Lĩnh ngạc nhiên khi thấy bọn trẻ nhặt banh đang vui vẻ nhảy trên một chiếc ba gác máy xuống. Chúng khoanh tay chào gã thanh niên lái xe với tất cả lễ phép có được rồi mới kéo nhau vào sân. Ai chở chúng thế nhỉ? có phải là gã bạn gì gì đó của Sao Khuê? Người mà hôm trước cô bé đã gọi anh nghe ngọt sớt đó không? Đứng trong bãi giữ xe, Lĩnh cố nhìn thật kỹ khi gã lái xe ba bánh đang quay chiếc ba gác máy ra. Đó là một thanh niên khoẻ mạnh, to cao có lẽ do lao động nhiều, nhưng trông gã không có vẻ lam lũ bần cùng của người quen việc nặng nhọc, trái lại ở hắn lại toát ra vẻ lãng tử giang hồ rất lôi cuốn người khác phái. Tiếc là gương mặt hắn dấu dưới cái nón bo bằng vải jean xé tua nên Lĩnh không rõ thế nào. Ngay lúc đó, Lĩnh thấy bà Hồng Loan. Bà ta đang xăm xăm gịt càng xe lại, bà ta bô lô ba la gì đó với gã lái xe, dường như là người quen của bà ta thì phải. Chã lẽ gã từng chở đồ đạc gì đó cho bà Loan? Mà anh thắc mắc chi chuyện này, dù không thích quơ đũa cả nắm, nhưng trong trường hợp này, Lĩnh cũng phải cho rằng hai người họ chắc là một duộc rồi. Nhếch mép khinh bỉ, Lĩnh xốc cái túi đựng vợt lên vai rồi vào sân. Thấy anh, bọn thằng Trí khoanh tay cúi đầu sát rạt. Lĩnh bỗng bật cười: - Lúc nãy ai chở tụi em vậy? Hai ba thằng nhóc nhìn nhau rồi đồng thanh: - Dạ thầy Viễn. Lĩnh cau mày: - Thầy Viễn là ai? Thằng Trí cà lăm: - Là... là thầy chạy xe ba gác ạ Lĩnh bắt bẻ: - Chạy xe ba gác sao gọi là thầy? Thằng Bo liếm môi: - Tối thầy dạy tụi con học chữ Thằng Trí khoe: - Thầy là bạn của chị hai Sao Khuê Lĩnh ra vẻ dửng dưng: - Thế à! Thằng Trí tiếp tục khoe: - Thầy Viễn tốt lắm, thầy hay cho tụi con bánh kẹo, thầy hứa chủ nhật sẽ chở tụi con với chị Khuê đi đầm sen chơi bằng xe ba bánh. Lĩnh gật gù: - Thích nhỉ! Thằng Trí hớn hở: - Dạ thích lắm, chú Lĩnh đi không, để con xin thầy Viễn cho? Lĩnh gượng gạo: - Cám ơn, tôi không rảnh. Thôi, làm việc đi nhóc. Cả bọn lại rạp người chào anh như chào một ông chủ lớn rồi tất tả chạy về những sân bóng trong câu lạc bộ. Ngồi xuống cột lại giầy cho chặt. Lĩnh chợt bực bội, khó chịu thế nào ấy. Anh ngoắc một tay chơi với mình rồi ào ào ra sân giao báng trước một cách mạnh bạo khiến người bên kia lưới không tài nào đỡ được. Đánh một hồi như đế trút giận, Lĩnh buông vợt bào ngồi trong căn tin. Người bạn chơi cùng anh phải lên tiếng: - Bữa nay ông sao vậy? Lĩnh vuốt tóc ngược ra sau: - Có sao đâu. - Không sao mà nhìn ông cứ như bị bồ đá Mặt Lĩnh cau lại, anh ghét bị nói như vậy. Anh không thích đùa kiểu bỡn cợt như thế. Dường như hiểu tánh Lĩnh, người bạn chơi cũng nhún vai và quay lại sân. Ngồi một mình, Lĩnh chìm trong sự bực tức kỳ lạ. Nhìn lũ trẻ lon ton chạy quanh sân nhặt banh, Lĩnh ấm ức suy nghĩ anh không phải là người duy nhất lo cho bọn chúng, rõ ràng ngoài anh ra còn gã lái xe ba gác máy. So với anh gã chả là cái thá gì cả, vậy tại sao anh phải lo lắng chứ? Lấy cái di động ra, anh nhấn số nhà Sao Khuê, người nhấc máy là bà Hiệp. Bà có vẻ vui khi nhận ra giọng anh: - Cô định gọi điện cho cháu đây. Lĩnh hỏi ngay: - Có chuyện gì không cô? - À thì lâu lâu, muốn mời cháu đến dùng cơm chung cho vui vậy mà. Lĩnh bật cười: - Cơm nhà cô ngon lắm cháu ước được ăn cơm nhà cô dài dài. Bà Hiệp ngọt như đường: - Vậy bao giờ thích, cháu cứ báo tin, cô sẽ chuẩn bị. Lĩnh hồ hởi: - Vâng ạ. Bà Hiệp hạ giọng: - Để cô gọi Sao Khuê nhé. - Cô ơi! - Chuyện gì? - Cháu định mời Sao Khuê đi xem ca nhạc, nhưng ngại cô bé từ chối vì bận học và ngại cô không cho phép. Bà Hiệp dễ dãi: - Ối dào! Học cũng có lúc nghỉ ngơi thư giãn chứ. Chừng nào đi để cô sắp xếp cho? Lĩnh ngập ngừng: - Tối mai cô ạ - Được rồi, cô sẽ tính cho cháu. Cháu cứ nói, con bé có từ chối cũng không thành vấn đề. Rồi nó cũng nghe lời cô thôi. Này! chờ máy nhé. Lĩnh nhịp những ngón tay trên bàn đầu óc đã bớt căng thẳng. Anh chờ không phải lâu đã nghe giọng Sao Khuê ríu rít: - Ô là la... Alô, chào vận động viên quần vợt, không phải giờ này anh đang ngoài sân tennis à? Lĩnh ậm ự: - Thì anh đang ngoài sân tennis đây. - Ở sân tennis sao không đánh tennis mà gọi cho em? Bộ bọn nhóc của em có chuyện gì hả? - Ờ có chuyện đấy! Giọng Khuê hốt hoảng: - Chúng làm gì? Lĩnh cười nhẹ: - Anh đùa mà, làm gì chị Hai quýnh lên thế? Khuê thở hắt ra: - Anh làm em tưởng chúng bị tai nạn giao thông không hà. - Sao lại tưởng như vậy? Mà cũng phải thôi, sáng nay chúng đến câu lạc bộ bằng xe ba gác máy. Sao em để chúng ngồi trên cái xe khủng khiếp ấy. Nhỡ có gì thì khó. Khuê kêu lên: - Anh Viễn rất vững tay lái, không thể có gì được. Lĩnh ra vẻ thản nhiên: - Anh Viễn là ai thế? - Là bạn em. - Vì là bạn em nên em tin đến mức giao sinh mạng bọn trẻ cho hắn à? Khuê im lặng. Mấy giây sau cô mới nói: - Đúng vậy, chuyện này đâu có liên quan tới anh. - Bộ anh không có trách nhiệm với bọn trẻ hay sao? Sao Khuê phản ứng: - Không, anh không có trách nhiệm gì hết, dù anh đã giúp chúng một công việc ổn định. Lĩnh trầm giọng: - Sao em lại nói như vậy? bộ anh không có trái tim à? - Ý em không muốn anh bị ràng buộc. - Nhưng anh lại muốn... Tất cả cũng vì em. Anh yêu em nên muốn bị ràng buộc bởi những gì liên quan tới em. Sao Khuê nhắm mắt lại. Cô sợ phải nghe những lời như thế từ Lĩnh, nhưng cô đã không kịp ngăn để anh đừng nói. Trấn tĩnh lại, Khuê ấp úng: - Em phải học bài, thôi nhé. Rồi không đợi Lĩnh nói thêm câu nào, cô gác máy chạy ù về phòng, người bồng bềnh như đang bay. Lẽ ra người đầu tiên nói lời yêu với Khuê phải là Viễn mới đúng. Cô không chờ đợi điều này từ Lĩnh nên anh khiến cô sợ chớ không chút cảm động. Bà Hiệp bước vào, miệng tủm tỉm cười: - Lĩnh đã nói rồi phải không? Mặt đỏ ửng lên, Sao Khuê gắt: - Anh ta đúng là vô duyên khi... khi... Bà Hiệp cau mặt: - Đừng có kiêu căng thế, mẹ đã đồng ý rồi con không được cãi. Khuê kêu lên: - Me... mẹ đồng ý mặc kệ mẹ, con không chịu đâu. Anh ta thật dễ ghét. Bà Hiệp nói: - Dễ ghét ở điểm nào con kể ra cho mẹ xem? Sao Khuê liếm môi: - Con không kể, nhưng tóm lại con không thể yêu Lĩnh, con chỉ xem Lĩnh như một người anh. - Như vậy là tốt rồi. Dần dần con sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về Lĩnh, mẹ tin như vậy, trước hết nên bắt đầu từ tối mai. Khuê ngạc nhiên: - Nghĩa là sao ạ? Không trả lời Khuê, bà Hiệp bước ra khỏi phòng, khép cửa lại. Sao Khuê hậm hực ném cái gối ôm vào vách. Cô thật không ngờ mẹ lại can thiệp vào chuyện riêng của mình, mà lại can thiệp một cách quyền hành như vậy chứ. Lĩnh được bà hậu thuẫn, anh ta có ưu thế gấp mấy chục lần Viễn. Nhớ tới Viễn, Khuê không khỏi xót xa khi mẹ coi thường anh ra mặt. Bà đã ra lệnh cấm cô... bạn bè với Viễn, nên dạo này để nhận một cuộc điện thoại của anh không phải dễ. Tất cả cũng tại thói chủ quan của cả hai đứa. Hôm đó từ quán cà phê ra, hai đứa đã rong xe song song nhau suốt mấy con đường dài chật cứng người qua lại. Điều xui xẻo nhất đã xẩy ra là mẹ đã nhìn thấy, nên mặc dầu về trước bà, Sao Khuê vẫn bị mắng te tua. Mắng xong, mẹ hăm sẽ không để "thằng xe ba gác" yên, nếu nó tiếp tục dụ dỗ con gái bà. Dưới mắt nhìn của mẹ, Viễn là thứ cặn bã không ra gì, mẹ cho rằng Viễn quen cô là có mục đích, mẹ làm cô buồn quá, mẹ khiến cô thấy thế giới quanh mình toàn một màu xám xịt của những toan tính, lọc lừa. Hôm đó, Khuê nghĩ rằng mẹ cấm đoán cô quen với Viễn vì bà muốn tốt cho cô, giờ thì Khuê hiểu ra rồi. Mẹ muốn cô yêu Lĩnh cơ. Ôi chao! Mẹ có biết làm thế là bà đã bóp nát trái tim Khuê không? Tự dưng nước mặt cô hoen mi, Khuê chả phải đứa mít ướt, thế mà nghĩ tới VIễn cô không sao không khóc. Với Khuê, tình yêu đơn giản lắm, cô cho đó là sự gần gũi giữa hai con người khi họ tình nguyện cùng bước đi trên con đường dài đến vô tận. Cô yêu bằng lòng chân thật và sự tin tưởng tuyệt đối vào Viễn. Thế nhưng anh có yêu cô như cô yêu anh không? Thật ra, Viễn chỉ có những lời xa xôi chớ anh chưa thốt lên lời nào nặng ký như lời Lĩnh lúc nãy. Song điều đó quan trọng gì khi hai đứa chỉ mới quen một thời gian ngắn thôi? Viễn không phải người bộp chộp, anh biết thời cơ đến lúc nào, chớ đâu tỏ tình qua điện thoại một cách khô cứng như Lĩnh. Mấy hôm nay Khuê nhớ anh cuồng điên, cô chờ điện thoại của Viễn rồi lại sợ khi nhận ra giọng của anh. Hai người chỉ nói với nhau được đôi ba câu là đã gác máy vì cái nhìn dò xét của mẹ. Bà kiểm tra Khuê kỹ đến mức cô có cảm giác mình đang là tù nhân trong chính ngôi nhà của mình. "Mẹ đã đồng ý rồi con không được cãi". Sao Khuê ôm mặt nhớ lại những lời vừa rồi của mẹ. Bà đồng ý mà không cần biết cô nghĩ gì. Sao mẹ độc đoán đến thế nhỉ? Bà khiến cô muốn điên lên vì quan niệm môn đăng hộ đối xưa hơn cả trái đất của bà. Đối với các mối quan hệ xã hội, mẹ luôn chứng tỏ mình là người thức thời, hiện đại, bà hay phát biểu về quyền lợi của phụ nữ, vai trò của phụ nữ... v.v.. Ấy thế nhưng lại quay về với gia đình mình, bà lại khắt khe, định kiến với quan điểm cổ hủ đối lập hoàn toàn với những điều bà cao giọng trước đám đông. Mẹ khiến cô thất vọng quá, thất vọng quá! Giờ Khuê biết làm gì cho hết buổi sáng đây? Cửa mở, bà Hiệp bước vào, giọng nhẹ nhàng nhưng cương quyết: -Mẹ đến công ty. Con ở nhà không được đi chơi. Lo học đi! Sao Khuê mím môi. Cô không "vâng" như thường ngày khiến bà Hiệp cau mày. -Mẹ khó cũng vì muốn con tốt. Khuê xẵng giọng: -Nhưng con có làm gì xấu đâu. Mẹ cứ nhốt con trong nhà suốt ngày, con chịu hết nổi rồi. Bà Hiệp nói: -Tại sao mẹ bắt con ở trong nhà suốt ngày? Hừ! Tại mẹ không muốn con bị thằng phu xe ấy lôi vào những cái bẫy của nó. Khuê gân cổ lên: -Viễn không xấu như mẹ nghĩ. Nếu so với Lĩnh, Viễn tốt hơn gấp mấy lần. Bà Hiệp cười nhạt: -Tốt theo kiểu lãng mạng ngốc nghếch của con chớ gì? Nghèo, cần cù, chăm chỉ, tự lập sớm không thể nào là ưu thế trong xã hội này. Giàu, năng động, thực tế, có thế lực mới thật sự là người đàn ông mạnh mẽ, là chỗ dựa lý tưởng cho phụ nữ. Có thể bây giờ con chưa nhìn ra điều đó, vì chưa có kinh nghiệm sống, nhưng sau này con sẽ cám ơn sự nghiêm khắc, khó khăn của mẹ. Sao Khuê ngồi bó gối nhìn mẹ bước đi bằng những bước nhẹ nhàng của một người hãnh diện đang bằng lòng với những gì đã có. Cô còn quá trẻ để nghĩ tới một ngày nào đó của mười hay hai mươi năm sau. Cô chỉ biết hiện giờ mình đang đau khổ vì bị ngăn cấm yêu thương một người tốt chỉ vì người ấy nghèo. Có lần mẹ đã nói với Khuê: "Trong... cái thế giới thực dụng của ngày nay, vấn đề môn đăng hộ đối trong hôn nhân càng được đặt nặng vì gia đình đôi bên sẽ là nền tảng vững chắc cho sự đi lên của con cái ". Lúc đó, Khuê đã nghe một cách thờ ơ vì nghĩ mẹ nói ai đâu chớ không phải nói mình. Bây giờ thì rõ rồi. Đó là quan niệm sống của mẹ. Tội nghiệp cô và Viễn quá. Tim nặng nề, ngực nhói đau vì tuyệt vọng, Sao Khuê chỉ biết khóc. Ngay lúc ấy, điện thoại reo. Khuê nằm im khi nghĩ tới Lĩnh. Cô không muốn nghe giọng anh ta chút nào. Mặc kệ chuông vang lên từng hồi, Khuê nằm cho nước mắt tuôn. Mãi đến khi bà Tính gõ cửa phòng nói: - Có cậu Viễn gọi điện. Khuê mới ngồi bật dậy, bỏ chân không, cô chạy ào tới chỗ đặt điện thoại. Giọng Viễn vang lên: - Anh đây! Anh đang trong quán Biển Nhớ đối diện nhà em, qua với anh được không Khuê? Nghẹn cả lời, cô lắp ba lắp bắp: - Em... qua ngay. Đặt máy xuống, cô vào toilette rửa mặt, thay quần áo và nhẹ nhàng xuống bếp. Đến bên bà Tính, cô dặn: - Nhớ mẹ có gọi điện về, dì chạy qua quán Biển Nhớ gọi con chớ đừng nói con không ở nhà nghe. Thấy bà Tính ngần ngừ, Sao Khuê xìu mặt: - Con năn nỉ dì mà! Bà Tính thở dài: - Không khéo dì bị đuổi việc mất. - Không có đâu. - Vậy thì con đi đi. Sao Khuê nói như reo: - Con cám ơn dì. Băng qua đường, Khuê đã thấy Viễn đứng trước cửa quán. Anh gần như dang rộng cả hai tay để đón cô. Khuê thèm ngã vào lòng anh ghê gớm, nhưng cô biết dằn lại để chỉ nắm lấy tay Viễn thôi. Ngồi xuống cạnh nhau trong khu vườn nhỏ, mắt trong mắt, cả hai như xa nghìn trùng vừa được gặp lại nhau. Viễn nhìn cô không dứt: - Anh nhớ Khuê quá, nên vào ngồi ở đây với ước muốn được trông thấy em. - Bữa nay anh không học và không làm việc sao? Viễn nói: - Sáng nay anh chở bọn nhóc tới câu lạc bộ như đã hứa rồi đưa xe cho bạn anh chạy, anh không muốn làm gì ngoài việc muốn gặp Khuê. Thấy bác gái ra khỏi nhà, anh liền gọi điện cho em. Sao Khuê chớp mi, Viễn nhíu mày: - Em vừa mới khóc à? Khuê ấp úng: - Nghe anh gọi, em mừng quá, nên... - Sao lại phải dối anh? Chắc vừa bị mẹ rầy phải không? Sao Khuê im lặng, Viễn trầm giọng: - Lại vì anh à? Khuê nghẹn ngào: - Em phải làm sao đây khi mẹ chọn cả bạn trai cho em? Viễn điềm tĩnh: - Điều đó chứng tỏ mẹ rất quan tâm tới em, em sẽ có cơ hội giao du với nhiều người để chọn một người tâm đầu ý hợp với mình nhất. Sao Khuê rầu rĩ: - Khổ nỗi người ấy mẹ lại không chọn. Viễn nhìn cô: - Thế mẹ đã chọn ai? Khuê quanh co: - Em có nói anh cũng không biết đâu. Viễn cười: - Không biết anh sẽ tìm hiểu để biết. Nhìn Viễn, Sao Khuê nhè nhẹ lắc đầu. Cô không muốn anh mặc cảm trước một đối thủ khá nặng ký như Lĩnh. Dường như đoán được điều Khuê nghĩ, Viễn hỏi: - Khuê sợ anh sẽ chưa đánh đã bại trước một đối thủ có tầm vóc hơn mình à? Sao Khuê bức rức: - Thực tế là như vậy. Lĩnh thuộc một gia đình giàu có. Ba anh ta có phần hùn lớn nhất nhì ở câu lạc bộ thể dục Mai Anh. Viễn gật gù: - Lĩnh là người đưa bọn trẻ vào sân tennis để nhặt banh? Sao Khuê tròn xoe mắt: - Sao anh biết? Viễn vẫn mỉm cười: - Anh suy ra. Đúng phải không? Sao Khuê gật đầu: - Vâng. Viễn bóp nhẹ tay cô: - Nếu thế thì không có chuyện gì Khuê phải lo. Anh sẽ không làm em thất vọng đâu, cho dù bây giờ ngày ngày anh vẫn ngồi trên xe ba gác máy để kiếm thêm tiền sinh hoạt cá nhân, nhưng với anh đó chỉ là công việc giúp anh thâm nhập sâu sát vào cuộc sống, vào giới cơ cực nhất, thấp kém nhất của xã hội. Anh đang trình một luận án xã hội học về đề tài này. Anh muốn giúp những người nghèo thất học có tiếng nói của họ. Im lặng một chút, Viễn nói tiếp: - Trước đây anh từng chạy xe ôm, bốc vác ở Cầu Ông Lãnh. Anh thấm thía nỗi nhọc nhằn của những người nghèo. Họ không được bảo vệ quyền lợi, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên hai vai khiến họ khó ngẩng cao đầu. Càng cúi thấp, họ càng dễ làm những nghề không lương thiện. Nghèo không phải là một cái tội, nhưng từ cái nghèo người ta dễ phạm tội. Anh quen rất nhiều người ở tầng lớp thấp của xã hội và anh thật sự quý họ. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, Khuê thấy anh chén tạc chén thù với một nhóm khố rách áo ôm cũng đừng ngạc nhiên nhé. Sao Khuê trầm giọng: - Những việc anh làm trong âm thầm thật đáng quý, em rất thích nghe anh kể về những người cùng khổ ấy. Viễn nói: - Anh đã tìm được người bảo trợ cho thằng Trí, thằng Bo, thằng Lu cho tới lớn. Sao Khuê reo lên như trẻ con: - Ơ... anh giỏi quá. Em cám ơn anh. Viễn nghiêm mặt: - Khen thôi mà không thưởng anh à? Sao Khuê vô tư: - Anh thích thưởng cái gì? Viễn hấp háy mắt: - Anh đố Khuê đấy! Khuê bối rối: - Em không biết. Anh nói đi. Viễn hạ giọng: - Để anh nói nhỏ vào tai Khuê nhé? Sao Khuê thắc mắc: - Sao phải nói nhỏ vào tai? - Nói lớn gió thổi đi mất phần thưởng của anh, em có đền không? Khuê hất mặt lên: - Có khả năng thưởng, em phải có khả năng đền chứ. Anh cứ nói to thoải mái. Viễn mỉm cười: - Anh sẽ hát chớ không nói suông đâu. Em nghe và trả lời anh đấy. Sao Khuê kêu lên: - Anh hát hả? Trời ơi! Em hơi bất ngờ nghe. Anh hát đi. Em nhất định trả lời và nhất định thưởng anh phần thưởng to. Viễn xoay người Khuê đối diện với mình, giữ hai tay cô, nâng niu trong tay mình, anh hát nho nhỏ như thầm thì: "Chân có bằng lòng cho anh theo với Tóc có bằng lòng se một sợi thôi Mắt có bằng lòng trông nghiêng chờ đợi Môi có bằng lòng trao một nụ hôn?" - Trả lời anh đi bé con? Sao Khuê rối cả lên, cô như bị đốt cháy bởi ánh mắt nồng nàn của Viễn, anh như đang mê hoặc Khuê bằng giai điệu nhẹ nhàng của bài hát cùng với những ca từ ngộ nghĩnh dễ yêu. Giọng Viễn như lạc đi vì xúc động: - Em có bằng lòng nếu anh nói yêu em không Sao Khuê? Sao Khuê hồn vía lên mây, tay cô run lên trong tay Viễn. Dù Khuê khao khát, mong chờ nghe những lời này lâu nay, nhưng khi anh đã nói, cô lại bàng hoàng nửa tin nửa ngờ. Giọng Viễn thôi thúc: - Đừng im lặng như thế Sao Khuê. Em có yêu anh như anh yêu em không? Khuê gật đầu và nghe Viễn thở phào nhẹ nhõm. Anh tha thiết: - Em chính là phần thưởng quý giá nhất mà anh có được. Từ giờ trở đi, em là một phần của cuộc đời anh. Dù trở ngại khó khăn nào, chúng ta cũng nhất quyết vượt qua nhé Khuê. Sao Khuê lại gật đầu. Cô như quên bẵng những lời mẹ vừa dạy bảo lúc nãy, với cô bây giờ chỉ tồn tại mỗi Viễn, anh như nguồn sáng tỏa rộng bao trùm Khuê. Nếu vắng anh, thế gian này sẽ giá băng, tăm tối và Khuê cũng không thiết sống làm gì. Nâng cằm Sao Khuê lên, Viễn nhìn thật sâu vào đôi mắt rất tròn rất đen của cô. Khuê bồi hồi khép mi khi anh cúi xuống. Quán cà phê là một sân vườn. Buổi sáng quán vắng và yên đến mức Khuê nghe tiếng trái tim mình đập như muốn vỡ tung lồng ngực khi môi Viễn chạm vào môi cô. Nụ hôn nhẹ như gió thoảng nhưng đủ làm Khuê choáng váng. cô phải bấu chặt hai tay Viễn, chặt đến mức anh phải vội ôm cô vào lòng. Viễn biết với Khuê đây là nụ hôn đầu thiêng liêng. Lẽ ra anh phải biết dằn lòng, nhưng nhìn gương mặt quá dễ yêu của cô, anh không thể... Giọng ân hận, Viễn nói: -Anh xin lỗi đã làm em sợ... Sao Khuê dấu mặt vào vai anh, người vẫn nhẹ tênh bay bổng, cô vừa xấu hổ và hạnh phúc khi nhận ra lời tỏ tình cùng nụ hôn đầu đời dịu ngọt. Cô cảm nhận được sự mạnh mẽ đáng tin cậy toát ra từ bờ vai vững chắc của Viễn. Sao Khuê thì thầm: - Lần đầu gặp nhau, anh đã là chỗ dựa cho em, bây giờ và sau này cũng thế nhé Viễn? Anh giữ gương mặt cô trong tay: - Bây giờ và mãi mãi cô bé của anh à. Anh hứa không làm em thất vọng về anh. Hãy tin như vậy. Sao Khuê ngập ngừng: - Dĩ nhiên là em tin anh rồi. Viễn nhìn cô: - Nhưng Khuê ngại ba mẹ đánh giá anh là một gã khố rách áo ôm và đeo bám tiểu thơ con nhà chắc chắn có mục đích phải không? Sao Khuê chưa kịp nói gì, Viễn đã nghiêm giọng: - Anh không phải là hạng người đó và sẽ chứng tỏ cho bác gái thấy ưu điểm của anh. Ba mẹ dạy anh tự lập từ nhỏ nhưng không có nghĩa không tạo dựng cho anh một nền tảng để tồn tại và vươn lên. Anh không đặt nặng vấn đề tiền tài, danh vọng và quyền lực, với anh những thứ đó chỉ là phương tiện để anh đạt được mục đích mình đề ra. Khuê tò mò: - Mục đích đó là gì hả anh? Viễn trầm giọng: - Giúp những người khó khăn xung quanh mình, sao cho họ có cuộc sống tươi đẹp hơn. Sao Khuê xúc động: - Em rất thích việc làm đó của anh. Nhưng tiếc là em không làm tới đâu hết. - Miễn em có tấm lòng là tốt rồi. Trước kia anh cũng từng là tình nguyên viên đường phố. Anh đã đưa hàng trăm đứa trẻ lang thang về nhà hoặc về các Mái Ấm. - Bây giờ anh không làm nữa à? Viễn nói: - Uh, nhưng không phải vì có nhiều tình nguyện viên quá mà vì anh phải lo phần việc khác. Không lân la suốt ngày trên phố để hỏi chuyện làm quen rồi đưa những đứa trẻ lang thang về trung tâm, nhưng anh lại rong ruổi nhiều chỗ để xin tài trợ. Nhờ những đồng tiền này, nhiều Nhà Mờ và Mái Ấm mới tồn tại, bọn trẻ mới được nuôi ăn học. Sao Khuê thán phục: - Theo em biết, không phải ai đi xin tài trợ cũng được đâu. Sao anh tài thế? - Ăn thua mình có kiên trì nhẫn nại và có tâm có đức không, chớ anh mà tài giỏi gì. Gia đình anh có truyền thống làm những việc đại loại như thế, nên anh quen với những chuyện như xin tài trợ hay đi cứu trợ rồi. Sao Khuê nhìn anh trìu mến. Rõ ràng Viễn rất khác xa Lĩnh, anh sống chan chứa tình người thế kia, trái tim Khuê nghiêng về anh là lẽ đương nhiên. Chắn chắc khi chọn Viễn, cô sẽ đương đầu với ba mẹ. Điều đó đồng nghĩa với những tháng ngày sắp tới của Sao Khuê sẽ rất nhiều khó khăn, bất trắc. Nếu đã yêu phải chấp nhận. Khuê đã yêu và cô sẽ không hối hận với lựa chọn của mình.