Tổng thống Mỹ sớm quyết định chiến tranh Iraq

Từ tháng 12/2001, ông Bush đã nhiều lần thảo luận với tướng Tommy Franks và nội các chiến tranh để lên kế hoạch tấn công, mặc dù ông cùng những người phát ngôn chính quyền luôn khẳng định sẽ theo đuổi giải pháp ngoại giao trong vấn đề Iraq.
"Kế hoạch tấn công" (Plan of Attack) của Bob Woodward, trợ lý chủ bút tờ Washington Post, tường thuật lại lý do và con đường đưa Tổng thống Mỹ George W. Bush đến quyết định và chuẩn bị chiến tranh Iraq trong những cuộc họp bí mật với các trợ lý Nhà Trắng. Dưới đây là giới thiệu và một số đoạn trích trong cuốn sách.
Hôm 21/11/2001, tức là 72 ngày sau khi những vụ tấn công khủng bố nhằm vào New York và Washington xảy ra, Tổng thống Mỹ chỉ định Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld lên kế hoạch chiến tranh. "Hãy bắt đầu từ vấn đề này", ông Bush nói. "Tommy Franks hãy xem xét cái giá để bảo vệ nước Mỹ bằng cách loại bỏ Saddam Hussein nếu chúng ta phải làm như vậy. Liệu chúng ta có thể làm được việc này mà không gây chú ý quá nhiều không?".
Tổng thống Mỹ nhận được báo cáo chi tiết đầu tiên về các kế hoạch chiến tranh Iraq 5 tuần sau, hôm 28/12, khi Franks, người đứng đầu Sở chỉ huy trung ương, tới gặp ông tại trang trại ở Crawford, Texas. Sau đó, ông Bush tiết lộ với các phóng viên rằng 2 người đã thảo luận về Afghanistan.
Việc lên kế hoạch chiến tranh chi tiết suốt năm 2002 được đà sau khi CIA kết luận Saddam Hussein không thể bị loại bỏ nếu không tiến hành chiến tranh. Giám đốc CIA đảm bảo với Tổng thống Mỹ rằng thật là "đao to búa lớn" khi cho rằng Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt. Bên cạnh đó là sức ép từ phe chủ chiến trong chính quyền. Phó tổng thống Cheney, được mô tả là một "thế lực áp chế", đứng đầu phe này và đã phát triển cái được một số đồng nghiệp cho là "cơn sốt" loại bỏ Saddam Hussein bằng vũ lực.
Đầu tháng 1/2003, ông Bush đã quyết định sử dụng vũ lực với Iraq. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng lo ngại chính phủ của đồng minh thân cận nhất, Thủ tướng Anh Tony Blair, có thể sụp đổ vì ủng hộ Mỹ đến mức đã trì hoãn chiến tranh cho tới ngày 19/3 (theo giờ Mỹ, tức là 20/3 ở Iraq), vì ông Blair đề nghị tìm kiếm một nghị quyết thứ hai tại Liên Hợp Quốc. Sau đó, Tổng thống Mỹ đưa ra lựa chọn không để lính Anh tham chiến, nhưng Blair bác bỏ. "Tôi đã nói là tôi sẽ sát cánh cùng ông. Tôi đã nói như vậy", Thủ tướng Anh khẳng định.
Cuốn sách mô tả mối quan hệ giữa Phó tổng thống Cheney và Ngoại trưởng Colin Powell căng thẳng tới mức 2 người hiếm khi có chung quan điểm. Cheney có quan điểm cứng rắn và thường giành chiến thắng trong cuộc tranh luận về Iraq với Powell, người phản chiến luôn cho rằng Cheney luôn bị ám ảnh phải nỗ lực thiết lập mối quan hệ giữa Iraq với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và coi tin tình báo mập mờ là thực tế.
Thông tin trong cuốn sách có được từ hơn 75 nhân vật quan trọng, trực tiếp liên quan đến các sự kiện, trong đó có các thành viên nội các chiến tranh, nhân viên Nhà Trắng và các quan chức ở nhiều cấp trong Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Cơ quan tình báo trung ương (CIA). 
Ông Bush được phỏng vấn trong hơn 3 tiếng rưỡi trong 2 ngày, 10 - 11/12/2003. Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld được hỏi chuyện trong hơn 3 giờ vào mùa thu năm 2003. Nhiều câu trích dẫn trực tiếp trong cuộc thảo luận, thời điểm và các chi tiết được lấy từ những tài liệu chính thức và không chính thức, trong đó có nhật ký cá nhân, lịch công tác, bản ghi điện đàm, sổ ghi nhớ. Những đánh giá, cảm xúc trong cuốn sách có thể thu được một cách trực tiếp, hoặc thông qua người thứ ba hay qua văn bản giấy tờ.  
Quyết định tiết lộ những mối nghi ngại của Ngoại trưởng Powell với nhà báo Bob Woodward trong cuốn sách là cú đấm với Nhà Trắng và làm trầm trọng thêm căng thẳng lâu nay trong Nhà Trắng. Hơn nữa, một số quan chức cho rằng cuốn sách đã đặt ra vấn đề đúng lúc tình hình Iraq ngày một tồi tệ và Tổng thống Bush đang nỗ lực cho chiến dịch tái tranh cử. Ông Powell chưa thừa nhận đã hợp tác với Woodward, nhưng cuốn sách làm người ta gần như không thể nghi ngờ về việc này.