Con kỳ nhông
Phần III Chương 1
HỘI NGHỊ HONOLULU

1.
Từ ngày Hai Long vào dinh Độc Lập, Hòe đã mấy lần nhắc:
- Sao anh Hai cứ ăn ở, trang phục như vậy hoài? Chỉ còn thiếu đôi dép râu nữa là... Đã tới lúc phải quẳng chiếc mô-bi-lét đi rồi!
- Mình là thầy tu mà!
Anh chỉ trả lời cho qua. Anh rất ít dùng tới bộ đồ lớn mà Hòe đã sắm cho. Thường ngày anh chỉ mặc một chiếc sơ mi sạch sẽ, khi có những cuộc tiếp tân long trọng, anh mới thắt thêm chiếc cà vạt. Anh chủ trương dù bất cứ ở đâu cũng giữ nguyên vẹn hình ảnh quen thuộc của mình. Trong ứng xử, lúc nào anh cũng tỏ ra khiêm tốn, hòa nhã, hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Một nhà tu hành chân chính, một quân tử Nho giáo, một hiệp sĩ phương Tây thời trung cổ... Những người có thiện chí thường nghĩ về anh như vậy.
Anh rất ít từ chối lời mời tham gia vào những tổ chức tôn giáo. Với cương vị cố vấn của tổng thống, anh càng được nhiều nơi mời chào. Anh đã là thành viên của Hiệp hội các trường Công giáo, là sáng lập viên và cố vấn của Hội những người nghèo được giáo hoàng Paul VI ban phép lành, là ủy viên của tổ chức Viện trợ Công giáo quốc tế. Anh còn lả cha dỡ đầu của 6 tổ chức từ thiện Công giáo như Cô nhi viện, Viện dưỡng lão, Trại phong hủi, trường Những người mù... là thầy linh hưởng của Đạo binh Đức Mẹ, Đạo binh xanh[1] tôn sùng Maria, là ân nhân của nhiều xứ đạo trong việc quyên góp xây dựng nhà thờ, trường học Thiên chúa giáo. Đặc biệt, anh được tuyền chọn vào Tu hội Cursillo[2] gồm những giám mục, linh mục thánh thiện hiến thân trọn đời cho đạo, và được phong làm vệ sĩ Tòa thánh. Đây là tổ chức khoa học tĩnh tâm về Ki-tô giáo nhằm mục đích đào tạo một lớp người có tư cách để làm nên xương sống cho xã hội, cung cấp cho Hội thánh một dụng cụ canh tân Ki-tô hữu, với khẩu hiệu: “Lý tưởng, hiến thân, bác ái”. Người được tuyển vào Tu hội không gia nhập một đoàn thể nào nếu không được tổ chức này chấp thuận. Họ có cam kết điều gì, thì chỉ cam kết với Chúa.
Những chức vị và những hoạt động loại này giúp anh khẳng định vai trò một nhà lãnh đạo phong trào Công giáo, gây thêm uy tín và sự yêu mến trong đông đảo giáo dân. Anh phải dành nhiều công sức và thời gian nghiên cứu về thần học và Ki-tô giáo. Càng củng cố được vị trí tôn giáo, anh càng được các đối tượng trọng nể và tránh được sự nghi ngờ.
Hàng tuần, Hai Long đều tới gặp Khâm sứ Tòa thánh Palmas báo cáo tình hình. Anh đề nghị Khâm sứ kịp thời chuyển tới Đức Thánh Cha để người trù liệu kế hoạch vận động cho hòa bình ở Việt Nam, nếu Vatican có khuyến cáo gì thì cho anh biết sớm. Vatican khen ngợi anh rất khôn lanh, nhạy bén đối với những vấn đề liên quan tới cả giáo hội La Mã và động viên Hai Long hãy vì giáo hội mà tạo điều kiện thường xuyên tiếp xúc thật chặt chẽ với bạn bè người Mỹ để thông báo kịp thời cho Tòa thánh những tin tức cần thiết.
Những quan hệ mở rộng này mang lại cho anh một vốn liếng thực sự khiến Thiệu phải trọng nể. Anh trở thành người không thể thiếu một khi Thiệu có chuyện cần trao đổi.
Ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên với Thiệu, Hai Long đã nhận thấy nếu so sánh giữa Thiệu với Nhu, thì không chỉ là sự khác nhau về cá tính mà còn cả về đẳng cấp. Nhu với Thiệu đều là những con người đầy tham vọng và thủ đoạn. Nhưng mọi việc Nhu làm đều gắn với một triết thuyết (dù có tính cóp nhặt), gắn với sự bảo vệ quyền lợi của gia đình họ Ngô, được Nhu coi như sự tập trung toàn bộ trí tuệ chống Cộng của người Việt Nam. Nhu có gan chống lại bất cứ kẻ nào đi ngược lại quyền lợi của anh em y. Thiệu trái lại, bao giờ cũng chỉ đơn thuần nghĩ tới quyền lợi, địa vị của cá nhân mình. Ở Thiệu không có vấn đề lý tưởng hoặc niềm tin, mà chỉ là những tham vọng mang nặng tính vật chất, và những thủ đoạn nhằm đạt được tham vọng đó. Nhu có cốt cách một kẻ cầm đầu chống Cộng, Thiệu chỉ là một tên tay sai hãnh tiến. Gần Nhu, anh luôn luôn cảm thấy nguy hiểm vì không bao giờ nắm được hết những suy tính của y. Gần Thiệu, anh không có gì phải lo, anh dễ nhìn thấy mọi mưu toan, thủ đoạn của Thiệu. Nhưng anh khai thác được ở Nhu những điều mình cần biết mà ít tìm kiếm được gì ở Thiệu. Vào giai đoạn này, anh biết nhiều điều trước Thiệu. Nội dung những cuộc gặp gỡ giữa Thiệu với các nhân vật cao cấp Mỹ mà Thiệu kể lại, không giúp anh hiểu thêm về ý đồ chiến lược của Mỹ bao nhiêu. Anh hiểu rằng chính vì vậy mà Thiệu không thể thiếu mình.
Thiệu khá lỳ lợm, biết lúc tiến, lúc thoái, kiên trì đạt tới mục đích. Thiệu không từ bất cứ thủ đoạn nào để thực hiện được tham vọng của mình. Cách tính toán của Thiệu bao giờ cũng mang tính thực dụng. Không thể gắn bó với Thiệu bằng đạo lý. Thiệu chỉ quan hệ với những ai mang lại địa vị, quyền lợi cho mình. Vì vậy, Thiệu sử dụng họ bằng quyền lợi địa vị hoặc vật chất. Thiệu không có bạn. Những người có quan hệ với Thiệu phải hoặc là thầy, hoặc là đầy tớ của y.
Đối với Thiệu, Hai Long chủ trương giữ vững bộ mặt tinh thần của mình. Anh luôn tỏ ra mình là người được giáo hội cử ra đỡ đầu, xây dựng và bảo vệ Thiệu. Điều này anh không nói ra, mà chứng tỏ bằng công việc hằng ngày của mình. Thiệu không thể mua chuộc được anh, vì anh không màng danh vọng, địa vị, tiền tài. Anh “chân thành” và “hết mình” phò trợ Thiệu. Nhưng anh không để cho Thiệu được trả ơn. Anh ngày càng được Thiệu trọng nể.
Cương vị mới ở Phủ tổng thống đã mang lại cho anh một thuận lợi hiếm có trong công tác, với tư cách là cố vấn của Thiệu, anh hoàn toàn tự do khai thác, tìm hiểu những chủ trương chiến lược mà không sợ ai nghi ngờ.
2.
Trung tâm chỉ thị cho Hai Long tìm cách thúc đẩy Thiệu cử người tới dự cuộc hòa đàm tại Paris.
Ông linh mục Mỹ củng ngửa lá bài. O’Connor nói rõ tình hình chính trị ở Mỹ buộc Johnson phải thay đổi chiến lược chiến tranh tại Việt Nam. Ông đề nghị thẳng với Hai Long, khuyên Thiệu hưởng ứng cuộc vận động hòa bình của Johnson bằng cách cử một phái đoàn tới Paris. Phó đại sứ Mỹ Berger nhiều lần tới thúc ép Thiệu về vấn đề này. Berger là người nói năng thô bạo nên không đạt kết quả. Thiệu vừa sợ vừa ghét Berger. Ông linh mục Mỹ nhờ Hai Long tìm cách giảng giải thuyết phục Thiệu.
Thiệu tỏ ra rất lo lắng, nhưng vẫn nhất mực từ chối không chịu tham gia hòa đàm.
Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương, Thiệu tuyên bố tại vườn hoa Tao Đàn, sẽ ra sắc lệnh tổng động viên và dồn mọi nỗ lực của Việt Nam cộng hòa cùng với Mỹ gánh vác nhiệm vụ bảo vệ Việt Nam. Ông linh mục tới tìm Hai Long, khen ngợi là nhờ có anh mà Thiệu đã trở nên biết điều, thông cảm với những khó khăn của tổng thống Johnson hơn. Ông muốn anh sẽ trở thành người trung gian giữa Thiệu với Mỹ, và ngược lại, trong trường hợp đôi bên gặp vướng mắc.
Ngày hôm sau, Thiệu hớn hở bước vào phòng của Hai Long, khoe bức điện Johnson mới gửi, hoan nghênh những lời Thiệu vừa tuyên bố, cảm ơn Thiệu đã tỏ ra thông cảm với mình.
Thiệu nói:
- Tôi rất suy nghĩ về những lời khuyến cáo của anh bữa trước. Mình làm như vậy đó, anh coi được không?
Hai Long đáp lại bằng nụ cười tán thưởng.
- Bây giờ tới chuyện thứ hai. Mỹ muốn chính phủ Việt Nam cộng hòa phải mạnh, ta thay Lộc được chưa?
- Cũng đã tới lúc.
- Ta lấy lý do nào để gạt Lộc?
- Người Mỹ đã giúp ta lý do: nội các của ông Lộc quá yếu, nửa năm qua chưa làm được gì, đô thành hoàn toàn rối loạn qua hai đợt tiến công của Việt Cộng.
- Được rồi. Nhưng thay Lộc bằng ai? Bữa trước, anh muốn là Hướng.
- Đó là tôi nói vào thời gian sau khi anh trúng cử. Anh buộc phải chọn Lộc vì tướng Kỳ. Bây giờ thay Lộc, anh phải nghĩ tới chuyện đó. Không nên làm cho ông Kỳ quá mất mặt!
- Rất trúng ý tôi... Ta đưa già Hương được không? Già Hương không phải người của tôi, mà lại có khả năng chống đỡ với tướng Kỳ. Mình dùng ông già làm cái khiên hứng chịu, còn ta đứng đằng sau giật dây. Ta sẽ rảnh tay làm việc của ta.
- “Một hòn đá hai con chim”, chọn giải pháp như vậy là khôn ngoan!
- Có vậy tôi mới vô ngồi được đây chớ!
Thiệu cười lớn rồi nói tiếp:
- Nhờ anh đóng vai Tô Tần, mời “già gân” ra làm thủ tướng lần nữa.
Cuối tháng 5, Thiệu gạt Lộc và chính thức yêu cầu Trần Văn Hương thành lập nội các mới. Hương chấp nhận đưa vào nội các tất cả những người Thiệu đề ra. Trong tháng 6, Thiệu say sưa củng cố quyền lực. Đầu tháng 7, Thiệu lại tuyên bố, do có tổng động viên và tăng cường quân lực Việt Nam cộng hòa, quân Mỹ có thể rút dần từ năm 1969. Thiệu tin rằng với những việc làm này, mình có thể phớt lờ cuộc hòa đàm ở Paris.
O’Connor gọi điện cho Hai Long mời tới dự bữa cơm trưa lại Nha tuyên úy Hải quân Mỹ. Anh sang báo với Thiệu trước khi đi. Thiệu vui vẻ nói:
- Có hỏi chi về già Hương, anh đề cao chút xíu nghen! Ông già giỏi hành chánh. Việc chống Cộng, quân sự thì đã có tôi.
Nhưng suốt bữa ăn, ông linh mục chỉ nói về cuộc hòa đàm Paris, và tỏ vẻ không hài lòng vì Thiệu chưa cử người tới tham dự.
O’Connor bỗng nói:
- Tổng thống Johnson dự tính sẽ gặp ông Thiệu trong một ngày không xa. Rất may là Mỹ đã có một người bạn kề cận bên tướng Thiệu. Nhờ giáo sư chuẩn bị cho ông Thiệu trước khi tới cuộc họp thượng đỉnh.
- Nội dung cuộc gặp gỡ nhằm giải quyết vấn đề gì? - Hai Long hỏi.
- Những vấn đề mà giáo sư đã biết. Ông Johnson sẽ nói rõ đã quyết định xuống thang chiến tranh để tìm một nền hòa bình trong danh dự, sẽ ủng hộ tổng thống Thiệu tăng cường sức mạnh quân sự, và chấp nhận một giải pháp chính trị với Mặt trận Giải phóng.
- Tôi muốn biết những dự kiến của phía Mỹ về nội dung giải pháp chính trị để chuẩn bị thái độ cho tổng thống. Nếu cha thấy cần, tạm thời tôi chưa nói những điều cụ thể với ông Thiệu.
- Tất nhiên nếu thực sự muốn đạt được một giải pháp chính trị, thì đôi bên đều phải biết nhân nhượng. Tổng thống Johnson muốn ông Thiệu sẽ tiếp xúc với Mặt trận Giải phóng để đi tới một chính phủ liên hiệp ở Nam Việt Nam...
O’Connor nói tiếp:
- Rất tiếc là nếu Mặt trận có một chính phủ thì cuộc dàn xếp giữa hai phe lâm chiến tại Nam Việt Nam thuận lợi hơn. Nhưng ông Thiệu vẫn có thể tiếp xúc với cá nhân những người lãnh đạo Mặt trận, mặc dù chưa thừa nhận họ. Vì nếu không gặp gỡ nhau thì không thể nào kết thúc cuộc xung đột. - Ông linh mục nhìn Hai Long mỉm cười - Tôi nghĩ rằng điều này rất phù hợp với quan điểm vận động cho hòa bình của Vatican.
- Giáo hoàng Paul VI thừa nhận có hai bên tham chiến ở Nam Việt Nam! - Hai Long nói.
O’Connor hỏi:
- Giáo sư đánh giá khả năng tiếp nhận của tổng thống Thiệu đối với những dự kiến này ra sao?
- Chắc chắn là không dễ dàng. Nhưng trước đây đã có lần ông Thiệu lúc đầu không đồng ý với khuyến cáo của giáo hội, nhưng sau đó đã thay đổi ý kiến.
- Chúng tôi trông cậy nhiều ở giáo sư. Chúng tôi thấy đó là giải pháp thực tiễn...
Thiệu có vẻ trông chờ khi Hai Long quay về. Hai Long thuật lại câu chuyện với ông linh mục. Nét mặt tươi tỉnh của Thiệu xịu dần. Thiệu đang chờ những lời tán thưởng của người Mỹ sau khi mình thay đổi nội các và tuyên bố thời hạn Mỹ có thể rút quân. Ngờ đâu lại là chuyện này.
Hai Long làm như không biết. Khi anh nói tới ý của Johnson muốn Thiệu tiếp xúc với Mặt trận Giải phóng thì Thiệu vùng lên, cắt ngang:
- Không thể như vậy được! Tôi là tổng thống của một quốc gia có trên 50 nước trên thế giới công nhận, không bao giờ tôi lại nói chuyện với Mặt trận. Cùng lắm tôi chỉ có thể nói chuyện với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặt trận Giải phóng là cái bóng của Bắc Việt, mình ngồi với người chớ không ngồi với bóng! Dứt khoát là như vậy!
Hai Long không nói thêm nữa.
Vài ngày sau, Berger tới, đưa thư của Johnson mời Thiệu tới dự cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và Việt Nam cộng hòa tại Honolulu vào trung tuần tháng 7.
3.
Hai ngày nay Hai Long không tới dinh Độc Lập. Anh lấy cớ mình phải vào làm việc ở Bình An. Anh thảo một bức thư ngắn, yêu cầu cha Nhuận xem kỹ, nhớ nội dung, nói lại cho Thiệu nghe, và đề nghị Thiệu viết thư gửi cho mình. Ngay buổi chiều, cha Nhuận mang về lá thư do Thiệu tự tay viết:
“Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Ngày 3 tháng 7 năm 1968
Anh Nhạ thân,
Mấy bữa nay không có dịp gặp Anh. Tôi nhờ anh chuyển lời cảm ơn Cha và những người bạn Mỹ đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Những lời khuyến cáo của Cha và những bạn thân của chúng ta rất quý báu đối với tôi và nhân dân Việt Nam.
NGUYỄN VĂN THIỆU
(Ký tên)”
Hai Long hỏi cha Nhuận:
- Ổng có hỏi gì cha trước khi viết thư này không?
- Không. Mình nói thầy yêu cầu, ổng lấy giấy viết luôn, không sửa một lời. Chỉ có điều, ổng mời mai thầy gắng vô dinh, có việc gấp lắm.
- Thưa cha, có chuyện chi vậy? Đã lâu mới về Bình An, con tính ở thêm đôi ngày nữa với cha Tổng.
- Nghe đâu ông Johnson mời ổng tới gặp tại Honolulu. Ổng lo lắm. Thầy nên vô sớm.
Hai Long dùng lá thư để cảm ơn những người đã giúp đỡ Thiệu, đặc biệt là mấy vị linh mục.
Sáng hôm sau, anh vào dinh Độc Lập. Thiệu gặp anh ở hành lang mừng rỡ, kéo về luôn nơi làm việc của mình.
Thiệu nói:
- Anh thứ lỗi cho tôi, bữa trước tôi quá nóng, ngắt lời anh giữa chừng. Bữa nay, đề nghị anh thuật nốt tôi nghe, các cha Mỹ còn nói tiếp với anh những điều chi?
Hình như Thiệu nghĩ anh giận y nên bỏ về Bình An mấy ngày.
- Anh nên bình tĩnh. Mình có hiểu hết lòng dạ của Mỹ thì mới tìm ra đối sách đúng đắn.
- Dạ...
Vẻ mặt Thiệu trở nên nhu mì. Anh biết Thiệu đang rất lo. Và giờ đây, y còn phải nuốt thêm một miếng đắng bội phần hơn bữa trước. Anh thuật tiếp lời của ông linh mục, là Johnson muốn chấp nhận một chính phủ liên hiệp giữa Mặt trận Giải phóng và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Anh mượn lời vị linh mục để giải thích đấy là giải pháp thực tiễn, duy nhất để chấm dứt chiến tranh.
Mặt Thiệu dần dần tối sầm. Nếu không có lời dặn trước của anh thì y đã nổi nóng. Y chịu đựng một cách rất khó khăn. Hai Long thấy cần tranh thủ cơ hội này nói hết những điều mình muốn nói.
- Trong số đặc phái viên của ông Johnson, có những người tôi dã biết là rất trung thực. Nhưng sự tìm hiểu tình hình của tôi không dừng lại ở các ổng. Tôi nghĩ có thể vì quá gắn bó với tổng thống mà các ổng mất đi phần nào tính khách quan. Tôi đã nêu vấn đề với nhiều người bạn Mỹ khác, chú ý tới những người thuộc phái Diều hâu. Anh hãy coi lá thư của linh mục Raymond De Jaegher, đã từng là cố vấn hàng chục năm cho tổng thống Tưởng Giới Thạch, cho tổng thống Ngô Đình Diệm, hiện là chủ tịch Hội Thái Bình Dương tự do, vừa gửi cho tôi ít ngày nay.
Hai Long chuyển cho Thiệu xem lá thư của De Jaegher. De Jaegher buộc phải thừa nhận rằng một làn sóng chính trị rất mạnh đang dâng lên tại nước Mỹ, đòi nhà cầm quyền phải chấm dứt ngay chiến tranh ở Việt Nam. Người Mỹ không bỏ rơi Việt Nam cộng hòa, nhưng họ buộc phải xúc tiến kế hoạch nhằm giúp người Việt Nam tự mình tiến hành hữu hiệu cuộc chiến tranh cho quân Mỹ rút về nước. Ông ta còn nói thêm là lời tuyên bố của Thiệu ngày 10 tháng 5, phản đối ngừng oanh tạc miền Bắc và không chấp nhận thương lượng với Mặt trận Giải phóng không có dư luận thuận lợi trong người Mỹ.
Thiệu đọc thư xong, thở dài rồi nói:
- Lo phát ốm cả người! Họ dàn xếp với nhau về số phận của mình mà mình không biết chi. Ngã giá rồi họ mới cho mình hay, trói tay trói chân mình lại, bắt mình phải chấp nhận. Berger vừa đưa thư của Johnson mời tôi tới gặp tại Honolulu...
- Bữa trước tôi đã nói chuyện này với anh.
- Họp để giải quyết vấn đề chi?
- Tất cả những vấn đề tôi vừa nói. Riêng chuyện chính phủ liên hiệp có thể họ còn tạm gác lại. Trước mắt, họ cần ta tới ngồi cùng bàn với Mặt trận Giải phóng tại Paris.
- Nếu ta kiên quyết bác bỏ? Tất cả những giải pháp này đều là sự đầu hàng Cộng sản, là sự cáo chung của nền Đệ nhị cộng hòa.
- Trong trường hợp đó phải có một đối sách rất khôn ngoan! Không ai trong chúng ta có thể công khai chống lại Mỹ! Mỹ nắm mọi yết hầu của ta, về quân sự, chính trị cũng như kinh tế.
- Tôi chỉ chấp nhận một điểm. Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự cũng như kinh tế cho Việt Nam cộng hòa và rút quân dần dần.
- Nếu anh thuyết phục được tổng thống Mỹ đồng tình như vậy thì sẽ là thắng lợi tối đa đối với cuộc gặp gỡ này.
- Nhưng theo anh, khả năng đó có không?
- Nếu có thì chỉ rất ít. Như vậy, anh được cả mà Johnson mất cả. Johnson đã từ bỏ ghế tổng thống, ông muốn vớt vát lại bằng cách đi vào lịch sử như một tổng thống hòa bình.
- Nhưng ông ta không còn ở Nhà Trắng bao lâu nữa!
- Từ nay đến hết năm, ông ta vẫn còn đủ quyền hành và có thể làm mọi chuyện mà ông ta muốn.
Hai người cùng ngồi im lặng một lúc. Mặt Thiệu già hẳn đi.
Rồi Thiệu hỏi:
- Theo anh, tôi ra đi lần này có về nữa không, hay là đi luôn?
- Anh cần phải quyền biến, tìm mọi cách để trở về. Vì anh là người đang nắm vận mệnh quốc gia.
- Họ có làm đảo chính ở Sài Gòn lật đổ tôi trong khi tôi đi khỏi không? Hoặc họ lại tái diễn cái trò tháng 5 vừa rồi.
- Tôi nghĩ là không. Anh chưa trở thành một trở ngại mà người Mỹ buộc phải loại bỏ. Họ chưa bằng lòng anh, nhưng họ còn hy vọng ở anh vì vừa qua anh đã có những đối sách rất khôn ngoan. Nhưng... không mấy ai hiểu được hết người Mỹ! Tôi muốn khuyên anh một lần nữa, phải hết sức quyền biến. Anh giống như người ngày xưa đi phó hội, khi cần, phải trí trá mà trở về. Tôi rất tin ở sự nhạy cảm, khôn lanh của anh.
Nghe Hai Long nói vậy, Thiệu càng lo lắng hơn.
4.
Vợ chồng Thiệu đã có một nhà nguyện riêng trên lầu 4. Đây là một điều mà cả Tòa Khâm sứ và Tòa Tổng giám mục đều rất hài lòng. Sau ngày tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại, lại có một nhà nguyện ở ngay trong dinh nguyên thủ quốc gia. Thiên chúa giáo đã chứng tỏ quyền uy của mình ở cơ quan lãnh đạo cao nhất, nhân vật lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam cộng hòa.
Gần đây, vợ chồng Thiệu đề nghị cha Nhuận tới dinh làm lễ hàng ngày. Cả hai người bề ngoài đều tỏ ra ngoan đạo, siêng năng cầu nguyện, chăm lo xưng tội, rước lễ, chăm sóc phần hồn. Hai Long rất ngờ vực đức tin Công giáo của Thiệu. Anh đã nhiều lần gợi chuyện về giáo lý, về thần học, nhưng thấy Thiệu tỏ ra cố giấu vẻ thờ ơ. Thiệu thuộc loại người muốn vô cửa Thiên đàng cũng khó như con lạc đà phải chui qua lỗ trôn kim. Thiệu dùng tôn giáo như một thứ thời trang. Trước đây, tổng thống Ngô Đình Diệm là một giáo dân ngoan đạo. Thiệu tin rằng Thiên chúa giáo đã đưa mình lên địa vị hiện nay. Thiệu cần có sự ủng hộ của Tòa thánh, của giáo hội Mỹ, giáo hội Việt Nam để duy trì quyền hành. Thiệu còn bắt chước Diệm cả cách mặc quần áo ta. Nhưng Thiệu đi xa hơn Diệm nhiều về mặt này. Diệm chỉ mặc áo the đen, còn Thiệu mặc áo gấm màu đỏ thêu rồng. Thiệu rất thích con rồng là biểu tượng đế vương. Thiệu chọn quốc huy có hình hai con rồng cuộn. Trong phòng trình quốc thư của Phủ tổng thống, riêng ghế ngồi của Thiệu là có chạm rồng. Bộ áo dài khăn đóng phần nào phù hợp với dáng người, phong thái của Diệm, vốn là một ông quan thời xưa, khi khoác lên người Thiệu, trở nên kệch cỡm, khó coi. Dinh Độc Lập thời Thiệu đã nhanh chóng được dân Sài Gòn đặt cho một cái tên châm biếm: Phủ Đầu Rồng.
Cũng trong thời gian gần đây, vợ chồng Thiệu rất năng mời những thầy coi tướng hoặc xem số tử vi có tên tuổi nhất ở miền Nam, và cả ở nước ngoài, tới hỏi xem số phận của mình ra sao. Riêng về mặt tướng số, Hai Long nhận thấy cả vợ chồng Thiệu đều có lòng tin thực sự. Mỗi khi đi xa, Thiệu đều bắt coi ngày, coi giờ. Thiệu sai ai đi làm việc gì quan trọng cho mình, củng chọn ngày, chọn giờ.
Một buổi sáng, vợ Thiệu vui vẻ khoe với cha Nhuận:
- Bữa qua, ông thầy Diễm vừa tới coi tử vi cho chồng con. Cha có biết thầy Diễm không? Thầy là người coi tử vi giỏi nhất Sài Gòn đó, thưa cha.
- Tôi có nghe tiếng thầy Diễm. Thầy nói chi?
Vợ Thiệu thầm thì:
- Theo thầy Diễm, trong tử vi của ảnh năm nay sắp gặp hạn lớn. Con lo quá. Nhưng thầy lại nói số của anh có quý nhơn phò trợ, may ra sẽ tai qua nạn khỏi. Thầy còn nói, quý nhơn có tầm vóc như cố tổng thống Ngô Đình Diệm... Con mạn phép hỏi cha, có phải vị đó là ông giáo không?
Cha Nhuận không trả lời thẳng vào câu hỏi của vợ Thiệu, chỉ ậm ừ ra vẻ tâm đắc:
- Hay quá! Hay quá!
Cũng ngày hôm đó, Thiệu tới gặp Hai Long.
- Tôi năm nay sắp gặp nạn lớn, lần này “phó hội Kỳ Bàn” lành ít dữ nhiều. Anh đã coi tôi như anh em, xin anh đi cùng tôi. Anh đã nhắc tôi mấy lần, nhập cuộc phen này phải hết sức quyền biến thì mới thoát. Phải có anh ở bên, tôi mới an tâm. Bà nhà tôi cũng rất mong anh đi cùng. Anh cố đi với tôi, bả ở nhà mới vững bụng.
Hai Long rất phân vân. Đi với Thiệu, anh có điều kiện hiểu cặn kẽ về cuộc hội đàm này. Thời gian chỉ có vài ngày. Nhưng anh chưa biết ý kiến của trung tâm ra sao.
Thấy anh chưa trả lời, Thiệu cố gắng nài nỉ:
- Tôi biết tính anh thích đứng ở hậu trường. Lần trước, anh đã từ chối chuyến công du Mỹ quốc mà tôi có chủ ý dành cho anh. Lần này sẽ không làm rầy anh. Anh đi một cách incognito[3] như một chuyên viên kỹ thuật trong đoàn, ngay ở Phủ tổng thống cũng không cho ai biết. Mỗi buổi hội đàm có điều chi khó giải quyết, tôi hứa sẽ trả lời sau, khi về sẽ cùng bàn bạc với anh. Vậy là anh ưng chớ?
- Tôi sẵn sàng làm tất cả mọi việc mà anh yêu cầu. Nhưng dù sao anh cũng chờ tôi thưa qua với các cha.
Thiệu có vẻ không hài lòng nhưng chỉ năn nỉ:
- Anh ráng thưa cùng các cha giùm tôi.
Ngày 17 tháng 8, Hai Long lên đường cùng Thiệu đi Honolulu.
Thủ phủ của quần đảo Hawai cách xa Sài Gòn khoảng 10.000 km, là một ngã năm ở giữa Thái Bình Dương. Thành phố nằm trên một bình nguyên nhỏ, chan hòa ánh nắng và gió, đầy rẫy những khách sạn tân kỳ dành cho khách du lịch.
Johnson tới Honolulu với vẻ mệt mỏi, suy sụp vì những căng thẳng quá sức chịu đựng đối với một ông già. Mái tóc mỏng và thưa, hai bên mái bạc trắng. Cặp kính lão trễ trên bộ mặt mặt có những nếp nhăn hằn đậm trên trán, khắc thành hai nét sâu và dài từ cánh mũi tới cặp môi rất mỏng. Ông ta giương to đôi mắt bạc màu khi gặp Thiệu, rồi nhếch mép gượng cười bắt tay y.
Thiệu nói nhiều lúc cảm thấy người đối thoại với mình không phải là Johnson mà y đã gặp cũng chính tại đây 2 năm trước.
Johnson nêu lên những điều đúng như Hai Long đã nói với Thiệu. Ông già cố gắng dùng những lời lẽ mềm mỏng thuyết phục Thiệu cử người tới dự cuộc hòa đàm Paris. Johnson không biết cách làm như vậy là khuyến khích Thiệu giữ những lý lẽ của mình. Những chuyên gia của tổng thống Mỹ đã không nhận ra không bao giò có thể thuyết phục Thiệu bằng lý lẽ nếu đụng tới quyền lợi của y. Họ chưa nắm được yếu huyệt của Thiệu. Thiệu tỏ ra rất chì. Johnson đành chịu.
Sau buổi họp cuối cùng, Thiệu hấp tấp với tìm Hai Long, nói với vẻ nhẹ nhõm:
- Xong rồi! Trong thông cáo chỉ nêu một câu chung chung: “Đôi bên đã giải quyết những sự cần thiết cho một cuộc chấm dứt hoàn toàn những hành động thù nghịch ở Nam Việt Nam”.
- Nhưng người Mỹ sẽ giải thích và cụ thể hóa những điều này theo quan điểm của họ?
- Chỉ có thể được chừng đó thôi... Tôi không chịu đưa bất cứ vấn đề cụ thể nào vào thông cáo.
- Anh đã đạt được một thắng lợi. Phải chờ xem ông già sẽ chơi tiếp những trò gì?
---
[1] Blue Army
[2] Cursillos de Christiandad
[3] ẩn danh