Tay cầm tờ báo và mấy nhánh cúc đại đóa đủ màu, Thiên Ân gõ nhẹ cửa và ló đầu vào. - Không phải em đánh thức anh Văn chứ? Văn mỉm cười nhổm dậy: - Vào đi, anh thức từ nãy giờ rồi. Đưa cho anh tờ báo và kéo rèm cửa ra để ánh nắng sớm lùa vào phòng, cô nói: - Hôm nay trời đẹp lắm anh Văn. - Anh biết. Đêm qua mưa lớn, nên sáng nay nắng nhẹ. Thiên Ân trề môi cười: - Ở đây đâu có TV, sao ai đọc bản tin dự báo thời tiết giờ này vậy ta? Văn phì cười. Thấy cô gỡ bó hoa rồi cắm vào bình, anh buột miệng hỏi: - Ủa! Sao hôm nay Ân cắm cúc đại đóa? Trong vườn nhà mình đâu có hoa này? Cô cười, khoe: - Sáng nay em đi theo cô Liên ra chợ mua len, thấy mấy bông hoa đại đóa này nhuộm đủ màu đẹp quá, nên cô mua cho em vài nhánh chơi. Bất chợt cô khựng người. Cành hoa trên tay cũng chùn lại, cô quay lại nhìn anh với ánh mắt kỳ lạ. - Gì vậy Ân? - Văn ngờ ngợ hỏi. Cô nheo mắt nhìn anh: - Anh.. anh vừa nhớ lại là vườn nhà không có trồng hoa này à? - Ừ. vậy thì sao? Thiên Ân thận trọng nói: - Sao anh lại... Vậy là có nhớ lại rồi à? Văn ngần ngừ rồi đành cười thú nhận: - Nói thật ra thì anh cũng đã dần nhớ ra một chút. - Từ bao giờ? - Lúc gần đây thôi. Thiên Ân hỏi gặng: - Anh thật nhớ hết à? Anh nhớ cả chuyện gặp Ân, nhớ đến cái bữa bị tai nạn chứ? Văn lắc đầu: - Cái đó thì chưa. Anh chỉ mới nhớ ra những gì liên quan đến thân thể mình, đến người thân, đến ngôi nhà này. Vậy thôi. Không rành mạch rõ ràng tất cả. Nhưng anh nghĩ từ từ rồi anh sẽ khỏe lại và nhớ lại hết. Anh nhìn cô cười: - Kể cả câu chuyện gặp mặt đầy ly kỳ của anh và Ân. Thiên Ân lườm anh: - Thì anh cứ nhớ lại đi, để xem Ân nói đúng hay không? Văn cười xòa: - Lại giận lẫy rồi à? Anh chỉ đùa thôi. Thiên Ân nhún vai không đáp. Văn hắng giọng: - Nhưng anh nghĩ mình sẽ cố khỏe lại, mong sao lành chân thì anh cũng tạm bình phục mà trở về với công việc được. Cô liếc nhìn anh với vẻ phân vân. Thật ra, cô cũng mong như thế, nhưng ngay khi biết anh đã chớm khỏe lại trong lòng lại có chút lo ngại. Cô biêt' anh có nghị lực, sẽ mau bình phục, nhưng khi anh bình phục rồi thì sao? Cô sẽ chẳng còn lý do gì nán lại đây nữa, trong khi mỗi ngày cô mỗi thấy gắn bó và yêu thích nơi đây, yêu thích những người trong gia đình này. - Em đang nghĩ gì vậy? - Văn chợt hỏi. Thiên Ân sực tỉnh, cô ngẩng lên: - À không. Đâu có gì. Ân đang nghĩ... phải báo tin vui này cho ông và cô Liên biết. Văn khoát tay: - Ân khỏi báo, ông tinh tế lắm, anh nghĩ ông đã để ý và biết rồi. Vả lại, anh cũng chưa lấy lại ký ức hoàn toàn, em để từ từ đi. Thiên Ân ngẫm nghĩ rồi hiếu kỳ hỏi: - Anh chưa nhớ rõ về chuyện trên Đà Lạt, vậy anh có biết về... về một bạn gái của mình chưa? Văn nhìn cô một thoáng rồi như không cần suy nghĩ, anh lắc đầu: - Anh chẳng có bạn gái nào đâu. - Có mà. - Không có, anh nhớ rõ mà. - Vậy sao cô Liên nói nghe anh điện thoại... Văn ngắt lời: - Chắc là cô nghe lầm thôi. Trước đây thì anh cũng có vài cô bạn gái thật đó, nhưng anh không rủ ai lên Đà Lạt với mình đâu. Thiên Ân ngờ ngợ nhìn anh: - Phải không đó? Văn cười dọa: - Anh chỉ mới mang máng nhớ lại thôi, nhớ được chút gì thì nên tin vào cái đó, em đừng có tung hỏa mù làm anh hoang mang mới được chứ. Thiên Ân đành cười: - Ừ nhỉ, em lẩn thẩn ghê, cứ hoài nghi tùm lum. Thôi anh cứ dưỡng bệnh, đã trên đà bình phục thì thế nào rồi cũng khỏe như trước thôi. Văn mỉm cười hài lòng. Tay anh với lấy tờ báo cô để bên cạnh. Thiên Ân cũng đã quay trở lại với công việc cắm hoa của mình. Báo hôm nay chả có tin gì đặc sắc. Lướt qua mấy trang vô vị, Văn hạ tờ báo và lơ đãng ngắm nhìn Thiên Ân cắm hoa. Mỗi ngày cô đều hái hoa trong vườn và cắm một bình hoa nhỏ cho anh. Những bình hoa nhỏ gần đây làm anh có cảm tưởng căn phòng của nội không đến nỗi tẻ nhạt như trước nữa. Có tiếng gõ nhẹ lên cánh cửa, Thiên Ân vội đến mở cửa. Bà Liên tươi cười đứng bên cạnh dì Lương với khay thức ăn trên tay. Trong khi Thiên Ân đỡ lấy cái khay, bà nói: - Biết Thiên Ân ở trong này cô đem luôn hai phần ăn sáng vào để hai đứa ăn chung cho vui. Văn ngạc nhiên: - Ủa, sao để tụi con ăn trong này hả cô? Cô và nội đã ăn sáng rồi sao? Bà Liên giải thích: - Cô không ăn sáng đâu, giảm cân đó mà, còn nội thì không có nhà. Hôm nay nội đi Sài Gòn từ sáng sớm. Nhổm người lên, Văn hỏi: - Nội lo việc công ty à cô? Bà Liên gật: - Có cuộc họp của công ty, mai chú Ba đi Singapore rồi, nên nội nắm việc để điều hành trong thời gian này. Văn nói với vẻ áy náy: - Con xin lỗi, chỉ tại con bệnh nên nội mới phải cực nhọc. Bà Liên cười: - Nếu con ngại thì ráng mà lành bệnh, vì nội có nói trước rồi đó, nội chỉ trở lại công việc một tháng thôi để đỡ giùm con và chú Ba. Văn gật đầu: - Dạ con biết rồi. Mấy ngày nay rảnh rỗi con cũng có coi lại hồ sơ cũ để lành chân rồi con sẽ về làm viêc. lại, nội đỡ cực. - Ừ vậy thì tốt quá. Quay qua ngắm nghía chậu hoa vừa cắm xong của Thiên Ân, bà gật gù bình phẩm: - Cháu cắm chậu hoa dễ thương lắm đó Thiên Ân. Cháu có học cắm hoa qua chưa mà cắm khéo vậy? Thiên Ân cười: - Dạ có, cách đây mấy năm, cháu có học một khóa. Bà Liên gật gù: - Hèn gì, cô để ý thấy mỗi một ngày là chậu hoa trong phòng này có dáng, có ý khác nhau. Đẹp lắm. Thấy Thiên Ân hơi ngượng với lời khen, bà Liên cười: - Cô thật chỉ biết thêu đan là khá thôi, chứ mấy vụ hoa cỏ này không có khiếu lắm. À mà nhắc tới đan áo mới nhớ, có cuốn sách dạy đan, người ta đem từ nước ngoài về tặng cô đó, chiều nay con vào phòng cô với con tập đan thử đi. Cô ngó thử qua rồi, có mấy mẫu áo mới, mấy kiểu nón cũng lạ mắt lắm. Thiên Ân tươi nét mặt, giọng cô háo hức: - Dạ, chiều con qua. Rồi mình thử bằng mớ len sáng nay mua hả cô? Bà Liên gật đầu: - Ừ, nhưng nếu có nhìn hình mà không ra thì phải nhờ đến Nam Văn phiên dịch đó. Được không Văn? Văn cười: - Con cũng không biết quên gì chứ có quên ngoại ngữ không, nhưng cô cứ đưa thử. Bà Liên gật gù: - Ừ. Thôi hai đứa ăn sáng đi kẻo nguội. Cô ra ngoài lo chuyện nhà đây. Chiều nhớ ghé cô đó nhé Ân. Cánh cửa phòng đã khép lại. Thiên Ân mang khay thức ăn đến bên giường Văn. Hai đĩa ốp la, xúc xích chiên vàng rụm và mấy khoanh bánh mì trông thật hấp dẫn. Cô rắt ít tiêu lên rồi cười nói với anh: - Hôm nay phải ăn sáng chung với mình Ân, anh Văn khó chịu không? Văn cười: - Có gì đâu khó chịu, còn thích nữa là khác. - Sao lại thích? - Vì có em ngồi đối diện, anh ăn ngon miệng hơn. Nói ra rồi, Văn mới thấy câu nói của mình hơi có ý gì đó ỡm ờ, may mà Thiên Ân không hiểu kịp, cô bĩu môi: - Xạo hoài, em biếng ăn, chỉ thích ăn vặt thôi, bữa chính thì nhai chậm như mèo, đâu có gì mà anh nói là ngon miệng. Văn tủm tỉm cười. Cầm miếng bánh mì cô đưa, anh hỏi: Còn Ân, mùi phòng bệnh chẳng ăn ngon miệng là gì, Ân không thấy ngán à? Cô hồn nhiên lắc đầu: - Ăn sáng với mình anh Văn, em lại thấy thoải mái hơn, ông nội anh với cô Liên cũng rất tốt nhưng nói thật nhé, ngồi ăn chung với toàn người lớn, Ân vẫn hơi ngại ngại. Văn mỉm cười: - Dĩ nhiên rồi, anh em mình đồng cảm vì đều là người lạ. - Chỉ có Ân là người lạ thôi. - Cô sửa lại. Văn thản nhiên lắc đầu: - Anh cũng là người lạ. Chừng nào chưa hoàn toàn phục hồi ký ức thì anh vẫn như thấy mình giống em. Thiên Ân chép miệng: - Có gì mà giống. Anh là người trong nhà này, là cháu của ông, cháu cô Liên, còn em chỉ là một con nhỏ lạ hoắc, ở ké vài hôm mà phải bịa một lý lịch giả. Có gì là giống nhau đâu. Văn nhìn cô: - Đừng nói vậy chứ Ân, anh khám phá ra em hay nghĩ ngợi đến những chuyện không vui rồi lo lắng buồn phiền. Cô cười gượng: - Vậy à! Nói thật nhé, em không biết nếu mai đây anh nhớ lại hết thì sao, lúc đó không chừng anh sẽ khó chịu vì sự có mặt của em, sẽ... bực bội vì em đã mạo nhận cô bạn của anh ở lì đây. Văn nhăn mặt nạt bừa: - Em nói gì kỳ vậy Ân? Anh có bình phục cũng đâu phải đổi tính vô duyên như thế, em đúng là con gái, cứ lo chuyện không đâu. Kỳ khôi quá. Chừng như nhận ra mình đã ủy mị quá, Thiên Ân cúi mặt ngồi im. Văn lặng lẽ nhìn cô một lúc rồi anh dịu giọng: - Đừng nghĩ quẩn nữa, anh biết em cảm thấy mình lạc lõng và cô đơn. Nhưng mình đã là anh em, là bạn bè rồi mà, anh không bao giờ xử sự vô lý như em nghĩ đâu. Thiên Ân lúng túng ngẩng mặt lên: - Là em nghĩ quàng xiên thôi. Sáng nay em kỳ khôi thật. Xin lỗi anh Văn. Văn gật đầu: - Thôi được rồi, không nhắc chuyện đó nữa, ăn sáng đi, nguội hết bây giờ. Thiên Ân dạ nhỏ rồi ngoan ngoãn cùng anh ăn sáng. Hai đĩa trứng chẳng mấy chốc đã hết sạch. Đưa cho Văn ly nước và cái ly nhỏ đựng mấy ly thuốc của anh, cô bưng cái khay định đem đi thì anh đã gọi với: - Khoan đã Thiên Ân! Cô quay lại ngạc nhiên, anh hỏi: - Em định làm gì tiếp theo vậy? Cô ngẫm nghĩ rồi lắc đầu: - Cũng không có gì làm hết. Chắc là em vào bếp coi có gì phụ dì Lương. Có gì không anh Văn? Văn khoát tay: - Đừng vào bếp. Rảnh thì ra vườn với anh. - Ra vườn? Để làm chi? - Thiên Ân ngạc nhiên. - Thì ra vườn chơi. Hôm nay nắng đẹp mà. Cô thắc mắc: - Sao anh không đọc sách hoặc nằm nghỉ mà lại muốn ra vườn? Anh muốn đánh cờ với em à? Văn lắc đầu: - Hôm trước thấy em đánh cờ với nội, thắng liên tục mấy bàn. Em đánh hay như vậy, anh làm sao đấu thắng em. Thấy cô vẫn còn thắc mắc, anh nói: - Em pha cà phê hay trà mang ra nhé. Nhớ nói cô mình ra vườn. Chừng mười phút sau anh và cô đã ở khoảng sân sau của nhà. Những luống hoa rung rinh trong gió thật đẹp. Văn và cô ngồi đối diện nhau qua cái bàn đá kẻ thành bàn cờ của ông. Trên bàn là khay cà phê và một bình trà đặc thật nóng. Văn có cái thú giống hệt ông là uống trà hay cà phê gì cũng phải kha khá đậm. Thoạt đầu Thiên Ân pha không đúng ý, bây giờ thì cô đã quen với liều lượng này rồi, thậm chí nội và anh lại khen cô pha ngon hơn dì Lương nên công việc này thường thì cô hay bị sai luôn. Dưới giàn Hải Đằng, ánh nắng không xuyên qua được giàn lá dày và rợp bóng nhưng nắng bên ngoài thì chan hòa. Không khí ở đây đầy nắng và ngập mùi hương của hoa, của đất. Hít thở thứ không khí ngập nắng gió đó thấy dễ chịu hẳn. Hớp ngụp cà phê thơm lừng, Văn chép miệng: - Ở đây dễ chịu quá. Thiên Ân gật đầu: - Gió lộng ghê anh Văn. Vườn nhà anh vừa rộng vừa trồng nhiều hoa thật đẹp. Em thích ra đây ngắm lắm. - Còn vườn nhà em? - Hả? - Cô giật mình nhìn qua anh. Văn quay mặt lại điềm tĩnh trước cái nhìn nghi ngại của cô: - Anh đang hỏi về vườn nhà em, nhà em có trồng cây không? Thiên Ân im lặng một chút rồi khẽ gật đầu: - Cũng có. - Trồng hoa gì vậy? - Bông giấy. Văn ngạc nhiên: - Bông giấy trồng thành vườn à? - Không có. - Cô lựng khựng lại khi đề cập về mình - Nhà Ân không có vườn, nếu kể về cây trồng thì chỉ có giàn bông giấy với một cây trắc bá diệp thôi. Văn vỡ lẽ: - Bông giấy trồng trước cổng phải không? Cô gật, mặt dàu dàu: - Rồi ai chăm sóc nó? - Anh hỏi. Cô im lặng. Văn nhìn cô, giọng nhẹ nhàng: - Ân nè! Anh chỉ muốn biết chút ít về em thôi, chẳng lẽ em lại muốn giấu anh tất cả sao? Không muốn kể gì cho anh biết à? Cô lắc đầu: - Không phải em muốn giấu anh, nhưng... - Nhà em có bao nhiêu người tất cả? - Anh ngắt lời cô bằng một giọng thật dịu dàng. Cô cúi mặt xuống đôi bàn tay, âm thanh nhẹ hơn gió: - Có... mình em. Văn hơi nhăn mặt, anh khẽ vươn tay nắm lấy mấy ngón tay cô: - Đừng vậy mà Ân, sao em cứ thu mình lại như vậy? Tuy mình biết nhau không lâu, nhưng cũng đã thân rồi mà, em không thể xem anh như một ông anh của mình sao? Sao không thể để cho anh biết một chút về em? Anh có thể chia xẻ với em mà. Thiên Ân ngẩng lên nhìn anh, cổ họng chợt khô khốc: - Ân không dối anh đâu. Gia đình bây giờ chỉ còn lại mình em. Ba mẹ em đều... đều mất hết rồi. Cô quay đi, muốn ngăn mình đừng rơi lệ nhưng cơn tủi thân vẫn làm đôi mắt ướt mèm, giọng như nghẹn lại. Văn lặng người nhìn cô. Mấy ngón tay của cô run lên trong tay anh: - Ân à! - Văn gọi khẽ - Anh xin lỗi. Anh không ngờ... Cô lắc đầu, giọng khàn khàn: - Không phải lỗi của anh. Chìa cho cô khăn tay, anh thở dài: - Ba mẹ em mất lâu chưa? Giọng cô nghèn nghẹn: - Mẹ em mất đã lâu, nhưng ba chỉ mới bỏ em sau này thôi. Chùi chùi nước mắt dấp mi, cô nói kể lể: - Chưa đến một năm. Thiếu mẹ, ba em là người em yêu thương nhất. Ba mất đi, em mới bơ vơ lạc lõng như vậy. - Nhà em ở Sài Gòn à? Cô gật đầu. Văn hỏi tiếp: - Em không còn người thân nào sao? - Cũng có, nhưng là... những người bà con xa, họ.. họ không gíup gì được cho em. Văn nhìn cô đăm đăm: - Ba em mất nên em buồn mà bỏ đi à? Vì vậy mà em không thích về lại Sài Gòn? Cô lắc đầu quầy quậy: - Không phải. Em không muốn về lại là vì... vì em tự thấy tủi hổ, em quá vô dụng. - Em đã làm gì? - Văn cau mày. Như chạm phải nỗi đau, cô mủi lòng sụt sùi, âm thanh cũng bị ướt sũng theo: - Không làm gì hết. Lỗi là tại em không biết làm gì hết, em cứ lo đau buồn khóc lóc, cứ tỏ ra vô dụng đến nỗi cuối cùng đã không giữ được những gì của ba mẹ để lại. Mất cả công ty, mất luôn cái nhà, chỉ trong vòng mấy tháng mà không còn gì. - Sao lại như vậy được? Cô lắc đầu, giọng buồn rũ: - Em cũng không hiểu vì sao lại như vậy, là lỗi của em. Mười mấy tuổi rồi, em vẫn không làm được trò gì ra hồn, trái lại làm hại đến thanh danh của ba, làm hại luôn mình. Văn muốn chia xẻ với nỗi ngậm ngùi buồn tủi của cô nhưng anh không biết phải làm thế nào, đành cầm bàn tay nhỏ nhắn của cô mà vỗ nhè nhẹ an ủi: - Em đừng đau buồn nữa, chuyện đã qua rồi. Quẹt dòng nước mắt, Thiên Ân gật đầu: - Em biết. Cũng chính vì ủy mị đau buồn mà em không đủ sáng suốt, làm hỏng mọi điều. Lưu lạc mấy tháng nay, em cũng đã tập cho mình sự kiên định và nghị lực để sống. Nhưng mỗi lần nghĩ lại là em thấy xót xa. - Thiên Ân! - Văn nhìn cô thương cảm. Cô lau sạch gương mặt đẫm ướt của mình và cố nói bằng giọng bình thản như nén lại tất cả nỗi đau: - Lúc còn ba, ba lo lắng cho em hết mọi thứ, ba yêu thương và bảo bọc em đến nỗi khi mất ba, em chẳng đứng vững nổi giữa đời một mình. Hồi có ba, em đã sống hạnh phúc và vô tư biết bao nhiêu. Văn im lặng như tôn trọng hồi ức đẹp pha lẫn đau buồn của cô. Hai người im lặng, khu vườn đầy hoa chỉ còn thoảng nhẹ tiếng gió đùa lá khô. Khi đã nguôi cơn buồn, Thiên Ân chợt phát hiện tay cô vẫn còn nằm yên trong bàn tay anh, cô rút vội tay về. Cử chỉ của cô làm Văn sực tỉnh, anh hắng giọng nói lảng đi: - Em lên Đà Lạt chắc chỉ mấy tháng nay? Thiên Ân gật. - Sao em không ở lại Sài Gòn? Hít hít mũi, cô lắc đầu: - Em mất nhà rồi, chỗ đâu mà ở. - Sao lại mất nhà? - Công ty của ba em phát nợ nần, nên phải bán nhà để trả nợ. Văn thắc mắc: - Còn công ty? Đóng cửa à? - Không. Công ty cũng phải sang nhượng lại với giá rẻ. Văn trầm ngâm: - Bộ công ty của nhà em thua lỗ, nợ nần dữ lắm sao? Cô chép miệng thở dài: - Em không biết rõ. - Vậy thì tại sao bán nhà, bán công ty cùng một lúc? Có ai cố vấn cho em không? Có chuyên gia kinh tế hay luật sư của ba em xem xét không? Cô lắc đầu: - Em không biết gì hết. Có một số nợ, dượng Hoàng nói nợ sẽ tăng lên từng tháng theo mức lãi ngân hàng, nếu không bán gấp để thanh toán thì càng ngày uy tín của công ty càng xuống dốc, đến chừng đó bán không còn giá trị cao. Cô so đôi vai, giọng đã bình tĩnh nhưng vẫn còn phảng phất chút buồn phiền: - Em chỉ là một học sinh trung học, không biết gì về kinh doanh làm ăn, nên em đành phải nghe theo lời dượng tất cả. Văn cau mày. Câu chuyện của cô sao quá nhiều vướng mắc lạ lùng. Anh có cảm giác trong chuyện này có điều gì đó đáng nghi ngờ nhưng không biết nên nghi ngờ điểm nào. - Dượng Hoàng là ai? - Anh buột miệng hỏi. - Dượng Hoàng là chồng cô ruột của em. Dượng cũng là phó giám đốc công ty, có phần hùn trong công ty. Văn nhíu mày: - Vậy là bán công ty, dượng cũng chẳng còn gì à? - Không, dượng có cổ phần một phần ba, nên chịu nợ nần ít hơn ba, dượng còn giữ lại được nhà. Ba có chiếc xe giống anh, em thì phải bán cả xe của ba, nhưng dượng thì còn tiền mua lại. - Ông dượng đó mua xe của ba em? - Văn hỏi gặng. - Dạ. Đôi mày Văn giãn ra. Vậy là anh đã mang máng nhận ra điểm đáng nghi ngờ là từ đâu. Anh hắng giọng: - Cô dượng là người thân duy nhất của em, bán nhà rồi sao em không về đó ở đỡ? Thiên Ân lắc đầu: - Không ở được. Cô em mất từ mấy năm nay, dượng có vợ khác, người này không thích em nên dượng không thể đem em về ở chung được. Văn nhin Thiên Ân chòng chọc. Trời ạ! Năm mười tám tuổi không biết anh có khù khờ và ngu muội như Thiên Ân không. Hay là đau buồn làm cô không còn bén nhạy trước mọi việc? - Anh nhìn gì em vậy? - Thiên Ân ngước mặt hỏi. Văn thở hắt ra: - Tại vì anh thấy em... ngốc quá xá. Cô ngẩn người nhìn anh: - Sao anh lại... mắng em? Văn chắt lưỡi: - Anh nói thật đó. Chỉ nghe câu chuyện qua miệng em kể, nhưng anh lại thấy cả lô điểm kỳ quái khả nghi, vậy mà em lại bịt mắt bưng tai không thấy. Thiên Ân nhìn anh trân trân, rồi cô quay mặt đi. - Anh định nói đến... dượng Hoàng à? Văn suýt nhảy nhổ, anh chụp lấy vai cô xoay lại: - Ê! Vậy đâu phải em ngốc? Cô bậm môi: - Đúng là lúc ký tên lần lượt bán mọi thứ, em rất ngu ngốc. Em chưa nhận ra và nghi ngờ gì cả. Ngôi nhà chỉ còn mình em, ba thì mất quá đột ngột làm em cứ không muốn tin là ba em bỏ đi vội vã như vậy, có mấy người lạ hoắc đến chia buồn nhưng ngụ ý đòi nợ. Văn nhăn mặt nghe cô kể bằng một giọng chua chát cam chịu: - Hồ sơ, sổ sách đầy tràn mà em không hiểu một chút gì, chỉ nhận biết và hoảng sợ quá chừng với số nợ khổng lồ dượng cho biết. Đầu óc em chẳng còn biết gì, chẳng biết xoay trở và giải quyết ra sao. Em hoang mang muốn điên lên được. Không tin dượng, ký tên vào tất cả giấy tờ đó để cứu gỡ danh dự của ba thì em còn tin ai. Văn phân vân: - Em ký tên bán một lúc tất cả à? Bán cho ai? Cô day mấy ngón tay lên thái dương và lắc đầu: - Em không nhớ, một công ty nào đó làm ăn giống công ty anh, nó có cái tên rất kêu, em quên mất rồi, vì ký bán một lúc rất nhiều giấy tờ, em không nhớ lắm. - Lúc em ký tên có luật sư không? - Không. Chỉ có dượng, cô kế toán trưởng của ba, một người bạn thân của ba cũng khuyên em nên ký sớm để đỡ lỗ thêm. À, còn có mặt mấy người mua nữa. Văn nheo mắt, mặt anh trở nên nghiêm túc. Thiên Ân nhìn anh một lúc rồi cô thở dài: - Em bị lừa, có phải không? Văn thận trọng nhìn cô: - Em đoán ra à? Cô cười gượng: - Khi mọi việc đã rồi, em mới tỉnh chút và ngờ ngợ. Trước lúc ba mất, ba tuy bận rộn nhưng thoải mái và yêu đời lắm, trông ba không giống một người đang làm ăn thất bại và gánh số nợ ngập đầu như vậy. Cô chép miệng: - Đến khi em phát hiện chính dượng mua lại chiếc xe của ba, em mới nhận ra mình đã ngu ngốc đến mức nào. Lúc em bán, tên người mua toàn là những tên xa lạ, những con người lạ, vậy mà sau đó chiếc xe lại trở thành sở hữu của dượng, em nhìn ra được nó. Văn nhíu mày: - Khi đã đoán ra mình bị lừa, sao em không tính cách kiện họ? Cô lắc đầu: - Làm sao kiện được hả anh? Em chẳng còn tiền, không có manh mối gì rõ ràng, biết bắt đầu từ đâu? Cô chép miệng: - Vả lại trước đây dượng Hoàng học luật, nếu dượng thật sự nhẫn tâm bày ra tất cả để lừa đứa cháu vợ của mình thì ổng cũng đủ khôn khéo mà xóa mọi điểm bất lợi về mình rồi. Văn lắc đầu: - Vậy là... từ đó em lang thang khắp nơi? - Không phải khắp nơi, em chỉ lên Đà Lạt thôi. Mỗi năm đến kỳ nghỉ hè, ba dù bận bịu cũng gác công việc lại và đưa em lên đó chơi. Em lên đó ở mấy tháng nay vì muốn tìm lại chút kỷ niệm về ba. Văn nhìn cô thương cảm: - Chắc cũng vì chuyện này mà em nghỉ học? Cô gật đầu ngậm ngùi: - Nhiều chuyện xảy ra dồn dập, em không còn khả năng và tinh thần học tiếp nên ngay cả kỳ thi trung học, em cũng bỏ dở. Ngày còn sống, ba vẫn khuyến khích em sau này thi vào trường Mỹ Thuật, ba muốn em theo ngành hội họa, là niềm đam mê mà ba bỏ lỡ. Vậy mà bây giờ... Thiên Ân chợt hít một hơi dài và lắc mạnh đầu như xua đi quá khứ buồn phiền: - Thôi đừng nói chuyện Ân nữa, chuyện về em buồn lắm. Biết mình bị lừa nhưng không có cách gỡ đâu. Mình nói chuyện khác đi. Cô hắng giọng: - Bác sĩ hôm trước hẹn anh bao giờ cởi bỏ băng bột vậy? Văn nhìn cô chậm rãi đáp: - Khoảng mười ngày nữa. Cô gượng cười: - Vậy là tốt rồi. Đến chừng đó chắc anh sẽ dọn trở về phòng cũ của mình. - Ừ. Cô e dè nhìn anh: - Anh... sẽ vào Sài Gòn đi làm lại chứ? Văn hơi nhíu mày, anh nhẹ nhàng nói chặn tất cả những ý nghĩ của cô: - Đúng là như vậy, nhưng anh muốn nói cho em biết một điều. Cho dù anh có nhớ hay không nhớ gì nhiều về quá khứ, cho dù chân anh có lành lại và trở về bận rộn với công việc, thì em cũng đừng ngại, cứ ở lại đây cho đến chừng nào em chán, chừng nào em có chỗ, có mục đích để đi thôi. - Nhưng... Anh đưa tay ngắt lời cô: - Những gì em e ngại anh đều hiểu, đừng lo, nếu cần, mai mốt anh sẽ đính chính giùm em với ông nội và cô Liên, nhưng em hãy hứa là ở lại. Vuốt tóc cô, anh trầm giọng: - Nhà này em biết đó, ngoài nội và cô Liên chỉ có anh thì có vẻ lẻ loi quá, nếu có thêm một đứa cháu gái như em, anh nghĩ nội và cô cũng vui mà. Và nếu có một ngày nào biết chuyện của em, anh nghĩ mọi người lại càng thương em hơn. - Anh Văn... Giọng hơi nghẹn, cô nhìn anh ấp úng. Anh cười vỗ nhẹ lên tay cô: - Đừng lo nhé. Mình vẫn luôn là đồng minh mà. "Mình luôn là đồng minh", câu nói ấy bây giờ thật quen thuộc. Nhưng có những lúc xót xa buồn tủi như bây giờ, Thiên Ân cảm thấy mình cần câu nói ấy, giọng nói ấy biết bao nhiêu. Câu nói của anh, giọng nói của anh đã giúp cô có lại chút hy vọng và nghị lực cho bản thân để gượng vui sống tiếp giữa đời mà tạm quên thân phận bơ vơ, lẻ loi của mình.