Chương 21

Người thủ kho ghếch miệng can dầu vào bình dầu trên chiếc máy Bông Sen đỏ chót, tặc tặc lưỡi:
- Tặc tặc... hoá ra máy cũng cần ăn dầu, hả?
- Vớ vẩn! Anh có cần ăn không?- Anh thợ béo mập có ria mép cau mặt khó chịu.
Người thủ kho trút hết can dầu, xoa tay, tỉnh không:
- Hai mươi cân đấy, ông nhé. Ông nhớ, tí nữa ông ký biên lại cho.
- Đây không lèm nhèm đâu.
- Ơ, ông này hay nhỉ.
- To lắm đấy.
- Ơ ơ...
Trọng và anh thợ trẻ gầy gò ngồi ở phía đuôi cái máy. Vừa xong một đợt phun, máy nghỉ một lát cho nguội động cơ.
- Áp lực đảm bảo, anh Trọng ạ- Hào hứng, anh thợ trẻ nói- Tất cả các yêu cầu của anh đề ra nói chung đều đạt. Di chuyển được trên đê. Sản xuất được tại chỗ. Khoan sâu được tới nền. Riêng vấn đề... khả năng ép vữa vào tận hang mối, bít được tất cả các khe ngách thì còn phải xem xét...
- Theo tôi vấn đề quyết định bây giờ là vữa.
- Theo ý kiến anh, chúng tôi đã dùng vữa vôi.
- Đúng thế. Nước vôi mười phần trăm ngấm vào đất, vào các khe ngách tổ mối sẽ diệt hết mối, lại mở đường cho vữa vào tiếp. Nhưng, tỉ lệ vữa thế nào thì vừa? Đặc quá, tôi sợ vữa không vào nổi các ngách phụ. Lỏng quá, thì nước thấm đi hết, không trám được các khe hở.
Đứng dậy, xoa tay, anh thợ trẻ hoạt bát:
- Ta cứ thử lại xem nhé. Anh Ngô, ta cho máy nổ đi.
- Có ngay!- Người thợ tên Ngô lau tay, chuẩn bị quay bánh đà.
Người thủ kho ghé nhìn:
- Các cậu giỏi đấy nhỉ! Hừ, đáng khen lắm!
- Thôi đi, ông. Lùi ra! Cứ như ông tướng!
Chiếc máy được đẩn lên mấy bước chân. Điểm khoan phun đã được Trọng đánh dấu bằng những cái cọc nhỏ. Hàng cách hàng, so le nhau, mỗi lỗ cách nhau một mét. Toạ độ ấy đảm bảo cho vữa phun vào tất cả các đường ngầm trong hang mối.
Ú ú ú ù... phạch phạch... Chiếc máy bật rống, nổ đanh giòn. Mũi khoan cắm đúng dấu mốc. Trọng bước lại cạnh máy. Hồi hộp quá! Đây là dấu chấm cuối cùng của một công trình, phản ánh kết quả thực tiễn của một loại công việc dây chuyền: phát hiện dấu vết sinh vật, xác định vị trí tổ mối, nghiên cứu kết cấu tổ mối, chế tạo công cụ thích hợp... Biết bao là say mê, bồi hồi, đau đớn trong những ngày ấy! Chưa kể cái công việc sáng tạo, cải biến chiếc máy Bông Sen của người bạn anh đội trưởng và hai anh thợ nhiệt tình kia. Họ cũng đã nhận được sự phân công của Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh, rồi mầy mò trong thiếu thốn vất vả. Tất cả những gì làm được trong thời kỳ này đều như vậy, gian nan, khó nhọc. Nhưng, cái gì có thể cản ngăn được khuynh hướng phát triển của sự vật?
- Đành đành đành...
Máy tăng tốc độ. A, nước vôi đang phá đất! Vữa đang đùn vào. Nước vôi đang loang đẫm tổ chính, tổ phụ, hoàng cung, vườn nấm, đang ngấm ra các vùng đất, diệt môi trường xe-luy-lô, môi trường sống của mối. Nước vôi đang truy lùng mối chúa. Vấn đề là phải trám kín được các khoang rỗng để con đê đau yếu, tật nguyền, trở thành khoẻ mạnh cứng cáp.
Trọng nghĩ, trong tiếng máy nổ, lòng dâng lên nỗi sung sướng nghẹn ngào. Tuy nhiên, chính là lúc này, chen trong niềm vui lớn lao, trong anh lại dậy lên một nỗi ân hận và buồn bực. “ Mình đã về đây chậm mất rồi”. Hừ, giá như không có Hưng! Nói thế thì có vẻ là vô lý, vô lý như đòi hỏi trong lòng đê không có tổ mối. Nhưng giá như đời không có, hoặc rất ít những cái xấu xa, độc hại. Và, giá như anh có được một tầm nhận thức cao hơn, ngay từ những ngày đầu quan hệ với Hưng.
Tay xách can dầu, người thủ kho từ phía sau, bước nhanh lên cạnh cái máy, hoan hỉ:
- Các cậu khá thật, giỏi thật đấy. Mình thành thật khen các cậu đã chế tạo ra cái máy này. Thế mới biết thợ Việt Nam mình cừ!
Quay lại nhìn Trọng, người thủ kho cười, gật gù:
- Anh Trọng này, các cụ nhà ta nói thế này, anh bảo có chí lý không. Mệnh người ta là một chuyện, chí của con người ta lại là một chuyện khác. Cái chí của con người ta mạnh lắm. Nó chuyển cả cái mệnh kia. Nhưng, có người trí để ở chốn rừng xanh thâm nghiệm. Lại có anh chí để ở vũng bùn hôi tanh, ú ớ Việt gian hết sức...
- Vớ vẩn quá! Anh nói ai đấy?
Người thợ béo mập lườm anh thủ kho.
Trọng cắn môi, mặt đỏ bậm. Anh thủ kho, con người từ cõi mê trở về với đời, hay dựa vào văn sách để khảo sát đời sống, hình như đã phần nào thấu hiểu anh. ờ, anh có chí. Chí anh đặt ở đây. Chí anh mạnh lắm. Nhưng, nếu anh chỉ có cái chí ấy thôi thì anh sẽ làm được trò trống gì?
- Này anh- Người thủ kho, lướt sát đến cạnh anh thợ béo mập- Tôi nói đây là nói về cuộc đời con người.
- Cứ như bố con chó con!
- Đâu có! Tôi chỉ là anh thủ kho tầm thường thôi.
Người thợ trẻ ngẩng lên, nhay nháy mắt:
- Thủ kho to hơn thủ trưởng đấy, ông ạ.
- Làm gì có chuyện vậy.
- Quá đi chứ.
- Nếu vậy thì tôi phải thêm một mực vào tờ khải. Phải rồi. Trên ra trên, dưới ra dưới, phận sự nào ra phận sự ấy chứ. Như tôi, tôi có nhiệm vụ phát dầu mỡ cho các anh, quản lý bảo vệ tất cả tài sản của đội.
Người thợ béo mập, quay lại:
- Thôi, ông đi đi cho chúng tôi làm việc. Khải khung gì thì lên Trung ương mà trình. Này, Thọ làm cái gì mà như xẩm sờ gậy thế.
Người thủ kho lắc lắc mái tóc râm, xách cái can đi.
Anh thợ trẻ đứng dậy:
- Mệt bã người.
- Về với bà xã lại gặp mấy đêm mưa mát mẻ, cối giã liên tục thì lử cò bợ là phải rồi!
- Được thế đã quý. Đằng này, vừa đến ngõ, bà ấy đã reo: ối giời ơi, may quá, nhà đang gặt lúa sớm ruộng khoán, anh đi đắp đê hộ mấy ngày.
- Hé hé...trúng một quả thơm lừ.
- Còn ông thế nào?
- Đi gặt! Được năm hôm thì người nhà ông Ngoạn sang, nhờ lên đây bảo hộ ông ấy về ngay, vợ đẻ.
- Vỡ kế hoạch, hả?
- Đâu có. Bà ấy giờ mới đẻ... con so. Thế là tớ xách túi quần áo lên đây. Bố Ngoạn đang thúc quân xây kè, vận chuyển tre, gỗ, đá, thấy tớ liền kêu: “ Thằng Trọng nó chưa về đâu! Lên làm gì sớm thế!” Tớ thét: “ Vỡ đê rồi!”. Ông ta túm lấy tớ gào: “ ở đâu? ở đâu”. Tớ cười: “ ở nhà ông ấy”. Thế là ông ấy du cho tớ một cái ngã chổng kềnh.
Anh thợ trẻ cười ngặt nghẽo:
- Thế hoá ra ông cùng làng với ông Ngoạn à. Ông ta là người thế nào?
- Thế nào là thế nào?
- À, đại khái là về mặt tính tình, tư cách.
- Tẩm ngẩm, tầm ngầm. Đứng đắn. Hiền ra hiền. Cần đáo để thì cũng có ngay. Ông ấy thậm ghét cái thói điêu ngoa, giáo dở. Ông ấy từ xã đi làm thợ, vào bộ đội, rồi phục viên về làng, làm bí thư. Dạo ấy mình còn bé. Ông ấy đã nổi tiếng chính trực. Sau chẳng hiểu thế nào ông ấy lại đi làm thợ lặn. Có lẽ là do cái chí của ông ấy để ở... dưới nước...
- Hí hí...
Anh thợ trẻ cười. Trọng đang lúi húi cạnh đống vữa. Phía điếm canh, người thủ kho đang đi lại, nghêu ngao câu hát quen thuộc: “Hết ngày dài lại
đêm thâu...”. Những người đang vác tre đi qua đê đứng cả lại, nhìn anh ta hát, cười cười:
- Thằng cha như dở người ấy nhỉ.
Anh thợ béo mập mạp, lắc đầu:
- Chẳng dở đâu. Cứ xem tờ khải của lão thì biết. Lão ấy thâm thuý ra phết đấy. Làm ăn mà không có luật thì coi như vừa làm vừa phá!
- Luật lệ có mà không nghiêm trị thì cũng coi như vứt!
- Đã đành.
Pạch pạch... Máy nổ đều đều, tiếng vang trên mặt nước sông đã ngập ngấp nghé bãi ngô chân đê. Bãi Soi ngập lỉm hai mũi cát.
- Ông Trọng ơi, sao vừa rồi ông đi đâu mà lâu thế? Cưới vợ hả?
Anh thợ béo mập nhìn Trọng, nhay nháy mắt.
Mặt Trọng đỏ hăm hăm.
- Anh Trọng ơi!
Trọng quay lại. Người thủ kho đã đến sau anh, ngoái cổ nhìn về phía điếm canh:
- Có điện ở tỉnh gọi anh đấy.
“ Lại điện. Ai thế?” Trọng, đứng dậy, ngực căng nhức, nghèn nghẹt. “Lại Hưng ư? Sao hắn cứ ám mình mãi thế! Đồ tồi, cả hắn, cả mình cũng vậy!”

°

Dùng dằng một lúc. Trọng mới rời nơi máy phun vữa đang làm việc, đi về điếm canh.
Cạnh điếm, trong bóng râm đổ xoài của con đê, ông cụ Ruân đang ngồi với một đám choai choai con trai, con gái. Ông cụ dạy họ cách xử lý giản đơn kịp thời khi phát hiện có vòi phun ở thân đê, hay cụ đang lan man trong hồi ức trận vỡ đê khủng khiếp năm nào và bộc lộ nỗi căm uất với cái lão thủ cống Long bây bửa mà lại thoát được vòng trừng phạt?
Trước điếm xúm xít một đám đông người và ai đã cắm một cái vồ dựng ngược- dấu hiệu báo động cấp I. Cái dấu hiệu thông báo thời điểm sắp vào trận đánh lớn làm Trọng đứng sững lại và nỗi uất tức vừa nãy lại dội lên trong anh. Khốn nạn, cuộc sống thì đòi hỏi những hành vi và tư tưởng lớn lao mà con người thì lắm kẻ nhỏ mọn hèn kém quá!
Trọng bước vào cửa điếm canh. Nhưng, anh chưng hửng. Đội trưởng Ngoạn đã cầm ống nghe và tiếng ông như thét như gào.
- A lô! Anh Hưng đấy phải không? Sao anh dai như đỉa thế. Tôi đây. Này, tôi nói cho anh biết nhé: Tôi... tôi là Ngoạn, thợ lặn, cái hồi anh chỉ huy ở khúc đê Lợi Toàn, ngày 28 phát hiện có vòi phun, anh còn chần chừ... Bọn tôi định xuống thì anh bảo không có tiền tàu xe... Này, rồi ta sẽ còn nói chuyện với nhau đấy. Còn bây giờ, kỹ sư Trọng có ở đây. Tôi bảo vệ anh ta, vì lợi ích chung, tôi không cho anh ta về đâu. Các anh kỷ luật anh ta thì tôi sẽ khiếu nại. Tôi sẽ ra toà... ờ ờ... đừng có doạ nhau vội vàng thế! Tôi là người cầm đằng chuôi vì tôi là người nắm lẽ phải. Tôi không biết sợ đâu. Anh nhớ cho, anh Hưng!
Đột nhiên dừng lời, quay ra cửa, đội trưởng gắt: “ Yên lặng một tí, các ông ơi” rồi ngồi thụp xuống, kéo căng cái dây ruột gà nối với máy điện thoại. Và giọng anh chợt như chuyển sang kinh ngạc lẫn mừng rỡ.
- A... không phải Hưng, hả? Anh tên gì thế? Trưởng phòng mới! Tấn hay là Tuấn! Trước anh ở Uỷ ban Khoa học kỹ thuật tỉnh. ờ, anh về đây rồi à? à, cái máy gì ấy nhỉ? Anh nhắn Trọng là anh sẽ về đây à... Vâng vâng... Tốt quá!
Trọng thở phào, quay ra cửa. Cái gì kỳ lạ đã xẩy ra mà anh chưa nhận thức được thế? Người thủ kho lén đi qua mặt anh, bước vào lòng điếm canh.
Trong điếm có tiếng quay số máy và tiếp đó lại tiếng gào của đội trưởng Ngoạn.
- Tôi... tôi là Ngoạn đội trưởng đội bảo vệ đê Nguyên Lộc đây. Phòng vật tư nguyên liệu đâu? Tại sao hợp đồng đã ký là 3000 tấn đá mà tới giờ các anh mới chỉ chuyển cho chúng tôi có 20 tấn? Tại sao? Tại sao? Trả lời ngay đi!
Người thủ kho đứng sau đội trưởng lắp bắp:
- Mới chỉ có ba chuyến ô tô thôi, anh ạ. Anh nói là tôi đã gặp ông Long trưởng phòng vật tư huyện năm lần.
- A lô! Cho tôi gặp ông Long, vâng, ông Long thủ cống tội còn rề rề chưa ra toà đã tót lên huyện làm ở phòng vật tư ấy. Sao? Vấn đề giá cả! Anh là ai đấy? À! Chào đồng chí chủ tịch huyện- Mặt đội trưởng cau cau- Anh đang họp ở đấy, hả? Anh Thắng, anh phải giải quyết ngay vấn đề đá cho chúng tôi đi. Làm ăn ú ớ Việt gian thế à? Sao, không nên đốp chát thế hả? Lếu láo thì phải vạch mặt chỉ tên nó ra chứ. Vâng, đấu tranh có tổ chức. Chúng tôi đã có kiến nghị không đồng ý để cho ông ta lên huyện công tác mà anh có nghe đâu. Nước lên to rồi hối không kịp đâu. Kẻ nào chịu trách nhiệm việc này, hả? Anh à? Hay là tôi?
Bực bội, đội trưởng gần như ném cái ống nói xuống bàn. Nhưng người thủ kho đã nhao tới, vồ lấy và áp chặt ống nói vào tai, giọng run lên vì cảm động:
- A lô đồng chí chủ tịch huyện! Tôi... tôi, thủ kho đội bảo vệ đê Nguyên Lộc đây. Vâng, tôi đang ở trong cuộc chiến đấu chống lũ thuỷ quái đấy. Chống cả bọn ma quỷ hiện làm người nữa, lũ ăn cắp ấy mà. Đồng chí ơi, đồng chí đã có ý kiến gì về tờ khải của tôi chưa? Một trăm năm mươi điều quy định bổn phận, quy cách, trang phục, công sở... Có lẽ phải thêm một vài điều nữa. à, đồng chí bận à... Thôi được, thế thì tôi sẽ đề đạt lên trên tỉnh. Phải có luật lệ thật tỷ mỷ, đồng chí ạ. Chứ cứ ú ớ... như là ông thủ cống... ờ, phải ra toà. A lô! A lô! Đồng chí chủ tịch đâu? A lô! Tổng đài đâu? Sao tự dưng lại cắt đường dây của tôi thế này. Làm ăn tuỳ tiện thế hả? Tôi sẽ đưa việc này vào tờ khải, hiểu chưa?
Ra khỏi điếm canh, Trọng đi như chạy về phía máy phun vữa đang làm việc. Trong anh, có một bầu năng lượng mới đang dâng lên dạt dào.