Dịch giả Trần Đình Hiến
Chương 30

Năm 404, Nguỵ Văn Đế soái lĩnh quý tộc, văn bõ bá quan, 20 vạn lính Tiên Ti, từ Bình Thành dời đô về Lạc Dương. Những người này cùng với gia thuộc không dưới một triệu người.
Thời kỳ Tuỳ Đường, tộc Hán cư trú lưu vực Hoàng Hà, thực tế là tộc Hán được hình thành từ sự pha trộn giữa các tộc lạc hậu phương bắc và tây bắc với tộc Hán từ thời Mười Sáu nước. 
 Phạm Văn Lan “Trung Quốc thông sử giản biên”. Đệ nhị biên
 
Chu tử ngữ loại 116 lịch đại loại 3, chép: Đường xuất xứ từ Di Dịch, vậy nên không lấy làm lạ khi có chuyện loạn luân chốn phòng the.
Trần Tân Lạc “Đường đại chính trị sử thuật luận cảo”
 
Trận mưa thu lành lạnh kết thúc đột ngột mùa hạ trên cao nguyên Nội Mông, và cũng làm bị thương đàn muỗi dữ như sói trên thảo nguyên. Trần Trận lặng ngắm thảo nguyên Ơlôn hiu quạnh, cậu hiểu nguyên nhân vì sao sói và muỗi thảo nguyên điên cuồng đến thế. Thảo nguyên mùa hè ngắn, mùa thu lại càng ngắn, qua mùa thu là mùa đông dài hơn nửa năm, là mùa chết chóc của những động vật không ngủ đông, ngay cả lũ muỗi dù đã chui vào hang rái cá cạn, cũng chết quá nửa. Sói thảo nguyên không có mỡ và bộ lông dày cũng không thể sống qua mùa đông. Cái rét khủng khiếp của mùa đông tiêu diệt phần lớn những con sói gầy, già, bệnh tật hoặc bị thương. Vì vậy đàn muỗi tranh thủ hút máu như điên, ra sức cứu vãn mạng sống của chúng trong mùa sinh trưởng ngắn ngủi này; còn đàn sói phải đổi mạng lấy cái ăn để sống qua mùa đông rét buốt và mùa xuân đói khát.
Lều Trần Trận được chia một con ngựa choai chỉ còn lại hai chân trước và nội tạng đã có mùi. Sói con lại có những ngày tươi sáng cơm no áo ấm. Số thịt này ăn được mấy ngày nữa. Cái mũi mách bảo sói con: Trong nhà có thịt dự trữ. Vì vậy trong những ngày này sói con rất vui. Nó thích ăn thịt tươi nhưng cũng không chê thịt ôi, thậm chí nuốt cả những con giòi trong thịt một cách ngon lành. Cao Kiện Trung phải kêu lên: Sói con đúng là cái thùng rác, lều chúng mình có bao nhiêu rác rưởi đều trút hết vào đấy.
Điều kinh dị là bất kể thức ân hư hỏng thối rữa, sói con ăn vào đều không bị bệnh. Trần Trận và Dương Khắc vô cùng khâm phục khả năng chịu rét, chịu nóng, chịu đói, chịu khát, chịu thối, chịu bẩn và miễn dịch của sói con, vật chủng tinh tuyển sau ngàn vạn năm trong hoàn cảnh khắc nghiệt khiến người ta cảm động, tiếc rằng Đác Uyn chưa đến thảo nguyên Ơlôn Nội Mông, nếu đến, ông sẽ mê tít sói thảo nguyên, và chắc chắn sẽ có thêm một chương trong sách của ông.
Sói con lớn rất nhanh, càng lớn càng đẹp mã, càng giống sói hoang trên thảo nguyên. Trần Trận thay cho nó sợi xích dài hơn, cậu còn định đổi tên, gọi nó là “sói lớn”, nhưng sói con chỉ tiếp nhận cái tên “sói con”, nghe Trần Trận gọi “sói con”, nó vui vẻ chạy tới liếm tay, cọ mõm vào đầu gối, chồm lên bụng. Lại còn nằm ngửa dưới đất bốn vó chổng lên trời cho cậu gãi bụng. Nhưng nếu gọi “sói lớn” nó làm như không nghe thấy, lại còn nhìn trước nhìn sau như gọi “người khác” chứ không phải nó. Trần Trận cười, nói: Mày đến là ngốc! Sau này già rồi chẳng lẽ vẫn gọi là “sói con” sao? Sói con thè nửa lưỡi cười ngờ nghệch.
Trần Trận thích từng bộ phận trên người sói con, thời gian dài gần đây cậu thích nghịch tai con sói, đôi tai thẳng tưng, rắn chắc, sạch sẽ, hoàn hảo và mẫn cảm, là bộ phận hoàn thành sớm nhất tai sói tiêu chuẩn so với các bộ phận khác, hoàn toàn giống tai sói lớn. Sói con ngày càng có cảm giác tự thân theo bản năng sói thảo nguyên. Trần Trận ngồi xếp bằng tròn trước sói con để chơi với nó. Cậu rất muốn nghich tai nó, nhưng hình như phải có điều kiện di truyền từ giới sói, là phải gãi cuống tai, cổ, toàn thân cho đã ngứa rồi mới được nghịch tai. Trần Trận thích gập tai sói về phía sau rồi buông tay, cái tai bật thẳng trở lại như cũ. Nếu gập cả hai tai và cùng lúc buông tay, hai tai không cùng trở lại, mà một trước một sau phát ra tiếng “phựt!”, có lúc chính sói con giật mình tưởng có địch.
Đôi tai oai phong lẫm liệt, trừ Nhị Lang, tất cả chó trong nhà đều hâm mộ, ghen tị, thậm chí hằn học. Trần Trận không rõ cái phần sụn trong tai của sói và chó có chứa đựng “khí phách” gì không? Tổ tiên chó cũng như tổ tiên sói, đôi tai giống nhau, thẳng đuột. Có lẽ về sau, khi chó đã bị người thuần dưỡng, lá tai mới gập xuống một nửa che lỗ tai, nên chó không thích tai bằng sói. Cũng có thể người xưa không thích thói hoang dã nên thường xuyên xoắn tai chó, thậm chí xách tai mà dạy bảo, dần dà tai chó mềm ra cùng với “khí phách” chó lộ ra, cuối cùng chó trở thành nô bộc gọi dạ bảo vâng của loài người. Mã quan Mông Cổ luyện ngựa thường nắm hai tai vít đầu ngựa xuống mới đặt được yên nhảy lên cưỡi. Các bà vợ địa chủ Trung Quốc cũng rất thích bẹo tai a hoàn. Một khi đã bị người ta bẹo tai, thân phận nô bộc đã được xác nhận.
Cái tai con sói khiến Trần Trận nhận ra quan hệ mật thiết giữa tai và thân phận con người. Thí dụ, dân tộc mạnh thường thích bẹo tai dân tộc không mạnh; dân tộc không mạnh lắm thường thích bẹo tai dân tộc yếu; dân tộc du mục dùng phương thức “xách tai bò”, xoắn tai bò rừng, ngựa hoang, cừu hoang và chó hoang, biến chúng thành nô lê, nô bộc. Về sau, dân tộc du mục nào mạnh áp dụng kinh nghiệm đó đối với các bộ tộc và dân tộc khác, bẹo tai các dân tộc bị mất đất; các tập đoàn chiếm địa vị thống trị bẹo tai các dân tộc bị trị. Vậy là thế giới loài người xuất hiện quan hệ giữa “kẻ chăn dê” và “đàn dê”. Lưu Bị là “kẻ chăn dắt Từ châu” (Từ châu Mục), dân Từ châu là “Đàn dê Từ châu” (Từ châu Dương). Dân tộc bị tập đoàn thống trị bẹo tai sớm nhất thế giới là dân tộc nông canh. Cho đến nay, “xách tai bò” vẫn được cá nhân và các tập đoàn ngưỡng mộ, vẫn còn được ghi trong từ điển. Đây là di sản của tổ tiên du mục Hán tộc truyền lại cho con cháu, tuy nhiên từ sau Bắc Tống, tộc Hán không ngừng bị người ta “xách tai”. Đến nay, về mặt văn tự, từ “xách tai bò” vẫn còn, nhưng tinh thần thì đã mất. Dân tộc hiện đại không nên chinh phục và áp bức dân tộc khác, nhưng nếu không có tinh thần “xách tai bò” thì chưa chắc đã bảo vệ được “tai” mình.
Những ngày này, Trần Trận luôn theo dõi những cột bụi bốc lên sau xe com măng ca của binh đoàn mà thấy tinh thần bị tổn thương. Cậu là người Hán đầu tiên cũng là người Hán cuối cùng sống và khảo sát trên thực địa về du mục nguyên thuỷ trên thảo nguyên Nội Mông liền kề biên giới. Cậu không phải dân phóng viên chuồn chuồn điểm nước hoặc kẻ tham quan, cậu có một thân phận rất đáng tự hào: Dương quan (người chăn cừu). Cậu may mắn có một địa điểm rất đáng khảo sát: Mục trường Ơlôn, một vùng sâu vùng xa trên thảo nguyên, còn sót lại rất nhiều đàn sói lớn. Cậu đích thân nuôi một sói con bắt từ hang sói đem về. Cậu ghi nhớ tất cả những gì đã khảo sát và suy ngẫm, dù chỉ là chi tiết nhỏ. Sau này, cậu sẽ kể lại rất nhiều lần cho bạn bè và người thân, cho đến khi cậu từ biệt thế giới này. Tiếc rằng đám con cháu Viêm Hoàng rời đất tổ thảo nguyên đã quá lâu, cuộc sống du mục cổ kính nguyên thuỷ trên thảo nguyên lại sắp nhanh chóng kết thúc, từ nay người Trung Quốc không còn được về thăm đất tổ còn nguyên vẹn bộ mặt để thăm viến các cụ tổ nữa rồi…
Trần Trận vuốt ve tai sói con rất lâu. Cậu thích đôi tai của sói con, vì nó là đôi tai duy nhất được bảo tồn hoàn chỉnh. Hai năm nay, cậu từng trông thấy tai sói ở cự li gần, tai sói chết, tai sói đã lột da, và cả tai trên da sói lộn ống, tất cả đều khiếm khuyết, có tai như con tem bưu điện, mép rách bươm, có tai không chop nhọn, có cặp tai một dài một ngắn, có tai xẻ đôi hoặc xẻ ba, có tai cụt tận gốc… Càng già càng hung hăng, tai càng khó coi. Trần Trận nhớ không có cặp tai sói nào còn nguyên vẹn, cậu chợt hiểu ra, trên thảo nguyên tàn khốc, những cái tai sứt mẻ mới là “tai sói tiêu chuẩn”.
Vậy cặp tai hoàn chỉnh không sứt sẹo này có phải “tai sói tiêu chuẩn”? Trần Trận hơi buồn. Cậu chợt nhận ra rằng, “hoàn chỉnh không khiếm khuyết” mới chính là khiếm khuyết lớn nhất của sói con. Sói là võ sĩ giác đấu trên thảo nguyên. Cuộc sống tự do ngoan cường của sói là dựa vào những cuộc quyết đấu sinh tử với ngựa giống hung hãn, với chó săn khoẻ mạnh, với những đàn sói từ đâu tới và với những thợ săn dũng mãnh, mà tồn tại. Chưa trải qua chiến đấu, chỉ dựa vào đôi tai bóng bẫy mà sống thì có thể coi là sói được không? Trần Trận cảm thấy mình tàn nhẫn, cậu đã tước đoạt sinh mạng dũng sĩ của sói thảo nguyên, khiến nó trở thành chỉ có tai sói mà không có mạng sói, một tội đồ không bằng con chó.
Có nên lẳng lặng thả sói ra? Trả về thảo nguyên tàn khốc nhưng tự do, trả lại mạng sói cho nó. Từ khi cậu dùng kìm đầu hổ cắt bỏ đầu nhọn của bốn răng nanh, con sói đã mất vũ khí sinh tồn trên thảo nguyên. Bốn răng nhọn sắc như mũi dùi, giờ đã mài tròn chỉ còn là những chiếc răng cùn như bốn hạt đậu vằn, răng chó cũng không giống. Trần Trận càng đau lòng hơn, là khi cắt răng tuy chưa chạm tuỷ nhưng một chiếc răng bị rạn, một vết nứt bằng sợi chỉ vào tới tuỷ, ít lâu sau, cậu thấy vết rạn có màu đen như răng sói già. Về sau, mỗi khi nhìn chiếc răng, Trần Trận lại thấy trong lòng đau nhói, có lẽ chỉ năm nữa là cùng, chiếc răng sẽ rụng. Răng là sinh mạng của sói thảo nguyên, nếu chỉ còn ba chiếc răng, ăn thức ăn còn khó, nói gì đến săn mồi. Cùng với thời gian, Trần Trận ngày càng thấy hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong hành vi sơ suất ban đầu- ngay cả sau này cậu cũng không thể trả sói về thảo nguyên, cậu cũng không thể tới vùng sâu vùng xa của thảo nguyên thăm bạn “sói con”. Ảo tưởng lãng mạn của cậu đã bị một cuộc phẫu thuật nhỏ cắt đứt hoàn toàn, đồng thời cũng chặn đứng tự do của một con sói ưu tú và đáng yêu. Huống hồ được nuôi lâu ngày, kinh nghiệm thực tiễn thảo nguyên không có, đàn sói Ơlôn sẽ coi sói con là “dân ngụ cư”, cắn chết không thương tiếc. Tháng trước, trong cái đêm sói mẹ gọi sói con, cậu đã không thả sói con, chuyện ấy đến bây giờ cậu vẫn áy náy. Cậu cảm thấy mình không phải là một nhà nghiên cứu khoa học thực thụ. Ảo tưởng và tình cảm khiến cậu căm ghét “nghiên cứu khoa học”. Sói con không phải chuột bạch cung cấp cho nghiên cứu khoa học, sói con là bạn và là thầy của cậu.
o0o
Mọi người trên thảo nguyên thấp thỏm đợi chờ binh đoàn sản xuất xây dựng Nội Mông. Thư lien danh của các ông Pilich, Ulichi và một số mục dân đã có tác dụng: Binh đoàn quyết định thảo nguyên Ơlôn vẫn chăn thả là chính, mục trường Baolicơ chuyển thành nghiệp đoàn, chăn nuôi là chính kiêm nông nghiệp. Phần lớn các mục trường khác đều chuyển thành Nông nghiệp đoàn. Lưu vực Mã câu tử- vùng sản xuất ngựa chiến Chumuxin nổi tiếng của Mông Cổ sẽ trở thành một nông trường lớn; một số mục trường chuyển thành mục đoàn nửa làm ruộng nửa chăn nuôi.
Kế hoạch hùng vĩ của binh đoàn đã lan tới thảo nguyên Ơlôn. Tư tưởng chủ đạo là sớm kết thúc phương thức sản xuất du mục lạc hậu kéo dài hàng ngàn năm trên thảo nguyên, xây dựng hàng loạt những điểm định cư lớn. Binh đoàn sẽ đầu tư vốn, thiết bị, đội xây dựng, sẽ xây nhà ngói cho mục dân, xây chuồng bê tông cho gia súc, khoan giếng máy, làm đường trải nhựa, xây trường học, bệnh viện, nhà bưu điện, hội trường, cửa hàng bách hoá, rạp chiếu bóng… Khai khẩn đất hoang thích đáng, trồng cỏ, trồng cây lương thực, trồng nấm, trồng rau, thành lập đội cắt cỏ cơ giới, đội vận tải và trạm máy kéo. Phải tận diệt sói, bệnh tật, côn trùng và chuột bọ. Phải ra sức phòng chống năm hại: tuyết, lũ lụt, hạn, gió, cháy đồng, muỗi… Để cho mục dân khổ cực hàng ngàn năm nay từng bước đi lên cuộc sống định cư ấm no hạnh phúc.
Các thanh niên trí thức, thanh niên mục dân, đa số phụ nữ và trẻ em đều mong đợi binh đoàn sớm thực hiện viễn cảnh tốt đẹp mà cán bộ binh đoàn và Bao Thuận Quý đã miêu tả. Nhưng phần lớn mục dân cao tuổi và trung niên im lặng không nói gì. Trần Trận đi hỏi ông Pilich. Ông già thở dài, nói: Mục dân từ lâu mong tre con có trường học, khám bệnh thì không cần dùng xe bò xe ngựa chở lên bệnh viện Kỳ (huyện). Ơlôn không có bệnh viện, chết mất bao nhiều người không đáng chết. Nhưng thảo nguyên thì như thế nào? Cỏ thưa lắm rồi, quá tải so với đàn gia súc. Thảo nguyên như cỗ xe bò, chỉ cáng đáng được bấy nhiêu gia súc, nếu thêm bấy nhiêu người và máy móc, e rằng cỗ xe thảo nguyên sẽ bị lật. Thảo nguyên lật xe, người Hán các cậu trở về quê cũ, nhưng mục dân thì đi đâu?
Trần Trận lo nhất là đàn sói sẽ như thế náo? Người khu vực nông nghiệp đến đây, thiên nga cái nhạn vịt trời bị giết thịt, số còn lại bỏ đi hết. Còn sói thảo nguyên thì không phải loài chim di cư, đàn sói thảo nguyên đời đời kiếp kiếp sống tại Ơlôn, chẳng lẽ bị tận diệt hoặc đuổi sang nước khác? Cao nguyên Ngoại Mông cỏ ít, người và gia súc ít, những con sói nghèo ở đây hung dữ gấp mấy những con sói giàu ở đây. Đến đó, chúng bị khinh rẻ, cho là “dân ngụ cư”. Trần Trận không ngờ thấy ngày mạt vận của sói thảo nguyên đã tới gần, mà công việc khảo sát và nghiên cứu của cậu thì mới bắt đầu…
Chạng vạng tối, Dương Khấc dồn cừu vào một địa điểm cách khu lêu bạt ba dặm, đối diện với cửa lều các cậu, rồi để chúng ở đấy, về nhà uống nước. Sắp chuyển bãi chăn, chuyển nhà, có thể cho cừu ăn cỏ non mới mọc gần nhà.
Dương Khắc múc hai bát trà, nói với Trần Trận: Không ai nghĩ rằng binh đoàn nói đến là đến. Thời bình, mình chúa ghét quân sự hoá sinh hoạt. Khó khăn lắm mới thoát khỏi binh đoàn sản xuất xây dựng Hắc Long giang, không ngờ lại rơi vào tay binh đoàn Nội Mông. Ơlôn từ nay ra sao mình cũng chịu, không thể đoán trước. Chúng ta phải mau chóng làm rõ một số vấn đề của sói thảo nguyên.
Hai người đang nói chuyện. Một con ngựa giao liên men theo con đường xe bò phóng tới như bay kéo theo một dải bụi vàng hơn trăm mét. Trần Trận và Dương Khắc thoạt nhìn đã biết đó là Trương Kế Nguyên đổi ca về nghỉ. Trương Kế Nguyên đã như một mã quan đích thực, có nhiều ngựa tốt, ngựa cưỡi dữ dằn, không tiếc sức ngựa, không giấu vẻ tự hào. Cao Kiện Trung cười giễu: Các cậu xem, tay này đã dụ được các cô Mông Cổ ra khỏi lều, ánh mắt ấy có khác gì đang bị lũ ngựa cái đuổi theo?
Trương Kế Nguyên nói: Các cậu mau ra mà xem mình đem đến cái gì?
Cậu ta cởi cái bọc to lù lù trên lưng ngựa, bên trong chắc là con vật sống đang cựa.
Dương Khắc đón cái bọ, sờ thử, cười: Chẳng lẽ cậu đem đến đây một sói con cho nó phối giống với sói con nhà mình?
Trương Kế Nguyên nói: Bây giờ làm gì có sói con bằng ngần này, cậu cứ mở ra mà xem, cẩn thận kẻo nó chạy mất.
Dương Khắc thận trọng cởi miệng bao, trước tiên thấy đôi tai rất to, bèn nắm lấy lôi ra, thì ra một con thỏ to đùng khoác chiếc áo mùa thu màu vàng sẫm đốm đen, quẫy rất dữ. Con thỏ to bằng con mèo nhà, nặng chừng sáu bảy cân.
Trương Kế Nguyên vừa cột ngựa vừa nói: Tối nay chúng mình ăn một bữa thỏ rôti. Ăn mãi thịt cừu cũng chán
Đang nói thì cách bảy tám thước, sói con thú tính bột phát, chồm tới vồ con thỏ. Nếu không có xích giữ lại, chắc chắn con thỏ đã bị vồ. Sói con chựng lại giữa không trung rồi rớt phịch xuống đất. Nó lộn một vòng rồi đứng ngay dậy, hai chân trước cào không khí, lưỡi thè dài thượt, hai mắt lồi ra, ánh mắt dữ tợn, những muốn nuốt chửng con thỏ.
Đàn chó nhà từng trông thấy con vật này chạy cực nhanh, không bao giờ vồ được. Cũng xúm quanh con thỏ, vẻ tò mò, nhưng không con nào dám nhảy xổ vào cướp.
Trông nét mặt tham lam của sói con, Dương Khắc xách tai con thỏ tiến mấy bước đu đưa con thỏ về phía con sói. Một khi chân trước chộp đúng chân thỏ, sói con lập tức trở thành sói đích thực, mặt đầy sát khí, miệng đỏ lòm, liếm mép liên tục, đồng tử như kim châm, phóng ra những cây kim độc vô hình, trông phát khiếp. Lúc con thỏ đưa về phía Dương Khắc, sói con giận dữ nhìn người và chó, ranh giới giữa người và sói bỗng chốc trở nên minh bạch, tình hữu nghị và tình cảm thân thiện bên nhau trong mấy tháng trời tan biến. Trong con mắt sói con, Trần Trận, Dương Khắc và Nhị Lang vốn rất yêu nó, đều trở thành kẻ thù.
Dương Khắc sợ, vô hình chung lùi lại mấy bước. Bình tĩnh lại, cậu đề nghị: Mình đề nghị thế này, sóii con lớn bằng ngần này nhưng chưa bao giờ bắt được con mồi sống, chúng mình cho nó thoả mãn tính thiên bẩm một tí. Mình tuyên bố thôi món rôti, cho sói ăn thịt con thỏ, chúng mình chứng kiến sói tính trong cự li gần.
Trần Trận mừng quá, lập tức hưởng ứng: Thịt thỏ không ngon, phải nấu với gà đồng mới ăn được. Sói con gác đêm cả một mùa hè, không để sói bắt mất con cừu nào, nên khen thưởng!
Cao Kiện Trung nói: Sói con không chỉ gác đêm, mà còn trông cả đàn bê, mình bỏ phiếu tàn thành.
Trương Kế Nguyên nuốt nước bọt, chấp thuận bất đắc dĩ: ừ thì thế, mình cũng muốn xem sói con nhà mình có sói tính hay không?
Bốn người vui hẳn lên. Thú tính ẩn sâu trong tâm khảm nhân loại, sự tàn nhẫn dã man khi thích xem đấu với thú dữ trên đấu trường La Mã cổ đại và cái cớ chính đáng hợp lý cùng lúc thả nổi, bộc lộ hết ra. Một con thỏ khoẻ mạnh, một sinh mạng thảo nguyên sống sót qua những cuộc vây bắt, truy sát của sói, chim ưng, cáo, cáo sa mạc và chó săn, đã bị bốn thanh niên trí thức Bắc Kinh phủ quyết dễ dàng. Được cái thỏ còn cái tội phá hoại thảo nguyên, tội đào hang để ngựa vấp ngã, phán tội chết cũng không có gì phân vân. Bốn người bắt đầu thảo luận thể thức đấu thú.
Trên thảo nguyên không có gì che chắn, chẳng mượn được chỗ nào làm đấu trường, mọi người rất tiếc không được xem sói con đuổi theo con thỏ. Cuối cùng, bốn người quyết định buộc riêng rẽ từng cặp chân trước với chân sau, để thỏ có thể nhảy mà không chạy mất.
Rõ rang đây là con thỏ dạn dày kinh nghiệm trong cuộc thử thách khắc nghiệt để mưu sinh. Dương Khắc trong khi buộc chân đã bị con thỏ đạp cho một phát, con thỏ có bộ vuốt sắc để đào hang, mu bàn tay Dương Khắc bị cào mấy vệt rất sâu, chảy máu. Cậu ta hít hà, nói: Người ta bảo thỏ khùng cắn người, không ngờ vuốt thỏ lại sắc như thế. Ghê thật, mi đừng vội lên mặt, lát nữa tao sẽ cho sói con lột da mi. Trần Trận vội chạy vào trong lều lấy bạch thược Vân Nam và bông băng, bôi thuốc băng bó cho Dương Khắc.
Bốn người cùng ra tay, chật vật mãi mới buộc xong, con thỏ nằm yên bất động, nhưng ánh mắt thì rất giảo hoạt. Trương Kế Nguyên vạch cái miệng ba múi của con thỏ, xem xét một lúc, nói: Các cậu xem, con thỏ này rất già, răng vàng khè. Các ông chủ xe thường bảo: “Người già gian ngoan, ngựa già láu cá, thỏ già chim ưng khó bắt”. Thỏ già đáng gờm, không khéo sói con ăn đòn.
Trần Trận ngoái lại hỏi Trương Kế Nguyên: Vì sao thỏ già chim ưng khó bắt?
Trương Kế Nguyên nói: Chim ưng bổ nhào từ trên không xuống, chân trái chộp mông thỏ, thỏ bị đau quay mình lại, chân phải chim ưng được đà chộp luôn lưng, vậy là con thỏ khó thoát. Chim ưng giữ chắc thỏ rồi vút lên cao thả xuống cho thỏ bị đập chết rồi mới tha lên đỉnh núi ăn. Nhưng gặp con thỏ già, chim ưng không dễ dàng hạ thủ. Khi bị chộp mông, thỏ già nhịn đau không quay mình lại mà rúc luôn vào bụi thanh khoả hoặc liễu đỏ. Chính mắt mình trông thấy con thỏ cùng chim ưng chui vào đám đất mọc đầy hồng liễu gai góc rậm rịt, chim ưng bị kẹt lông, đau quá phả nhả con thỏ ra. Ủ rũ như gà chọi bật sới, chim ưng phải nghỉ hồi lâu mới bay đi…
Dương Khắc nghe xong mắt tròn mắt dẹt, nói: Vậy ta phải tính kỹ!
Trần Trận nói: Cứ quẳng con thỏ cho sói con, một bên là thỏ già mưu mẹo giảo hoạt, một bên là sói con trẻ tuổi vô tư răng sứt mẻ. Cuộc đấu mà một bên buộc chân, một bên mắc xích mình thấy không công bằng.
Dương Khắc nói: chúng mình đều đã đọc “Xpáctác”, nên theo quy tắc đẫu trường La Mã, nếu thỏ thắng, ta trả tự do cho thỏ.
Ba người đồng thanh: Được.
Dương Khắc nói riêng với thỏ: Ai bảo mày đào nhiều hang, huỷ hoại nhiều thảm cỏ! Xin lỗi nhé! Lại quay sang nói với sói con: Sói con ăn cơm! Sói con ăn cơm! Nói xong, quẳng con thỏ vào chuồng. Vừa rơi xuống đất, con thỏ vùng ngay dậy nhảy tưng tưng. Sói con xông tới nhưng không biết cắn vào chỗ nào. Nó dung chân trước gạt con thỏ ngã xuống, nhưng vừa chạm đất con thỏ rúm người lại thành một cục có vẻ sợ, ngực phập phồng, toàn thân run bắn, nhưng hai mắt nó thì vô cùng điềm tĩnh quan sát từng cử động của sói con. Hắn là con thỏ này đã từng đào thoát khoie sói và chim ưng nhiều lần.
Con thỏ dưới cái vỏ bọc run như cấy sấy, tiếp tục co rúm người lại, co nữa, co nữa, cuối cùng như một “nắm đấm”, sau đó co vuốt sắc lại, điều chỉnh vị trí ôhngs vuốt như kiểu giấu vũ khí trong tay áo.
Sói con đã có kinh nghiệm ăn một con chuột lớn, tưởng thỏ là chuột lớn hơn, them nhỏ dãi tiến đến ngửi hit. Thỏ vẫn dang run. SÓi con giơ chân trước ấn ấn, coi như một miếng thịt thỏ vô hại. Sói con hết ngửi hít lại ấn chân, tìm chỗ cắn.
Đột nhiên con thỏ ngừng run, lúc này đầu sói con vừa vặn ló sát chân sau của thỏ. “Không hay rồi!” Bốn người cùng kêu lên nhưng không kịp nhắc sói con. Con thỏ vận hết sức mạnh cuối cùng, nhắm giữa đầu sói con đạp một phát mạnh như búa bổ. Sói con “oắc” lên một tiếng bật ngửa lộn một vòng ra phía sau, mãi mới dậy được thì đầu đã đầy máu, tai thủng một lỗ to tướng, mặt bị thưưong mấy chỗ, mắt phải suýt bị mù.
Trần Trận và Dương Khắc xót xa đứng phắt dậy, mặt tái nhợt. Dương Khắc lấy ra bạch thược Vân Nam chuẩn bị băng bó cho sói con, nhưng Trần Trận ngăn lại: Trên thảo nguyên không có con sois nào lành lặn, cứ để vậy cho sói con nếm mùi.
Sói con chưa bao giờ bị một vố như thế. Nó gồng mình lên vì sợ và giận dữ nhưng lại tò mò nhìn con thỏ. Con thỏ sau khi rat ay, bắt đầu cựa dữ, lật người lại, cà nhắc cà nhót định lết ra ngoài chuồng. Mấy con chó tức giận đứng cả dậy xông tới con thỏ mà sủa. Nhị Lang thấy fai mắt định xông vaog chuồng cắn chết thỏ, nhưng bị Trần Trận ôm chặt.
Con thỏ dần tới mép chuồng, sói con chậm rãi theo sau, khoảng cách chừng một thưứoc, chỉ cần chân sau con thỏ bước dài hơn một chút, sói con nhảy lùi lại như bị rết cắn.
Dương Khắc nói: Trận giác đấu này coi như thỏ thắng. Nếu như ngoài đồng, cú đá vừa rồi đánh gục sói, thỏ đã thừa cơ chạy thoát. Thằng cha này trong 20 phút đả thương một người một sói, giỏi đấy! Ta hãy thả nó ra. Cùng là động vật nông canh ăn cỏ, người Hán Trung Quốc nếu như có đựoc tinh thần thỏ thảo nguyên thì đâu đến nỗi rơi vào cảnh bán thực dân địa.
 Trần Trận trong lòng mâu thuẫn: Cho sói con cơ hội cuối cúng. Nếu thỏ lần ra được ngoài chuồng, coi như thỏ thắng. Nếu không ra được, lại đấu tiếp.
 Dương Khắc nói: Được, lấy vành ngoài cái chuồng để phân thắng bại.
Con thỏ hình như thấy có cơ may thoát chết, vừa lăn vừa lết để ra ngoài vòng. Sói con điên tiểt, hình như cảm thấy con vật kia dã là của mình, giờ không dám vồ nhưng hễ có điều kiện là nó lại dùng chân trước kéo lùi con thỏ một cái rồi nhảy sang bên, con thỏ đợi con sói nhảy lại nhích lên một bước để ra ngoài vòng. Cò cưa vài hiệp, sói con đã tìm ra nhược điểm của thỏ. Nó tách hai chân sau của thỏ chui lên phía trước, cắn tai lôi thỏ trở lại. Thỏ giẫy, sói nhả tai ra. Sói con dần nhận ra chân sau của thỏ không còn nguy hiểm đối với sói nữa, nó mạnh dạn cắn tai lôi thỏ vào bên chân cọc. Con thỏ kinh hoàng đá lung tung giẫy giụa như cá chép mắc câu, đến nỗi sói con không dám nhả ra.
Trần Trận quyết định gơi ý cho sói con, cậu gọi: Sói con ăn cơm! Sói con giật mình, tiếng gọi ăn cơm khiến nó đói ran, từ sói đấu biến thành sói đói, thế là sói đè đầu thỏ xuống, cắn đứt một tai thỏ bằng răng hàm, ăn ngấu nghiến cả da lẫn lông. Máu vọt ra, thú tính trỗi dậy, sói con hung hăng cắn nốt tai bên kia. Con thỏ mất cả hai tai, dữ như con rái cá cạn liều chết chống lại, cắn lung tung. Trong chuồng, một sói máu me đầm đìa trên đầu, một thỏ đầu bê bết máu quần nhau một mất một còn. Chuồng sói thực sự trở thành chiến trường máu me vung vãi.
Nhưng sói vẫn chưa nắm được kỹ thuật cắn chổ hiểm rồi ăn thịt, mà chỉ cắn miêng nào nuốt chửng miếng ấy, sục khắp mình thỏ. Răng tuy cùn nhưng sức mạnh thì như hổ, sói con cắn chặt da thỏ lắc mạnh, xé toạc từng miếng. Tuy nó chưa biết cắn vào chỗ chí mạng là yết hầu, nhưng theo bản năng, nó cắn vào chỗ nguy hiểm khác là bụng, bụp một phát, lôi ruột gan ra ngoài. Cái đám bung nhùng mềm nhũn vương máu là thứ sói thích ăn nhất. Soi con mắt loé sang, nhét tuốt ruột gan tim phổi vào bụng, còn thỏ chiến đấu tới khi mất ruột gan mới ngừng phản kháng.
Trần Trận tạo cho sói con cơ hội sống như một con sói thực thụ. Sói con rốt cuộc lớn lên. Nó trả giá bằng cái tai sứt sẹo để từ đó có “tai sói tiêu chuẩn” mà trở thành sói thảo nguyên có chiến tích được ghi lại. Nhưng hình như Trần Trận không thể vui lên được, sói con thắng, cậu lại thấy tiếc thương cho con thỏ. Thỏ già đã dốc toàn lực và chết một cách khả kính. Nó cũng bị sói con anh dũng ngoan cường ăn thịt, nhưng về tinh thần nó không bị đánh bại. Tất cả những sinh linh trên thảo nguyên Mông Cổ, trừ cừu, bất kể động vật ăn thịt hay động vật ăn cỏ, đều được bà mẹ thảo nguyên ban cho tinh thần dũng mãnh ngoan cường. Đó là tinh thần du mục.
Đàn cừu tự động vào chuồng. Trần Trận và Dương Khắc tạm thời kết thúc khoá trình đi dạo. Sói con đắm chìm trong hưng phấn, quên sạch những buổi chiều tự do.
o0o
Bốn người rất ít khi gặp mặt cùng nhau ăn một bữa cơm. Căn lều bạt Mông Cổ rất ấm và dễ hoà hợp. Trần Trận rót cho Trương Kế Nguyên một bát trà, hỏi: Cậu vẫn chưa kể cho mình nghe cậu làm thế nào bắt được con thỏ?
Trương Kế Nguyên cũng như các mã quan trưởng thành, thích dềnh dàng cho người nghe sốt ruột. Cậu ta dừng một lát, kể: Con thỏ này là sói đem đến cho mình.
Ba người đực mặt ra. Trương Kế Nguyên lại dừng mấy giây, kể tiếp: Trưa nay mình và Batu đi tìm ngựa, nửa đường khi qua một con dốc nhỏ, trông thấy một con sói từ rất xa, đang chổng mông cào đất. Hai chúng mình đều có ngựa tốt, ra roi cho ngựa chạy lên, con sói vội bỏ chạy. Bọn mình chạy đến chỗ sói cào đất thấy đó là một cái hang nhỏ, bên ngoài có nhiều đất mới do sói đào. Cái hang này rất kín, ẩn dưới một bụi cỏ, nếu như bên ngoài không có đất mới, rất khó phát hiện. Batu thoạt nhìn đã bảo đây là hang chứ không phải ổ, chỉ là nơi thỏ ẩn nấp tạm thời khi gặp địch. Mã quan rất căm loại hang này, người ngựa thường bị thưong vì nó. Năm ngoái chính nó đã làm con ngựa tốt nhất của Lanmutrăc bị gãy chân trước. Bọn mình không ai bảo ai, xuống ngựa đào bằng được. Hang thỏ sâu hơn một thước, dùng cán thòng chọc thăm dò, thấy mềm mềm là có thỏ bên trong. Sói biết đào hang, chỉ một lúc là lôi con thỏ lên. Nhưng con sói bỏ chạy rồi, bọn mình đào hang bằng gì bây giờ? Batu bảo anh ta có cách: tháo đoạn nhỏ trên cây thông chẻ đôi ở đầu nhọn rồi ném vào trong hang cho đến khi đụng con thỏ, chậm rãi dúi sâu vào thân thỏ để kẹp lông, kẹp được rồi thì xoắn cho lông da thỏ cuộn chặt vào chàng nạng, cho đến khi không xoắn được nữa mới kéo dần ra từng tí một. Lát sau Batu đã lôi được con thỏ lên, mình chộp luôn hai tai.
Ba người đồng thanh khen: Cao thủ, đúng là cao thủ!
Cao Kiện Trung nói: Hồi nãy mình cũng phát hiện một con thỏ chui vào hang mà không làm sao lôi được nó lên. Hôm nay mình học được chiêu này. Các cậu nói đúng, mục dân hình như khôn hơn nông dân nhiều. ĐÚng là nghề nào nghiệp ấy, trước đây mình không hiểu người Trung Quốc kém ở điểm nào, nội bộ đấu đá quyết liệt, nhưng với bên ngoài thì chưa đánh đã thua. Một nước Trung Quốc lớn là thế mà để cho thằng Nhật Bản bé xíu chiếm đóng trong tám năm, nếu không có Liên Xô đưa quân sang, không có Mỹ ném bom nguyên tử, không biết Nhật Bản chiếm thêm bao nhiêu lần tám năm nữa. Nhật vừa mới bị đánh bại, vậy mà nghe tin trên đài, người ta đã trở thành cường quốc hạng nhất về kinh tế. Cái thằng cướp biển oắt con ấy chẳng phải tay vừa!
Ba người cùng cười.Trưong Kế Nguyên nói: Đúng là gần đèn thì rạng, ngay cả Cao Kiện Trung cũng tán thành quan điểm của cậu.
Bốn người ngồi quanh bàn, ăn cháo kê, thịt cừu xào nấm và canh rau phi.
Dương Khắc bảo Trương Kế Nguyên: Cậu đi nhiều, thạo tin, kể chuyện binh đoàn cho chúng mình nghe đi!
Trương Kế Nguyên nói: Trụ sở mục trường ta bây giờ là Đoàn bộ, cán bộ đợt một đã về, nửa người Mông nửa người Hán. Việc thứ nhất sau khi xây dựng binh đoàn là diệt sói. Các cán bộ binh đoàn nghe nói sói cắn chết nhiều ngựa thì tức điên. Họ bảo ngày xưa bộ đội về thảo nguyên giúp dân tiễu phỉ, giờ công việc đầu tiên là giúp dân diệt sói, điều động quân hùng tướng mạnh vì dân trừ hại. Người ta có thiện chí, nhưng người già Mông Cổ thì có khổ mà không nói ra, nói về cái lợi của sói với binh sĩ xuất thân nông dân chẳng khác đàn gảy tai trâu! Lúc này lông sói đã mọc dày, bộ da bán được tiền, lương cán bộ binh đoàn không cao, tham mưu cán sự lương tháng chỉ sáu bảy chục tệ, một bộ da sói bán được hai mươi tệ, lại còn khen thưởng biểu dương, các cán bộ sư đoàn, binh đoàn đều phấn chấn.
Dương Khắc thở dài, nói: Sói thảo nguyên Mông Cổ là những anh hùng mạt lộ, vang bóng một thời, hãy chuồn sang Ngoại Mông mau!