1. Mùa hạ đến, mùa xuân đi

Nhớ lại ngày ấy, tôi còn thấy cái trường tôi như hòn non bộ chon von giữa đám chậu cây cảnh. Hồi bấy giờ tên là trường Nordemann, nhưng ai cũng gọi là trường Yên Phụ.
U tôi đưa tôi đi men Hồ Tây lên ô Yên Phụ. Khỏi một cái dốc, dừng lại, trông xuống bên tay phải thấy cái sân sâu và rộng ra tận hai mép hồ Trúc Bạch, có cây lạc tây, cây mít, cây sung và ngổn ngang những mái đình cong. Nếu không thính tai nghe trong ấy vang ra tiếng đập thước gõ nhịp cho học trò đọc đều không thể ngỡ đấy là trường học.
Đã lâu tôi ở nhà, bấy giờ quá tuổi phải làm khai sinh giả bớt ba tuổi mới vừa vào học lớp bét. Ông trưởng phố Yên Quang ở phố Quán Thánh được đút năm đồng nên ông đóng cái triện khai sinh giả rút tuổi tôi xuống.
Tôi đã lớn. Tôi biết làm đỡ nhiều việc nhà. Ông ngoại tôi đưa chiếc bút đại tô kim nhũ ra cho tôi ngồi tập đồ giấy. Ông bảo ông truyền nghề vẽ giấy sắc của họ Lại cho tôi.
Họ Lại làng Nghè ở Nghĩa Đô có nghề làm giấy sắc tiến vua. Ngày xưa, các triều vua đều thửa giấy sắc họ Lại để phong thần. Những tờ giấy dó khổ rộng, quét nước hoa hoè vàng thậm. Khi tôi biết, chỉ còn thấy cái huy hoàng nghề giấy sắc họ Lại trong những câu chuyện bà tôi kể mà thôi. Từ đời nảo đời nào nhà vua không thửa giấy sắc phong thần nữa.
Dưới đáy cái cũi tre đựng xống áo tã trong xó nhà tôi còn lủng củng những miếng khắc nẹp, những mẩu gỗ tròn in con long con ly, con quy, con phượng...
Tuy vậy, những nhà có nghề giấy sắc vẫn kiếm được chút ít Các hàng tranh dưới Hàng Phèn, Hàng Mành đôi khi đặt giấy lệnh - giấy vàng vẽ rồng làm tranh thờ. Ông tôi lại có việc và tôi cũng được giúp một tay.
Tôi biết đồ những chỗ dễ, vẽ kim nhũ vào vảy con quy râu rồng, đuôi phượng, còn mây rỡn chùm hay cánh phượng múa, mình ly vằn vèo, tôi đưa bút còn ngượng.
Dù sao, những việc khó ấy cũng không khó như phải đi học. Bây giờ lại phải đi học. Không biết tại sao lại phải đi học. Thật là khổ cực.
U tôi bảo:
- Mai đi Kẻ Chợ.
- Đi Kẻ Chợ làm gì, hả u?
- Đi học.
- Lại xuống nhà chú Tưởng ạ?
- Không, thầy Lâm đã xin học trường công cho con không phải thi.
- Không đi đâu
Nhưng rồi không đi không được. Năm ấy, vào quãng năm 1930, tôi lên chín tuổi.
U con tôi lên bến tàu điện từ tinh mơ. Thầy Lâm đã đứng đón ở đền Quán Thánh rồi dắt xe đạp đi đằng sau. Như trong chuyện cổ tích, tôi đương phải cố nhớ đường về có các lối rẽ để có lúc còn trốn yêu tinh mà về.
Đi qua hồ đến cái dốc, ngổn ngang ngã tư, rồi vào cái cổng cao xuống cái đình hay cái chùa, ấy là trường Yên Phụ đấy. U tôi đứng lại đợi. Thầy Lâm dẫn tôi vào.
Một ông ra ngoài thềm gặp thầy Lâm. Ông ấy có bộ ria vểnh, hai con mắt nhau nháu nhìn người nói chuyện. Tay ông cầm chiếc roi quấn đuôi da lòng thòng như roi của người dô-kề vụt ngựa khi phóng ra roi, mà tôi đã thấy những hôm đi xem thi ở Quần Ngựa. Bởi vậy, tôi không thể ngờ đấy lại là ông giáo.
Tôi ngồi bàn đầu. Trước mặt tôi, một hàng dài những chiếc chén mực tím nhoe nhoét. Cái bàn thấp, lưng bọn học trò cao như con bò có bướu vai. Chúng nó còn nhớn hơn tôi nhiều. Có lẽ cũng lậu tuổi như tôi cả. Đứa nào cũng mặc áo dài thâm, áo the, chít khăn lượt, như thầy giáo. Tôi sợ đờ người ra, không dám khóc, cũng không dám nghĩ trốn về.
Trống tan học nện bần bật từng hồi, rung mái đình. Các lớp trong sân, nhốn nháo, inh ỏi, la hét trong tiếng trống.
Xung quanh như cả học trò và bàn ghế cũng nhấp nhổm sắp à lên. Nhưng khoan khoan, cái roi da thầy đã phất đuôi roi hất vút vút. Tất cả im, đứng dậy, khoanh tay. Thầy đập một roi xuống đầu bàn. Trăm miệng bật kêu váng:
- Giơ mơ le vơơơ...(1)
Đầu roi lại đập xuống. Trăm cái miệng tròn vo lại réo đinh tai:
- Ô rơ-voa mông mét-tờ-rơơơ...(2)
Rồi đầu roi trỏ ra cửa. Đàn rồng rắn học trò xếp lại, tuốn lên cổng trường. Ra tới bãi cỏ chân đê, cái cảnh vỡ chợ mà tôi tưởng lúc nãy bây giờ mới thật sự loạn xạ. Bên gốc bàng những cái cặp, những quyển sách với mũ, nón, áo và quần nữa, tất cả quăng lung tung. Nhiều đám trần truồng ra. Đánh nhau vật nhau cởi trần truồng như thế không sợ rách quần áo - bố mẹ không biết. Đằng kia, bác hàng bánh tôm đương co kéo bắt mũ, bắt cặp của chú học trò ăn chịu. Có chú sợ hàng quà, khôn hơn, trèo tường cổng sau ra. Nhưng, vừa nhảy xuống đất, đã trông thấy ngay bác hàng kẹo đứng chăm chắm ở chân tường, giơ tay nhấc luôn chiếc mũ của cậu bé còn nợ, lẳng lặng nhét đáy hòm rồi nói: "Bao giờ có tiền trả thì chuộc mũ".
Cái cảnh ấy cũng có tôi sau này, bởi chẳng bao lâu, tôi cũng từng trải cung cách trèo tường trốn nợ hàng kẹo, hàng bánh tôm hay là có hôm ngồi hóng cửa trường đợi thằng bạn nào ăn bánh tây xin ngoạm một miếng, có khi ngoạm cả vào ngón tay nó đặt làm cỡ.
Tôi loanh quanh giữa đám hỗn độn. Không thấy u tôi đâu. Tôi bối rối đến nỗi thầy Lâm đứng trước mặt mà không trông thấy.
Thầy Lâm bảo:
- Cháu ra đây tôi đèo...
Tôi khóc to:
- Không... không...
Rồi rống lên. Thầy Lâm dỗ:
- Đèo xe đạp về nhà mà.
Thấy nói được về nhà, tôi thôi khóc và quên ngay cái cảnh sợ hãi đám học trò vừa rồi.
Thầy Lâm đèo tôi mấy buổi đi học như thế. Tôi chỉ nhớ ngồi trước mặt thầy trên khung xe đạp, lưng tôi gò xuống. Về đến đầu chợ Bưởi, thầy buông chân xuống đất làm phanh hãm, hai đầu gối thầy thúc lên đít tôi. Cái xe đạp “pi-nhông” đứng khựng.
Cái nhà thầy Lâm ấy, chẳng phải người làng, người họ nhà tôi đâu. Tôi biết thầy dạy học, chỉ vì thấy cả nhà gọi là thầy giáo. Nhưng không biết là thầy giáo bên đạo hay thầy giáo, thầy đồ ngồi bảo chữ nho, chữ quốc ngữ ở các làng. Cũng không biết tại sao dì Niêm tôi quen... Nhà thầy ấy ở đâu không rõ. Hình như là người Kẻ Chợ. Và hình như thầy Lâm và dì Niêm gặp nhau ở hội làng Hồ tháng tư rồi phải lòng nhau. Bây giờ thầy giáo Lâm xin học cho tôi để có cớ đi lại.
Vùng tôi chưa có trường sơ học. Làng trên có trường vỡ lòng, tôi đã học hết chữ của thầy giáo Đức, thày giáo Cộng thầy giáo Thạch từ lâu. Nhưng xin học ngoài phố không phải dễ. Năm trước định vào trường Cửa Đông, tôi phải ra ở phố Hàng Mã. Thi trượt vì chẳng may cuống quít làm ngược cái tính trừ đấy?
Thỉnh thoảng, thầy Lâm lại đón đường đưa tôi một cái thư.
Tôi chẳng phải tò mò xem trộm. Bởi vì rồi dì Niêm sẽ bảo tôi đọc hộ, dì tôi sẽ ngồi kể cho tôi viết trả lời. Những lá thư tình bao giờ cũng bắt đầu vài ba câu Kiều lẩy Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn... rồi mới đến: Cậu ơi! Ngày sáu khắc đêm năm canh... thư nào cũng một câu như vậy, dì tôi chưa đọc, tôi cũng cứ viết sẵn. Cậu ơi! Ngày sáu khắc... rồi ngồi đợi.
Một hôm chủ nhật, dì Niêm cho tôi đi Kẻ Chợ. Lần đầu tiên, tôi được vào xem tuồng Tàu ban ngày trong đình Hội quản phố Hàng Buồm. Tiếng thanh la nhức óc hơn tiếng hét "lốc bốc xoảng... lốc bốc xoảng... xoảng xoảng...". Tôi ngơ ngẩn vào nhìn. Thầy Lâm và dì tôi đứng đằng xa. Tôi chưa hiểu đó là cách hai người yêu hẹn nhau trong đám xem tuồng Tầu lạ lùng như thế, để tránh gặp người quen, khó ai bắt gặp.
Đến trưa, dì cháu tôi ra về, đứng đợi tàu cửa chợ Đồng Xuân.
Một người đàn bà ngồi trong bọn những người làm nghề đổi tiền cửa chợ, bỗng đứng dậy, xăm xăm tới. Mặt xám ngoét, vành khăn vấn hất lên quá nửa mái tóc, cái đuôi gà chổng ngược. Vẻ cong cớn, táo tợn lắm. Mụ cắp cái thúng nhòi đến trước mặt dì tôi, chống nạnh bên sườn, xỉa tay luôn một thôi:
- Con đĩ Bưởi, con đĩ Bưởi kia, mày quyến rũ thằng Lâm đi đâu? Mày là con mẹ mìn à? Trêu tay bà, bà xé xác mày ra... Con đĩ Bưởi kia!
Mấy mụ khác cũng te tái, xô ra. Những người làm nghề đổi tiền có tiếng nặc nô cửa chợ.
Tôi lo quá. Tôi nhìn quanh không đâu có hòn đá hay cái que, cái gậy... Mấy mụ chới với tay vít tóc dì tôi. Nhưng họ còn vướng trong tay cái thúng tiền. Lúc ấy, tàu Bưởi đã xuống, tàu lên bắt đầu chạy. Hai dì cháu tôi ù được lên tàu. Cửa tàu hẹp, không toang hoác như cửa toa. Cái tàu "leng keng huý huý" lăn bánh.
Mấy mụ đổi tiền đuổi theo bám lên chỗ tay vịn bằng đồng ngoài cửa. Dì Niêm tôi đã lẩn được vào trong. Giữa đám bề bộn người vừa lên, tôi cứ cào phứa vào tay các con mụ. Tiếng chu chéo. "A, thằng ranh con? Thằng ranh con..." Nhưng tàu đã chạy. Chắc mụ nọ sợ nhỡ buổi chợ hoặc mất cái thúng tiền hơn là đi đánh ghen thuê, thế là tụt xuống. Cũng chưa thôi họ còn rảo theo, trỏ lên tàu, réo:
- Cha tiên nhân con đĩ Bưởi... Bà để tội cho mày...
Tôi định nếu thầy Lâm mà còn đón tôi nhờ đưa thư, tôi sẽ ném cái thư xuống đất. Nhưng từ hôm ấy, không gặp lại cái nhà thầy ấy lần nào nữa.
Mà tôi quen đường đi học rồi. Từ làng tôi ra trường Yên Phụ xa bảy, tám ki lô mét. Thế mà tôi chỉ toàn chạy. Chẳng mấy khi tôi chịu về kém tàu điện. Có hôm tôi chạy về tận Quần Ngựa, nhìn xuống đường dưới Thuỵ Khuê, thấy chiếc tàu điện lúc nãy gặp ở Quán Thánh bấy giờ mới ló lên đến cống Đõ, đương ken két ầm ĩ vào chỗ tránh "qua di măng” ở Cổng Rong. Có khi gặp cái xe bò đi không, chúng tôi được người kéo xe cho bám - kéo xe không thì nhẹ quá khó kéo.
Thế là đứa ngồi, đứa đẩy, thay nhau về đến đầu dốc đường Thành, trời chưa tối.
Tôi đi học từ tờ mờ đất. Ra đến Hồ Tây vẫn còn mù mịt sương. Trên đường gặp đến lắm chó đi rông. Trong cặp tôi đựng toàn những hòn đá vừa tay. Chẳng bao lâu, tôi đã thạo ném chó. Chó chạy nhanh, chạy chậm tôi có thể ném đón, tôi định cho trúng vào mõm hay vào bụng, trúng cả.
Mỗi sớm tôi đem theo một nắm cơm u tôi đã nắm chiều hôm trước. Buổi trưa ăn cơm nắm với một xu thức ăn miếng đậu rán hay vài cái kẹo bột. Có khi, dúm muối vừng, miếng cá, con cua mặn. Ăn nhệu nhạo xong, chạy ra cái máy nước đầu ngõ Trúc Lạc nghiêng cổ tu một hơi rồi lên bãi đá bóng.
Tôi ném bộp nụ hoa gạo, ném sấu vườn Bách Thảo, ném con cánh quít ẩn trong kẽ lá bàng trên đê, chém nhựa đa đường Cổ Ngư làm bóng. Mùa nào thứ ấy, bốn mùa chơi.
Ngày ngày đi học, chẳng nhớ bài, chỉ nhớ những chơi bời dông dài như thế.
Tên thầy giáo tôi là thầy giáo Tỏi. Tôi nghĩ không phải tên thầy. Ai lại tên là Tỏi. Nhưng đứa nào cũng bảo đích tên thầy là Tỏi. Chúng nó kể: trong ngăn kéo trên bàn thầy lúc nào lục trộm cũng thấy nhiều củ tỏi, thầy nghiện ăn tỏi từ thuở bé nên được bố mẹ đặt tên cho là Tỏi, thầy giáo Tỏi. Tên trường là Nóc-đơ-man mà ai cũng gọi là Yên Phụ. Vậy thì tại sao thầy giáo tên là Tỏi cũng thế. Vả lại cái roi da thầy Tỏi lúc nào cũng cầm ở tay không phải là thầy chỉ dứ roi trên đầu mà thầy còn quất thật lực vào đít, vào lưng chúng tôi.
Mỗi hôm vào lớp, một anh lớn cầm quyển sách đã có bài chép sẵn từ những năm học trước, anh ấy trông sách rồi chép lên bảng. Còn thầy giáo thì cầm roi đi đi lại lại không phải làm gì cả. Buổi nào cũng thế. Tôi lại biết thêm tính thầy, đứa nào có tội thế nào thầy cứ quất phủ đầu cho mấy roi rồi thầy mới bảo. Nếu ngơ ngác chưa hiểu, thầy lại quất nữa. Suốt cả buổi học, tiếng roi da khô khan cứ đen đét. Đầu lớp, cuối lớp chỉ có cái roi làm việc. Trông vào ánh nắng các khe cửa, bụi quần áo ăn đòn, bốc mù mịt khắp lớp.
Thấm thoắt, đã áp Tết. Thầy giáo tôi dặn cả lớp:
- Hôm nay hai mươi ba cúng ông Táo công lên chầu giời. Còn bốn hôm nữa thì nghỉ. Năm nay thầy về quê ăn Tết, đứa nào tết thầy thì đem tiền đến, đừng biếu bánh trái, thịt thà như mọi năm...
Thế là lễ tết thầy tôi năm nay đưa bằng tiền. Nhưng tôi không dám xin tiền u tôi. Những ngày cuối năm, thường nhà tôi u ám những trận cãi nhau, mặc dầu tôi sợ thầy mà đành hậm hực buồn bã, không hỏi xin tiền ai ở nhà.
Ra giêng khai trường, cứ nghĩ đến ngọn roi da của thầy giáo, tôi thót lưng, buồn đắng cả miệng. Có thể, không có tiền lễ tết, thầy đánh cũng nên.
Mùng bảy tháng giêng khai trường, bồn chồn quá...
Rồi tôi phải đòn thật. Năm mới, đã đen quá. Nhưng cả lớp tôi cũng phải đòn. Đầu tiên, thầy giáo gọi một đứa ngồi đầu bàn lên. Thầy quệt mạnh ria mép một cái như muốn kéo soạt bộ ria đi. Đấy là lúc thầy giận lắm.
Thầy dang thẳng tay, tát thằng ấy một cái. Rồi thầy lại tát ngược bàn tay lại. Tôi trông thấy mặt thằng bé lật lên chao đi giữa hai cái tát đốp đốp nảy đom đóm mắt.
Thầy ra lệnh:
- Về chỗ. Tát thằng bên cạnh như thầy vừa tát ra mẫu thế, nhe!
Thầy đứng xem cả lớp tát nhau, đứa nọ tát đứa kia từ bàn đầu đến bàn bét, kiểu như thầy đã làm ra mẫu. Phút chốc, lớp tôi vang lên những tiếng bốp bốp khô khốc. Tôi tê dại cả hai má. Thằng hàng xóm không thù tôi, nhưng hắn không dám tát khẽ. Đứa nào tát nới tay, thầy giáo đến tát lại cả hai đứa. Những đứa vẫn đợi dịp đòn thù nhau thì khác. Chúng bặm môi, giơ tay tát trái như đấm quai hàm, có đứa toé máu cam xuống bàn.
Cả lớp lại im phắc. Chúng tôi đợi nghe xem đầu năm mà đã có tội gì. Tiếng thầy rè rè, đều đều như có dây cót vặn của cái đồng hồ chẩm cầm báo thức:
- Đứa nào... lấy cái roi... của thầy?
Thì ra thầy tôi mất cái roi. Năm mới, thầy tôi mất cái roi da mọi khi vẫn dắt đằng sau mặt bảng đen. Đứa độc ác nào lấy cái roi da của thầy. Nó không nghĩ rồi thầy hành tội cả lớp. Có thể đứa lớp khác sang lấy trộm. Có thể trong lúc nghỉ Tết, trẻ con ngoài đường vào ăn cắp. Nhưng đằng nào cũng mất cái roi của thầy tôi và chúng tôi đã phải ăn đòn.
Lớp vẫn im phắc. Giọng thầy lại lên rè rè:
- Mỗi đứa đóng một xu để thầy mua roi mới. Nhớ nhe mỗi đứa một xu. Nhớ nhe, mỗi hôm trước khi chép bài, cả lớp lại phải đòn như hôm nay, cho đến hôm nào có roi mới mới thôi nhe.
Thế mà cũng phải mất mấy hôm những thằng đầu bàn mới thu đủ tiền. Đứa nào cũng sợ đòn, nhưng có đứa bảo: “Mấy khi được tát nhau, thích thật”. Nó nói liều thế, chắc vì một xu nhà cho đóng tiền mua roi đền thầy đã chót chén quà mất rồi. Đành chịu. Học trò đi học, gặp thầy dữ đòn hay thầy giáo hiền cũng như người đi đường gặp mưa gặp nắng, không biết thế nào mà tránh.
Rồi mùa xuân đi, mùa hạ đến. Ngày tháng nhạt nhẽo, oi ả, khó nhọc. Chúng tôi đá bóng suốt trưa trên bãi ven đê. Nhiều đứa xa nhà cũng ở lại, lang thang vơ vẩn bờ bụi hè phố.
Một dạo, tôi thôi đá bóng. Tôi đẽo chạc ổi, mua dây cao su làm được cái súng chạc cao su. Suốt đường Cổ Ngư, vàng ối những quả đa. Chim vàng anh về từng đàn, đậu lẫn trong quả đa, rúc ráy mổ quả đa, nếu cái đầu chim không đụng đậy, không ai biết. Nháy mắt, tôi đã bắn được một con, hai con, ba con.
Rồi đứa đi vơ rác, đứa vặt lông, tôi lấy mảnh sành rạch bụng chim, làm lòng. Thui một tí, đã thơm phức. Vàng anh hay con sáo sậu, chúng tôi đều thui rồi xé thịt chim chấm muối ăn. Vừa ăn vừa hò hát: Vàng ảnh, vàng anh, có phải vợ anh thì chui vào tay áo... Sáo sậu là cậu sáo đen, sáo đen là em sáo sậu...
Hương sen thơm suốt quãng đường hai bên hồ. Những chiếc lá sen tròn đồng tiền, mơn mởn nghển lên khỏi mặt nước. Chúng tôi lội xuống hái những nụ mới nhú bằng ngón tay. Nụ sen ăn ngòn ngọt. Rồi trải lá sen lên bờ cỏ, chúng tôi nằm ngủ dưới gốc đa, trong gió hồ buổi trưa hây hẩy bát ngát.
Tàn mùa quả đa, cây cũng vãn tiếng chim. Tôi vào tìm bắn chim trong Bách Thảo. Nhưng những cây sấu rậm lá kín bưng, chim chui vào không thở được, chẳng thấy con nào.
Một hôm, đương ngồi trong lớp, nghe những tiếng chẹc chẹc hai bên tai. Từ hôm ấy, tôi nhận ra ở trường có nhiều chim sẻ. Dễ thường chim sẻ nhiều hơn cả học trò. Chúng nó ở đây cả ngày cả đêm, cả chủ nhật và khi học trò vào lớp, chim sẻ xuống chơi đầy sân, bay từng đàn nâu loang loáng. Những lúc khác, chim sẻ đứng đầu tường, cãi nhau hay trò chuyện làm sao mà biết được. Chỉ biết nó cứ ra rả chẹc chẹc. Chim ngủ ngay trên khe ngói, hóc cột. Sáng nào chúng tôi cũng phải dọn cứt chim cứt dơi trên mặt bàn ghế ngồi. Cả trong nách, trong bụng, và sau vành tai hai ông hộ pháp đứng sừng sững chỗ cửa lớp ba trông xuống cây sung ở sân dưới cũng có chim sẻ ngủ và ỉa đêm.
Chúng tôi rình bắn chim sẻ quanh tường để nướng ăn thịt.
Tan học, người gác trường vừa quăng cái xích sắt khoá cánh cửa gỗ, tiếng nhốn nháo của đám học trò sắp hàng đã dồn ra ngoài cổng, tan loang trên đê, đàn chim sẻ sà xuống nhảy loạn cả vào các cửa lớp.
Vào giờ chơi buổi sáng. Bên cây lạc tây to ở cửa sân trên đứng thay cái cột gôn tự nhiên, có đám chơi đá cầu. Nắng vàng choé một mảng tường sát dường cái, vươn lên cái cột xi măng có bậc. Những đứa đi học muộn, cửa trường đã khoá cứ trèo cột đèn này vào sân.
Bỗng tôi trông thấy một cái đầu người nhô lên trên cột. Những con chim sẻ đương đứng vụt bay vào tường chùa. Người trèo cột đèn ném theo. Nhưng không phải ném chim. Những mảnh giấy trắng lả tả rơi xuống bọn đá cầu và khắp sân trường. Thế là đám học trò chạy túa ra.
Cả cái sân trên nhốn nháo, người sân dưới cũng dồn hết lên.
Tiếng lao xao:
- Giấy hội kín, anh em ơi!
- Đâu? Đâu?
Nhiều đứa xô đến, đương nhặt xem. Trên cổng con, xộc vào mấy người đội xếp Tây và đội xếp ta lố nhố xuống theo.
Sân dưới, sân trên, cổng trước, cổng con, mỗi cửa lớp một người đội xếp đứng. Tự dưng, trống ra chơi vào sớm. Cái sân trường phút chốc vắng ngắt. Cả lớp im phắc. Không còn biết những gì xảy ra ngoài sân. Những đàn chim sẻ dạt vào góc tường kêu chẹc chẹc. Như vậy, tôi biết dưới sân còn người - chim sẻ xuống, thấy động, lại bối rối bay lên.
Chúng tôi vào lớp hôm nay không phải đọc đều những tràng tiếng Tây như mọi khi: Chúng tôi đã vào lớp... Chúng tôi ngồi xuống... Chúng tôi ngồi im... Mặc dù lớp trật tự thế, thầy giáo Tỏi cũng nói một câu. Giọng thầy dịu dàng nhưng vẫn rè rè, người ta bảo người nghiện rượu khản cổ, khi nào tiếng cũng rè rè thế.
- Hội kín ném giấy cộng sản vào trường ta. Ngồi im, cứ ngồi im đấy. Thôi không học bài hôm nay, bài mới thì chiều chép nhân thể.
Im đến nghe cả tiếng muỗi ro ro trong xó tối, thì phải biết là im thế nào. Câu thầy tôi nói đầy bí hiểm và ghê ghê.
Không biết chúng tôi còn phải cúi mặt chăm chắm như thế đến bao giờ. Thầy giáo cũng ngồi im lặng trên ghế. Cái roi da đặt ở mặt bàn. Thầy nhìn ra cửa chờ đợi, chốc chốc lại nháy ria mép. Điều gì sốt ruột, nhưng chẳng biết điều gì cả.
Tan học, nghe tiếng trống, các lớp cứ tự nhiên tan.
Không còn gì ngoài sân trường; không thấy những tờ giấy lúc nãy ở chân tường. Bọn đội xếp đã biến mất. Các thầy giáo trông cho học trò xếp hàng qua cổng rồi chạy theo ra giữa phố đuổi bọn đứng tụ lại, ngấp nghé, bàn tán. Nhưng đuổi quãng ấy, chúng tôi lại tụ tập đằng xa.
- Tao trông thấy thằng đội xếp xích tay thầy Bảo?
- Cả thầy giáo Tân?
- Nói phét?
- Chẳng tin ra hỏi cái thằng lớp nhì mà xem.
- Anh Kính con thầy Tỏi lớp mình cũng bị xích tay.
- Nói phét quá!
- Chẳng tin đến chiều hỏi xem.
Buổi chiều, tôi nhòm vào lớp, thấy cả hai lớp nhì thầy Bảo và thầy Tân đều vắng thầy thật. Thế mà lạ sao, học trò đông đủ trong lớp ngồi im, không nhúc nhích. Tôi trông thấy nhiều đứa mắt đỏ hoe. Chúng nó thương thầy giáo bị Tây bắt.
Nhà thầy giáo Tỏi ở một gian gần cổng sau trường. Hai gian thông luôn, trước cửa có bụi cây hoa hồng che kín. Qua bụi cây thì trong nhà có gì cũng trông thông thống thấy hết.
Cô giáo thường ngồi têm trầu ở phản trong. Anh Kính cởi trần, quay mặt ra, chăm chú đọc sách ở cái ghế đẩu bên cạnh cửa. Mọi khi, hôm nào cũng thấy thế.
Hôm nay, chúng tôi đi qua, nhớn nhác nhìn vào. Sau bụi hồng, gian nhà vẫn toang cửa như mọi hôm. Nhưng không thấy một ai. Cái thanh vắng cứ rờn rợn. Những bông hồng ta đỏ hoe, rữa cánh, như hoa hồng ma. Có lẽ anh Kính bị Tây bắt thật. Cả cô giáo cũng bị bắt rồi, chưa ai biết cũng nên.
Buổi trưa, vẫn những buổi trưa, trường tôi lại bình thường oi ả như mọi trưa hè. Đàn chim sẻ than vãn ra rả, mỏ há khát nước trong ánh nắng mới gay gắt đầu mùa. Trên đường đê, những người kẻ Sù, kẻ Gạ quẩy đôi sọt dưa hồng vào thành phố, tiếng dép kẻ Noi lê quèn quẹt, mồ hôi nhỏ giọt xuống mặt đường đá. Ven bãi cỏ, bọn học trò nhà xa, mặt cháy nắng, cời bắt những con cánh quạt trong kẽ lá bàng xanh non và trong cỏ. Chúng nó mải đá bóng, hò hét, một chốc, đã khản đặc cổ, lại chạy đùng đùng xuống máy nước.
Rồi mùa hạ đã tới. Gần đến kỳ nghỉ hè. Trong sân trường, lúc vào học, tan học và giờ chơi vẫn tấp nập những quen thuộc hàng ngày.
Sáng thứ hai, bao giờ cũng có những đám xúm xít dưới gốc mít và trên thềm cửa lớp, khoác lác kể lại chuyện ngày chủ nhật: đá bóng, đánh nhau, thi xe đạp, xem “xi-la-ma” và những chuyện lông bông khác nữa. Tôi ở trong làng, ngày chủ nhật đi bẫy chim, đi bẻ trộm nhãn, đi hun bắt chuột đồng. Chỉ đứng nghe chúng nó nói, tưởng cũng biết cả chuyện khắp thành phố.
Sân trên, rối rít hai đám đá cầu, đám của lớp nhất, giữa hai cây lạc tây. Học trò lớp nhất lớp nhì cao lênh khênh chít khăn mặc áo the chẳng khác thầy giáo. Nghe nói có đứa cũng có vợ bằng thầy giáo rồi. Sân dưới hẹp, lố nhố những bọn đánh đáo lỗ, đáo tường, gieo tiền đánh “rồi” lại có đám đánh bất, đám đánh ít xì xúm xít sát phạt nhau ngồi tận trong gốc chuối. Dưới bóng cây sấu, la liệt mấy thúng quà của người nhà bác gác trường. Mỗi mùa mỗi thức, khoai lang luộc, mận dưa chuột, sấu chín, mẹt mơ với một bát muối trắng rắc những miếng ớt đỏ tươi... Chỗ chơi, chỗ gọi ăn, chỗ chạy, nhốn nháo.
Thầy giáo Tỏi cầm cái roi vung vẩy, đi bách bộ sân trên xuống sân dưới. Chẳng phận sự gì, nhưng thầy vẫn quen đi thế, cũng như thầy đã quen cầm cái roi da. Chỗ nào có xô xát cả chỗ đá cầu trong đám học trò lớp nhất cao lêu đêu, thầy cũng quất roi tiến vào. Thầy đánh tuốt.
Chúng nó kể rằng thầy giáo Tỏi dạy lâu nhất trường này và ngày trước thầy mình dạy lớp nhất. Sau có nhiều thầy giáo tốt nghiệp trường "Nóc-man"(1) ra thì thầy giáo mình lùi xuống dạy lớp nhì rồi xuống lớp ba, rồi lùi mãi cho đến khi tụt xuống dạy lớp bét như bây giờ.
Thầy giáo không được dạy lớp nhất nữa, đã lâu. Nhưng thầy giáo tôi vẫn mặc áo ma-ga tơ đen, tấm áo từ ngày dạy lớp nhất, lại chúng nó bảo thế, - chỉ khác, đôi ống tay rách đã thay nhiều lần. Dù sao, vẫn là cái áo ma-ga tơ đẹp ngày thầy dạy học trò lớp nhất kia.
Buổi trưa, nóng nực, im ắng. Tôi rình bắn chim sẻ. Những con chim sẻ bị đạn nhiều, biết bảo nhau khôn hơn hoặc vì bờ tường dãi nắng quá, chim chỉ nhớn nhác đến, lại vù bay đi. Bắn mấy phát, toàn bắn đuổi không trúng. Những hòn đạn cuội tròn xoe, tôi phải công phu tìm tận trên đường sỏi vườn Bách Thảo. Mà mấy hôm chẳng bắn được mống chim nào.
Tôi đương nấp nấp, hó háy mắt lên tường. Bỗng chưng hửng, tôi đứng thẳng. Thầy giáo tôi đã mở cái cổng con ra từ lúc nào. Sau lưng thầy giáo có một người Tây lực lưỡng cởi trần. Mình người Tây lông lá và đỏ hắt như thằng người lên sởi. Người Tây trỏ tôi, nói một lô xích xô, tôi nghe ù ù cạc cạc.
Thầy giáo tôi hất đầu roi vào tôi, quát:
- Lại đây!
Tôi từ từ bước lại. Tôi nghiêng nghiêng lưng. Tôi biết tôi có tội gì rồi nên toan có cách đỡ. Tôi giơ sẵn cái lưng tôi. Roi da nện vào lưng, đỡ buốt hơn bị quất vào đít.
Thầy tôi quát:
- Sao mày bắn chim làm rơi gạch xuống mái nhà, làm cho Tây người ta không ngủ trưa được?
Tôi còn biết trả lời thế nào. Cái súng cao su tôi cầm trong tay đây, ăn nói làm sao.
- Thưa thầy... thưa thầy...
Thầy giáo tôi vút cái đuôi roi lướt phựt phựt qua mặt tôi.
Tôi chớp mắt lia lịa. Thầy tôi nói, từng tiếng, rè rè, dịu dàng:
- Lại đây... lại đây.. thầy bảo. Từ giờ... buổi trưa... muốn bắn chim... thầy cho vào trong sân trường mà bắn...
Tôi lạ quá, bắn ở đầu tường còn rơi đạn xuống nóc nhà Tây cơ mà. Bắn trong sân trường nhất định hòn cuội vẫn rơi xuống nhà Tây. Có thật thầy tôi vừa nói câu ấy không. Hay tai tôi nghễnh ngãng? Từ bây giờ... muốn bắn chim... vào sân trường... thầy cho... Thầy tôi vẫn nói. Thầy giơ dựng đứng chiếc roi đương ve vẩy như đuôi trâu. Như trả lời cho cái lo trong bụng tôi.
- Nhớ nhe, sang phía này bắn thì đạn chỉ rơi lên mặt đê mà không xuống nhà Tây được. Mà kệ bố nó? Thầy sẽ rào cái cổng đằng bờ hồ, thằng Tây này không sang hoạnh hoẹ được nữa.
Rồi thầy tôi vút vút ngọn roi lên:
- Còn đứa nào nữa? Vào cả trong sân mà bắn? Chúng mày bắn chim cho thầy nhắm rượu, nhe? Cái giống chim sẻ đem rán phi tỏi, phi thật nhiều tỏi, hay đấy, nhe!
Thầy giáo tôi cứ vừa vút roi, vừa nói. Thằng Tây nọ có lẽ tưởng thầy tôi đương chửi tôi, sắp đánh tôi về tội dám bắn chim làm đạn rơi vào nóc nhà nó, khiến nó không ngủ trưa được Thằng Tây đứng im. Mồ hôi nhễ nhại trên cái ngực lông lá mẩn đỏ. Nhưng nó cũng không đứng im được lâu. Nó còn phải ngủ trưa. Nó cũng không thể đứng bêu nắng thế được.
Nó lại xà lù... cu song(1) mấy câu gì, rồi nó cung cúc xuống men hồ, đi về nhà.
Trưa hôm sau, một bọn chúng tôi được vào sân trường bắn chim, thật sự. Trống tan học, thầy giáo vẫy roi ra hiệu một cái. Chúng tôi xuống nhà thầy. Rồi ra sân bắn chim.
Được chim, chúng tôi làm thịt rán biếu thầy. Có khi chúng tôi ngồi mở cơm nắm ra cùng ăn thịt chim rán với thầy. Lạ thay từ hôm ấy, thầy giáo tôi vẫn cầm cái roi da nguyên như mọi khi mà tôi thấy thầy giáo không ác tý nào.
Thầy tôi treo cây roi lên sợi thép phơi quần áo trước cửa. Đã lâu không thấy cái quần áo nào phơi. Thầy giáo tôi bây giờ chỉ ở một mình.
Mấy hôm, bạo dạn hơn, tôi hỏi:
- Thưa thầy, cô con đi đâu ạ?
Thầy giáo nói:
- Cô mày đi “ hí hí”.... “ hí hí”...
Rồi thầy dang tay ra, giơ lên giơ xuống cắt nghĩa, vẫn như lúc đứng giảng bài:
- Thế là lên đồng, nhe. Cô mày đi kêu "tam phủ ngũ huyện" cho nhà thầy được tai qua nạn khỏi, nhe.
Thế ra ai mách chỗ Cửa ông, Thác Bà linh thiêng ở những nơi bóng nước phương trời nào, cô giáo tôi đều đi đến đấy cầu cúng.
Thầy nói khàn khàn:
- Cậu Kính phải Tây bắt rồi, con biết chưa?
Tôi lễ phép, sợ sệt:
- Con biết rồi ạ!
Trưa hôm ấy, chúng tôi đi quanh sân, tìm chim sẻ bắn một lúc rồi mới xuống nhà thầy. Tôi không thấy thầy lúi húi thổi cơm trong bếp như mọi khi. Thầy nằm đắp chiếu trên giường, rên hừ hừ. Vừa rên, thầy vừa nói trong chiếu ra:
- Con đấy à?
Chúng tôi tranh nhau thưa:
- Thầy xơi cơm để con thổi?
Rồi líu tíu kể:
- Được chim rồi, thầy ạ. Chúng con chỉ giã có bốn phát mà được ba con, thầy ạ.
Thầy vẫn rên trong chăn ra:
- Đừng thổi... thầy sốt... Thầy không ăn cơm. Rán chim đi... nhiều tỏi, nhiều tỏi nhe? Đứa nào chạy mua cho thầy cút rượu chai chỗ kia. Tiền thầy để trên cái thắt lưng ở cột trong...
Chúng tôi vặt lông chim, rồi thui, rồi rán phi tỏi, nhiều tỏi, như mọi khi, cố làm ngon hơn mọi khi. Tôi đã biết cách rán chim không cần mỡ mà thịt chim không bị sát chảo. Hôm trước thầy đã khen tôi ngày sau thằng này đi làm bếp cao lâu thì tốt. Chỉ loáng mắt, đã thơm ngào ngạt.
Tôi rón rén đến đầu giường:
- Con mời thầy dậy xơi rượu ạ?
Thầy giáo dậy tựa lưng vào hòm phản. Tôi ngắm nghía thấy thầy giáo tôi già quá. Ngày nào tôi cũng nhìn thầy giáo thế mà hôm nay nhìn lại không nhận ra thầy mình mọi khi.
Thầy bỏ cái khăn lượt xuống, tóc thầy đã ngả màu muối tiêu. Hàng ria vểnh chênh vênh vàng ám khói như ai đính vào đấy. Thầy nhom nhem gầy rộc, thầy chỉ còn hơi giống thầy mọi khi. Ngồi cạnh, tôi ngửi thấy mùi tỏi, mùi rượu nằng nặng, mùi hôi ẩm quần áo lâu không thay và cái hơi người ốm sùng sũng từ hai bàn chân mọng nề ra.
Chúng tôi mở gói cơm nắm. Tôi ra lấy chiếc đĩa ngoài trạn. Phần chúng tôi chia nhau cái đầu, cái cổ, cái chân. Cứ thẳng thừng ra thì cả chỗ chim rán ấy mỗi đứa chỉ làm một đớp biến cả xương. Thế mà tôi đã chặt riêng rẽ từng miếng lườn, từng cái đùi chim ngay ngắn đặt lên đĩa, lại vun tú ụ đám tỏi vào một góc.
Thầy giáo nhắp từng ngụm rượu. Thầy lấy tay xé thịt chim, thầy từ từ nhai và mắt thầy lại nhìn đi đâu. Thầy xơi thêm một miếng cơm nắm của chúng tôi. Thấy thầy nhai cơm chúng tôi nhìn nhau, nhìn thầy, sung sướng cung kính. Tôi bỗng thương xót thầy với một tình cảm lạ lùng, tôi muốn khóc.
Thầy tôi bảo:
- Chúng mày rửa kỹ bát, gài mớ rửa bát lên cọc, gài cẩn nhận nhe. Úp bát vào trạn, úp khéo chả vỡ. Treo chảo lên cái đinh thứ ba ngoài tường bếp rồi xuống sân sau chơi cho thầy nghỉ, nhe.
Lát sau, ở dưới sân sau lên lấy cặp học bài, thấy thầy giáo vẫn ngồi tựa mép hòm như thế.
Buổi học chiều, thầy ra dây thép xách cái roi đi lên lớp.
Thầy tôi lù khù đi. Cái roi ve vẩy. Tôi có cảm tưởng mới mẻ: thầy đương cầm chơi cái que và không có gì đáng sợ.
Sau nghỉ hè năm ấy, tôi không thấy thầy giáo tôi dạy nữa. Thầy đi đâu, thầy chết hay thầy bị mật thám, bị thằng Tây cạnh trường sang bắt đi, như anh Kính. Hay thầy dạy học kém cứ tụt mãi, không còn lớp nào để tụt, người ta đuổi thầy giáo ra khỏi trường rồi. Bây giờ nhớ lại chuyện thầy giáo, nhớ lại anh Kính bị bắt, nhà thầy tan nát, còn biết bao nhiêu chuyện thương tâm nữa. Nhưng ngày ấy tôi không hiểu gì hơn.
Cái nhà thầy ở, về sau nhà trường lấy một góc làm chỗ để xe đạp của thầy giáo các lớp. Vài cái xe đạp ra vào mấy hôm đã rập cả bụi hoa hồng. Mấy hôm nữa, rụi nốt bụi sói, thế là trống hốc ra.
Một thầy giáo khác đến dạy lớp bét, cũng về ở đấy. Thầy giáo Hướng, Đặng Đình Hướng. - bao năm sau, tôi mới biết thầy Hướng là anh ruột nhạc sĩ Đặng Đình Hưng. Thầy Hướng ở một mình, chỉ có tấm phản kê lẫn bên những cái xe đạp. Thầy mặc áo the dài, đội mũ trắng, thầy nói thầy là người bên đạo Tin Lành. Thầy bước tất tả, cầm cái quạt, tay che miệng, hay thì thào một mình. Có khi đương đi, thầy bỗng đứng im một lúc lâu, mắt nhìn lơ láo hai bên, như tìm gì trong suy nghĩ.
1970
 
Chú thích:
(1) Tiếng Pháp: Tôi đứng dậy.
(2) Tiếng Pháp: Tôi chào tạm biệt thầy giáo tôi
(3) Tiếng Pháp: trường sư phạm.
(4) Tiếng Pháp: những câu chửi rủa.