Ông giáo Thư từ bờ sông trở về nhà lúc trời bắt đầu mưa nặng hạt, khi ấy cũng đã khuya lắm rồi, cô Ngọc nhất định bắt ông về, sợ dầm mưa người già dễ bị cảm. Nhưng ông đâu có sợ ốm, giá mà ông chết được, để cháu Quỳnh sống lại thì sung sướng biết bao!Về đến nhà, ông lập cập thắp hương lên bàn thờ lầm rầm khấn nguyện hồi lâu. Ông cũng chẳng biết mình đang cầu xin điều gì, còn gì đâu mà xin? Cháu Quỳnh, tình yêu lớn nhất, còn lại với ông trên đời này, không còn nữa. " Bà ơi, bà đón cháu về với bà. TỘi nghiệp cháu tôi, nó sống mới cô đơn làm sao, giữa cõi đời ích kỷ này".Tại sao con người ngày càng ích kỷ hơn? Mà họ còn tự hào về việc " biết sống cho mình " như là một thái độ văn minh phù hợp với tiến bộ xã hội!Có lẽ loại người thành đạt dễ dàng là những con người ít biết nghĩ đến người khác. Họ không thể hiểu được những nỗi khổ của những kẻ lận đận. Hưng con trai ông là loại người như vậy. Ông nhớ mãi hồi đó nó vừa từ nước ngoài trở về với tấm bằng tiến sĩ khoa học, ông và mấy cô con gái tổ chức một bữa cơm liên hoan gia đình đón tiến sĩ vinh quy.Trong khi gia đình hàn huyên trò chuyện, cô Kim đã nói chuyện với anh trai:- Số anh Hưng may mắn thật! Đúng là " con trời", chả bù với chị Ngọc, lận đận đến trên ba mươi mới bắt đầu vào đại học.Hưng cười khà khà:- May mắn chỉ đến với người thông minh và có bản lĩnh mà thôi.Ông THư nghiêm trang nói:- Cẩn thận đấy con ạ. Ông trời chẳng nuông chiều riêng ai đâu.Hưng nheo mắt nhìn chị gái rồi vui vẻ nói:- Nếu trời nuông chiều thì chính ông ta đã ban cho chị Ngọc bao nhiêu là ưu việt: xinh đẹp này, thông minh này, tài hoa này. Thế mà sao chị lận đận thế?Ông giáo thở dài phiền muộn, ông nói giọng thâm trầm:- Đừng đùa diễu vậy. Chính chị con đã chịu khổ để gánh cho cả nhà được yên lành. Mẹ các con mất sớm...Ngọc thấy không khí bỗng dưng nặng nề, cô cười xoà cắt ngang lời bố:- Bố ơi, số trời cho thế nào được thế. Thằng Hưng số tử vi đã nói là công thành danh toại mà.Hưng lắc đầu, anh nói:- Em không tin tử vi. Em tự tin mình. Quan trọng nhất trong cuộc sống là con người biết chớp lấy vận may mà tiến lên. Còn ai cứ do dự khi thời vận đến, cứ ngần ngại cân nhắc mãi, thế là suốt đời nhỡ nhàng.Ông giáo cảm thấy nghẹn, một cái gì như xúc phạm đến cuộc đời thanh bạch của ông. Ông là người luôn nhường nhịn mọi người, chịu đựng thiệt thòi một cách vui vẻ. Trong cả đại gia đình, thì ông là người có địa vị xã hội khiêm tốn nhất, nhưng mà cả họ đều kính trọng người anh cả, đã hi sinh để dìu dắt cả đàn em học hành, làm nên danh giá. Vậy mà giờ đây đứa con trai của ông đã nói thẳng ra ý nghĩ của nó như vậy.Nhưng thôi, âu đó cũng là sự khôn ngoan của lớp trẻ, có như vậy thì hôm nay ông mới có vinh dự đón đứa con đỗ đạt cao. Ông nâng cốc chúc mừng:- Mừng con trai bố nối nghiệp được ông nội!Hưng nhìn lên ảnh ông nội, anh đến bên bàn thờ thắp thêm nén hương, mắt ngưỡng mộ ngắm nhìn người ông râu tóc bạc phơ phơ uy nghiêm nhìn xuống đàn con cháu. Hưng nói giọng thành kính:- Cháu hứa với ông sẽ giữ gìn truyền thống giòng họ nhà ta.Khi Hưng trở lại bàn ăn, ông giáo từ tốn nói:- Theo con truyền thống giòng họ Mạc nhà ta là gì?- Bố ơi, con nghĩ là con sẽ phấn đấu thành đạt và gìn giữ đạo đức gia phong nhà ta.Cụ giáo lại nâng ly rượu chạm cốc với con:- Thành đạt là số trời cho. CÒn sự trong sạch là do lòng mình thành tâm gìn giữ. Bố chúc con!...Ông Thư chưa bao giờ thật yên tâm với đứa con trai của mình, nó càng tự tin ông càng thấy nó chênh vênh. Theo ông, cuộc đời vững bền cốt ở lòng nhân hậu, mà nó thì ít quan tâm đến người khác quá. Nó đã quen được mọi người chăm lo cho nó rồi.Hồi bà ấy còn sống chả hiểu thầy tướng số nói thế nào mà bà ấy gọi nói là " con trời ", nên chị và em gái nó đều phải nhường nhịn cho nó mọi điều.Ông Thư đến trước bàn thờ, nhìn vào ảnh vợ, khuôn mặt hiền từ như Đức Phật Quan âm, bà đang trầm mặc chia sẻ nỗi đau của lòng ông.Ông thì thầm hỏi bà:- Bà ơi, con trai của chúng ta ít tình thương quá, bởi tại bà thương nó quá nhiều, mà nó không còn biết chăm lo đến người khác nữa. Có phải vì vậy mà con bé Quỳnh đã bỏ cõi đời này mà đi không?Những vòng khói lung linh quyện quấn quanh bức ảnh rồi từ từ lan toả, thành một bầu không khí mờ mờ xanh, ông cảm thấy đôi mắt bà như nhoà ướt, khuôn mặt bà lay động, đôi môi bà mấp máy. Một vang vọng nào đó dội vào tâm tưởng ông: " Thế ông không có lỗi gì ư? "Ông đứng sững, rồi hai tay ôm mặt, ông bật khóc. Suốt từ chiều khi nghe tin Quỳnh chết, đến bây giờ ông mới khóc được. Nỗi đau oà ra, bung vỡ như máu tuôn trào:- Ông có tội lớn với cháu, cháu ơi!... Ngay từ bé Quỳnh đã gắn bó với ông nội - Hồi đó ông Thư vừa về hưu, ông vui mừng được có cháu nội nên tự nguyện đến trông nom cháu với ý đồ sẽ áp dụng phương pháp " giáo dục từ thuở lọt lòng" mà ông đã đọc trên các tạp chí nước ngoài. Điều quan trọng là ông tìm thấy công việc hữu ích khi phải xa mái trường mà ông đã gắn bó bốn mươi năm, ông vẫn được tiếp tục công tác sư phạm trên một vị trí khác.COn bé là một tạo vật tuyệt vời của thượng đế, không những nó xinh đẹp khoẻ mạnh, mà nó thật thông minh, tính nết dịu dàng. Nhưng mà thần kinh con bé quá nhạy cảm, những cơn xúc động dẫn đến mê sảng.Một lần ông dẫn cháu ra công viên chơi, vừa đi ông vừa kể chuyện cổ tích, khi kết thúc chuyện Tấm Cám, Quỳnh nét mặt buồn thiu, mắt rơm rớm, ông hỏi cháu:- Sao cháu không thích à?- Cháu không yêu cô Tấm ông ạ.Ông sửng sốt:- Tại sao thế? CÔ Tấm ngoan thế cơ mà?- Nhưng mà cô ấy ác lắm. Sao lại giết Cám rồi lại đem cho mẹ Cám ăn?Ông nắm chặt tay cháu, xúc động thấy cháu biết suy nghĩ, đó cũng chính là điều mà ông băn khoăn về tính thiện trong cổ tích của ta. Sự trả thù bao giờ cũng làm hạ thấp nhân phẩm và làm cho cuộc sống nặng nề.Ông hỏi cháu:- Nếu cháu là cô Tấm thì cháu sẽ đối xử với Cám ra sao?- Cháu không biết. Ông ơi, nên như thế nào là tốt nhỉ?- À ừ, ông lúng túng bất ngờ về câu hỏi của cháu, suy nghĩ rồi ông nói: ông sẽ khuyên cô Tấm là nên cho Cám về với mẹ, cho ruộng đất để cày cấy mà sống, rồi nếu Cám chịu làm ăn tử tế thì sẽ gả cho một ông quan, rồi sẽ sung sướng.Quỳnh cười như nắc nẻ, cô bé vui sướng ra mặt:- Đúng rồi, nhất định là Cám sẽ biết ơn Tấm và sẽ tốt lên ông nhỉ? Cháu thích truyện như thế lắm.Vừa lúc đó một thằng bé khoảng 11 - 12 tuổi chạy vụt qua, một anh thanh niên to lớn đuổi theo túm được, anh ta đánh thằng bé tới tấp vào đầu vào mặt, đứa bé gày gò rách rưới ngã dúi dụi xuống đất, hai tay ôm đầu che mặt lăn lộn dưới đất miệng rên la:- Em lạy anh, anh tha cho em, em lạy anh...- ĐỒ ăn cắp này! Đánh cho mày hết cái giống trộm cắp.Anh ta lại đánh. Mọi người xúm lại xem, chẳng một ai cứu đứa bé. Những đôi mắt thản nhiên đứng nhìn như xem gà chọi. Có người còn xúi vào " đánh chết đi!"Quỳnh đứng sững, hai mắt kinh hoàng, rồi cô bé cuống quýt giục ông:- Ông ơi, ông cứu thằng kia không nó chết mất!Ông giáo không đang tâm nhìn cảnh hành hạ như thế, ông định dắt cháu lảng sang nơi khác, nhưng Quỳnh trì níu ông lại, cô bé lại kêu lên thấy thanh:- Cứu nó với ông ơi! Trời ơi, đừng đánh nữa. Ác quá!Nghe tiếng cô bé gào lên như thế, mọi người quay ra nhìn, anh thanh niên dừng tay. Nhìn thấy cô bé 6 tuổi xinh xắn quá, anh ta có vẻ động lòng. Anh ta nói:- Thằng này chuyên đi ăn cắp móc túi. Anh mới lĩnh học bổng, cả tháng mới được vài chục bạc, thế mà nó lại móc túi mất.Thằng bé đứng dậy chắp tay lạy, nói:- Em trả lại cho anh rồi, anh tha cho em.Ông giáo hỏi:- Tại sao cháu lại đi ăn cắp?- Mẹ cháu ốm, nhà cháu chẳng còn gì ăn. Xin tha cho cháu.Ông giáo nói với anh thanh niên:- Tha cho nó anh ạMọi người nhao nhao phản đối:- Tha cho nó, thì lát nữa nó lại móc túi người khác.Ông giáo vẫn trầm tĩnh nói:- Thôi tha cho nó. Nhà nó nghèo quá.Thằng bé đến bên ông giáo nói:- Cháu cảm ơn ông!Anh thanh niên lấy lại chiếc ví của mình, đút cẩn thận vào túi áo trong, mọi người tản đi.Quỳnh sung sướng nắm tay ông:- Ông ơi, cháu yêu ông quá!Ông cũng cảm thấy lòng thênh thênh niềm vui:- Bây giờ hai ông cháu mình vào quán Gió ăn chè. Ông sờ vào túi để xem còn bao nhiêu tiền nhưng mà cái ví đã biến mất. Ông sững sờ lẩm bẩm:- Ví đâu rồi nhỉ?Quỳnh nhìn ông sửng sốt:- Ông mất ví rồi ư?- Mất rồi!Quỳnh buồn xỉu đi, niềm vui trên nét mặt tan biến, em nói nho nhỏ:- Tại anh ấy nghèo quá. THôi ta về đi ông.Nhìn thấy nét mặt ông buồn, Quỳnh nói:- Ông đừng buồn. Có khi là đứa ăn cắp khác nó móc ví ông, chứ không phải là ccái anh bị đánh đâu.- Ông cũng nghĩ thế! Chả lẽ lòng người lại phản phúc đến thế!Đêm hôm đó về, Quỳnh sốt li bì rồi mê sảng. Trong cơn mê cô bé hết lên: " Đừng đánh thế, thôi đừng đánh" rồi em lại lẩm bẩm: "anh xấu lắm sao lại lấy ví của ông tôi? "Ông giáo ngồi chườm khăn mặt lên đầu cho cháu, ông ngạc nhiên, hoá ra con bé cũng biết chính thằng bé ấy lấy ví của ông. Khi thằng bé đến bên ông cảm ơn, rồi nó đi ra khỏi vòng vây mọi người, nó đã lách sát vào người ông. Sau này khi nghĩ lại ông biết chính nó đã lấy, nhưng ông không muốn cháu biết sự vong ân ấy của một đứa bé, điều ấy có thể làm cho Quỳnh mất lòng tin vào lòng từ thiện.Sau này hai ông cháu đều không ai muốn nhắc lại chuyện đó nữa...Ông giáo Thư đến bên bàn, rót chén rượu, ông muốn dìm nỗi đau lại. Nhưng càng uống đầu ông càng tỉnh.Con bé tinh tế dịu hiền như vậy mà sống giữa những người thân dung tục, đầy ham muốn như thế thì chịu đựng làm sao được. Khổ thân cháu tôi! Cháu tôi một tí tuổi đầu mà đã cô đơn! Chính ông cũng đã để mặc nó một mình.... Khi Quỳnh lên 9, ông đã nhận thấy trong nhà Hưng có một cái gì khang khác. Giàu sang càng lớn, thì tình cảm với nhau càng lạnh nhạt. Chồng biết việc chồng, vợ biết việc vợ. Chỉ hai ông cháu là ngày càng thân thiết với nhau hơn. Ông kèm cháu học bài, ông dạy cháu học anh văn, ông cháu cùng đọc sách, rồi ông dịch sách thiếu nhi các nước cho cháu xem. Mọi chuyện vui buồn của tuổi ấu thơ Quỳnh chỉ kể với ông.Nhưng đến khi Lâm xuất hiện thì trong nhà rộn lên niềm vui náo nức. Anh ta như nam châm, hút mọi người quy tụ lại với nhau. Con bé Quỳnh tươi vui như con chim sổ lồng. Nó hầu như quên mất ông, chú Lâm đã đem nó hoà nhập với cuộc sống phồn vinh ngày càng nhộn nhịp của xã hội.Chiều chiều chú đèo xe máy cho cháu đi chơi. Chú đưa cháu vào các cửa hàng sang trọng ăn đặc sản. Chú mua quà cho cháu những hộp chocolate, những táo và nho. Quỳnh mặc dù vui sướng có chú Lâm, nhưng bao giờ cũng nhớ đến chú Lâm. Hôm nào nó cũng mang quà phần ông. Ông không nhận thì nó phụng phịu khóc. Ông thông cảm với niềm vui trẻ thơ, nhưng ông buồn lắm. Ông như cái tổ chim xơ xác bị bỏ quên, chim non ra ràng tung cánh vào trời xanh, tiếng hót vọng lại trong vắt lanh lảnh, càng làm cho cái tổ trống rỗng xấu xí, vô ích như một búi rác vương trên cành cây.Ngồi một mình buồn quá, ông tìm niềm vui trong việc dịch sách để cho Quỳnh xem. Bởi vì sách dịch bán ở cửa hàng toàn chuyện tình ái và đâm chém. Ông dịch các tác phẩm nổi tiếng của Pháp như quyển " Thằng nhóc", quyển " Hoa tuy lip đen"... Thấy Quỳnh hứng thú đọc, ông vui sướng lắm. Ông dịch chỉ cho Quỳnh và các bạn nó đọc. CÒn để xuất bản thì ông không thể hiểu nổi mọi sự rắc rối của cái ngành này. Đành phải làm cái việc rất Phi kinh tế như thằng con trai ông phê phán, dịch không nhuận bút!Một buổi chiều ông ngồi bên cửa sổ cắm cúi dịch sách, ông nghe thấy tiếng kẹt cổng, nhìn xuống sân ông thấy Lâm dắt xe máy vào. Sao hôm nay anh ấy đến sớm thế, Quỳnh đi học đến năm giờ mới về cơ mà, ông định bảo với anh ấy như vậy nhưng rồi lại thôi, ông không thích giao tiếp với con người quá tân tiến này. Rồi ông mải vào dịch quên là nhà có khách. Cho đến khi ông xuống nhà lấy phích nước sôi để pha chè, thấy các phòng đều vắng hoe. Nhưng khi ông bước vào phòng mình, vừa khép cửa thì chợt nhìn thấy từ phòng Tuyết cửa bật mở, Lâm và Tuyết cùng đi ra, nhìn họ thân thiết bá vai nhau. Ông vội vàng khép cửa nhẹ nhàng để họ không biết mình đã trông thấy.Ông đau nhói tim, ôm ngực ngồi phịch xuống ghế. Ông hiểu chuyện gì đã xảy ra. Không hiểu sao ông không thấy mình tức giận, mà chỉ cảm thấy đau lòng, biết rằng ngôi nhà êm ấm này sắp sụp đổ.Suốt đêm đó ông không ngủ được, cứ trằn trọc mãi, không biết nên xử trí ra sao. Loại chuyện này càng dấu kín thì càng duy trì được gia đình. Rồi hi vọng rồi thời gian trôi qua, những bột phát nhất thời rồi sẽ nguôi đi. Và sự êm đềm sẽ trở lại. Muốn vậy phải loại bỏ kẻ nào trót chứng kiến. Mà ông là người biết trước nhất sự việc đó.Sáng hôm sau ông nói với Hưng:- Hưng ạ, Ba muốn về sống với chị Ngọc. chồng chị ấy mới mất, trên nhà vắng vẻ quá. Mà thằng Hiền con trai chị ấy đang tuổi hiếu động, cần phải có người lớn dạy dỗ nó.Hưng không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, anh nói:- Ba về trên ấy thì Quỳnh buồn lắm đấy. Nhưng mà ba nói phải. Cần phải giúp đỡ chị Ngọc. Ba về đấy thì con có điều kiện để giúp thêm về kinh tế cho chị. Nếu không thì mấy lần con đưa tiền, chị ấy toàn từ chối. Mà lương cán bộ thì làm sao đủ mà nuôi con.Thế là ông giáo Thư về ở với con gái. Và con bé Quỳnh phải xa ông từ đấy.Những ngày đầu xa đứa cháu gái, ông không sao ngủ được vì nhớ đứa cháu, lại thêm nỗi thấp thỏm lo sự đổ vỡ xảy ra chưa biết bùng nổ lúc nào. Lòng ông lúc nào cũng nơm nớp.Quỳnh hàng tuần đến thăm ông, lần nào nó cũng mang quà cho ông. Nhìn cháu vẫn vui vẻ hồn nhiên là ông mừng lắm. Vậy là vẫn còn yên ổn. Bẵng đi một tháng không thấy cháu đến thăm, lúc đầu ông nghĩ là cháu bận học thi, vả lại xa lâu thì nhạt dần, nó có việc của nó chứ lúc nào cũng nhớ ông sao được, đừng nên trách nó vô tình. Dù sao ông cũng nóng ruột lắm, định chủ nhật sẽ phải đến thăm xem sao.Thế rồi một buổi chiều, Quỳnh đến, lần này nó không mang quà. Vẻ mặt buồn rầu, quần áo lôi thôi, vừa trông thấy ông nó đã oà khóc nức nở. Ông chưa hiểu chuyện gì, nhưng linh cảm đã cho ông biết, điều tai hoạ ấy đã bùng nổ rồi.Bàn tay gầy guộc xanh xao của ông vuốt mãi lên tóc cháu:- Khổ thân cháu tôi!Quỳnh nức nở nói:- Cháu thấy mẹ cháu ở với chú Lâm ở trong phòng mẹ cháu và khoá cửa lại, cháu nhìn qua lỗ khoá...- Chết! Thế mẹ có biết là cháu nhìn thấy không?- Có. Lúc mẹ mở cửa thì thấy cháu đứng ở đấy.- Hỏng rồi! Thế cháu đã nói gì với mẹ?Quỳnh gục đầu vào lòng ông rồi lắc lắc đầu đau khổ, hồi lâu em nghẹn ngào nói:- Cháu đuổi mẹ cháu " Cút đi "Ông giáo sững sờ, ông lẩm bẩm:- Cháu xử sự sai rồi. Thế nhỡ mẹ đi mất thì sao?- Cháu ghét mẹ cháu, cháu không muốn nhìn thấy mẹ nữa. Cháu căm chú Lâm. Chú ấy đểu lắm.Ông giáo chết lặng trước nỗi đau của đứa trẻ. Mới 10 tuổi đầu đã phải chứng kiến những việc phản bội trơ trẽn. Nỗi đau của đứa trẻ trước sự tan vỡ gia đình thật không thể lường được. Con bé bỗng nhiên " già " đi.Ông giáo Thư uống thêm chén rượu nữa. Hương trên bàn thờ đã tàn. Ông đứng dậy thắp thêm nén hương nữa, ông lầm rầm nói với bà: " Bà ơi, tôi có tội lớn, lần ấy đáng ra tôi phải đến ở với bố con nó. Nhưng tôi lại không đến, không hiểu sao tôi lại ngại phải chuyển chỗ ở lần nữa. Nhưng cái chính là vấn đề TIỀN. Tôi thấy mình nghèo, anh ấy giầu có, mình chẳng nên bỏ con nghèo đến với con giầu. Sao tôi lại không nghĩ đến nỗi cô đơn của đứa cháu khốn khổ của tôi cơ chứ?" Ông giáo thở dài, mình cũng vị kỷ theo lối " sĩ" của ông đồ nho lẩm cẩm.Nhưng mà cái tội lớn nhất của mình là mấy tháng gần đây, con bé Quỳnh trở lên khủng hoảng thật sự. Vậy mà mình đã từ chối giúp đỡ nó.... Sáng thứ năm, Quuỳnh bỏ buổi học đến nhà bác Ngọc để gặp ông. Chỉ đến nhà vào buổi sáng thì ông mới ở nhà một mình. Thấy cháu đến bất ngờ, ông giáo Thư giật thót tim, ông run run ra cửa đón cháu:- Hôm nay cháu được nghỉ học ư?- Cháu bỏ học ông ạ. Cháu chán hết mọi thứ!Nhìn đứa cháu gái nay đã lớn phổng phao thành một thiếu nữ xinh đẹp, nhưng đôi mắt buồn thăm thẳm. Ông chợt nghĩ: " Có lẽ nàng Kiều cũng đẹp đến như thế này thôi. Vẻ đẹp khiến người ta lo ngại cho số phận".- Đừng nói thế cháu ạ. Cuộc đời quý giá lắm, đến tuổi bẩy mươi ông mới càng thấy cuộc đời trôi qua nhanh quá.Quỳnh thở dài:- Cháu không thể sống trong toà nhà ấy nữa. Ở đó chẳng có ai yêu thương cháu cả.- Cháu ạ, bố cháu yêu cháu nhất trên đời đấy. Chỉ có điều bố cháu bận công việc quá nên không chăm sóc cháu được.Quỳnh cúi mặt, cắn môi, nước mắt trào ra ướt đẫm đôi má mịn màng như cánh hoa hồng trắng. Quỳnh gắng kìm nén không khóc, lát sau Quỳnh nói:- Bố cháu yêu cháu, nhưng bố không hiểu cháu. Mà bố cháu có bao giờ chịu hiểu ai đâu, bố chỉ biết công việc mà thôi!- Đàn ông thường là như vậy. NHất là những người thông minh, thành đạt, họ dồn tâm trí vào sự nghiệp. Cháu nên biết thế, mà tha thứ cho sự vô tâm của bố cháu.- Thế sao ông cũng là đàn ông mà ông lại hiểu cháu đến thế? Ông ơi, ông cho cháu đến ở với ông nhé?Ông giáo bất ngờ về ý kiến của cháu. Ông cảm động vì Quỳnh tin cậy yêu quý ông đến thế. Nhưng phản xạ đầu tiên của ông là sự phiền phức. Rồi cô Ngọc sẽ nói gì khi bỗng nhiên lại thêm đứa cháu gái đến ở cùng? Rồi còn Hưng sẽ trách ông lôi kéo Quỳnh xa rời gia đình nữa.Ông tần ngần nói:- Thế cô Thanh đối xử với cháu thế nào? Trước đây ông thấy cô ấy chăm sóc cháu chu đáo lắm cơ mà?Quỳnh bĩu môi, mắt loé lên ánh tức giận:- Trước đây cháu nhầm ông ạ. Cô ấy tỏ ra thương yêu cháu là để bố cháu lấy cô ấy. Bây giờ lấy được rồi thì cô ấy lại muốn chiếm nhà, muốn đuổi cháu đi.- Đừng nghĩ xấu về người khác cháu ạ. Nhà cháu rộng thênh thang, mỗi người một phòng, việc gì phải chiếm nhà.- Ông không biết đấy, cô ấy bảo cô ấy là vợ bố cháu thì cô ấy là chủ nhà. Cháu là con gái sau này phải về nhà chồng, nhà này là của cu Thịnh!- Ôi dào! Cô ấy nói đùa đấy mà. Cháu đừng để ý. Mà phải mười năm nữa cháu mới lấy chồng cơ mà. Nay cháu mới có 15 tuổi. Lo xa thế làm gì?Quỳnh bực bội vì thái độ thờ ơ của ông, cô bé nói:- Cháu chẳng cần nhà, nhưng cháu ghê tởm con người dối trá tham lam ấy. Sống với con mụ thủ đoạn như vậy cháu cảm thấy mình thành ra đáo để và xấu tính. Cháu muốn bỏ gia đình mà đi đến một nơi nào thật xa.Ông giáo hoảng hốt vội ôm vai cháu và nói:- ĐỪng nghĩ bậy thế! Nếu cháu cần xa cái nhà ấy, thì cháu hãy đến đây ở với ông. Ông rất sung sướng khi được sống cùng cháu. CHỉ có điều ông nghèo lắm, sống với ông cháu sẽ khổ.Quỳnh ôm choàng lấy ông, gục mặt vào vai ông:- Cháu biết, chỉ có ông hiểu cháu thôi mà! Cháu yêu ông nhất trên đời này.Đôi tay già run rẩy ôm đứa cháu, nước mắt ông giàn giụa. Phải chi ông còn ngôi nhà của mình, ngôi nhà mà ông đã hiến cho Nhà nước làm công sở, thì nay ông sẽ vui sướng thảnh thơi đón cháu về. CÒn bây giờ, thân ông cũng chỉ ăn nhờ ở đậu, ông đâu có quyền tự quyết theo ý mình?Tối hôm đó ông giáo nói chuyện với con gái, kể tình cảnh của Quỳnh, rồi ông dè dặt đề đạt ý kiến của mình:- Ngọc ạ, ba thương cháu Quỳnh quá, nó không thể sống trong ngôi nhà ấy được nữa. Nó nói với ba là muốn xin về ở đây. Con nghĩ thế nào?Ngọc im lặng, nét mặt lặng tờ, lát sau cô nói:- Con cũng thương Quỳnh lắm. Nhưng chẳng thể nào giúp đỡ theo lối đơn giản như thế. Ba nghĩ xem, nó đến đây thì cậu Hưng đời nào chịu, mà mợ Thanh sẽ trách chúng ta, như vậy chẳng hoá ra dì ghẻ đuổi con chồng hay sao? Rồi họ hàng làng xóm sẽ cười chê, mang tiếng chết!Ông Thư thấy con gái nói có lý, nhưng ông hiểu Quỳnh đã phải đến đây van nài như vậy là sức chịu đựng của nó căng thẳng lắm rồi. Năm năm qua, kể từ ngày mẹ nó bỏ đi, mà có bao giờ nó phàn nàn với ông đâu.Ông cố nói thêm để thuyết phục con gái:- Dư luận bên ngoài thì kệ họ. Mình phải lo cho con cháu mình. Ba sẽ nói với Hưng và Thanh là cho Quỳnh đến đây để ba kèm cho học thêm ngoại ngữ. Nghe nói nó dạo này học hành sút kém lắm.Ngọc ngồi thừ hồi lâu, nét mặt căng thẳng cô nói:- Ba ạ, con yêu Quỳnh như con gái mình. Nó đến đây thì càng vui nhà, nhưng mà con lo lắm ba ạ.- Lo nỗi gì? CÓ rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Vả lại cchẳng lẽ thằng Hưng lại không chu cấp cho nó hay sao?- Không phải thế, con lo chuyện khác kia. Nhà mình thằng Hiền đã 16, mà con Quỳnh 15. Hai đứa đẹp như thiên thần thế kia mà ở gần nhau thì rồi ai biết sự gì sẽ xẩy ra?Ông Thư ngồi sững sờ, đúng là một vấn đề ông chưa hề nghĩ tới. Nhiều chuyện loạn luân đau lòng như vậy đã xảy ra trong các gia đình quý tộc, do ở quần tụ theo đại gia đình. Trai gái đến thì, ai mà ngăn được? Huống nữa những đứa cháu của ông lại đẹp đẽ thế kia.Ông đứng dậy thở dài, mở cửa đi ra vườn để thư giãn tinh thần. KHi bước xuống hết bậc tam cấp, ông chợt thấy một bóng người vừa đi ra vừa khép cổng lại, và sau đó lên xe đạp, đằng sau xe buộc đồ đạc cồng kềnh. Khi xe đạp đến dưới quầng sáng đèn đường, ông nhận ra là Quỳnh. Thế là con bé đã nghe hết câu chuyện giữa ông và cô Ngọc. Nó đã bỏ đi? Trời ơi nó đi đâu, nhỡ ra nó đi...Ông hoảng hốt vẫy gọi chiếc xích lô, yêu cầu đạp nhanh đuổi theo cô bé đèo chiếc va li kia. Bác xích lô hớt hả đuổi theo, ngỡ là ông già bị kẻ gian lấy trộm. Đuổi mãi đến tận nhà Hưng, ông nhìn thấy Quỳnh dắt xe vào nhà, rồi rón rén đi theo cửa sau vào phòng mình. Ông thở phào nhẹ nhõm: " Ơn trời, thế là con bé đã về nhà, yên ổn rồi!". Ông rút thuốc quay lại mời bác xích lô. - Cháu nội tôi đấy ông ạ, cứ tưởng nó bỏ nhà đi. Thôi ông lại cho tôi trở về, lần này cứ đạp tà tà dạo mát, tôi đãi ông 5 nghìn. Đó là tất cả số tiền còn lại của ông giáo. Nhưng mà ông đang mừng. Vả lại nhìn bác xích lô già toát mồ hôi trong cuộc rượt đuổi, ông muốn cho ông lão cùng chia vui với ông. Lạ thế, đang giữa lúc đau lòng bất lực trước hoàn cảnh thế rồi tự nhiên lại mừng, mà thật ra nào có gì đáng mừng đâu cơ chứ? Người già cũng thất thường chả khác gì con trẻ! Thế là từ hôm ấy ông không gặp Quỳnh nữa. Con bé không đến thăm ông. Còn ông thì cứ yên lòng đinh ninh nó đã yên tâm sống ở nhà với bố nó. ... Ông lại rót rượu. Vừa uống vừa khóc. Thế là cháu tôi đã ra đi mãi mãi rồi. Chẳng làm cách nào để chuộc lại được tội lỗi này. Người ta còn trẻ, người ta ích kỷ vì hám sống cho thoả nhu cầu hưởng thụ. Còn mình, tuổi đã kề miệng lỗ mà cũng vị kỉ, chỉ mong tìm sự yên thân. Mình đã bỏ mặc con bé chơi vơi một mình với cuộc đời thực dụng này. Ngoài cửa sổ trăng mười bẩy ngả về phía Tây vằng vặc tròn vàng như quả thị lơ lửng. Từng đám mây xốp như bông dồn tụ lại như cái bị chờ hứng: " Thị ơi thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn". Cháu Quỳnh ơi, cô Tấm của ông có ở trong quả thị ấy không? Đầu óc ông đã quay cuồng say, ông lết đến giường nằm vật ra, mắt vẫn hướng về cửa sổ, cố nhìn vầng trăng Quả thị đang dần dần hạ xuống chân trời, nó đang rơi xuống với ông đấy: Cháu ơi xuống đây với ông! Và ông thiếp đi trong giấc mơ quả thị huyền thoại.