Pierre Vian ngồi vào ghế dài, nhìn qua gương chiếu hậu hỏi Jean: - Đi nữa không? - Qua thăm nhà cô Bình Minh - Jean nói. - Không dám phiền ông. - Bình Minh khước từ khéo léo. - Mẹ tôi hơi bảo thủ và luôn dị ứng người ngoại quốc. Pierre lẳng lặng mở vòng cua, ngoặc về Cao Xanh Nguyên. Jean cắn cắn môi làu bàu. - Cô đúng là một nữ thư ký không biết điều, cự tuyệt lòng tốt hoàn toàn lịch sự, đúng lễ nghi của một ông chủ giàu có, hào hoa. - Xin lỗi ông. Tôi không muốn sau buổi gặp mặt mọi ý nghĩ tốt về phụ nữ Việt Nam mất sạch trong ông. - Bình Minh bình thản nói. - Đàn bà Việt Nam chẳng mấy người giống mẹ con cô. - Pierre tham gia bằng giọng lạnh tanh. - Vì giới ông gặp không còn là đàn bà Việt Nam. - Bình Minh đối đáp - Người phụ nữ Á Đông chỉ có hạnh phúc thật sự trong mái ấm gia đình, bên một người đàn ông mà thôi. Pierre nghẹn họng. Con bé thật đáo để, vừa giải thích vừa xỏ xiên - Hắn không nhịn được, trên nét mặt lạnh tanh thoáng nụ cười để Jean bắt gặp. Chúa ơi! Cô bé cứng đầu này đã khiến được Pierre cười. - Thế cô có người đàn ông đó chưa? - Jean hỏi. - Tôi không thích trả lời câu hỏi này. Xe đến Cao Nguyên Xanh, Jean mở cửa xe, Bình Minh bước xuống theo cả hai vào khách sạn. Pierre thoáng ngạc nhiên rồi tỉnh bơ bước vô thang máy. - Cô không về sao? - Jean hỏi. - Tôi muốn nói chuyện với ông. Cô bước vào phòng không số với chút ngần ngừ. Jean định nhấn máy gọi nước, Bình Minh cản lại, nói: - Thưa ông Bruller, trước tiên, tôi muốn ông và ông Vian hiểu tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì về thân thế hai ông, điều tôi muốn nói là, tôi có thời hạn sáu tháng làm việc, nhưng chẳng hiểu làm việc với ai, mục đích chính là gì? Tôi muốn được giải thích để ứng biến khi xảy ra sự cố. - Ứng biến? - Pierre nhún vai - Cô đóng vai thư ký thật tốt là đủ rồi. Bình Minh lắc đầu định phản đối. Jean xua tay. - Lúc cần nói, Đình Phong sẽ nói. Hắn dặn sao tôi nghe vậy, cô nên biết điều duy nhất là chúng tôi không phương hại cô - Hắn đổi sang giọng nửa đùa nửa thật - Mà dù muốn, chắc gì đã được phải không cô thư ký có trái tim cục sắt? Bình Minh ngượng ngập đứng lên: - Vậy tôi xin phép cáo từ. Bình Minh rời khỏi phòng với nỗi ấm ức lẫn lo âu. Gã râu ria ấy thỉnh thoảng "tấn công" cô bằng lối ỡm ờ đáng ghét. Phải hỏi ông ấy cho ra lẽ. - Cô nghĩ thầm dù hiểu một cách cay đắng, cô chưa có can đảm làm điều đó với gã giám đốc kiêu hãnh lạnh lùng. Cả bốn đang trên đường đèo, hành trình cách nhau hai giờ. Pierre và Jean khởi hành lúc sáu giờ chiều, bên cạnh là Bình Minh. Đình Phong một mình đi trên chiếc Bonus 125 khởi hành hai giờ sau đó. Trong khi Thiên được lệnh thay anh lái xe đến thăm nhà ông Vĩnh Tường. Họ gặp nhau dưới chân đèo Bảo Lộc, trong ngôi quán vắng ven đường cạnh rẫy cà phê xanh um. Cho đến khi hắn gỡ mũ bảo hộ, Bình Minh mới nhận ra. Cô sửng sốt. Hắn chẳng ra vẻ ông giám đốc đa tình, hào hoa trong chiếc quần jean bạc phếch đầy tua và chiếc áo da cánh tay nhiều túi vằn vện. Hắn mỉm cười. Ối trời! Cô có mơ không? Hắn, à không. Ông giám đốc rõ ràng mỉm cười với cô. Cô đứng lên luýnh quýnh. Jean gầm gừ: - Cô cứ ngồi, hắn chẳng ăn thịt cô đâu. Đình Phong cười phà, Bình Minh hết hồn, tiếng cười hắn trong đêm như tiếng cồng đá dội vang núi rừng: - Bác gái biết cô đi đâu chứ? - Hắn ngồi xuống hỏi. - Dạ biết. - Bình minh cúi mặt đáp nhỏ. Hắn nhìn cô, khẽ lắc đầu. - Quá muộn để tôi hối tiếc vì đã kéo cô vào chuyện này. Nhưng cô an tâm, tôi hứa chỉ trong ba đến sáu tháng và sẽ thưởng xứng đáng. - Không phạm pháp chớ? - Cô buột miệng. Hắn lắc đầu, nhìn quanh. Trong nhà bước ra người đàn ông trạc bốn mươi, tiến lại gần hắn, mặt rạng rỡ: - Gọi tôi là Phong - Hắn nói ngay. Người đàn ông gật đầu, vẻ hiểu. Hắn nói tiếp: - Tôi gởi xe lại đây, sáng quay lại lấy. Thấy cô ấy về chưa? - Mới lúc chiều, buồn lắm, thương quá Phong ạ. Hắn làm lơ đứng lên: - Ta đi thôi. Cả bốn vào xe, Jean ngồi ghế trước nhường cho hắn và Bình Minh ngồi ở sau. Lần đầu tiên, hắn thấy người con gái run như thế này, hắn chép miệng than. - Tôi không nghĩ mình đáng sợ đến vậy. Thế này nhé, đừng nghĩ đang ngồi bên ông giám đốc "chằn ăn" mà bên một người bạn đang gặp khó khăn cần sự giúp đỡ của cô, được không? Hai tiếng "chằn ăn" hắn nói ra khiến cô suýt cười và bớt hồi hộp. Cô nhìn hắn khẽ gật đầu. Hắn thở phào. - Jean nói tôi nên có buổi nói chuyện với cô, nhân dịp tôi đưa họ về Đà Lạt thăm một người, tôi sẽ nói, à không, tôi kể cô nghe một câu chuyện, nghe xong cô sẽ hiểu. Jean xoay ra sau, ra hiệu với Phong, nói. - Trước nhất cậu nghe một số thông tin mình vừa nhận được, cả tốt và xấu. - Nói tin xấu trước. - Hiệp hội vì hòa bình độc lập thế giới vừa thông báo Pierre được nghỉ phép không hạn định. - Nghĩa là sau những thông tin cộng tác với bên mình, họ cho rằng đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế. Từ nay Pierre chỉ giúp với tính cách cá nhân? - Tôi hiểu rồi, thế còn cậu? - Mình cũng thế, luật sư Bernadotte đã chuyển tiền công tác phí đến đây và fax cho biết, nhiệm vụ chấm dứt. Nhưng cậu yên chí, mình ở lại với cậu. - Bản điều tra cuối, các cậu giao bên an ninh thành phố chưa? Có chút manh mối gì vụ Chil Sơn không? - Tin tốt đây, nghe luôn. Bộ sưu tập kim cương hai mươi bốn màu chưa xuất hiện ở nước nào, chắc chắn nó còn nằm tại Việt Nam. Thứ hai, qua năm nước, mẹ con Quỳnh Dao có phạm pháp, tội lừa đảo, nhưng vì nạn nhân có danh tiếng không khai báo, nên an ninh các nước không có hồ sơ tầm nã. Và điều chắc chắn, nước Anh là chặng cuối mụ dừng lại, mất tích. Vậy sự nghi ngờ của cậu có cơ sở. - Đợi gặp Ensa! - Hắn quyết định. Jean nhận cái bắt tay của hắn, Pierre một cái vỗ vai thật mạnh. Sau đó hắn nhìn Bình Minh, chậm rãi nói. - Đừng ngạc nhiên đến đờ ra như vậy, giờ tôi kể cô nghe chuyện một người tên gọi Chil Sơn. Thế này nhé. Năm ông ta ba tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, học võ với một võ sư làm cách mạng... Trăng mờ ảo treo lơ lửng trên đỉnh Lang Brian sừng sửng im lìm, trăng nhạt nhòa, chao đảo, vỡ vụn dưới dòng suối có người con gái vùng vẫy mê mải. Nàng muốn tẩy sạch mọi dấu vết, cát bụi mang về từ thành phố lẫn niềm tuyệt vọng kiếm tìm một người âm thầm ra đi không trở lại. - K'Lan ơi! K'Lan ơi! Gã thanh niên hiện ra bên suối sau tiếng hú gọi cô gái đứng lên, khoe đôi ngực trần thanh tân chắc nịch (người Lát thuộc dân tộc K'Ho, con gái chưa chồng, thường tắm trần cả nơi cộng đồng). - Đăm M'ang tìm mình? - K'Lan mau về. - Đăm M'ang huơ tay - Nhiều cán bộ lắm, tìm Chil Sơn, nó nín thinh miết, gay hung. Cô gái điềm tĩnh nói: - Đăm M'ang quay lưng đi. K'Lan tắm truồng đấy. Gã con trai cao to ngẩn ra, rồi như người máy quay lưng nhắm tịt mắt. Cô gái lên bờ tròng nhanh váy áo, nói. - Xong rồi, về thôi. Hai đôi chân trần chạy vun vút trên lối mòn ven suối, vượt mấy rẫy cà phê, qua con đường đất đỏ đầy sỏi về đến ngôi nhà sàn có khách viếng bất ngờ. - Chú Sơn! K'Lan leo nhanh qua những bậc thang, lao đến người đàn ông ngồi bất động. Long, trưởng công an huyện thấy cô mặt sa sầm, càu nhàu: - K'Lan! Cô phải chào hỏi khách chứ. Các đồng chí bên thành về đấy. Cô gái ngồi bên Chil Sơn, tay nắm cứng tay anh như động viên, mắt quắc lên bướng bỉnh: - K'Lan không chào. Mấy người cứ điều tra mãi làm khổ chú ấy chưa đủ sao? - K'Lan không được hỗn - Chil Sơn lên tiếng, anh từ từ ngẩng lên nhìn người đàn ông mặc thường phục, ông đang để mắt vào ngọn lửa, vầng trán đầy nếp nhăn. Chil Sơn nói - Báo cáo đồng chí, những gì tôi biết, đã nói hết từ lâu, tôi sẵn lòng nhận chịu mọi kỹ luật trước đảng và nhà nước. Nếu..... - Thôi, cậu im đi. Tôi lên đây không phải để nhìn thấy Giang Sơn dũng cảm ngày ấy trở nên hèn nhát, cam chịu - Người đàn ông mặc thường phục vùng đứng lên quát to. - Mà tôi muốn cậu đứng lên, cùng tôi và những đồng đội năm xưa đánh một trận cuối cùng, trận đánh cho đất nước, trận đánh phục hồi danh dự người đội trưởng biệt đội Phù Đổng, trận đánh trả thù cho đồng chí Trần Dụng, người thầy, người cha, người ân của cậu. Phải. Người ta đã nghi oan cho cậu. Cậu không phản bội, không biết gì về âm mưu mẹ con Quỳnh Dao, tôi đã phối hợp với anh em dưới thành phố xác minh. Xong rồi, nhưng chưa thể kết thúc khi mẹ con mụ ấy còn ung dung ngoài pháp luật. Sơn à! Cậu tỉnh lại đi, con chim Sơn Ca ấy lừa phỉnh cậu thôi. - Không đâu, con tiến sĩ Trần Dụng, người trọn đời theo kháng chiến không phản bội, không nói dối đâu. Ông Minh cố nhịn tràng chửi rủa trào lên. Ông đưa tay ra hiệu, hai cán bộ và Long lẳng lặng rời nhà sàn. Chỉ còn lại ba người, ông Minh cố sắp xếp mọi điều trong đầu để nói: - Chil Sơn, cậu coi mình như người anh đúng không? Mình chưa làm gì để cậu mất lòng tin đúng không? Ngược lại, cậu cũng thế. Vậy cậu nói đi, nếu mình vì lợi ích chung, vì cậu mà làm sáng tỏ vụ này, cậu tin không? - Tôi tin. - Sơn nói ngay. Ông Minh thở phào. - Hơn ba năm tôi biết cậu chịu nhiều oan ức, nhưng ngẫm ra, các đồng chí trên chưa hề kết tội cậu. Đúng không? Hồ sơ còn mở, nội vụ càng lúc càng phức tạp, bây giờ cấp trên chính thức điều động tôi phối hợp với an ninh hoàn tất hồ sơ phục hồi cho cậu và mở cuộc điều tra thứ hai. - Điều tra tung tích bà Dao? - Chil Sơn bàng hoàng. - Đúng vậy. Cậu chưa biết hết tầm quan trọng việc này. Khi ấy, người ta giấu cậu nhiều việc, họ nêu lý do gì khi điều tra cậu? Sơn ôm đầu: - Họ không nói gì, chỉ bảo bà Quỳnh Dao cướp tài sản nhà nước vượt biên là do tôi quan hệ với Yến, con bà nên bị lợi dụng. Họ nói chính tôi - Chil Sơn nghẹn ngào - Đã giao số tài sản ấy. Anh Minh! Không có. Tôi không hề biết tài sản gì. Ngay sau giải phóng, khi bà Quỳnh Dao bàn giao tài sản lại cho tổ chức. Họ đã kiểm tra suốt một năm rồi ký nhận, họ còn tặng thưởng bao giấy khen vì có công tổ quốc, rồi tôi về đây, mãi đến năm tám mươi mới gặp lại Yến.... Ông Minh ngẫm nghĩ, rồi nói: - Tôi nghĩ cậu nên đi với tôi, tôi sẽ cho cậu xem mọi thứ liên quan đến việc này. Có lẽ như thế tốt hơn cho cậu và cho tổ điều tra. - Tôi không đi được. - Chil Sơn nói hàm hai nghĩa, đôi chân bất động, và lời hứa trở về của Sơn Ca ngày ấy. Ông Minh đứng lên, mặt trở nên nghiệt ngã lạnh lùng. - Cậu phải đi. Đó là mệnh lệnh. K'Lan, cháu thu xếp trước, chúng ta sẽ cho thằng ngốc này thấy con Sơn Ca ngày xưa của hắn hót như thế nào với mọi đàn ông. Trưởng ban an ninh Cao Nguyên Xanh đã xong cuộc kiểm tra toàn khách sạn theo thường lệ, như lúc đi lên, ông trở xuống qua những bậc thang suốt sáu tầng, kể cả tầng trên cùng, dành cho những bộ phận liên quan đến nó. Ông đi nhanh, tai vẫn dỏng lên, mắt lướt như chớp qua từng cửa phòng, từng ô cửa, từng chậu kiễng, khóm hoa và không tỏ vẻ gì nhọc mệt, dù phải leo thang hai giờ liền. Xuống đến tiền sảnh, ông theo cửa hông ra hoa viên, đi thẳng xuống tầng hầm - Nơi ấy có hai bộ phận: hệ thống theo dõi an ninh, báo động và hầm lạnh trữ lương thực. Ông vào phòng ngoài cùng. Thiên đang ở đó với Cang - đội trưởng đội xe. Mặt Thiên khó đăm đăm. Cang "nói xấu" giám đốc công khai: - Chắc hắn đang hú hí với em nào đó, không phải cô vợ chưa cưới. Tôi cá với cậu, tiền chi phí cho gái ăn tính vào khoản tiếp khách. Sướng chưa? Ông Thường đợi Cang dứt câu, điềm nhiên hỏi: - Cậu muốn lãnh lương, lãnh thưởng hay muốn về nhà giữ con, giặt đồ, đợi vợ đem tiền về nuôi? Cang xụ mặt lầm lì ra khỏi phòng. Ông Thường ngồi xuống ghế nhìn Thiên, chậm rãi nói: - Nếu cháu thấy không thích hợp làm công tác bảo vệ, cứ nói, bác sẽ xin thay người. - Cháu chỉ tức là phải làm cận vệ cho hắn. - một tên thường dân có tí tài đã vênh váo - Cái tên thường dân ấy, chỉ với tí tài như cháu nói đã đem lại cuộc sống ấm no cho hàng trăm con người, từng hy sinh một phần xương thịt cho tổ quốc. Và đã góp không ít công tác trong vụ điều tra giải oan cho Giang Sơn - đội trưởng đội quân PHù Đổng năm xưa. - Giờ vụ án kết thúc. - Kết thúc hay không, đợi cuộc họp chiều mai mới biết. Nhớ đó! Lúc mười tám giờ.Thôi đi đi. Thiên đi rồi, ông Thường đóng cửa, bật caméra theo dõi quanh khách sạn một lúc mới đóng máy. Ngả người trên chiếc giường sắt có nệm đặt sát tường, ông nhắm mắt như ngủ, nhưng không hề ngủ, để trí nhớ lang thang về quá khứ... Rất ít ai biết, người thầy dạy võ, dạy Chil Sơn đi theo con đường cách mạng chính là ông. Hồi đó xã Lát, là nơi bọn thực dân chọn làm khu hậu chiến. Thực dân Pháp rút đi, bàn giao cho Mỹ, từ năm 1954, bàn chân đế quốc Mỹ đã đặt xuống nơi đây, xã Lát, Lạc Dương thành trọng địa chiến lược khống chế miền cao nguyên. Ông, ngày ấy nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Lát, với vốn hoạt động miền núi nhiều năm và nghề võ chân truyền. Được Đăm M'Thông che chở với lớp vỏ bọc kỹ lưỡng, ông trụ được ở xã Lát, dạy võ cho vài tên sĩ quan có máu mặt, được chúng gọi bằng sư phụ, thế là an toàn. Không tên nào biết ông có thằng đệ tử ruột nhỏ tí tên Chil Sơn. Cái thằng có nghề từ trong máu, lên bốn mà ngỡ là bảy, tám tuổi. Học năm năm, mới lên chín, tài nghệ ngang nhất đẳng. Học thêm một năm, ông hết vốn truyền, nó từ giã ông đi theo con đường ông vạch ra cho nó, nửa năm sau trở thành vệ sĩ ngầm cho Trần Dụng... Ông Thường trở mình, mắt hướng ra bên ngoài, sắp nửa đêm rồi, không biết "họ" đã gặp nhau chưa? Ông nhẹ thở ra, nghĩ về nhiệm vụ chung và cái riêng trong mỗi người. Sơn Dương! Con cứng đầu hơn cả cha con hồi ấy, nhưng xưa cha con không hề làm mẹ con buồn khổ như con làm khổ K'lan bây giờ. Nhanh lên, xong cái chung phải nhớ đến niềm riêng, đừng để K'Lan héo úa như đóa Thạch Phong Lan trên đỉnh Lang-Brian năm nào, và nhớ lo chuyện Chil Sơn cho ổn thỏa. Ông Thường bật dậy khi điện thoại reo. Ông cầm máy và nhìn đồng hồ. - Anh Thường, em đây. - Báo cáo tôi nghe. - Anh cho em xin hai tiếng báo cáo - Người đầu dây nói vẻ khổ sở - Anh giúp tụi em nhiều đến vậy, lúc nãy, cục trưởng vừa điện đến trách em không lo cho anh.. - Báo cáo đồng chí, với tôi, người vui sống là được làm việc, đồng chí cho biết có chuyện gì? - Em muốn hỏi anh vài nhận xét về Phong. Thiên nói rằng, nó đi vào con đường Chil Sơn đã đi. - Không như thế, không thể hoàn thành tâm nguyện của nó vì Chil Sơn. - Em đã hoàn tất hồ sơ giải án cho Chil Sơn. - Đồng chí có biết vì sao đi Anh về, nó mới đồng ý nhận chức giám đốc không? - Chẳng lẽ nó biết được điều gì em chưa biết? - Đồng chí hãy hỏi nó. - Em không gọi nó được, Thiên cũng không biết. - Tôi cũng không biết - Ông Thường thản nhiên - Nó về, tôi sẽ gọi cho ông. - Dạ được. Anh nghỉ nhé. Ông Thường đặt máy, trên gương mặt trầm ngâm thoáng niềm vui. Chức trọng, quyền cao, anh ta vẫn không thay đổi, vẫn nhớ đến ông, người anh, người thầy thuở xưa hoạt động... Trong lúc ấy, hắn đang bên ngoài xã Lát dùng máy cầm tay nói chuyện với ai đó, giữa vòng vây dân quân tự vệ, nghi ngờ... Mười phút sau, vòng người giãn rộng, nhường chỗ cho Long, trưởng công an huyện và ông Minh. Hai nhóm người nhìn nhau lặng lẽ, ông Minh quay sang nói với Long. - Anh tập hợp anh em lại, phổ biến và yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật chuyện này, coi như không có. Rõ chưa? - Rõ. Long và toàn bộ biến mất, còn mỗi ông Minh. Ông dang tay ghì Phong thật chặt, nói nhỏ: - Giỏi lắm. Đăm M'Dương, cháu giỏi lắm. Đến lúc này, Bình Minh mới hoàn hồn. Jean, Pierre thở phào. Thật, họ là người quen đối đầu với mọi hiểm nguy, chuyện sống chết chẳng màng, nhưng tình huống này chiến đấu hay bó tay đều lãng xẹt, chưa kể Bình Minh đang run rẩy. Và lần đầu tiên trong đời Pierre đổ cáu. - Hay chưa! Chĩa súng vào đầu chiến hữu. Này! An ninh các ông sau hai mươi năm vẫn tồi tệ lắm sao? Ông Minh cười, thật khó nói cho họ hiểu hết về cái xã nhỏ bé nhưng rất lớn này. Phong cũng cười, nói: - Pierre! Cậu dư thời gian để hiểu. Chú Minh, tôi giao họ cho chú đến năm giờ sáng mai, để họ nói rõ với chú Sơn mọi việc. - Sau đó, ta gặp nhau tại đâu? - Nhà tôi - Ông Minh nghiêm mặt - Nhớ ghé thăm K'Lan đấy và lựa lời nói với cha cháu. Hắn chẳng buồn trả lời, biến mất sau rẩy cà phê xanh um rì rào trong gió đêm. Hắn nhanh như sóc chạy qua suốt mấy rẫy cà phê băng qua hai con đường đất đỏ, một nhánh suối hẹp, vào căn nhà sàn khang trang cuối xã nằm sát chân đồi. Khoảng một giờ sau hắn trở ra, tiễn hắn là người đàn ông cao to sừng sững, ở trần, khuôn ngực rộng nâu bóng, gương mặt không có tuổi, đẹp, thô cứng như pho tượng đá thần Ấn Độ. Họ ôm nhau không nói một lời, rồi hắn lại đi, dọc theo nhánh suối, đến ngồi trên tảng đá bên bờ, hái lá đưa lên môi làm kèn thổi. Hắn thổi mãi, cho tới khi tai lắng nghe được tiếng chân quan thuộc chạy dồn dập đến gần. Nàng hiện ra, váy áo xốc xếch, tóc rối, môi run và ánh mắt ngập tràn bóng nước. Hắn nhảy từ tăng đá xuống, thoắt một chớp mắt, đã ôm gọn nàng trong vòng tay mạnh mẽ, siết cứng, chặt hơn, quấn quýt hai thân thể vào nhau, miệng gầm gừ tiếng gọi từ lâu ghìm nén: - Ôi, K'Lan! Cô không nói, vòng tay quấn quýt trên cổ hắn, đầu nép chặt vào khuôn ngực phanh cúc áo, để mặc đôi dòng nước mắt chảy đẫm ướt da thịt hắn. Hắn rùng mình, siết nàng chặt hơn, cúi xuống, cằm tựa trên đỉnh đầu nàng, im lặng, nhẹ nhẹ dùng đôi tay đu đưa tấm thân tròn lẳn, giờ đã gầy đi vì thương nhớ của nàng. Họ đứng mãi, không nói một lời. Tình yêu họ qua bao tháng năm chỉ cần nhìn nhau đã hiểu, không cần lời nói, như ngày xưa vậy... Thuở đó, hắn mười sáu nàng mới mười ba. Chơi với nhau từ thuở bé, nàng chưa lúc nào thấy hắn nhìn bằng ánh mắt ấy. Lúc đó, nàng đang tắm, khuôn ngực dậy thì nhô cao, tròn trỉnh như đôi đỉnh Lang-Brian sừng sững. Gặp ánh mắt hắn, nàng bủn rủn, lập cập choàng áo vào người, tóc bết ướt sũng, chân trần, chạy mãi đến bờ suối. Hắn đã ở đó tự lúc nào, bộ đồng phục nhà trường ngoài thành phố, hắn vứt bên bờ, mặc trong người bộ lễ phục người K'Ho ngày hội. Hắn dang tay, nàng lao ngay vào, thổn thức để rồi chơi vơi khi đôi tay hắn vuốt ve. - K'Lan! Đi săn cùng Sơn Dương nhé! Nàng lịm người trong tay hắn, bừng mở mắt. - Chưa nói chú Sơn. - Ta về nói, chú đồng ý thôi mà. Nàng tươi lên như đóa Phong Lan hé nụ, cuống quýt: - K'Lan mới mười mấy mà. Hắn cười phá, tiếng cười vang dội núi rừng: - Sơn Dương đợi em hai mươi mới làm chồng, giờ đi săn trên đỉnh Lang-Brian, Sơn Dương muốn có quà tặng K'Lan làm lễ ước thề. Hắn cùng nàng leo suối ba ngày trên ngọn Lang-Brian. Săn được con gì lớn, hắn huýt tù và, đội săn xã Lát theo lên đưa xuống. Chiều ngày cuối cùng, cả hai rời núi, hắn vác trên vai con hươu sao to và mấy bụi Phong Lan hái tận đỉnh núi cao. Nàng xách nhím và chồn hương, còn nghêu ngao hát một bài tình cả miền xuôi chọc hắn cười. Số thú săn được hắn chia toàn xã, chỉ giữ lại bộ da hươu sao đẹp tuyệt và mấy bụi Phong Lan hiếm quí tặng nàng. Vậy là cả Lạc Dương, biết chúa Lang-Brian chọn K'Lan chờ cưới, dân xã Lát mở hội mừng cả đêm, trong khi cả hai tắm cho nhau dưới dòng suối bên chân núi Lang-Brian. Lúc chải tóc cho nàng bằng đôi bàn tay, hắn hỏi: - Đi suốt ba ngày, K'Lan mệt không? - Bên M'Dương không mệt đâu. Hắn cười bằng mắt, bồng nàng đặt lên đùi, tư lự một chút rồi nói: - Cưới Sơn Dương, K'Lan phải sống, học tập, làm việc và chịu đựng nhớ thương nhiều, phải có sức khỏe hơn bây giờ, làm được không? - Được! - Nàng quả quyết nói - K'Lan thương chúa Lang-Brian, biết phải sống thế nào. - Sơn Dương đi học nước ngoài - Hắn thố lộ - không gặp nhau bốn năm, nhưng sẽ không quên lời thề hôm nay. K'Lan tin không? - Tin. Nhưng đi nước ngoài xa quá. - Vì là chúa Lang-Brian, là người K'Ho, Sơn Dương phải đi, người K'Ho phải giàu, sung sướng, nước nhà mới mạnh. - Đi liền ư? - K'Lan hốt hoảng. - Một năm nữa cơ - Hắn cười hỏi nhỏ - K'Lan biết hôn không? Nàng lắc đầu, không chút thẹn thùng hỏi lại: - Hôn để Sơn Dương đi xa nhớ K'Lan ư? Hắn gật đầu. K'Lan ngả vào hắn dịu dàng. - Sơn Dương bày K'Lan đi. Té ra hắn cũng chưa hôn bao giờ, chỉ thấy ở phim và hắn quyết định. - Ta sẽ hôn nhau khi em mười tám tuổi. - Lâu quá, Sơn Dương quên K'Lan mất. - Không quên. K'Lan đi với Sơn Dương mà. Hắn chất đống lửa bên bờ suối, vẽ chân dung K'Lan bằng bút sắt. Bức chân dung hoàn thành, hắn đưa nàng về dự hội mừng, trên đôi tay cứng như thép, nồng nàn quấn quýt như rắn mùa giao hoan... Và bức chân dung nàng bên hắn suốt mấy năm ở nước ngoài. - K'Lan hỏi tai sao đi. - Hắn nói thì thầm bên nàng, tay vẫn quấn chặt, đu đưa nhẹ nhẹ. Nàng không còn khóc, ngước lên nhìn hắn. - K'Lan không biết Sơn Dương muốn nói sẽ nói. K'Lan muốn hỏi điều kia. - Điều gì? - Hôm K'Lan đi phỏng vấn ở Cao Nguyên Xanh, Sơn Dương có đó phải không? - Sao K'Lan hỏi vậy? - Suốt hôm ấy và mấy hôm sau nữa, K'Lan biết Sơn Dương ở bên K'Lan mà không tìm thấy. - K'Lan nhớ ngày Sơn Dương đi nói gì không? - Sơn Dương bảo đừng đi làm, công việc quan trọng nhất là chăm sóc chú Sơn. K'Lan có hứa, nhưng bỗng dưng bồn chồn, linh cảm Sơn Dương đang ở đó gọi K'Lan. Nàng gỡ vòng tay hắn, đến ngồi xuống phiến đá, đăm chiêu nhìn hắn, chậm rãi nói: - Hôm chú Minh đích thân gọi về, K'Lan vụt hiểu Sơn Dương đi tìm vì Chil Sơn - Nàng cúi đầu một lúc rồi ngẩng lên - Vậy Sơn Dương cứ đi, K'Lan hứa sẽ không rời Chil Sơn nữa. Có điều, hai chú cháu phải về thành. K'Lan làm sao chăm sóc Chauquangbòng Thông và mẹ Bình? Hắn đến nhấc bổng nàng đặt lên đùi. Vòng tay qua eo nàng đu đưa, vẫn thì thào như sợ núi rừng nghe. - Cả hai còn sức đâm trâu đó, K'Lan đừng lo. Hai mái đầu sát nhau, má tựa vai kề khiến K'Lan nghe khác lạ. Nàng qua đêm đen chăm chú nhìn mãi hắn, bứt rứt buột miệng: - Đăm M'Dương mùi thành phố không thôi. Và nàng muốn khóc nhớ đến thành phố hoa đèn làm mờ trăng sao, nhớ các cô gái đẹp, thơm lạ kỳ, mắt xanh môi đỏ, cười nói mê hồn như Sơn Ca ngày đó. Hắn hiểu K'Lan, có khi nào đợi nàng nói ra hắn mới biết. Và hắn cũng hiểu nỗi khát khao cả hai dành cho nhau, nhưng bây giờ hắn chưa trở về với bản chất Đăm M'Dương. Thể xác hắn nhớp nhúa, tội lỗi, hắn không muốn làm bẩn nàng, không muốn dòng suối tình vẩn đục. Hắn run lên khiến nàng sợ hãi và hiểu thấu. - Sơn Dương không thích cuộc sống đó ư? Vậy giao cho chú Minh về thôi, đừng ép mình. Hắn lắc mạnh đầu, tự thức tỉnh mình bằng cách hít mạnh mùi tóc, mùi da thịt nàng. Vẫn như xưa, hơi nặng hơn bởi mùi mồ hôi nồng nàn rạo rực lẫn trong mùi da khét nắng. Hắn thì thào đau khổ. - Hãy im lặng. Hãy để anh nhìn thấy em. Hắn cắn chặt môi, đan tay vào tay nàng, nhìn sững mơ màng, lẩm bẩm: - K'Lan nhớ đêm trao vàng bạc không? Em mặc chiếc váy dệt hình Chúa Lang-Brian, hình chẳng giống anh chút nào mà em nói giống. Cả làng bảo anh, em dệt nhất định giống và suốt bốn năm ta luôn bên nhau dù kẻ chân trời người góc biển. Rồi em ngồi đây, thổi kèn lá gọi anh, rồi... - Anh nói em mười tám tuổi, còn anh học được cách hôn người yêu - K'Lan ngồi lên, vẫn trên chân anh, ngực trần nhẹ ép vào ngực anh, đắm đuối, mơ màng. Làm sao nàng quên được đêm thiêng liêng ấy, có hồn thiêng Lang-Brian, có cây, lá, suối, hoa chứng kiến họ trao tình. Chàng trai K'Ho hai mốt tuổi, được gọi là Chúa Tinh Lang-Brian, là Chauquabòng (tộc trưởng) tương lai. Người đàn ông đẹp nhất tộc, dũng mãnh nhất, thông minh nhất, với dáng cao sừng sững, tóc quắn, da ngâm, ánh mắt, nụ cười biết nói đã ôm nàng trong tay, lối ôm chặt chỉ có chàng mới có, lăng sát vào, cả hai thành một, hòa nhập từ linh hồn đến thể xác với ham muốn rất người. Mắt môi gặp nhau rồi đắm đuối, mê man, quên hết thời gian, đất trời. Chỉ một nụ hôn, nàng đã biết suốt đời này hay dù có kiếp mai sau, nàng chỉ yêu mỗi mình chàng. Ôi! Chúa Tinh Lang-Brian, vị Chúa tể trong con tim K'Lan... Nàng thổn thức: - K'Lan muốn cưới Sơn Dương, ưng được Sơn Dương hôn, vui hát "đớt lơn, đớt cho" (hát dân ca) với Sơn Dương và nhôrơnầm (uống rượu cần) cùng Sơn Dương. - Sơn Dương cũng muốn. - Hắn thở hào hển, buột miệng rên lên, quấn siết nàng cúi xuống. Nàng mở to mắt, rạng rỡ đón chờ.. Và ngỡ ngàng thấy hắn run lên, cứng người, ánh mắt tối sầm, mặt nhăn nhúm tràn ngập niềm thống khổ. K'Lan kêu lên: - Sơn Dương! Anh làm sao vậy? Hắn nhấc bổng nàng đặt qua phiến đá, đứng bật dậy, đôi tay khum lại ở miệng định hú lên, tiếng hú sẽ rền vang, làm rung chuyển núi rừng, tiếng hú của Chúa Tinh Lang-Brian. Nghe tiếng hú người K'Ho hiểu được hắn đang vui hay buồn, nhưng hắn sựng lại, từ từ buông thõng hai tay, nhìn nàng bất lực, buồn bã nói: - Anh chưa hoàn thành lời thề với Chil Sơn, anh không thể để ai biết sự trở về của anh. Để Chil Sơn trở lại là Chil Sơn ngày trước, anh phải tự mình nhơ nhuốc. K'Lan! Hãy đợi Đăm M'Dương trở về, thật trong sạch, hắn mới được quyền ôm em vào lòng, hôn em, mớm nhôrơnầm. Nàng hiểu, bây giờ đã hiểu. Nàng kiêu hãnh và xót xa. Họ lặng nhìn nhau từ khoảng cách vô định, rồi nàng vụt rạng lên nụ cười. - Mình được bên nhau tới rạng sáng phải không? - Năm giờ, anh phải làm việc với chú Minh. Nàng cài lại nút áo, đi đến bên hắn. - K'Lan muốn ngủ, Sơn Dương ru nhé. - Hát thầm thôi. - Hắn tươi lên, đón tay nàng trong tay, bồng xốc lên sải từng bước dài đến thảm cỏ ven triền suối. Nàng ngả đầu lên vai hắn, đôi tay luồn vào thân hắn ôm chặt, nhắm mắt khẽ nói: - Hát "đớt lơn, đớt cho" đi Sơn Dương. Nửa đêm còn lại, hắn ru ngủ nàng bằng những bài ca dân tộc K'Ho, sưởi ấm nàng bằng lửa tình thân xác, con tim hắn, và nghe hạnh phúc réo gọi mạnh như tiếng rền của dòng thác Datanla ngàn xưa. Dòng xác chứng nhân chàng dũng sĩ Lang, thắng hai rắn tinh, bẩy chó sói, cứu nàng Brian thoát nạn, kết thành tình yêu.