Chương 4

Vào những ngày này, thời điểm sáng tươi, đẹp đẽ nhất của ông giáo Cần là buổi sớm mai, lúc ông trở dậy. Ông vẫn giữ thói quen dậy sớm. Lúc ấy rạng đông một ngày mùa hè vừa hé. Mở mắt, qua cái cửa sổ hẹp trổ ở vách tường cao, ông nhìn thấy một vòm trời tím biếc và giống như ân huệ của trời đất, một cành phượng xanh mướt la đà đỏ rực chùm hoa ở nơi đầu cành chấm vào khung cửa sổ như chào đón ông. Ngù hoa phượng làm ông nhớ tới câu thơ của Rông-xa (1) “ Comme on voit, sur la branche au mois de Mai, la rose”, và câu thơ Việt do bạn ông dịch: “ Tháng năm, đầu cành hoa nở!” Câu thơ nguyên bản và câu thơ dịch đẹp cả tình; ý; lời và là một bức hoạ. Câu thơ dài như một nhành cây xanh. ở đầu mút của nó, một cụm nhỏ
ngôn từ nở hoa. Câu thơ đưa ông về những năm tháng còn ở trường Đại học và làm cho buổi bình minh tươi lành chứa chan bao xúc động. Ông trở dậy, tưới hoa, thắp hương trên bàn thờ người vợ đã quá cố. Công việc thật trầm tĩnh và hài hoà.
 Thực ra thì cái ngõ có bị náo động lúc hai, ba giờ sáng. Vợ chồng ông Nhuần xích lô dậy sớm lắm. Ông phải đưa bà ra bến xe chạy lên các huyện miền núi: bà đi buôn. Họ dậy, sửa soạn hàng họ, gắt gỏng, chửi rủa nhau í om. Nhưng cũng may, sự hỗn loạn của cái gia đình đông đúc nhất ngõ này cũng chỉ kéo dài chừng nửa tiếng; đêm lại khép kín và êm đềm ngay sau đó.
 Ông giáo Cần cầm cái xô tôn hoa ra giếng. Xách xô nước đầy qua sân, ông giáo chợt nhận ra thằng Lùng, con trai ông bà Nhuần, cả đêm bị xích chân vào chiếc xích lô hỏng ở góc sân, đang chơi với những con cá cảnh nuôi trong cái vỏ ắc- quy.. Những con cá thần tiên, những con cá kiếm, cá chọi, cá mã giáp, cá héc- mô- ni màu sắc rất lạ, ăn giun tơ thuỷ trần buổi sáng đang hứng khởi phùng mang trợn mắt, vè, xuỳ, chọi nhau, gây xao động, sóng gió ngay trong cái khối nước con con.
 - Bác ơi, bác cho cháu ít nước, cháu thay cho cá. Bố cháu cấm cháu không được đi ra khỏi đây.
 Thằng bé ngước lên, nói, rồi vừa thấy ông Cần đặt xô nước xuống đất, nó đã nghiêng cái vỏ ắc quy, đổ nước cũ, gạn cá.
 - Cháu à...
 Ông giáo Cần đổ nửa xô nước vào cái vỏ ắc-quy cho thằng bé, lập bập định nói cái gì đó mà không diễn đạt được. Tội nghiệp nó quá, trông nó thơ dại và trong sáng thế kia!
 “ Mình thì chơi hoa, nó thì chơi cá. Khác nhau ở chỗ...” Lặng lẽ xách xô nước về tới nhà. Ông giáo nghĩ, ngậm ngùi, thoáng chút liên tưởng, và cúi xuống. Quanh gốc cây giao, những hoa, những cây, những lá đang ngóng đợi ông. Cây mai chiếu thuỷ hai mươi tám tuổi. Cây mai vàng mười sáu năm. Trà mi lá đỏ chuyển thành hoa. Tùng La Hán thế nghinh phong. Cây sanh dáng phượng vũ. Cây vọng cách hình phụ tử. Và hoa, bản hợp tấu dịu dàng của hồng, ngâu, nhài, cúc, quỳnh. Thảy đều là tặng vật của các bạn xa gần, từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn đến Đà Lạt, Sa Pa gửi cho ông, ngày ông về hưu trí. Người chọn cây, chọn hoa, nuôi cây, nuôi hoa. Còn hoa, cây tự giãi bầy. Ôi, cái thế giới hoan hỉ mà thầm lặng. Đứng ở đây, hồn như thoát khỏi cái biển huyên náo của bao nhiêu phiền luỵ, phồn tạp, bỏ qua tất cả những phàm tục, tầm thường nhỏ mọn và trở nên cao khiết, trang nhã lên rất nhiều.
 Tưới xong cây và hoa, ông giáo Cần trở lại căn buồng. Bình minh một ngày mới tỏ mờ trên bàn thờ. Ông kéo ghế, đứng lên thắp tuần hương đầu rồi khẽ khàng bước xuống, rón rén đi lại bàn trà, không muốn làm Trọng đang ngủ trên sàn đất giật mình thức giấc.
 Bấy giờ ông giáo mới pha trà và lặng lẽ ngước lên nhìn ảnh người vợ trên cái bàn thờ ấm khói hương. Bà âu yếm nhìn lại ông. Hương và hoa toả luyến nhớ sâu sa, tạo niềm giao cảm và âm hưởng của quá khứ vọng về
ngân nga qua hồi tưởng xa gần. Đau đớn quá. Quả bom giặc rơi trúng căn nhà. Bà đang hồn hậu tươi vui trong khung cảnh gia đình trinh thuần bỗng hoá người thiên cổ. Ông tê điếng, dại đờ cả người, cho đến bây giờ. Và cùng với những trớ trêu trên đường đời công tác, ông dần dần tuột ra khỏi hiện tại, trôi giạt về quá khứ xa xôi. 
 Chao ôi, quá khứ là châu ngọc. Thuở ấy, tài năng cùng thiên hướng hoà hợp. Ông, hai mươi ba tuổi, từ Pháp về, hoạt động trong giáo giới, bà, tròn hai mươi, học hết trung học, ở nhà lo việc nữ công gia chánh. Ôi! Những ngày ấy! Sau hôn lễ, ông dắt nàng đi dạo phố! Mắt nàng loá sáng. ở thành phố từ nhỏ mà nàng chưa hề đặt chân lên những phố xá đông vui, đến những di tích lịch sử, những thắng cảnh nổi danh. Ông nhủ thầm: từ nay, ngày tết, phải dẫn nàng đi dạo. Hơn ba mươi năm rồi, có tết nào họ không thực hiện điều ước định ấy, kể cả những năm thành phố bị địch tạm chiếm, ông được phân công ở lại hoạt động bí mật trong hàng ngũ trí thức. Hơn ba mươi cái tết, ông một cành đào nam, bà một cành đào phai: lúc trẻ cái khoác tay, là sự đồng hành gắn bó, khi đã có tuổi là sự tựa nâng dắt dìu lẫn nhau. Đám sinh viên đi chơi phố, gặp họ, đứng lại cúi đầu chào và hớn hở: “ Trông thầy và cô trẻ như tuổi hai mươi.” Hơn ba mươi năm thuận hoà, không một lời nặng, nhẹ. Bà đi chợ về, dẫu đang say Muýt-xê hay Ban-dắc, ông cũng rời trang sách, đón bà với ánh cười trên khoé môi đôi mắt. Ba mươi năm hơn, ông cắt móng tay cho bà và chỉ riêng bà giành cái quyền giặt là, sửa soạn quần áo cho ông. Và Trọng thật sự là đoá hoa hạnh phúc của ông bà trong những ngày sung sướng ấy.
 Ông giáo Cần thiết tha với quá khứ, không bận tới tương lai và châng lâng trong hiện tại đầy khó khăn dễ nản lòng. Có lẽ ông còn sống được, theo ý nghĩa tinh thần của từ này, là bởi vì có Trọng. Trọng là sợi dây nối liền ông với hiện tại. Trọng là hiện tại.

°

 Trọng đã dậy. Đêm qua, Trọng đi xem phim về khuya, hai cha con lại thức đến hai giờ sáng. Trọng đọc sách và lại phản đối việc ông về hưu sớm, mong ông nghĩ lại, tiếp tục đi làm. Ông lắc đầu, không nghe. Thu dọn chăn chiếu xong, Trọng xin phép ông vào bệnh viện thăm Nam. Trọng vừa đi thì ngoài cửa có tiếng ông Hảo.
 - Bác Hảo, bác vào chơi - Ông Cần niềm nở – Trà pha rồi, nhưng còn chưa có bạn tri kỷ.
 Ông hoạ sĩ bước vào nhà, giơ một cái chai bẩy lăm nước trong veo lên ngang mặt, lắc lắc:
 - Tôi muốn bác thưởng thức cái này cơ.
 - Rượu à? Cho tôi xin kiếu.
 - Không được. Thế nào gọi là tửu sớm, trà trưa.
 Ông hoạ sĩ cười, ngồi xuống, đặt chai rượu đánh cạch lên mặt bàn.
 - Quốc lủi! Chính tôi đặt đấy! đưa cho nó mười cân nếp, hẹn chỉ lấy có ba lít, dặn đi dặn lại: tao không tham nhiều, cần nhất chân thực, còn bao nhiêu cho mày cả. Thế mà nó vẫn lừa dối mình. Bác xem. Rượu nếp cái nước đầu mà trong suốt thế này là hỏng. Chính hiệu là nó phải đục lờ lờ, tức là có cái tinh chất của cám, thế mới bổ.
Ông giáo cười hờ hờ. Về mặt này, ông không thạo. Ông hoạ sĩ rót, đưa ông một chén, nể quá ông mới nhấp một hụm. Và mặt ông đỏ cháy ngay lên:
 - Nặng quá! Nặng quá! Cháy cả cổ!
 Ông hoạ sĩ sành ẩm thực cười:
 - Nó pha cồn đấy. Có tí gì gọi là mùi thơm của nếp đâu. Hừ, Tôn Ngộ Không nhẩy cao đến đâu cũng không ra khỏi tay Phật Thích ca, không ra khỏi luật càn khôn. Cái đứa nó đã dối trá là dối trá từ trong máu, không bao giờ trở thành thật thà được là thế. Nào, mời bác. Tôi là tôi cóc có tin vào dân tộc mình.
 Câu nói chối như hớp rượu cồn. Ông giáo mím môi, lắc lắc đầu, mặt nóng rực khó chịu.
 Làm một hơi cạn chén rượu, ông hoạ sĩ rót thêm chén nữa, mắt như bốc lửa:
 - Bác Cần ạ, tôi nghĩ, cái chủ nghĩa xã hội của ta kể cũng hay. Hay nhất là nó dẻ ra vô số nghề ngỗng mới. Tối qua, có một anh nhà thơ lông gà lông vịt thất nghiệp đến rủ tôi đi làm xú-va-giăng cho một lớp bổ túc văn hoá ban đêm. Năm đồng một tối. Đứng gác ở cổng trường, không cho lũ lưu manh lêu lổng nó đến quấy nhiễu bọn nữ sinh. Thế thôi.
 - Bác uống thử chén trà tôi mới pha - Ông Cần rót nước, thật sự muốn cắt đứt câu chuyện đầy cay độc của ông hoạ sĩ. Và đưa mắt nhìn tờ lịch trên tường, ông đã tìm được cơ hội - à! Hôm nay mồng năm rồi, có lẽ tôi phải đi lĩnh lương hưu trí.
 - Bác lĩnh ở phố nào?
 - Quầy Tiết kiệm phố Nguyễn Thái Học.
 Ông hoạ sĩ tợp một hớp rượu nữa, càng như nổi cơn hào hứng:
 - Thế thì, tôi xin giới thiệu một lần nữa với bác, nhưng lần này bác phải đến đấy nhé. Ngõ số 16, số nhà 302. Ông thầy tử vi của tôi đấy. Bác không tin thì tuỳ. Nhưng cứ thử nghiệm xem. Hôm qua, tôi đến chơi, ông ấy lại tiếp tục khuyên tôi: phải bể tinh, dưỡng khí, tồn thần, quả dục, thư chân, luyện hình, nếu được như thế, gì cũng đạt tới. Nhưng quan trọng hơn, ông ta xem lá số năm nay của tôi mà tôi... toát cả mồ hôi.
 Ông hoạ sĩ không kìm được nữa, hơi men làm ông bốc. Ông oang oang về cái linh diệu, cái tế vi của khoa học tử vi mà ông gọi là khoa nhân học, một khoa học bị thất truyền. Ông cười rổn rảng. Sao hôm nay ông phởn thế! Tựa như ông mới được một nhân tố ngoại lai nào đó kích thích. Con người ông thật bất định. Mới năm ngoái ông tự nguyện thành tín đồ của Thiên Chúa Giáo, giờ ông lại ngả theo thầy Quỷ Cốc, Trần Đoàn.
 - Hà hà...- Giọng đã chếnh choáng, ông hoạ sĩ còn nghiêng ngả ngó mặt ông giáo. Tôi xem bác tướng mạo, khí sắc còn vượng, nghĩa là bác còn phát về hậu vận đấy, bác Cần ạ, bác đừng có bi quan.
 - Tôi ấy à - Ông Cần ngả người, cười nhạt – Sắp đến lúcxú tờ-roa pút đờ te-rơ (1) rồi còn gì! Mà anh Hảo à, anh là hoạ sĩ, xin anh đừng đi quá cái mũi giầy của anh (2) 
 - Ha ha...- Ông hoạ sĩ bật cười – Tôi cho rằng quả là có một cái gì đó nó ở bên ngoài, nó đứng trên tất cả các quy luật: fait ce que doit advienne ce que pourra, đó. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Nó là thế đấy, chứ còn gì. Bước sang năm nay, tự dưng tôi có linh cảm lạ lắm, anh Cần ạ. ở giữa cái thời buổi đói kém, khốn khổ này, vậy mà vẫn có lối thoát. Anh Cần, số anh còn vượng, tôi tin là như thế!
 - Vượng thế nào nữa! Tôi không mong đợi gì cả!
 - Là thế nào cũng có lúc anh nện gót trên đường phố Pa-ri - Ông hoạ sĩ chồm dậy, nhưng liền ngậm miệng. Hình như ông quá vui, buột mồm nói một câu đùa tếu, nên lập tức mặt ông nghiêm lại. à, anh Cần nhỉ, cái hồi anh du học ở bên đó, anh thấy Pa-ri thế nào? Tôi nghe người ta so sánh thế này. Pa-ri là thủ đô, còn thủ đô các nước khác chỉ đáng là thị trấn huyện lỵ.
 - Tất nhiên, từ lâu Pa-ri đã nổi tiếng là thủ đô ánh sáng rồi. Hơn nữa, xét về mặt hàng hoá, theo quan điểm của xã hội tiêu thụ...
 - ồ, xã hội tiêu thụ cũng có cái hay của nó chứ. ở cửa hàng con bé Loan ấy mà, có một tay cán bộ nó vừa tút đi Pa-ri. Không hiểu nó chuồn bằng đường nào. Nó viết thư về. Con Loan kể chuyện cho tôi nghe. Chà, Pa-ri thừa mứa chứa chan, sa hoa hết mức. Nghĩa là không thể tưởng tượng được.
 Ông Cần quay đi, dường như để tránh cái nhìn đầy vẻ thèm muốn của cặp mắt đẫm hơi rượu của ông Hảo
 - Tôi lại nghe chính người châu Âu nói: Pa-ri là cái hố rác châu Âu. Nghĩa là cũng rất ba vạ, thượng vàng hạ cám. Đấy, tuỳ theo quan điểm mỗi người, anh ạ.
 - Hà, giá hồi học mỹ thuật, tôi nghiêm chỉnh một tí thì cũng không đến nỗi. Không để ý đến câu nói của ông Cần, ông hoạ sĩ cúi đầu, cái cằm tì trên ngực day day – Hồi ấy, tính tôi như tính anh bây giờ, anh Cần ạ. Giờ tôi mới hiểu: phải dĩ nhu thắng cương, như Kinh Dịch nói. Cao hổ tốt, nhưng cũng phải dùng rượu dể dẫn cơ mà. Hè hè... anh có công nhận không? Mà tôi thấy cháu Trọng nó cũng y hệt anh. Nói anh tha lỗi. Trực tính, nông nổi quá. Cháu nó đã ba mươi chưa?
 - Hăm tám.
 - Hừ, tam thập nhi lập. Ba mươi tuổi, Thích Ca Mầu Ni ngồi dưới gốc cây bồ đề đắc đạo. Giê-su bắt đầu thuyết giảng đạo năm đó. Các Mác vào tuổi ấy thảo Tuyên ngôn Cộng sản.
 - Tuổi trẻ bây giờ có thể là chín sớm hơn.
 - Tôi cho là họ dễ bị mắc lừa, anh Cần ạ. Họ không hiểu cái gì cũng phải có thời! Anh chơi hoa, anh biết chứ: hoa quỳnh chỉ nở về đêm thôi, đâu có thể muốn nở lúc nào thì nở? Nhưng mà thôi, thế giới đã phân chia thành trẻ con và người lớn, làm sao mà trẻ con lại không mắc lại sai lầm của người lớn được?
 “ Hừ cái con người này bắt đầu dở chứng gì mà quái gở vậy! ở các cuộc họp tổ dân phố, ở những nơi công cộng xưa nay vẫn ăn nói dè dặt, sao hôm nay lại buông thả tuỳ tiện thế? Chẳng lẽ ở bàn trà thì được phép nói vậy? Hay ông ta nghĩ: với chỗ quen thân thì tha hồ cẩu thả: Trọng còn đâu là trẻ con. Mà người lớn như mình thì có gì gọi là mắc lừa nào! Hồ đồ quá.” Ông Cần nghĩ, mặt sậm đỏ, nhưng không nói, và chống tay đứng dậy. Đó là cử chỉ thiếu tế nhị, ít thấy ở ông. Nhưng làm sao ông lại có thể ngồi thêm một phút nữa để nghe ông hoạ sĩ láng giềng ba hoa, lảm nhảm một mớ văn hoá hẩu lốn, tạp nham, không chằng, không rễ như thế được?
 Ông hoạ sĩ hình như biết ý, nhấc chai rượu, cặp vào nách đứng dậy, mặt tỉnh không:
 - Bác phải đi lĩnh lương hưu hôm nay nhỉ. Thế thì bác đi đi. à, thế nào bác cũng rẽ vào kiểm chứng ông thầy tử vi của tôi nhé.

°

 Nơi lĩnh lương hưu là quầy tiết kiệm phố Nguyễn Thái Học, cái phố dài, vắng bóng cây.
 Khi ông Cần đến, đã có tới bốn chục ông già bà già xếp hàng chờ đợi và người phát tiền vẫn chưa làm việc, mặc dầu quầy đã mở cửa. Dòng người rồng rắn trên vỉa hè xi măng. Nắng đã lên. Cạnh cái cửa quầy chật hẹp, ác hại quá, lại là một cửa hàng làm đồ sắt và lúc này họ đang đập búa gò một mảnh tôn lớn. Cái hè phố đã bỏng rát lại thêm đinh tai, nhức óc.
 Lát sau, dòng người xếp hàng lại bị xô đẩy vì có một chiếc xe bánh mì đến bán. Cô bán bánh đẩy cái xe tới rãnh hè, ngẩng lên, chõ vào dòng người xếp hàng, nhỏng nhớt: “ Ai nhấc hộ tôi cái xe lên hè, chốc lữa tôi bán yêu tiên cho.” Có bốn ông già từ hàng người chạy ra, giúp cô bán bánh. Vất vả lắm họ mới đưa được chiếc xe nặng lên vỉa hè. Và lập tức chiếc xe bị ngay một đám người từ đâu ùa đến bao vây.
 - Cho chục cái đây, chị cả ơi.
 - Chị Hai! Tiền lẻ hơn thẻ thương binh đây.
 - Yêu cầu xếp hàng! Xếp hàng!
 - Ôi giời ơi, thẻ đỏ đây mà!
 - Đề nghị không bán cho con phe!
 ồn ào, ầm ĩ, hỗn loạn. Mảnh hè chói chang bụi mù. Bốn ông già bị bật ra. Bây giờ, ở quầy phát tiền mới có một cô bé trắng ngần, đầu mới làm kiểu u si, đủng đỉnh đi tới. Cô vứt đánh cạch chùm chìa khoá lên mặt quầy, mở quyển sổ cái, môi bĩu bĩu, phát một tiếng chỏng lỏn:
 - Lê Văn Việt!
 - Ông Việt đâu?
 - Ới ông Việt ơi!
 Mấy người đứng ở gần quầy quay lại nhao nhao gọi. Người tên Việt chính là một trong số bốn ông sốt sắng giúp đỡ cô bán bánh, đang bị kẹt trong vòng vây. Phải một lúc sau ông này mới thoát ra được và khấp khởi chạy đến trước quầy. Lập tức ông nhận luôn được một cái nguýt sắc như dao cau của cô bé nọ, kèm thêm một câu cảnh cáo: “ Bận sau còn thế tôi không phát nữa đâu đấy.”
 Ông Cần đứng ở giữa hàng người, nghe câu nói đó, cúi gằm mặt xuống. Nhưng mà hình như không có gì xẩy ra. Chẳng có ai lên tiếng phản đối hoặc than vãn. Ông tên Việt thanh minh về sự chậm chạp của mình và nhận tiền. Chẳng có điều gì xẩy ra cả. Cô bé nhân viên nọ lại cất giọng lanh lảnh:
 - Trần Hoàng Lệ đâu?
 - Có tôi đây!
 - Ai là Vương Đinh Trưng? Trưng hay Trủng thế này? Vương Đình Trưng đâu?
 - Tôi đây. tên tôi là Trưng.
 - Tên gì mà quái quỷ thế!
 Hàng người nhẫn nại nhích dần lên. Ông Cần vẫn gầm mặt và nước mắt muốn ứa ra. Nhưng, ông chợt ngửng lên. Có tiếng còi xe công an. Tiếng chân bọn con phe đang bu quanh chiếc xe bánh mì tản ra nhộn nhạo. Cái xe bánh được đẩy đi về phía cuối phố.
 - Cứ phải chuyên chính mạnh vào các đồng chí ạ.
 Ông Cần nhận ra người vừa nói câu ấy là ông Việt. Ông Việt, nhà nghiên cứu triết học, bạn ông, cũng vừa nhận ra ông.
 - Tôi xin có ý kiến đóng góp này.
 Phía quầy lĩnh tiền có tiếng người gắt gỏng.
 - Thôi thôi... ông Trưng ơi, lĩnh được rồi thì về đi.
 - Không thể thế được – Người tên Trưng nghển cổ, nói như gào – Ai cũng im thì xã hội loạn à? Tôi đề nghị gặp đồng chí phụ trách. Cô này rất tệ. Nhiều lần rồi. Đến thì chậm giờ, nói năng thì hỗn xược. Chúng tôi đi ăn xin của cô đấy, hả?
 - Anh vẫn mạnh chứ, anh Cần?
 Nhà triết học nhìn ông giáo. Quay ra đường phố, cả hai đều không muốn nhìn thấy cảnh tượng đang diễn ra ở nơi phát tiền.
 - Tôi cũng bình thường - Ông Cần đáp.
 Nhà triết học cười, cái cười độ lượng:
 - Xây dựng nền văn hoá mới khó thật đấy, anh Cần nhỉ. Cô bé thiếu văn minh, thiếu triết học. Nó không hiểu nó là cá thể, là cái riêng, nhưng mang cái chung trong mình. Mà thiếu cả thể chế quy tắc. A, anh có rỗi không? Đến nhà tôi nhé. Tôi mới viết xong hai bài nghiên cứu rất thích. Anh đến nhé!
 Ông Cần gật đầu. Ông thấy mình vừa từ hố sâu tủi hổ bước lên mặt đất bằng phẳng ổn định.

°

 Chiều thành phố tắt nắng, ông giáo Cần mới lên đường trở về nhà. Ông ngơ ngác như một kẻ đi lạc. Những gì đã xẩy ra trong khoảng thời gian gần một ngày qua? Ông đã đi những đâu, gặp gỡ những ai và cuối cùng đến đâu? Ông không thật nhớ! Nhưng, những ngày sống gọi là yên tĩnh của ông vậy là không còn nữa rồi.
 Thật tình là trưa, chiều ấy ông Cần đã đến chơi nhà các bạn bè thân quen. Họ gặp ông lúc lĩnh lương và mời ông. Suốt đời ông, ông chẳng thù oán ai. Ông là chỗ thân thiết, tin cậy của nhiều đồng nghiệp, đồng liêu.
 Thoạt tiên, ông giáo đến nhà ông Việt, nguyên chuyên viên nghiên cứu triết học. Ông Việt to béo phục phịch, chăm tập thể dục và uống bia, leo lên gác năm thoăn thoắt. Bà vợ ông, trái lại, gầy còm, răng đen, suốt ngày ngồi ở trong nhà đan thuê cho mậu dịch. Tiêu chuẩn được ở rộng, nhưng ông bà không có con cái nên tự nguyện chỉ ở có nửa căn hộ mười bốn mét vuông. Họ sống thanh đạm. Nhà toàn sách là sách. Chắt lọc trí tuệ của bao người và của mình, mấy chục cuốn sách của ông và bây giờ, hai tác phẩm nữa ra đời. Bài nghiên cứu “ Tâm lý tiểu thị dân” của ông đọc cho ông Cần nghe, được ông Cần hết sức tán thưởng. Quả là tâm lý ấy đang là cái cản trở trong việc xây dựng con người mới. Ông giáo còn chăm chú nghe bài tiểu luận thứ hai của ông Việt có cái nhan đề rất khoẻ: “ Bản chất phản động của chủ nghĩa Mao.” Đúng là một bài viết phong phú, công phu, sâu sắc đến cảm động. Triết gia coi nhẹ hoàn toàn cảnh eo hẹp của đời sống vật chất, ngày ngày vẫn say mê leo lên đỉnh cao của triết học chiến đấu.
 Ông giáo Cần cũng đã đến thăm một nhà thơ nổi tiếng một thời. Đưa ông lên gác, nhà thơ đã phải đỡ tay ông sợ ông ngã. Căn nhà bị hoả hoạn đã hơn một năm mà cái cầu thang vẫn chưa được Sở nhà đất chữa xong. “ấy, tôi đã đến gặp ông giám đốc đến ba, bốn bận. Cuối cùng một tốp thợ đến. Tốp này làm được một buổi thì kêu hết nguyên liệu. Tôi nài nỉ – nhà thơ cười – Tốp trưởng điềm nhiên đáp: Vậy, mỗi buổi một bao Du lịch đầu lọc và một chầu bia. Không kể bia, riêng bao thuốc giá ngoài là hai chục đồng. Hết một phần năm tháng lương. Thôi thì giời không chịu đất, đất phải chịu giời, chứ biết làm sao nữa, bác. Nhưng, họ chỉ làm được có hai buổi, rồi bỏ cho đến bây giờ... Có lẽ họ muốn cho nhà thơ tập bay bổng khi lên gác.” Nhà thơ cười, cái cười hài hước, không ác ý và vẻ như phóng tâm coi nhẹ việc đời. Nhưng thật ra nhà thơ gắn bó với cuộc đời lắm. Ông muốn hút ông giáo Cần với những ý kiến rất sắc sảo của ông về chuyên chính vô sản, về khoa học quản lý kinh tế, và chế độ phân phối và cuối cùng, ông lại trở về khoa học nhân học, tức môn văn chương của ông. Ông bộc lộ niềm căm giận tột độ với thói lười nhác, tham lam, hám của, tính kèn cựa, vị kỷ của
một số kẻ thoái hoá biến chất: nhưng ông lại tươi cười hóm hỉnh bảo: bọn này, vốn đã bị Đăng-tơ vĩ đại giam xuống  Tĩnh ngục rồi (°), đáng kiếp rồi!
 Vui vẻ bao nhiêu thì khi đến nhà một bạn nguyên là chủ tịch huyện, ông Cần lại buồn nản bấy nhiêu. Ông này rất chóng quên vị trí, chức danh lúc đương thời của mình. Về hưu được một tháng ông chủ tịch huyện biến ngay thành ông chủ hiệu bánh cuốn, một cửa hiệu bánh cuốn có văn hoá. Ông say sưa thuyết giảng ông Cần nghe về nghệ thuật ăn và tráng bánh cuốn, một tinh hoa của dân tộc. Ôi chao! Gắp chiếc bánh lên dầm rồi quệt đi quệt lại như ta rũ cái váy trong bát nước chấm, rồi đưa vào miệng, cả một sự hoà hợp. Ông nói, nước chấm hết sức quan trọng. Hơi cứng, hơi mặn, hơi chua một tí thôi là hỏng; đang ăn phải gia thêm dấm ớt cũng hỏng! Cà cuống đặc biệt có ý nghĩa quyết định. Đã vậy nước chấm phải trong màu hổ phách. Ông khoe bánh ông tráng vừa mỏng, vừa óng, cắn sậm sựt vì có nhân mộc nhĩ, thịt lợn, hành giã; ăn với đậu rán giòn, ngon và thanh nhã vô cùng.
 Buồn quá, ông Cần rẽ vào thăm ông bạn xưa là chủ nhiệm một khách sạn lớn của tỉnh. Ông này tính tình xởi lởi đúng như yêu cầu của cái nghề của ông. Ông chỉ cái bản đồ Việt Nam dán trên tường, cười: “ Cứ trông cái dáng chứ ét-sì co ro của nước mình thì biết mình còn xo xúi, khốn đốn!” Và ông khoe, khoe một cách thành thực: ông đang vượt qua sự xo xúi, khốn đốn ấy bằng nghề chăn nuôi lợn. Chà! Nuôi lợn. Ông nói, cả một khoa học về nghệ thuật đấy. Và quan trọng đệ nhất là anh giống: mõm bè, mình trường, vú lẻ, so le là tốt. Mặt gẫy, tức mặt trống gậy, mắt tròn xoe lỗ đáo nữa là vứt! Ăn là điểm quan trọng thứ hai. Đáng ăn mười phải cho nó ăn mười một. Ăn đến nỗi chổng kềnh bốn vó lên, thở như sấm. Lớn nhanh ở cái số một dôi ra đấy, ông bạn ạ.
 Cáo từ các ông bạn ra về, ông giáo Cần đến nhà ông Tiếu, người bạn cũ, người cùng cơ quan với Trọng, con ông. Trong thâm tâm, ông giáo cũng muốn tìm hiểu thêm về công tác và quan hệ của Trọng. Hồi du học ở bên Pháp, ông Cần quen ông Tiếu. Dạo đó, ông Tiếu là lính ONS. Hai người, năm 1945 lại cùng về nước với nhau trên một chuyến tầu. Kháng chiến, ông Cần ở lại hoạt động trong thành phố địch tạm chiếm. Ông Tiếu ra chiến khu, làm thợ công binh xưởng, hoà bình năm 1954, mới đi học Bổ túc công nông rồi vào đại học thuỷ lợi.
 Ông Tiếu mới đổi nhà. Nhà ông giờ là một căn buồng rộng, ở tầng trệt của một căn nhà gác giữa một phố buôn bán sầm uất. Ông Tiếu đang vui giữa ngổn ngang ra-đi-ô, xe đạp, xe máy, máy khâu do cô con dâu từ Ba Lan mang về. Ông quên bẵng mọi chuyện ông đang uất, như chuyện mất con mèo quý. Ông quên cả lời mời ông Cần tới chơi ngày mười lăm tháng này. Ông bê cái nồi áp suất ra khoe với ông Cần: “ Anh xem, nhôm dầy năm ly, nắp bầu dục, xoay kín gioăng, trên có su-páp an toàn để phì hơi. Nóng một trăm tám mươi độ. Chỉ mười lăm phút là nhừ tơi cái chân giò đại bố”. Ông khoe ông đang chuẩn bị lập một tổ khảm trai – một bộ xa lông
khảm trai bán được năm nghìn đồng – khi ông về hưu. Nhưng, mắt ông quắc lên: “ Mẹ cha chúng nó, chúng nó đểu với tôi. Tháng này tôi về hưu mà nó cứ lờ việc tăng lương của tôi. Đã thế, tôi cóc về vội”. Rồi ông ghé tai ông giáo: “ Anh bảo thằng Trọng phải hết sức đề cao cảnh giác. Chúng nó là xỏ lá, ba que lắm. Tay Nam vừa nằm xuống là chúng đã lăm le giành nhau chức trưởng phòng. Tôi dí đít vào, La vi e mẹc! Nhưng thằng Chánh mu-gíc là một, thằng Hưng ngu như bò, tổ sư mánh khoé lật mặt, là hai. Rặt những quân Mðphistophèles (°) cả đấy. Khổ cái là chúng nó mê hoặc được khối anh cơ chứ. Thằng Trọng thì tốt, giỏi, nhưng thẳng ruột ngựa, bị hại lúc nào không biết đâu!”
 Ôi chao! Rặt những quân Méphistophèles cả! Rặt những kẻ đáng phải giam vào Tĩnh ngục cả. Ông Cần rối mù mù giữa ngổn ngang bộn bề của thói đời, lại rơi vào những ý nghĩ u ám y như những ngày tháng cuối cùng ở trường đại học. Trường đại học! Lâu đài của trí tuệ! Vậy mà tại sao ở cái lâu đài ấy lại có một thằng cha bất tài, vô đạo nghiễm nhiên đóng vai trưởng khoa? Cái thằng cậy mình là đảng viên, một câu thơ Huy-gô không dịch nổi, vì đâu có hiểu hết các tầng ý nghĩa sau lớp vỏ ngôn từ, chỉ ưa người ta nịnh nọt, quy phục. Ông vốn hiền lành, nhưng là người có bản lĩnh. Thấy ông coi thường mình, hắn cay cú, ra sức trù úm ông. Thấy uy tín ông trong đồng nghiệp và học sinh ngày càng cao, hắn càng căm tức ông. Một lần, hắn bảo ông làm đơn xin vào Đảng. Ông biết thừa đó là thủ đoạn mị lừa của hắn, chứ ông làm sao mà xứng đáng với cái danh hiệu đẹp đẽ ấy. Ông trả lời: làm người đảng viên cộng sản thì tôi không đủ tài, đức, dẫu có suốt đời phấn đấu. Còn làm cái anh đảng viên Uẩy me sừ - Dạ thưa anh, thì tôi xin từ chối. Hắn quy ông là vô chính trị. Hắn tìm mọi cách kiềm chế ông. Hắn bắt ông ngồi lì tám tiếng một ngày ở văn phòng để soạn bài. Hắn yêu cầu một tháng ông phải có một bài báo tường và một sáng kiến nộp cho khoa. Ông viết bài cho các báo trong nước thì bị quy là “ ngoại tình”; nhận sách báo bạn bè ở nước ngoài gửi, ông cứ ngại hắn biết: vì có lần hắn đã nói bóng nói gió rằng có thể có gián điệp ở khoa này cũng nên(!) Dậy giỏi, đức độ mà mười mấy năm trời lương ông vẫn đứng nguyên một chỗ tám mươi đồng. Ông nhịn nhục,Oán nhi bất nộ, oan mà không kêu và lòng chứa đầy thiên kiến nặng nề, ông coi hắn như một mô hình biểu tượng của cái xấu xa đang nắm giữ quyền hành khống chế hoàn toàn cuộc đời này. Ông mất sự tỉnh táo của người trí thức. Và cuối cùng, ông đứng ra phản đối một cách tân về phương pháp giảng dạy do vị trưởng khoa nọ đề xướng- việc này sai, đúng thế nào, ông cũng chưa thấy thật minh bạch, thực sự cầu thị là như vậy- thì ông bị lên án quyết liệt và công khai. “ Mình ơi, mỗi lần thấy mình ở trong trường về buồn, em khổ tâm lắm”. Bà vợ ông nói vậy vào cái năm cuối cùng của đời bà. Tài năng đã bắt đầu đi vào ngõ tối. Từ học thuật câu chuyện của ông bị đẩy sang địa hạt chính trị. Dự cảm thấy đang lâm vào cảnh, bế tắc hoàn toàn, nhận ra sự phản trắc, tính xu thời của đám bạn bè đồng nghiệp, kinh hoàng trước sự suy đốn của thế thái nhân tình, thấy mình
bị xúc phạm nghiêm trọng, khi bà vợ vừa mất, ông liền lặng lẽ ra khỏi trường đại học, nơi ông đã sống, làm việc gần hai chục năm, trong đó những năm đầu chứa chan bao kỷ niệm sáng tươi.
 Ra khỏi nhà ông Tiếu. Ông giáo Cần thấy mình như một kẻ bơ vơ. Đâu có phải ông chỉ tiếp xúc với những cái dở. Nhà triết học và nhà thơ ông gặp gỡ là niềm vui lớn của ông đó thôi. Nhưng, những ấn tượng cũ của ông vốn sâu nặng, nay chỉ cần chút ít khêu gợi của cảnh đời, là lập tức sống dậy và như một màn sương mù tăm tối dâng lên phủ kín đầu óc ông. Ông là người rất mẫn cảm, hay xúc động và uỷ mị.
 Ông bước trên hè phố, nhưng lang thang vô định. Cuộc sống có cái xấu, có cái tốt, đành là vậy, nhưng chẳng lẽ cái xấu lại ở vị trí ưu thắng và mọi người trước nghịch cảnh ấy, lại bảng lảng cả ư? Ông, ông như một kẻ không vị trí. Ông như một con người thừa, một kiểu nhân vật vô tích sự của Bai-rơn, nhà thơ lớn nước Anh rồi.
 Cuối cùng, ông giáo bước vào nhà số 302, ngõ 16, phố Nguyễn Thái Học, nơi ông hoạ sĩ hàng xóm kèo nèo mời mọc ông tới, nơi ông không bao giờ là mình đặt chân tới, với một trạng thái hoang mang buồn nản tột cùng.

°

 Điều gì đã xẩy ra? Đây là đâu? Người nào kia? Không phải là lão thầy bói mù loà gieo đồng chinh xin âm dương. Không phải cảnh cô đồng nhẩy múa nhố nhăng. Cũng không phải là nơi rao giảng các triết thuyết đã quá quen nhàm: đời người là tuồng ảo hoá, kiếp người là kiếp phù sinh, cái nghiệp ta chịu kiếp này là quả của nguyên nhân kiếp trước... vân vân. Đây là sự tĩnh tâm trong một trạng thái trường miên, để tan biến thể xác hình hài và giao cảm với tự nhiên, vũ trụ. Qua cái cửa bức bàn, nhìn thấy bức nghi môn trên bàn thờ, các bài vị trong ngai thờ, sau những hòm sắc, lư hương, bộ kỉ trà, bộ bạch lạp, bộ quy đồng, hạc đồng; đĩa trầu cau, nậm rượu, đài quả tử... gợi niềm cổ kính, yên hoà. Ông Cần bỗng thấy nhớ những ngày đã rất xa, hồi còn để tóc trái đào đứng hầu trà phụ thân, các bậc túc nho trong tỉnh. Đón ông là một người đàn ông to béo, dáng phong lưu, mặt sáng, môi tươi. Phân ngôi khách chủ xong hai người ngồi trò chuyện với bộ trà song ẩm. Đối thoại với nhau dăm câu, ông Cần đã nhận ra ngay: trò chuyện với mình là một kẻ hiểu biết hơn người, học thuật cổ tinh vi, lại lịch lãm chuyện đời nay, lĩnh vực nào cũng có cao kiến rất đáng trọng nể. Người đó, sau mấy phút như là giao đãi, liền nhìn ông giáo từ tốn, lễ độ. Rằng giáo sư vốn là bậc tài lớn chí cao, chỉ vì số mệnh và thời cơ ngang trái mới lui về ở ẩn, tôi là kẻ sơ cuồng, thật hân hạnh được tiếp kiến. Vậy có điều gì cần trao đổi, xin giáo sư cứ vui lòng cho biết. Được lời như cởi tấm lòng, ông Cần liền thầm thì nói rằng, tôi nghe tiếng ông nhiều rồi, nhưng hôm nay chưa có ý định hỏi điều gì về lý, số, chỉ xin tới sơ kiến, sơ giao...
 Không để ông nói hết, người nọ đã nâng chén trà kính cẩn và đà đận:
 - Thật rất lấy làm hân hạnh. Vậy cũng xin mạo muội nói thế này. Cây vì hoa đẹp mà bị cắt xén. Giáo sư đang ở thế đó. Nguyên nhân sở khởi cũng là thế đó. Có đúng không?
 Thu chân tay lại, ông giáo Cần thốt kêu thầm trong óc. Rằng sao mà ông tinh tường vậy! Nhưng, chẳng để ông nói tiếp, người nọ đã gật đầu, vanh vách. Trời! Sao lại có thể thông tỏ ngõ ngách đời người đến thế. Cứ như đứng ở thế thượng phong mà suy ngẫm, nhìn nhận các sự vật. Đã thông suốt lại tường minh. Lại như ở gan ruột người ra, nên bàn bạc, chỉ bảo cụ thể mỗi sự việc thật minh bạch, rõ ràng, phân miêng, đâu ra đấy và không hề đơn sai.
 - Giáo sư chẳng tham tước lộc. Nay về ở ẩn, tưởng lấy cái sự xa cách làm đắc sách. Nhưng không phải. Nhiều người vẫn ngưỡng mộ nhân cách cao quý và tài năng của giáo sư. Rồi một sớm mai, oan khuất sẽ giải toả, giáo sư sẽ có quý nhân phù trợ. ấy là bởi, đại phàm vật bất bình tắc minh, vật không thoả mãn thì phải kêu lên. Kêu, có nhiều cách, tất có người nghe được!
 Nghe người nọ nói tới đây thì ông giáo lặng phắc. Bị ánh hồi quang tự kỷ chế ngự, ông không còn đủ sáng suốt để nhận ra, rằng những lời phán xét nọ chỉ là những sáo ngữ đã quá ư cũ kỹ và vận vào mọi trường hợp đều có thể khả dĩ ứng nghiệm. Ông chỉ thấy kinh hãi: con người kia sao thóc mách, tinh quái, nhìn sâu vào tâm khảm ông đến cái mức như thế.
 “ Chào bác ạ!”
 Nghe tiếng một cô gái, ông giáo Cần ngừng lại ngác ngơ. Cái gì vậy? Đây là đâu nhỉ? Hết cơn bàng hoàng ông mới nhận ra ông đang đứng trước cái ngõ 401 nhà ông. Và người chào ông là cô Loan. Cô gái mặc bộ quần áo ngủ màu hồng mỏng manh, đang đứng nói chuyện với một gã trai to lớn, tóc trùm gáy, để ria mép, mí mắt lồi, hơi dữ tướng, gã ngồi trên cái yên Hon-đa đỏ, hai chân đặt sát đất.
 - Bác Cần ạ! Cô gái nói – Anh Trọng chờ bác mãi. Anh ấy phải về cơ quan gấp nên có gửi cháu chùm chìa khoá để đưa bác.
 Ông Cần đón chùm chìa khoá, đút vào túi và đi vào ngõ. Vai ông so ro. Chiều mờ, trông ông còm cõi, bé nhỏ hẳn đi.