Chương 13

Dường như là một phần tinh thần và thể xác Trọng đã ra đi cùng với cái chết của Nam. Vẫn biết tình yêu của anh với Loan vô cùng mong manh, nhưng tin Loan sắp đi lấy chồng vẫn gây bất ngờ và đau đớn cho anh. Anh vừa mất đi một cái gì hệ trọng quá. Suốt đêm, Trọng đi lang thang trong thành phố, ngất ngư trong một cơn bão ngầm.
 Gần sáng, nghe đài báo trời sắp mưa bão, Trọng như sực tỉnh. Anh bám ô tô buýt lên Uỷ ban khoa học kỹ thuật tỉnh tìm người đeo kính trắng, bạn của Nam. Hai người đã gặp nhau lúc đi đưa đám Nam. Bàn bạc công việc, anh ấy hứa sẽ hết sức giúp đỡ Trọng tiếp tục công việc tìm, diệt tổ mối trong thân đê.
 Buổi sáng, trời u ám. Thành phố xám nhờ dưới những tầng mây đen nặng. Trọng về tới cơ quan thì trời nổi gió và bắt đầu mưa.
 Ông Chánh kính chễ mũi, liếc nhìn Trọng đang lúi húi thu dọn tài liệu trên bàn, đứng dậy, đi ra cửa kính, mặt hớn hở vì một niền vui mênh mông nào đó, chúm môi thổi sáo và gõ cạch cạch vào ô kính:
 - Hà, hết mùa nắng lửa mưa dầu rồi mà vẫn lại có bão! Cơn bão số mấy thế không biết?
 Hưng ngồi chễm trệ ở cái bàn của Nam, bàn trưởng phòng, ngẩng lên:
 - Cơn bão số 13, cơn bão Om-ga.
 - Om-ga! Tên như tên con gái ấy nhỉ!
 - Thì đúng là như vậy – Hưng cười – Thế giới đặt tên cơn bão toàn bằng tên con gái: An-na, Béc-ky, Đô-ly, Nen-ly, Phi-phi, On-ga. Hừ, gái đẹp gắn liền với giông bão, do chính họ gây ra. Có phải thể không, cô Vân?
 Vân xinh nhất trong ba cô đánh máy từ lâu là mục tiêu theo đuổi của Hưng. Nhưng gần đây, Hưng cảm thấy rất rõ cô bé ngày càng xa lánh anh. Hôm nay thì cô lạnh nhạt hẳn, cô không trả lời anh. Mặt buồn rười rượi, cô đang lắp giấy vào ru-lô. Tình và Ngà cũng đang sửa soạn máy. Cái chết của trưởng phòng Nam để lại một nỗi buồn vô hạn cho các cô.
 - Bác Chánh, cháu vẫn tiếp tục đánh tài liệu chứ ạ? – Cô Vân quay lại. Ông Chánh bước vội tới, ấn mục kỉnh vào tinh mũi, nhìn xuống bàn máy:
 - Mấy cái bản báo cáo... của anh Nam ấy à?
 - Vâng.
 - Có nhẽ... thôi, cô ạ. Giấy má đang khan, ruy-băng cũng hiếm. Vả lại, anh ấy còn đâu nữa mà nghiên với cứu. Để tôi xin ý kiến anh Hưng, nhưng cứ màn màn đã.
 - Bác Chánh ạ - Ngẩng lên, Vân gài vạt tóc ra sau tai, uể oải – Cháu mệt quá. Cháu muốn xin nghỉ phép hôm nay.
 - Hôm qua anh đưa anh Nam xuống tận nghĩa địa cơ à?
 - Vâng, cả Tình, Ngà, cháu. Chúng cháu thương anh ấy quá.
 Ông Chánh phà một hơi thở, nhìn ra ô cửa kính đã bám đầy hơi nước mưa:
 - Mưa thế này mát mẻ cho anh Nam đây. Thôi, thế cũng là mồ yên mả đẹp. Nghĩ... cũng tội. Họ hàng ở xa. Vợ, chưa kịp lấy. Tôi, cậu Trọng phải thay mặt gia đình bỏ hòn đất đầu tiên xuống huyệt. Mà cái ông này cũng kỳ. Sổ tiết kiệm còn nhõn một đồng rưỡi. Không hiểu có còn ai vay nợ không?
 Hưng đặt cái bút đánh cạch, nhìn sang, thản nhiên:
 - Cô thương cũng chẳng chống lại được quy luật.
 - Chỉ tiếc anh ấy đang dở mấy công trình - Ông Chánh than thật thà.
 Hưng xì hơi qua môi, rành mạch:
 - Đời vô nghĩa lý thật! Một cụm khói xanh trong lò hoả thiêu. Một nắm xương tàn hư vô. Nhưng mà đời là thế, không có sự chết thì không có tiến hoá.
 - Khiếp quá! – Cô Tình và cô Ngà cùng bật kêu.
 Ông Chánh cười hà hà đỡ lời cho quyền trưởng phòng:
 - Các cô sợ à! Nhưng mà... nếu các cô đã học triết học duy vật biện chứng thì các cô sẽ thấy đó là cái lẽ đương nhiên thôi... hà hà.
 - Vậy thì cháu không được khóc thương mà phải cười vui à? Cô Vân xịu mặt, tức tưởi. Cô Ngà trề môi:
 - Có khi phải đốt pháo ăn mừng nữa chứ!
 - Hà hà... có ai nói thế! - Ông Chánh lắc đầu - Đây là nói riêng về mặt triết lý. Chứ còn...
 Mưa đổ ào một đợt. Gió đẩy cửa, bay tung tả những giấy tờ trên mặt bàn. Trọng vội tìm cái chặn giấy. Liếc sang bàn Hưng, anh không còn thấy quả bom bi của Nam. Hưng đã xoá hết dấu vết cả Nam. Bàn ghế đã kê lại. Bàn ông Tiễu, ngay hôm ông về hưu, đã được khiêng ra ngoài hành lang. “Tạnh mưa phải đi ngay”. Trọng nghĩ bức bối, cúi xuống ngăn bàn tìm mấy tài liệu cũ.
 Lúc ấy, Trọng không biết: Ông Chánh thỉnh thoảng vẫn nhìn trộm anh. Anh cũng không biết: Thỉnh thoảng Hưng lại đưa mắt đánh ám hiệu cho ông Chánh. Không gian chật hẹp của căn phòng qua lại hai sóng thông tin, ông Chánh và Hưng đang trao đổi lần cuối cùng những ý đồ của họ về anh.

°

 Cuối cùng, sau cái gật đầu dứt khoát của Hưng, ông Chánh theo thói quen vâng lời cấp trên, đi thẳng đến cái bàn Trọng ngồi.
 - Đồng chí Trọng, tôi có việc cần gặp đồng chí.
 Kéo ghế, ông Chánh tự động ngồi xuống trước Trọng. Hình như ông hơi chần chừ. Nhưng quay lại, nhận được ánh mắt khích lệ của Hưng, ông liền e hèm.
 - Này Trọng, thu dọn làm gì vội thế?
 Trọng vẫn đang cắm cúi lục lọi ngăn bàn:
 - Vâng, tôi xong ngay đây.
 - Này, ta ra ngoài hành lang cho tiện đi!
 Ông Chánh xịch ghế đứng lên. Trọng đóng ngăn bàn, đứng dậy, đi theo ông.
 Họ đứng áp vào bậu cửa sổ, nhìn ra ngoài khung cửa mưa đang rơi tầm tã. Nhận ra vẻ trịnh trọng cố ý và có phần thật thà của ông phó bí thư, nay là quyền bí thư chi bộ, Trọng hiểu ngay rằng anh sắp phải nghe một điều quan trọng. Quả nhiên, ông Chánh nhìn thẳng vào mặt anh, lên giọng:
 - Đồng chí Trọng! Tôi... thay mặt chi uỷ, nhân danh quyền bí thư, nói để đồng chí biết: Việc xét đơn gia nhập Đảng của đồng chí phải hoãn lại vô thời hạn.
 Một ngọn búa vừa bổ trúng đầu Trọng. Choáng váng, Trọng vội đưa tay bám vào gờ khuôn cửa sổ.
 - Hoãn lại? Sao lại hoãn lại vô thời hạn?
 - Đồng chí cứ bình tĩnh. Bình tĩnh! Kìa, sao mặt lại tái đi như thế - Ông Chánh lạnh lùng – Dẫu thế nào cậu cũng là một quần chúng, một cán bộ tốt của Đảng cơ mà. Xác định như thế nhé. Được chưa? Còn bây giờ nghe tôi nói. Trước hết, lá đơn cậu viết không nghiêm chỉnh.
 - Không nghiêm chỉnh!
 - Đây – Rút từ trong túi quần sau ra một tờ giấy gấp tám mở ra, lá đơn Trọng viết với tất cả tâm huyết của mình, ông Chánh đập ngón tay vào mặt trang giấy đầy chữ, giọng đột ngột gay gắt như đang trong cuộc tranh luận – Cậu viết thế này thì làm sao mà ổn được! “ Tôi xin vào Đảng vì tôi thấy mình gần Đảng từ tâm hồn đến ý thức hệ!”. Sao lại thế? Tâm hồn, tâm hiếc gì ở đây! Phải nói là: “ Được sự giáo dục xít xao, có hiệu quả của chi uỷ, chi bộ, tôi đã giác ngộ...”. Đây nữa “ Là con người, phải có lý tưởng để tôn thờ”. Thờ phụng gì ở đây? Duy tâm! Chỗ này nữa: “ Tôi xin dâng Đảng công trình của tôi cho đất nước, cho dân tộc”. Nghe nó thiếu khiêm tốn quá, cậu có thấy không? Nhưng, nặng nhất là câu đầu này: “ Giữa những ngày đói kém gian khổ, khó khăn và có những kẻ dao động này...”. Sao lại gian khổ, khó khăn, dao động? Ai đói kém? Ai khó khăn? Ai dao động? Trình độ cậu như thế là quá non yếu đấy, Trọng ạ. Chưa kể những mặt khác...
 Trọng không thể kêu được một tiếng nào nữa. Vừa nghe ông Chánh phê phán những khuyết tật khác của lá đơn, anh vừa nhận lại lá đơn, mặt cúi gầm, gấp lại, tủi hổ như một kẻ mang trọng tội. Con người thô sơ giản lược nhiều khi lại vô tình ác hại hơn một kẻ phức tạp, lắm mưu mô là thế. Anh kêu sao được nữa! Bởi vì đây không phải là chuyện chữ nghĩa. Đằng sau sự vặn vẹo câu chữ, nghe ông Chánh nói thêm, anh hiểu thêm rằng, còn bao nhiêu vấn đề hệ trọng khác; kể cả chuyện lý lịch ba anh, mối quan hệ của anh với Nam, tính kiêu ngạo, vô kỷ luật của anh – kể cả việc anh tự động trở về thăm Nam vừa rồi, đã là những nguyên nhân chủ yếu đẩy anh ra khỏi niềm ao ước, tin yêu của anh.
 Rũ xuống như một cái cây héo, Trọng lặng lẽ đi vào phòng. Nhưng, ông Chánh lại gọi giật anh, và lần này anh phát hoảng:
 - Sao, tôi ở lại, không xuống Nguyên Lộc nữa?
 - Đây là lệnh của đồng chí Quyền Trưởng phòng, tôi chỉ có nhiệm vụ truyền đạt thôi.
 Ông Chánh đáp, cũng hết sức giản đơn và thật lòng.
 Trọng xộc ngay vào buồng, đi thẳng tới bàn Hưng.
 Con người đứng sau tất cả các sự kiện vừa xẩy ra, nhận ra hành động của anh kỹ sư trẻ nọ hơi đường đột, ngẩng lên, có ý đề phòng, nhưng vẫn điềm nhiên. Nét trơ trẽn thoáng hiện ở khoé mép nhếch, cái cười nửa miệng đầy vẻ tự thị, ngạo mạn của anh.
 Hưng, quyền trưởng phòng! Hưng, không biến dạng! Hưng chỉ đổi thay trong giới hạn: Năng lực có hạn, giỏi biến báo ứng phó, thích nghi. Trước cái xấu xa của dục vọng, thế gian có nhiều thái độ khác nhau. Người coi khinh nó, lấy mũ ni che tai, chỉ biết hậm hực, than vãn, lấy duy ngã độc thanh cao làm lẽ sống, đó là hình ảnh ông giáo Cần. Lại có kẻ lấy chửi bới, đập phá để chống trả, như ông già Tiễu ác khẩu đã về hưu. Những nhân cách khác hiểu rõ ngọn nguồn của cái xấu, giữ mình và dùng ngay mình làm lực lượng đối kháng với nó, xây dựng cái đẹp ở ngay bản thân mình. Hưng khác với ba lớp người trên. Hưng biết tất cả các biểu hiện của mọi xấu xa, đê tiện, nhưng chấp nhận nó như một tất yếu và sẵn sàng trở thành thủ lĩnh của nó. Hưng khác vợ chồng ông xích lô: Họ không có ý thức về cái xấu. Hưng không giống ông thợ vẽ Hảo không gốc rễ, dung tục, buông tuồng. Hưng đứng trong khuôn khổ, tắc lưỡi thầm: “ Đời là thế cả”, Hưng tha hoá một cách có ý thức.
 Ấy là một khía cạnh của sự tầm thường có ý thức và biết tận dụng quyền lực. Sau khi đã nắm trong tay chiếc vương trượng quyền uy, việc đầu tiên của nó là tuyển mộ vây cánh. Ông Chánh được chấp nhận liền vào đội ngũ nọ. Con người thô giản này dễ bị sai khiến vì cũng có tham vọng, những tham vọng nho nhỏ thôi, vài đồng lương, tí danh vọng, chẳng hạn, trước khi về hưu trí. Nam chết, ấy là thời cơ của Hưng và phần nào cũng là của ông cán bộ gốc gác nông dân này.
 Nam chết, Hưng mở cờ trong bụng. Vụ vỡ cống, vỡ đê Lợi Toàn thế là ỉm được và bằng mọi cách để ỉm được. Chức trưởng phòng lại ở trong tầm tay. Trở ngại mọi mặt chỉ còn là Trọng.
 - Có lẽ ông Chánh chưa truyền đạt hết ý của tôi – Hưng nhìn Trọng, bỗng hạ giọng – Tôi muốn xem xét xếp đặt lại toàn bộ công việc. Bây giờ lại đang là mùa khô, Trọng ạ.
 Cái giọng mềm mại ngọt nhạt ấy làm tan biến ngay cơn bực bội của Trọng và vụ va chạm lần trước laị hiện ra như một lời cảnh tỉnh anh.
 - Tôi xin báo cáo với anh.
 - Báo cáo báo cầy gì. Ông Nam mất là một thiệt thòi lớn cho chúng ta. Mình chối từ thì còn gì là anh Đảng viên. Đành nhận. Chứ làm anh kỹ sư nhăng nhố khoái hơn chứ.
 “ Quả là anh ta rất nhăng nhố!”. Trọng nghĩ và bỗng thấy bứt rứt, khó chịu vì phải nhập một vai kịch trái hẳn nết của mình.
 - Công việc của tôi – Trọng thấy không thể nhẫn nhục hơn được nữa - đang ở vào lúc phải gấp rút hoàn thành. Tôi đã nhờ được một nhóm thợ chế tạo cho cái máy phun vữa. Các anh bên Uỷ ban khoa học- kỹ thuật tỉnh hứa sẽ giúp đỡ...
 - Ồ, ông vẫn say sưa cái công việc dò tìm ổ mối cổ sơ thế cơ à? Hưng nhướn hai cái vòi lông mày. Mắt Hưng trố lồi ra. Một sự kinh ngạc hơi thái quá. Chính cái sự thái quá ấy làm Trọng giật mình. Anh vừa nhận ra sự giả dối, vờ vĩnh của Hưng.
 - Lấy tình bè bạn mình thành thật khuyên ông nên ngừng cái công việc ấy đi, Trọng ạ.
 - Ngừng thế nào được!
 - Cổ lỗ quá rồi.
 - Không cổ!
 - Tài năng và trí thông minh của cậu hơi bị lãng phí đấy, Trọng ạ.
 - Anh nhầm! Ưu điểm lớn nhất của cách làm này mà các phương pháp khác không thể có được là nó xác định được tổ mối về mặt định tính.
 - Ồi, nói những điều ấy với nhau ở đây có ích gì!
 - Tôi nói thế để yêu cầu được tiếp tục công việc. Nhất định tôi phải tiếp tục công việc tôi đang làm!
 Hưng đứng vụt ngay dậy, mặt lạnh băng:
 - Nhân danh lãnh đạo phòng. Tôi yêu cầu anh ở lại cơ quan.
 - Hơi sớm đấy, ông Quyền trưởng phòng ạ.
 - Yêu cầu chấp hành!
 - Tôi khiếu nại – Trọng đập tay xuống bàn – Tôi xin gặp đồng chí thủ trưởng cơ quan.
 - Đây là quyết định không thay đổi của phòng và cũng là của cơ quan!
 Hưng quay đi, mặt hầm hầm, bước ra cửa.

°

Thủ trưởng cơ quan kiêm bí thư Đảng uỷ đi họp ở Trung ương một tuần. Trọng đành ở lại cơ quan, ăn, ngủ, làm việc ngay tại văn phòng.
 Đó là những ngày buồn thảm, nặng nề của đời Trọng. Những buổi tối rỗi rãi, anh cũng không dám tạt về ngõ 401 thăm ba anh. Đêm thứ sáu anh mê một cơn mê hãi hùng: anh chết vì đuối sức trong lúc hàn đê vỡ, ngồi trên cái xe chở linh cữu của anh có Loan và ba cô gái ở tổ máy chữ. Tỉnh dậy, anh kinh hoàng, mồ hôi ướt đầm áo quần. Trời, sao anh sợ chết đến thế! Mà cái chết thì có tránh được đâu. Mỗi sinh vật đều vậy, không thể có hai lần sinh, hai lần chết. Con a-míp sống hai mươi giờ. Con giun đất, mười năm. Đỉa, hăm nhăm năm. Cá chép, rùa, hai trăm, ba trăm năm. Cây chò, một nghìn năm. Ngọc am một vạn năm. Sớm muộn, tất cả đều phải... chết. Và đành rằng giá trị cuộc sống của con người không tính bằng năm tháng, nhưng một cuộc sống có giá trị lại cần, rất cần năm, tháng để triển khai, bộc lộ. Nam đã chết. Còn anh, anh đang chết mòn.
 Trọng ngồi lặng trong đêm. Đó là những giây phút đối lập với những khoảng khắc bừng sáng bao cảm xúc tươi đẹp buổi sáng mưa tạnh hôm nào và một trưa mùa thu nơi đồng nội có làn nắng long lanh ngoài mặt đê; dâng lên trong anh bao mùi vị chua chát, cay đắng. Chiều nay, ông Chánh làm lại sổ hộ khẩu cho cơ quan. Anh nhớ lúc nhận lại bản kê khai của anh, ông nhìn chò chõ vào mục ghi ngày, tháng năm sinh của anh rồi kêu: “ ối, cậu còn trẻ quá. Chỉ hơn nửa tuổi tôi có một tí”, và sau đó, ông ngồi an ủi anh.Ông bảo: đời người bắt đầu từ tuổi bốn mươi. Chắc ông muốn diễn đạt lời Khổng Tử. Ông muốn anh đừng buồn nản, sau những chuyện vừa rồi. Anh nhìn ông, giọng đốp chát không kiêng nể: “ Có những người năm mươi, sáu mươi tuổi mà đã sống cho ra con người đâu. Sống là phải có cá tính, có ý kiến riêng. Chứ toàn nói, nghĩ theo người khác, thì sao gọi là sống”. Ông cười hề hề, không hiểu hết ý anh, lại vỗ về anh: “ Cậu còn trẻ lắm. Tương lai còn dài”. Ngay lúc ấy hiện lên từ ký ức sâu thăm thẳm của anh con số 28. Hai mươi tám tuổi, hai mươi mốt năm đi học. Còn lại bẩy năm thì năm năm ở một tỉnh nhỏ, do cá tính mà va vấp nhiều hơn là thành đạt. Sáu năm, chưa làm được một việc gì cho ra hồn. Tình yêu tan vỡ. Công việc dang dở. Sáu năm có vẻ như hư vô. Sáu năm chỉ có ý nghĩa thành nhân, xác định được chức phận và lô gíc sống của mình.
 Trong cái tâm trạng khủng hoảng ấy, đã xẩy ra sự kiện sáng hôm sau – sau này anh gọi là sự kiện ngày thứ 7 suốt đời không thể quên.
 Sáng ấy, Trọng dậy, đi tắm rồi ra quán ăn phở. Chưa bao giờ anh ăn liền hai bát phở ba đồng mà ngon lành, đầy vẻ tận hưởng như thế.
 Trở về, anh buộc ba lô, tài liệu. “Mình sẽ đi Nguyên Lộc trước khi họ đến. Một giờ một phút cũng không chờ được nữa!”. Một cú điện thoại từ Uỷ ban khoa học- kỹ thuật gọi đến giữa lúc anh định khoác ba lô lên vai. Anh bạn kính trắng hỏi thêm anh vài chi tiết về cái máy phun vữa và báo cho anh biết tuần tới cũng sẽ xuống Nguyên Lộc phối hợp cùng anh tìm tổ mối bằng phương pháp hiện đại: hấp thụ tia ga-ma.
 Trọng mừng quá. Nhưng, anh vừa buông máy thì ông Chánh lộp cộp đôi giày cao cổ bước vào.
 - Cậu Trọng! Đi đâu đấy. Hôm nay họp phòng học quy chế công tác đấy nhé.
 Trọng quay lại, lẩm bẩm:
 - Tôi đi đâu, mặc tôi!
 - Cậu này ăn nói lạ nhỉ!
 - Đề nghị ông không được gọi tôi là cậu. Và ông hãy để tôi yên!
 Ông Chánh trợn mắt.
 - Ơ, cậu này hôm nay làm sao thế? Này, Trọng, ông nên nhớ, dẫu sao...
 Ông Chánh muốn nhắc nhở Trọng: Anh vẫn là một quần chúng, một cán bộ tốt của nhà nước đấy, tuy là đơn gia nhập Đảng của anh không được chấp nhận, vậy chớ nên bừa bãi. Nhưng sự thô thiển ấy lúc này lại như một sự coi thường, kích thích lòng tự ái của Trọng.
 Trọng vùng vằng:
 - Tôi chẳng cần đến cái dẫu sao của ông.
 Hưng đã đến, tay sách cặp da, đứng ở cửa. Đằng sau là ba cô ở tổ máy chữ, Hưng theo dõi câu chuyện từ lúc nãy. Bước chậm rãi vào buồng, Hưng nhếch mép:
 - Hừ, tồi tàn đến thế là cùng!
 - Thế nào?
 Trọng đặt phịch ba lô xuống mặt ghế, quay phắt lại.
 Hưng ném cái cặp lên bàn, chép miệng, kẻ cả:
 - ít ra cũng cần nhớ: mình là một con người, ừ, một con người được học hành chẳng hạn.
 - Con người! Con người! – Trọng đay lại, mai mỉa – Con người! Hừ, con người là kẻ dẫm đạp lên người khác để sống. Con người là kẻ coi cái chết của bạn mình là cơ hội để tiến thân. Con người là thế hả?
 - Im!
 - Anh không có quyền quát tôi!
 - Câm ngay. Mày thoá mạ tao như thế, hả!
 Mắt Hưng đỏ nọc. Cả tuần nay hai người xa lánh nhau, anh vẫn gờm Trọng, nhưng không ngờ Trọng lại cay chua, ghê gớm đến thế. Rờ cái cặp, tay Hưng run bần bật. Nhưng, Trọng đã từ từ bước lại:
 - Tôi muốn nói chuyện tử tế với anh.
 - Tao không thèm nói chuyện với mày! - Đột ngột Hưng gào.
 Trọng trề môi, khinh mạn:
 - Được... được. Thế thì... trả lại tài liệu đây.
 - Tài liệu nào?
 - Đừng vờ nữa. Tài liệu của anh Nam. Bản án về vụ vỡ cống, vỡ đê Lợi Toàn bị đánh cắp khi anh Nam mê man trên giường bệnh.
 Mặt Hưng chợt nhợt tía. Môi Hưng lật bật:
 - Đừng có giở trò vu khống hèn hạ ra ở đây.
 - Sợ à? Cả cuộc mà cả về sự sống chết của anh Nam cũng còn đây. Còn bảo lưu hết.
 Hưng thét kinh hoàng:
 - Câm ngay! Mày định giở trò đểu hả? Đồ khốn nạn!
 - Ai đểu, ai khốn nạn? Ai, bạn vừa nằm xuống đã giở trò hèn hạ?
 - Câm đi!
 - Trả tài liệu đi! Chính vì anh mà anh Nam chết đấy. Nghe rõ chưa? Anh là kẻ đã đẩy anh Nam nhanh đến cái chết!
 - Đồ khốn nạn! Đồ ròi bọ! Mày định lật tao hả? Tao sẽ đập nát cái đầu chó của mày.
 - Đồ đê tiện!
 Hai nắm đấm cùng nện xuống mặt bàn. Ông Chánh chạy lại. Không kịp rồi. Họ đã vung nắm đấm nhằm vào mặt nhau. Ba cô gái dừng bản nhạc đang trình tấu, quay cả lại, bật kêu kinh hoàng.
 Ông Chánh kéo được Hưng ra thì mũi Hưng nhoe nhoét máu. Hưng nhổ bọt xuống sàn, chửi:
 - Mẹ tiên sư nó, nó đấm tôi trước...
 Trọng gục đầu trên mặt bàn. Hai thái dương đau nhói. Nỗi ân hận dâng lên thắt nghẹt ngực anh. Anh hiểu ngay: mình đã sai. Anh đã thiếu tự chủ. Cái chết của Nam, cơn hoang mang, buồn nản về sự bội tình của Loan, những ý nghĩ đen tối về đời mình đã dẫn đến cơn điên khùng quái gở này! Và một điều nữa, giờ anh mới nhận ra: Sao anh lại có thể có thái độ cử chỉ ngôn ngữ như một kẻ vô văn hoá thô mãng đến như thế; hoá ra trong anh, bên cạnh yếu tố thánh thần cao khiết, còn nhiều điều thấp kém, xấu xa quá.
 Ngoài cửa hình như có người nào đó vừa tới.
 Ông Chánh cao giọng, giảng giải:
- Về vấn đề này, tôi xin có ý kiến: Cậu Trọng sai một trăm phần trăm! Tự dưng đi gây sự. Thật là không biết điều một tẹo nào cả. Tôi là tôi thật lòng! Mà anh Hưng, đứng danh nghĩa quyền trưởng phòng, cũng đã hết sức nhân nhượng với cậu ấy. Ngay như cái tội cậu ấy để tổ mối sụt, tụt cả cái ô tô khách xuống, suýt vỡ đê, chúng tôi cũng đã châm trước bỏ qua cho cậu ấy kia mà...