Con "Quốc quốc"

Con "Quốc quốc" vốn là chim Cuốc. Tiếng "quốc quốc" do cách tá âm "cuốc cuốc" mà ra. Trong bài "Qua đèo Ngang" của bà huyện Thanh Quan, có câu:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Chim Cuốc còn có tên là Đỗ Quyên, Tử Quy hay Đỗ Vũ. Giống chim này, đầu mỏ hơi cong, miệng to đuôi dài, lưng màu tro, bụng sắc trắng có một đường đen thẳng ngang. Nó thường lủi trong bụi rậm dưới ao sâu hoặc hồ rộng. Cuối xuân sang hè thì bắt đầu kêu. Giọng thê thảm khiến khách lữ hành động lòng nhớ nhà, nhớ quê hương.
Chim này không tự làm tổ lấy, đẻ trứng vào ổ chim Oanh. Chim Oanh ấp, nuôi cho đến lớn.
Sự tích chim Cuốc có nhiều thuyết.
Có điển cho rằng vua nước Thục là Đỗ Vũ thông dâm với vợ một bề tôi là Biết Linh, Biết Linh dấy loạn. Vua Thục thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng. Đoạn này sách "Thành đô ký" lại nói: Vua Thục thông dâm với vợ Biết Linh. Biết Linh biết chuyện, bày kế cho vợ nói khích Đỗ Vũ nhường ngôi cho Biết Linh rồi cùng vợ Biết Linh bỏ nước đi, để sống cho trọn tình chung. Đỗ Vũ nghe theo, giao nước cho Biết Linh nhưng vợ Biết Linh bây giờ bỏ Đỗ Vũ, trở lại sống cùng chồng.
Buồn khổ, nhớ nước, sau thác, Thục đế hóa thành chim Đỗ Quyên, ngày đêm kêu mãi không thôi.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du đoạn tả về khúc đàn của Kiều gảy cho Kim Trọng nghe lúc tái hợp, có câu:
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên.
Lại cũng có điển chép: Thục đế An Dương Vương của nước ta (207 trước D.L.?), vì con gái là Mỵ Châu bị lừa, trao nỏ thần cho chồng là Trọng Thủy nên phải thua trận và nhảy xuống biển tự tử. Vì nhớ nước nên hóa thành chim Cuốc, ngày đêm kêu lên những tiếng não ruột.
Thuyết sau này e không đúng. Vì tiếng "Đỗ Quyên", "Đỗ Vũ" nguồn gốc vốn ở Trung Hoa.
Thật không có tiếng gì kêu bi thảm, não ruột cho bằng tiếng chim Cuốc. Những buổi trưa hè nắng chang chang hay những đêm hè tịch mịch, tiếng chim Cuốc trong những bụi rậm hay trong bụi niễng dưới đầm vọng lên làm lòng người cảm thấy bi ai một cách lạ lùng. Nó gợi lên được sự nhớ nhung một thời oanh liệt xa xôi nào; có khi nó thúc giục và làm bừng dậy cái tinh thần ái quốc nồng nàn đương tiềm tàng trong lòng người dân thời nước mất nhà tan.
Thi ca cổ điển Việt Nam dùng rất nhiều điển về chim Cuốc.
Trần Danh An, một di thần nhà Lê (1428-1788), nghe tiếng Cuốc kêu cũng cảm xúc, nhớ lại một triều đại hưng thịnh, một công nghiệp dựng nước của Thái Tổ, tài đức Thái Tông... Hôm nay, Chiêu Thống hèn nhát, họ Trịnh chuyên quyền, lòng ái quốc thiết tha sống động trong tâm hồn thi sĩ; nhưng thi sĩ cảm thấy mình bất lực trước thời cuộc nên đành gói ghém tâm sự di thần của mình trong mấy vần thơ:
Giá cô tại giang Nam
Đỗ Quyên tại giang Bắc
Giá cô minh gia gia
Đổ Quyên minh quốc quốc.
Vi cầm do hữu quốc gia thanh,
Cô thần đối thử tình vô cực.
Nghĩa:
Chim giá cô ở bờ sông Nam,
Chim Đỗ Quyên ở bờ sông Bắc,
Giá cô kêu gia gia,
Đỗ Quyên kêu quốc quốc
Chim nhỏ còn kêu tiếng nước nhà
Cô thần đối cảnh tình man mác.
Bà huyện Thanh Quan khi qua đèo Ngang đã mượn tiếng Cuốc kêu để diễn tả tâm trạng thầm kín của mình đối với công nghiệp của triều Lê đã mất:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Nhưng tiếng Cuốc ở đây lại càng lâm ly, não nùng hơn nữa.
Đứng trước thành Cổ Loa, xưa kia nơi đây là cung miếu của vua Thục, nhà thơ Chu Mạnh Trinh bất giác sinh lòng hoài cổ. Cung miếu đó, xưa kia tráng lệ huy hoàng bao nhiêu thì ngày nay điêu tàn quạnh quẽ bấy nhiêu. Trong cảnh vắng vẻ lạnh lùng này, dưới ánh trăng mờ nhạt, tiếng cuốc khắc khoải năm canh vọng lên buồn bã.
... Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải Cuốc kêu thâu
(Bản dịch của Tiền Đàm)
Nguyên văn:
... Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu,
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.
Tiếng Cuốc của quan Án Chu Mạnh Trinh tuy có não nuột thật nhưng chưa sâu xa thấm thía và bi đát bằng tiếng Cuốc kêu của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Tiếng Cuốc của Cụ Nguyễn là tất cả tiếng nói của lòng một người dân tha thiết yêu nước bị mất nước. Tiếng Cuốc đó còn nói lên một mối đau buồn uất hận của tác giả vì nỗi bất lực trước cảnh đen tối của thời cuộc. Và, đó cũng là tiếng nói của lương tâm thôi thúc tác giả xông pha vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc:
Khắc khoải sâu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đừng gọi?
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Ban đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Mượn tiếng Cuốc kêu để diễn tả tâm sự của một người dân vong quốc vẫn là một thông lệ trong văn chương Việt Nam.
"Thục đế", "Đỗ Quyên", "Quốc quốc" đều do điển tích trên.

Truyện Hằng Nga và Hậu Nghệ Cưỡi rồng, bói phượng Đằng Vương Các Tự Khúc đàn Thủy Tiên Để thiếp theo chồng mấy dặm khơi Đồng Tước Đài Chức cẩm hồi văn Vành ngoài, vành trong Vạn lý tìm chồng Khúc phượng cầu hoàng Củi đậu đun hột đậu Bi ca tán Sở Động Bích Đào Gấm nàng Ban Đông sàng với thiếp Lan Đình Khúc trường tương tư Giảo thố tam quật Đổi mỹ nhân lấy ngựa Trường môn phú Trúc mai Lão tiều phu hay con hạc đen Hà Đông sư tử Lá thắm đưa duyên Lam Kiều Đào yêu Động Đào Nguyên Mười bài thơ đoạn trường Khúc Hậu Đình Hoa Gương vỡ lại lành Giấm chua Cái "gia gia" Hồ Than Thở Nghiêng nước nghiêng thành Khúc Nghê Thường Vũ Y Trao tơ, gieo cầu Núi Vọng Phu Trống cơm Kê Khang này khúc Quảng Lăng… Con "Quốc quốc" Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan Trường Hận Ca Hoa đào năm ngoái … Tiếng đàn tri âm Liễu Chương Đài Tuyệt Diệu Hảo Từ Nam Tào, Bắc Đẩu Bách bộ xuyên dương Chắp cánh, liền cành Gậy rút đất Kết cỏ ngậm vành Lá gió, cành chim Nàng Ban, ả Tạ Mã đầu cầm Tiết phụ ngâm Bình Nguyên Quân Thấy nhàn luống tưởng thư phong Sát thê cầu tướng Cử án tề mi Tết Hàn Thực Giấc Nam Kha Ngàn dâu Giảm bếp, tăng bếp Thao lược Tết Trung Thu Mật lịnh trong nhưn bánh Trung Thu Tết Đoan Dương Tết Trùng Cửu Lầu Xanh và Thần Mày Trắng Can Tương, Mạc Gia Giấc Vu Sơn Xích Thằng, Nguyệt Lão Duyên nợ ba sinh Loan giao Bát trân, thập trân Xe dê Khắc lậu Nằm gai, nếm mật Điểu tận cung tàng Không vào hang hùm sao bắt được cọp con Quyển tiểu thuyết tẩm thuốc độc Bức họa Dương Quí Phi tắm suối Cỏ Ngu Mỹ Nhân Tri kỷ Hấp tinh đạo khí Cỏ đỏ trên mộ Chiêu Quân Bạo chúa xem quỳnh hoa Đàn ông làm hoàng hậu, trai đẹp làm cung nga Giang thần trảo trảo Nợ như chúa Chổm Tục uống máu ăn thề Thiến gà, thiến heo Hoạn quan không bị hoạn Thượng thư lỗ chó Tiền Xích Bích Phú Một bộ sử loài người rút ngắn thành một câu Mây Tần, mây Hàng... Áo gấm mặc đêm Ngọc Hoàn Dương Quí Phi Ngọc Hoàn Dương Quí Phi Tư Mã Thiên, một sử gia danh tiếng bị cung hình Mười viên "Xuân Khiết Cao" Chu Công thổ bộ Liệt nữ họ Lý thành Giang Du Tung Hoành Gia Bán kiên cung kiếm nhứt trạo giang sơn... Đêm Lệ Chi Viên Kẻ được khen bị tội, người bị chê được thưởng Sa nang ủng thủy Đạo binh 80 mỹ nhân phá tan nước Lỗ Bối thủy trận Tiêu Lang Người chặt cây quế trong cung trăng Mỹ nhân cười người què bị chém đầu Loạn Kiêu Binh Tào Tháo thèm kỹ nữ Chim Việt, ngựa Hồ Lễ hôn Hỏa ngưu trận Tam bành, lục tặc Suối vàng hay chín suối Suối vàng hay chín suối Cơm Phiếu mẫu, trôn Ác Thiểu Mấy cành Dương Quan Đuốc hoa, hoa đèn Ma Rồng gặp Trâu Bồ Tát Tái ông thất mã Ngọc tỉnh liên phú Ngôn quá kỳ hành Lễ tang Thôi xao Tựa cửa, tựa cổng Tứ Thư Ngũ Kinh Lợn người Tây Thi, Trịnh Đán Nữ Trượng Phu Hát Quan Họ Điêu Thuyền với kế liên hoàn Hát Trống Quân Tuyệt Anh Hội Đào Hoa Phu Nhân Mắt xanh, mắt trắng Ninh Thích, người chăn trâu ở Dao Sơn Thanh Minh trong tiết tháng ba