Thành phố đang ở một thời điểm khó xác định phẩm chất của nó, vào lúc câu chuyện này đang diễn ra. Rồi cái thời điểm này sẽ qua đi, không bao giờ trở lại; tất nhiên. Nhưng, hiện tại thì nó giống như một đại lượng vô định, trộn lẫn trong nó đủ các yếu tố, các cực của các mặt đối lập. Đó là thời kỳ đấu tranh dữ dội và âm thầm, thời kỳ bùng nổ những cuộc tranh luận quyết liệt ở mỗi con người, thời kỳ của những cuộc phân thân, của những bi kịch đau đớn và những khúc ca thắng lợi vẻ vang. Dẫu cay đắng cũng phải nhận rằng, thành phố ở thời điểm này là một không gian bao dung, chứa đựng ở trong mình đủ các dòng đời, và về đại thể, song song tồn tại hai quan niệm nhân sinh: một là sự tôn thờ những giá trị tinh thần cao cả, một nữa là sự sùng bái đồng tiền, biểu hiện bằng cuộc chạy đua đầy cuồng vọng để đuổi bắt những món lợi vật chất hàng ngày. Ở đây, lúc này, có những trí thức tài năng sống bằng đồng lương có hạn, vô cùng eo hẹp bên cạnh những kẻ vô công rồi nghề sống vương giả bằng những mánh khoé lừa đảo. Những công nhân mê say, tận tuỵ trong lao động sáng tạo, ăn bữa cơm trưa với bát cơm nguội và ba quả cà muối, sống gần kề với bọn con buôn đầu cơ trục lợi no nê, phè phỡn, hút thuốc lá ngoại đầu lọc, giá mỗi điếu bằng lương công nhật một người thợ bậc cao. Những gã tư sản mới ngoi lên nhờ đục nước béo cò, trá hình dưới cái áo thành phần dân nghèo thành thị, tiểu chủ, buôn thúng bán bưng, hãnh tiến, nhơn nhơn ra tuyên ngôn về sự độc tôn vạn năng của đồng tiền, sống cùng với những người lao động thu nhập bằng sức lực của chính mình, tiêu pha phải tính toán từng hào chỉ, nhưng ngày ngày vẫn dạy con: dẫu thế nào con cũng không được chen lấn khi xếp hàng mua gạo. Các quan niệm nhân sinh đối chọi nhau. Lao động và ăn bám ở bên nhau. Cạnh những nghề nghiệp chân chính đáng kiêu hãnh của con người là những “nghề” ký sinh độc hại và các mánh khoé tàn bạo, độc địa chỉ nhăm nhăm vơ đầy túi tham. Thành phố như một cơ thể cùng lúc tồn tại những tế bào già nua ốm yếu và những tế bào trẻ mới nẩy sinh, cái cũ cái mới chen vai thích cánh nhau. Đã có những lúc giá cả vọt tăng, hàng ngàn cái vòi bạch tuộc quấn lấy mọi người, bọn đầu cơ chui vào chân tơ kẽ tóc đời sống, nhịp sống phố phường bị liên tục quấy đảo, và nền luân lý đạo đức có bề dày cả ngàn năm lịch sử bỗng chốc mất chân đứng ngã, lộn tùng phèo. Có mặt ở khắp các nơi, kỳ thực chỉ là những con mối đục khoét thân đê, cũng mù loà và sống trong tăm tối như thế, nhưng bọn bất lương lại tưởng mình là kẻ ngự trị thế gian, chi phối cuộc sống này. chúng sống với những nguồn làm giầu ghê gớm và với những cảm hứng mê sảng trong hưởng lạc. Trong danh sách những tên bất lương, bất trị ở thành phố này, Thưởng là một gã trẻ tuổi rất đáng nêu danh. Thành phố có hơn một vạn cái xe máy, chiếc Hon-đa đỏ của Thưởng hoạt động hăng hái, ráo riết nhất. Thật ra văn chương cần gì đếm xỉa đến loại hắn. Miêu tả tâm lý bọn con buôn mà làm gì! Cái xấu xa đê tiện đời nào chả có. Và thật tình chúng đơn chiều, thô giản lắm. Nhưng vì Thưởng nằm trong một cơ cấu có quan hệ đến các nhân vật khác trong chuyện nên đành phải dành cho hắn ít dòng. Tròn ba mươi, trai ba mươi tuổi đang xoan, Thưởng đang ở thời điểm về thể chất thì sung mãn, về tính toán nghĩ suy thì dạn dầy, khôn ngoan. Bà mụ hình như đã biết trước tính tình, đường đời hắn nên đã nặn cho hắn một khuôn mặt dữ dằn và ngang ngạnh. Mặt tròn, căng bứ. Chóp mũi nhọn, sống mũi gồ. Môi dày như hai miếng thịt chắp. Mày rậm và xếch. Mắt ráo hoảnh, mi lồi, đuôi mắt dài, gai nhọn. Khuôn mặt ấy phủ một làn da tai tái vì trác táng. Khuôn mặt ấy quyến rũ đàn bà con gái lớp tiểu thị dân vì cái vẻ giang hồ, bạo tợn, vô văn hoá của nó. Thưởng mới gia nhập xã hội thành phố. Quê hắn ở bãi Soi thuộc xã Nguyên lộc, nơi có khúc đê hiểm yếu nọ. Con một địa chủ ác bá có nợ máu, sau khi cha hắn phải đền tội trong cái cách ruộng đất, hắn sống vất vưởng và xấc xược như cỏ dại, chẳng chịu sự chăm sóc của ai. Học hết cấp một khi cá tính đã hình thành, hắn bỏ học luôn và thì thụt ra vào thành phố. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, hắn mất tích luôn. Ba năm sau hắn xuất hiện ở bãi Soi với chiếc Hon-da đỏ, áo bó, quần loe, giầy xi-mông mũi cà chua, tóc xù, mặt câng câng đầy vẻ bất cần, khinh thị. Hắn chỉ tạt qua thăm bà cô ít ngày rồi lại phới đi. Thưởng ra thành phố, nơi đối với hắn thật sự là một khu rừng còn hoang vu. Đứng chân ở thành phố này, hắn góp phần làm cho thành phố mất ý nghĩa cuộc sống chung, thành nơi tứ chiếng quần cư, nơi tụ hội của bao đầu mối kiếm chác và tận hưởng bạo tàn. Trẻ, liều lĩnh, hắn không chấp nhận sự giới hạn của nhân phẩm, lương tâm. Hắn lao vào những cú áp-phe lớn, tham gia đường dây buôn lậu những thứ hàng quốc cấm, đặt quan hệ cả với những ông trùm nước ngoài sành sỏi từ thuật làm tiền giả tới cách rửa tiền, và móc nối với những phần tử thoái hoá nắm giữ tài sản trong cơ quan Nhà nước. Hắn nổi danh trong đồng bọn bằng một cú áp-phe canh ty với một gã nước ngoài lừa một mụ chuyên nghề buôn lậu đá quý. Tên vô lại dựng một “ vở kịch”. Màn một, hắn đem số đá quý đến bán cho mụ phe với giá 120.000 đồng, với điều kiện chỉ lấy 2.000 đồng trước, còn bao nhiêu sẽ nhận nốt khi mụ phe bán được hàng. Đó là một điều kiện dễ dãi, dễ gây sự hoài nghi cho mụ phe. Màn hai: một người nước ngoài đến nhà mụ nọ. Người này hỏi mua đá quý và số đá quý mụ phe ngã giá với Thưởng 120.000 đồng được ông ta đật giá 150.000 đồng. Giá cả thoả thuận xong xuôi, ông ta hẹn sáng mai sẽ đem tiền đến lấy hàng. Màn ba:Ngay tối đó Thưởng đến nhà mụ phe, nói vì có việc “ đột xuất” nên hắn yêu cầu mụ phe phải trả nốt ngay số tiền mụ còn thiếu, nếu không hắn đành phải trả lại mụ 2.000 đồng đã đặt cược và lấy số đá quý nọ đi. Hàng đã có khách ăn giá, chả lẽ để tuột mất ba chục nghìn đồng tiền lãi đã ở trước nhãn tiền. Mụ phe đành rút hầu bao và vay vỏ cho đủ số tiền khổng lồ còn thiếu, nạp cho Thưởng. Màn bốn: mụ phe ngồi chờ ông khách nước ngoài tới dâng cho mụ ba chục nghìn đồng lãi ngon ơ. Nhưng than ôi! Càng chờ càng bặt vô âm tín. Chột dạ, mụ đem số đá quý nọ đi thử thì hoá ra toàn... hàng giả. Những món lợi thu được của Thưởng ngày càng lớn dần. Giờ thì Thưởng giàu có lắm rồi. Hắn chuyển tiền thành vàng, bạc, đá quý, đem về giấu ở quê nhà - bãi Soi. Và tiếp tục lao vào cuộc vơ vét với một tham vọng điên cuồng hơn. Gần đây nhất, hắn móc nối với cả loạt nhân viên coi Tổng kho bách hoá ở thành phố, moi được hàng tấn hàng. Cả xăng, dầu, sắt thép của Nhà nước cũng vậy, cứ theo con đường ấy mà chạy ra ngoài. Phần tử căn bã này làm hư hỏng người khác bằng đồng tiền. Và đồng tiền quả là có ma lực huyền bí, đã giúp hắn chinh phục được cả cô con gái cả đẹp rực rỡ của ông Nhuần xích lô. Việc này cũng không khó khăn lắm vì chính cô ta cũng đang khát khao sự sang giầu, nỗi khao khát càng mãnh liệt vì luôn có mặc cảm mình bấy lâu sống quá nghèo hèn. Tất nhiên, cô chàng cũng có một thời gian chờn vờn anh chàng. Nhưng, đó chỉ là sự màu mè, giữ giá thông thường của một cô gái. Và chỉ trong khoảng một tuần lễ, mọi hàng rào cách trở đã được dọn dẹp, cho hai nỗi khát muốn tầm thường gặp nhau, kết thân với nhau ngay. Trọng rời thành phố được ít hôm thì cái ngõ đã xuất hiện chiếc Hon-da đỏ và gia đình ông Nhuần xích lô đã rạng rỡ mặt mày vì cô Loan có bạn trai, một gã trai trẻ tuổi lịch sự, giầu có. Thói tự ti thâm canh cố đế từ những ngày còn nghèo túng chưa gột rửa được cả đến bây giờ, khi họ đã ăn nên làm gia, đã khiến họ càng trọng vọng gã. Bà Nhuần sau khi được gã trai nọ biếu một cái nhẫn ba đồng cân thì hãnh diện ra mặt. Ông Nhuần tuy vẫn có ý thức về thành phần cơ bản của mình, nhưng cũng rất kính nể Thưởng. Lũ trẻ con được Thưởng cho quà, cho tiền luôn thì tất nhiên là rất quý chuộng gã. Riêng thằng Lùng, nạn nhân oan uổng của các vụ mất ví của Loan, thì không ưa Thưởng ra mặt. Dạo này, nó lớn vụt lên, nó bắt đầu đi làm lao động hợp đồng ở công ty xây dựng nhà ở của thành phố. Thấy bóng Thưởng là nó chụp ngay cái mũ lá lên đầu, đi ra ngõ. Ngõ 401 nhờ có sự xuất hiện chiếc xe Hon-đa của Thưởng và chiếc xe máy của người ngoại quốc đến học tiếng Pháp ở nhà ông giáo Cần, vui và sang hẳn lên. Người nước ngoài đến vào buổi sáng. Còn Thưởng, chỉ khi trời nhá nhem tối mới mò đến. Cái ngõ ồn ĩ vì nửa tiểu đội con cái ông xích lô. Chúng vênh vang với lũ trẻ hàng xóm, chúng níu lấy tay lái chiếc Hon-đa, leo lên yên sau, tranh nhau bóp còi, la thét rất vui vẻ: - Anh Thưởng! Anh cho em ngồi mới. - Cho em một đồng, anh Thưởng ơi. - Anh Thưởng cho em một điếu đầu lọc nào! Công em đưa thư cho chị Loan, anh không trả em à? Gã trai, sau khi thoả mãn các yêu cầu của lũ trẻ, nhỏ ga lại, chân lạt xạt đất, lách cái xe vè vè vào ngõ, đến tận trước cửa nhà ông xích lô, ấn bốn tiếng còi theo nhịp nhún quen thuộc của bài hát Cu Ba La Pa-lô-ma, rồi tắt máy. Nhận được tín hiệu quy ước, Loan rời cái bàn gương trang điểm, đeo cái túi giả da,bước ra với nụ cười hồng màu hoa sen. Nàng tiên của Thưởng lộng lẫy và hơi xổng xểnh, nở nang quá độ trong cái áo hoa to, cổ rộng, xẻ vạt. Thưởng hất hàm khi Loan đi qua cái xích lô đậu ở giữa sân, trên đó, ông thân sinh ra cô đang ngồi hai tay đặt trên tay xe như ngự trên ngai, đầu ngửa ra sau, mồm há hốc, tiếng ngáy ran như sấm. Cả hai cùng bịt mồm cười. Thưởng vội quay xe: - Ông bô được cái đức ngủ quên trời, quên đất.- Tốt tiền lắm đấy. - Bà bô đâu? - Còn mải chợ. Dạo này bà trúng lắm! - Tối nay em không bận chứ. - Điệu thế! - Sợ còn bận làm ở hãng ba tê thịt mèo, thịt chuột! Cô gái cười khi khí, ghé mông lên yên sau xe. Xe vù ra ngõ. Trời xâm xẩm. Gã trai được ngay một phần thưởng xứng đáng: một vòng tay ôm chịt eo ếch và tấm lưng đồ sộ ran ran hơi ấm của một khuôn ngực trinh nữ. Ấy là những giờ phút thần tiên của hai anh chị. Đừng nghĩ họ trần tục. Họ bay bổng lãng mạn với cái xe máy phóng với tốc độ chóng mặt tám mươi cây số một giờ. - Anh Thưởng, sao chạy nhanh thế! – Loan vừa sợ vừa thích, kêu – Mà sao anh lại đi lối tắt này. - Yên trí! Ôm chặt anh vào – Thưởng gằn giọng – Anh tránh bọn kiến vàng! (°) Loan không nghe rõ lời Thưởng. Chiếc xe ra khỏi thành phố; lát sau băng trong đêm trăng non có hơi sương huyền ảo, họ ngửi thấy mùi gió đồng và nhìn thấy dòng sông sáng lấp lánh bên đường. - Xong rồi! – Gã trai quay lại sau, thở phào – Hôm nay anh đưa Loan về thăm quê anh nhé. Có em phù trợ, anh phá được thế bí. - Thế bí gì? - Lúc nãy bọn cá (°) lượn lờ ở ngõ nhà em nhiều quá! Gã trai buột miệng – Vui rồi! Sắp tới nhà anh rồi. Kia kìa, ở giữa bãi Soi. Vụ lũ vừa qua nhà anh cao, không bận gì. Em bôi nước hoa gì mà thơm thế? - Ông Hảo ông ấy vừa cho em một lọ. Tây đấy! - Chơi sang nhỉ? - Anh có biết không? Bà vợ ông ấy gửi về cho ông ấy không biết cơ man nào là hàng. Máy khâu này, Cát-xét này, Bô-giô một linh ba này, Ka-đê bốn đinh, hai cửa sổ này. Len, dạ, tơ, lụa, lon... thì vô kể. Ông ấy đọc thư bà ấy gửi về cho em, mẹ em nghe. Ông ấy cho em một cái coóc-xê ni-lon hết ý. Ông ấy bảo: “ Chúa dạy tôi, có hai cái áo hãy lấy một cái cho người không có”. - Xoàng! - Còn đòi thế nào? - Anh chỉ dùng một cái cặp... nhẹ nhàng, anh tặng em cả một toà lâu đài kia. Này, thằng cha ấy mắt đĩ lắm. - Ghen à? - Hẳn đi chứ! Còn nhớ buổi gặp đầu tiên lúc em đi chơi với người yêu của em không? Còn ngửi thấy mùi cay chua đến tận bây giờ. Anh mà không mạnh, em cho anh đứng hít bụi đường rồi! Ra vẻ giận dỗi và làm nũng, cô gái day day cái má vào lưng gã trai. Cử chỉ đó làm cho gã trai bật tiếng cười khoái trá. Cô gái cũng hoà theo tiếng cười của gã. Đối với họ, tất cả đều minh bạch rõ ràng, tựa như đồng tiền tính đếm được. Chiếc xe bò lên đê. Nó chạy chậm hơn vì phải tránh những đống đá, đống tre xếp trên mặt đê. Mùa nước đã qua, bên phải đê, lúa mùa sớm đang làm đòng. Phía dòng sông, vàng ngời trong ánh trăng một bãi ngô vừa trổ cờ. Vệt đèn xe loá sáng. Bỗng cô gái riết chặt gã trai và kêu to một tiếng hốt hoảng. Chiếc xe vừa tăng tốc, vọt lên. Cạnh đường đê, loáng qua bóng một chiếc xe đạp chuệnh choạng vì loá đèn và hình như nó bị đuôi xe máy quệt phải, không hiểu sao, Loan có linh cảm, người đi trên chiếc xe đạp vừa để rập xuống mái đê là Trọng. Loan sút một hơi trong lồng ngực. - Anh Thưởng, anh đâm vào xe đạp người ta. - Mặc mẹ nó! Mặc! Không chút bận tâm, chiếc Hon-đa hung tợn lao như xé đường. Lưng Thưởng hừng hực. Người Thưởng nóng ran. Lát sau, cho xe đậu lại cạnh một cái điếm cạnh đê vắng vẻ, Thưởng quay lại, nhìn chăm chắm vào cô gái đang ngơ ngác giữa khung cảnh xa lạ. Đây là công trường gia cố khúc đê Nguyên Lộc. tối thứ bảy, công nhân, dân công lên huyện xem phim cả. Tịch mịch, từ mái đê vẳng lên tiếng con dế rúc ri rỉ và ở rất xa có tiếng một người nào đó làm nhàm hát. - Bãi Soi bên kia là nhà anh. đó, Loan – Gã trai nắm tay cô gái, giọng rộn rực, nóng nảy – Lát nữa, bà cô anh sẽ đưa đò sang đón, anh sẽ đưa em về, Loan. Loan... - Đừng thế, anh Thưởng! - Tiếc anh à? Cô gái hẩy tay gã trai và cả hai đi theo chiều nghiêng của mái đê, ngược với hơi gió thu càng đêm càng rười rượi. - Anh Thưởng ạ, em đã yêu một người con trai, anh biết rồi đấy. - Em đã nói thế thì anh cũng xin đánh bài ngửa với em. Anh cũng không thiếu đàn bà yêu. Đã không ít đàn bà con gái qua tay anh. Nhưng với em, anh không nề hà chuyện đó. Chỉ cần em chưa... cho hắn, tức là chưa... ngủ với hắn... - Khiếp! Anh ta hiền từ chứ không gấu như anh đâu. Ơ kìa, bỏ em ra để em nói đã. Dù sao, ttrước khi lấy anh, em cũng cần phải gặp anh ta, nói vài lời cái đã. - Tuỳ em! Nhưng em định nói thế nào? - Em sẽ nói: “ Anh Trọng ạ. Anh rất tốt, rất đáng kính, nhưng em không thể lấy anh làm chồng được”. - Được! Thế là em khôn đấy. Hiện đại đấy. Còn anh, anh sẽ làm cho đời em sung sướng. Lúc này phải sướng. Đứa nào ngu, đứa ấy khổ. Anh mà làm em khổ, hoặc em tìm được nơi sung sướng hơn, em cứ nhẹ nhàng rời bỏ anh, anh cho phép. Sòng phẳng chưa nào? Chúng ôm ghì lấy nhau, cùng cười, hoàn toàn mãn nguyện về nhau, về mình. Tuy nhiên ngồi xuống mái cỏ sườn đê, cô gái còn thoáng nghĩ: “Có lẽ đây là khúc đê anh Trọng hay nói tới trong thư viết cho mình”, rồi cô quên ngay vì những cảm hứng cuồng si vừa bốc dậy, Thưởng đã dằn ngửa cô trên mái đê và giật tung hai vạt áo hoa của cô. Quả thật nơi ấy chỉ cách cái tổ mối Trọng đào hơn chục bước chân.