Con kỳ nhông
Chương 6
KỲ ĐI PARIS

1.
Giọng khàn khàn, đều đều của cha Nhuận đứng trên bục lễ giảng kinh vang lên trong nhà nguyện tôn nghiêm, đèn sáng trưng.
Thiệu ngước cặp mắt sùng kính nhìn hình hài chúa Jésus bị đóng đinh trên cây thập tự giá, đứng lên, quỳ xuống, gục đầu, làm dấu thánh theo trình tự của Thánh lễ. Buổi lễ kết thúc với lời cha Nhuận cảm ơn Chúa đã và sẽ che chở cho Thiệu được bình an hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Vừa xong lễ, Thiệu để Kiểu ở lại nhà nguyện với cha Nhuận, bá vai Hai Long đi một vòng hành lang.
Thiệu hỏi:
- Mỹ có để tôi yên không?
- Yên chứ! Trong tình hình này nó làm rối anh thì trước hết là hại cho nó.
Trò thét lác, rên rỉ, đẩy ghế, xô bàn của y sớm nay nhằm che đậy một tâm trạng vừa lo cho tương lai, vừa mừng vì chưa có chuyện chi trực tiếp đe dọa tính mệnh và cái ghế tổng thống của y.
- Nó sẽ làm gì tiếp? - Thiệu lại hỏi.
- Ngừng oanh tạc, rồi hòa đàm, và bầu cử tổng thống. Bầu cử tổng thống xong sẽ tới bàn giao giữa hai tổng thống cũ và mới. Johnson còn rất nhiều công việc phải làm.
- Tại sao nó lại phải chơi mình vụ đêm qua?
- Có lẽ nó ngán phản ứng của ta, nên định thông báo trước rồi lại thôi. Nó bắt mình phải chờ đợi để không cho mình kịp phản ứng trước khi sự việc xảy ra.
- Đúng! Rất đúng! - Thiệu vỗ vai Hai Long ra chiều đắc ý. Y ngại nhất là vấn đề Việt Nam cộng hòa phải ngồi nói chuyện trực tiếp và ngang hàng với Việt Cộng.
Rồi Thiệu lại than thở:
- Đại Hàn vừa đánh điện hỏi tại sao Việt Nam cộng hòa thỏa thuận với Mỹ ngừng ném bom Bắc Việt và ngồi vô hội đàm với Mặt trận Giải phóng mà lại không thông báo trước cho Đại Hàn là một đồng minh đang có quân tham chiến tại Việt Nam? Họ trách mình xấu chơi!
Trong phòng ăn, mọi người đã ngồi vào bàn, chỉ còn hai ghế trống dành cho Thiệu và Hai Long. Có mặt cha Nhuận, cha Giác, Hiếu, Kiểu và vợ Thiệu. Thiệu cảm thấy mình đang ở vào giờ phút cam go, nên đã triệu tập cả hai anh đang làm đại sứ ở Roma và Đài Bắc về.
Bữa ăn vào 8 giờ sáng, không ra điểm tâm, không ra bữa chính, khá nhiều món. Vợ Thiệu muốn bồi dưỡng cho chồng sau một đêm thức trắng đầy lo âu. Phở, giò heo hầm, thịt gà xé phay, thịt bò tái, giò lụa, chả quế... và rượu vang. Ăn hết tới đâu, vợ Thiệu tiếp tới đó. Các cha và Hai Long được chị Sáu đặc biệt chú ý, luôn tay tiếp thức ăn đầy chén.
Thiệu nắm lấy cổ tay vợ, nói với cha Nhuận:
- Đó cha coi, cô ấy cứ tiếp hoài, tiếp hoài cho anh giáo, có ngó ngàng chi tới con đâu?
Thiệu ngẩng mặt nhìn vợ:
- Coi bộ bà muốn bỏ rơi tôi sao?
Vợ Thiệu nhỏ nhẹ:
- Bỏ rơi ông mấy tháng, ông sống tha hồ tự do hạnh phước, còn chưa vừa lòng hay sao? Có cha với ông giáo, tôi mới chịu quay về để châm cà phê cho ông thức với tôi trọn đêm qua chớ!
Vợ chồng Thiệu đều như cảm thấy vừa tai qua nạn khỏi. Sự săn sóc dịu dàng này đã làm cho Thiệu, là một tay vốn hiếu sắc, ham của lạ, không thể nào rời khỏi vợ.
Trung tả Hoàn xuất hiện trước cửa. Mọi người ngừng ăn. Viên sĩ quan nói:
- Trình tổng thống, đại sứ Bunker đề nghị đúng 8 giờ 30 xin qua hội kiến với tổng thống.
- Với mình tôi?
- Dạ.
Thiệu xẵng giọng:
- Trả lời, mời đại sứ vui lòng nán lại tới 9 giờ vì tổng thống mắc làm Lễ Các Thánh.
Miệng nói vậy, nhưng sau khi viên sĩ quan đi khỏi, Thiệu vội vã ngừng ăn, kéo Hai Long ra ngoài hành lang.
- Anh tính xem lát nữa lão già sẽ xoay mình vấn đề gì?
- Vấn đề ngừng oanh tạc coi như việc đã rồi, bây giờ Bunker sẽ tới giải thích cho qua rồi hối thúc anh chấp nhận hòa đàm với Việt Cộng.
Thiệu khựng lại hỏi:
- Mình trả lời cách nào đây?
- Mỹ muốn là trời muốn, ta không trốn thoát khỏi lưới trời!
- Nếu ta không chịu hòa đàm vô điều kiện với Việt Cộng?
- Sẽ rất khó cho Bunker trong sứ mạng đã nhận với tổng thống Mỹ, là bảo đảm chiến lược tìm kiếm hòa bình trong danh dự. Nếu ta kiên quyết chống, Mỹ sẽ có biện pháp đối với ta. Anh đã nghe ý kiến tướng Kỳ sáng nay. Không phải thiếu người sẵn sàng giơ cả hai tay xin thực hiện chiến lược hòa bình của Mỹ!
Mặt Thiệu khó đăm đăm:
- Có cách hoãn binh nào không?
- Johnson không còn thời gian, hoãn binh vào lúc này có nghĩa là chống lại. Theo tôi, ta cứ chấp nhận đường lối chiến lược của Mỹ, cứ “ô-kê, ô-kê” cho Bunker khoái cái bụng vì đã làm xong sứ mạng, còn biện pháp thực hiện thì ta sẽ tính sau, gấp gì? Mình có khối bạn bè ở Mỹ, ta sẽ tham khảo những quan điểm, ý kiến của họ về vấn đề này. Trong một, hai ngày nữa, Bernard Trọng sẽ có mặt ở Sài Gòn.
Thiệu vẫn lừng khừng, trung tá Hoàn lại chạy lên báo Bunker đã tới, đang ngồi đợi ở phòng khách.
- Cứ để nó ngồi đợi cho nó biết thân!
Thiệu thủng thỉnh cùng Hai Long đi xuống phòng khách.
Tới cửa, Thiệu quay lại:
- Hay là anh vào tiếp Bunker cùng tôi?
- Tôi không nên hiện diện trong lúc phó tổng thống Kỳ không có mặt.
Viên sĩ quan trực ở phòng khách mở cửa đón Thiệu vào.
Hai Long thoáng nhìn thấy Bunker ngồi bên trong vừa đứng dậy.
Hai Long cảm thấy mệt bã người. Anh lấy xe quay về nhà thờ Bình An. Không thể không gặp cha Hoàng khi có một biến cố quan trọng thế này. Ít lâu nay, vì bận nhiều việc ở dinh Độc Lập, nên quan hệ giữa anh với ông cũng có phần xao lãng. Anh cũng muốn gặp những cha cố Mỹ tại đây nắm thêm tình hình.
Sau đó, cần phải ngủ cho lại sức. Anh tin là mình đã chuẩn bị tư tưởng cho Thiệu một cách khá đầy đủ.
2.
Ngày 2 tháng 11, phái đoàn Huỳnh Văn Trọng từ Mỹ về. Hai Long gặp Trọng và Tuyến. Hai người đã thu thập được một khối lượng tin tức đáng kể. Johnson đang nỗ lực vớt vát lại uy tín bằng cách đi vào lịch sử như một tổng thống hòa bình. Chiều hướng Mỹ phải dần dần rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam là không thể đảo ngược. Sau bầu cử, Johnson vẫn còn 2 tháng với đầy đủ quyền lực để thực hiện ý định của mình. Nixon chắc chắn sẽ đắc cử. Con diều hâu này là một trở ngại cho vấn đề sớm đem lại hòa bình ở Việt Nam. Muốn cho cuộc đàm phán tiến hành thuận lợi, đúng như lời O’Connor nói bữa trước, nhân dân miền Nam cần phải có một hình thức chính phủ lâm thời để có danh nghĩa ngồi đàm phán với chính phủ Thiệu. Trọng và Tuyến cũng đã thực hiện tốt kế hoạch của Hai Long nhằm xây dựng một số quan hệ trong bộ máy chính quyền và những tổ chức Thiên chúa giáo ở Mỹ.
Hai Long bàn với Trọng những gì nên phúc trình với Thiệu nhằm thúc đẩy Thiệu nhanh chóng chấp nhận ngồi vào cuộc hòa đàm Paris.
Buổi chiều, anh được tin, sáng nay Thiệu đã triệu tập hai viện của quốc hội, thông báo về quyết định Mỹ đơn phương ngừng ném bom và pháo kích Bắc Việt, và yêu cầu Việt Nam cộng hòa phải tham dự cuộc hòa đàm Paris. Buổi trưa, gần 150 nghị sĩ, dân biểu vác cờ đi bộ từ hội trường Diên Hồng tới dinh Độc Lập, xin hội kiến với Thiệu để bày tỏ sự phẫn nộ trước những quyết định đơn phương của Mỹ. Anh nhận thấy mình đã có sự phán đoán chủ quan. Thiệu ngoan cố và lỳ lợm hơn anh đã tưởng. Thiệu không phản đối những lời phân tích hơn thiệt của anh, nhưng sau đó y đã làm theo ý của mình. Anh định hôm sau sẽ vào gặp Thiệu. Cha Nhuận từ trong dinh về, chuyển lời Thiệu mời anh sáng mai thế nào cũng tới sớm để hội kiến.
Sáng mồng 3, Hai Long vừa tới nơi làm việc, thì Thiệu sục vào.
- Tôi mời anh vô sáng nay, vì 9 giờ phái đoàn Bernard Trọng sẽ tới báo cáo. Anh cùng nghe với tôi. Giờ có mấy chuyện phải bàn gấp với anh.
- Cả ngày qua, tôi phải làm việc với các cha. Cũng định sớm nay vào gặp anh.
- Anh lên phòng làm việc riêng của tôi, ta cùng trao đổi.
Tới phòng làm việc của Thiệu, y không hỏi thăm tin tức như mọi lần, vào chuyện ngay.
- Tôi phải kể lại anh nghe về cuộc gặp gỡ Bunker. Ông già rất trắng trợn, không phân bua, giải thích về hành động của Mỹ như mình chờ đợi, mà nói thẳng thừng: “Việt Nam cộng hòa cần phải ngồi vào bàn thương lượng với Mặt trận Giải phóng, vì Washington và Hà Nội đã thỏa thuận với nhau như vậy. Mặt trận Giải phóng đã đáp ứng ngay lời mời của Mỹ, thành lập xong phái đoàn để sang Paris. Còn về phía Việt Nam cộng hòa thì tuy tổng thống Johnson nói là “có thể tham dự”, đó là theo phép ngoại giao, còn Việt Nam cộng hòa về quyền lợi của mình, “có bổn phận phải tham dự”! Đó, anh xem... lão già còn nói, nếu mình không nhận lời thì Mỹ vẫn cứ tiến hành hội dàm, và sẽ thành hội nghị tay ba! Tôi không chịu nổi, nhưng cố bấm bụng trả lời lão già, Việt Nam cộng hòa không chống nói chuyện với Mặt trận Giải phóng, nhưng không tham dự cuộc họp ngày 6 tháng 11 như như tổng thống Mỹ đã quyết định, vì không thể nào chuẩn bị kịp người đi dự. Lão bảo tôi: “Vấn đề thừa nhận Mặt trận Giải phóng, vấn đề liên hiệp với Cộng sản thì Mỹ không ép buộc phải có ý kiến ngay, nhưng riêng việc tới dự hòa đàm Paris thì tổng thống Mỹ đã tuyên bố rồi, Việt Nam cộng hòa cũng phải tuyên bố chấp nhận nói chuyện với Mặt trận Giải phóng!”. Tôi làm thinh không trả lời. Lão già tức giận bỏ ra về.
Hai Long lẩm bẩm:
- Tình hình này ta cũng đã dự kiến. Bunker phải thực hiện bằng được sứ mạng Johnson đã trao.
Thiệu giận dữ:
- Nó coi mình là bẹc-giê chứ không phải nguyên thủ một quốc gia đồng minh!... Sáng hôm qua, tôi đã triệu tập lưỡng viện quốc hội tại hội trường Diên Hồng. Tôi chính thức loan báo những quyết định đơn phương và những đòi hỏi của Mỹ đối với Việt Nam cộng hòa. Tôi đã tuyên bố là Việt Nam cộng hòa không nhìn nhận Mặt trận Giải phóng miền Nam, không chấp nhận giải pháp liên hiệp với Cộng sản, không tham gia cuộc họp 4 bên ngày 6 tháng 11 tại Paris, vì chưa có tiếp xúc trực tiếp với Bắc Việt. Việt Nam cộng hòa chỉ có thể nói chuyện nghiêm chỉnh với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng trước hết Bắc Việt phải xuống thang chiến tranh! Tất cả các nghị sĩ, dân biểu, không trừ một ai, đều nhiệt liệt tán thưởng lời tuyên bố của tôi...
Thiệu chằm chằm nhìn Hai Long chờ đợi một lời tán thưởng hoặc phụ họa, nhưng anh ngồi im, trầm ngâm.
Y lại nói:
- Giữa lúc mình tuyên bố như vậy thì Mỹ loan tin rút chiến hạm New Jersey khỏi vịnh Bắc Bộ, các hàng không mẫu hạm khác của Mỹ ở ngoài khơi, cũng đang kéo cả về phía Nam!... Ngày hôm qua, hàng trăm nghị sĩ, dân biểu kéo từ hội trường Diên Hồng về đây tỏ thái độ phản đối Mỹ. Khối độc lập hạ nghị viện cũng ra thông cáo lên án các quyết định đơn phương của Mỹ, và kiến nghị ủng hộ lập trường của tôi. Ngày hôm nay, họ sẽ kết hợp với lực lượng Công giáo đại đoàn kết của thượng nghị sĩ Nguyễn Gia Hiến xuống đường tuần hành chống quyết định đơn phương của Mỹ.
- Phản ứng của Bunker thế nào? - Hai Long hỏi.
- Từ chiều qua, Bunker bắt đầu hoảng, liên tiếp gọi điện thoại cho tôi, hỏi tại sao lại để xảy ra những hành động chống Mỹ như vậy?... Tôi trả lời, những việc này xảy ra ngoài dự kiến, chính quyền sẽ có biện pháp chấm dứt... Mình cũng phải làm cho nó biết mặt!
Thấy Hai Long lại im lặng, không tỏ thái độ, Thiệu gặng hỏi:
- Làm như vậy, anh coi được không?
Hai Long tỏ ra ngập ngừng một lát, rồi nói với vẻ dứt khoát:
- Tôi thấy cần phải tính lại. Chống lại ý định của Mỹ lúc này chính là chống Johnson. Johnson còn đầy đủ quyền lực vài tháng nữa. Trước đây, ta đã chống, nó vẫn cứ làm. Giờ ta tiếp tục chống, chắc nó cũng chẳng lui! Nhiều nghị sĩ, dân biểu hưởng ứng lời tuyên bố của anh, vì họ thấy họ chẳng mất gì. Họ biết họ càng chọc tức Mỹ bao nhiêu, thì càng nhiều sóng gió đổ vào đầu tổng thống. Tôi nghĩ, không thiếu gì kẻ đã tính toán làm cho anh mất sự ủng hộ của Mỹ, để có lợi cho những mưu đồ riêng tư của họ. Thời ông Diệm, ông Nhu chống Mỹ, lúc đầu biết bao kẻ hò hét chạy theo các ổng! Nhưng khi Mỹ quyết định hạ các ổng, thì chung quanh hỏi còn ai? Giáo hội trao cho tôi nhiệm vụ phò trợ anh, tôi không thể để bị cuốn theo những tình cảm nhất thời, mà phải tính mọi mặt liên quan tới sự an nguy lâu dài của anh. Ông Diệm, ông Nhu có 10 năm chuẩn bị thế lực, vây cánh, khi đó Mỹ chưa có quân ở Nam Việt, chỉ cần mấy tên CIA, Mỹ vẫn có thể làm bay cả chế độ trong vài giờ! Tôi nghĩ, trong những điều kiện hiện nay, Mỹ không thể nào chịu thua ta. Nó không những dư sức lật đổ tổng thống mà còn dư sức đánh sụp cả quốc hội!
Hai Long ngừng nói vì có viên sĩ quan nội thất đi vào.
Viên sĩ quan báo cáo:
- Trình tổng thống! Ông phụ tá đặc biệt Huỳnh Văn Trọng đã tới theo hẹn của tổng thống.
Hai Long nói:
- Có lẽ ta nghe Bernard Trọng báo cáo tình hình xong rồi sẽ trao đổi tiếp.
Thiệu ngần ngừ rồi bảo viên sĩ quan:
Mời ông Trọng và phái đoàn lên.
3.
Trọng cùng với Tuyến và Xuân bước vào. Ba người đều khỏe mạnh, hồng hào sau 2 tháng làm việc ở Mỹ. Trọng ôm theo một gói quà mang từ Mỹ về, để làm kỷ niệm cho Thiệu.
Thái độ tươi tỉnh, vui vẻ của những người đi sứ về khiến cho vẻ mặt lo lắng của Thiệu dịu lại.
Trọng nói:
- Anh em chúng tôi nhận nhiệm vụ của tổng thống trao cho qua Mỹ, nay sứ mạng đã hoàn thành, chúng tôi tự đánh giá là đã đạt được kết quả khả quan. Chúng tôi đã thường xuyên gửi báo cáo về. Bữa nay, xin được phúc trình một cách tổng hợp, và bổ sung thêm những điều mà chúng tôi không tiện viết dài trong thư.
Thiệu nói:
- Tôi cần phải làm việc với phái đoàn nhiều buổi, nhưng sáng nay vì vừa có công việc đột xuất nên chỉ gặp phái đoàn được trong vòng một giờ. Ông phụ tá trưởng đoàn hãy trình bày vắn tắt những điểm chính để tôi và ông cố vấn cùng nghe.
Trọng nhìn đồng hồ, rồi báo cáo gọn gàng trong 45 phút. Anh liệt kê những cơ quan quan trọng mà phái đoàn đã có dịp tiếp xúc, như Tòa Bạch ốc, bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng, và những tổ chức tư nhân, những nhân vật chính trị, tôn giáo có uy tín, đề nghị tổng thống nên nghe báo cáo kỹ một số cuộc tiếp xúc này để hiểu rõ những quan điểm cũng như tính cách của nhiều yếu nhân Mỹ. Về tình hình chung liên quan trực tiếp đến thời cuộc ở Việt Nam, anh khẳng định Johnson quyết tâm dùng mọi quyền hạn trong những tháng còn ngồi ở Nhà Trắng, để mang lại hòa bình ở Việt Nam, như người ta đã thường nói, Johnson muốn đi vào lịch sử như là một tổng thống của hòa bình. Người hầu như chắc chắn sẽ kế tục Johnson trong nhiệm kỳ tới là Nixon. Nixon hoàn toàn tán thành chủ trương tìm kiếm hòa bình trong danh dự cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam, vì đây là xu thế của tuyệt đại đa số nhân dân Mỹ. Nước Mỹ buộc phải rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách ở quốc nội cũng như quốc ngoại. Mặc dù trái với ý muốn của nhiều nhân vật cầm quyền, họ đều nhận thấy lối thoát duy nhất trong tình hình hiện nay, là 4 bên tham chiến phải ngồi lại với nhau để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Nhưng quyết tâm của nhà cầm quyền Mỹ là không rời bỏ Việt Nam cộng hòa, vì đây là danh dự, uy tín của họ trên trường quốc tế, và cũng là niềm tin của dân chúng Mỹ. Họ cần phải có một Việt Nam cộng hòa mạnh, đủ sức đương đầu với Cộng sản sau khi quân Mỹ đã rút về nước. Vì vậy, nên những đề nghị viện trợ quân sự, kinh tế hậu chiến, viện trợ chương trình xây dựng nông thôn, và đề nghị thành lập viện nghiên cứu xã hội ở Việt Nam cộng hòa đều được các nơi đáp ứng một cách sốt sắng và thuận lợi. Riêng về thái độ của nhà cầm quyền Mỹ trước và sau cuộc bầu cử đối với Việt Nam cộng hòa, một trọng tâm nghiên cứu của đoàn, thì thấy tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang ở trong một tình thế tốt đẹp. Tổng thống Johnson đã cho biết tiếp tục ủng hộ Thiệu. Vị tổng thống tương lai của Mỹ là Nixon cũng đã có ý kiến như vậy. Tâm lý chung của cả hai nhân vật này là trong khi cuộc hòa đàm đã mở ra, không muốn có sự xáo động trong giới cầm quyền của quốc gia đồng minh.
Thiệu tươi tỉnh hỏi:
- Lỡ tổng thống mới, chính sách mới thì sao?
Tuyến nói:
- Nixon đã nói không có thay đổi chính sách với Việt Nam cộng hòa, và muốn có thay đổi gì cũng phải sau nửa năm.
- Nixon có cảm tình với ta chớ?
Trọng đáp:
- Thưa còn hơn thế. Nixon đã hết sức chiều chuộng chúng tôi, vì ổng nhờ chúng tôi về nói với tổng thống vận động giúp cho ổng giành được gần 70 vạn phiếu của cử tri Mỹ ở Nam Việt Nam. Chúng tôi đã nhận lời, và nói tin rằng tổng thống Thiệu sẽ hết mình hưởng ứng.
Thiệu cười khà khà:
- Không ủng hộ diều hâu thì còn ủng hộ ai!
Thiệu nhìn đồng hồ. Trọng biết thời gian đã hết, bèn nói:
- Xin tổng thống cho tạm kết thúc ở đây, chúng tôi sẽ trình bày tiếp trong những buổi làm việc sau.
Thiệu vui vẻ nói:
- Tôi còn phải gặp ông phụ tá nhiều. Thắng lợi của phái đoàn đem về làm cho người tôi tươi trẻ hẳn ra.
4.
Khi còn lại hai người trong phòng, Thiệu hỏi ngay:
- Hồi nãy anh không tán thành cuộc xuống đường sẽ tổ chức vào trưa nay?
- Không cứ xuống dường, mà tôi thấy cần hết sức thận trọng đối với bất kỳ hành động nào gây cho Johnson ý nghĩ mình đang chống lại ông ta.
Thiệu lập tức bước tới bên máy điện thoại, cầm ống nghe và nói:
- Tôi cần gặp ông Nguyễn Văn Hướng.
- Dạ, xin chào tổng thống. Tôi đây.
- Tình hình thay đổi, anh cho hoãn cuộc xuống đường trưa nay. Báo tin ngay cho lực lượng Công giáo Đại đoàn kết và lực lượng Tự do dân chủ của anh.
- Xin tổng thống cho biết lý do để giải thích với ông Nguyễn Gia Hiến. Các lực lượng đã sẵn sàng.
- Sẽ giải thích sau. Tôi nhắc lại, dẹp xuống đường ngay! Đang chuẩn bị tuần hành cũng phải giải tán! Chỉ cần nói là phải tạm dẹp để tránh những phiền phức về ngoại giao...
Thiệu đặt máy, quay lại đột ngột hỏi Hai Long:
- Nếu bây giờ nhận lời đi Paris thì cử ai đi?
- Tôi nghĩ tốt nhất là nên cử tướng Kỳ.
Thiệu cười lớn, bắt tay Hai Long rung rung một hồi:
- Anh giáo hình như đọc được những ý nghĩ của tôi! Tôi cũng vừa nảy ra ý nghĩ đó.
Thiệu buông tay Hai Long, tươi tỉnh nói tiếp:
- Tôi sẽ sắp xếp để Bernard Trọng nắm chức thủ tướng chính phủ thay già Hương vô dụng. Không còn ai hơn anh Trọng lúc này. Trao cho anh Trọng gánh vác một phần, để anh em ta có thời giờ nghỉ ngơi đôi chút, chớ đầu óc căng thẳng quá rồi!...
Tuy vậy, mãi 2 tuần sau đó, ngày 17 tháng 11, Thiệu mới họp Hội đồng an ninh quốc gia bàn việc chấp nhận cuộc hòa đàm bốn bên tại Paris, và cử một phái đoàn tới tham dự hòa đàm.
Ngày 8 tháng 12, phái đoàn Việt Nam cộng hòa do Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn, với Nguyễn Cao Kỳ là cố vấn, mới lên đường đi Paris.