"Không vào hang hùm sao bắt được cọp con", nguyên Hán văn: "Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử". Đó là lời nói bất hủ của tướng Ban Siêu đời nhà Hán ở Trung Hoa. Ban Siêu người đất Bình Lăng. Cha là Ban Bưu, anh cả là Ban Cố, em gái là Ban Chiêu, đều là những người học vấn uyên thâm nổi tiếng một thời. Siêu cũng là người học rộng tài cao, hay thích biện luận. Năm thứ năm, niên hiệu Vĩnh Bình đời Hán Minh Đế (58-76), Siêu theo anh và mẹ lên Lạc Dương. Nhà nghèo, phải viết mướn trong dinh quan Tri Phủ để kiếm tiền nuôi mẹ. Cuộc đời chật vật và vô vị đã khiến Ban Siêu chán nản uất ức. Đã nhiều đêm nằm trên chiếc chiếu rách, quạt phì phạch chiếc quạt nan, Siêu nhìn lại dĩ vãng mà đau lòng, rồi trông vào hiện tại mà lo lắng cho tương lai của mình và cả gia đình. Là một thanh niên có học thức, huyết chí phương cương, Ban Siêu không thể để cuộc đời trôi theo dòng đời một cách tầm thường, vô vị. Một hôm, đang viết công văn cho quan phủ, Ban Siêu bỗng vứt mạnh bút xuống giường, hét lên một tiếng, khẳng khái nói: "Đại trượng phu sinh ra ở trên đời phải lập cho mình một sự nghiệp hiển hách mới thỏa chí bình sinh, chớ sao lại chịu chết già chốn bút nghiên đói lạnh này!" Đoạn Siêu bỏ đi. Mười sáu năm sau, Đậu Cố vâng lịnh vua Hán đem binh đánh Hung Nô, Siêu tùng quân, giúp nhiều kế hay, có công lớn, được phong chức Tư Mã. Đậu Cố thấy Ban Siêu có tài bèn sai đi sứ cùng Quách Tuân sang Tây Vực. Quách Tuân và Ban Siêu đến nước Thiên Thiện. Vua nước này tiếp đãi rất nồng hậu. Nhưng ít lâu sau, Siêu nhận thấy thái độ nhà vua bỗng lạnh nhạt với mình nên sinh nghi. Tìm cách hỏi dò lính hầu thì mới biết nhà vua nghe lời gièm pha của bọn sứ thần Hung Nô vừa mới đến đây vài ngày nên nhà vua không ưa chuộng bọn Ban Siêu nữa. Là người thông minh quyết đoán, Siêu tiên đoán ngay tương lai nguy hiểm nên vội tìm cách đối phó. Biết Quách Tuân là người nhu nhược nên Siêu không tính kế với hắn; chỉ triệu tập thủ hạ cả 36 người uống rượu bàn mưu. Rượu đã ngà ngà, Siêu lấy lời nói khích: -Anh em cùng tôi xa xôi ngàn dặm đến đây, ai cũng muốn lập công lớn để mong cầu phú quý. Sự nghiệp chưa thành mà nguy cơ đã đến. Hiện nay sứ Hung Nô vừa tới đã cố ý gièm pha, khiến vua Thiên Thiện thay lòng đổi ý lãnh đạm với chúng ta. Nếu chẳng may chúng ta bị nhà vua bắt nạp cho Hung Nô, chết uổng mạng nơi đồng hoang, làm mồi cho hổ báo, thì anh em liệu có cam tâm chịu chết nhục không? Bọn thủ hạ nghe nói vừa sợ vừa tức, đồng thanh nói: -Việc gấp rút như thế, sống chết xin theo lịnh ngài. Siêu bảo: -Không vào hang hùm sao bắt được cọp con. Chúng ta bây giờ thừa đêm tối trời, xông vào đốt phá dinh trại Hung Nô. Xuất kỳ bất ý hẳn phải toàn thắng. Thế rồi, vào canh ba đêm đó, Siêu dẫn thủ hạ đến gần trại Hung Nô, chia làm hai đội. Một đội phục đằng sau có đủ khí giới trống chiêng; một đội phục đằng trước, tay sẵn sàng cung tên chờ lịnh. Quân Hung Nô ngon giấc. Ban Siêu tức tốc hạ lịnh nổi lửa đốt trại. Lửa bốc cháy. Khói mù mịt. Lửa theo gió, gió thổi lửa. Gió lửa tung hoành trong bầu trời mù mịt bóng đêm. Quân Hung Nô choàng dậy, hoảng hốt, kêu khóc vang dầy, bỏ chạy tán loạn. Phục binh của Siêu nhất tề đứng dậy, hò hét inh ỏi. Kẻ dùng tên bắn, người dùng giáo đâm, kẻ dùng đao chém. Chỉ trong chốc lát, quân Hung Nô bị mất ba bốn chục đầu. Còn hơn trăm tên khác đều bị cháy trong đống lửa, không một kẻ thoát thân. Thắng trận, Ban Siêu lên mặt, hạ lịnh đòi vua Thiên Thiện đến, cho xem mấy chục thủ cấp Hung Nô. Vua sợ hãi quá, phải xin hàng làm thuộc quốc Hán triều. Hoàn thành nhiệm vụ, Ban Siêu trở về nước, được vua Minh Đế khen thưởng, phong chức quan Tư Mã, ban cho 200 tấm vải. Sau Ban Siêu còn lập nhiều chiến công vĩ đại nữa là đánh bại nước Quy Tư, uy danh lẫy lừng. Suốt cõi Tây Vực, 50 nước rải rác khắp bắc đạo cũng như nam đạo đều phải dâng biểu triều cống nhà Hán, Siêu được vua Hán trọng đãi phong chức Đinh Viễn Hầu. Sau 31 năm tung hoành Tây Vực, Ban Siêu đã 71 tuổi. Trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm", bản dịch của Đoàn Thị Điểm, có câu:
Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt, Xếp bút nghiên theo việc đao cung.Và:
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn, Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo."Hang beo" hay "hang cọp" (hổ huyệt) cùng đồng nghĩa để chỉ chỗ nguy hiểm. "Xếp bút nghiên", "Hang beo" đều do điển tích trên.