Dịch giả: Mịch La
CHƯƠNG 9
BÂY GIỜ TÔI ĐÃ BIẾT CÂU TRẢ LỜI

Dưới chế độ Khmer Đỏ, sự sum họp gia đình là một điều vô cùng quý giá nhưng ngắn ngủi, xuất hiện đột ngột như một cơn mưa rào mùa hạ làm khí hậu dịu đi, rồi chấm dứt cũng mau chóng như vậy. Sau Phnom Srais, trẻ em được gởi trả về làng để cùng làm việc với người lớn ở đây, phần lớn là với mẹ, phát rừng, nhổ cỏ dại để trồng khoai lang. Nơi làm việc ở xa độ hai hay ba dặm. Nhưng ít nhất chúng tôi cũng còn được sống với gia đình. Chúng tôi lại rơi vào những công việc vặt dễ chịu, như đi nhặt lá để nấu với gạo và muối, hoặc kiếm củi, lấy nước. Nhớ lại hồi ở Phnom Penh, chúng tôi cũng làm việc nhà mà không suy nghĩ gì, thỉnh thoảng nói chuyện với nhau một cách tình cờ, như chị Chea nói về bài thi môn sử hay những chương trình dự định với bạn bè. Bây giờ thì chúng tôi làm những nhiệm vụ hàng ngày phần lớn trong im lặng, chìm đắm vào những ý tưởng riêng tư và sợ phải nhìn quá xa vào tương lai của mình. Ban đêm tôi nằm trên sàn nhà trong lều và cố thu lại những cảm xúc của những người tôi yêu quý gắn chặt vào nhau dưới một mái nhà. Quanh tôi là âm thanh nhè nhẹ của những hơi thở ban đêm, một bản hoà tấu của dế, ve và ếch nhái. Tôi khoá chặt những thứ ấy vào trong tâm trí như một nơi cất giữ an toàn.
Vài tuần sau, chị Chea và Ra ra đi. Hai chị được đưa đến một trại lao động khác. Ngày Khmer Đỏ tập trung nhóm người để đưa họ đi, tôi lê bước ra nhìn theo họ. Tôi đã biết sợ những lời chia biệt, bởi vì đi theo đó là nỗi sợ hãi rằng tôi sẽ không bao giờ thấy lại họ nữa. Khi những người này đứng vào hàng, tôi xúc động thấy dì Rin cũng đứng trong hàng. Dì Rin đẹp đẽ của tôi, mắt ứa lệ, thân hình gầy nhom và mệt nhọc. Tôi chỉ có thể gọi tên dì. Dì quay đi, cố đương đầu với nỗi đau của mình, dì nhạy cảm đến mức dì không thể đối diện với một cuộc chia tay thêm một lần nữa. Tôi để mặc dì, chỉ cầu nguyện cho dì lấy lại được sức mạnh và can đảm để chiến đấu và sống sót.
Chỉ vài phút sau, hàng người bắt đầu di chuyển. Trước khi họ rời nơi đây, tôi muốn nói lời từ biệt với dì Rin. Tôi cũng muốn chạy theo và ôm chặt lấy chị Chea và chị Ra, hay ít nhất cũng nắm tay họ lần cuối cùng, ít nhất thì cũng gọi được tên họ, nhưng lưỡi tôi cứng ngắc. Chỉ có đôi mắt là hoạt động. Tôi tìm dì Rin, nhìn theo dì cho đến khi chỉ còn thấy đôi chân của dì bước đều, dì đã khuất sau những người đi trước và đi sau dì. Chị Chea và chị Ra cũng trôi ra khỏi mắt tôi như thế.
Gia đình tôi tụ rồi tan như thuỷ triều. Chỉ sau một cái vẫy tay, chị Chea và chị Ra đã đi khuất, nhưng anh Than lại trở về từ một trại lao động khác làm Mak nhẹ nhõm. Rồi chị Ry tìm được chỗ trú ẩn trong một bệnh viện Preahnethe Preah bằng cách giả vờ ốm. Đó chẳng qua là một mẹo lừa của chị. Bằng cách ở lại phía sau, chị tránh khỏi cái chết có thể xảy ra vì lao động kiệt sức, nhưng chị phải đủ khôn ngoan để tránh bệnh kiết lỵ do vi trùng amip, hiện đang lan tràn trong các bệnh nhân ở bệnh viện. Phần còn lại của gia đình, Mak, Avy, Map và tôi, phải tồn tại theo cách riêng của mình, đó là làm việc trong rừng vì chúng tôi không thuộc vào nhóm tuổi phải làm việc trong các trại lao động. Anh Than thì làm những gì mà các người lãnh đạo trong làng bảo anh phải làm, cày ruộng hay phát rừng vì lực lượng nam giới dự trữ hụt đi rất nhiều.
Những ngày ấy, chúng tôi phát cây nhỏ, nhổ cỏ nơi cánh đồng chung quanh có cây lớn bao bọc, trong đó có một cây xoài mọc hoang. Vào giờ ăn trưa, dưới bóng mát xum xuê của hàng cây – trong khi các cán bộ Khmer Đỏ ngồi với nhau, cách xa chỗ chúng tôi – Mak và những người phụ nữ khác nói về thời xa xưa. Vừa ăn cháo gạo nấu với lá và muối, họ nói chuyện về các món ăn ưa thích thời trước. Nói về những gì mình không thể có, nghe ra như một cách hành hạ độc ác, nhưng họ lại nói chuyện rất thoải mái.
Khẩu phần ăn lại hạ xuống mức thấp nhất. Bệnh phù thủng cũng lan rộng. Thân hình em Avy sưng phù lên, mắt thì gần như là nhắm tịt. Chĩa lên giữa hai mí mắt nó là hàng lông mi dài. Tóc nó khô cứng và xoăn. Da nó nhợt nhạt, sưng phồng lên vì bọng nước như sẵn sàng bật xuyên qua làn da mỏng. Tất cả chúng tôi đều bị phù, nhưng không đến nỗi tệ như Avỵ Đây hẳn là một trường hợp hiếm hoi do nạn đói gây nên. Nó được miễn lao động cực nhọc, nhưng thân thể nó vẫn không chịu nổi, và thua cuộc.
Để phụ thêm vào phần ăn nhỏ nhoi của chúng tôi, anh Than lén ra ngoài đánh cá. Chỉ mới 13, lớn hơn tôi hai tuổi, có vẻ như anh đã đảm nhiệm vai trò của một người đàn ông trưởng thành, chủ của gia đình. Ban đêm, anh đi bộ rất xa ra đến chỗ hồ, nơi anh đặt sẵn lưới cá,cắm vào chỗ nước cạn và khuất, không ai nhìn thấy được hay đánh cắp mất lưới. Có một đêm anh mang về cả chục con cá, mỗi con to cỡ chiếc muỗng ăn súp. Mak bèn bảo chị Ry – chị thường trở về từ bệnh viện vào ban đêm thăm chúng tôi – đi rửa cá. Tôi dội nước cho anh Than rửa bùn bám vào đôi chân gầy của anh. Mak thì đi gom củi. Chúng tôi đã không hề ăn cá hay thức ăn thực sự nào khác trong nhiều tuần, không kể thỉnh thoảng vài con cóc, nhái, nòng nọc, dế, hoặc rắn mối nhỏ kiếm được trong rừng.
Cá đã nướng xong, màu nâu vàng, nhăn nheo, xếp thành hàng trên chiếc đĩa đặt trước anh Than. Anh đưa cho Mak vài con, Map được hai, Avy một, chị Ry một và tôi cũng được một con. Tôi thưởng thức hương vị cá, tôi cắn một miếng nhỏ, thận trọng như tôi liếm que kem lạnh. Anh Than cũng ăn chậm, miệng anh bận kể lại chuyến đi ra hồ của anh.
Mak nhìn anh, hãnh diện vì đứa con trai của mình. Avy thì đã ăn xong phần con các của nó, nó đưa tay ra, cặp mắt sưng phù van xin, nó ngắt lời “Anh Than, cho em một con cá nhỏ nữa nhé?”
Than hơi bị mất tập trung nhưng anh vẫn tiếp tục kể về chuyến phiêu lưu của mình. Tôi chú ý đến sự kiên nhẫn của Avy, nhất là khả năng kiềm chế cơn đói của nó. Tôi không thể nhớ lần cuối cùng ngồi quây quần và nghe một trong chúng tôi nói là khi nào.
“Anh Than, anh cho em một con cá nhé?” Avy nài nỉ, bàn tay nó đưa ra phía trước.
anh Than bực bội bẻ nửa con cá, lẩm bẩm “Nó ăn mọi thứ, ăn bất cứ cái gì. Kiến nó cũng ăn, cho nên mặt nó bây giờ như thế đó”. Anh nói, giọng bực tức “Con bảo nó đừng ăn, nhưng nó ngoan cố. Nó không chịu nghe”. Anh nhìn Mak như muốn bà đồng tình với mình.
Mak dịu dàng đề nghị “Con đừng giận, p’yoon. Nó đói mà con”.
Anh Than đưa mắt nhìn Avy rồi bật ra “Đồ lì lợm!” anh ném nửa khúc cá về phía nó, khúc cá rơi qua kẽ hở trên sàn nhà, rớt xuống dưới. Avy bèn nhảy theo, nó chạy ra khỏi lều, đầu quay qua quay lại, đưa mắt háo hức tìm khúc cá. Tôi không sao hiểu được điều anh đã làm, tại sao anh lại hung bạo như vậy. Tất cả chúng tôi đều bàng hoàng. Thế mà anh vẫn giận điên lên, người run rẩy, không vì lý do gì hơn là sự thiếu tôn trọng nhẹ nhàng của đứa em gái nhỏ đang chết đói của anh. Mặt anh bừng bừng giận dữ khi chúng tôi chăm chú nhìn.
Cuối cùng Mak nói “Sao con lại làm vậy, koon?”
Avy khóc thảm thiết. Chị Ry và tôi giúp nó tìm lại miếng cá bị rớt xuống dưới gầm nhà. Chúng tôi nhẹ nhàng nhấc từng thanh củi nơi đống củi chỗ khúc cá rớt xuống. Tìm ra được rồi, nó tuyệt vọng thổi bụi bám vào khúc cá đi. Nó ăn, vẫn khóc và run rẩy, như thể việc mất và tìm được miếng cá này tạo ra sự khác biệt giữa cái sống và chết. Ăn hết miếng cá xong, người nó mới thư giãn. Đôi chân nó, giờ đã thay đổi hình dạng, sưng vù, méo mó đến kỳ quặc, chậm rãi mang nó trở lên lều lại. Nó không nói gì, hình như chấp nhận hoàn cảnh và cách người ta đối xử với nó.
Bây giờ anh Than im lặng, chúng tôi cảm thấy anh ăn năn qua sự im lặng đó. Đêm nay mang đến cho chúng tôi một niềm vui ngắn ngủi, rồi tiếp theo đó là nỗi buồn. Thật đau đớn để nhận thức rằng Khmer Đỏ đã đẽo gọt con người chúng tôi, làm cho tính tình chúng tôi dễ cáu gắt và cơn đói của chúng tôi trở nên sắc nhọn hơn. Chúng dẫn chúng tôi đến điểm làm cho chúng tôi trở thành độc ác hơn với nhau như người ta đã từng độc ác với chúng tôi.
Việc phân phối gạo đã hoàn toàn chấm dứt. Nạn đói lại xuất hiện trong chúng tôi. Bệnh phù của Avy lại càng trầm trọng hơn, chất nước từ các kẽ nứt rỉ ra. Nó đi chậm chạp như một con rùa, thân thể nó cứng đờ lại vì chất nước không ngừng sinh ra dưới lớp da mỏng, trắng xanh của nó. Một ngày nọ khi tôi và Mak từ rừng trở về lều thì nó đã đi mất, chị Ry mang nó lên bệnh viện Preahneth Preah. Tại đây nó có được phần ăn, tuy không nhiều nhưng có còn hơn không. Nó sẽ chết tại đó, tôi sợ như vậy. Tôi chưa từng biết ai đến đó mà trở về. Theo chỗ chúng tôi biết, nơi đó chẳng hề có thuốc men, vậy mà chúng tôi vẫn gởi nó đến đó, đến cái bệnh viện thô sơ này, bẩn thỉu và không hề có hệ thống y tế vệ sinh, đầy ruồi nhặng bu vào mắt bệnh nhân, còn người bệnh thì nằm la liệt trên sàn nhà, giữa những chiếc giường đôi cũ kỹ. Dẫu sao cũng có chị Ry ở đó để chăm sóc nó.
Thời gian trôi qua. Đã một tháng kể từ khi Avy rời nhà đến bệnh viện. Ở nhà, chúng tôi cũng có cuộc chiến của riêng mình. Mak, Map và tôi cũng bị nhiễm bệnh phù. Anh Than thì lại được gởi đến một nơi nào đó để lao động, nhưng tôi cũng không còn sức để nghĩ tới anh. Cái đói đã làm mờ trí óc của tôi quá nhiều, đến nỗi không còn lo cho ai được nữa. Mỗi ngày tôi chỉ đủ sức giữ đủ năng lượng cho trái tim mình đập.
Rồi chị Ry trở về Daakpo. Mắt chị trống rỗng, bụng chị nhô ra vì bệnh. Với vẻ mệt nhọc của một bà lão, chị Ry 15 tuổi của tôi gục xuống trên sàn nhà. Mắt chị ráo hoảnh, mặt chị buồn và đầy cảm giác tội lỗi khi chị kể cho chúng tôi nghe về cái chết của Avy. Thều thào, chị giải thích “Đêm qua con đã thấy sự thay đổi nơi thân thể của Avy. Hàm nó nghiến chặt, thân thể cứng đờ. Con thắc mắc, nhưng không hiểu tại sao nó lại ra như vậy. Sáng nay con thức dậy và nhìn nó. Nó đã hoàn toàn thay đổi, cứng đờ, rất gầy. Bệnh phù của nó đã hết. Rồi khi con nhìn vào chân nó, con thấy kiến bu nơi kẽ các ngón chân. Chất nước sền sệt đã rỉ ra qua những chỗ nứt của da. Con ngắm nhìn khuôn mặt trơ xương của nó và muốn khóc, nhưng con không khóc được. Con không hiểu được. Con cũng không khóc được khi nhân viên bệnh viện đem nó đi chôn. Có lẽ vì con đã thấy quá nhiều cái chết”.
Mak không khóc, bà chỉ đưa mắt đăm đăm nhìn xuống chị Ry. Map thì nhìn lên mẹ, nó còn quá trẻ không thể nói gì được và còn quá nhỏ để hiểu được cái chết. Lắng nghe chị Ry mô tả về cái chết của Avy, tôi bỗng sợ cái chất lỏng đang ngay bây giờ hình thành trong tôi, Mak và Map. Cánh tay, mặt, bàn tay của chúng tôi căng phồng lên. Tôi cảm thấy một nỗi kinh hoàng chẹn lấy cổ họng. Cái chết của Avy đã làm cho tôi quyết mình phải sống. Trong thâm tâm tôi tự bảo mình phải đi tìm các loại lá ăn được, cóc, chuột, dế, bất cứ thứ gì tôi cần để sống.
Cái chết của Avy sống dai trong tâm trí của chị Ry. Việc chị không còn đủ sức khóc em đã ám ảnh chị. Trong cơn tuyệt vọng, chị quay về với Phật giáo, một thiết chế từ lâu đã bị Khmer Đỏ tiêu diệt và xem thường. Dù vậy chị vẫn tìm một con đường thích hợp cho chính mình. Chị nhớ đến việc đầu thai, tức ý nghĩ cho rằng sau khi chết chúng ta sẽ tái sinh. Chị cố hoà giải những xung đột bên trong theo cách này, như cha mẹ chúng tôi hay những người lớn thường làm thế trước khi Khmer Đỏ nắm chính quyền. Và chị nói với linh hồn Avy:
“Nếu bang (chị) còn sống để kết hôn, xin linh hồn em gái hãy đầu thai trong dạ con của chị, bang muốn có một cơ hội khác để săn sóc em”. Cuối cùng chị Ry khóc, con tim chị xin một sự lượng thứ, linh hồn chị được an ủi. Tâm trí chị giờ đây được bình yên, chị bảo tôi như thế.
Chính tôi cũng nghĩ đến đạo Phật nữa. Tôi nghĩ về những người đã chết và hy vọng họ sẽ đầu thai để tái sinh trong cuộc đời này, trở lại đây khi cuộc sống được tự do và hoà bình được thiết lập lại trên đất nước Cambodia. Với cách suy nghĩ này, tôi nhẹ lòng khi nghĩ rằng mình sẽ gặp lại những người thân trong gia đình.
Mak và tôi bị bệnh nặng hơn. Cộng thêm với bệnh phù là bệnh sốt rét cũng trở lại. Trời nóng, nhưng Mak và tôi đều run cầm vập với cơn lạnh như từ trong thân thể thoát ra. Nằm sau lưng Mak, tôi thấy lưng mẹ run lên trong khi chính thân thể tôi cũng run lên bần bật. Em Map mới lên ba ngồi bên cạnh chúng tôi bối rối, hình như em muốn giúp chúng tôi nhưng không biết bằng cách nào. Rồi có lúc tôi gục xuống ngủ.
Trong khi ngủ, có lúc tôi mơ màng nghe thấy giọng nói nhỏ nhẹ của nó “Mak và Thy bị bệnh”.
Tôi cũng mơ hồ nghe thấy tiếng chân bước lên bậc thang trước cửa lều. Như trong một giấc mơ.
“Mak, con trở về đây. Athy, Athy…dậy đi!” Giọng nói thúc giục, cứng rắn và lo âu. Tôi cảm thấy có một bàn tay lay lay vai mình. Và tôi nhận ra đó là chị Ra. Tôi mừng như phát cuồng.
chị Ra đỡ tôi và Mak ngồi dậy, hứa sẽ “cạo gió” cho lưng chúng tôi. Đó là một phương pháp chữa bệnh truyền thống theo đó người ta dùng đồng tiền chà đi chà lại nhiều lần dọc theo hai bên xương sống và các vùng khác nhằm giúp mau lành bệnh. Sau khi cạo gió xong, chị Ra còn tiến hành một cách khác, một lối chữa bệnh mà người Cambodia gọi là Choup. Bỏ một mảnh gỗ đang cháy đỏ vào trong một lọ thuốc, chị Ra ép ngang vào  trán tôi, phía trên lông mày. Trong lúc quá bệnh, tôi không còn cảm thấy quá nóng nữa – nhưng trán tôi bị cháy, để lại một vết sẹo vĩnh viễn.
Sức lực của tôi dần dần trở lại. Nhìn chị Ra chữa bệnh cho Mak, tôi tràn đầy lòng biết ơn. Tự trong thâm sâu tôi đã tưởng rằng mình và Mak sẽ chết, nhưng chị Ra trở về, kéo chúng tôi trở lại từ bàn tay của thần chết.
Chị Ra kể cho chúng tôi nghe những chuyện khủng khiếp ở Phnom Korg Va, một nơi bệnh tật hoành hành khiến nhiều người lao động đã chết vì kiệt sức, vì không được nghỉ ngơi và vì thiếu thuốc men. Trại lao động đã trở thành một ngọn núi chôn cất người chết. Trong số những người gục ngã đó có dì Rin. Tôi rất đau lòng khi nghe tin này, nhưng thật là kỳ cục khi tôi không cảm thấy thật sự buồn. Chết là một chuyện thường ngày, và chúng tôi đã tê liệt trước cái chết của những người khác. Người ta chết nơi đây, nơi kia, quanh chúng tôi, như ruồi muỗi bị xịt thuốc.
Tôi chuẩn bị tinh thần để đón tin tức xấu hơn, tin về chị Chea. Nhưng chị Ra vội vã trấn an tôi rằng chị Chea vẫn còn sống nhưng chị bị bắt làm việc cực nhọc hơn. Người trưởng đoàn của chị đã canh giữ chị rất chặt, đó chính là người đàn bà đã xem chị Chea như kẻ thù kể từ ngày chị che giấu cho cuộc nói chuyện thầm lặng của chị Ra và chị Ry tại trại Daakpo.
Chính linh cảm đã thúc đẩy chị Ra trở về làng. Trí óc chị không ngừng bảo chị rằng đã có một điều gì rất xấu xảy ra với Mak. Chị biết mình cần phải rời nơi làm việc. Trong vài ngày chị ở tại một bệnh viện, xin thuốc trị sốt rét, trí óc chị luôn luôn nhớ đến gia đình. Thuốc tây à? Thuốc tây vẫn còn sao? Tôi ngạc nhiên khi thấy Khmer Đỏ chấp nhận dùng nó khi mà họ tỏ ra căm ghét tất cả mọi thứ thuộc về thế giới phương tây hiện đại. Chị Ra nói giống như một người kể chuyện hết sức linh động bằng mắt và cử chỉ, như một đứa bé kể một câu chuyện hào hứng. Mak bèn hỏi chị làm sao có thể rời Phnom Korg Va được và tại sao chị Chea không cùng đi với chị.
Chị Ra cười, ấm áp, mắt chị sáng rỡ. Chị thuật lại “Con giả một bức thư nói rằng người mekorg của con cho phép con trở về làng vì mẹ bị đau nặng. Con ký luôn tên bà ta”. Chị lại cười. “Con chạy khỏi Phnom Korg Va lúc trời chưa tối và đưa lá thư ra trình tại các trạm gác. Họ để cho con đi qua, chẳng hỏi han gì cả. Con đi nhờ xe bò từ làng này sang làng khác, cho đến khi về gần đây” Chị thở một hơi thật dài, nét mặt nhẹ nhõm, đưa mắt nhìn Mak.
Cuối cùng chị đưa cho Mak những viên thuốc màu trắng, tròn, nhỏ. Mak lấy vài viên, nuốt chửng một cách tham lam. Bà nghiêng nghiêng đầu như để cho các viên thuốc trôi tuột xuống họng. Tôi nhìn mẹ, tim tôi thắt lại khi thấy khuôn mặt sưng phù, tái nhợt và mái tóc khô xơ xác của bà. Chầm chậm bà đưa tay về phía chị Ra “Cho Mak thêm thuốc nữa, có lẽ nó sẽ làm cho Mak mau lành bệnh hơn”.
Chị Ra đưa chiếc khăn gói thuốc cho Mak “Mak, nhiều lắm đấy”, chị kêu lên, báo động cho mẹ.
Chị co rúm người lại khi thấy Mak vốc một nhúm thuốc bỏ vào miệng. Tôi không biết có bao nhiêu viên Mak đã nắm trong bàn tay. Chỉ sau đó tôi mới hình dung ra là bà đã uống rất nhiều. Mak trở bệnh rất nặng, thân thể bà lăn lộn, khích động và nghẹt thở. Tiếng nôn ụa khan liên hồi của bà làm tôi thấy nhói nơi dạ dày. Tôi thấy may là mình chỉ uống hai viên thuốc sốt rét. Lặng lẽ tôi cầu nguyện. Tôi cầu nguyện trời cho mẹ tôi thoát qua được vụ uống thuốc quá liều này. Đến sáng, tôi nhẹ người khi thấy bà đã khá hơn.
Một tháng sau, chị Chea trở về. Thật kỳ diệu, chị mang theo thức ăn: gạo và cá khô ướp muối. Chị còn mang một hộp đựng cơm và cá đã nướng, một thứ xa xỉ từ lâu rồi chúng tôi không được ăn. Thoạt đầu tôi không nhận ra được chị Chea. Chị trông rất khác, vẻ mặt khoẻ mạnh, da chị đỏ thẫm, vạm vỡ. Tóc chị dày, xoã xuống vai. Chị mập mạp trở lại, trông giống như chính chị trước đây khi Khmer Đỏ chưa cai trị.
 Chị về mang theo những câu chuyện buồn. Nhiều tuần trước đây, trong khi đang phát khu rừng dày ở Phnom Korg Va để trồng bông vải, một nhánh cây đã cắt đứt chân chị, tạo ra một vết thương nhỏ và nhanh chóng nhiễm trùng. Chị không thể đi đứng được và như vậy thì chị không làm việc được. Chị biết rằng như thế số phận của chị được tính từng ngày. Người trưởng đoàn bây giờ đã có cơ hội tốt để kết án chị, buộc tội chị là đã “không làm tròn nhiệm vụ đối với Angka”. Với ý tưởng ấy trong lòng, chị Chea bèn nghĩ ra một cách để cứu chính mình.
Một mình trong trại, chị viết một bài nhạc chiến đấu cho người trưởng đoàn của mình. Một bài hát về thiên nhiên, về rau cải xanh tốt, về trái cây, vụ mùa, tất cả những gì mà chị đã tạo ra trong mấy tháng lao động vừa qua. Đó là một bài hát ca ngợi lao động nặng nhọc ở Phnom Korg Va.
“Rồi một buổi tối chị đến thăm bà mekorg,” chị Chea nhớ lại. “Chị hỏi bà có khoẻ không. Bà ta có vẻ ngạc nhiên. Rồi chị tán tụng bà, khen bà rất hấp dẫn. Chị bảo bà rằng nếu ở vào sangkummun (xã hội trước), nhiều đàn ông hẳn điên lên vì bà. Họ hẳn sẽ huýt sáo và tán tỉnh bà. Em biết sao không? Bà ta trở nên rất thoải mái”. Chị cười, mắt sáng lên hài lòng. “ Rồi chị hát cho bà ta nghe bài hát ấy. Bà ta có vẻ hài lòng lắm”.
Mắt tôi mở rộng, như là tấm gương phản ánh nét mặt linh hoạt của chị. “Bà rất hài lòng thấy chị đã viết bài hát ấy, nhất là viết cho bà. Sau đó bà ta không làm khó chị nữa. Bà đối xử với chị tử tế hơn, còn đem thức ăn cho chị nữa. Bà cho phép chị về làng khi trông thấy cái chân sưng của chị. Vào thời nào cũng  vậy, p’yoon srey”, chị nhìn tôi nói, “Người ta đều thích kẻ khác khen ngợi mình, và nhiều người đều thích được hối lộ”.
Nhưng bây giờ vào năm 1977, nhiều thay đổi đang xảy ra. Angka Leu gởi cho chúng tôi một dấu hiệu rõ ràng, bảo cho chúng tôi biết là chúng tôi sẽ không còn gì riêng tư nữa. Trong một cuộc mít tinh, chúng tôi được cho biết rằng sẽ không còn phân phối gạo, muối và rau như trước nữa. Mọi thứ đều được gởi đến nhà bếp của công xã. Thức phẩm như rau cải, gà, vịt, nếu một ai trong chúng tôi nuôi trồng được, cũng đều thuộc về công xã. Với lệnh mới này, chúng tôi phải di chuyển đến một ngôi lều mới cách ngôi lều cũ khoảng nửa dặm. Cũng giống như lều cũ, dựng bằng cột tre và lá dừa, hơi rộng hơn chỗ cũ một chút. Nó nằm trong số các túp lều khác ở rải rác, nhà nào cũng có nhiều không gian hơn ở mặt trước và mặt sau – đây là đất mà chúng tôi có thể trồng rau, trái bằng công sức lao động của gia đình mà tôi không muốn công xã Khmer Đỏ lấy mất. Như thế có nghĩa là tôi phải chuẩn bị tinh thần cho cái ngày họ đến gặt hái rau quả của gia đình này.
Tôi gần bình phục khỏi bệnh sốt rét và Mak cũng vậy, nhưng sức khoẻ của bà dần dần lại xấu đi theo một cách khác. Trong ngôi lều mới này bà sống cùng với chúng tôi, cùng ăn tối bằng gạo trộn lá khoai và muối như chúng tôi, nhưng bà luôn luôn nhìn ra khoảng xa, mắt đăm đăm nhìn một vật gì đó vô hình. Tôi biết Mak đang than khóc. Từ khi năm 1975, lúc Pa bị hành hình đến nay đã gần hai năm, bà không bao giờ nhắc đến ông cho đến bây giờ, mùa xuân 1977. Nhớ lại, bà nói về ông và buồn vì ông. Bà nói lớn lên rằng Pa đã chết đau đớn như thế nào, hình như bà nói với chính bà hơn là với chúng tôi. Kể từ khi em Avy chết, bà đã thay đổi. Bà trở thành thẫn thờ, chán nản, thường kêu nhức đầu, chóng mặt và mệt mỏi. Bị bệnh gần cả tháng trời, Mak không làm được việc gì, chỉ ăn và ngủ. Tất cả chỉ có chừng đó. Bộ mặt của Mak nói lên hết nỗi thất vọng của bà.
Một buổi sáng tôi thức dậy khi nghe tiếng Mak “Mẹ muốn đi nhỏ cỏ, mẹ muốn làm việc tay chân một tí”. Bà nói khẽ với chính mình. “Mẹ không muốn bị nhốt mãi trong lều”.
Mak vọt dậy ra khỏi lều. Chị Chea và chị Ra đã đi làm việc, chỉ còn lại Map ở trong nhà. Với con dao trong tay, dụng cụ mà bà dùng cho bất cứ công việc gì, Mak xới đất khô trước cửa lều, bứt và nhỏ cỏ dại. Có lẽ ra ngoài nắng giúp cho sức khoẻ của bà tốt hơn, nhưng tôi sợ bà bị các cặp mắt rình mò của mấy tên chỉ điểm nhìn thấy.
“Đồng chí kia, tại sao không đi làm việc?” một giọng nói gầm gừ. Tim tôi đập liên hồi khi nghe giọng nói quen thuộc. “Mọi người đi làm việc còn đồng chí thì lại ở nhà! Có muốn tôi đem đi cải tạo không?”
“Tôi bệnh, cả người tôi sưng phù lên” Mak yếu ớt trả lời, phản đối. “Tôi đói, tôi muốn nhổ ít cỏ để mấy đứa con có thể trồng rau. Thật khó nằm hoài trong lều”. Mak van nài “Tôi bị bệnh, làm sao làm việc như những người khác được?”
Tên chỉ điểm gắt gỏng “Đi đến peth nếu bà bị bệnh, còn không được ở nhà!”
“Hai đứa con tôi đã chết ở đó. Chẳng có ai giúp đỡ chúng cả. Nếu tôi đi nữa, ai lo cho tụi con tôi ở đây? Tôi còn một đứa con trai nhỏ đang cần tôi. Tôi phải ở nhà để chăm sóc nó. Xin Angka Leu hiểu và để tôi ở nhà để chăm sóc con tôi được không? Nếu tôi đi, tôi sẽ chết tại đó như mấy đứa con tôi”.
Lời van xin không hề lọt vào tai hắn. Hắn đưa ra một lời tối hậu “Nếu bà không đi peth, tôi sẽ cho người đưa bà đi! Nếu không làm việc được, thì bà phải ở bệnh viện!”
Buổi tối khi chị Chea, chị Ra và chị Ry về, Mak báo tin xấu.
“Họ muốn Mak vào peth và chết ở đó. Họ không cho mẹ ở nhà. Tất cả các con phải chăm sóc cho p’toon proh (em trai), nó còn nhỏ, không hiểu gì. Đừng nổi nóng với nó. Cố chăm sóc lẫn nhau. Mẹ không biết bao giờ mới trở về. Mẹ không muốn đi nhưng tên chhlop đe doạ Mak. Mẹ không muốn chúng làm hại các con. Cuộc đời sao khắc nghiệt quá…Mak đã xin Preah để cho Mak sống thêm một năm nữa, thế vậy mà…”
giọng Mak lặng dần, trong lều chỉ còn sự im lặng. Trong một lúc chúng tôi chìm trong tuyệt vọng, chúng tôi nghẹn lời vì sự chấp nhận của bà. Chúng tôi thầm sợ rằng một ngày nào đó Mak sẽ mất ở bệnh viện, nhưng không ai trong chúng tôi nói ra điều đó. Cuối cùng chị Chea phá vỡ im lặng “Mak, đừng lo cho tụi con. Mak hãy chăm sóc cho mẹ, còn tụi con sẽ săn sóc lẫn nhau”.
“Mẹ đã cầu xin Preah cho mẹ sống thêm một năm nữa…” một ước muốn khiêm tốn, nhỏ bé và vô vụ lợi biết bao! Chỉ một năm, không ngắn hơn, không dài hơn, tôi ước chi đó không phải là Mak tiên đóan số phận của mình. Tôi không muốn biết, tôi không sẵn sàng, ước muốn của Mak gợi cho tôi nhớ ước muốn của Pa gần hai năm về trước.
trở lại vào lúc đó, cuộc sống của gia đình chúng tôi đã vô cùng hỗn loạn. Ngôi nhà của chúng tôi ở Takeo, con chó của chúng tôi là Aka Hom bị giết, anh Tha chết, rồi em Bosaba. Pa bị đau viêm ruột thừa, bệnh nặng hơn vì thiếu thuốc men trong thời gian chiến tranh. Ông bảo với chúng tôi ước vọng đơn giản và tuyệt vọng của ông là được sống cho đến tuổi 42, “Để ba được thấy các con lớn lên”. Lời ước của ông đã được thực hiện, ở tuổi 42, Khmer Đỏ đã chặt đầu ông. Cho nên tôi sợ lời ước của Mak cũng thành sự thật. Trời sẽ chấp thuận, một năm, không hơn.
Ngày Mak đi bệnh viện Preahnethe Preah, lòng tôi chất đầy ý tưởng sợ sệt, hoang mang. Khi tôi làm việc trong rừng, tay tôi thì vẹt cỏ nhưng tâm trí tôi nghĩ đến Mak. Việc chia cách gia đình tôi bây giờ đảo ngược. Thay vì xa cách anh chị tôi, bây giờ tôi xa cách mẹ tôi, bà là người duy nhất bị tách khỏi chúng tôi. Tôi sợ mình trở về lều, hình dung ra cảnh Map đứng đợi một mình trong căn lều vắng.
Không có Mak, chị Chea trở thành người mẹ thay thế. Ban đêm Map ôm chặt lấy chị, nó vòng tay qua để ôm chị hay để chị ôm nó. Vào lúc đó tôi nhận ra được cái nhu cầu cần thiết của một đứa trẻ muốn được chở che, và một người chị đặt tất cả tình yêu thương vào cái mà mình đang có. Kể từ khi mẹ tôi rời gia đình, chúng tôi rút lại gần nhau hơn, như con tim và trí óc buộc chặt vào nhau bởi một sợi dây vô hình. Khi chúng tôi cùng nhau đi lao động, chúng tôi đọc vào mắt nhau như thể kiểm tra xem người kia có nhớ Mak không hay buồn vì bệnh tình của Mak. Chúng tôi dọn bữa ăn tối có cơm và lá lên đĩa như những người lớn nhỏ bé, đưa thức ăn cho nhau, lễ phép, kính trọng nhau. Chúng tôi giữ ý tưởng cho chính mình, không nói ra lời. Bởi vì nói ra những sợ hãi chỉ làm cho chính chúng trở nên trầm trọng thêm, mở ra những khả năng đen tối hơn mà thôi.
Tại bệnh viện, bệnh nhân phải cố tìm cho mình sự tự tin để tồn tại. Những người thành công ở đây đã học được những thủ thuật này. Những kẻ cạnh tranh với họ trong cuộc chơi sống còn này là lũ chuột, những cư dân của bệnh viện ẩn kín vào ban ngày. Chúng có đủ loại, từ nhỏ bằng ngón chân đến lớn bằng trái đu đủ. Chỉ đến đêm cuộc chơi mới bắt đầu. Từ đâu đó phía dưới gầm nhà, chúng nhẹ nhàng chui ra. Tiếng chân của chúng lớn dần lên rất nhiều trong đêm tối im lặng. Chúng bò đi rồi ngừng lại. Mak cũng như nhiều bệnh nhân đang đói khác, cũng làm như chúng – không cử động, yên lặng hoàn toàn. Với tấm chăn phủ cả lên người và đầu, một vài hạt gạo rải rác trên sàn làm mồi, bà đợi, bàn tay đói khát chuẩn bị để phóng ra. Các chú chuột ngửi thấy mồi. Cái đói kéo chúng lại cái chết khi tay Mak chộp lấy chúng. Bà mau chóng giết chết chúng bằng cách bóp cổ cho đến khi chúng bất động. Thật là một cái vòng tròn kỳ lạ - loại gặm nhấm đến gặm đồ của người bệnh và người chết, còn kẻ đang chết thì chờ đợi bắt bọn ăn cắp thức ăn của họ. Các con chuột này sẽ là bữa ăn của mẹ ngày hôm sau, nếu như những người chia xẻ với bà cái sàn nhà chật chội này không ăn cắp của bà.
Chị Ry kể cho tôi nghe về Mak, về cái thủ thuật làm sao sống sót của bà trong bệnh viện. Nhưng điều này thì tôi biết rồi. Đấy chính là điều tôi đã làm trong chính căn lều này. Ban đêm trùm kín lên người và đặt một lon sắt trong bỏ vài hạt thóc làm mồi bên cạnh, rồi nằm chờ chuột. Về sau tôi cứ ngủ, ngáy nhè nhẹ cho đến khi cảm thấy hoặc nghe thấy tiếng chân chuột bò lên lon sắt. Đôi khi tôi chụp được hai con hoặc hơn nữa, cả bốn con trong một dịp. Đến sáng, tôi lột da, vứt ruột đi và buộc thân thể nhỏ bé của chúng trên một cái gậy. Mỗi con chuột nhỏ bé chỉ vừa đủ một miếng cho nên tôi cố ăn cả xương. Vào buổi chiều, tại bếp ăn tập thể, tôi nướng chúng trên ngọn lửa. Tại đây có vài đứa bé trai lén nhìn tôi ghen tỵ, thì thào với nhau. Chúng không biết làm sao tôi bắt được chuột vào thời gian này trong năm.
Thoạt đầu bắt được nhiều, rồi nguồn dự trữ cũng cạn dần đi. Tôi không còn có dịp để bổ sung vào phần ăn của mình như Mak ở bệnh viện Preahnethe Preah. Nhưng vài tuần sau khi Mak đến đây, bệnh phù của bà trầm trọng hơn. Bụng bà to ra và phình lên như người đàn bà có chửa. Chị Ry về kể lại cho tôi, mắt chị đỏ quạch.
Lại nhiều tuần nữa qua đi, chị Ry trở về làng với nhiều tin tức hơn. Một nhân viên ở bệnh viện đã đề nghị chị đưa Mak đến một bệnh viện khác ở làng Choup, không giống như ở Preahnethe Preah, ở đó có thuốc men điều trị, người nhân viên hứa với chị Ry như vậy. Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến bệnh viện này. Mặc dù thật đau lòng khi hình dungmẹ chúng tôi ở một nơi không ai biết đến, cái viễn cảnh mẹ được điều trị bằng thuốc men đàng hoàng làm nhẹ nỗi đau này đi rất nhiều. Nó làm cho chị Ry hy vọng, và chị muốn thuyết phục chúng tôi nghe theo, chị đợi ý kiến của cả gia đình.
Ngày trước hôm Mak rời khỏi Preahnethe Preah, chị Ry mang Map đến bệnh viện với chị. Map ở lại đó một đêm với Mak và chị Ry. Ngày hôm sau họ nói lời từ biệt với Mak. Chị Ry nhớ lại và miêu tả cảnh tượng ấy.
Dưới một tàn cây, che khuất khỏi ánh nắng mặt trời buổi chiều, Mak ngồi sụp xuống đất trước cửa bệnh viện, chờ họ mang tới Choup. Mak nói lời từ biệt với chị Ry, còn tay mẹ ôm lấy Map, mẹ chậm chạp khuyên:
“Koon, mẹ không biết đến khi nào thì mẹ được gặp các con lại. Hãy chăm sóc lẫn nhau. Nếu Map làm gì sai, hãy chờ cho nó ăn xong rồi thì la mắng nó. Nó còn nhỏ, không biết gì, hãy tội nghiệp nó…” Mắt mẹ đỏ quạch vì khóc quá nhiều.
Nói xong câu cuối cùng, mẹ quay đầu nhìn Map đăm đăm. Nước mắt mẹ lại tràn ra. Map vùng ra khỏi cánh tay mẹ, ôm  cứng lấy cổ bà. Một tiếng khóc cao vút, trong trẻo phát ra từ miệng nó. Cảnh chia ly diễn ra rất ngắn ngủi. Một chiếc xe ngựa tiến đến gần. Mak quay đầu đi, buông Map ra. Tiếng khóc của Map biến thành tiếng thét, chân của nó quắp lấy chân Mak. Chị Ry cố kéo nó ra khỏi mẹ và hai người lạ mặc đồng phục đen từ trên xe bước xuống kéo mẹ ra.
Map gào lên “Mẹ, mẹ đừng đi!”
Chị Ry cứng người, hút hồn nhìn thân hình gầy gò yếu ớt  của Mak khi họ đỡ bà lên xe như đỡ một bà già. Chị đăm đăm nhìn theo chiếc xe trong khi cố giữ Map, chận không cho nó chạy theo xe. Tay nó quơ quào, giơ về phía chiếc xe, ngón tay nó duỗi ra chỉ về phía chiếc xe mỗi lúc một xa dần và biến mất.
Thế là vào tuổi lên ba, Map hàng ngày bị bỏ ở lều một mình để tự chăm lo lấy bản thân. No ngồi bất động giữa lối vào không cửa như một bức tượng nhỏ trong đền. Khi chị Chea, Ra hay tôi đi làm việc trong rừng về, nó lục lọi khăn của chúng tôi, tay nó sục trong đám lá mà chúng tôi hái về để tìm thứ gì ăn được – một củ khoai hay một rễ cây ngọc giá. Khi chúng tôi bảo nó chẳng có gì ăn đâu, nó không khóc. Mắt nó lấy lại cái nhìn xa vắng và nó lại trở thành một pho tượng nhỏ, hững hờ như trước.
Vào gần giờ ăn trưa, Map mang theo muỗng và bước đi. Nó đã học cách tìm đường đến bệnh viện Preahnethe Preah. Tại đó nó tìm chị Ry. Chị chia cho nó phần cháo gạo của mình, tuy ít ỏi nhưng vẫn còn hơn những gì chúng tôi có ở Daakpo.
Đôi khi Map trở về với một bụng thức ăn. Hoặc có khi chị Ry còn gởi nó mang về cả thức ăn  buổi chiều. Đó là một hành động thương em liều lĩnh. Vì chị là một bệnh nhân, nên chị sở Khmer Đỏ bắt được chị chia phần thức ăn của mình với em. Chị sợ hình phạt sẽ là bắt chị trở lại trại lao động cưỡng bách. “Sốt xạo” – đó là từ mà Khmer Đỏ dùng để chỉ những công nhân giả vờ ốm đau. Mệt nhọc và đói kém không phải là vấn đề, nhưng chị Ry chưa lành bệnh, bụng chị còn sưng vù lên vì bệnh phù. Vì vậy sợ việc chị chia phần cho em hay gởi thức ăn về nhà có thể làm cho họ hiểu là chị đã lành bệnh và điều này sẽ mang lại sự trừng phạt cho cả hai người. Mặc dù sợ như vậy, chị vẫn tiếp tục chia phần ăn cho Map bất cứ khi nào không có ai dòm ngó.
Tại lều, các thứ rau chúng tôi trồng đang mọc lên rất tốt, nhô lên những đọt mầm xanh ngắt quanh lều. Phía trước mặt lều là những luống bắp cao, những trái bắp màu kem đã nở rộ, râu bắp thò ra, phủ nặng cả thân bắp. Phía bên cạnh và phía sau lều là hàng ớt. Cạnh bên đó là luống tiêu và bạc hà Mvorg, trước hàng bắp mọc thêm vài luống khoai sọ. Dây leo từ giàn bí lan ra giống như cây trường xuân, nở hoa vàng rộ, lá xanh và đầy gai. Dù cho Angka nói rằng tất cả các rau quả đó đều thuộc về công xã, mọi người đều tự thu hoạch lấy trong vườn của mình.
Tôi thức giấc trong làn sương mù mờ đục của một buổi sáng mùa hạ. Chị Chea bảo tôi hôm ấy hãy ở nhà. Chị bảo tôi chỉ đường cho Map đường đến lều của Yiey Om, em gái của Kong Houng, và cũng là người cô của Pa mà trước đây ông rất ưa thích. Không biết làm cách nào mà cuối cùng gia đình bà cũng đến ở làng Poi-kdurg, cạnh Daakpo.
Khi Map và tôi đến nhà bà, thì bà và mấy người con gái mà tôi gọi là Kao (cô) đang làm gì giống như là dệt, luồn những sợi chỉ ngang qua trên và dưới những sợi chỉ dọc, đã được gắn vào một khung gỗ. Tôi đã thấy công việc này rồi, rất lâu về trước, khi Pa dẫn tôi đến nhà bà. Lúc đó tôi mới chừng ba tuổi.
Yiey Om đón chúng tôi bằng một cái nhìn dài, đôi mắt bà nhìn qua phía trên của cặp kính, nghiên cứu những kẻ đang đứng trước mặt bà.
“Chao (cháu) đến thăm yiey đấy hả?” bà hỏi, giọng cất cao có vẻ lưu tâm.
“Thưa bà, chị Chea bảo cháu mang Map đến đây”, cuối cùng tôi nói, hơi do dự vì sợ sẽ xúc phạm đến bà. “Chị muốn Map đổi ớt và bạc hà để lấy thứ gì ăn” Tôi lập lại đúng những gì chị Chea dặn tôi nói. Tôi cảm thấy hai chúng tôi chẳng liên hệ gì đến từ “đổi” đang trôi qua môi tôi hết.
“Được, các cháu có gì nào?” Bà Om đưa tay ra đón chiếc khăn trong đó tôi gởi cả một mùa thu hoạch nhỏ gồm ót và bạc hà mvorg.
Bà nhìn vào túi khăn và khen ngợi hết sức nhiệt tình giống như trước đây tôi đã từng nghe bà nói khi Pa đem tặng bà xà phòng hay thuốc tẩy. Nó giống như tiếng vọng bị quên lãng của sự phấn khích của bà. Cúi mình xuống bên một nồi nước sôi sùng sục trên ngọn lửa, bà lấy một chiếc mủng dẹt, rồi xúc vào đó những bao kén nhỏ nổi lềnh bềnh trong nồi.
“Đến đây ăn đi các cháu”, bà hất đầu về phía tôi và Map ra hiệu.
Tôi nhặt lấy một cái bao nóng nhỏ bằng hạt đậu phụng lên. Bên ngoài của bao kén thô xù xì như một miếng vải thấm nước. Tôi cầm cái kén bằng hai ngón tay. Cuối cùng tôi hỏi “Yiey, đây là cái gì thế? Bà ăn như thế nào?”
“Như thế này này cháu…” Bà ngưng dệt, lấy ngón tay xé cái bao kén. Bà đưa cho tôi xem bên trong, một con nhộng nhăn nhúm màu kem cỡ bằng hạt đậu. Tôi rùng mình, người rúm lại khi thấy con sâu bất động màu trắng xanh đó. Bà cười tủm tỉm, mấy người con gái bà cũng cười. Đó là con nhộng tằm, bà bảo, và người ta thường ăn thứ này.
Tôi bỏ một con vào miệng. Tôi hơi rúm người lại, nhai thật nhanh rồi nuốt vội con côn trùng nhả tơ màu kem này. Vị ngon. Nhưng ý tưởng ăn một con nhộng thì thật khiếp.
Map thì rất thích. Ngón tay nhỏ xíu của nó lột kén như lột đậu phụng, miệng nhai tóp tép như nhai kẹo.
Gia đình Yiey Om có đặc ân hơn hầu hết “dân mới” tại làng Daakpo và các làng lân  cận. Thay vì phải ở trong lều dựng tạm như nhiều “dân mới” khác, gia đình bà được ở trong một ngôi nhà gỗ lớn dựng trên cột sàn. Có vẻ như Khmer Đỏ chấp nhận họ nhiều hơn hầu hết chúng tôi. Đó là nền tảng của  cách đánh giá của Khmer Đỏ, đó là cách sống cổ truyền mà nhà bà Om đã thành thạo từ lâu – nghề dệt, và không một ai trong họ bị bệnh phù thủng cả.
Bà Om để chúng tôi ăn bao nhiêu nhộng thì ăn, rồi bà lấy lá gói một nắm đưa cho Map đem về.
 
°
Mùa hè này chúng tôi có thu hoạch. Những trái bắp lớn hơn, chĩa thẳng lên trời, màu vàng nhạt, ép vào nhau như những hàm răng ấm áp. Đây là lần đầu tiên chúng tôi trồng  được nhiều rau quả, thế mà Mak lại không có ở đây để hưởng.
“Athy, em đem một ít bắp cho Mak, đem Map đi theo với em” Chị Chea ra lệnh, giọng chị cương quyết, lời chị tuôn ra như thể chị đợi nói điều này đã từ lâu lắm rồi “Đừng đi làm việc. Mang bắp cho Mak và mang Map đi theo để nó thăm mẹ. Mak không gặp nó đã lâu rồi”.
Ý tưởng được gặp lại Mak thật dễ chịu nhưng tôi sợ. Tôi nhắc chị Chea về bọn chhlop, về người lãnh đạo làng, về sự trừng phạt có thể có. Chị quay sang nhìn tôi, nét mặt chị có vẻ trầm tư. Điều này thường xảy ra khi chị muốn dạy bảo hay chia xẻ điều gì đó với tôi.
“Nếu mang thức ăn cho mẹ mình là một tội ác, thì chị sẽ chịu trách nhiệm về chuyện đó. Chị sẽ trình bày với lãnh đạo. Em chỉ mang thức ăn cho mẹ, không phải cho kẻ thù của Angka”.
Tôi đặt lòng tin vào chị. Khi chị bảo cho Map nghe  về chuyến đi, mắt nó ngời sáng. Nó theo tôi đi quanh nhà trong khi tôi lấy tám trái bắp, bốn cho Mak và hai cho mỗi chúng tôi – Map và tôi. Tôi bỏ bắp vào nồi nấu. Map giúp tôi bằng cách lượm các cành cây nhỏ bỏ vào hố nấu trong khi tôi làm bột me bằng cách nghiền trái me xanh chua với muối thô.
Đến giữa trưa thì chúng tôi ra đi. Tôi bỏ bắp vào túi khăn, hãy còn nóng, ép vào gói nhỏ đựng muối me. Chúng tôi đi thật nhanh, mắt tôi canh chừng, thường xuyên ngoái lại nhìn phía sau vai. Tôi nắm chặt tay Map. Chúng tôi đã qua làng Daakpo từ lâu và vào một dãy đường trải đá vụn chung quanh không có bóng dáng chiếc lều nào. Nỗi lo sợ bị bắt gặp đã giảm, nhưng thân thể tôi và Map đã yếu đi, chậm đi vì ánh nắng mặt trời gay gắt.
Con đường đá nóng bỏng dưới chân chúng tôi. Tôi phải cõng Map lên cho đến khi quá mệt tôi không thể nào cõng nó được nữa. Nghe tiếng Map khóc, một người đàn bà bảo chúng tôi dừng lại và cho chúng tôi một ít nước. Tôi cảm động vì lòng tử tế của bà, nó giúp cho tôi thêm can đảm để tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi đến một vựa chứa thóc cũ kỹ, hư nát, chung quanh toàn rau xanh, nơi một gia đình nào đó trồng rau trước và sau lều của họ. Ngay phía trước vựa lúa là những luống bắp, bí và ngọc gía. Nhưng có một cái gì đó không phải. Có một cái mùi nồng nặc, giống như mùi hôi bốc lên từ cánh đồng rải rác phân người bị bệnh kiết lỵ và tiêu chảy.
“Thy, na Mak?”  Mak đâu, Map hỏi, giọng nó run run vì sợ.
Chúng tôi tiến gần đến cái vựa lúa không cửa, mùi hôi càng nồng nặc hơn. Những tiếng rên rỉ chào đón chúng tôi.  Đi trước Map, tôi nắm chặt tay nó và tiến vào bên trong. Trong ánh sáng câm lặng, chúng tôi nhìn thấy những con người nhợt nhạt, sưng phù, có lẽ chừng ba mươi người, nằm trên những chiếc giường sắt xấu xí, trơ trụi dựa sát vào vách. Chừng mười hai bệnh nhân khác nhét cứng vào lối đi giữa hai dãy giường, người này chỉ cách người kia vài phân. Họ nằm trên đất bẩn, một số nằm trên tấm vải dầu, người khác nằm trên quần áo bẩn. Phía dưới giường ngay gần họ là đám ruồi nhặng bay vù vù trên những đống phân đọng thành vũng trên nền nhà. Ruồi cũng đậu trên mắt, trên vết thương, quanh lỗ mũi, cạnh miệng, hút những chất bẩn thỉu trên thân người đang chết.
Tôi nhìn từ giường này sang giường khác để tìm Mak nhưng không thấy bà. Tôi kéo tay Map, dẫn nó đi theo lối giữa hai hàng giường. Nó cứng người lại vì kinh hãi, tôi cứ kéo nó đi như kéo một bao gạo. Chầm chậm tôi nhìn kỹ từng bệnh nhân. Dù quanh cảnh quanh đây làm tôi hãi hùng, mắt tôi vẫn cố nhìn lấy tất cả - cảnh bệnh tật, sự bẩn thỉu, cảnh chen chúc – nhưng tôi vẫn không tìm thấy mẹ tôi.
“Thy, na Mak?” Map bắt đầu khóc “Na Mak?” Nó lập đi lập lại nhiều lần, giọng nó đã bắt đầu có vẻ động kinh.
Cuối cùng tôi đành trả lời “Thy không biết”.
Bỗng một cô gái nhỏ bước nhanh về phía chúng tôi. Nó bảo “Bang (chị), bà ấy là mẹ chị đó!” Nó đưa tay chỉ. Trong một vài giây, tôi nhìn nó chăm chú.
Ai đây? Làm thế nào nó biết mẹ tôi? Và biết cả tôi nữa?
“Bà ấy kia kìa” con bé nói và lại đưa tay chỉ, giọng gấp rút của nó đưa tôi về với thực tại.
Tôi nhìn theo tay nó và tôi thấy một người đàn bà yếu ớt đang ngồi trên chiếc giường sắt trống trơn, xấu xí. Trán bà tựa vào đầu gối, mặt bà nhợt nhạt và mí mắt sưng húp. Đó không phải là Mak! Tôi quay sang cô bé, tìm một lời khẳng định. Nó nhìn tôi rồi nhìn người đàn bà. Tôi ngắm kỹ người đàn bà yếu đuối, bệnh hoạn một lần nữa, rồi nhận ra quần áo bà đang mặc.
“Thy, Mak đó hả?” Map kéo tay tôi hỏi, nhưng tôi đang cuống lên trước những gì tôi trông thấy, thật là một cơn ác mộng.
“Ừ, Mak yurg (mẹ của chúng ta)” Tôi nhẹ nhàng trả lời, rồi tôi thả tay, buông mấy ngón tay của Map ra. Mắt tôi nhìn xuống chiếc áo hoa của bà từng in hình một bó hồng rực rỡ với chùm lá xanh tươi. Giờ đây áo bạc màu cũ kỹ quá, hoa bạc thành một màu nâu xám như màu bùn.
Mak chầm chậm nhấc đầu lên khỏi đầu gối, tai bà cố dò tim giọng nói của chúng tôi.
“Koon srey Mak, koon srey Mak, koon proh meas mdaay. Con trai yêu quý của mẹ, con trai nhỏ của mẹ, đến đây với mẹ. Mẹ nhớ con lắm”.
“Mak” Map với tới mẹ, cả hai tay nó níu lấy cánh tay bà, mắt nó đăm đăm nhìn bà.
Mak ôm lấy nó, cánh tay sưng vù của bà cử động khó khăn, dường như nó quá nặng.
“Mak, con là Thy đây” tôi nói với bà, nhìn vào mí mắt căng phồng của mẹ. Chắc bà không nhìn thấy tôi được. Đây giống như là nhìn một bản sao vặn vẹo của khuôn mặt mẹ tôi – bộ mặt nhợt nhạt, chảy dài của một người béo phì, hai bên thái dương thụt vào, tóc dựng đứng như dây thép gai. Cử động của mẹ chậm chạp và nặng nề như một bà già. Thay vì hỏi han mẹ, tôi chỉ đứng nhìn bà. Quai hàm tôi như cứng lại, tôi cố tìm những lời nói thích hợp với những gì tôi thấy. Bởi vì tôi biết tôi đang nhìn vào cái chết. Tôi phải nói gì với mẹ để cho mẹ hy vọng, cả khi điều đó cũng không đáp ứng đi nữa. Ít nhất nó có thể làm cho bà vui được trong một chốc.
“Con đem Map lại đây thăm mẹ đó” lời nói trôi ra khỏi miệng tôi. Tôi muốn an ủi bà, làm bà cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Tôi cố gắng nói sao cho có vẻ bình thường ở cái nơi lạ lùng này. “Con có đem cho mẹ bắp trồng ở quanh nhà, con cũng có làm cho mẹ bột me nữa. Mak, chắc mẹ thích bột me trộn với cơm – chính vì thế mà con làm cho mẹ đấy”.
“Koon, mẹ không thể ăn bột me được, mẹ bị kiết lỵ mà” Bà nhẹ thở dài. “Con và em con ăn đi. Mẹ ăn bắp được rồi. Nào, đưa bắp cho mẹ đi”.
Tay tôi mở nút thắt khăn, tim tôi đau nhói. Tôi ước chi tôi biết phép thuật. Trong một lúc tôi trở lại là đứa bé hồi xưa, ngồi trên đi văng xem các cuốn phim về pháp thuật Cambodia và muốn đến Hymalaya để kiếm một ít pháp thuật riêng cho mình. Nhưng điều duy nhất bây giờ tôi thấy là nước mắt bắt đầu dâng đầy trong mắt tôi.
“Mak, bắp của mẹ đây”
“Chỉ đưa bắp cho mẹ thôi nhé, koon Mak” Giọng bà ngọt ngào và khao khát. Nhưng…
“Athy, con, bắp này còn sống, nó sẽ làm mẹ bị tiêu chảy thêm mà thôi”. Mak nói, giọng bà đầy thất vọng. Chầm chậm, bà đưa trả trái bắp lại cho tôi.
Sức nóng từ cả người tôi bốc lên mặt. Tôi thấy tổn thương, thất vọng, giận mình vì bắp chưa chín. Tôi nhìn vào chỗ bà cắn nơi trái bắp và kiểm tra phần còn lại – đúng là bắp còn sống. Tôi điên lên vì giận mình. Ngu biết mấy! Tôi kêu thầm. Tại sao mình lại làm cho mẹ khổ thêm, tại sao mình không xem kỹ bắp đã chín chưa?
Tôi cứ tưởng là mình đã coi kỹ rồi.
 Theo lời chỉ dẫn của Mak, tôi chạy ra phía sau vựa để tìm than nướng lại bắp. bước ngang qua những bệnh nhân đang rên rỉ, những nạn nhân của padewat (cách mạng). Trong một cái hố người ta đào để nấu ăn, tôi tìm được một ít than còn hồng, chưa tắt. Tôi gom một ít các cành khô gần đấy, nhẹ nhàng chồng chúng lên nhau. Quỳ sụp trên nền đất, tôi phùng má thổi đống củi, cời lên một ngọn lửa nhỏ và khói. Tôi thêm vài thanh củi lớn hơn nữa  rồi vùi trái bắp xuống dưới đống tro, ngay phía dưới ngọn lửa đang cháy.
Khi tôi trở lại với trái bắp chín, Map đang ngồi với Mak trên giường. Trong khi Map ăn cơm với bột me, bà vuốt tóc nó, mắt vẫn nhắm nghiền. Lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt nó sáng lên. Người nó thư giãn. Nó hết sức thoải mái khi ngồi bên cạnh Mak, ngay cả ở đây, trên chiếc giường bẩn thỉu nhớp nháp này.
Tôi chùi đống bẩn dưới giường Mak, tôi rắc lên đó tro xúc từ ngoài bếp vào, vừa lắng nghe cuộc trò chuyện của Mak và Map. Trông như chúng tôi đang ở nhà. Giọng bà hiền từ, dịu dàng, chăm sóc. Mặc dù đang đau, giọng bà vẫn đều, bình tĩnh và tự nhiên. Nếu quả bà chia xẻ những cái mà tôi sợ, bà cũng hề biểu lộ ra. “Mak nhớ koon proh Mak” bà vỗ nhẹ lên lưng Map. “Họ có cho con ăn đủ không, koon proh Mak?”
“Otphong (không), ngày nào con cũng đói cả”. Map nói, đưa mắt nhìn Mak.
Mak im lặng, trí óc bà làm việc.
Tôi chen vào cứu mẹ “Họ không bao giờ cho chúng con đủ ăn cả. Nhưng Map hái ớt và bạc hà đem đổi với Yiey Om để lấy thức ăn. Nó giỏi lắm, mẹ. Nó biết tìm đường đến nhà Yiey Om sau khi con dẫn nó đi có một lần thôi”. Tôi thấy một nụ cười thóang nơi mẹ, chỉ thoáng cười thôi. Mặt bà vẫn sưng phù và bất động như một pho tượng.
Mí mắt bà nhắm chặt suốt thời gian chúng tôi đến. Bà làm cho tôi nhớ đến một người đàn bà mù, Yiey Tot, bà cố của chúng tôi.
“Ở đây họ có cho mẹ thuốc không mẹ?” tôi hỏi, sung sướng  cố tìm một thoáng cười nơi nét mặt bà.
Đột nhiên bà khóc “Koon Mak!” Bà sụt sịt “Họ đã không cho mẹ nước uống bốn ngày nay, koon, mà mẹ thì không đi lấy được. Cuộc sống ở đây thật khổ khi mà mẹ không có ai chăm sóc cả”. Mak bật khóc.
Map ngẩng đầu nhìn mẹ mắt nó cũng đẫm nước. Mẹ nức nở “Nhiều lần mẹ ước ao có một trong mấy đứa con ở đây, để đi lấy nước cho mẹ. Mẹ chỉ mong có thế thôi, koon srey Mak…”
Nước mắt của Mak chảy qua hai mí mắt sưng vù, rơi xuống gò má, miệng bà ngưng nhai bắp. Map niú lấy cánh tay Mak, đầu nó dựa vào đó, còn mặt nó thì đỏ bừng.
Mắt tôi cũng mờ đi vì nước mắt, nhưng trí tôi vẫn nhớ  trước đây Mak đẹp như thế nào. Tôi nhớ rõ ngày bà trang điểm, ăn mặc chỉnh tề, mặc một chiếc váy lụa đen ôm sát thân hình, dưới gấu váy có thêu hoa. Áo trên màu ngà ôm nhẹ làn da mịn màu mật dưới mái tóc đen mượt thả xuống vai. Lúc đó vào tuổi lên bốn, tôi đã bị thu hút bởi sắc đẹp của bà, nhưng bây giờ nhìn bà, lòng tôi đau đớn, lưỡi tôi khô cứng, tim tôi nhức nhối. Nơi khuôn mặt sưng vù ấy tôi có thể thấy được số phận của mẹ tôi. Chưa chi tôi đã chuẩn bị tinh thần cho cái ngày mẹ tôi mất.
Khi mẹ chết, không biết mình sẽ khóc chừng nào. Tôi đã từng hỏi câu này trước đây và bây giờ tôi hỏi lại một lần nữa. Câu trả lời có vẻ rất gần. Điều duy nhất tôi biết chắc là – sẽ là một nỗi khổ đau ghê gớm.
Thời gian không ủng hộ chúng tôi. Dù chúng tôi ở đây không lâu, có vẻ như điều chúng tôi chia sẻ với nhau thật đau đớn. Giờ Map và tôi phải về.
Mak yêu cầu “Athy koon, khi con về, con hãy hỏi xin người điều hành cho con đến đây để săn sóc cho mẹ, để lấy nước cho mẹ…Ban đêm con có thể ngủ bên ngoài trên chiếc ghế dài”. Mak chậm chạp cử động cái đầu “Đừng quên nhé, koon srey mdaay. Nhờ Chea giúp con nói với người chỉ huy. Nhớ đừng quên…”
Bây giờ tôi đã biết. Tôi đã thấy nhiều lần, trước người chết mình phải hứa điều mà mình không thể giữ lời được.
“Cha (vâng), Mak, con không quên đâu. Khi con trở về, con sẽ bảo chị Chea giúp con nói với người chỉ huy. Con sẽ trở lại ngay thôi”. Miệng tôi nặn ra những lời nhằm trấn an bà, rồi tôi lập lại một lần nữa.
“Mak, tụi con đi đây” Tôi không muốn nói lời từ biệt, cổ họng tôi cứng đơ.
“Ừ, đi nhanh lên và trở lại với Mak, Athy. Cả con nữa, con trai của Mak”.
Map nói lời từ biệt với mẹ, cổ nó quay đi, mắt ướt nhèm. Mak thì không nói từ biệt, tất cả những gì mẹ nói, lập đi lập lại nhiều lần là “ Nhớ sớm trở lại, đừng quên…” Tôi bảo đảm với Mak chúng tôi sẽ trở lại trong khi nước mắt chảy tràn.
Mặt trời màu vàng cam chiếu sau lưng chúng tôi trên đường chân trời. Chuyến đi về lại Daakpo ngắn hơn, con đường đất đã mát đi nhiều dưới chân chúng tôi. Tâm trí tôi không nghĩ điều gì ngoại trừ Mak.
Như Mak dặn, tôi nhờ chị Chea giúp tôi. Cả hai chúng tôi đều đến gặp người chỉ huy. Tại căn lều của công xã, tôi đứng bên  chị Chea trong khi chị giải thích hoàn cảnh của mẹ tôi và yêu cầu của bà với người chỉ huy. Ông ta nhìn ra xa, lắng nghe rồi nói “Em gái của đồng chí có thể đi nếu mẹ của đồng chí phục hồi lại được. Nhưng nếu mẹ của đồng chí chết thì em gái của đồng chí sẽ bị trừng phạt”.
Thế là chúng tôi đi ra. Mặt của chị Chea bừng lên vì giận dữ.
“ Thế em phải làm gì đây, chị Chea ? ” Trí tôi dồn hết về hình ảnh của mẹ.
Chị chỉ biết quàng tay lên vai tôi làm tôi cảm thấy ấm áp, dễ chịu. Ai sẽ lấy nước cho mẹ đây? Mẹ sẽ buồn biết chừng nào, phải đợi chờ tôi và Map trở lại!
"Thế Mak sao đây, chị Chea?" Tâm trí tôi vẫn không thể thoát những lời mẹ dặn. Tiếng van nài của Mak còn dội trong trí tôi.
"Khi họ cho chúng ta nhiều thức ăn hơn" chị nói giọng dịu dàng và bình tĩnh "bang sẽ đi đến Mak. Chị sẽ nói với mẹ rằng em đã không quên lời mẹ dặn".
Nhiều đêm tôi nằm thao thức, ngắm nhìn tấm màn đêm và nghĩ đến mẹ. Lời bà rõ ràng vẫn còn vang trong tai tôi, hình ảnh bà ngồi trên chiếc giường sắt sống động trong trí tôi. Chiếc áo hoa bạc màu của bà đã chỉ dẫn cho tôi biết đó chính là mẹ tôi. Tôi nhìn bà trong tâm trí, như nhìn vào chiếc gương thần. Mẹ là tất cả những gì chúng tôi có, thế mà chúng tôi lại không thể chăm sóc cho bà.
Trong nhiều đêm liền, tiếng nói, lời van nài của bà vẫn dội lên trong đầu tôi như thể mẹ đang gọi tôi từ xa. Nhưng rồi cái đói và việc lao động cưỡng bách đã làm tiêu tan hết sức lực, làm mờ trí óc tôi, khiến tôi càng ngày càng ít nghĩ tới Mak. Thay vào đó, tôi chỉ còn nghĩ đến phần cháo ít ỏi mình nhận được từ bếp tập thể, và chỉ còn đủ sức để nghĩ đến sự sống còn của chính mình mà thôi.
Hôm nay Angka đã ra lệnh cho bếp tập thể làm bún với xúp cá – một thứ xa xỉ mà chúng tôi chỉ có khi Angka muốn chúng tôi đến dự mít tinh. Đối với nhiều người trong chúng tôi, mít tinh có nghĩa đơn giản là một ngày nghỉ lao động. Chúng tôi không phải làm việc, chỉ ngồi và lắng nghe tất cả những gì Angka muốn giảng giải cho chúng tôi – Sản xuất – Cách Mạng – Dọa dẫm. Mắt tôi nhìn theo họ một cách tuân phục nhưng trí óc tôi thì diễu cợt họ, tôi nhớ lại câu nói tôi thường nghe Mak bảo "Doch chak tirk leu kbaaltea – nước đổ đầu vịt". Họ chỉ phí hơi mà thôi.
Trong căn lều lợp tranh, cả người lớn lẫn con nít nóng lòng ngồi đợi trên bốn chiếc ghế dài. Bún đã nấu xong, và mùi ấm nóng của nước xúp cá nấu với lá chanh nghiền, rễ cây kchiey và bột nghệ tuôn vào lều. Chỉ cần ngửi mùi các thứ gia vị ấy thôi cũng đủ sướng đến tận trời. Có lẽ bây giờ đã chín giờ rồi, tôi đoán như vậy thôi, bởi vì chẳng ai trong chúng tôi còn đồng hồ cả. Đột nhiên tôi thấy mọi người quay đầu lại khi chúng tôi thoáng thấy mấy người nhà bếp đi về phía chúng tôi, mấy người phụ nữ mang mấy rổ bún và nồi xúp cá. Họ phát những sợi bún trắng nhỏ, đưa cho chúng tôi mỗi người ba nắm bún lòng thòng. Tôi gạt một ít sang một cái đĩa để chị Chea mang tới cho Mak. Chị Ra và chị Ry thì bảo tôi rằng đến lúc tôi trở về lều có lẽ chị Chea và Map đã đi rồi.
Tôi cũng rất muốn được đi thăm Mak và tự mình giải thích tại sao tôi không đến để săn sóc bà được, nhưng chỉ có chị Chea và Map là đi được thôi, xin phép rất khó. Tất cả chúng tôi đều phải tham dự mít tinh.
Cuộc mít tinh được tổ chức trên một vạt đất tròn, chung quanh có hàng cây cao toả bóng mát. Trong số người ở đây, tôi thấy một "dân mới", một người đàn ông ngoài năm mươi, ngồi xổm trên đất bên nhóm Khmer Đỏ. Mặt, mắt và nét mặt của ông ta gợi cho người ta nghĩ rằng ông có dòng máu Trung Hoa. Ông mặc áo sơ mi và quần cũ bạc màu, màu nâu bùn giống như áo quần chúng tôi. Trông ông ta thư giãn, dường như bằng cách nào đó ông ta đã móc nối được với những người lãnh đạo Khmer Đỏ này. Khmer Đỏ giới thiệu ông là một người lao động mẫu mực. Ông nói chuyện với chúng tôi một cách rụt rè. Thái độ của ông khiến người nghe mỉm cười. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Khmer Đỏ nắm quyền hành, tôi thấy những người chung quanh tôi cười một cách thoải mái. Những khuôn mặt tươi cười đó tan biến liền khi lãnh đạo Khmer Đỏ đứng dậy nói, diễn giải cho chúng tôi về sản xuất lúa gạo, những người trong "trận chiến" và những mục tiêu của Angka.
Đột nhiên tôi nghe một tiếng nói nhỏ sau lưng "Bang! Bang! (chị)" Tôi quay lại. Từ trong bóng tối sâu thẳm dưới hàng cây, bóng của một cô gái nhỏ chạy nhanh về phía tôi. Tôi nhìn lại, nhíu mày – tôi chắc chắn nó đang gọi tôi vì chung quanh chẳng có ai khác cả, ngoại trừ hàng cây.
Cô gái ngước mặt lên nhìn tôi "Họ…họ…ném mẹ chị vào một cái giếng…Cái giếng chôn người chết…" Nó cố lấy hơi, hổn hển đưa tin "Mẹ chị vẫn còn sống…Bà rên khi họ mang bà đi!"
Tim tôi đập thình thịch, chạm vả vào lồng ngực. Tôi vẫn nghe cô bé nói, nhưng chẳng hiểu gì cả. Như thể có một cái gì đó chặn đường giữa hai tai và óc tôi. Tôi nhìn lại nó "Em nói gì về mẹ chị? Xảy ra chuyện gì cho mẹ chị hả?"
"Khmer Đỏ ném mẹ chị xuống một cái giếng…và bà vẫn còn sống" cô gái nhỏ lắp bắp, đôi mắt sắc của nó nhìn thẳng vào mắt tôi.
Tiếng của nó chìm đi. Không! Từ một chỗ sâu khuất ẩn nấp trong linh hồn, tôi thét lên. Chân tôi vụt chạy đi trước khi trí óc kịp điều khiển nó. Ngang qua con đường đất, về phía cánh rừng xa xa, tôi chạy như điên, những ngón tay của sự thống khổ bóp nghẹt lấy linh hồn tôi, làm bật ra những cơn đau đớn buốt nhói.
"Ôi, Mak ơi…" tôi ngã gục xuống đất, cạnh một bụi cây dưới tàn cao "Con xin lỗi, con xin lỗi đã không giúp gì được cho mẹ…"
Một mình trong rừng, tôi gọi to mẹ tôi. Trí tôi tập trung vào hình ảnh cuối cùng của mẹ, đang ngồi trên giường nói chuyện với Map, với tôi, van nài, nhắc nhở tôi nhớ trở lại với bà. Một cách tuyệt  vọng, nắm tay tôi đấm mạnh xuống đất khi tiếng nói của mẹ vang lại trong trí tôi, đâm thủng bên trong ngực tôi với từng âm thanh một. Đầu tôi đau nhức, sưng lên. Tim tôi nhói đau "Ôi Mak ơi, mẹ đã bỏ con…koon somtoh…con xin lỗi…"
Nỗi đau mất mẹ đến với tôi thật dữ tợn, không ngưng nghỉ. Nó chiếm ngự tôi, mọc rễ trong tôi. Tôi sẽ khóc chừng nào khi mẹ tôi chết?
Bây giờ tôi đã biết câu trả lời.