13. Việc bắt tuần phủ Đinh Nho Quang

Mấy lúc ban đầu chính thể Bảo hộ mới lập, cố nhiên là Bảo hộ cần dùng có đám quan lại và sĩ phu quy thuận, đứng làm trung gian để bày tỏ lợi hại với dân và thâu phục lòng dân cho dễ.
 
Thủ đoạn và phương lược đi chinh phục người ta bao giờ cũng vậy.
Trong đám quan lại sĩ phu đó, có những người chịu khuất phục thời thế, song vẫn giữ tư cách cao thượng, lương tâm trong sạch; họ biết nhân thời thế giúp Bảo hộ mà chở che, thương xót, giúp đỡ cho dân; trái lại, cũng có những người thấp hèn, tàn nhẫn, thì nhân cơ hội này mà lợi dụng thế thần áp bức dân chúng, cho được phú quý tấm thân, thoả mãn tư dục của họ mà thôi, còn thì sống chết mặc ai, nước non thây kệ!
 
Hạng dưới đó làm khổ dân không biết bao nhiêu. Bởi vậy, một đoạn trên kia chúng tôi đã nói việc cách mạng của cụ Phan có hai nghĩa: trước hết là chống với người Pháp, toan bề khôi phục nước nhà đã đành, mà sau là cốt trừ đám sĩ phu quan lại người Nam mình hay dựa thời thế để làm hại dân.
Từ khi cụ khởi binh, thường cướp phá bọn này nhiều, có ý để cho những kẻ khác trông lấy gương đó mà chừa thói ỷ thế hại dân đi. Có việc cụ làm thống khoái nhất là việc bắt tuần phủ Đinh Nho Quang.
 
Đinh Nho Quang là người huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, có tiếng là một tay danh sĩ, nguyên trước làm Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh. Sau về hưu rồi, Bảo hộ vời ra cho sung vào công việc đi tiễu phủ các đảng văn thân. Đinh vốn là bạn thân với cụ Phan, nếu không tán thành việc cụ làm thì cũng nên trung lập hay là đứng bàn quan mới phải, nhưng nay đã ra phò Bảo hộ mà đánh văn thân thì thôi, lại còn ra ý khinh rẻ cụ Phan, và ỷ thế đi tiễu giặc mà ra tay hành hạ dân gian đáo để.
 
Đinh có viết một bức thơ, khuyên dỗ cụ Phan ra hàng, lời lẽ rất là ngạo mạn trong có một câu rằng: "Ông chỉ nằm bẹp ở trong núi, không chịu ra hàng, để ban đêm thì làm hùm làm beo, còn ban ngày thì làm chồn làm cáo, tưởng không phải là kế vững bền được đâu".
 
Thế là Đinh có ý khinh rẻ cụ Phan, coi như giặc cướp chỉ ban đêm mới dám ló đầu ra, cướp bóc đốt phá của dân, hung hăng như hùm như cọp, còn ban ngày thì sợ hãi, chui nhủi trong bụi, trong rừng, như loài chồn cáo, không dám thò mặt ra. Trái lại, văn thân và nghĩa binh cụ Phan lúc ấy có đến đỗi hèn nhát như thế đâu: nhiều khi ban ngày cũng đối chiến với quân lính Bảo hộ là sự thường thấy. Còn sự cướp phá của dân thì không hề, chỉ cướp phá bọn quyền quý tham ô nịnh hót thì có.
Bởi vậy cụ Phan cả giận, liền hội các tướng và hỏi rằng:
- Trong các tướng, có ai đi bắt sống thằng Đinh Nho Quang về đây cho ta thì có trọng thưởng.
Ông Cao Thắng ông thinh mà nói:
- Tiểu tướng xin làm việc đó.
Năm ấy là giữa năm thìn (1892).
Tuần phủ Đinh Nho Quang sau khi về hưu, vẫn giữ chức làm Tiễu phủ Quân vụ ở hạt Hương Sơn, hiệp với Lê Kinh Hạp làm Tham biện quân vụ, và một tên Ban biện là Đạt, thì trông nom việc tuần phòng trong huyện.
Khắp trong huyện, họ đặt ra đến hai mươi đồn, đồn nào cũng có 30 tên lính tập đóng, rất là nghiêm mật. Còn ở nhà riêng của Đinh Nho Quang, và nhà riêng Lê Kinh Hạp đều có 30 tên lính tập ngày đêm vác súng canh phòng hộ vệ. Ban biện Đạt thì quản xuất một đạo binh 50 người đi lại tuần phòng trong hàng huyện, hết đồn nọ đến đồn kia, suốt cả đêm ngày. Cẩn thận hết sức. Thế ấy nghĩa quân có muốn đánh tràn xuống để bắt Đinh Nho Quang, cũng mất nhiều hơi sức, chưa dễ gì phá được bao nhiêu đồn lính đóng liên tiếp nhau kia; mà nói ví dụ nghĩa binh có đánh sấn đến nơi, thì Đinh Nho Quang cũng tìm đường trốn mất rồi, chắc đâu bắt sống va được?
 
Ông Cao Thắng phải dùng kế.
 
Hồi ấy là tháng mười. Nhân có một viên thiếu uý Pháp dẫn một toán lính tập chừng 80 tên, ở tỉnh Nghệ đi về tuần tiễu các miệt rừng núi thuộc về hạt Hương Sơn, chừng năm bữa thì trở về tỉnh Nghệ. Cao Thắng sai người dò la, biết chắc như thế mừng lắm:
- Ta đã có kế bắt được Đinh Nho Quang rồi.
Bảy giờ sáng sớm hôm ấy, Cao Thắng lựa chọn năm tên lính lanh lẹ, cho mang sắc phục giống y lính tập Bảo hộ, đeo súng Pháp, vác một lá cờ tam sắc, lén xuống núi, giả làm binh Pháp, đi khắp các đồn truyền báo rằng: ngày mai có một ông quan hai dẫn lính đi tuần tiễu ngang qua, lính đóng các đồn phải ra ngoài cửa đồn bồng súng đứng sắp hàng để chào và để kiểm duyệt, nếu sai lệnh thì bị phạt. Các đồn tưởng thiệt đều vâng lệnh răm rắp.
Ai nghe nói ông Cao Thắng cho nghĩa quân mặc giả y phục lính tập và cầm cờ tam sắc, thì lấy làm lạ, vì ông làm gì có những đồ ấy? Nhưng chúng ta nên biết rằng: bình nhật Cao Thắng vẫn cho quân mình vận đều một thứ sắc phục gần giống như lính tập, ngay đến sắc phục gần giống như lính tập, ngay đến sắc phục của lính tập thiệt và cờ tam sắc, thì trong trại nghĩa quân thường có sẵn luôn luôn, do nơi những trận đánh nhau đã bắt được của lính Bảo hộ.
Qua sáu giờ sáng hôm sau, quả nhiên có một toán 100 lính tập kéo đi ngang các đồn. Đi đầu là một ông quan binh người Pháp, thân hình vạm vỡ và râu ria y như người Pháp, ngồi trên một con ngựa trắng, trước mặt có toán lính âm nhạc, vừa thổi kèn đánh trống, vừa đi rất là oai vệ. Đi qua đồn nào, thấy lính ở đồn ấy đã bồng súng ra đứng chào ở ngoài cửa, đợi quân kéo đi rồi mới trở vô.
 
Rồi toán quân ấy kéo ngay tới trước cửa nhà Tuần phủ Đinh Nho Quang. Ngoài cửa nhà Đinh có lập một cái quán nghỉ chân. Toán quân kia kéo vào đó nghỉ. Viên quan võ Pháp sai lấy rượu và bánh ra ăn, còn lính cũng ăn bánh uống nước một cách tự nhiên như thường, không ai ngờ vực gì hết. Tốp lính canh gác ở nhà của Đinh, thấy là bọn mình nên chẳng đề phòng gì lại có ý vui mừng nữa là khác.
Bọn lính ăn uống xong rồi có hai người là thầy đội, lảng vảng đến trước cổng nhà Đinh, lân la làm quen với mấy tên thủ hạ Đinh, làm bộ hỏi rằng:
- Nhà của ông lớn nào đây mà có anh em ta canh gác như vầy, mấy anh?
Thủ hạ Đinh nói đây là nhà cụ lớn Tuần phủ Đinh Nho Quang. Hai thầy đội làm bộ hỏi rằng:
- A! Té ra nhà của cụ lớn Tuần...
Đoạn hai thầy đội nói với mấy cậu thủ hạ của cụ lớn như vầy:
- Chúng tôi trước đóng ở Hà Tĩnh, giữa lúc cụ lớn ở đây đang làm Tuần phủ tại đó, thành ra chúng tôi đã được cơ hội ra vô hầu hạ cụ lớn rất thường. Về sau anh em tôi đổi đi chỗ khác, đã ba năm nay, không biết tin tức cụ lớn ta thăng chức thế nào, nay vì việc quan, may mắn sai đi qua nhà cụ lớn, vậy anh em làm ơn vô bẩm cụ lớn, cho chúng tôi vô hầu thăm giây lát có được không?
Một tên thủ hạ chạy vô trong nhà bẩm rõ sự thể, Đinh chịu liền. Hai thầy đội rón rén bước vô vái chào một cách hết sức cung kính sợ hãi, rồi vòng tay đứng nói những tình nghĩa thầy trò cũ. Đinh có nhớ đâu được là hai thầy đội này trước có đóng ở Hà Tĩnh không, và đã có dịp đi lại hầu hạ mình không, chỉ biết là họ có lòng kính trọng mình mà nhìn nhận là thầy trò cũ thì cho họ vô nhà đó thôi. Kẻ ưa nịnh hót, được người ta nịnh hót là khoái. Trong lúc nói chuyện Đinh lên mặt thầy khuyên nhủ họ nên hết sức giúp nhà nước Đại Pháp mà đánh giặc lập công...
"Thầy trò" đang đàm đạo, thì có một tên lính tập ở ngoài chạy vô sân nói với hai thầy đội:
- Mời hai thầy ra, quan đòi có việc cần.
Hai thầy đội liền bái từ Đinh đi ra.
Trong lúc đó, tất cả toán lính đi tuần, phân nửa ở ngoài, còn phân nửa đã lọt vô trong vườn của Đinh, tốp năm tốp ba, vai vẫn mang súng, miệng hút thuốc lá phì phà, đi bách bộ trong vườn với nhau để xem hoa, ngoạn cảnh. Thủ hạ của Đinh thấy là lính nhà nước, thành ra chẳng ngăn trở và đề phòng làm gì.
Một lát, một thầy trong hai thầy đội vào hầu Đinh hồi nãy, lại chạy vô trong nhà vòng tay bẩm với Đinh rằng:
- Khi hồi anh em chúng con vô đây hầu thăm cụ lớn, quan trên chúng con thấy vắng mặt, nên sai lính tìm kiếm và hỏi đi đâu, anh em chúng con cũng nói thiệt là đầy tớ của cụ lớn ngày trước, nay có dịp đi qua nên phải vô hầu thăm, cho phải đạo tôi tớ. Quan trên chúng con nghe tới đại danh cụ lớn, rất lấy làm vui mừng vì xưa nay ngài vẫn nghe tiếng của cụ lớn lừng lẫy xa gần. Bởi vậy, ngài còn e ngại, nên sai con vô bẩm với cụ lớn hay trước, xem ý cụ lớn có chịu tiếp giờ này không?
Đinh nghe nói là một vị quan binh Pháp xin vô bái yết mình, còn có gì vinh hạnh và nở mũi cho bằng:
- Được! thày ra báo tin trước đi, để tôi ra cổng đón rước quan lớn vô chơi.
Nói xong, Đinh thét vang người nhà đầy tớ mau mau dọn dẹp bàn ghế, sắp sẵn ly rượu, rồi chỉnh tề khăn áo ra tận ngoài cổng rước khác. Tội nghiệp, Đinh vừa lò mò ra đến ngoài cổng, thấy có bốn người tráng sĩ đưa súng ngang trước mũi và hai người khiêng một cái võng, tề thanh nói lớn rằng:
- Chúng ta phụng mạng của Phan nguyên soái, xuống bắt tuần phủ Đinh Nho Quang điệu về đại trại, chứ không phải là quan Pháp nào đâu.
Họ vừa nói, vừa xốc ngay Đinh mà đặt lên võng khiêng đi, còn bọn lính kia thì ngăn cản thủ hạ Đinh, không cho ai động đậy. Đinh không ngờ mắc mưu như thế, chỉ nói được một câu: “Giặc nó bắt tao”. Rồi võng Đinh đi trước, nghĩa quân đi sau, rầm rộ kéo đi tự nhiên, thủ hạ của Đinh sợ hãi, đều chạy tan nát, không ai dám thò mặt ra cứu. Nghĩa quân đi vừa thổi kèn, vừa bắn súng liên thanh, nhắm ngay núi Vụ Quang trực chỉ. Trên núi nghe có hiệu súng, lại cho thêm hai đạo quân 200 người xuống núi để tiếp ứng, để phòng bị có lính Bảo hộ phá vây giải cứu cho Đinh chăng. Đến tối thì nghĩa quân giải Đinh về tới sơn trại.
Sáng hôm sau, Cao Thắng dẫn Đinh vô nạp cụ Phan. Cụ cho Đinh ngồi tử tế rồi cười và nói:
- Ông cho tôi làm việc nghĩa cử này là tầm bậy hay sao? Các ông chỉ biết lo bảo toàn vợ con, nhà cửa và tước lộc là sung sướng mà thôi, tưởng vậy đã đủ làm cho người ta kinh sợ. Sao ông ngu thế? Tôi với ông có tình anh em đồng học, đáng lẽ nay ông thấy tôi làm một việc gian nan tiết tháo như vầy nên giúp đỡ cho tôi mới phải. Mà nếu có nhát gan lo chết thì thôi, ta nên giấu mặt đi mà nằm một xó nhà, yên thân cho xong, sao lại đành lòng đi nịnh hót và bày mưu lập kế cho người ta để toan làm hại tôi. Đã vậy lại còn viết thư nói xấc xược với anh em cố giao nữa, ông nghĩ rằng mình ông có thể địch nổi được với quân của tôi sao? Thôi, thứ người có đầu óc tâm địa như ông, có nói chuyện nghĩa là gì nữa cũng là vô ích. Bấy lâu làm quan với người Pháp, ông ỷ thế đè đầu bóp cổ dân mà lấy tiền, nghe nói bây giờ về hưu, giàu có sung sướng lắm. Vậy thì nên mau mau đem giúp cho nghĩa binh lấy sáu bảy ngàn đồng đây, rồi tôi tha cho mà về, tôi chẳng thèm giết ông làm gì, cho dơ dáy cả thanh gươm. Ông tự liệu lấy.
Đinh hổ thẹn quá, ngồi cúi mặt làm thinh. Cụ Phan truyền lệnh đem ra ở đồn ngoài, giam lại, giao cho 50 tên quân già yếu canh giữ. Đinh vẫn mong sớm tối thế nào cũng có quân lính Bảo hộ lên giải cứu cho mình, nhưng đã bốn tháng không thấy tin tức gì, bởi quân lính Bảo hộ cũng không muốn khinh tấn vô sào huyệt của nghĩa quân vì cái tính mạng của một viên tuần phủ trí sĩ. Sau bốn tháng, Đinh phải viết thư cho người nhà đem lên nạp nghĩa quân 4 ngàn đồng, nhưng chưa đủ số nghĩa quân cho chuộc mạng, thành ra Đinh vẫn bị giam. Mãi tới về sau, quân lính Bảo hộ đánh phá được đồn ngoài của nghĩa quân, mới cứu được Đinh sống sót mà về.
Việc nghĩa quân lập kỳ mưu bắt sống tuần phủ Đinh Nho Quang làm chấn động dư luận Nghệ Tĩnh hồi đó, nhân vậy mà bọn quan lại xu phụ thời thế phải khiếp oai giữ mình, không dám ho he kích bác văn thân và khinh thường nghĩa binh nữa.