn khiếp hãi hơn cả tiếng pháo đang gầm rú trong bầu trời đêm.
Từ cửa sổ Pa hét trả lời “Anh chỉ muốn biết tiếng súng từ hướng nào lại!”
Mak cúi xuống bên tôi, giọng bà nghiêm và nhanh như giọng người bán đấu giá “A Thy [2], koon, hãy đứng đợi cha con ở đây, mẹ đem em Avy xuống lầu trước”. Tim tôi đập loạn lên khi thấy bà lo sợ cho cha tôi. Sau khi bà xuống lầu, tôi khóc, nhảy dựng lên, lo lắng chờ Pa mang tôi xuống hầm trú ẩn.
Pa chạy đến trấn tĩnh tôi, kéo tôi ra khỏi cơn động kinh. Ông mang tôi xuống hầm trú ẩn, thật ra chỉ là cái lỗ đào nơi đất sét dầy, chung quanh chất đầy bao cát. An toàn trong hầm rồi, nhưng ông chưa thể nghỉ ngơi. Ông phải trở lại trong nhà vì còn Yiey Tot, bà nội ông, vốn đã mù và rất yếu. Ông xách theo cả chị Chea và anh Tha theo ông đê đỡ bà. Giữa tiếng súng tôi có thể nghe thấy tiếng rên của bà cố.
“Cúi xuống, các con!” tôi nghe tiếng Pa kêu “Các con không nghe thấy tiếng đạn bay sao? Yiey, bà đừng lo, tụi cháu không bỏ bà đâu”.
Tôi thấy nhẹ nhõm khi mọi người trong gia đình, kể cả cô Cheng, em gái Pa, cuối cùng cũng vào núp trong hầm cạnh ao. Nằm cạnh mẹ tôi trong đêm lạnh, tôi tự hỏi không biết mọi người có sợ hãi như tôi không, tiếng đạn rít vù vù trên đầu chúng tôi, tiếng xì xì, thì thào, dữ tợn và vô hình, nhanh đến mức ta không chắc là ta có nghe thấy nó không nữa. Ánh lửa vọt lên như ánh chớp, soi rõ cả bầu trời tối đen.
Vậy ra đây là chiến tranh. Nhưng nó có dừng lại không nhỉ?
Rồi tiếng súng ục lên âm thanh cuối cùng. Im lặng và nhẹ nhõm. Bây giờ mình có thể quay lại nhà, tôi tự nhủ, sẵn sàng thoát ra khỏi mọi lo âu về chiến tranh. Tôi mong trời sáng. Tôi muốn quên đi cái thế giới của người lớn đã kéo tôi ra khỏi những giấc mơ đẹp để đẩy tôi vào những cơn ác mộng.
Điều tôi không biết là có một thế giới bên ngoài Cambodia – cái thế giới sẽ tác động lên tôi, gia đình tôi và Cambodia như là một quốc gia. Tôi không hề biết ai đã nổ súng trong đêm hôm đó, tôi chỉ biết rằng những họng súng đó đã nhắm vào tôi. Phải còn nhiều năm dài trước khi tôi bắt đầu hiểu được những nguyên nhân và hậu quả của chiến tranh, những trò lắt léo chính trị. Nhưng kể từ chính lúc đó cả gia đình tôi sẽ trở thành những mảnh vỡ của một con tàu đắm dập dềnh trôi dạt lên xuống theo ngọn triều của chiến tranh.
Giờ đây tôi nhìn lại quá khứ với tư cách là một kẻ còn sống sót. Tôi tìm câu trả lời cho những câu hỏi tôi nêu ra khi còn là một cô gái nhỏ. Cố gắng hiểu được điều gì đã xảy ra.
Sao chổi mà chúng tôi trông thấy từ rất lâu đó hoá ra lại có nhiều hơn một cái đuôi.
Ngày 20 tháng tư năm 1970, trong một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa bộ đội giải phóng Việt Nam đang hoạt động ở biên giới Cambodia, lực lượng Mỹ và Nam Việt Nam tung một lực lượng hùng hậu vào Campodia, biến Campodia thành sân khấu của cuộc chiến. Thoạt đầu các nhà lãnh đạo Hoa kỳ phủ nhận mình không có dính líu vào cho đến khi công chúng Mỹ lên tiếng đòi hỏi sự thật thì mới chịu thừa nhận. cuộc chiến ở Việt Nam đã lan vào Cambodia, bất chấp sự trung lập quý báu mà hoàng thân của Cambodia là Norodom Sihanouk đã tìm cách gìn giữ trong nhiều năm trời. Rồi ngày 18 tháng ba 1970, hoàng thân Sihanouk bị loại bởi thủ tướng của ông, Lon Nol, và người anh em họ của ông, hoàng thân Sisowath Serik Matak, trong một vụ đảo chính không đổ máu do Hoa Kỳ ủng hộ. Trung Quốc mở rộng vòng tay đón Sihanouk, hăm hở giúp Cambodia thoát khỏi “bọn đế quốc Mỹ”. Sau đó các nhà lãnh đạo Trung quốc khuyến khích ông thành lập một chính quyền lưu vong chủ yếu gồm những kẻ thù của ông như Khmer Đỏ chẳng hạn.
 Khi súng nổ, gia đình chúng tôi chỉ cảm thấy mối nguy hiểm hiện diện, và tôi thì ao ước cho mọi thứ trở về bình thường như cũ. Sáng hôm sau có vẻ yên tĩnh. Chúng tôi là con tin của ý tưởng của chính mình, đặc biệt là cha tôi.
Pa quyết định đến sở. Ông làm cho nhà nước ở Phnom Penh, kiểm soát việc vi phạm xuất nhập khẩu, nhưng ngoài ra ông còn sở hữu một số xe trẻ em, mà tháng nào cũng có người thuê. Cha tôi vốn khác với các chú. Ông thường giúp mẹ việc nhà, giặt giũ áo quần, vải vóc, cả khăn trải giường vấy bẩn sau khi mẹ tôi sinh nữa. Mặc dù theo truyền thống phụ nữ lo việc nấu nướng, tôi vẫn thấy cha tôi thường làm bếp. Ông tìm thú vui trong những công việc lặt vặt, thường giúp chúng tôi cắt tỉa móng tay, hoặc dội nước cho chúng tôi tắm – những công việc thường do phụ nữ đảm trách. Tôi hiểu tham vọng cũng như khát vọng của cha tôi: ông muốn thoát khỏi truyền thống. Là một doanh nhân trong máu, ông còn nhập cảng máy truyền hình qua ngả Việt Nam và cho thuê hai phòng ngủ dưới lầu. Hình như ông muốn nhà tôi đầy ắp trẻ em.
Kể từ khi tôi chạm mặt với chiến tranh đến nay, chỉ mới tám tiếng đồng hồ, nhưng tôi đã bắt đầu lo âu như một người lớn. Tôi sợ gia đình mình có thể bị chia cắt với cha nếu cuộc chiến lại nổ ra. Ôi, tôi muốn nói cho Pa biết tôi đã sợ hãi biết chừng nào, nhưng tôi cũng quá sợ không thể nói với ông điều này. Tôi đã học nơi người lớn rằng mình đừng nghĩ hoặc nói ra những điều khủng khiếp nếu không những điều đó sẽ thành sự thật.
Và chúng đã thành sự thật, Pa chưa về nhà. Chúng tôi sợ run lên khi nghe tiếng súng ầm ầm ở đàng xa. Ít nhất thì nó cũng không gần nhà tôi như đêm hôm trước. Chúng tôi núp trong nhà. Tôi ước chi tiếng ồn này của chiến tranh cứ ở yên một chỗ. Rồi tôi quá mệt không thức được nữa. Điều kế tiếp tôi cảm nhận là có ai đó đang lay tôi, chị Chea đang đánh thức tôi dậy.
Sáng hôm đó trời nhiều mây và lạnh khi tôi đứng ngoài cổng nhà gần đống vali nhét đầy ắp. Mak bảo tôi đứng gần đó trông chừng chiếc xe buýt sẽ mang chúng tôi lên Phnom Penh. Tôi nhìn lại ngôi nhà, hàng thông, mỗi bên ba cây, mọc trước ngôi nhà lớn hai tầng trét xi măng, hầu như cây cũng cao bằng toà nhà. Dọc theo hàng rào xi măng là một hàng cây xoài, đu đủ, dừa mát rượi nhìn xuống cái đu nơi sân chơi mà tôi đã bắt đầu thấy nhớ gần bằng nhớ cha tôi vậy.
 
Một chiếc xe buýt sơn xanh bạc màu chất đầy người dừng ngay trước nhà. Dường như mọi người đều có cùng một ý tưởng như nhau. Trên mui xe, vali, túi xách chất cao như núi. Từ ngoài chiếc cổng đã mở rộng sẵn, tôi chạy vào nhà tìm mẹ. Tôi vừa chạy lên bậc thềm xi măng thì cả nhà đang đi xuống. Mẹ tôi một tay bế Avy, tay kia xách một mớ đồ đạc. Mái tóc đen của mẹ được chải gọn ghẽ, ôm sát mặt, cong xuống cổ, dưới trái tai. Mak mặc một chiếc áo màu và chiếc xà rông dài in hoa, gần giống chiếc váy người ta thường mặc ở Hawaii. Bà vẫn tươm tất như bao giờ.
Tôi hỏi Mak “Còn Pa thì sao hả Mak? Tối nay Pa về nhà mà mình không có ở đây. Không biết mình đi đâu, Pa có sợ không?”
“Pa sẽ biết chứ. Pa sẽ tìm ra chúng ta. Đi nào. Đi ra xe đi, koon mak (con của mẹ)”.
Khi chiếc xe buýt chuyển bánh, tôi nhìn lại ngôi nhà như để chụp lại một tấm ảnh cuối cùng. Bằng cặp mắt, tôi vuốt ve tất cả những gì tôi thấy, hàng cây tùng, cái xích đu bên cạnh hàng cây xoài im mát gần hàng rào, ban công treo những cây trường sinh lắc lư. Tôi nhớ cả nhà thường ra ngồi ngoài này cùng nhau hưởng ngọn gió ấm buổi tối. Tôi hay bắt những con đom đóm bay vù vù gần những chậu cây trường sinh này.
Mọi người trên xe đều im lặng, kể cả mấy đứa bé. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau và thấy được nỗi lo âu lặng lẽ, đặc biệt trên khuôn mặt người lớn. Một số người cố che giấu, đưa mắt ngắm các hàng cây và phong cảnh đang vụt qua bên ngoài cửa sổ xe.
Bằng cách nào đó Pa cũng tìm được chúng tôi ở Phnom Penh. Chúng tôi tìm được chỗ trú ẩn gọi là Bantiey Sheichaak, đại loại như một đồn lính. Chúng tôi bước vào một thế giới của thiết quân luật. Vào 11 giờ sáng, chúng tôi không được rời khỏi nhà. Máy bay tuần tra của Cambodia lượn vòng trên đầu. Nếu họ gặp bất cứ sự di chuyển nào là họ bắn ngay. Bất cứ lúc nào nghe tiếng động cơ máy bay trên không, tôi đều sợ đến ngừng thở, ngừng chơi, ngừng cả tiểu tiện.
Chúng tôi sống như vậy trong suốt hai tháng. Rồi Pa nói chúng tôi sẽ về lại nhà ở Takeo. “Bây giờ ở đó an toàn rồi”, ông tuyên bố.
Nhưng ở đó bây giờ không còn được như cũ nữa. Nhà của chúng tôi đã bị bom.
Thật ngạc nhiên, con Akie, thuộc loại chó chăn cừu, đã sống sót qua mấy tháng ở một mình đó, trong lúc con Aka Hom, con chó giữ nhà, thì đã mất. Akie chịu đựng bom đạn, trung thành nằm chờ chủ bên ngoài đống tro tàn là nơi ngôi nhà đã bị hủy hoại của chúng tôi. Khi thấy Pa về, Akie nhảy chồm lên ông, liếm lia lịa. Ở Cambodia, ít khi thấy người lớn bày tỏ cảm tình với nhau nơi công cộng, nhưng đối với các con vật cưng, chúng tôi được tự do bộc lộ cảm xúc. Pa thường thích cưng chiều Akie, tắm gội cho nó và cho nó những món ăn ngon nhất.
Thay vì ở lại nhà mình, chúng tôi đến nhà của Kong [3] Horne, cậu của mẹ tôi. Gia đình ông đã bỏ đi khỏi nhà và không trở lại. Nhưng lại là một trong những người may mắn ở Takeo, vì nhà ông không trúng bom. Ngôi nhà xây xi măng hai tầng của ông nhìn xuống sông Bassac, nằm gần trung tâm của thành phố Takeo.
Ngồi trên xe máy, Pa bảo anh Tha theo ông về thăm lại ngôi nhà cũ, nhưng tôi cũng đòi đi nữa. Ông nhìn tôi do dự nhưng rồi cũng bằng lòng.
Dọc đường la liệt áo quần và mảnh vụn. Tôi cố tìm người nhưng chẳng thấy một ai. Khi nghe Pa nói đã đến nhà rồi, tôi nhìn ngôi nhà cũ, nhưng phần trên đã mất. Trông nó vỡ vụn và thấp hơn trước kia rất nhiều. Cổng cũng vỡ nát. Hàng xoài, dừa và đu đủ khô cháy. Phần trên của hai cây thông gãy, khô quắt và đung đưa sắp rơi.
Pa nắm tay tôi bước lên cầu thang. Lên đến tầng trên thì không còn gì nữa. Các mảnh kim loại cắm đầy nơi trước đây từng là tường phòng ngủ và tường ra ban công. Sàn phòng khách mất đi một phần, nhìn thấy cả phòng dưới lầu. Pa kéo tay tôi lại để tôi không tiến xa hơn. Đi văng, tủ kính đựng ly thuỷ tinh và cốc chạm bạc chạm trổ, tranh ảnh cũng như mọi thứ khác trong nhà giờ chỉ còn một đống tro tàn. Nơi để radio, ti vi và máy hát giờ chỉ còn những mảnh vụn cháy đen.
Pa dắt tôi ra sân sau, ao nước đã cạn khô, những cây hoa súng và sen xanh rất đẹp cũng như trey pra, một loại cá trê chúng tôi vẫn thường ăn, đều đã chết. Cây cối một thời trĩu nặng trái chín giờ đây héo úa và ngả màu nâu. Ngôi nhà của chúng tôi đã chết, tôi đòi cha tôi rời khỏi nơi đó. 
 
Chú thích
[1] Cách người vợ gọi chồng, có nghĩa gần như là “Bố nó”
[2] Thy là tên thân mật của tác giả, còn tiếp đầu A là cách gọi thân thiết một người lớn dành cho một người nhỏ tuổi hơn, đặc biệt là dành cho con gái. Tuổi  tác là vấn đề rất quan trọng trong việc định hình mối quan hệ ở Cambodia, và điều đó được phản ánh trong ngôn ngữ cũng như trong giới tính vậy
[3] Từ  này có nghĩa l;à “người đàn ông có nguồn gốc Trung Hoa”, mặc dù Kong Horne thật sự là cậu của mẹ tác giả. Trong cách xưng hô của người Cambodia, tuổi tác đôi khi đứng trước quan hệ gia đình thực, vì thế người cậu này, vốn là em trai của bà ngoại  tác giả, được gọi là “ông” Horne. Tương tự, một người ngang tuổi với cha mẹ mình được gọi là chú, bác, cô, dì…để biểu lộ lòng tôn kính, ngay cả khi người đó không có quan hệ họ hàng gì