18. Thiếu chút nữa cụ Phan bị bắt sống

Quân lính Bảo hộ giàn trận ở mặt trước núi Đại Hàm mà đánh ròng rã hai tuần, thiệt thòi nhân mạng và đạn dược nhiều rồi, nghĩa binh ở trên núi vẫn cố sức cầm cự dằng dai, không hề nao núng.
Nghĩa binh can đảm đã đành, nhưng cũng may là đời bấy giờ chưa phải là đời có xe tăng, có máy bay, có độc khí; nếu trái lại, thì nghĩa binh nhà mình cầm cự không được nửa tiếng đồng hồ và mấy quả núi Đại Hàm cũng chẻ hai ra rồi. Bởi vậy, người lấy gan mình, sức mình ra chọi nhau, vẫn có giá trị hơn là mượn máy chọi người; chính là ông thánh Gandhi ở ấn độ nói thế.
Nhất là nghĩa binh ở trên núi chỉ có 400 thầy trò với 200 khẩu súng, mà ở dưới núi vừa lính tập, lính tuần và tráng đinh mấy làng phụ cận phải ra phục dịch quan quân cả thảy có tới ngàn người; một đàng lấy bóng cây kẹt đá làm mạnh; một đàng lấy người đông, súng tốt làm mạnh, kể ra nghĩa binh cầm cự dây dưa được gần nửa tháng cũng là lâu lắm rồi.
Trong một cuộc đối chiến bất đồng về số người và sức mạnh như thế, bề nào bên ít, bên yếu cũng phải thua là lẽ tự nhiên.
Toán viện binh 150 lính ở Nghệ kéo đến tiếp chiến, làm cho nghĩa binh thêm mau bại tẩu hơn nữa. Bây giờ, quân lính Bảo hộ phân ra hai ngả mà đánh: một nửa cứ ở mặt trước núi trấn áp, một nửa kia thì chen gai lách đá, luồn ra phía sau núi, để xuất kỳ bất ý, đánh úp lên sào huyệt nghĩa binh. Trong trí nhà cầm quân dùng tới chiến lược này, nhất định bắt sống Phan Đình Phùng và trói thúc ké nghĩa quân hết thảy.
Nhưng, trời còn bắt phải gian nan hơn nhiều nữa, chứ chưa để cho họ Phan và mấy trăm tráng sĩ phải cùng đường ngửa cổ tại đây.
Luôn mười mấy ngày làm phận sự, chủ tướng phải trông nom việc quân giữa lúc chiến đấu, lại còn một nỗi ăn ở cực khổ châm thêm vào, chẳng cần phải tả, ai cũng đoán biết cụ Phan nhọc mệt dữ lắm.
Chiều tối bữa thứ mười lăm, ăn một vài nắm cơm khô chấm muối xong rồi, cụ Phan dặn dò hai tướng Cao Đạn, Nguyễn Mục những chỗ quân cơ chiến lược nội đêm nay, để mình yên tâm nằm ngủ được vài trống canh cho khỏe. Một thanh bảo kiếm để luôn bên mình, và rút ra ngoài vỏ sẵn sàng, mỗi khi nằm ngủ, luôn 10 năm nay, đêm nào cũng thế; Cụ nói với người nhà: "Để phòng khi lâm nguy bất trắc, mình đem chém đầu kẻ nghịch hay là tự đâm họng mình cho kịp".
Đêm đó, lối vãn trống canh hai, khoảng 10 giờ hơn, cụ đặt mình nằm xuống lâu rồi mà đang thao thức suy tính chứ chưa ngủ được; bỗng thấy tinh thần hồi hộp, chập chờn, con mắt thì máy lia và ruột nghe sao nóng nảy như bào như đốt. Cụ giật mình suy nghĩ chắc là có chuyện gì nguy biến xảy đến nơi, cho nên thần hồn báo trước cho thần tính đây chăng? Tức thời cụ ngồi nhổm dậy, đánh thức người cháu gọi cụ bằng chú ruột mà nói:
- Quái kỳ! Ta đang nằm trằn trọc chưa ngủ được, chợt nghe trong mình phát ra nóng ruột và con mắt cũng máy dữ, chắc là có điềm gì lạ đây. Cháu dậy thấp cây đèn lên, để chủ bói thử một quẻ xem nào!
Tự nhiên việc thấp đèn ở sơn trại, chính nhà cụ ở là việc rất quan hệ, nên cụ phải dặn trước người cháu:
- Nhớ che đậy bóng sáng cho khéo kẻo quân Pháp ở dưới ngó lên thấy hơi sáng lập lòe, nó đãi cho một vài viên đạn thì khốn.
Vì, trên kia đã nói cho độc giả biết, đêm tối trên núi cốt làm đèn đuốc lập lòe ở chỗ khác, cách xa, để làm nghi binh, còn chính đại trại và cái chòi cụ ở thì cải cấm tuyệt đèn lửa.
Người cháu thắp đèn che kỹ rồi bưng lại, cụ Phan lấy quyển kinh "Dịch" và mấy đồng tiền trinh ra gieo quẻ bói. Giữa lúc ấy còn ngày "Dần" mà cụ bói được quẻ:
Mão quỷ phát động
Trừng mắt thở dài ra vẻ kinh ngạc, cụ nói với cháu:
- Chà chà! Sự thế nguy biến đến nơi rồi. Ngày mai chính là ngày "Mão" mà nay thần ông ra quẻ này thì mai đây thế nào quân Pháp cũng úp phá đồn trại của ta, chắc chắn.
Tức thời, cụ sai lính vệ sĩ đi đòi Cao Đạn và Nguyễn Mục vô thương nghị khẩn cấp.
Hai ông này tay gươm vai súng, lật đật vô hầu.
Cụ kể lại cho nghe từ điềm lạ máy mắt sốt ruột cho tới ý nghĩa quẻ bói mà thần mới ông cho rồi nói:
- Thế nào ngày mai quân địch cũng úp phá tới sào huyệt ta, mà tất là chúng lén bọc ra phía sau mà lên núi, vì mặt tiền có quân ta cầm cự và mai phục, hẳn chúng không tấn lên phía trước được đâu. Sự thế trước sau cùng thọ địch như vậy mà quân ta ít, súng ta ít, lại đạn dược gần kiệt rồi, nếu ta dồn binh về mặt sau thì mặt trước hỏng mất, mà giờ cứ cấm cổ chống giữ lấy mặt trước thì mặt sau bỏ trống, để chúng thừa hư tập kích được, đố khỏi bà con ta làm tù cả đám. Ta phải tức tốc lui binh, bỏ núi này đi mới xong.
Cao Đạm, Nguyễn Mục muốn kéo binh đánh tràn xuống mặt trước núi, liều mạng phá tan vòng vây mà chạy. Vì hai ông suy tính quân Pháp đã định phân ra bọc đánh ngả sau nghĩa binh, thì tất là mặt trước để hư không. Nghĩa binh có thể liều chết phá vây được. Nhưng cụ Phan không nghe:
- Tính làm cách đó, vạn tử nhất sinh, nguy lắm. Phải biết họ dùng binh cẩn thận, cơ mưu, chứ không như các người liệu đoán đâu. Họ cốt vây bọc ta trước sau cùng thọ địch, nhưng không khi nào lại để hư không mặt trước. Ta kéo tràn đánh xuống tức là đưa thịt vô miệng cọp. Bởi vậy, ta quyết định bỏ núi lui binh, nhưng phải rán bảo toàn lấy binh lực hầu dùng về sau, chứ không để tổn thương vô ích, vậy thì quân ta cứ lui đi mặt trước, có điều là đi xuyên đường rừng, không nên chường mặt cùng họ giao chiến làm gì nữa.
Tướng sĩ đều phục cái định kế ấy hoàn toàn hơn.
Liền ngay lúc đó, cụ sai đi kêu gọi hết thảy quân lính ở các chỗ đang ứng chiến và mai phục phải bỏ trận địa lục tục kéo về đại trại, lật đật nấu cơm và thu xếp khí giới vật dụng: lệnh truyền đến 2 giờ khuya ăn cơm rồi nai nịt sẵn sàng để gà gáy lần thứ nhất thì nhổ trại lui binh. Nhiều quân sĩ còn đang hăng hái, muốn đánh, nhưng tướng lệnh đã ra, không ai dám trái.
Không dè nghĩa binh dự bị chưa kịp, thì nghe tiếng gà sơn thôn đã gáy hai dạo rồi.
Quả thiệt, quân lính bảo hộ do ngả sau đã tấn lên đến nơi. Trời mới sáng mờ mờ, một chó tây dùng trong việc quân, đánh hơi đưa đường chạy sồng sộc vô tới trong sân trại. Nguyễn Mục ngó thấy đưa súng lên bắn con chó một phát, nhưng nó chạy khỏi. Quân lính bảo hộ đang chen cây lách đá, nghe tiếng súng nổ, liền nhắm chừng hướng ấy và dõi theo vết chân con chó dẫn đường mà tới. Bởi đá núi lởm chởm gập ghềnh, cây cối gai gốc rậm rạp, thành ra quân lính bảo hộ tấn lên hơi khó và lâu. Tiếng súng của Nguyễn Mục bắn con chó thật là bất trí, nếu như không có tình thế hiểm trở của núi rừng làm chậm trễ sự tiến binh của quân lính bảo hộ, thì có lẽ cụ Phan bị bắt rồi.
Trong khi quân lính bảo hộ đang lần đường theo dấu ở phái sau, thì nghĩa binh đã phò được cụ Phan đi ra cửa trước mà xuyên theo đường lối trong rừng chạy thoát được rồi.
Một lúc, quân lính bảo hộ tấn vô đến nơi, chỉ thấy dinh trại trống lổng, đồ vật bỏ lại ngổn ngang, chứ không còn một người nào. Họ cướp được đồn trại của nghĩa binh rồi thôi, không rượt theo nữa. Vì sự thật, cây cối rậm rì, đường lối chẳng thấy, nên không biết nghĩa quân lui chạy đàng nào mà rượt theo cho được.
Tướng sĩ hộ vệ cụ Phan chạy đường rừng, bao nhiêu đồ vật và lương thực mất hết, không kịp đem theo một chút gì.
Chuyến này tình cảnh nghĩa binh lao đao vất vả quá, lại thêm nỗi đói khát lạnh lùng, nên chi quân sĩ chết ở giữa rừng hết nhiều. Lắm người đói lả đuối sức, chạy theo không kịp, phải nằm phục vị ở giữa rừng, đào rễ cây mà ăn, rồi đốt lá mà sưởi, vì mùa này khí hậu rừng núi càng lạnh lẽo hơn dưới đồng bằng. Chính người cháu ruột của cụ cũng nằm lả bên khe suối, may phước có mấy tên quân xúm lại vực dậy đem đi.
Trong lúc người ta ở hương thôn thành thị ăn Tết năm Mùi (1895) thì nghĩa binh lao đao đói khát ở giữa rừng sâu núi thẳm.
Đến mồng 6 tháng giêng, nghĩa binh mới kéo về tới núi Quạt, đồn trú tại đó là quân thứ ở huyện Hương Khê. Kiểm điểm binh sĩ, còn lại hơn hai trăm người mà ai nấy đều xanh xao gầy ốm, vì nỗi bôn ba cơ khổ ròng rã một tháng trời; cụ Phan và hai tướng Cao Đạm và Nguyễn Mục cũng vậy.
Bấy giờ nội tình nghĩa binh đã bối rối lắm. Vì nỗi lương thực thiếu thốn. Lúc nào dân làng gánh gạo bắp heo gà lên núi cho nghĩa binh như là đi chợ, nhưng mấy tháng này bị nhà chức trách cai trị địa phương canh phòng các ngả và hăm doạ gắt gao, thành ra họ không dám tiếp tế lương thực cho nghĩa binh như lúc trước nữa. Nhiều người sốt sắng quá, đến đỗi liều mạng vận lương cho “giặc” mà bị mất nghiệp bay đầu. Có người mười phần vô tội vô tình, cũng bị liên luỵ, chỉ bởi kẻ tiểu nhân oán thù vu cáo.
Kho tàng lúa bắp trên sơn trại, càng bữa càng khô mà sự tiếp tế mắc nghẹt. Cụ Phan phải sai quân sĩ giả làm nông dân hay thương khách sang tỉnh Quảng Bình mua từng năm ba chục gánh gạo, bắp, chở lén theo đường rừng, đem về cho quân sĩ ăn. Tội nghiệp quá! Có nhiều khi lúa bắp đi mua chưa vận về kịp, quân sĩ phải nhịn đói đôi ba ngày chỉ uống nước lạnh trừ cơm là sự thường. Tuy vậy, không ai kêu la, than thở một tiếng nào; trái lại, họ vẫn vui vẻ thề nguyền kháng chiến đến chết mới thôi, cực khổ đã quen, đói rét chẳng kể. Thấy lòng quân không khít như thế, cụ thường cảm động khóc lóc một mình. Người cháu hầu hạ bên cụ, có lúc nửa đêm nghe cụ thở dài và nói lầm rầm:
- Vì ta mà khổ sở tướng sĩ. Có dân tâm thế ấy mà nhân lực không có, thiên mạng không giúp, thảm biết bao nhiêu!
Người anh hùng đến bước mạt lộ, đêm trường canh lụn, nằm than khóc một mình như thế, càng thảm hơn nữa.
Lụi đụi tới tháng 5 năm ấy (năm Mùi, 1895) Nguyễn Thân kéo đại quân ở kinh thành ra đến nơi, tình hình lương thực của nghĩa binh càng thêm chật hẹp nguy khốn. Là vì bao nhiêu lối hiểm đường quanh đều có lính tráng của Nguyễn Thân bủa giăng chận nghẹt thành ra nghĩa binh trên núi tuyệt lương.
Độc giả nhớ phân biệt hai tiếng này giùm: trước kia lương thực chỉ "thiếu" cũng đủ khốn khổ, bây giờ đến "tuyệt" mới nguy!
Liệu bề ở núi Quạt thì sớm muộn thầy trò cũng chết đói đến nơi, cụ Phan hạ lệnh nhổ trại, định kéo quân về nơi sào huyệt cũ là núi Vụ Quang. Tại đây có địa lợi hơn, vì đã có đường rừng lại có đường thuỷ nữa, có lẽ công cuộc vận lương cũng dễ xoay trở.
Lúc đó là tháng 7.
Nhưng nghĩa binh kéo đến mé sông Vụ Quang, cụ Phan cẩn thận, sai 4 tên vệ sĩ qua sông dò thám trước. Té ra những đồn trại của nghĩa binh trên núi Vụ Quang hồi xưa đã bị quân lính Pháp chiếm giữ lúc nào rồi, lính tập đầy nhóc.
Cụ Phan dòm xét địa thế, rồi lật đật đem quân sang đóng trên một trái núi khác, cách không bao xa và cũng thuộc vào thung lũng của núi Vụ Quang. Nghĩa binh chặt cây cắt cỏ, cất lên dinh trại lụp xụp mà ở tạm đỡ.
Biết trước rằng mình đóng binh ở đây, thế nào nay mai quân lính bảo hộ cũng áp tới đánh, cụ Phan phải tính cách chống cự sẵn sàng.
Vì đó mà nay mai có trận huyết chiến Vụ Quang, chính là một trận đánh để tháo thân, mà lại là một trận đánh dữ dội nhất. Cây đèn cạn dầu sắp tắt, bao giờ cũng phựt lên một cái sáng loà!