Chương 2

Thiên Di cuộn tròn mình trong chăn, lắng nghe những âm thanh vọng lại dưới sân nhà.
Trời vẫn còn âm âm tối, nhưng một ngày ở trang trại này đã bắt đầu. Công nhân đã chuẩn bị tới các vườn cà phê trải dài gần hai ngàn mẫu. Ông chủ cũng chuẩn bị đi xem xét cơ ngơi của mình.
Ôm siết cái gối, Di thắc mắc. Chẳng biết ông ta ra sao, mặt mũi thế nào muh quyền uy đến thế? Mấy hôm nay nằm bệnh trong phòng. Di chưa đến chào. Điều này làm cô áy náy, vì chính ông ta là người gặp cô nằm gục trước cổng nhà buổi chiều mưa dữ dội ấy. Nếu không, chắc Di đã chết cóng rồi.
Nghe dì Thủy kể: hôm sau, ông chủ liền sai người tức tốc gắn một chuông điện ngay cổng. Ông tỏ vẻ tự trách mình lâu nay không để ý tới việc nhỏ nhặt này và coi việc Thiên Di té xỉu là lỗi của mình.
Thiên Di cắn nhẹ môi, lòng dâng lên niềm cảm xúc kỳ lạ. Những lo lắng vu vơ trước những lời doạ dẫm của Mười Ba chợt biến mất. Ông chủ trại này cũng được đấy chớ. Nếu không, ông ta đâu quan tâm tới thân phận của những người làm công. Được làm việc với người như thế cũng tốt.
Lười biếng nhắm mắt lại, Di tiếp tục lơ mơ ngủ, đến lúc nghe dì Thủy gọi, cô mới vươn vai ngồi dậy. Lấy áo lạnh mặc thêm vào, Di bước ra ngoài. Phòng của cô sát phòng dì Thủy va nằm ở khu vực của nhà bếp, nên ra khỏi cửa, Di đã thấy dì đang loay hoay bên bàn ăn:
- Bữa nay con khỏe hẳn chưa?
Thiên Di vừa mở nước rửa mặt, vừa đáp:
- Nằm cũng cả tuần rồi, con muốn được làm việc. Nếu không, sẽ chẳng khỏe được như ý muốn. À! Bữa nay con gặp ông chủ được chưa dì?
Bà Thủy nói:
- Ông chủ đi vắng cả tuần nữa mới về.
Di trố mắt nhìn dì mình:
- Vậy việc mở lớp học thì sao?
Bà Thủy thản nhiên:
- Con vẫn chưa làm quen vơi hoàn cảnh, con người ở đây. Cứ từ từ tìm hiểu trước đã, cần gì phải vội vàng.
Thiên Di ậm ừ:
- Con sợ bị nói mình ăn không ngồi rồi lắm.
- Có dì kế bên, ai dám nói chớ. Thôi. Tới ăn sáng đã.
Thiên Di tò mò:
- Nghe nói công nhân ở đây trước kia từng ở tù hả dì?
Bà Thủy lừ mắt:
- Ai nói vậy?
Thiên Di ngập ngừng:
- Hôm ngồi trên xe đò, con hỏi thăm và được nghe như thế.
Bưng ly sữa lên, bà Thủy hỏi:
- Họ còn nói gì nữa?
- Dạ.... hết rồi.
Bà Thủy khó chịu:
- Đúng là nhiều chuyện.
- Nhưng họ nói đúng, phải không dì?
- Ai không có dĩ vãng. Trước kia, họ phạm tội và phải ở tù, nhưng bây giờ họ đã cải tạo thành người tốt và lo chí thú làm ăn. Ai vẫn coi họ là tù, kẻ đó mới xấu.
Thiên Di im lặng ăn hết phần điểm tâm của mình rồi uống hết một ly sữa to.
Nhìn cô, bà Thủy bảo:
- Ở đây một thời gian, con sẽ lên cân cho xem. Con gái phải có sức khỏe mới đẹp. Trại này nuôi heo, gà, bò, nên con tha hồ tẩm bổ bằng sữa hột gà. Dì không để con ốm đói như thế này nữa đâu. Sống ở đây, thể lực phải tốt mới chịu lạnh nổi. Dì sẽ mua thêm áo ấm cho. À! Ông chủ có đưa tiền lương cho con đây nè.
Thiên Di ngỡ ngàng:
- Nhưng con chưa làm việc mà.
- Đã tới đây, xem như đã bắt đầu làm việc. Bữa nay con có thể đi dạo vòng vòng cho thoải mái.
Thiên Di gật đầu. Cô lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Trời trong veo và xanh đến nao lòng. Những trận mưa úng đất đã dứt, nhưng trời vẫn còn lạnh. Di choàng thêm chiếc khăn ngang cổ, xỏ chân vào đôi giày cao rồi bước ra ngoài. Không khí ở đây trong lành và thơm lừng hương họa Di lững thững đạp lên cỏ ướt đi ra tận cổng, rồi quay lại nhìn ngôi nhà mình đang ở.
Trông ngôi nhà thật đồ sộ. Di từng thấy kiểu nhà này trong những tờ lịch treo tường. Cô cứ tưởng chỉ ở nước ngoài mới có các lâu đài như thế, không ngờ tại nơi rừng cao núi thẳm này người ta cũng xây dựng được.
Đây cũng là một cách thể hiện sự giàu có, quyền uy của mình. Nhưng ngôi biệt thự này trông vắng lặng làm sao. Di chưa dám hỏi dì Thủy về những người trong đó, cô có cảm giác ngôi nhà chẳng ai ở hết. Vậy họ xây làm chi cho to thế nhỉ?
Buồn chán, Di đá một trái phi lao và nhìn nó lăn lông lốc xuống dốc. Hai bên lề nở đầy hoa dại trông như tranh vẽ. Thiên Di đắm mình giữa thiên nhiên và phút chốc cô quên hết những phiền muộn đang chất chứa trong lòng lâu nay.
Đi hết con lộ lớn. Thiên Di bắt gặp nhiều công nhân đang làm việc bên những gốc cà phê. Họ nhổ cỏ, vun gốc, tỉa lá và nhìn cô chỉ trỏ. Không biết nói sao, Di chỉ mỉm cười đáp lễ.
Một người đàn bà mập mạp ngồi dưới gốc cà phê hỏi vọng ra:
- Cô là cô giáo mới phải không?
Di gật đầu:
- Dạ, phải.
Chị ta cười toe toét:
- Nghe nói cô giáo vừa tới đã bệnh. Hôm nay cô khỏe chưa?
Thiên Di khách sáo:
- Dạ, cảm ơn chị. Em khỏe rồi.
Vừa nói, cô vừa bước vào vuông cà phê. Người đàn bà vừa nhổ cỏ, vừa bắt chuyện. Qua câu chuyện, Di biết chị ấy tên Lang. Vợ chồng chị Lang đã làm ở trang trại Thùy Dương nhiều năm. Họ có hai đứa con ở tuổi đến trường, nhưng chưa đứa nào được đi học tới nơi tới chốn. Chị Lang kể rằng, trước đây trang trại có tới ba lớp học, nhưng giáo viên dạy được vài tháng là bỏ về vì nhớ nhà, vì không chịu cực nổi.
Chị Lang kết thúc câu chuyện kể bằng một câu:
- Lần này không biết cô ở bao lâu mới bỏ tụi nhỏ nữa đây?
Thiên Di gượng gạo:
- Điều đó phải xem đất có đãi người hay không.
Lang gật gù:
- Câu trả lời rất hay. Tôi nói thật, chỗ này đất lành, chủ lại tốt. Bỏ đi uổng lắm.
Thiên Di im lặng. Cũng mong cô sẽ được đất đãi, người đãi như Lang nói.
Di tò mò:
- Ông chủ là người thế nào hả chị?
Lang vọt miệng:
- Dĩ nhiên là rất tốt rồi.
- Thế.... trông ổng ra sao?
Lang ngạc nhiên:
- Ủa! Bộ cô chưa biết ổng à? Vậy sao tôi nghe kể hôm trước, chính ổng bế cô vào nhà, cạy miệng đổ rượu cho cô ấm người lại mà?
Mặt Thiên Di đỏ ửng lên. Những điều Lang kể thật bất ngờ. Vậy mà dì Thủy chả hề nói với cô lời nào. Chà! Xem ra đàn bà ở đây cũng giỏi hóng chuyện chuyện dữ. Chẳng biết họ có thêu dệt gì thêm không nữa?
Lang phá ra cười khi thấy Thiên Di xoa mặt. Chị ta dài giọng:
- Nè! Ông chủ chưa có vợ. Nếu ổng cưới cô giáo thì con nít ở trại này đâu sợ dốt nữa.
Thiên Di ngượng ngùng:
- Chị khéo đùa quá. Đùa làm sao em bỏ về trước khi gặp ổng thì đùa.
Lang vội xua tay:
- Ấy ấy! Cô mà bỏ về, tôi gánh tội hổng nổi đâu.
Rồi chị ta hạ giọng:
- Nói vậy chớ ổng thiếu gì bồ. Có tiền là có tất cả mà. Mấy cô nhà giàu ngoài thị trấn, thậm chí ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, KomTum, Play- ku gì đó cũng mê ông chủ như điếu đổ. Ngặt một nỗi ổng khó quá nên lựa mãi vẫn chưa được cô vợ như ý. Nghĩ cũng tội!
Thiên Di lảng sang chuyện khác:
- Trường học gần đây không chị?
Lang đứng dậy, giọng nhiệt tình:
- Gần. Để tôi đưa cô tới.
Di ngập ngừng:
- Chị đang làm việc mà.
- Cô không phải lo. Ở đây, ai cũng rất tự giác. Lát nữa, tôi sẽ làm bù.
Thiên Di nhỏ nhẹ:
- Như vậy phiền quá. Một lát em sẽ phụ chị nha.
Lang xua tay:
- Cô mới khỏi bệnh, dầm nắng lâu đâu có tốt. Chỉ cần cô dạy tụi nhỏ biết chữ là tụi tôi mang ơn rồi, ai lại để cô phụ chuyện nặng chớ.
Vừa đi, Lang vừa chỉ cho Di những cánh đồng trồng khoai tây, bắp cải, su hào nằm xa xa trên những sườn đồi thoai thoải một màu xanh. Chỉ vào một dãy nhà ngói đỏ có ba phòng liên tiếp nằm sát lộ, Lang bảo:
- Trường học đó.
Thiên Di khen:
- Đẹp quá.
Lang xa xôi:
- Đẹp mà thiếu thầy cũng như không.
Thiên Di im lặng. Cô không thích hứa hẹn khi chưa nắm thực tế ở đây. Biết đâu chừng cô cũng sẽ chịu cực không nổi, và cũng sẽ bỏ về như những người đã tới.
Cô hỏi:
- Ở đây con nít đông không chị?
- Cũng mấy chục à. Không được học hành, tụi nó kết bè, kết phái quậy chịu không thấu. Ông chủ nói phải có ăn học mới nên người. Vì thế, ông chủ hứa cố gắng lo cho bọn trẻ được học hành. Ổng không để bọn nhỏ thất học đâu.
Thiên Di càng tò mò hơn về ông chủ trại Thùy Dương. Tiếc rằng cô vẫn chưa hình dung ông ta như thế nào. Ông ta đã trả lương dù Di chưa làm việc ngày nào. Với số tiền đó, cô sẽ gởi về cho mẹ. Bà đang rất cần tiền, rất cần tiền.
Đang đắm mình trong suy nghĩ, Thiên Di bỗng hết hồn vì một hồi còi xe vang lên chói cả tai. Quay ra đường, Di thấy Mười Ba đang thò đầu khỏi cabin xe, miệng toe toét cười:
- Chào.... em Thiên Di. Em đã hết bệnh rồi à?
Vừa bất ngờ vừa khó chịu vì giọng điệu cợt nhả của Mười Ba, Thiên Di làm thinh trước cái nhìn ngạc nhiên của Lang.
Thấy cô im lặng, gã nói tiếp:
- Biết em bệnh, anh sốt ruột muốn chết. Định tới thăm em, ngặt một nỗi.... Chậc! Dễ gì ông Trác đồng ý, anh đành hỏi người này, người kia tin của em. Bây giờ khỏe rồi, anh mời em ra chợ uống cà phê nhé.
Giọng Thiên Di thật nghiêm:
- Cảm ơn lòng tốt của anh. Nhưng tôi không có thời gian.
Chụp cái kết đội ngược lên mớ tóc quăn, Mười Ba gục gặc đầu:
- À! Em đang thăm nơi mình sắp dạy học chớ gì? Chỗ này tệ lắm. Về trại của anh, phòng ốc ngon hơn nhiều. Ở lại trại này, sớm muộn gì em cũng sẽ hối hận vì tiếp xúc với đám công nhân của ông Trác.
Không đợi Mười Ba nói hết, Lang sấn tới:
- Nè! Cậu nói gì khó nghe quá vậy?
Hất mặt lên, Mười Ba dài giọng:
- Sự thật lúc nào chẳng khó nghe. Ê! Tôi đâu hề nói chuyện với hạng người có tiền án như chị. Nè! Đừng bày đặt kết thân với cô giáo rồi cuỗm hết tiền của cô ấy đi nha.
Thiên Di đọc được trong mắt Lang sự căm phẫn cao độ. Không thèm nói thêm lời nào với Mười Ba, Thiên Di nắm tay Lang băng băng đi ngược trở về.
Lang hậm hực:
- Sao cô quen với nó vậy?
Di liếm môi:
- Hôm trước, anh ta cho tôi đi nhờ xe.
Lang chợt hỏi:
- Cô Tư Thủy có biết không?
Di lắc đầu. Lang thì thầm:
- Cô đừng cho cô Tư biết. Nếu không sẽ có chuyện đấy.
Thiên Di thắc mắc:
- Giữa dì Thủy và Mười Ba có xích mích à?
Lang ậm ừ:
- Không phải.
- Vậy thì là gì? Tại sao hôm trước hắn cũng nói với tôi như thế?
- Đại khái là cô Tư không thích gia đình bên đó, nhất là ba mẹ của cậu Thế.
Thiên Di tò mò:
- Cậu Thế nào vậy?
Lang bĩu môi:
- Thì là cậu Mười Ba lúc nãy đó. Gia đình họ giàu nhưng bất nhơn lắm. Trong mắt họ, ai đã phạm tội một lần thì vĩnh viễn không bao giờ được làm người tốt trở lại. Trước đây, cũng nhờ họ, tôi mới đi tù đó chớ.
Thiên Di ái ngại:
- Chuyện xảy ra thế nào? Chị kể cho em nghe đi.
Lang thản nhiên:
- Hồi đó đói quá, tôi ăn trộm bắp nhà cậu Thế. Họ bắt được, vậy là đi tù.
- Nhưng ăn trộm là phạm tội rồi.
Lang gật đầu:
- Đúng vậy. Tôi không đổ thừa hoàn cảnh, nhưng "bần cùng sanh đạo tặc". Bây giờ tôi có công việc làm, tôi đâu như xưa nữa, nhưng họ vẫn còn thành kiến với tôi. Cũng may trên đời vẫn còn người tốt như ông chủ. Nếu không, chúng tôi làm sao ngóc đầu lên được.
Thiên Di an ủi:
- Đừng nghĩ tới lời của Mười Ba. Chị hãy nghĩ tới các con của mình là tốt hơn tất cả.
Lang nhìn Di, cảm kích:
- Cô nói đúng. Tôi phải làm sao cho các con tôi không khổ như cha mẹ chúng hồi còn trẻ.
Thiên Di chớp mắt. Cô nghĩ tới bản thân và hít vào một hơi thật dài.
Tương lai vẫn đang ở trước mắt, ảm đạm hay tươi sáng là do nỗ lực của cô. Ngay từ bây giờ, Di nên bắt đầu cho ngày mai của mình....