Dịch giả: Nguyễn Đại Phượng
Chương 5
Từ tạp chí Time đến tết Mậu Thân

Tạm biệt người Anh hùng, một sĩ quan tình báo xuất sắc người đã có nhiều cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi, Tư Cang, có rất nhiều kỷ niệm với bạn trong thành Sài Gòn tạm chiếm.
Giữa sự sống và cái chết chúng ta luôn ở bên nhau vượt qua muôn vàn khó khăn.
Lưu bút của Tư Cang trong sổ tay của Phạm Xuân Ẩn, tháng 9/2006
Cuối năm 1967, Thiếu tá Tư Cang, 40 tuổi, tổ trưởng mạng lưới tình báo quân sự cụm H.63 đặt chân đến Sài Gòn. Trước đó vài tháng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ở Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức một cuộc tổng tiến công và nổi dậy mới đánh vào "trung ương thần kinh của chính phủ bù nhìn miền Nam". Mục tiêu chính là Sài Gòn!
Bản Nghị quyết được các giao liên chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh, đến tháng 9/1967 mới tới được Trung ương Cục miền Nam. Ngày hành động được ấn định vào Tết Mậu Thân, tức ngày 31/1/1968. Nghị quyết này chỉ dành cho chưa đầy ba tháng để thu thập tin tức tình báo và lên kế hoạch chiến lược cho trận tấn công vào thành phố thủ phủ của miền Nam.
Ông Trần Văn Trà, Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng ở miền Nam từ năm 1963, lãnh trách nhiệm về các hoạt động chiến thuật và chiến lược trong cuộc tổng tiến công. Ông Trần Văn Trà tin chắc rằng, nếu kế hoạch này được thực hiện thành công, Chính quyền Sài Gòn do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu sẽ sụp đổ. Phương pháp hướng dẫn cơ bản là kết hợp giữa tấn công của các đơn vị quân đội với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đô thị, kết hợp giữa tấn công từ bên trong các thành phố với bên ngoài thành phố, và giữa hoạt động quân sự ở nông thôn với hoạt động quân sự ở các trung tâm đô thị. Cuộc tổng tiến công sẽ là liên hoàn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cuối cùng đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ông Trần Văn Trà phụ thuộc nhiều vào các mạng lưới tình báo của ông ở Sài Gòn. Nhiệm vụ của ông Tư Cang là: Điều tra năng lực của Sư đoàn 1 quân đội Việt Nam Cộng hoà; Báo cáo về hệ thống an ninh xung quanh tổng hành dinh hải quân đóng ở Cảng Sài Gòn; Xác định đường đột nhập tốt nhất vào thành phố, cũng như những đường đến các toà cao ốc hoặc những cơ sở dễ tấn công nhất. Tư Cang hiểu rằng ông cần phải dành càng nhiều thời gian với điệp viên thượng hạng của mình là Phạm Xuân Ẩn thì càng tốt.
Phạm Xuân Ẩn tạo vỏ bọc cho Tư Cang là trong vai một người bạn từ Huế vào, một thầy giáo đi thăm đồn điền ở Dầu Tiếng, một người lai tạo giống chim và thích nuôi dạy chó. Với vỏ bọc như vậy, Tư Cang và Phạm Xuân Ẩn có thể đi cùng nhau đến tiệm cà phê Givral hoặc bất cứ nơi nào trong Sài Gòn mà không hề gây ra chút nghi ngờ nào. Với tư cách một nhà báo được kính trọng đang làm việc cho Tạp chí Time, Phạm Xuân Ẩn dễ dàng đi lại khắp Sài Gòn, trong đầu xốn xang với ý nghĩ về những địa chỉ có thể tấn công và những cách thức để tránh hệ thống an ninh.
Khoảng năm 1968, Phạm Xuân Ẩn nói chung được mọi người coi là anh cả trong đám phóng viên ở Sài Gòn. Laura Palmer, phóng viên tự do của Tạp chí Time và là bạn thân của ông Ẩn, viết: "Phạm Xuân Ẩn là một trong những nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn và rất nhiều phóng viên phải phụ thuộc vào ông". Khi David Lamb của tờ Los Angeles Times đến Sài Gòn đã được mọi người nói "Đến gặp Phạm Xuân Ẩn của Tạp chí Time". Henry Kamm của tờ New York Times biết Phạm Xuân Ẩn là "một đồng nghiệp thạo tin, hào phóng, nhẹ nhàng và tế nhị, người Việt Nam duy nhất được một toà báo Mỹ là Tạp chí Time tuyển dụng và cho hưởng qui chế phóng viên đầy đủ, chứ không phải chỉ là những trợ lý người địa phương cho các nhà báo Mỹ từ New York được cử đến để đưa tin về chiến tranh".
Nhiều năm trước khi David Halberstam biết về các hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn, ông đã nói với Neil Sheehan rằng Phạm Xuân Ẩn là một nhân vật lớn ở Sài Gòn "bởi vì ông ấy có nhiều ảnh hưởng đối với các nhà báo Mỹ". Khi tôi chìa đoạn trích từ kho tư liệu báo chí của Neil Sheehan này cho Phạm Xuân Ẩn xem, ông đã mỉm cười và nói: "David Halberstam nói đúng, bởi vì tôi gây ảnh hưởng đối với các nhà báo Mỹ bằng cách giúp họ hiểu Việt Nam. Nhiều người trong số họ đến đây khi còn là những phóng viên tự do rất trẻ, lúc nào cũng tìm kiếm tin để viết bài. Tôi không muốn họ bị hướng dẫn sai, vì có nhiều người khác đưa ra những thông tin không đúng. Tôi đã ở vị trí dạy cho các phóng viên Mỹ trẻ tuổi, vì tôi không thể để cho ai nghi ngờ tôi. Đó là lý do tại sao tôi không bao giờ dính líu vào việc đưa các thông tin thất thiệt. Chỉ có những người xấu mới làm như vậy. Tôi phải công bằng và khách quan, nếu không tôi sẽ bị chết. Đơn giản như vậy đó".
Câu hỏi về việc Phạm Xuân Ẩn một tình báo viên có đưa tin thất thiệt - tức là phát tán những thông tin giả nhằm đánh lạc hướng kẻ thù của đất nước mình - hay không, cho đến nay chưa được khẳng định, mặc dù đã từng có một số cuộc điều tra và buộc tội ông. Có lẽ vấn đề này vẫn còn nhạy cảm nếu không muốn nói đây là vấn đề trọng tâm liên quan đến vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn. Ông có đưa tin xuyên tạc về cuộc chiến tranh để có lợi cho Cộng sản hay không? Đã từng có người ở Mỹ buộc tội ông Phạm Xuân Ẩn như vậy. Tại cuộc điều trần của một tiểu ban thuộc Thượng nghị viện Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Jeremiah Denton, một cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, làm chủ toạ, ông Armaud de Borchgrave đã đưa ra những lời buộc tội Phạm Xuân Ẩn. Theo de Borchgrave, "Phạm Xuân Ẩn phụ trách việc chuyển tiếp thông tin sai lạc đến Đại sứ quán Mỹ và các đồng nghiệp nhà báo của ông".
Tuy nhiên, tất cả các đồng nghiệp từng làm việc sâu sát bên cạnh Phạm Xuân Ẩn đều nói rằng Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ cung cấp cho họ những thông tin sai lạc. Ông Roy Rowan, cựu Trưởng phân xã Tạp chí Time ở Sài Gòn, khăng khăng nói: "Vì uy tín của mình, Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ cung cấp các thông tin sai lạc cho các phóng viên về diễn biến của cuộc chiến tranh". Sau này, Tạp chí Time đã từng tiến hành thanh tra nội bộ, nhưng vẫn không tìm thấy bằng chứng nào về việc Phạm Xuân Ẩn đã viết những tin, bài xuyên tạc, bóp méo. Tôi đã phân tích một cách kỹ lưỡng những ghi chép chi tiết của Robert Shaplen trong các cuộc chuyện trò với Phạm Xuân Ẩn thì thấy không hề có chi tiết hoặc dấu hiệu nào chứng tỏ rằng ông Ẩn đã cố đưa ra những thông tin sai, hoặc thậm chí sự hiểu sai, để có thể bị coi là thân Việt Cộng. Cho đến những ngày cuối cùng của đời mình, Phạm Xuân Ẩn vẫn luôn khẳng định: "Làm báo là một nghề tôi thực hiện rất nghiêm chỉnh. Đó là lý do vì sao không ai có thể nghi ngờ tôi và đó cũng là lý do vì sao ngày nay tôi có rất nhiều bạn. Tất cả những điều tôi đã làm chẳng qua chỉ là vì nghề nghiệp của tôi, vì đất nước tôi. Những ai là người công bằng thì đều biết điều đó".
Mối quan hệ nghề nghiệp thân thiết nhất của Phạm Xuân Ẩn là với Bob Shaplen, phóng viên Viễn Đông của tờ New Yorker làm việc tại Hong Kong từ năm 1962-1978. Bob Shaplen có nhiệm vụ đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam và tình hình ở các nước khác tại châu Á. Khi đến Sài Gòn, Bob Shaplen đặt trụ sở của mình tại phòng số 407, Khách sạn Continental. Từ phòng làm việc của mình và đứng ở ban công, Bob Shaplen có thể nhìn thẳng sang Toà nhà Quốc hội; nhìn sang bên phía tay phải và ngang qua phố là tiệm cà phê Givral. Nhà nhân chủng học Gerald Hickey nhớ lại: "Khi Bob Shaplen đến Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn và tôi thường đến phòng của ông ta ở khách sạn Continental Palace, nơi có nhiều người khác nhau tụ họp. Họ là những nhà báo, trong đó có Jean-Claude Pomonti của tờ báo Le Monde, George McArthur của Los Angeles Times, Keyes Beech của Chicago Daily News và những tay lõi đời về Việt Nam như Lou Conein. Nhiều lần các quan chức Việt Nam, trong đó có tướng Trần Văn Đôn, cũng xuất hiện ở đấy.
Phạm Xuân Ẩn và trưởng phân xã Tạp chí Time Jon Larsen tại trại Chiêu Hồi. Chiêu hồi trong tiếng Việt có nghĩa là đầu hàng(1) (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn
(Chú thích của Nhà xuất bản: Chiêu hồi là chương trình trong chiến tranh xâm lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn (trước 1975) tiến hành bằng các biện pháp mua chuộc kết hợp thủ đoạn tâm lý chiến để lôi kéo cán bộ cách mạng và chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng đào ngũ về với họ)
Lou Conein dành khá ít thời gian với cả Phạm Xuân Ẩn và Shaplen. Ông luôn cho rằng Phạm Xuân Ẩn đã giúp cho Shaplen hình thành nên bài viết của mình. Lou Conein nhớ có lần ông dẫn Shaplen đến gặp Thượng toạ Phật giáo Trí Quang. Khi bài phỏng vấn của Shaplen xuất hiện trên tờ New Yorker, thì chẳng thấy giống như những lời mà Thượng toạ Trí Quang đã nói. Lou Conein nói với Shaplen về tính chính xác của bài viết: "Này Bob, ông ấy không nói như thế". Shaplen đáp: "Nhưng đó mới là ý ông ấy muốn nói Lou ạ. Đó mới thực sự là điều của ông ấy muốn nói". Lou Conein kết luận rằng sở dĩ có điều này là vì Shaplen đã tốc ký rất nhiều đoạn mà ông Trí Quang đã nói, sau đó, Shaplen đến gặp Phạm Xuân Ẩn và Vương ở tiệm cà phê Givral. Khi được Shaplen chìa cho xem bản tốc ký, hai người liền nói rằng ông ấy nói vậy, nhưng nghĩa thực sự của câu nói đó là thế này… ý của ông ấy là thế này… Vậy là Bob Shaplen cứ thế viết theo ý của họ".
Lou Conein tin rằng kiểu gây ảnh hưởng như vậy cũng tác động đến sự phân tích của Shaplen về tình hình chính trị nội bộ ở miền Nam Việt Nam và những ý nghĩa của nó. Sau khi đọc những bài phân tích của Bob Shaplen trên báo New Yorker, Lou Conein nói với Shaplen: "Bob này, mình có các nguồn tin riêng và họ nói rằng sự việc diễn ra không như vậy". Theo các ghi chép của Neil Sheehan, "Shaplen luôn luôn bảo với Conein rằng Conein nói không đúng vì Phạm Xuân Ẩn Và Vương đã nói như các nhà chức trách rồi".
Cả Lou Conein và Neil Sheehan đều cho rằng Phạm Xuân Ẩn là "một điệp viên hoàn hảo làm việc cho Việt Cộng, bởi vì ngoài một số chuyện khác thì Phạm Xuân Ẩn biết tất cả những gì mà Shaplen thu thập được từ nguồn Đại sứ quán Mỹ và chi nhánh CIA ở Sài Gòn. Thậm chí, Phạm Xuân Ẩn biết được cả những điều như phía Mỹ có ý định sẽ làm gì và người Mỹ đã xử lý tình huống đó như thế nào, ít nhất là khi các thông tin như vậy được chuyển tiếp đến Shaplen. Phạm Xuân Ẩn đã có một vỏ bọc hoàn hảo là trợ lý chính của Shaplen mỗi khi đến Sài Gòn và nhiều năm sau còn trở thành phóng viên người Việt Nam của Tạp chí Time nữa".
Đánh giá về Phạm Xuân Ẩn với tư cách là một nhà báo có lẽ được thể hiện rõ nhất trong đoạn mà nhà báo Neil Sheehan viết trong cuốn sách của ông với tựa đề "Sự nói dối hào nhoáng". Sheehan kể về lần ông đáp máy bay trực thăng của lính thuỷ đánh bộ bay tới một vùng căn cứ Việt Cộng ở Đồng Tháp Mười. Nhìn thấy có hoạt động của đối phương ở dưới đất, nên người lính giữ hoả lực ngồi bên cửa nổ súng. Lúc đó Sheehan nhìn thấy khoảng một chục người chạy xuyên qua bãi cỏ dại cao lút đầu. Những người này mặc giống như những du kích Việt Minh ngày trước mà Sheehan từng được thấy trong các bức ảnh chụp từ hồi chiến tranh của Pháp. Đồng phục màu xanh lá cây mũ tai bèo, mang vũ khí và một chiếc ba lô nhỏ đeo sau lưng. Nhưng những người đó không phải là Việt Minh, mà là lính chính qui Việt Cộng thuộc một tiểu đoàn quân chủ lực. Tuy nhiên, khi một đại uý Quân đội Việt Nam Cộng hoà vào trong làng để hỏi người dân ở đó về khoảng chục người du kích đã chạy biến đi đâu rồi, người ta cứ nói đi nói lại là từ Việt Minh. Neil Sheehan quay sang hỏi một phóng viên người Việt Nam làm việc cho một trong những hãng thông tấn nước ngoài đi cùng: "Tại sao viên đại uý cứ gọi những du kích là Việt Minh? Tôi cứ nghĩ rằng chúng ta đang đuổi theo Việt Cộng chứ?" Nguồn tin không nói rõ tên (sau này tôi xác định được đó chính là Phạm Xuân Ẩn) đã giải thích rằng "Người Mỹ và người của chính phủ ở Sài Gòn gọi họ là Việt cộng, nhưng ở đây mọi người vẫn gọi họ là Việt Minh. Sheehan hỏi tại sao thì được người phóng viên Việt Nam nói: "Vì nhìn họ giống Việt Minh, họ hành động giống Việt Minh, và vì thế mà những người ở đây gọi họ là Việt Minh".
Phạm Xuân Ẩn thôi làm việc cho Reuters từ năm 1964, sau khi có chuyện bất bình với Nick Turner. Phóng viên Nick Turner viết: "Cuối cùng, khi vai trò dưới vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn được phơi bày, thì nhiều người trong số các đồng nghiệp của tôi ngạc nhiên và đã viết rất nhiều về điều đó, nhưng tôi không hề ngạc nhiên. Tôi luôn có nhiều nghi ngờ và đã từng bảo với Phạm Xuân Ẩn như vậy. Nhưng tôi cũng nói tôi không quan tâm điều đó chừng nào Phạm Xuân Ẩn hoàn thành công việc của ông với Reuters. Tuy nhiên, tôi đã thận trọng không chia sẻ các thông tin nhạy cảm với ông ấy và rõ ràng là Phạm Xuân Ẩn đã nhận thấy điều này và cuối cùng thì ông ấy chuyển sang làm việc cho Văn phòng Tạp chí Time".
Sau này, khi tôi bảo Turner làm rõ quan điểm của ông, thì Nick Turner viết: "Tôi chưa bao giờ ám chỉ cho Phạm Xuân Ẩn hiểu rằng tôi tin ông ấy là một sĩ quan tình báo Việt Cộng, chứ nói gì đến chuyện biết ông ấy là một sĩ quan tình báo cao cấp. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ nghi ngờ ông ấy về điều đó. Tuy nhiên, sự cảm tình của Phạm Xuân Ẩn với Việt Cộng thì khá rõ, và đó là vấn đề mà tôi đã thảo luận với ông ấy, chứ không dặt thành vấn đề về chuyện đó. Đối với tôi, đó là điều tất nhiên và không nên chỉ trích đối với những loại người như Phạm Xuân Ẩn vì bề ngoài có thể hoá trang hoặc có vẻ triết lý, nhưng lại có cảm tình với Việt Cộng. Tôi đánh giá cao những lần được chuyện trò với Phạm Xuân Ẩn vì ông ấy giúp tôi hiểu được sự phức tạp của cái điều mà người ta vẫn gọi là chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Tôi nghi ngờ là vì sự cảm tình của Phạm Xuân Ẩn đối với Việt Cộng khá rõ, nên rất có thể ông ấy cung cấp các thông tin cho Việt Cộng, nhưng chỉ ở mức độ thấp, thông qua một điệp viên hoặc một hệ thống khác. Ngoài ra, cũng còn những lý do khác khiến tôi tin rằng điều này là rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại rằng tôi không hề nghi ngờ gì về việc chính Phạm Xuân Ẩn là một phần quan trọng trong hoạt động tình bảo của họ".
Phạm Xuân Ẩn có cách giải thích khác về lý do tại sao ông không tiếp tục làm việc cho Reuters. Mở đầu câu chuyện này, Phạm Xuân Ẩn nói: "Nick Turner chưa bao giờ nói với tôi một lời nào về việc nghi ngờ tôi là Việt Cộng. Tôi không cần ông ấy phải chia sẻ những thông tin nhạy cảm với tôi, bởi vì tôi có những nguồn tin còn tốt hơn ông ấy nhiều, tôi có thể cam đoan với giáo sư như vậy. Tôi rất lấy làm tiếc khi đọc được những điều mà ngày nay Nick Turner nói ra, bởi vì ông ấy biết rõ tôi đã bảo vệ ông ấy và Reuters để không bị rơi vào tình trạng cực kỳ bối rối. Ngày ấy, tôi là nguồn tin chính của ông ấy về tất cả mọi thứ. Nick Turner biết rất rõ điều này. Tôi rất tiếc phải nói rằng điều ông ấy nói là sai".
Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng ông bỏ Reuters đúng vào ngày ông vừa đi lấy tin về vụ đảo chính hồi tháng 8/1964. Trong cuộc đảo chính này, thiếu tướng Nguyễn Khánh lật đổ thiếu tướng Dương Văn Minh để lên làm Quốc trưởng ở Nam Việt Nam. Nick Turner cần có thông tin này để viết bài, nhưng sự kiện tại phủ Tổng thống đã khiến Phạm Xuân Ẩn chậm trễ vài giờ. Khi vừa nhìn thấy Phạm Xuân Ẩn, Nick Turner quát: "Ẩn, mày vừa ở chỗ quái nào về thế, tao đang chờ mày đấy". Phạm Xuân Ẩn đáp lại: "Tôi vừa đi lấy tin về vụ đảo chính ở phủ Tổng thống".
Phạm Xuân Ẩn kể rằng khi cuộc lời qua tiếng lại giữa ông và Nick Turner trở nên nóng hơn, Turner yêu cầu ông phải chuyển con chim nhỏ "hót véo von" ông vẫn để trên bàn làm việc đi chỗ khác. "Tôi đã nói với ông ta rằng nếu chuyển con chim đó đi, thì tôi cũng đi luôn. Và ngay lúc đó, tôi đi thật. Thực sự tôi rất điên tiết nên ném các đồ bừa bãi trên bàn. Tôi xếp đồ đạc rồi đi thẳng không bao giờ trở lại với Reuters nữa. Nick Turner đã mất một nguồn tin quí giá và ông ta biết rõ điều đó", Phạm Xuân Ẩn nói.
Còn đây là giải thích của Nick Turner: "Liên quan đến việc Phạm Xuân Ẩn thôi làm việc ở Reuters, thực tế là thế này: Không phải ông Ẩn chỉ đi vắng vài giờ, mà là từ hai đến ba ngày và tôi biết rõ ông ấy không ra khỏi Sài Gòn. Khi ông ấy xuất hiện trở lại ở cơ quan có thể tôi đã nói một cách bỗ bã "Ẩn, mày vừa từ chỗ quái nào về thế?" Phạm Xuân Ẩn trả lời rằng ông ấy đang làm việc với cô Beverley Deepe về một số việc lớn. Nghe vậy, tôi liền chỉ ra cho ông ấy biết rằng ông được trả lương để làm việc cho Reuters. Phạm Xuân Ẩn đáp lại trả như thế chưa đủ. Phạm Xuân Ẩn nói như vậy là đúng. Tôi đã từng đề nghị Reuters nâng lương cho Phạm Xuân Ẩn vì những trợ lý người Việt Nam giỏi đang có nhu cầu rất nóng từ phía các phóng viên nước ngoài. Nhưng đề nghị của tôi đã bị từ chối. Tôi đành an ủi ông ấy bằng cách để cho các phóng viên đến thăm ngắn ngày ghé qua Văn phòng Reuters khai thác chất xám của ông ấy (về việc này tôi không hề phản đối), và một số trong các phóng viên này đã trả thù lao cho ông ấy theo nhiều cách khác nhau… Phạm Xuân Ẩn đã không chịu được lời khiển trách của tôi, nên ông ấy đóng gói đồ đạc rồi ra đi".
Sau khi thôi làm việc ở Reuters, Phạm Xuân Ẩn rơi vào tình trạng thất nghiệp không lâu. Lúc đầu, ông làm việc ít nhiều cho Beverly Deepe của tờ New York Herald Tribune. Phạm Xuân Ẩn đã gặp Deepe từ tháng 2/1962, ngay từ khi Deepe mới đến Sài Gòn với tư cách một phóng viên tự do, hai mươi lăm tuổi, luôn săn tìm thông tin để viết bài. Phóng viên ảnh Francois Sully vừa bị chính quyền Ngô Đình Diệm trục xuất vì bị qui cho là có quan điểm thân Việt cộng, nên Beverly Deepe được thay thế Francois Sully làm cộng tác viên cho tờ Tạp chí Mỹ Newsweek.
Sau này, bà Beverly Deepe viết: "Tôi đến Nam Việt Nam năm 1962, đúng 5 năm sau khi tốt nghiệp ngành báo chí và khoa học chính trị Trường đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Mặc dù luôn mơ ước được làm một phóng viên thường trú ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn rất ngạc nhiên khi chỉ trong một thời gian ngắn mà tôi trở thành một phóng viên như vậy, tại một nơi rất xa xôi mà đối với hầu hết người Mỹ, trong đó có tôi, chưa bao giờ được nghe tên. Không một cuốn giáo trình nào ở Mỹ, cho dù là giáo trình báo chí, lịch sử, khoa học chính trị, hay các vấn đề quân sự từng được viết dạy cho người ta cách đưa tin về cuộc chiến tranh như chiến tranh Việt Nam".
Phạm Xuân Ẩn thường nói với tôi rằng ông rất tự hào là đã góp phần giúp đỡ Beverly Deepe trở thành một phóng viên tốt hơn như thế nào. Hai người thoả thuận với nhau rằng Deepe giúp Ẩn về những câu ngữ pháp tiếng Anh, đổi lại Phạm Xuân Ẩn dạy cho Deepe cách mà ông vẫn "xào" các tin bài cho Reuters. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi bày cho Deepe cách sử dụng các bức điện và những thông tin khác, tất cả ném vào khuấy đảo lên trong vòng một giờ đồng hồ là cho ra một bài về sự kiện nổi nhất trong ngày".
Phạm Xuân Ẩn với các đồng nghiệp ở Văn phòng Tạp chí Time (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn, cùng sự cho phép của Lê Minh và Ted Thái)
Được sinh ra dưới Sao nữ thần Virgo chiếu mệnh, Phạm Xuân Ẩn cảm thấy mình có trách nhiệm bảo vệ cho Deepe. Phạm Xuân Ẩn nói: "Cô ấy rất trẻ, rất bạo dạn, rất mạo hiểm, nên nhiều rủi ro". Phạm Xuân Ẩn dẫn ra một ví dụ, khi đoàn Phật tử biểu tình trước toà nhà Đại sứ quán Mỹ. Lực lượng chống bạo động Nam Việt Nam đã ra lệnh cho tất cả mọi người phải giải tán. Nhưng Deepe cứ nhất định trèo lên bằng được tường hàng rào điện để chụp ảnh và để xem điều gì đang diễn ra. Phạm Xuân Ẩn phải đến gặp Đại tá Bùi đang chỉ huy lực lượng chống bạo động hôm đó. Đại tá Bùi là một trong sáu chỉ huy lực lượng bộ binh nhẹ mà ông đã quen biết từ nhiều năm trước. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi hỏi Đại tá Bùi để biết trước kế hoạch sẽ đàn áp những người biểu tình như thế nào, để tôi có thể lôi "sếp" của mình ra khỏi nơi nguy hiểm".
Deepe là phóng viên đưa tin thô bạo về cuộc chiến tranh, nên chẳng bao lâu, cô bị Đại sứ Mỹ Maxwell Taylor đích thân ra lệnh cấm cô tham dự các buổi thông báo tin tức chính thức của Đại sứ quán Mỹ. Bà Beverly Deepe nhớ lại: "Đại sứ quán Mỹ không thích tôi là vì tôi không nói những điều họ muốn. Họ buộc tội cho tôi là đưa những thông tin có lợi cho Việt Nam. Thực tế là tôi lắng nghe Đại sứ quán Mỹ nói, sau đó ra ngoài tự tìm thông tin kiểm chứng".
Ngày 8/1/1965, Tạp chí Time đăng một bài của Deepe phỏng vấn độc quyền với tướng Nguyễn Khánh. Bài báo kết luận, bằng sự quan sát mà phóng viên Deepe "đã phát triển các thông tin thu được từ các nguồn tin và quan hệ tiếp xúc, hầu hết là không cần đến thông tin của Đại sứ quán Mỹ cung cấp, thậm chí độc lập với cả các thông tin đồn đại trong các câu lạc bộ hay trong đội quân báo chí ở Sài Gòn. Chỉ có điều phóng viên Deepe không biết đó là cô chỉ có thể lấy thông tin từ hai trợ lý người Việt Nam của mình. Cả hai trợ lý này đều khôn ngoan, có khả năng phân tích đúng trong mớ bùng nhùng về chính trị của đất nước họ". Hai người trợ lý gồm Phạm Xuân Ẩn và Nguyễn Hùng Vương chính là hai người mà Lou Conein đã từng nói tới trước đây. Phạm Xuân Ẩn nói: "Deepe học được rất nhiều từ Vương và tôi. Không giống những người Mỹ khác, cô ấy sẵn sàng mở lòng ra để học về lịch sử và con người Việt Nam, do vậy mà cô ấy hiểu được cuộc chiến tranh".
Beverly Deepe là một trong số rất ít người bạn cũ của Phạm Xuân Ẩn cảm thấy mình bị phản bội sau khi biết ông là một nhà tình báo của Cộng sản. Deepe cho rằng Phạm Xuân Ẩn đã lừa dối mình. Bà đã cắt đứt mọi liên hệ với Phạm Xuân Ẩn và gia đình ông, gây ra cho gia đình ông biết bao khó khăn khi bị từ chối cung cấp tiền trợ giúp y tế cho các con ông. Ngoài ra, bà Deepe còn cắt việc cung cấp chỗ ở cho gia đình ông Phạm Xuân Ẩn tại nhà riêng của bà ở bang Virginia, sau khi gia đình ông chạy di tản khỏi Sài Gòn năm 1975. Phạm Xuân Ẩn nói: "Deepe là một thành viên ruột thịt của gia đình tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi được tổ chức lễ sinh nhật là do sáng kiến của Beverly Deepe và Charles Keever (người chồng sau này của bà). Tôi rất xúc động vì lòng tốt của họ". Trong suốt quá trình làm việc của tôi với Phạm Xuân Ẩn, ông thường hỏi liệu tôi có may mắn nào gặp được Deepe hay không? Tôi nói thật với ông rằng tôi đã liên hệ được với Deepe qua một địa chỉ email của bà tại khoa Thông tin đại chúng Trường đại học Hawaii. Bà Beverly Deepe đang giảng dạy ở đó.
Trong cuộc trao đổi qua email, bà Deepe không hề nói gì đến Phạm Xuân Ẩn. "Tôi rất yêu quí Deepe, các con tôi và cả vợ tôi vẫn còn rất yêu quí bà ấy. Tôi vẫn cứ hy vọng một ngày nào đó, trước khi tôi chết, chúng tôi tha thứ được cho nhau và sống hoà hợp được với nhau giống như đất nước tôi đã làm". Phạm Xuân Ẩn đã nói như vậy, tôi cảm nhận được rõ ràng một nỗi buồn vô hạn trong ánh mắt của ông.
Phạm Xuân Ẩn được nhà báo Bob Shaplen giới thiệu với Frank McCulloch của Tạp chí Time. McCulloch từng là một lính thuỷ đánh bộ, đưa tin về tất cả những trận đánh lớn từ năm 1964 đến 1965, dành hầu hết thời gian của ông để đi theo Lữ đoàn 9 Thuỷ quân lục chiến. Sau này, ông được tặng một bằng xác nhận ông là thành viên danh dự của Lữ đoàn. Thời kỳ đầu năm 1964, số lượng nhân viên của Tạp chí Time-Life ở Sài Gòn còn nhỏ bé giống như qui mô của cuộc chiến tranh. John Shaw là một cộng tác viên thường trú tại Sài Gòn, thường làm việc với McCulloch bên ngoài căn hộ của anh ở trên phố Công Lý, cũng như tại phòng của McCulloch ở khách sạn Caravelle. Khi đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ mới có khoảng 16.000 quân. Chẳng bao lâu sau, phân xã Tạp chí Time được bổ sung Jim Wilde nên chuyển đến phòng số 6 Khách sạn Continental. Năm 1964, phân xã Sài Gòn tuyển nhân viên Việt Nam đầu tiên làm việc toàn thời gian là Nguyễn Thuỳ Đăng trong cương vị chánh văn phòng. Khi chiến tranh ngày càng lan rộng, Frank bảo Đăng đi tìm kiếm trụ sở mới để làm văn phòng. Sau đó, họ chuyển đến nhà số 7 phố Hàn Thuyên, chỉ cách khách sạn Continental bốn khối nhà về phía tây, ngay cạnh Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố. Đến khi McCulloch rời Sài Gòn, thì phân xã Tạp chí Time -life đã có một biệt thự riêng, chưa kể năm phòng ở tại khách sạn Continental và sáu phòng khác làm văn phòng cho Tạp chí Life.
Đã xem 301009 lần.

Đánh máy: Mõ Hà Nội (Nguyễn học)
Nguồn: Vnthuquan-thuvienonline
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 17 tháng 10 năm 2007


© 2006 - 2024 eTruyen.com