Để kết thúc

Mười hai năm sau. Tháng 9-1987.
Tôi trở lại Sài Gòn lấy thêm tài liệu để hoàn chỉnh tập bản thảo đã được chuẩn bị từ 4 năm qua.
Ở ngoài cuộc đời, những nhân vật chính của tôi đều là những người ít lời. Vì yêu cầu nghề nghiệp, các anh đã cố tạo cho mình một dòng máu lạnh. Họ có thói quen tránh nói nhiều về những công việc mình đã làm. Bù lại, tôi đã được cung cấp một nguồn tài liệu khá phong phú. Đó là những báo cáo của các anh từ bên kia chiến tuyến gửi về trong những năm chiến tranh. Những bản tổng kết. Toàn bộ hồ sơ Mật về “Cụm tình báo chiến lược A.22” mà Tổng nha Cảnh sát quốc gia của ngụy quyền không kịp hủy trước ngày giải phóng. Những chồng báo chí ở Sài Gòn vào năm đó. Những tập hồi ký, ký sự ở trong nước và nước ngoài về những sự kiện, nhân vật có liên quan, kể cả những phim, ảnh, thư từ, bút tích nguyên bản... Nếu không có những cuộc hành quân thần tốc của các chiến sĩ ta năm 1975 và chiến thắng giải phóng trọn vẹn đất nước, chắc chắn tôi không có được sự may mắn này.
Thành phố rợp màu cờ đỏ nhân ngày quốc khánh mừng 2-9. Tôi rời phố H. náo nhiệt, rẽ vào căn hẻm yên tĩnh. Cánh cửa sắt hé mở. Bé Liên, giờ đây đã là một bác sĩ, đón tôi với nụ cười:
- Chú mới vô.
Tôi ngạc nhiên khi thấy cả lưới A.22 đều có mặt tại phòng khách của anh Hai Nhạ.
- Sao lại có may mắn gặp đông đủ các anh chị thế này?
Thắng nhanh nhảu:
- Mỗi năm một lần, cứ vào ngày này, chúng tôi lại gặp nhau ở nhà đồng chí trưởng lưới.
Tôi nhìn một chị lạ mặt, mặc bộ quần áo bà ba, có dáng dấp người ngoại thành. Anh Hai giới thiệu:
- Đồng chí Út Dẻo.
- “Chết bỏ không khai!”. - Tôi làm quen với chị.
Chị hơi mỉm cười.
Anh Hai cho biết, sau chiến tranh chị đã xuất ngũ, trở về với bà má ở đất Củ Chi. Tôi hỏi thăm sức khỏe của má.
- Má em vẫn mạnh.
- Chị được mấy cháu rồi?
Chị im lặng. Tôi cảm thấy mình đã lỡ lời. Anh Hai nói đỡ:
- Cô Út vẫn ở một mình...
Thắng nói:
- Các cô gái đã bị chúng tra tấn, khi trở về không thể nghĩ tới chuyện chồng con.
Các anh chị hỏi tôi về những chuyện ngoài Bắc. Không ai nhắc gì về những năm chiến tranh. Họ gặp nhau không phải để ôn lại những kỷ niệm cũ. Họ cần gặp nhau để động viên nhau tiếp tục phấn đấu trong bối cảnh đất nước đang đi lên, với muôn vàn khó khăn gian khổ, và còn vì cứ qua một vài năm, đội ngũ của họ lại vắng thêm.
Anh Nhạ đưa tôi vào chào chị Hai ở nhà trong. Vừa ngồi nói chuyện thì Liên cầm một gói nhỏ trong tay hớt hải chạy vào:
- Ba ơi, cô Út đi rồi!
- Con đạp xe đuổi theo cô, nói quà gửi về biếu má.
Vì sao cô Út vội vã ra đi...?
Ở những người chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng này còn một cái gì đó rất giống nhau. Đó là cái mà tôi chưa thật hiểu. Đây cũng là điều tôi muốn nói với bạn đọc khi kết thúc tập hồ sơ này.
Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh
1987 - 1988
H.M.