Viễn đẩy cái xe ba bánh vào sát hiên nhà, miệng không ngừng huýt gió một bài nhạc đang thịnh hành trong giới sinh viên. Vào nhà, anh cố tình la lớn: - Đói quá xá đói rồi nội ơi... Tới tủ lạnh, Viễn mở cửa lấy chai nước tu một hơi cạn hết phân nửa rồi vòng lên phòng khách mở nhạc. Dưới bếp, bà Bảy nói vọng lên: - Có cơm rồi, con ăn đi. Viễn hăm hở bước xuống. Anh nói: - Con đùa thế thôi chớ đợi ba mẹ về con mới ăn. Bà Bảy nhíu mày: - Bữa nay con lại chở hàng nữa à? - Vâng. Bà Bảy khó chịu: - Thằng Năm đâu? - Dạ ở bệnh viện. Con ảnh bệnh nửa tháng rồi mà không hết. Thấy ảnh tối phải thức trông con, sáng phải đẩy xe, con tội nghiệp nên có phụ ảnh vài ba cuốc. Cứ như tập thể dục chớ có mệt nhọc chi đâu nội. Bà Bảy chép miệng: - Đành là thế, nhưng nội vẫn xót lắm. Viễn vỗ ngực: - Sức con là sức voi, nội không phải xót xa gì hết. Anh vừa dứt lời thì ngoài cổng có tiếng gọi ơi ới. Viễn nhăn nhó: - Nhỏ Hoàng Diệp tìm con nữa. Thật rầu ghê. Nội làm ơn cứu con với... Bà Bảy bật cười: - Sức mày là sức voi, sao lại kêu tao cứu. Viễn nhìn bà: - Voi to xác nhưng lại sợ chuột. Thú thật, con sợ con chuột điệu hạnh đó lắm. Nội... đối phó giùm con đi. Bà Bảy phất tay: - Đó là chuyện của mày với nó. Nội không thể... đối phó. Viễn đành bước ra sân. Không vội mở cổng, anh đứng bên trong hỏi vọng ra: - Có gì không Diệp? Hoàng Diệp chớp mắt: - Máy tính của em bị treo rồi. Anh qua coi dùm em một tí. Viễn nói: - Rồi anh sẽ qua. Em về trước đi. Viễn vào nhà nói với bà nội xong mới qua nhà Diệp. Con bé đứng chờ anh sẵn sau cánh cổng. Đợi anh bước vào là nó sập cánh cửa sắt cao nghệu to đùng lại rồi ép sát người vào lưng anh ôm cứng ngắt khiến Viễn nóng cả người. Giọng Hoàng Diệp phụng phịu: - Em bị... treo chớ không phải máy. Nhích người ra khỏi Diệp, Viễn hỏi: - Đã... reset lại chưa bé? Hoàng Diệp cắn vào bắp tay anh: - Làm gì cả tuần nay anh biến đâu mất vậy? Viễn nói: - Anh ở nhà chớ đâu. - Nhưng em điện thoại, nội bảo anh đi vắng. - Thì chắc những lúc anh vắng thật. Diệp dậm chân: - Anh ỡm ờ nghe ghét lắm. Thật ra anh đi đâu mà tối nào em cũng thấy anh phóng xe ngang nhà? Viễn nhún vai: - Anh dạy thêm cho bọn trẻ chớ đi đâu. Lẽ nào em quên việc thường làm của anh? - Em không tin chớ đâu phải quên. - Thì thôi. Hoàng Diệp ấm ức: - Anh phải giải thích sao cho em tin chớ sao lại... thì thôi. Viễn buông mình xuống cái ghế đá kê dọc tường: - Anh chả có gì để giải thích cả. Diệp ngồi xuống kế Viễn: - Ít ra cũng phải giải thích sao không điện thoại cũng không qua nhà em chứ. Nếu vừa rồi em không sang gọi, chắc anh quên em rồi. - Máy hết treo rồi. Anh về vậy. Hoàng Diệp xụ mặt: - Đểu vừa thôi. Anh không có gì để nói với em sao? Viễn lặng lẽ nhìn cô. Anh đâu phải ít lời, trái lại Viễn khá mồm mép với con gái, nhưng dạo này trước Hoàng Diệp, anh không biết phải nói gì, khi ôm cô bỗng dưng Viễn lại nghĩ tới người khác. Cô bé có cái tên là lạ ấy giờ ở đâu nhỉ? Có nhớ gì tới anh không? Cũng cái ôm siết, nhưng cảm giác của Viễn thật khó tả. Anh như rung động hoàn toàn trước đôi mắt đen ngỡ ngàng, trước tấm thân run rẩy vì mưa của Sao Khuê. Vẫn chưa bao giờ có sự xúc động lạ kỳ đó với bất cứ cô gái nào. Để bây giờ khi nhớ lại, anh thấy mình như vừa đánh mất một vật thật quý, quý đến mức anh bần thần cả tuần lễ. Viễn đã lang thang suốt một đoạn đường từ Đại Học Xã Hội nhân văn đến mái hiên chỗ anh và Sao Khuê trú mưa, với mong ước sẽ tìm thấy cô bé. Rõ ràng Sao Khuê là cô tiên nhỏ xuống trần chơi, giờ đã bay vút về trời. Lẽ ra hôm đó Viễn nên chạy chiếc ba gác máy ấy theo chiếc xích lô, nhưng ngại làm cô bé sợ. Mà sao không sợ cho được khi có một gã phu xe kè theo mình. Chính gì cái sự ngại ngu ngốc ấy mà Viễn đã mất dấu con chim thiên di quý giá trong cơn mưa chắc ngàn năm mới có một lần. Bất giác Viễn thở dài ngậm ngùi. Tiếng thở dài của anh khiến Hoàng Diệp bức rức: - Bộ em nói không đúng sao? Càng lúc anh càng xa lạ với em. Viễn nói: - Hồi nào tới giờ, anh vẫn thế. Hoàng Diệp nhếch môi: - Nghĩa là không yêu, nhưng em vẫn là người anh cần phải có chớ gì. Viễn im lặng, một lúc sau, anh trầm giọng: - Chúng ta chia tay đi. - Lý do? - Không có điểm nào chung hết ngoài những nụ hôn và những phút giây âu yếm. Những thứ đó không phải tình yêu. Anh không muốn làm tổn thương Hoàng Diệp. Nghe Viễn gọi cả tên lẫn chữ lót của mình, Diệp bật cười khô khốc: - Nhưng chính lời anh vừa nói lại khiến em đau. Thì ra em là đứa con gái quá dễ dãi, nên anh xem em như thứ để giải khuây. Viễn vội bảo: - Đừng nói như vậy. Nếu không có tình cảm, anh đâu hôn em. Nhưng... Viễn ngập ngừng: - Anh không biết phải nói sao nữa. Anh nghĩ tình yêu phải mãnh liệt hơn những nụ hôn nhiều lắm. Hoàng Diệp cay đắng: - Đừng nói với em, anh đã nếm thứ mãnh liệt ấy rồi nên thấy những nụ hôn của em quá tầm thường nhé. Nói đi! Cô ta là ai? Viễn chép miệng: - Có ai đâu. Hoàng Diệp da diết: - Vậy sao lại đòi chia tay khi em tự nguyện. Bao giờ anh tìm được người trong mộng, em sẽ rút lui. Còn bây giờ anh đừng bỏ em. Viễn tránh né: - Anh không đáng để em chịu thiệt thòi như thế. - Yêu anh mà thiệt thòi sao? Em biết anh chỉ thương hại em, nhưng em chấp nhận ngay từ đầu cơ mà. Dứt lời, Hoàng Diệp úp mặt vào ngực Viễn khóc rấm rức. Anh đành vỗ về cô bằng những cái vuốt trên tóc. Diệp càng khóc nhiều hơn: - Sao anh không hôn em? Viễn tránh né: - Anh vừa hôn lúc nãy đó thôi. Diệp thúc thít: - Tiếc với em cả một cái hôn cơ. Anh đúng là thay đổi rồi. Ai đã làm anh trở nên chai đá như vậy? Viễn cau mày khó chịu vì kiểu xét nét của Hoàng Diệp. Cô nàng chuyên sử dụng những phút yếu lòng của anh để tra hỏi xem anh quen ai, mức độ thân thiết tới đâu? Có bằng cô đối với anh không? Trước đây Viễn đã kể tên vài ba người bạn gái của mình cho Diệp nghe, nhưng lần này thì không, Diệp không được biết cái tên Sao Khuê. Ngôi sao ấy là của riêng anh, Viễn không muốn kể với bất cứ ai về cô bé. Anh cũng nên dè dặt hơn với Diệp rồi từ từ sẽ rời xa cô, cần phải tránh để Diệp hụt hẫng, nhưng cũng không thể rơi tõm xuống bẫy của cô nàng như lâu nay anh đã rơi mà không sao thoát ra. Tất cả cũng tại anh không kềm chế được bản thân, nên dù đã khẳng định mình không yêu nhưng vẫn thích những tiếng "Đào Hoa, Đa Tình". Nhà Hoàng Diệp cách nhà Viễn một căn. Cách đây một năm, anh đã sang kèm cô học thi đại học. Kết quả, Diệp cũng đậu vào một đại học dân lập và... đậu cả vào lòng Viễn. Anh vốn đa tình nên không cưỡng được khi Hoàng Diệp luôn tự nguyện yêu theo kiểu: "Tình cho không biếu không ". Dầu gì Viễn cũng biết dừng lại ở những nụ hôn. Nhưng hôn một người không yêu cũng là đểu. Giờ anh phải cứng rắn chấm dứt trò này đi, nếu không sẽ có lúc phải ân hận. Hoàng Diệp vẽ những vòng tròn trên ngực Viễn, giọng mời mọc: - Vào nhà với em... Ba mẹ đi vắng cả rồi. Viễn trấn tĩnh lại, anh giữ bàn tay Diệp: - Không được, nội đang chờ anh về ăn cơm. Lúc nãy anh xin phép đi trong vòng mười lăm phút hà. Diệp nói: - Vẫn chưa hết mười lăm phút. - Thì anh sẽ ngồi với em cho hết mười lăm phút. Vừa lòng chưa? Hoàng Diệp mỉa mai: - Bữa nay anh ngoan thật đó. Vừa hiếu thảo với nội, vừa hiền lành đến mức ngốc nghếch với em. Ước gì em đọc được những điều anh đang nghĩ trong đầu nhỉ. Viễn ngập ngừng: - Anh đang nghĩ làm sao đây để em đừng buồn... - Khi anh đã có một người khác. - Không phải là người khác mà là người anh yêu. Diệp nhếch môi: - Vâng. Người anh yêu. Viễn trầm giọng: - Em xinh đẹp, dễ thương và lanh lợi, em sẽ tìm được một người hơn anh nhiều mặt. Hoàng Diệp ôm chầm lấy Viễn: - Đừng nói nữa, em chỉ cần anh thôi. Anh thừa biết điều đó mà. Dứt lời, Diệp hôn như mưa lên mặt môi Viễn, và một lần nữa anh lại không thể cầm lòng. Rời môi Viễn, Hoàng Diệp đã lấy lại tự tin, cô nàng nhoẻn miệng cười: - Anh về được rồi. Hơn ai hết, Diệp cho rằng Viễn sẽ sang nhà mình khi cô gọi nên cô chẳng gì phải lo trước những lời xa xôi của anh. Đã bao nhiêu lần Hoàng Diệp tự nhủ sẽ có một ngày Viễn nói yêu cô, Diệp tin mình sẽ trói buộc được anh mãi mãi. Bởi vậy khi ở cạnh anh, Diệp luôn hết sức dịu dàng, mềm mỏng và chìu chuộng. Cô hiểu con nhện dùng dây tơ mong manh của mình để giăng lưới bẫy mồi và khó con mồi xấu số nào thoát khỏi. Viễn không phải là con mồi của Diệp, nhưng khi đã yêu, cô sẽ bẫy cho bằng được anh bằng lưới tình. Về nhà, Viễn khá ngạc nhiên khi thấy bà nội đang ngồi với một phụ nữ lạ mặt. Vừa thấy anh, bà ta đã mỉm cười như đã quen từ đời nào. - Thằng bé đã lớn chừng này rồi à? Thật không ngờ được. Cháu tên là gì, bác Bảy nhỉ? Viễn gật đầu chào bà khách đang khi bà Bảy trả lời đầy miễn cưỡng: - Cháu tên Viễn. Bà khách gật gù: - Viễn có nghĩa là xa phải không? Kể cũng phải. Cũng phải ngoài hai mươi năm rồi cháu mới gặp lại bác. Anh chị Đông chắc ngạc nhiên lắm khi thấy cháu ngồi ở đây. Bà Bảy nói: - Đúng là ngạc nhiên vì người ta đồn cô vượt biên từ hồi não hồi nao lận mà. Người phụ nữ thở dài: - Dạ đúng là cháu có vượt biên, nhưng hổng tới đâu hết. Sau một thời gian ở đảo, cháu được trả trở về mới hay là gia đình bác đã lên Sài Gòn sinh sống. Bà Bẩy nhìn Viễn: - Vào ăn cơm trước đi con. Viễn gật đầu. Anh chào người phụ nữ và bước đi, nhưng vẫn nghe giọng bà ta đuổi theo: - Thằng nhỏ vừa nhìn là thấy thương liền. Vĩễn bỗng buồn cười vì nhận xét đó. Bà ta làm như anh là con nít không bằng. Nhưng bà ta là ai nhỉ? Qua những lời vừa rồi thì đây là một người cùng quê với gia đình Viễn, nội anh rất quý đồng hương, sao Viễn có cảm giác bà không thích gặp lại người phụ nữ này. Lấy cái dĩa bàn to, Viễn... làm một dĩa cơm chất lượng với đầy đủ thức ăn rồi bê lên lầu. Mở TV anh xem chương trình phim truyện buổi chiều. Viễn xuống bếp và thấy ba mẹ đã về và đã ngồi vào bàn ăn với bà nội, nhưng nhìn vẻ mặt, rõ ràng mọi người không ai muốn ăn cả. Ai cũng để lộ sự bần thần lo lắng trên mặt. Chắc chắn sự xuất hiện của bà khách vừa rồi đã tác động đến mọi người rồi. Viễn nhìn mẹ: - Đã xảy ra chuyện gì vậy mẹ? Bà Hằng ậm ự: - Có gì đâu con. Ba mẹ đi về mệt quá, ăn cơm không muốn vô. Ông Đông cũng vội lên tiếng: - Lấy cho ba lon bia. Viễn nhanh nhẹn mở tủ lạnh, anh khui bia và hỏi: - Bà khách lúc nãy là ai vậy nội? Ba người im lặng, sau cùng mẹ anh trả lời: - Bạn hồi đi học của mẹ. Lâu lắm rồi mới gặp lại. Tự dưng Viễn buột miệng: - Sao trông mẹ không vui? Ông Đông đặt lon bia xuống bàn: - Có phải bạn bè nào cũng mang tới niềm vui cho mình đâu con. Bà Bẩy uể oải: - Ăn cơm đi! Viễn rót một ly nước to, anh uống cạn rồi lên lầu. Ra balcon, anh cố tìm cho mình một ngôi sao. Nhưng ở đây ánh sáng nhiều quá, Viễn khó lòng thấy ngôi sao nào. Viễn thì thầm: - Sao Khuê! Sao Khuê! Em có nghe tiếng anh gọi không? Và nhận ra "thần giao cách cảm" chỉ xẩy ra trong chuyện giả tưởng.