Dịch giả: Nguyễn Đại Phượng
Chương 7
Dưới bóng người cha

Nghề báo sôi động và của quí của ba đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Tôi dự định học nghề báo, tập trung vào các môn kinh tế học, mậu dịch quốc tế, tiếp thị và các nước đang phát triển.
Phạm Xuân Hoàng Ân, trích lý lịch, 1990
Lúc đầu, gia đình Phạm Xuân Ẩn bay sang Guam, rồi ở đó một tuần để chờ xem ông Ẩn có sang cùng với gia đình không. Phạm Xuân Ẩn vẫn giữ liên lạc với vợ ông, bà Thu Nhàn, qua máy telex của Văn phòng Tạp chí Time. Cuối cùng, ông khuyên vợ chấp nhận lời mời và sự giúp đỡ của Tạp chí Time, chuyển gia đình sang Hoa Kỳ. Gia đình Phạm Xuân Ẩn đáp máy bay đi Fort Pendleton, California, để làm các thủ tục giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên họ không có thời gian để nghĩ tới việc gia đình chỉ ở cách khu học xá Trường Orange Coast ở Costa Mesa hơn 85 km. Do đã được Tạp chí Time bảo lãnh, nên thủ tục được thông qua nhanh chóng. Gia đình ông Phạm Xuân Ẩn được nhận thẻ an sinh xã hội, và các giấy tờ khác. Sau đó, vợ con ông được chở bằng xe hơi đến Los Angeles, ở tạm tại một khách sạn nhỏ ven đường cùng với một nhân viên người Việt Nam khác của Tạp chí Time.
Bà Thu Nhàn nhớ lại: "Tôi không cảm thấy thoải mái khi ở Los Angeles. Thành phố quá lớn đối với tôi. Do vậy mà tôi đã nói với Tạp chí Time rằng liệu chúng tôi có thể đi Virginia hay không?"
David De Voss của Tạp chí Time đã đi cùng gia đình Phạm Xuân Ẩn trên một chuyến bay và sau đó, họ đến Arlington, bang Virginia. Lúc đầu gia đình ở tạm trong căn hộ của Beverly Deepe trong ba tháng cho đến khi bà Thu Nhàn thuê được nhà. Tạp chí Time đài thọ mọi chi phí liên quan đến việc di chuyển chỗ ở, ngoài ra mỗi tháng còn trả 700 USD tiền lương cho bà Thu Nhàn. Các cháu tuổi mười hai, mười một, mười, và tám tuổi đều được bố trí vào học tại Trường tiểu học Patrick Henry. Bà Thu Nhàn đã nói được một chút tiếng Anh cơ bản, nên mỗi buổi sáng, bà đi cùng lũ trẻ đến trường rồi ở đó luôn để giúp các cháu, vì bọn trẻ chưa nói được tiếng Anh. Bà Thu Nhàn cũng dự một lớp học tiếng Anh nâng cao, và cả gia đình bắt đầu điều chỉnh cho một cuộc sống mới ở Mỹ. Do có rất nhiều người từ miền Nam Việt Nam chạy di tản sang sống ở Washington D.C, và khu vực trung tâm Virginia, nên không bao giờ thiếu những người bạn có những cử chỉ giúp đỡ xúc động đối với mẹ con bà Thu Nhàn khi chồng bà vắng nhà.
Bà Germaine Lộc Swanson nhớ lại: "Bà Thu Nhàn đau ốm luôn và lúc nào cũng lo cho chồng mình. Bà không biết chuyện gì đã xảy ra đối với ông Phạm Xuân Ẩn. Bà Thu Nhàn cảm nhận rằng, rất có thể bà sẽ chẳng bao giờ được gặp lại chồng mình. Trong 18 năm qua, bà đã quen với những cảm giác như vậy. Lần này thì khác ở chỗ, vợ chồng bà đang ở cách xa nhau đến nửa vòng trái đất, ở phía bên kia của thế giới. Mặt khác, ông Phạm Xuân Ẩn có thể bị các lực lượng Quân Giải phóng giết vì cho là có cộng tác với CIA. Còn có điều đáng sợ nữa là sau khi chiến tranh đã kết thúc, các hoạt động tình báo bí mật của chồng bà được công khai, trong khi bà và các con đang sống ở bên Mỹ. Sự an toàn của mẹ con bà có thể bị quấy rầy bởi cộng đồng những người di tản chống Cộng đến tận xương tuỷ. Bà cũng không biết Hà Nội có ra lệnh cho ông Phạm Xuân Ẩn tiếp tục nghề tình báo ở Mỹ hay không. Tương lai chẳng rõ ràng gì.
Phạm Ân nhớ lại: "Má chẳng bao giờ cho chúng cháu biết rằng má đang lo như thế nào. Chúng cháu hoà nhập với cuộc sống mới rất dễ dàng. Chúng cháu dễ dàng kết thân với những bạn mới. Cháu nhớ hôm đầu tiên chúng cháu đến ở tại căn hộ của cô Deepe. Cháu nhìn qua cửa sổ thấy bọn trẻ con đang chơi dưới sân. Tụi nó giơ tay vẫy cháu và cháu cũng vẫy lại. Tụi nó cùng đi học tại một trường với cháu, và thế là chúng cháu trở thành bạn bè. Cháu học nói tiếng Anh. Thậm chí cháu còn có cả bạn gái nữa. Cháu vẫn còn nhớ tên cô bé ấy là Robin. Cha của cô bé ấy là một cựu binh Việt Nam. Khi cháu phải về nước, cả cô bé ấy và cháu cùng khóc".
Trở lại Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn cũng buồn và sợ hãi. Sau vài ngày ở khách sạn Continental, Phạm Xuân Ẩn và mẹ về sống ở nhà. Nhưng Phạm Xuân Ẩn vẫn sợ cái điều mà ông đã từng mô tả cho tôi nghe đại loại như là: "Khoảng hai giờ sáng, người ta đến gõ cửa nhà tôi rồi bắt tôi đi thủ tiêu, không ai còn được nghe gì về tôi nữa. Cảm giác lo sợ này giống hệt như ngày tôi từ Mỹ trở về Sài Gòn năm 1959. Đây là thời điểm rất nguy hiểm đối với tôi, bởi vì người ta chỉ biết tôi là một phóng viên Sài Gòn làm việc cho Mỹ". Phạm Xuân Ẩn cho rằng, sẽ là không công bằng khi đất nước thì được thống nhất, còn gia đình ông thì bị ly tán.
Phạm Xuân Ẩn phải ra trình diện trước các nhà chức trách địa phương. Ông điền vào tờ khai nghề nghiệp là nhà báo, làm việc cho Tạp chí Time. Trước đó vài tháng, trong một lá thư gửi cho Edward Lansdale và vợ mình là Pat, Bob Shaplen nói: "Hầu hết những người bạn cũ của chúng ta đều chán nản, thất vọng, Nguyễn Hùng Vương, Phạm Xuân Ẩn, v.v… tinh thần của những người Mỹ còn ở lại như Jake và Mark Huss rất thấp. Tất cả họ đang cố cầm cự càng lâu càng tốt, với lại họ còn biết làm gì được nữa? Còn đối với những người Việt như Nguyễn Hùng Vương, Phạm Xuân Ẩn, họ vẫn giữ vững tinh thần không nao núng, nhưng không vui vì những vết nhơ từng làm việc cho chúng ta khiến họ phải đau đớn về mặt nghề nghiệp".
Phóng viên người Australia Neil Davis và nhà báo Y Tiziano Terzani là hai trong số ít phóng viên nước ngoài còn ở lại Sài Gòn. Thỉnh thoảng, họ lại ghé qua văn phòng Tạp chí Time để trao đổi với Phạm Xuân Ẩn và hỏi quan điểm của ông về thời kỳ quá độ này.
Davis cũng giữ quan hệ thân thiết với Shaplen, cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình và giúp chuyển những thông tin từ phía Phạm Xuân Ẩn cho Shaplen. Những bài viết của Davis đặt một chút nghi ngờ rằng, sau khi được giải phóng Sài Gòn là một nơi nguy hiểm. "Tôi bị bộ đội (lính Bắc Việt Nam) bất ngờ từ trong bụi cây hay đang nấp, hay sau gốc cây nhảy ra chặn lại hỏi giấy tờ tuỳ thân". Tất cả mọi người bất kể là người nước ngoài hay người Việt Nam, đều phải trình diện chính thức ngay từ đầu với các nhà chức trách mới. Hoặc nguy hiểm hơn nữa là có thể bị những thanh niên mặt mày hớn hở thuộc các đội tự vệ mới chặn lại. Những người này gây phiền hà giống hệt như quân tự vệ trước đây của chính phủ cũ. Việc đăng ký trình diện, ít nhất là tại Sài Gòn, có vẻ như sắp hoàn thành. Cho đến nay thì trình diện là một trong số ít việc làm chứng tỏ quyền lực của chính quyền mới. Tất cả mọi người Việt Nam, từ cựu sĩ quan, binh lính, viên chức chính quyền cũ, nhân viên làm việc cho Mỹ cho đến những người được mô tả kỳ cục như là "nhân viên mật vụ', đều phải khai báo rõ nơi ở, nơi làm việc,… để xác định danh tính".
Phạm Xuân Ẩn đứng trước Tòa thị chính Thành phố trước khi quân đội Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn, 1975 (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn, với sự cho phép của Lê Minh và Ted Thái)
Đầu tháng 5, Đại tướng thắng trận Võ Nguyên Giáp đã bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, đến Dinh Độc lập để dự một cuộc họp với tướng Trần Văn Trà, Chỉ huy các lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Tướng Trần Văn Trà vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban quân quản Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó nhiều năm, cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lẫn tướng Trần Văn Trà đều nhận thông tin từ những báo cáo tình báo của Phạm Xuân Ẩn. Thế mà giờ đây vài tuần sau giải phóng, trùm điệp viên - người đã đóng góp rất nhiều vào chiến thắng của Hà Nội - ở cách Dinh Độc lập chỉ vài toà nhà, đang phải lo lắng cho sự an toàn của chính mình dưới chế độ mới.
Giờ đây, Phạm Xuân Ẩn thực sự theo nghĩa đen là người của Tạp chí Time ở thành phố Hồ Chí Minh, giữ mối liên hệ với các đồng nghiệp cũ và đang đóng góp bài vở cho số báo sau 30/4 của Tạp chí Time. Phạm Xuân Ẩn gửi bằng telex bức điện tới New York: "Tất cả các phóng viên Mỹ đã di tản vì tình trạng khẩn cấp. Văn phòng Tạp chí Time hiện nay do Phạm Xuân Ẩn điều hành". Ban quảng cáo của Tạp chí Time đăng tấm ảnh Phạm Xuân Ẩn đang đứng trên một đường phố không người, hút thuốc lá và trông có vẻ thích gây gổ.
Mỗi buổi sáng, Phạm Xuân Ẩn đến Văn phòng Tạp chí Time làm việc. Tại đây "các lực lượng giải phóng" đã cử một người đến giám sát, kiểm duyệt Phạm Xuân Ẩn. "Tất cả chỉ có một mình tôi, trừ người giám sát, ông ta không phải là người khó tính, nhưng là một người kiểm duyệt khắt khe. Sau vài tuần, chẳng có tin bài nào được gửi đi", Phạm Xuân Ẩn nói với tôi như vậy.
Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn cũng có lợi là được sử dụng thiết bị telex của Tạp chí Time để gửi các bức điện cho vợ ông, bà Thu Nhàn, thông qua trụ sở chính của Tạp chí Time ở New York. "Tôi chỉ có thể gửi được những bức điện nói rằng cho đến lúc này tôi vẫn OK. Chứ thực sự, tôi không thể nói được điều gì khác vì sẽ có nhiều người đọc bức điện đó của tôi", Phạm Xuân Ẩn nói.
Bài báo cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn phát đi được đăng trên Tạp chí Time số ra ngày 12/5 mang tựa đề "Cuộc chia tay cuối cùng nghiệt ngã". Dưới đây là một đoạn trích từ bài báo đó: "Hình ảnh cuối cùng về cuộc chiến tranh: Những người lính thuỷ đánh bộ Mỹ dùng báng súng giáng xuống những ngón tay của nhiều người Việt Nam đang cố bám tường tìm cách vào được bên trong khuôn viên toà Đại sứ Mỹ để chạy trốn khỏi đất nước họ. Một không khí lộn xộn, bừa bãi chẳng khác nào cảnh mô tả trong kinh khải huyền - một số kẻ cướp ngày lái những chiếc xe hơi của sứ quán bỏ lại chạy như điên quanh thành phố cho đến khi hết sạch xăng; một số kẻ khác vào lục soát Siêu thị PX Tân cảng Sài Gòn vốn được coi là giấc mơ, rập khuôn như vùng ngoại ô của Mỹ. Một người phụ nữ đội hai thùng rượu anh đào và một thùng kẹo cao su Wrigley Spearmint. Ngoài khơi, những chiếc máy bay trực thăng trị giá hàng triệu đô la bị lật nhào khỏi boong tàu cứu hộ Mỹ một cách lãng phí, chẳng khác nào việc ném đi những lon bia, để lấy chỗ cho những chiếc máy bay trực thăng khác sắp đến.
Cuối cùng, Việt Cộng và những người Bắc Việt Nam đổ vào Sài Gòn, kéo cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và bắt giữ Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Đối với nhiều người Mỹ, điều đó giống như một cái chết đã được chờ đợi từ lâu, nhưng đến khi xảy ra thì người ta vẫn cảm thấy bị sốc.
Một cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ đã kết thúc bằng một cuộc di tản hiệu quả, nhưng nhục nhã. Đó là sự kết thúc giống như một cơn ác mộng, không, có thể còn tồi tệ hơn cả cơn ác mộng; chỉ có rất ít lính Việt Nam Cộng hoà nổ súng vào những người Mỹ đang di tản, nhưng chẳng trúng phát nào. Ít nhất thì người Mỹ cũng đã gây ra cảnh tượng khủng khiếp cuối cùng về người của mình đánh những người bạn và đồng minh của Mỹ đang chen lấn nhau di tản. Mặc dù trên thực tế, người Mỹ đã tìm cách đưa khoảng 120.000 người Việt Nam tị nạn ra đi với họ.
Có lẽ đúng hơn phải nói rằng, cuộc chia tay lần này của Mỹ đối với miền Nam Việt Nam là một hành động duy nhất không ảo tưởng trong suốt những năm chiến tranh…
Những người cầm quyền mới ở miền Nam Việt Nam tuyên bố rằng họ sẽ "quyết tâm thực hiện một chính sách hoà bình, độc lập, trung lập, và không liên kết".
Đối với những người miền Nam Việt Nam từng cộng tác và làm việc với người Mỹ, cuộc sống chẳng bao lâu sau đã trở nên khó khăn và tàn nhẫn. Một số người như tướng Phạm Văn Phú chỉ huy Quân đoàn II người từng ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên, đã chọn cách tự sát bằng thuốc độc còn hơn là đầu hàng Cộng sản. Đối với hầu hết các cựu quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn còn ở lại, thì chả biết làm gì ngoài chờ đợi chỉ thị của chế độ mới. Đây cũng là thời gian đặc biệt bối rối đối với ông Phạm Xuân Ẩn cùng với rất nhiều bạn bè bởi tương lai không mấy sáng sủa. "Nhiệm vụ tình báo của tôi về mặt kỹ thuật đã hoàn thành, đất nước tôi đã được thống nhất và người Mỹ đã phải rút về nước. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thể nói được với mọi người về sự thật. Tôi vẫn không được hạnh phúc vì đang phải sống trong cô đơn và sợ hãi. Vợ con tôi vẫn đang ở Mỹ. Tôi không biết liệu mình có được gặp lại vợ con lần nữa hay không? Tôi còn có nhiều bạn bè, họ cũng không thể đi được và tôi cũng không biết điều gì đang xảy ra đối với họ nữa. Có rất nhiều điều chưa rõ".
Một trong số những người đang chờ đợi xem số phận của mình ra sao chính là Nguyễn Xuân Phong, một người bạn của Phạm Xuân Ẩn. Nguyễn Xuân Phong làm việc trong Nội các của Chính quyền Sài Gòn, từng giữ chức Bộ trưởng phụ trách đàm phán ở Paris. Nguyễn Xuân Phong trở về Sài Gòn ngày 25 tháng 4 để sống với cha mẹ già của mình. Cũng giống như Phạm Xuân Ẩn, ông Phong không thể bỏ rơi cha mẹ mình. Nguyễn Xuân Phong từng khước từ lời mời đi di tản của Đại sứ Mỹ Graham Martin. Giờ đây, ông Phong chẳng biết làm gì ngoài chờ đợi. Nguyễn Xuân Phong ngoan ngoãn chấp hành việc ra trình diện với nhà chức trách, mà chẳng biết rằng trình diện xong thì ông sẽ bị tử hình, tù chung thân, hay gì gì đi nữa. "Tôi nghĩ nếu ngồi tù 5 hoặc 10 thì còn có thể chịu đựng được, chứ 20 thì tôi không dám nghĩ tới", Nguyễn Xuân Phong nói.
Tướng Trần Văn Trà đã ra một mệnh lệnh rằng tất cả các quan chức của chế độ cũ từ cấp đứng đầu ngành, các sĩ quan thuộc các lực lượng vũ trang từ cấp trung tá trở lên phải ra trình diện để đi học tập cải tạo tập trung 30 ngày, từ tháng 5 đến hết tháng 6. Các viên chức và sĩ quan quân đội còn lại sẽ học tập cải tạo thời gian 7 ngày tại địa phương nơi họ cư trú. Cứ mỗi ngày trôi qua, bạn bè của Phạm Xuân Ẩn lại biến mất dần để đi học tập. Sau khi đã kết thúc 30 ngày, Nguyễn Xuân Phong và bao người khác vẫn chưa được trở về nhà mặc dù lệnh của tướng Trần Văn Trà là chỉ tập trung học tập thời gian 30 ngày. Sở dĩ có thay đổi này vì một số cán bộ từ Hà Nội mới vào miền Nam đã xem xét lại mệnh lệnh của tướng Trần Văn Trà, cho dù ông Trà không tán thành. Nguyễn Xuân Phong nhớ lại: "Chúng tôi được giảng giải rằng, chúng tôi có lỗi lầm là đã chống lại Tổ quốc. Người ta không dùng cụm từ "những kẻ phản bội Tổ quốc", nhưng chúng tôi được giải thích cho hiểu một cách rõ ràng rằng chúng tôi đã có tội tiếp tay cho Mỹ - đế quốc xâm lược kiểu mới, dẫn đến sự chết chóc và huỷ hoại đối với người Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Chúng tôi không được biết liệu có bị đưa ra xử trước toà án hay không, hay là nếu xử án thì xử trên cơ sở nào, hoặc tội như vậy thì bị tù trong bao lâu, hay là thời gian giam giữ chúng tôi được xác định như thế nào, theo từng cá nhân hay tập thể".
Cuộc hành trình đi vào thế giới không biết của Nguyễn Xuân Phong bắt đầu từ nhà tù Thủ Đức tháng 6/1975. Tại đây, Phong phải chung phòng giam với 20 người khác. Sau vài tuần, các tù nhân được lệnh ra tập trung ngoài sân, bị xích từng đôi một rồi đưa lên một chiếc xe tải quân sự để chở ra phi trường. Sau đó, họ được chở đến sân bay Gia Lâm, rồi chuyển tiếp đến Trại A15 vẫn được coi là cơ sở phụ của "Hilton Hà Nội". Trại này cách Hà Nội 50 kilômét và trước kia từng là nơi giam giữ nhiều tù binh Mỹ. Nguyễn Xuân Phong và 1.200 bạn tù phải ở trong trại này cho đến khi nào được phép trở về. Đối với trường hợp của Nguyễn Xuân Phong, ngày được trở về là tháng 12/1979; còn nhiều người khác, ngày trở về là 10 hoặc thậm chí 15 năm sau. Không có lời giải thích rõ ràng, chỉ đến lượt tôi cùng với khoảng chục người khác sắp được trả lại tự do. Tiêu chí cho việc phóng thích không thể đoán được.
Cao Giao, một "phát thanh viên chính" của Đài phát thanh Catinat, phải đối mặt với một số phận nghiệt ngã hơn. Những ngày mới giải phóng, ông ta phải dự 80 ngày tập trung học tập cải tạo và sau đó, được cho về nhà. Cao Giao được tự do cho đến tháng 6/1978 thì bị bắt về tội làm gián điệp cho CIA. Bị biệt giam và hàng ngày bị thẩm vấn, trong 9 tháng liên tục ngày nào Cao Giao cũng bị thẩm vấn và tiếp đó là 4 tháng biệt giam trong buồng giam lúc nào cũng đóng cửa. Sau đó, Cao Giao được chuyển đến khám Chí Hoà, giam chung trong một phòng có 72 tù nhân.
Ba năm rưỡi sau, vào năm 1982, Cao Giao được trả lại tự do mà không có một lời giải thích nào. Trong suốt thời gian Cao Giao ở trong tù, Phạm Xuân Ẩn thường xuyên đến thăm gia đình của Cao Giao, nói cho vợ ông ấy biết những thông tin bí mật về sức khoẻ của Cao Giao, cũng như mang đến cho gia đình ông ấy thực phẩm và thuốc men. "Tôi cố gắng hết sức mình để chăm sóc gia đình Cao Giao trong khi ông ấy đang ở trong tù. Hàng ngày nếu có thời gian là tôi lại ghé qua thăm vợ ông ấy", Phạm Xuân Ẩn nói. Sau khi Cao Giao ra tù, mỗi khi được hỏi về Phạm Xuân Ẩn, ông ta đều nói rằng Phạm Xuân Ẩn là "một kẻ lý tưởng hoá bị vỡ mộng và lừa dối". Khi biết Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo, Cao Giao cũng bỏ qua cho Phạm Xuân Ẩn bởi vì "Chúng tôi là người Việt Nam".
Một số phận tốt hơn nhiều đã chờ đợi Phạm Xuân Ẩn vài tuần sau ngày giải phóng, có người của lực lượng an ninh chế độ mới đến gặp ông và nói "Ông thì OK".
Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Ông ta chỉ nói có vậy. Nhưng tôi hiểu tôi được an toàn rồi". Tài liệu về danh tính thật của Phạm Xuân Ẩn cuối cùng cũng đã được chuyển đến. Phạm Xuân Ẩn được xác nhận là "người ba mươi năm cách mạng" - một thuật ngữ được dùng để nói về những người đã tham gia đánh ngoại xâm trong ba thập kỷ qua. Phạm Xuân Ẩn được chính thức chuyển sang bên thắng trận, điều này dễ nhận thấy vì số lượng gạo của ông được tăng thêm, được cấp phát quân phục hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chế độ mới đặt vấn đề về những hành động của Phạm Xuân Ẩn hôm 30/4/1975 đã giúp đỡ bác sĩ Trần Kim Tuyến kịp lên chuyến máy bay trực thăng cuối cùng tại số nhà 22 phố Gia Long để đi di tản. Phạm Xuân Ẩn đã kể lại hết sự việc cho các nhân viên an ninh nghe, ông nói rằng việc làm của ông chỉ là một cử chỉ nhân đạo. Khi ấy, gia đình ông Trần Kim Tuyến đã rời khỏi Việt Nam, và chiến tranh cũng sắp kết thúc. Sự giải thích này thật dễ hiểu đối với những thành viên trong mạng lưới tình báo phía nam của Phạm Xuân Ẩn, nhưng bên phía an ninh vẫn chưa tin. Phạm Xuân Ẩn nói rằng ông và Trần Kim Tuyến là bạn của nhau, nghĩa là thế nào? Bạn bình thường hay là bạn trong công việc?
Phạm Xuân Ẩn phải viết tường trình về các chi tiết của việc Trần Kim Tuyến trốn thoát. Ông cũng nhận được chỉ thị phải tiết lộ tên của các mối quan hệ và nguồn tin của ông trong thời gian chiến tranh mà ông có được khi đang làm việc với tư cách nhà báo của Tạp chí Time. Như đã được đề cập trước đây, Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp đầy đủ nhất theo khả năng liên quan đến mọi chi tiết về bác sĩ Trần Kim Tuyến. Tuy nhiên, về những mối quan hệ của mình trong 15 năm trước đó, thì ông nói trí nhớ của ông rất tồi. Càng nghĩ về Phạm Xuân Ẩn, cơ quan an ninh càng có nhiều câu hỏi về việc tại sao ông Ẩn tồn tại được với tư cách là một điệp viên trong thời gian dài như vậy. "Mọi người nghĩ rằng tôi được ai đó trong CIA bảo vệ, vì không ai có thể may mắn đến như vậy". Thật thú vị cả Bob Shaplen và cơ quan an ninh của Hà Nội đều có những câu hỏi giống nhau về Phạm Xuân Ẩn. Shaplen viết "Chẳng hạn, tôi thường tự hỏi tại sao ông Phạm Xuân Ẩn lại phiền lòng để cho gia đình ông phải di chuyển tới nơi này, nơi khác tại Mỹ, mặc dù họ được sự giúp đỡ của một cơ quan báo chí Hoa Kỳ, nơi ông ấy đã từng làm việc. Liệu Phạm Xuân Ẩn có thực sự là một người Cộng sản từ đầu đến cuối trong thời gian dài, hay ông đã quyết định trở thành người Cộng sản chỉ sau ngày 30/4/1975 vì các lý do này khác. Liệu có khả năng ông đã hoạt động như một điệp viên hai mang, hoặc thậm chí ba mang? Và phải chăng trước khi trao số phận của mình cho những người Cộng sản, ông muốn đảm bảo chắc chắn rằng đã che đậy kỹ mọi dấu vết? Có một số lý do để tin rằng điều này là có thể".
Cuối tháng 3/1976, Phạm Xuân Ẩn được khuyên nên gọi gia đình trở về nước. Đối với nhiều người bạn của ông, cũng như các nhân viên trước đây làm việc cho Tạp chí Time, đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy rằng Phạm Xuân Ẩn có thể đã từng làm việc cho phía bên kia. Phải nói lời chia tay đối với những người bạn Mỹ mới của mình là điều rất khó khăn đối với những thành viên gia đình Phạm Xuân Ẩn. Bà Germaine Lộc Swanson nhớ, có lần bà đã nói với bà Thu Nhàn rằng, về mặt ngoại giao bà và các con sẽ sớm được gặp Phạm Xuân Ẩn. Vì bà Lộc tin rằng ông Ẩn có thể được cử làm Đại sứ Việt Nam lý tưởng đầu tiên ở Hoa Kỳ, hoặc chí ít thì cũng là một Tuỳ viên báo chí làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Sau này, khi tôi nói điều đó với Phạm Xuân Ẩn, ông mỉm cười và nói: "Điều đó chỉ xảy ra khi bà Germaine Lộc làm Bí thư Đảng, nếu không thì chẳng bao giờ".
Bà Thu Nhàn có mối lo ngại riêng của mình khi trở về nước. Bà chỉ nhận được một bức điện vẻn vẹn có mấy từ: "Trở về nhà thôi". Bà Thu Nhàn không hề biết gì về tình trạng của Phạm Xuân Ẩn ở Việt Nam, nên bà phải nghĩ ra một cách để đưa các con về nước mà không gây ra quá nhiều nghi ngờ. Nhiều người ở miền Nam Việt Nam đang chạy trốn khỏi Việt Nam trên những chiếc thuyền mong manh, đánh liều mà chọn cách thà đối mặt với bọn cướp biển Thái Lan trên biển Đông, còn hơn ở lại Việt Nam.
Đầu tiên, bà Thu Nhàn tới Liên hợp quốc để xin phép được đi du lịch sang Pháp. Sau đó bà và các con đáp máy bay từ Washington đi Paris, nhưng bị tạm giữ tại Paris trong ba tháng vì Việt Nam chưa cho phép mở đường bay thẳng từ Paris đi Hà Nội, cũng như chẳng có đường bay thẳng nào đến Sài Gòn. Một khi đã tới Pháp, bà Thu Nhàn lại xin phép được đưa bốn con về nước "để đoàn tụ với chồng, vì hoà bình đã được lập lại trên đất nước Việt Nam". Khi đó, bà có thông báo cho Tạp chí Time về quyết định của mình và có nói lại với bà Germaine Lộc Swanson một lần nữa. Bà Germaine Lộc Swanson nói rằng để thận trọng và đề phòng chuyện không hay, Cộng sản giương bẫy chờ mẹ con bà Thu Nhàn trở về, bà Lộc có thể giúp nuôi hai con của bà Thu Nhàn. Germaine Lộc Swanson không biết thông tin gì về việc Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn có được an toàn hay không. Stanley Cloud nhớ lại rằng, khi đó từ Paris bà Thu Nhàn điện thoại cho ông để xin lời khuyên xem liệu bà và các con có nên trở lại Hoa Kỳ hay không. Cuối cùng, bà Thu Nhàn quyết định gia đình bà không sống mỗi người mỗi ngả nữa, mà bà phải trở về nước với hy vọng rằng bức điện ngắn của Phạm Xuân Ẩn gửi cho bà trước đây là bức điện thật và rằng chồng bà vẫn an toàn.
Bà Thu Nhàn và các con đáp máy bay từ Paris đi Matxcơva và sau đó về Hà Nội. Từ Hà Nội, họ đi tiếp tới Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe hơi.
Khoảng tháng 9/1976, bắt đầu có lời đồn đại về cuộc đời bí mật của Phạm Xuân Ẩn. Bằng chứng là Lou Conein nói với Neil Sheehan rằng ông ta "nghe nói Phạm Xuân Ẩn đã nhắn tìm vợ và vợ ông ta đã trở về nước qua đường Paris, Mátxcơva, Hà Nội, rồi tới Thành phố Hồ Chí Minh mà không hề gặp trở ngại nào. Điều này cho thấy, việc trở về của bà ấy không bị rắc rối, chứng tỏ Phạm Xuân Ẩn là một Việt Cộng hoặc ít nhất thì cũng là một người có cảm tình với Việt Cộng và Đảng Cộng sản đã có cái nhìn thiện cảm đối với ông ta".
Phạm Xuân Ẩn nhận danh hiệu Anh hùng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp công bố (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)
Phạm Xuân Ẩn được mời dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tháng 12/1976 tại Hà Nội. Những ngày ở đây, Phạm Xuân Ẩn được phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân, được chụp ảnh cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các Anh hùng khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau Đại hội này, tất cả văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài đang hoạt động ở miền Nam Việt Nam đều bị đóng cửa. "Đó cũng là sự chấm dứt việc tôi đi làm tại văn phòng Tạp chí Time ", Phạm Xuân Ẩn nói.
Mặc dù được phong tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng Phạm Xuân Ẩn vẫn phải tham dự một khoá học chính trị một năm được tổ chức ở gần Hà Nội. Một phần của lý do khiến Phạm Xuân Ẩn phải tham dự khoá học này là vì ông đã sống quá lâu với người Mỹ. Khi nói chuyện, ông vẫn còn xen vào cách nói đánh giá rất cao đối với kẻ thù đã bị đánh bại của Việt Nam. Chiến tranh đã kết thúc, đất nước của ông đã được thống nhất, và ông vẫn còn khâm phục người Mỹ. Chế độ mới không còn nghi ngờ gì về lòng trung thành của Anh hùng Phạm Xuân Ẩn đối với Tổ quốc, nhưng họ rất lo ngại về những điều ông nói ra mà dân chúng nghe được thì không có lợi. Phạm Xuân Ẩn cần phải được lập trình lại tư duy như một người Việt Nam, chứ không phải là tư duy như một người Mỹ.
Tháng 8/1978, Phạm Xuân Ẩn rời gia đình để đi dự một khoá học của Học viện chính trị cao cấp ở Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 30 kilômét. Ông học tại đó cho đến tháng 6/1979. Việc Phạm Xuân Ẩn hoàn toàn không thấy xuất hiện trong thời gian dài đã dẫn đến một sự hiểu lầm rằng ông đã sang Mỹ để hoạt động dưới vỏ bọc. Điều này khiến Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố sẽ "cắt cổ Phạm Xuân Ẩn nếu gặp ông ở Mỹ". Phạm Xuân Ẩn không để tâm nhiều tới thời kỳ học tập tại trung tâm nói trên. Trong tất cả các cuộc nói chuyện với tôi, ông chưa bao giờ gọi đó là một cuộc cải huấn. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Thực sự đó không phải là trại cải huấn giống như nhiều người khác đã phải trải qua một cách vất vả. Đó là một học viện chính trị. Tôi cần phải đến đó vì tôi chẳng biết gì về chủ nghĩa Mác - Lênin và duy vật biện chứng. Tôi đã có một cuộc sống khác trong suốt thời gian tôi thi hành nhiệm vụ bí mật của mình. Cuộc sống đó giờ đây đã chấm dứt. Tôi hiểu nhiều về hệ thống Mỹ hơn là hệ thống này, do vậy tôi cần phải đọc tất cả những sách kinh điển về lối tư duy kinh tế Nga". Phạm Xuân Ẩn nói mà không nở một nụ cười nào, mất hẳn cái cách châm biếm thường thấy của ông. "Đây là năm mà lối tư duy của tôi được chờ đợi là sẽ thay đổi. Tôi đã cố gắng để là một học viên tốt, nhưng do tôi đã biết quá nhiều, nên thay đổi là rất khó khăn".
Phạm Xuân Ẩn không phản đối việc ông đi học chính trị một năm. Trong năm đó, ông đã được gặp nhiều người thú vị, họ luôn tò mò muốn biết về những sự trải nghiệm của ông và Phạm Xuân Ẩn luôn thích thú chia sẻ những câu chuyện với nhiều học viên trong lớp của mình. Ông vẫn còn nhớ khi bị chế nhạo là "thằng Mỹ". Chẳng có ai giống ông, vì ông đã có nhiều thời gian sống với người Mỹ hơn hầu hết các sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Các sĩ quan đó chi dự khoá huấn luyện một tháng ở Mỹ, còn Phạm Xuân Ẩn có trọn hai năm sống tự do ở Hoa Kỳ. Phạm Xuân Ẩn nói: "Chế độ mới coi tôi là quá Mỹ và là tư sản, vì vậy tôi được chờ đợi phải nói như những người mác xít sau một vài tháng nghe giảng và thảo luận". Phạm Xuân Ẩn đã từng có nhiều thời gian để suy nghĩ. Ông nói: "Giáo sư biết không, đây là lần đầu tiên tôi sống dưới chế độ cộng sản. Tôi có rất nhiều điều để học và cố gắng điều chỉnh mọi thứ, từ cách nghĩ, cách hành động, và thậm chí cả cách nói đùa. Tôi hiểu mọi người muốn gì, nên tôi đã cố gắng".
Sau khi kết thúc khoá học, Phạm Xuân Ẩn trở về Thành phố Hồ Chí Minh. Ông rất vui vì không còn phải chịu đựng những đêm lạnh của miền Bắc. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những bạn bè quen biết của ông dần dần xuất hiện trở lại sau thời kỳ họ phải tập trung cải tạo. Chính phủ mới mời Phạm Xuân Ẩn vào làm việc tại một cơ quan kiểm duyệt, nhưng ông từ chối. Sau đó ông được đề nghị đào tạo các nhà báo Cộng sản, nhưng ông nghĩ, về mặt thực tiễn đó là điều không thể. Tôi có thể dạy được gì cho các nhà báo Việt Nam về nghề của tôi?
Và mặc dù đã qua một khoá học, Phạm Xuân Ẩn vẫn khó khăn trong quá trình hoà nhập với chế độ mới cũng như vẫn còn những vấn đề về độ tin cậy. Đó là lý do tại sao mỗi khi có một người bạn cũ đến Thành phố Hồ Chí Minh, các quan chức đều nói rằng Phạm Xuân Ẩn không muốn gặp hoặc là đi vắng, không có mặt trong thành phố. Dan Southerland nhớ lại: "Năm 1982, trên đường đi Campuchia, tôi dừng ở Sài Gòn vài ngày. Vào thời kỳ đó, bất cứ phóng viên nào đi qua Sài Gòn cũng đều có một cuộc gặp cuối cùng với một cán bộ cốt cán Việt Cộng. Trường hợp của tôi, cán bộ đó là ông Phương Nam. Tôi hỏi ông Phương Nam rằng liệu tôi có thể được gặp Phạm Xuân Ẩn không? Ông Phương Nam nói để ông kiểm tra đã. Sau đó khi trở lại, ông Phương Nam trả lời tôi: "Ông ấy không gặp khách nước ngoài". Mười ba năm sau đó, Southernland cuối cùng cũng gặp được Phạm Xuân Ẩn. Tại cuộc gặp lại đầu tiên sau 30 năm giữa hai người, Phạm Xuân Ẩn nói: "Ông ấy đã không nói gì với tôi. Tôi muốn gặp cậu chứ".
Stanley Karnow cũng kể một câu chuyện tương tự về chuyến thăm năm 1981 của ông: "Tôi đề nghị một quan chức Cộng sản thu xếp cho tôi được gặp ông Phạm Xuân Ẩn. Quan chức đó ngắt lời tôi, nói rằng hãy quên chuyện ấy đi. Đại tá Phạm Xuân Ẩn không muốn gặp ông hay bất cứ người Mỹ nào khác".
"Đại tá cơ à?"
"Vâng. Ông ấy là người của chúng tôi", quan chức này đáp.
Phạm Xuân Ẩn không có sự lựa chọn nào khác ngoài làm công việc mà như ông mô tả là "một ông chồng nội trợ". Ông thường hài hước nói về mình là một "triệu phú thời gian". Suốt ngày ông đọc sách, nghe đài BBC và làm những việc lặt vặt cho vợ. Ông cũng trở thành nổi tiếng là người huấn luyện gà chọi giỏi nhất Sài Gòn. Trò đá gà ăn tiền bị cấm trong chế độ mới, nhưng người ta vẫn bí mật chơi.
Đúng lúc đó, Nguyễn Xuân Phong, người bạn cũ của Phạm Xuân Ẩn được ra tù sau 5 năm bóc lịch. Hai "kẻ thù anh em" giờ đây cùng sống trong một nước Việt Nam thống nhất có nhiều điều để chia sẻ: "Trong thời gian 20 năm kể từ năm 1980 đến năm 2000, Phạm Xuân Ẩn và tôi thường gặp nhau mỗi tuần vài lần. Hầu hết những lần gặp nhau đó, chúng tôi ngồi uống cà phê bên đường phố Đồng Khởi để thư giãn và cũng để quên đi quá khứ. Thậm chí, các nhân viên an ninh chụp ảnh chúng tôi, họ cố gắng tìm hiểu xem chúng tôi đang trao đổi gì?".
Một điều mà Phạm Xuân Ẩn quan sát thấy ở đất nước đã được thống nhất của ông là sự gắn bó của các nhà lãnh đạo Việt Nam với mô hình Liên Xô đang phải đối mặt với những khủng hoảng. Phạm Xuân Ẩn nói với Sheehan: "Sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, mọi thứ hồ sơ đều bị đốt hết, từ sách y học đến các tài liệu của chính quyền - giờ thì đã có sự hối tiếc rồi - nhưng quá muộn - nhiều thứ từ Nga giờ đây trở nên không còn phù hợp. Tôi rất tiếc về những điều xảy ra, nhưng tôi không thể ngăn cản được - có lẽ tôi đã ở với phía bên này quá lâu, nên tôi biết giá trị của những tài liệu đó. Có những hành động hăng hái một cách thái quá, giống như những con ngựa chiến bị che mắt vậy; nếu anh khuyên họ đừng làm, có lẽ họ lại nghĩ anh là phản cách mạng và đây là một tội lớn. Tôi được sinh ra ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam, nhưng tôi học được sự văn minh ở nước Mỹ. Đây là điều rắc rối của tôi".
Việc ông Phạm Xuân Ẩn không được tiếp xúc với những đồng nghiệp cũ của mình đã làm dấy lên những tin đồn vu vơ giữa những đồng nghiệp cũ về vị trí của ông trong chế độ mới. David De Voss, cựu Trưởng phân xã Tạp chí Time phụ trách khu vực Đông Nam Á, người từng đi cùng bà Thu Nhàn và bốn đứa trẻ từ Los Angeles, đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1981. Sau chuyến đi này, David De Voss viết cho đồng nghiệp Karsten Prager: "Có lẽ chỉ còn mỗi thuốc lá là sản phẩm mà Việt Nam sản xuất được. Ăn mày thấy ở mọi nơi. Sự yếu kém về năng lực của các cán bộ Việt Cộng đang làm người ta kinh ngạc. Những người tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi hiện đang phụ trách về quản lý đất đai, và các chương trình phúc lợi xã hội. Chẳng có cái gì vận hành cả. Văn phòng trước đây của Tạp chí Time tại khách sạn Continental giờ dành cho những người Cuba ở. Ban đêm họ nhảy nhót ở trên đường Tự Do, mặc áo phông in hình những con chim ó què quặt dưới đề dòng chữ 'Con chim ó này không thể bay". Rất tiếc phải nói rằng Phạm Xuân Ẩn là một cán bộ cao cấp của Bộ Nội vụ (điều này không đúng). Hình như suốt thời gian làm việc cho Tạp chí Time, ông ta là trung tá Việt Cộng. Tôi đã cố tìm gặp ông ta trong thời gian 5 ngày tôi ở Sài Gòn, nhưng ông ấy đã từ chối. Không cuộc tiếp xúc nào được phép đối với những người biết nhau trước giải phóng".
Prager liền chuyển tiếp lá thư của De Voss cho Frank McCulloch, kèm theo một lời nhận xét: "Bro… thân, lời bình luận buồn của De Voss vừa từ Việt Nam trở về. Nghĩ anh muốn xem, đặc biệt là đoạn nói về Phạm Xuân Ẩn. Không thể nào thắng họ tất cả, tôi đoán vậy. Tôi luôn luôn thích Phạm Xuân Ẩn, nhưng chưa bao giờ hoàn toàn tin cậy ông ta".
Tháng 2/1982, Donald Neff của Tạp chí Time viết thư trực tiếp cho McCulloch: "Tôi biết những điều đồn đại về Phạm Xuân Ẩn không phải là mới, nhưng tôi phải thừa nhận rằng mỗi lần đọc được là tôi cảm thấy đau lòng. (Nó cũng khiến tôi bực mình, vì có lần tôi đã tặng Phạm Xuân Ẩn một bộ sách về chim rất đắt)".
De Voss sau này còn nói một điều khiến mọi người rất ngạc nhiên là năm 1981, Phạm Xuân Ẩn đã đề nghị De Voss giúp bí mật đưa gia đình ông ra khỏi Việt Nam: Mục đích của tôi là đi tìm Phạm Xuân Ẩn, nhưng đó là việc không dễ. Các bản đồ cũ về thành phố đã bị tịch thu và đốt hết. Tất cả những đường phố lớn đều mang tên mới. Nhà cửa vẫn còn đánh số, nhưng không liên tục, nên gần như là không thể xác định được nhà nào cần tìm, kể cả trường hợp có địa chỉ trong tay. Cuối cùng, trong cơn tuyệt vọng, tôi đã hối lộ một quan chức Hà Nội bằng thuốc vitamin cho trẻ em và bộ tã lót trẻ em mua ở Bangkok và nhờ đó mà có được số điện thoại của Phạm Xuân Ẩn. Tôi đã điện thoại cho ông và chúng tôi hẹn gặp nhau tại chợ Chim. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi sẽ đi bộ cùng với những con chó của tôi". Phạm Xuân Ẩn dặn tôi không nói hoặc làm bất cứ điều gì khi chúng tôi nhìn thấy nhau, bởi vì an ninh có thể đang theo dõi. Rõ ràng ngay cả ông, người được phong danh hiệu Anh hùng đang phụ trách về tình báo đối ngoại cho Chính phủ cũng không tránh khỏi việc bị theo dõi. Chợ Chim, trên thực tế, là một đoạn đường phố hai bên treo đầy những lồng bằng tre nhốt những con chim đang hót véo von. Người ta mua những con chim này về để nuôi, cũng có thể mua để phóng sinh theo niềm tin của Phật giáo. Phạm Xuân Ẩn đến chợ Chim cùng với con chó Đức của ông. Chúng tôi đi ngang qua nhau rồi khẽ gật đầu. Sau đó, Phạm Xuân Ẩn và tôi mỗi người lên một chiếc xích lô do những người lính của chế độ Sài Gòn trước đây điều khiển. Tôi theo Phạm Xuân Ẩn về nhà ông.
Khi hai người đã vào trong nhà, Phạm Xuân Ẩn nói ông rất buồn về những điều diễn ra trên đất nước ông. Ông kể rằng trước đây, ông đã từng hai lần cố gắng đưa gia đình ra nước ngoài, nhưng không thành công. Lần thứ nhất, thuyền bị hỏng máy. Lần thứ hai, thuyền có vẻ đủ sức vượt biển, nhưng thuyền trưởng lại không ra. Việc chạy trốn lúc này bị chê bai nhiều hơn bởi vì con trai ông sắp được gửi sang học tại một trường ở Matxcơva. Phạm Xuân Ẩn bảo tôi sang Singapore để tìm một người đàn ông bí ẩn tại một khách sạn của người Hoa. Người đàn ông này có thể dàn xếp để ra đi bằng thuyền nếu trả ngay cho ông ta một khoản tiền. Phạm Xuân Ẩn nói rằng ông rất tuyệt vọng.
Tôi bị choáng váng khi nghe câu chuyện này, đặc biệt là sau khi đã có lá thư của De Voss năm 1981 gửi cho Karsten Prager. Tôi hỏi Phạm Ân xem cháu đánh giá vấn đề này thế nào: "Chúng cháu không sợ bài báo đó, bởi vì những điều ông ấy viết đều có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng bởi còn những người ở đây, và thực tế gia đình cháu không bao giờ làm như vậy".
Cách biệt với những người bạn Mỹ, Phạm Xuân Ẩn tìm cách giúp đỡ những đồng nghiệp Việt Nam ở bên thua trận. Tháng 4/1985, Donald Kirk trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ ngày còn chiến tranh. Donald Kirk là phóng viên chuyên viết về Đông Nam Á cho tờ tạp chí New York Times, The New Leader, và tờ The Reporter. Những ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh Donald Kirk đã gặp một người bạn thân, đồng thời là một đồng nghiệp cũ tên là Lê Việt. Sau này Donald Kirk mới hiểu rằng đồng nghiệp của mình đã bị giam 5 tháng chỉ vì "gặp gỡ một người nước ngoài". Lê Việt bị giam trong một phòng cùng với 60 người. Cứ mỗi tuần vợ ông ta vào nhà lao thăm ông ta một lần, mang theo đồ ăn và thuốc men. Lê Việt nói với Donald Kirk: "Ngày nào họ cũng hỏi tôi về quan hệ của tôi với các nhà báo Mỹ. Họ cho rằng gần như tất cả những nhà báo Mỹ đều làm việc cho CIA. Họ muốn biết về những cái gói mà tôi đã trao cho ông: Họ coi tôi là làm gián điệp cho Mỹ, còn ông là CIA. Tôi đã nói với họ rằng tôi từng làm việc cho người nước ngoài trong thời gian dài qua, đó là chiến tranh chứ không phải trong chính trị".
Đây là đoạn Kirk đã viết như thế nào về phần còn lại của câu chuyện: "Nỗi đau của Lê Việt còn tồi tệ hơn. Ông ta được tạm nghỉ khi vị cảnh sát trưởng đề nghị Phạm Xuân Ẩn - một Đại tá Việt Cộng từng lên được cấp bậc cao như vậy nhờ những hoạt động tình báo bí mật, trong khi vẫn làm việc cần mẫn như một chuyên gia về chính trị cho các phóng viên Tạp chí Time-Life khờ khạo và cả tin tại khách sạn Continental, để thẩm vấn Lê Việt". Cảnh sát trưởng hy vọng rằng Phạm Xuân Ẩn sẽ thu được một số lời khai của Lê Việt. "Phạm Xuân Ẩn, lúc này đã trở thành Phó Bí thư của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một vị trí tương đương với Phó Thị trưởng", đã từ chối yêu cầu phản bội một đồng nghiệp, và bạn bè, bắn tiếng lên cảnh sát trưởng "Không cần phải làm khó cho tôi", Lê Việt nói. Khi tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn về chuyện này, ông đã thở dài rồi nói: "Những người bên an ninh họ nghĩ ai cũng là CIA, họ chả tin ai cả, thậm chí cả tôi". Trên thực tế, Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ giữ bất cứ chức vụ nào, cho dù đó là chức vụ đảng hay chính quyền ở địa phương.
Năm 1986, ngọn gió đổi mới cuối cùng rồi cũng thổi tới Việt Nam khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam phát động công cuộc đổi mới. Đó là một chương trình đổi mới kinh tế để cải cách xã hội Việt Nam và kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Các nhà lãnh đạo Đảng tuyên bố ý định xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần gồm kết hợp giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, và sở hữu tư nhân. Các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích và thái độ bao dung hơn được áp dụng liên quan đến mọi sự tiếp xúc với phương Tây và hướng tới bày tỏ quan điểm trong nước.
Năm 1988, Bob Shaplen đến Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị gặp Phạm Xuân Ẩn. Lần đầu tiên, cơ quan an ninh cho phép gặp với điều kiện có một thành viên của Bộ Ngoại giao cùng dự. Khi cuộc gặp của họ sắp kết thúc, Phạm Xuân Ẩn xin phép người bạn của ông làm việc tại Bộ Ngoại giao rằng liệu ông và Shaplen có thể đi ăn tối riêng với nhau được không? Phạm Xuân Ẩn được phép làm điều đó. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Chúng tôi tới ăn tối tại khách sạn Majestic. Tôi nghĩ, đó là lần đầu tiên tôi được phép nói chuyện một mình với một người bạn cũ kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi không muốn buổi tối hôm đó kết thúc sớm".
Khi trở về Mỹ, Shaplen đã nói với mọi người rằng có lẽ Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng việc tiếp xúc của ông Phạm Xuân Ẩn đối với các đồng nghiệp cũ. Chỉ trong vòng vài tháng, Neil Sheehan, Stanley Karnow, Robert Sam Anson, Và Morley Safer cũng được phép đến thăm. Chính trong bối cảnh này mà một câu chuyện đáng lưu ý được giãi bày liên quan đến những mối quan hệ tình bạn giữa những đồng nghiệp cũ, giấc mơ của người cha đối với con trai lớn của ông, và sự hoà hợp giữa hai nước mà Phạm Xuân Ẩn đều yêu quí.
Năm 1988, người con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân sang Liên Xô học đại học 5 năm, lúc đầu học ở Học viện Ngoại ngữ Minsk sau chuyển sang khoa Phiên dịch tại Đại học Ngoại ngữ Quốc gia Mátxcơva mang tên Mauris Thorez. Phạm Ân tốt nghiệp hạng ưu, thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh và viết luận văn ngôn ngữ học về đề tài dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh một đoạn trích từ sách của A.A. Kurznetsova "Bên bờ sông Mê Công và sông Hồng".
Sau khi tốt nghiệp, Phạm Ân trở về quê nhà. Sau này, anh đã viết về cảm xúc của mình sau khi du học trở về: "Khi máy bay bắt đầu hạ cánh, tim tôi đập rộn ràng như muốn nhẩy ra khỏi lồng ngực. Đây rồi, thành phố thân yêu của tôi. Vậy là sáu mùa hè đã trôi qua kể từ khi tôi rời mảnh đất này. Cổng nhà tôi vẫn mở, tôi cảm nhận được cái nóng tháng tám đang sưởi ấm dần trái tim giá lạnh vì mùa đông Mátxcơva của tôi. Một làn gió nhẹ mơn man làn da tôi. Và tại nơi đây, tôi lại được tắm dưới ánh nắng mặt trời giữa màu xanh của cỏ cây. Tôi đưa mắt tìm kiếm những khuôn mặt thân quen. Đây rồi người mẹ thân yêu nhất của tôi và cả các em trai, em gái của tôi nữa. Thời gian đã để lại trên đầu mẹ những sợi tóc bạc, những nếp nhăn trên má. Nhưng cám ơn Chúa, mẹ trông vẫn khoẻ mạnh và hạnh phúc. Nước mắt. Những cái hôn. Và vòng tay của mẹ tôi… Chuông bỗng vang lên. Tôi thấy con chó quay ra phía cổng sủa to lên một tiếng. Ba tôi xuất hiện ngay bên ngưỡng cửa. Ba chạy ra, mở toang cửa. Ba nhìn không già hơn, nhưng gầy hơn nhiều. Lưng ba đã bắt đầu còng hơn trước do sức nặng của cuộc sống bận rộn và vất vả… Niềm vui và hạnh phúc tràn ngập trong tôi, tại buổi sum họp gia đình này".
Phạm Xuân Ẩn từng sống và làm việc với người Mỹ trước khi có cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông từng đánh giá cao người Mỹ. Sau chiến tranh, tất nhiên Phạm Xuân Ẩn muốn con trai mình cũng như vậy. Phạm Xuân Ẩn nói: "Đảng dạy tôi những điều về hệ tư tưởng. Từ người Mỹ, tôi học được những điều quan trọng khác về nghề báo và phương pháp tư duy. Đó là điều tôi muốn con mình cũng học được như vậy. Tôi muốn con trai tôi có những người bạn là người Mỹ".
Phạm Xuân Ẩn cũng tin tưởng rằng con trai mình có thể đại diện cho một cây cầu mới nối giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ trong thời kỳ sau chiến tranh. "Suốt cuộc đời mình, tôi chỉ có hai trách nhiệm. Một là nghĩa vụ của tôi đối với Tổ quốc. Hai là trách nhiệm của tôi đối với những người bạn Mỹ - những người đã dạy cho tôi mọi điều từ A đến Z, đặc biệt là nhân dân Mỹ. Mong ước của tôi là: Đấu tranh cho đến khi đất nước giành được độc lập và sau đó, lập quan hệ ngoại giao và bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được như vậy thì tôi có thể mỉm cười mà nhắm mắt xuôi tay bất cứ lúc nào cũng thoả lòng rồi".
Phạm Xuân Ẩn tiên liệu rằng những người bạn Mỹ của ông sẽ giúp đỡ ông, bởi vì họ sẽ còn nhớ ông với tư cách một người đồng nghiệp, chứ không phải là một kẻ thù là đất nước họ, hoặc một kẻ phản bội lại sự tin cậy của họ. "Họ biết rằng tôi là người luôn luôn giúp đỡ họ và rằng tôi không phải là kẻ thù của họ. Tôi đã đấu tranh cho đất nước tôi, chứ không phải chống lại người Mỹ", Phạm Xuân Ẩn đã nói như vậy, có ý thanh minh cho việc ông từng là một trùm điệp viên của phía bên kia. David Halberstam nói: "Nếu có một người nào đó nắm bắt được giữa hai thế giới, thì người đó chính là Phạm Xuân Ẩn. Những ai không sống ở Việt Nam trong những năm tháng đó, thì sẽ khó mà hiểu nổi sự phức tạp này".
Vào thời điểm năm 1989, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có mối quan hệ ngoại giao chính thức nào. Không có đại sứ quán, cũng như chẳng có toà tổng lãnh sự. Chỉ có một nhóm nhỏ sinh viên Việt Nam nhận vsia sang học tập tại Hoa Kỳ. Sự hợp tác giữa hai nước chỉ mới bắt đầu ở khâu giải quyết số phận những người Mỹ mất tích khi đang làm nhiệm vụ (MIA). Tất cả đều không có gì, mãi cho đến mùa xuân năm 1991, phía Mỹ mới có một văn phòng ở Hà Nội để phục vụ cho việc giải quyết các vấn đế liên quan tới MIA. Mặc dù vậy, tất cả những điều khó khăn này vẫn không thể cản trở được Robert Sam Anson và Frank McCulloch mở một cuộc vận động nhằm đưa cháu Phạm Ân sang học ở Mỹ, cũng như không thể cản trở nổi người cha của chàng thanh niên trong việc phối hợp các nỗ lực từ phía Việt Nam.
Đối với Robert Sam Anson, đây là một cơ hội để ông trả món nợ đời với Phạm Xuân Ẩn. Đối với Frank McCulloch, khi đó là Trưởng ban biên tập của tờ San Francisco Examiner thì đây là cách bày tỏ sự kính trọng đối với Phạm Xuân Ẩn, cũng như niềm tin sâu sắc vào tương lai. Frank chia sẻ niềm hy vọng với Phạm Xuân Ẩn về một sự hoà giải giữa hai kẻ thù cũ. Ông coi việc cháu Phạm Ân sang du học ở Mỹ sẽ là một nhân tố chính của ước mơ hy vọng đó. McCulloch nói với tôi: "Chúng tôi không quyên góp tiền cho các con của Nguyễn Văn Thiệu hay Nguyễn Cao Kỳ. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng và khâm phục của mọi người đối với Phạm Xuân Ẩn. Chúng tôi đặt điều kiện rằng sau khi hoàn thành khoá học, cháu Phạm Ân phải trở về Việt Nam".
McCulloch có nhiều lý do để đặt niềm tin vào tính cách của chàng thanh niên mà ông đứng ra bảo lãnh. Bài luận mà Phạm Ân viết trong đơn xin học tại Trường Đại học Bắc Carolina thể hiện sự chín chắn và hiểu biết của người viết về quá trình hoà giải: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà không một nước nào có thể tốn tại được nếu đứng riêng ra, bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Đây là thời đại của sự hợp tác để cùng tồn tại. Tôi không thấy lý do gì mà Việt Nam lại là một ngoại lệ. Sau hàng loạt sự kiện ở Đông Âu, tôi vui mừng thấy Việt Nam đã có chính sách mở cửa sớm hơn các nước Đông âu. Nhờ chính sách này, chúng tôi giờ đây đang đi đúng hướng để xoá bỏ đói nghèo. Tôi có thuận lợi là đã từng sống và học tập cả ở Liên Xô và Hoa Kỳ khi tôi còn ở tuổi teen… Tôi mong ước có thể được sang Mỹ học tập ngành báo chí và kinh tế học để tiếp thu những tinh hoa của xã hội Mỹ. Sau đó, khi trở về nước, tôi có thể nói với nhân dân tôi về văn hoá, lịch sử, và con người, cũng như những thành tựu mới nhất trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, và công nghệ của một siêu cường tiên tiến này. Bằng cách đó, tôi hy vọng thiết lập được cầu nối giữa nhân dân hai nước, nhằm xoá bỏ những sự hiểu lầm và những thành kiến giữa hai dân tộc chúng ta… Nguyện vọng của tôi là nhân dân tôi được hạnh phúc và thịnh vượng".
Có lẽ trở ngại lớn nhất cho quá trình thực hiện kế hoạch này là việc Morley Safer cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề Hồi tưởng: về chuyến trở lại Việt Nam. Ngay từ đầu, cuốn sách này đã thu hút sự quan tâm rộng rãi, bởi vì có một chương viết về một cuộc thảo luận rất thành thật của tác giả với Phạm Xuân Ẩn. Tạp chí New York Times Chủ Nhật số ra ngày 11/8/1990 đã đăng một đoạn trích trong cuốn sách đó với cái tít giật gân: Làm gián điệp cho Hà Nội cùng lời tựa "Trong 10 năm, Phạm Xuân Ẩn là một phóng viên có giá trị của Tạp chí Time ở Sài Gòn. Nhưng có một điều mà các trưởng ban biên tập của ông không biết, đó là suốt thời gian ấy, ông đã làm gián điệp cho Hà Nội".
Trước đó một năm, trên tờ Tin chiến tranh, Bob Anson đã cho in một bài viết của ông về vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong việc giải thoát cho chính bản thân Anson khỏi bị giam giữ. Giờ đây đang sống ở Bangkok, Anson nhận được một bản thảo chưa biên tập của Safer do một nhà báo từ New York gửi cho, vì nhà báo này biết cả Anson lẫn Phạm Xuân Ẩn. Khi đọc đoạn nói về Phạm Xuân Ẩn, Anson cảm thấy ngay người bạn của mình sẽ bị ảnh hưởng. Anson càng nổi cáu hơn khi nghe Safer thừa nhận rằng ông ta không hề ghi chép gì khi nói chuyện với Phạm Xuân Ẩn. Khi đó Safer có một người trợ lý đi cùng và Phạm Xuân Ẩn, ba ông uống hết một chai rượu Uyt-xki Bạch Mã (White Horse) trong lúc nói chuyện. Anson lo ngại rằng người đã từng cứu mạng sống cho ông sắp phải chịu thiệt thòi vì nội dung ông đã trả lời phỏng vấn Safer. Anson đã khẩn trương làm thủ tục xin visa và lấy vé chuyến bay sớm nhất từ Bangkok đi Thành phố Hồ Chí Minh để gặp Phạm Xuân Ẩn.
Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng, ông cứ nghĩ cuộc nói chuyện của ông với Safer chỉ là cuộc trao đổi không trích dẫn; đó chỉ là một cuộc gặp nhau giữa hai người bạn và uống hết một chai rượu Uyt-xki. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi không hề nghĩ rằng Safer lại cho đăng báo về cuộc nói chuyện của chúng tôi. Hôm đó, tôi rất vui vì có bạn đồng nghiệp nói chuyện cùng".
Sau đó, Anson và Phạm Xuân Ẩn cùng dò từng dòng bản thảo nhằm cấu trúc lại nội dung cuộc trò chuyện.
Hai người biên tập lại để làm giảm sự nhạy cảm xuống đến mức mà Phạm Xuân Ẩn hy vọng sẽ không gây nguy hiểm cho việc xin visa nhập cảnh Mỹ của con trai mình. Phạm Xuân Ẩn không quan tâm đến bất cứ điều gì có thể xảy ra đối với ông. Và do sự tôn trọng nghề nghiệp của mình, Phạm Xuân Ẩn quyết định không tranh cãi với Safer về quyền đăng tải cuộc phỏng vấn. Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi có thể kiểm duyệt, nhưng tôi không làm điều đó và tôi chỉ cố gắng làm rõ những gì tôi đã nghĩ và tôi nói thôi".
Cuốn sách nói trên của Safer dự định sẽ được Nhà xuất bản Random House ấn hành. Với Nhà xuất bản này, Anson cũng đã từng xuất bản cuốn Những ý định tốt nhất: Sự giáo dục và Giết chóc của Edmund Perry.
Anson liền điện thoại cho Nhà xuất bản Random House. "Tôi đã cầu xin họ thông qua điện thoại, ba hoặc tám lần gì đó, để bình luận về phương pháp viết bài của Morley Safer", Anson nói. Ngoài ra, Anson còn nói cho Nhà xuất bản biết về chuyến thăm Phạm Xuân Ẩn vừa qua của ông, đồng thời đề nghị Nhà xuất bản Random House và tác giả Safer biên tập lại đoạn dẫn đó trước khi cho in. Cả tác giả và Nhà xuất bản đều đồng ý.
Đoạn kể về cuộc trò chuyện xuất hiện trên bản in cuối cùng đã được làm giảm giọng điệu xuống đến mức đáng kể so với nguyên gốc, nhưng vẫn còn đầy tính thẳng thắn đặc trưng của Phạm Xuân Ẩn. Khi trả lời câu hỏi của Safer liên quan đến cơ quan mà ông đã làm việc: "Sự thật à? Sự thật nào? Chỉ có một sự thật là trong suốt 10 năm, tôi là một phóng viên cho Tạp chí Time và trước đó là cho Reuters. Một sự thật khác nữa là tôi đã tham gia phong trào từ năm 1944 và dù ít dù nhiều, cũng là một phần của phong trào từ đó. Hai sự thật… cả hai sự thật đều là sự thật".
Khi trả lời câu hỏi của Safer về các hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn: "Công việc thực sự bắt đầu từ năm 1960, khi tôi đang làm việc cho Reuters. Tôi đã giữ chức trung đoàn trưởng… Trong những năm làm việc với Tạp chí Time, tôi được thăng hàm đại tá. Tôi đã tiếp cận được tất cả các cơ sở của miền Nam Việt Nam và các chỉ huy của họ. Cấp trên của tôi muốn biết sức mạnh của từng đơn vị khác nhau. Họ muốn đánh giá ước lượng về năng lực của những người chỉ huy - những người tham nhũng và những người có thể tha hoá".
Các câu hỏi và trả lời đạt đến độ nhạy cảm khi Safer hỏi tại sao cuộc cách mạng(1) lại chưa thành công. "Có rất nhiều lý do. Nhiều sai lầm đã mắc phải chẳng qua chỉ vì sự dốt nát. Giống như mọi cuộc cách mạng, chúng tôi gọi đó là cuộc cách mạng của nhân dân, nhưng tất nhiên nhân dân là người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả… chừng nào còn những người nằm ngủ bên đường phố, thì chừng đó còn thất bại. Không phải những nhà lãnh đạo là những người độc ác, nhưng tác động hiệu quả của chủ nghĩa gia trưởng và lý thuyết kinh tế đã bị mất niềm tin là như nhau".
Safer hỏi: "Ông có sợ về việc đã nói thẳng thắn như vậy không? Có nguy hiểm gì cho ông không"' Phạm Xuân Ẩn đáp lại giống như ông đã từng nói năm 1990 và năm 2006: "Mọi người đều biết tôi cảm thấy thế nào. Tôi công khai nói điều đó. Tôi chưa bao giờ… Tôi đã già quá đến mức không thể thay đổi được nữa. Tôi đã quá già đến mức không thể im lặng được nữa". Khi Safer hỏi về cải cách kinh tế vừa qua ở Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn nói: "Đó chính là điều làm tôi buồn lòng. Khi nhìn thấy sự nhiệt tình đang diễn ra với sự phấn khích trước một vài cải cách kinh tế. Nó gợi ra một ý về những khả năng nào đó cho đất nước, nếu chúng tôi không chỉ có hoà bình, mà cả những điều khác nữa".
Một trong những câu hỏi cuối cùng của Safer đặt ra với Phạm Xuân Ẩn là ông có cảm thấy hối tiếc điều gì không: Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi ghét câu hỏi đó. Tôi đã tự hỏi mình với câu hỏi đó cả ngàn lần. Nhưng câu trả lời còn làm cho tôi ghét hơn. Không? Tôi không có gì phải hối tiếc. Tôi phải làm điều ấy. Tôi yêu nước Mỹ, nhưng Mỹ chẳng có quyền gì ở đây. Người Mỹ đã phải ra khỏi Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Chúng ta phải tự lựa chọn lấy chỗ này".
Khi cuộc phỏng vấn gần kết thúc, Safer nêu câu hỏi: "Họ có để cho ông ra đi không?" Phạm Xuân Ẩn đáp: "Tôi không biết. Tôi không muốn đi. Nhưng ít nhất thì tôi cũng muốn các con tôi được sang Mỹ để học tập".
Sau khi cuộc trả lời phỏng vấn của ông với Safer được đưa ra công chúng, tất cả những gì Phạm Xuân Ẩn có thể làm chỉ là hy vọng rằng nhà chức trách không gây khó dễ đối với ông. Một trong những kết quả tức thì được người bạn của Phạm Xuân Ẩn là Douglas Pi ke đưa tin nói rằng, sự giám sát đã được tăng cường, bởi vì nhà chức trách tin rằng Phạm Xuân Ẩn đã "tiết lộ bí mật quốc gia trong cuộc trả lời phỏng vấn của Safer".
"Tôi cũng lo vì dễ có ai đó bên an ninh chỉ vì tôi mà không cho con trai tôi đi. Nhưng lần này tôi đã may mắn. Tôi cho rằng họ đã nghĩ chúng ta có thể làm cho ông ta không nói gì nữa bằng cách gửi con ông ta sang Mỹ. Do vậy mà điều thực sự xảy ra ngược hẳn lại với điều tôi đã nghĩ. Cách nói của họ là "cám ơn về nhà, đọc sách và giữ yên lặng". Khi tôi hỏi Frank tại sao Hà Nội lại cho cháu Ân đi, Frank cũng nói tương tự như lời Phạm Xuân Ẩn: "Để tạo ra cảm giác hoàn hảo. Đó là hãy gia ơn cho ông già, để xem sau khi đã làm một điều tốt lớn lao như vậy, liệu có thể làm cho ông ta bớt nói đi không. Ngoài ra, tôi nghĩ không có bất cứ lý do nào khác để giải thích cho việc tại sao họ lại làm như vậy".
Cho đến nay, tôi vẫn còn chưa hiểu được tại sao Chính phủ Mỹ có thể cho người con cả của một điệp viên Cộng sản lỗi lạc vào một đất nước ở thời điểm rất khó xin visa như vậy. Phải chăng đã có một người nào đó điện thoại cho ai đó nói rằng tôi còn nợ anh hoặc là gây áp lực với ai đó tại Bộ Ngoại giao Mỹ hoặc một cơ quan nào đó của Mỹ để buộc phải giúp đỡ con trai của Phạm Xuân Ẩn? Liệu Phạm Xuân Ẩn có sự ảnh hưởng như vậy đối với phía bên kia không? Nếu có thì tất cả những cái đó nói lên điều gì? Chẳng hạn, tại sao William Colby lại đề nghị được gặp Phạm Xuân Ẩn trong cả hai lần ông ta sang thăm Việt Nam? Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi không thể chấp nhận lời mời bởi vì cái cách người ta nhìn nhận. Họ đã nghi ngờ tôi là CIA". Liệu Colby có phải chỉ muốn thăm một người bạn cũ để ngả mũ ra đùa? Hay là còn có một lớp vỏ sâu hơn nào đó chỉ dẫn đến những câu hỏi mà không bao giờ được trả lời?
Bob Anson đã tình nguyện sử dụng các mối quan hệ của gia đình ông để xem liệu cháu Ân có được chấp nhận vào Khoa Báo chí của Trường Đại học Bắc Carolina hay không? Bây giờ đã cưới vợ mới, Anson có mẹ vợ là bà Georgia Kyser sống ở Chapel Hill đang có quan hệ thân thiết với Trường đại học Bắc Carolina. Anson viết thư cho McCulloch: "Georgia là một phụ nữ miền Nam tuyệt vời. Bà thực sự có mối liên hệ với Trường Đại học Bắc Carolina và cộng đồng, do vậy đó sẽ là điều thuận lợi lý tưởng".
Trên thực tế, bà Georgia có quan hệ rất tốt với Trường Đại học North Carolina ở Chapel Hill. Bà là vợ của ông James Kern "Kay" Kyser, một người nổi tiếng trong giới phát thanh, một lãnh đạo ban nhạc nổi tiếng, một cựu sinh viên Trường Đại học North Carolina, và là một trong những người ủng hộ nhiều nhất cho nhà trường. Năm 1943, ông James Kyser gặp bà Georgia Carroll, một người mẫu tóc vàng từng xuất hiện trong một vài bộ phim, kể cả có lần đóng vai Betsy Ross trong bộ phim ca nhạc Yankee Doodle Dandy của James Cagney năm 1942. Sau đó một năm, hai người cưới nhau. Bà Georgia phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc ba cô con gái Kimberly, Carroll, và Amanda. Gia đình nhà Kysers sống trong một ngôi nhà cổ kính nhất vùng Chapel Hill ở gần khu học xá của Trường Đại học North Carolina.
Bà Georgia đồng ý thu xếp chỗ ở cho cháu Ân tại một căn hộ ở tầng trệt đầy đủ tiện nghi của nhà mình. Cho đến ngày nay, Ân vẫn gọi bà là Mamo, nghĩa là "mẹ thứ hai". Ân cũng tự hào là thủ lĩnh của bé Gigi, con gái của Robert Sam và Amada Anson. Bà Georgia nhớ lại: "Cháu Ân là một trong những sự kiện lớn lao nhất đã từng xảy ra đối với tôi. Chúng tôi ở đây, hai người từ hai nơi khác nhau của thế giới, khác nhau cả về chính trị, và trong quá khứ, hai nước từng có chiến tranh, nhưng chúng tôi liên kết được với nhau với tư cách là con người. Thực sự đây là lần đầu tiên trong đời mình tôi có một người bạn châu Á. Cháu Ân là niềm vui của tôi".
Xin cho Ân được nhận vào học tại Khoa Báo chí, Trường Đại học North Carolina là một trong những nhiệm vụ dễ dàng nhất có liên quan. Trong một lá thư đề ngày 7/5/1990, Chủ tịch Trường Đại học North Carolina là C. D. Spangler gửi cho Anson nói rằng: "Đại học North Carolina ở Chapel Hill sẽ vui lòng chấp nhận anh Ân vào học tại Khoa Báo chí với tư cách sinh viên phi bằng cấp".
Chương trình phi bằng cấp kéo dài một năm là rất bổ ích cho các sinh viên nước ngoài, vì họ có thể tham dự các lớp học mà không bị ràng buộc vào những yêu cầu cụ thể. Tuy nhiên, chương trình này không kèm với sự hỗ trợ tài chính thuộc bất kỳ loại nào. Nếu Ân học tốt ở năm đầu tiên và sau đó, làm tốt các bài kiểm tra GRE, cháu hoàn toàn có thể trúng tuyển vào chương trình thạc sĩ báo chí.
Ngay trước ngày Quốc tế Lao động vào cuối tuần của năm 1990, Anson nhận được một lá thư của Phạm Xuân Ẩn - người đang phối hợp các việc từ phía Thành phố Hồ Chí Minh. Cháu Ân cần ba loại giấy tờ để xin visa xuất cảnh. Thứ nhất, một lá thư chính thức chấp nhận của Trường Đại học, lá thư này đã có. Thứ hai, người bảo lãnh chính thức trong thời gian ở Hoa Kỳ (Trường Đại học cũng yêu cầu điều này). Thứ ba, visa nhập cảnh Hoa Kỳ. Cùng với một số thủ tục khác, việc này cần phải có thời gian hai tuần để kiểm tra an ninh tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok. Anson điện cho McCulloch nói: "Tôi đang làm việc để giải quyết xong những việc này. Và phía Việt Nam, ông Nguyễn Quang Dy, Tuỳ viên báo chí địa phương, đã hứa sẽ làm tất cả mọi điều để giúp tăng tốc các khâu thủ tục".
Nhiệm vụ trước mắt là quyên góp tiền. Do cháu Ân không được nhận hỗ trợ tài chính của Trường Đại học North Carolina, nên phải dựa vào sự giúp đỡ của các đồng nghiệp cũ của ông Phạm Xuân Ẩn. Hôm đó đang nghỉ cuối tuần và ngày lễ Quốc tế Lao động, nên phải đến ngày thứ ba McCulloch mới có kế hoạch phát động chiến dịch quyên góp tiền. McCulloch điện cho Bob Anson: "Nói với Phạm Xuân Ẩn là có thiện chí rồi. Bánh xe đã bắt đầu quay, tuy nhiên vẫn còn chậm".
Trong một lá thư gửi cho "những người bạn thân" đề ngày 4/9/1990, McCulloch viết: "Tôi xin lỗi vì đã không thể viết riêng cho từng người, nhưng do thời gian không còn nhiều và cách này có vẻ là hiệu quả nhất. Tôi nghĩ rằng về quan hệ cá nhân hầu hết các bạn đều biết Phạm Xuân Ẩn hoặc nếu ai không có quan hệ với ông ấy, thì sẽ nhớ ông như một phóng viên của Tạp chí Time-Life ở Sài Gòn. Ông từng là chủ đề cho một chương độc hại trong cuốn sách của Morley Safer được phép đăng tải một số đoạn trích trên Tạp chí New York Time Chủ Nhật vừa qua. Nhiều thế hệ đã thay đổi và giờ đây con trai lớn của Phạm Xuân Ẩn, cháu Ân, rất muốn tới Mỹ để học ngành báo chí - không phải là cách để chạy trốn ra khỏi Việt Nam mà theo lời cháu, thì khi về nước có nhiều kỹ năng mới để phục vụ nhân dân tôi".
McCulloch cám ơn Anson vì đã lấy được cam kết từ phía Trường Đại học North Carolina, đã dàn xếp được nơi ở cho cháu Ân tại nhà bà mẹ vợ của Anson, và đã bắt đầu cho lăn "bánh xe quan liêu ở cả bên Hoa Kỳ lẫn Hà Nội. Điều mà chúng ta còn thiếu ở đây là nguyên liệu để sắp xếp tất cả những việc nói trên vào với nhau, nói đơn giản tức là tiền. Theo ước tính của chúng tôi thì cháu Ân cần 11.000 USD cho mỗi năm học. Số tiền này để chi phí cho mọi thứ, từ vé máy bay khứ hồi cho đến học phí, tiền mua sách, ăn, ở. Trước khi chiến dịch chính thức phát động, chúng tôi đã quyên góp được 3.000 USD, trong đó 1.000 USD từ Neil Sheehan và 2.000 USD từ Chủ tịch Trường Đại học North Carolina Spangler được coi là quà của cá nhân ông. Anson viết: "Chúng tôi vẫn còn thiếu khoảng 7.500 USD nữa. Tốt nhất là Tạp chí Time gánh hết, nhưng nói thật, tôi không nghĩ rằng Time lại giúp đỡ. Theo bà Susan, vợ của nhà báo Neil Sheehan, hai vợ chồng bà đã nêu vấn đề giúp đỡ Phạm Xuân Ẩn trong một bữa ăn tối với một vài lãnh đạo của Tạp chí Time cách đây mấy tháng. Với cách nhìn cho rằng Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho Tạp chí Time trong một thời gian dài mà bị trả lương thấp, hơn nữa hiện nay ông vẫn còn tiếp tục giúp đỡ bất cứ ai và toàn bộ phóng viên của Tạp chí Time ghé qua Sài Gòn. Nhưng các nhà lãnh đạo Tạp chí Time đã thẳng thừng bác bỏ. Tôi thấy hành động của Tạp chí Time là thô lỗ và rất lạ, nhưng nó vẫn xảy ra như thế đấy".
Anson gợi ý cần có người đến tiếp cận với báo New Yorker và nhận sự trợ giúp để tưởng nhớ Robert Shaplen, người đã qua đời tháng 5/1988. Nhưng Anson e ngại rằng, không có tổ chức, cơ quan nào bảo trợ, thì việc quyên góp từ các cá nhân sẽ trở nên khó khăn hơn. Anson lập một danh sách những người có thể tiếp cận được để vận động quyên góp gồm "David Greenway, Dick Clurman, Murray Gart, và tiếp đó là những phóng viên như Bill Stewart đang là trưởng phân xã ở Hong Kong, mà chính ông Phạm Xuân Ẩn cũng đã viết thư trực tiếp đề nghị giúp đỡ, Stanley Cloud - người vừa đến gặp Phạm Xuân Ẩn, Laura Palmer - người luôn hết lòng vì Phạm Xuân Ẩn, Jim Willwerth của phân xã Los Angeles, Burt Pines của Quỹ Di sản, Bill Marmon, Pippa Marsh, Jon Larsen, Jim Wilde, John Sarr - cựu phóng viên Tạp chí Time tại Sài Gòn, nhưng nay đang viết cho Tạp chí People, Dick Swanson và Germaine - người chống Cộng sản điên cuồng, và… Beverly Deepe.
Việc thông tin liên lạc với Phạm Xuân Ẩn cũng là một vấn đề khó khăn. Sau cuộc trả lời phỏng vấn của Safer, sự giám sát đối với ông được tăng cường. Phạm Xuân Ẩn lại không có máy điện thoại hoặc fax. Anson phân trần với McCulloch: "Thậm chí cho đến bây giờ, tôi vẫn phải tự bay sang Sài Gòn hoặc gửi thư như kiểu gửi qua chim bồ câu mỗi khi có phóng viên nào sang Việt Nam. Nhưng rồi "chim bồ câu" cũng có trục trặc, vì thời gian đó rất ít khi có phóng viên sang Sài Gòn. Rất may, tôi đã "tuyển" được ít nhất là một người giúp làm liên lạc. Người đó là cô Alison Krupnick làm việc cho Chương trình "Ra đi có trật tự" (ODP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Là người nói trôi chảy tiếng Việt, Alison đến Sài Gòn thường xuyên và chuyến đi sắp tới của cô dự định vào ngày 3 tháng 9. Nếu ông có thông tin gì cho Phạm Xuân Ẩn từ nay đến thời gian đó, thì fax ngay cho tôi càng sớm càng tốt. Tôi hy vọng là cô Alison sẽ giúp chúng ta như một con chim bồ câu thường xuyên bay sang đó, nhưng việc cô ấy sang Sài Gòn sắp tới cũng chưa có quyết định chính thức".
Alison Krupnick làm việc 10 năm trong ngành ngoại giao, được phân công làm việc cho Chương trình ODP từ tháng 12/1988 đến tháng 7/1992. Có lẽ, cô đã từng hơn 30 lần sang Việt Nam trong thời kỳ đó.
"Thời kỳ cao điểm của Chương trình ODP rơi vào nhiệm kỳ công tác của tôi. Mỗi tháng, chúng tôi sang Việt Nam hai lần, mỗi lần để tổ chức hai cuộc phỏng vấn mỗi cuộc kéo dài hai tuần". Alison Krupnick nhớ lại hôm đến thăm nhà ông Phạm Xuân Ẩn, bề ngoài là để hỏi ông về việc liệu Ân có biết cha mình là tình báo viên trong thời gian chiến tranh hay không. "Tôi rất nhớ tôi đã bị ấn tượng mạnh, bởi phong cách đầy phẩm hạnh của ông Phạm Xuân Ẩn. Việc được gặp ông lại thêm một minh chứng nữa cho tôi về sự phức tạp của cuộc đấu tranh vì độc lập của người Việt Nam. Rõ ràng là rất nhiều nhà báo đã tỏ lòng kính trọng và tin cậy Phạm Xuân Ẩn. Vậy mà ông lại là một điệp viên. Điều đó khiến tôi tự hỏi phải chăng ông là con người luôn làm việc theo lương tâm của mình, một người luôn đấu tranh với lương tâm của mình, hay đơn giản đó chỉ là một người cơ hội… Là một người Mỹ còn trẻ tuổi và ngây thơ, lại chưa từng trực tiếp trải qua chiến tranh, tôi chỉ có thể mường tượng được rằng người ta có thể làm được điều đó một khi nguyên tắc của họ bị xâm phạm hoặc an ninh của gia đình họ bị đe doạ. Câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn giống như những câu chuyện của nhiều người mà tôi đã từng gặp đã nhắc nhở tôi một điều rằng mọi thứ trên đời không phải lúc nào cũng rõ ràng như hai màu đen và trắng".
Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Alison Krupnick đến để kiểm tra tôi và muốn biết con trai tôi có biết gì về cuộc chiến tranh không. Tôi đã nói với cô ấy rằng tôi hoạt động đơn tuyến, nên chẳng có ai giúp đỡ tôi và rằng tôi là một con sói cô đơn. Vì thế, con trai tôi chẳng biết gì. Cháu hoàn toàn mù tịt về những gì tôi đã làm. Cháu nó chỉ biết vào năm 1976, tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng".
Sau đó, câu chuyện của hai người chuyển sang đề tài chiêm tinh học và Phạm Xuân Ẩn phát hiện ra rằng cả ông và cô Alison Krupnick đều thuộc cung xử nữ. "Sau đó, tôi cho cô Alison Krupnick mượn cuốn thuật bói toán bằng tiếng Pháp của tôi. Tôi nói với cô ấy rằng tôi rất mê tín, sinh ra dưới sao chiếu mệnh cung xử nữ, và tôi cảm thấy một dấu hiệu tốt lành khi có một phụ nữ đến để kiểm tra tất cả những điều này. Tôi cảm thấy đây là dấu hiệu của việc mình được bảo vệ". Krupnick khẳng định có một cuộc trao đổi như vậy đã diễn ra và cô còn nói thêm rằng "vâng tôi là người mang mệnh xử nữ. Tôi vẫn thấy buồn cười mỗi khi nhớ lại một người đầy nhân cách như ông Phạm Xuân Ẩn có lần hỏi tôi có bị rối loạn tiêu hoá không bởi vì những người nào mang cung mệnh này rất hay bị rối loạn tiêu hoá. Hình như những cuộc chuyện trò chẳng đâu vào đâu như vậy thường thấy ở Việt Nam".
Krupnick cũng nói với ông Phạm Xuân Ẩn rằng cô đã sống ở Monterey thời kỳ học tiếng Việt tại Học viện quốc tế học Monterey và đã được nhận bằng cử nhân văn chương. Phạm Xuân Ẩn kể lại cho cô nghe chuyện ngày ông được mời dạy tiếng Việt cho một đoàn cố vấn Mỹ chuẩn bị sang Việt Nam và nghĩ một cách hài hước rằng, nếu ngày ấy ông nhận công việc đó chắc ông đã là thầy giáo dạy tiếng Việt cho cô rồi.
Giờ đây, Anson làm việc phối hợp chặt chẽ với bà Judith Ladinsky - người đã vạch ra kế hoạch rất chi tiết để giúp cháu Ân nhận được visa. Bà Judith Ladinsky còn sẵn sàng làm giúp mọi thủ tục giấy tờ giữa Hà Nội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một khi xác nhận được ai là người bảo trợ cho cháu Ân.
Công việc của bà Ladinsky là một huyền thoại ở Việt Nam: Bà đã giúp đỡ Uỷ ban Hoa Kỳ về Hợp tác khoa học xây dựng một phòng khám đa khoa phát đạt thiết lập chương trình nghiên cứu hỗn hợp và chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu nhi khoa, giải phẫu, dinh dưỡng, HIV/AIDS và điều trị bệnh ung thư. Một phần nhiệm vụ của Uỷ ban Hoa Kỳ về Hợp tác khoa học là thúc đẩy cho sinh viên Việt Nam được sang Hoa Kỳ học tại các trường đại học. Chương trình trao đổi giáo dục Việt Nam của bà Judith Ladinsky tổ chức kiểm tra tiếng Anh TOEFL mỗi năm hai lần ở Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Con trai tôi chắc sẽ chẳng đi được nếu không có sự giúp đỡ của bà Judith Ladinsky".
Một trong những lời khuyên quan trọng nhất của bà Ladinsky là cần có một lá thư gửi cho ông Henry Dearman, Trưởng Khoa Đào tạo sau đại học, để đề nghị ông cho miễn giấy của người bảo lãnh để cháu Ân có thể được áp dụng mẫu nhập cư I-20 khi xin visa. Anson liền gợi ý tất cả các nhà báo bạn bè của ông Phạm Xuân Ẩn ký tên vào đơn, rồi chuyển cho Trường Đại học North Carolina. Trong danh sách đó có cả tên của Giám đốc CIA William Colby, bạn của ông Phạm Xuân Ẩn "vì biết chắc là chẳng ai kiểm tra điều đó".
Rất may, ông Trưởng khoa Dearman đã miễn mục yêu cầu về người bảo trợ, vì Chủ tịch Spangler của Trường UNC đã có quà riêng cho cháu Ân, hơn nữa gia đình Kyser có mối quan hệ tốt với Nhà trường UNC. Tôi hỏi bà Amanda Anson vì sao ông Chủ tịch Spangler lại giúp đỡ Ân nhiều như vậy? Bà đáp: "Vì ông ấy là chủ tịch mới của Trường UNC và sống chỉ cách nhà mẹ tôi có hai toà nhà. Ông Spangler vừa được bổ nhiệm thay thế một vị chủ tịch rất được nhiều người yêu mến tên là Bill Friday. Đây là trường hợp một nhân vật mới trợ giúp một sự nghiệp chân chính. Thời gian về sau càng chứng tỏ rằng, ông ấy tin tưởng ở Ân rất nhiều, giống như bất kỳ ai khác. Sau này, ông Spangler đã đến thăm gia đình Phạm Xuân Ẩn ba lần tại Việt Nam và đó cũng là dịp để cha của cháu Ân bày tỏ lời cảm ơn".
Trong giai đoạn này, những nỗ lực của Frank McCulloch trở nên đáng kể nhất, vì đúng vào lúc chính gia đình ông đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Con trai của Frank McCulloch ốm rất nặng và sắp qua đời, nên ông phải nghỉ việc để dành thời gian cho gia đình. Mười lăm năm sau, Phạm Xuân Ẩn nhờ tôi chuyển giúp vài lời ghi âm sau đây đến Frank McCulloch: "Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với ông, vì đã giúp đỡ con trai tôi ở mức cao nhất mà ông có thể làm được, đặc biệt là trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt đối với ông, vì ông chỉ có một đứa con trai, cháu làm luật sư, nhưng bị ốm nặng và không thể bình phục. Mọi người đều biết rằng cháu sắp từ bỏ ông mà đi vì không có thể sống được lâu… trong hoàn cảnh căng thẳng và đầy áp lực như vậy mà ông vẫn dành nhiều thời gian để quyên góp tiền cho con trai tôi. Tôi thực sự biết ơn và đánh giá ông rất cao".
Nhờ sự giúp đỡ của bà Judith Ladinsky, Phạm Ân đã ký vào đơn gửi Chương trình Trao đổi Giáo dục Việt Nam để xin đi học báo chí ở Hoa Kỳ. Bà Ladinsky nhớ lại cuộc chuyện trò của bà với Phạm Ân: "Cháu là một thanh niên thú vị và dễ chịu, luôn biết đánh giá cao tất cả những gì mà cha cháu cũng như bạn bè của cha đã và đang làm cho cháu. Tôi đã hỏi Phạm Ân về vai trò của cha trong thời gian chiến tranh. Cháu cho biết, cha đã phải chịu áp lực rất lớn và cha đã biết ơn đến mức nào đối với những gì mà Tạp chí Time đã làm cho gia đình. Phạm Ân nói với tôi rằng cháu không thể hiểu nổi, vì sao cha có thể sống một cuộc sống đầy nguy hiểm như vậy trong một thời gian rất dài".
Trước đó gần 10 năm, Karsten Prager từng viết thư cho McCulloch, nói rằng: "Tôi luôn thích Phạm Xuân Ẩn, nhưng chưa bao giờ tôi hoàn toàn tin cậy ông". Sau này, Karsten Prager trở thành một mối liên lạc mới giữa Ân và Anson mỗi khi Frank đi vắng. Anson đã nói với Phó Phòng Lãnh sự Lay Woodruff tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok: "Mỹ đã biết lai lịch của Phạm Xuân Ẩn trong thời kỳ chiến tranh và thấy về phía chúng ta không có sự rắc rối đặc biệt nào đối với cháu Ân. Woodruff trả lời rằng cháu Ân sẽ không gặp trục trặc nào trong việc nhận visa nhập cảnh Hoa Kỳ và bản thân ông đã cho điện về Washington đề nghị cho bánh xe quay theo hướng này".
Vào dịp lễ Tạ ơn năm 1990, mọi việc thẩm tra về an ninh đối với Phạm Ân đã được thông qua và cháu được cấp visa sinh viên hạng F-l. Những người bạn và đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn đã quyên góp đủ tiền chi phí cho học trong hai năm ở Trường Đại học North Carolina. Phạm Xuân Ẩn gửi toàn bộ tiền hưu trí của ông do Tạp chí Time trả cùng với 8.000 USD nữa để đóng góp vào quỹ này. Các nhà báo tham gia đóng góp với tư cách cá nhân gồm Neil Sheehan, Stanley Karnow, John Larsen, John Apple, Morley Safer, John Gnffm, Bill Plante, Don Moser, Stanley Cloud, Dan Brehs, Laura Palmer, Dick Swanson, Jason Shaplen, Dick Clurman, và một phần đóng góp của Tạp chí Time. Hầu hết, các đồng nghiệp đều chia sẻ những tình cảm mà Jack Laurence viết như sau: "Tôi rất vui lòng tham gia chiến dịch gây quỹ… tôi biết ơn các bạn đã cho tôi biết có một việc làm chính nghĩa đang cần được giúp đỡ".
Mọi giấy tờ của Ân đang chờ ở Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok. Đến phút chót, một sự cố xảy ra. Trước hết, Ân phải bay ra Hà Nội để trực tiếp đến Đại sứ quán Thái Lan xin visa nhập cảnh Thái Lan. "Cô Judith Ladinsky đã giúp đỡ cháu rất nhiều ở công đoạn này", sau này cháu nói với tôi như vậy. Sau vài ngày ở Hà Nội, cháu lại phải trở về Thành phố Hồ Chí Minh trước khi bay sang Bangkok. Tại Bangkok, các nhân viên của Tạp chí Time đã giúp bố trí khách sạn và dẫn cháu đi mua một bộ complet mới. Hôm sau, cháu đến làm các thủ tục visa, qua một cuộc phỏng vấn ngắn gọn của Đại sứ quán Mỹ. Từ Bangkok, cháu bay thẳng sang New York, Anson ra sân bay John F. Kennedy đón cháu.
Bob Anson kể: "Tôi vẫn còn nhớ Ân đã vui thích như thế nào khi đến nhà tôi. Đón cháu tại sân bay, Ân vẫn còn mặc bộ complet mới mà Tạp chí Time đã mua cho ở Bangkok. Cháu giống như một đứa trẻ, rất vui thích khi được đến Disneyland".
Phạm Ân đã học hai năm ở Trường Đại học North Carolina, làm việc một nửa thời gian tại thư viện của nhà trường và có một kỳ thực tập ngắn tại một toà báo, giống hệt như cha cháu đã từng làm trước đó 30 năm tại báo Sacramento Bee. Trong một cử chỉ gợi cho tôi nhớ về cha cháu, Phạm Ân chạy đến một chiếc hộp ngăn kéo trong phòng đọc sách của gia đình, rồi rút ra những mẩu cắt báo những bài mà cháu đã viết.
Bài đầu tiên khiến tôi gần như không còn nghi ngờ gì về sự ảnh hưởng từ bóng dáng của cha cháu, nhưng đồng thời cháu cũng có những nét riêng. Bài báo xuất hiện trên tờ Chapel Hill Herald- Sun số ra ngày 29/5/1993, có tựa đề Nơi che chở động vật điều trị, phóng thích những con vịt bị thương được ký tên "Ân Phạm, phóng viên".
Như đã hứa, năm 1993, Phạm Ân đã trở lại Việt Nam để bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao. Năm 1999, cháu giành được học bổng Fulbright, được học một khoá tại khoa Luật, Trường Đại học Duke, Hoa Kỳ. Khi cháu cần sự giúp đỡ về tài chính để dự thêm một học kỳ mùa hè tại Trường Đại học Duke, Chủ tịch Trường Đại học North Carolina Spangler đã không ngần ngại giúp cháu.
Mặc dù trong suốt ba năm học luật tại Trường Đại học Duke phải ở Durham, nhưng lễ Giáng sinh nào, Ân cũng về với gia đình Kysers. Ngày 16/12/2000, trong một bưu ảnh Giáng sinh gửi cho bà Georgia Kyser, Phạm Xuân Ẩn viết: "Vợ tôi và tôi rất biết ơn bà và mọi người đã coi cháu Phạm Ân là một thành viên trong gia đình mình. Đối với cháu, nhà bà chính là nơi ở thứ hai của cháu và cháu rất may mắn được trở lại bang North Carolina để được học thêm".
Tôi muốn kết thúc bằng một câu chuyện ngắn liên quan đến tôi của một người bạn tôi là Đại uý Mark Clodfelter thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Quốc gia - người từng đưa lớp học của mình sang Việt Nam mùa xuân năm 2006. Mark và các bạn của ông đã được dự một buổi tiếp của ông Lê Quốc Hùng, Vụ trưởng một vụ ở Bộ Ngoại giao và là sếp của cháu Ân. Khi đó, Phạm Ân cùng dự, trao đổi và nói vài lời nhận xét trong phần hỏi đáp. "Ngày 8/5/2006, Phạm Ân gặp nhóm của chúng tôi gồm tám học viên (gồm cả không quân, bộ binh, hải quân, và thuỷ quân lục chiến, một người của Bộ Ngoại giao, một người của Bộ Không lực dân sự). Tất cả chúng tôi đều có ấn tượng sâu sắc bởi sự hiểu biết rất tinh tế của Phạm Ân về các mối quan hệ -đối ngoại của Hoa Kỳ, cũng như khả năng tiếng Anh lưu loát và cách diễn đạt của anh. Khi ra về, tất cả chúng tôi đều có ấn tượng mạnh trước sự hiểu biết tuyệt vời của anh Phạm Ân về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ".
Trong thời gian Tổng thống Mỹ George W. Bush thăm Việt Nam tháng 9/2006, Phạm Xuân Hoàng Ân được chọn làm phiên dịch cho cuộc trao đổi giữa Tổng thống Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Phạm Ân nói với tôi: "Cháu ước gì ba cháu có mặt ở đây để chứng kiến những giây phút này. Giọng của cháu đôi lúc đã nghẹn lại trong quá trình phiên dịch cho Tổng thống và Chủ tịch nước, cháu đã cố kiềm chế những giọt nước mắt của mình vì quá xúc động".
Vâng, cha của cháu đã từng tự hào về con trai mình, nhưng tôi nghĩ chắc ông còn cảm thấy hạnh phúc hơn khi các mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên rất thân thiết và gần với trái tim ông.
Phạm Xuân Hoàng Ân đứng cạnh Tổng thống George W. Bush tại Trung tâm chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (ảnh được in với sự đồng ý của Phạm Ân)
Chú thích:
(1) Cuộc các mạng trong phát triển kinh tế - xã hội. (NXB).