Mỹ sắp có chiến tranh

Ngay sau 1/1/2003, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Condoleeza Rice có cuộc gặp riêng với Tổng thống Bush tại trang trại ở Crawford, Texas. Ông Bush cảm thấy nỗ lực làm Saddam Hussein tổn thương bằng những cuộc thanh sát vũ khí của Liên Hợp Quốc tại Iraq có vẻ không hiệu quả.
"Các sức ép không gắn với nhau", Bush nói với Rice.
Những bản tin người Iraq mỉm cười đưa thanh sát viên tới các nơi, mở cửa các toà nhà và nói: "Đấy, chẳng có gì ở đây cả" làm Tổng thống Mỹ tức điên. Rồi ông đọc các bản báo cáo tình báo về việc Iraq đang vận chuyển và giấu giếm. Không rõ cái gì được vận chuyển, nhưng với Bush, có vẻ Saddam Hussein lại sắp đánh lừa thế giới. Có vẻ nỗ lực thanh sát chưa đủ mạnh và có thể kéo dài nhiều tháng nữa, thậm chí dài hơn và có khả năng thất bại.
"Tôi lo ngại người ta sẽ không tập trung vào Saddam hay mối đe doạ, sự lừa dối mà ông ta đặt ra, mà nhằm vào quá trình thanh sát và do đó, Saddam có thể luồn lách một lần nữa", Tổng thống Mỹ nhớ lại trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 12/2003. "Tôi bị stress. Những bữa tiệc năm mới ở Nhà Trắng chẳng ích gì. Tôi không thể mở miệng. Không phải vì tôi cười và bắt tay quá nhiều. Có rất nhiều căng thẳng trong kỳ nghỉ đó".
Còn một nhân tố nữa mà công chúng không biết. Theo những thông tin tình báo nhạy cảm về trưởng đoàn thanh sát Liên Hợp Quốc Hans Blix, ông không báo cáo tất cả và không làm mọi việc trong thẩm quyền. Một số nhân vật trong nội các chiến tranh của Bush tin rằng Blix là kẻ nói dối.
"Chuyện gì đang xảy ra vậy", Bush hỏi Rice. "Saddam đang mạnh dần lên".
"Blix nói với tôi, Tôi chưa bao giờ phàn nàn về sức ép quân sự của Mỹ. Tôi cho đó là một việc tốt", Cố vấn an ninh quốc gia trả lời.
"Ông ấy nghĩ tôi có thể chờ bao lâu?", Bush hỏi. "Một năm? Tôi không thể. Mỹ không thể ở vị trí này trong khi Saddam chơi trò với các thanh sát viên".
"Ông phải giữ lời", Rice nói. "Nếu tiến hành ngoại giao cưỡng bức, thì ông phải đi theo quyết định đó". 
"Ông ta ngày một tự tin hơn, chứ chẳng giảm đi", Tổng thống Mỹ nói về Saddam. "Ông ta có thể thao túng hệ thống thế giới một lần nữa. Chúng ta sẽ không chiến thắng. Thời gian không có lợi cho chúng ta. Có thể chúng ta sẽ phải tiến hành chiến tranh".
Trong đầu Rice, đây là lúc tổng thống quyết định Mỹ sẽ tuyên chiến với Iraq. Quá trình lên kế hoạch chiến tranh đã diễn ra hơn một năm kể cả trong khi ông Bush tìm kiếm giải pháp ngoại giao thông qua Liên Hợp Quốc. Tổng thống sẽ tiếp tục những nỗ lực đó, ít nhất là về mặt công khai, trong 10 tuần nữa, nhưng ông đang ở điểm "một đi không trở lại".
Tổng thống cũng thông báo Karl Rove, nhà chiến lược chính trị chính, về quyết định trong kỳ nghỉ. Rove đã tới Crawford để báo cáo Bush về kế hoạch mật cho chiến dịch tái tranh cử năm 2004. Trong khi Laura Bush ngồi đọc sách, Rove trình bày bằng PowerPoint về chiến lược vận động, các chủ đề và thời gian biểu. Mở laptop, ông hiển thị chữ béo trên nền xanh đậm.
CÁ TÍNH:
Nhà lãnh đạo mạnh mẽ
Hành động quyết đoán
Tư tưởng lớn
Hoà bình trên thế giới
Nước Mỹ tình cảm hơn
Quan tâm đến người khác
Đứng đầu một đội ngũ mạnh
Tổng thống hỏi cố vấn khi nào thì bắt đầu chiến dịch và gây quỹ. Rove trả lời muốn Bush khởi động vào tháng 2 hoặc tháng 3 và bắt đầu gây quỹ, khoảng 200 triệu USD. Ông có một lịch trình. Vào tháng 2, tháng 3 và tháng 4/2003, sẽ có khoảng 12-16 người gây quỹ.
"Chúng ta sắp có chiến tranh", Tổng thống nói thẳng với Rove. "Và anh phải đợi". Ông chủ Nhà Trắng đã quyết định. "Thời điểm đó sắp tới".
Tổng thống Mỹ không đưa ra ngày cụ thể, nhưng Rove cảm thấy chiến tranh sẽ khơi mào vào tháng giêng, tháng 2 hoặc chậm nhất là tháng 3.
"Hãy nhớ những vấn đề trong chiến dịch của cha ông", cố vấn chính trị nói. "Nhiều người nói ông ấy đã khởi động quá muộn".
"Tôi hiểu", Bush trả lời. "Tôi sẽ nói với ông khi nào tôi muốn bắt đầu".