Hà Nội vùng đứng lên Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên... Nguyễn Đình Thi Tại miền Bắc lúc đó, tôi thấy lính Pháp đóng đầy ở thủ đô và ở các tỉnh trọng yếu theo tinh thần của bản Hiệp Định Sơ Bộ hồi tháng 3 và của bản Tạm Ước mà ông Hồ Chí Minh vừa đem về sau sự thất bại của Hội Nghị Fontainebleau. Rất nhiều vụ lộn xộn xẩy ra giữa quân Pháp và các lực lượng Tự Vệ hay Thanh Niên Xung Phong. Ngày 20 tháng 11, Tự Vệ ở Hải Phòng ngăn chặn thuyền chở hàng cho Pháp, khám xét và bắt đóng thuế Đoan, đồng thời bắt luôn vài người lính Pháp. Hai bên nổ súng. Pháp bị chết và bị thương khoảng vài chục người. Ban Liên Hiệp Kiểm Soát Việt-Pháp vội vàng từ Hà Nội xuống để giàn xếp nhưng tình hình vẫn rất gay go. Ngày 23, viên Đại Tá chỉ huy của Quân Đội Pháp ở Hải Phòng đòi U±y Ban Hành Chính phải rút hết Tự Vệ ra khỏi thành phố. Hai bên lại chạm súng. Chiến hạm Pháp đE°ậu ở ngoài hải cảng bắn phá dữ dội vào thành phố. Hai thằng bạn khi xưa của tôi ở Hưng Yên là Thiệp và Hoàng Thư (người ngâm thơ trong ban Tao Đàn của Đinh Hùng) đang đi công tác ở Hải Phòng thì gặp cuộc bắn phá. Thiệp bị chết. Hoàng Thư may mắn hơn, thoát nạn. Tại Lạng Sơn cũng có tiếng súng nổ giữa ta và Pháp.&& Tại Hà Nội, người già, đàn bà, trẻ em được khuyến khích để tản cư ra vùng quê. Chướng ngại vật được dựng lên ở khắp các ngã tư. Để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh trong thành phố mà ai cũng tin là sẽ xẩy ra, các thanh niên Tự Vệ được huấn luyện cấp tốc về chiến thuật chống xe tăng và xuyên ốc chiến. Có lệnh đục các vách tường thông qua từ nhà này qua nhà nọ để tiện đường giao thông khi có cuộc chiến. Vì đã từng sống những ngày hối hả, căng thẳng khi khởi đầu cuộc kháng chiến ở Nam Bộ cũng như đã nếm mùi chiến trường ở chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu rồi cho nên tôi rất bình tĩnh. Tôi tá túc tại nhà người anh rể, sống với mẹ những ngày cuối cùng của hoà bình... &&... Khoảng 6 giờ chiều ngày 19 tháng 12, tôi đang đi ở phố Huế thì gặp Văn Cao. Nó hất hàm hỏi: -- Mày làm gì mà còn lảng vảng ở đây? -- Không ở đây thì ở đâu bây giờ? -- Gặp tao ở Hà Đông ngày mai, chỗ này... Nói xong, Văn Cao đưa cho tôi một mảnh giấy và hấp tấp ra đi. Tôi đút mảnh giấy vào quần, chẳng thèm xem. Như bất cứ hồi nào tôi trở về Hà Nội, ngoài sự tạm trú nơi nhà người anh rể, tôi thường hay tới nhà thằng bạn rất thân là Nguyễn Hiến ở đường Chanceaulme để ngủ. Nó là thằng bạn học cùng lớp với tôi ở trường Thăng Long. Nhà nó có một cái phòng rất xinh ở trên sân thượng, nơi chúng tôi hay nằm gác chân lên nhau để tâm sự. Nó thì thèm cuộc đời cô đơn và chuyển động không ngừng của tôi, tôi thì thèm cuộc đời trầm lặng bên cha bên mẹ của nó. Vào khoảng 8 giờ tối hôm 19 đó, tôi và nó đang nằm tán phét về thời sự thì có một tiếng nổ lớn làm rung chuyển thành phố. Nhà Máy Điện bị phá hủy, đèn vụt tắt. Nổi lên những tràng súng chen với tiếng lựu đạn, tiếng mìn. Chúng tôi không ngạc nhiên vì cũng như tất cả mọi người ở Hà Nội lúc đó, chúng tôi thấy rằng việc phải đến đã đến: -- Rồi. Đánh nhau rồi... -- Tao đi nghe. Hiến, mày đi với tao không? -- Tao còn ông bô bà via, đi sao được? -- Thôi, ô voa... Tôi không kịp về nhà để chia tay mẹ, rảo bước đi trong đêm Hà Nội căm lạnh và tối om, giữa đám đông người cũng đang hối hả tìm đường di tản, tránh đi qua những nơi có tiếng súng nổ. Nhớ tới lời dặn của Văn Cao, tôi ra Hà Đông. Sáng hôm sau, tới điểm hẹn, tôi được đưa tới Chuà Trầm và vào làm việc với Đài Phát Thanh bí mật đặt trong một cái hang đá. Ơ± đây, trong đêm 20, ông Hồ Chí Minh lên tiếng kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tôi có vinh dự là một trong những ca sĩ đầu tiên cất lên tiếng hát tại Đài Phát Thanh bí mật này để động viên dân chúng. Tôi lại tìm thấy sự hào hùng mà tôi có trước đây khi xung phong vào Nam chiến đấu. Biết được rằng trong đêm 19 vừa qua, cũng có sự tấn công nhất loạt vào những nơi có quân Pháp đóng như Phủ Lạng Thương, Nam Định, Bắc Ninh, Hòn Gay, Cẩm Phả, Huế, Tourane, Vinh... tôi không còn bực mình như khi thấy Chính Phủ nhượng bộ Pháp trước đây. Vì làm việc ở Đài Phát Thanh, tôi cũng biết thêm là cuộc kháng chiến ở trong Nam Bộ do Nguyễn Bình lãnh đạo, sau khi có lệnh toàn quốc kháng chiến thì có thêm những cuộc tấn công dữ dội vào quân Pháp. Từ tháng Tám 1945, tôi đã thấy không khí bừng bừng của Cách Mạng kéo nhân dân cả nước "ra đường". Từ đêm 19 tháng Chạp 1946 này trở đi -- tối thiểu cũng là kéo dài trong một thời gian 5 năm -- tôi sẽ thấy không khí rừng rực của kháng chiến đẩy toàn thể nhân dân "ra đi". Và không đi bằng phương tiện nào khác hơn là đi bộ. Toàn bộ văn học nghệ thuật của thời kỳ này, nếu cần phải định nghĩa thì phải nói rằng đó là một nền văn học nghệ thuật được xây dựng trên cái nền "xuống đường" và "khởi hành" của toàn dân Việt Nam. Hồi Ký này cũng chỉ mong nói cho những thế hệ đi sau thấy được điều đó. Trong thời gian ngắn ngủi ở Đài Phát Thanh, tôi hát những bài "vùng đứng lên" như Hồn Việt Nam, Gươm Tráng Sĩ... là những bài của anh em trong làng Tân Nhạc soạn ra trong thời Cách Mạng. Phải đợi một thời gian -- cũng không lâu lắm -- mới có những bài nói lên sự "vùng ra đi" của toàn thể nhân dân. Tuy sống trong một cái hang ở Chùa Trầm nhưng tôi cũng hay đi chơi tại vùng quê ở gần Hà Nội này. Tôi nhìn thấy cả rừng người ở thành phố lũ lượt kéo nhau đi tản cư không lúc nào ngưng. gặp được người quen nào tôi cũng hỏi thăm về mẹ tôi. Khi được tin mẹ đang tản cư ở một làng nằm trong tỉnh Hà Nam, tôi lội bộ đi thăm mẹ và sống với mẹ một ngày. Rồi tôi từ giã mẹ để về cơ quan. Tôi không bao giờ gặp lại mẹ tôi nữa. Mẹ tôi qua đời vào năm 1950 khi tôi đang ở Việt Bắc. Không được báo hiếu khi mẹ còn sống, tôi xin được mời mẹ ngự trị trong các nhạc phẩm của tôi nói về những người mẹ như Bà Mẹ Quê, Bà Mẹ Gio Linh, Bà Mẹ Phù Sa hay Trường Ca Mẹ Việt Nam... Sau khi làm việc tại Đài Phát Thanh được ít lâu, vì bản thân là một kẻ luôn luôn không thích chôn chân ở một chỗ cho nên nhân một hôm đi chơi tại một phiên chợ quê, tôi gặp Phạm Văn Đôn và tôi quyết định làm cuộc "khởi hành". Tôi nghe theo lời mời của anh chàng hoạ sĩ kiêm kịch sĩ Phạm Văn Đôn để gia nhập Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng do anh vừa mới thành lập dưới sự bảo trợ của Bộ Thanh Niên. Lại được đi hát rong, thú quá. Đoàn văn nghệ hiện đang trong thời kỳ tập dượt tại Sơn Tây. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Phạm Văn Đôn là trưởng ban kịch "Hoa Lan" và có tham vọng dựng vở Lôi Vũ của Tào Ngu, một vở kịch nổi tiếng của Trung Hoa. Một nhà đạo diễn Trung Cộng được gửi tới để giúp cho đoàn Hoa Lan dựng vở kịch này, với bản dịch của Đặng Thái Mai. Mới chỉ trình bày được có một buổi kịch kéo dài tới bốn, năm tiếng đồng hồ tại nhà Hát Lớn Hà Nội vào thượng tuần tháng 12 thì xẩy ra cuộc chiến. Thế là Phạm Văn Đôn vác cả đạo diễn lẫn diễn viên chạy ra vùng kháng chiến và đoàn kịch được Bộ Thanh Niên -- do Đào Duy Kỳ chỉ huy -- thu dụng ngay. Nhưng từ Đoàn Kịch Nói "Hoa Lan" tiến tới Đoàn Văn Nghệ "Giải Phóng", tổ chức kịch nghệ này cần phải có thêm những ngành khác như hội hoạ và âm nhạc. Khi tôi tới Sơn Tây là địa điểm xuất quân của đoàn văn nghệ thì trong nhóm kịch, tôi thấy có nữ diễn viên Trúc Quỳnh, người thủ vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ và làm tôi say mê khi tôi có may mắn được coi buổi diễn độc nhất của vở kịch này. Có kịch sĩ Ngô Đặng Chinh với hàm răng ngựa lúc nào cũng cười toe toét. Trong nhóm nhạc, tôi thấy có vợ chồng Văn Chung. Đôi uyên ương này cũng kiêm luôn cả công tác diễn kịch. Có nhạc sĩ Phạm Văn Chừng (anh ruột Phạm Văn Đôn), tác giả bài Con Chim Lạc Bạn, con người lúc nào cũng ra vẻ quan trọng. Có Thương Huyền và Mai Khanh, những ca sĩ bắt đầu nổi tiếng và có Phạm Đình Viêm (tức là Hoài Trung sau này) lúc bấy giờ mới chỉ là mầm non nghệ sĩ nhưng có biệt tài vừa đóng kịch vừa hát được đủ các loại ca, từ những bản nhạc hùng cho tới những bài hát khôi hài. Đoàn "Giải Phóng" là đoàn văn nghệ kháng chiến đầu tiên có một tổ chức rất quy mô. Ngoài phần kịch và nhạc ra, còn có cả môn hội hoạ kháng chiến nữa. Một thằng bạn học cùng lớp với tôi ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm xưa là hoạ sĩ Quang Phòng, cùng với hoạ sĩ Phạm Văn Đôn, lo vẽ những bức tranh kêu gọi toàn dân kháng chiến. Những đình chùa và trường học ở trong các làng mạc Việt Nam lúc đó, ban ngày là những phòng triển lãm, ban đêm trở thành những hí trường. Tập dượt trong một thời gian ngắn, đoàn văn nghệ ra mắt tại Sơn Tây rồi từ đó đi dần dần qua Phúc Yên tới Vĩnh Yên. Về phần kịch, có vở Trả Con Tôi Đây, hình như phóng tác từ một kịch bản của Trung Cộng, đưa ra nhân vật chính là một thiếu phụ đã hoá điên khi chồng và con bị giặc Pháp giết. Nàng đi giữa cảnh hoang tàn để khóc gào và đòi mạng đứa con đã chết. Có lẽ ở ngoài đời nữ diễn viên Trúc Quỳnh là một người đàn bà không được thoả mãn về tình cho nên khi đóng vai người điên thì nàng biểu lộ được tất cả những cá tính của một người bị chứng loạn thần kinh (hystérie). Nhân vật người điên đã từng được Hoàng Cầm đưa ra trong vở kịch thơ Kiều Loan rồi sau này còn được Hoàng Thi Thơ đưa ra trong hoạt cảnh Cô Gái Điên nữa. Phải chăng các kịch tác gia của thời đại đều đã bị một nhân vật điên trong một vở hát điên dại khác là Vân Dại ở Sân Khấu Chèo Cổ ám ảnh chăng? Phải công nhận rằng với sự giúp đA°ơ của tay đạo diễn Trung Cộng và với tài năng tuyệt vời của Trúc Quỳnh, vở Trả Con Tôi Đây là một thành công rất lớn của đoàn văn nghệ kháng chiến. Ngoài vở kịch gây căm thù và nung nấu tinh thần chiến đấu của toàn dân đó, đoàn văn nghệ còn đưa ra vở hài kịch Thằng Thộn để hưởng ứng phong trào truyền bá quốc ngữ, với chuyện một anh con trai đi hỏi vợ, do Phạm Đình Viêm đóng, nhưng vì mù chữ cho nên chẳng có ai thèm lấy làm chồng cả. Cả hai vở kịch đều rất dễ hiểu và làm cho khán giả nông dân rất thích thú, coi như đã đáp ứng được khẩu hiệu "đại chúng hoá" mà những nhà lãnh đạo đưa ra lúc đó. Về phần nhạc, Văn Chung phổ nhạc một bài thơ của thi sĩ Nga Sô Simonov với lời dịch của Tố Hữu nhan đề Đợi Anh Về. Bài này phải hát với nhiều bè thì mới lột được cái hay của nhạc phẩm. Phạm Văn Chừng rất chăm chỉ trong việc tập dượt hát bè cho các ca sĩ. Về phần tôi thì khung cảnh toàn dân lên đường đi kháng chiến khiến cho tôi có nhiều cảm hứng. Vì nằm trong một tổ chức của Bộ Thanh Niên. tôi phổ nhạc một bài thơ của ông Bộ Trưởng Đào Duy Kỳ nhan đề Thanh Niên Ca. Rồi theo cái đà đó, tôi soạn thêm mấy bài thanh niên ca khác như Nhạc Tuổi Xanh, Thanh Niên Quyết Tiến và Về Đồng Hoang. Bài Nhạc Tuổi Xanh lập tức được mọi người hát ngay vì nó nói lên lòng tự tin của thanh niên vào lúc đó: Cùng đi. Đem máu lên đỏ ngọn cờ (ớ ơ) Cùng đi. Đem sức trai đổ xuống bờ, bờ ruộng xanh Tôi cùng anh, ta tranh hùng chờ ngày hoà bình Nồng nàn sống (ư) vui tuổi xanh. ............&& Đường ta, ta cứ đi. Nhà ta ta cứ xây. Ruộng ta, ta cứ cầy đợi ngày, Ngày mai bao ấm no, diệt xong quân Pháp kia, Cười vang ta hát câu TƯ´ DO. ............ Tôi còn nhớ là khi tôi soạn bài Nhạc Tuổi Xanh này, tôi đang đi trên một cánh đồng mà lúa đã mọc cao, tôi phải giơ hai tay ra để rẽ lúa mà đi. Những làn sóng lúa thơm như ôm lấy tôi, phả hương lúa vào tôi, vuốt ve tôi bằng những cành lúa. Tôi cũng như muốn ôm cả cánh đồng lúa vào lòng mình... Tôi cho rằng hành khúc trong thời gian này của tôi -- cũng như của các bạn nhạc sĩ khác -- ngoài tính chất hoan ca ra còn được tưới thêm rất nhiều tình cảm của thiên nhiên -- sentiment de la nature. Những bài hát soạn cho thanh niên như bài Nhạc Tuổi Xanh này và những bài thanh niên ca khác không còn dữ dội như những bản nhạc hùng mà tôi soạn ra khi còn ở trong chiến khu Nam Bộ. Bây giờ nó muốn mang vẻ tươi mát như mầu xanh của tuổi trẻ. Vả lại, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, toàn dân đều hứng khởi và ủng hộ cuộc chiến, lòng ai cũng như muốn reo lên một niềm vui trong chiến đấu, do đó mấy bài thanh niên ca của tôi -- cũng như những bài của các nhạc sĩ khác -- đi vào quần chúng rất nhanh. Bài Về Đồng Hoang thì nói lên nỗi vui của thanh niên khi... ... Từ phố phường rời ra thôn quê Anh em ta quyết chí về đồng hoang. Đem máu căm hờn về đồi nương Dưới thôn ta xây hầm, lập bao chiến khu vững bền. Đồng ruộng kia ta gieo căm thù Để mọc lên ngàn muôn cánh lúa. Vượt đồi cao, đồng xa, vượt núi, núi non. Nơi cô thôn, ta xây cánh đồng kháng chiU³ến. Tuy nhiên cũng có người sợ cái "trường kỳ" của cuộc kháng chiến này rồi. Tôi còn nhớ một thiếu phụ trẻ măng khi nghe xong bài Về Đồng Hoang đã nói với tôi: -- Anh Phạm Duy ơi. Đồng quê bát ngát... Nuôi toàn quốc đấu tranh vài năm thôi, chứ đấu tranh muôn năm thì sợ quá, anh ơi.&& Trong thời gian này, các nhạc sĩ khác cũng có chung một ý nghĩ như tôi, ai cũng muốn phản ánh việc hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người lớp lớp ra đi. Ngay từ khi có Nam Bộ kháng chiến rồi kể từ ngày toàn quốc kháng chiến trở đi, trước sau là những bài như Du Kích Ca, Tiếng Súng Nam Bộ, Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận, Đoàn Giải Phóng Quân (sau đổi là Đoàn Vệ Quốc Quân) của Phan Huỳnh Điểu, Cảm Tử Quân của Hoàng Qúy, Nhạc Đường Xa của Phạm Duy Nhượng, Hò Leo Núi của Phạm Đình Chương... tất cả đều là "nhạc khởi hành". Và đều chất chứa tình cảm của thiên nhiên chứ không còn là những hành khúc được viết ra ở trong phòng the và được hát lên ở trên phố phường như xưa nữa. Loại nhạc Cách Mạng và Kháng Chiến, ngoài nhạc tính hào hùng ra bây giờ có thêm chất lãng mạn. Đó là nhạc "Cách Mạng Lãng Mạn". Ngoài nhiệm vụ sáng tác bài hát tươi mát cho thanh niên, tôi còn là một ca sĩ chuyên môn hát nhạc hùng. Sân khấu kháng chiến cũng cần có những bài hát mạnh mẽ. Và bài Hồn Việt Nam, thơ của Phan Bội Châu do Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc được hát lên. Bởi vì tôi có kinh nghiệm sân khấu hơn Thương Huyền, Mai Khanh và Phạm Đình Viêm, tôi luôn luôn làm cho màn hát của mình có thêm phần ngoạn mục. Chẳng hạn khi tôi trình bày bài Giết Giặc cũng của Nguyễn Xuân Khoát: A ha. Ta phải giết lũ tàn ác gian tham... ... thì tôi đeo một đôi găng tay đan bằng len mầu đỏ và vừa hát vừa làm những điệu bộ rất dữ dội. Trong đêm tối đen chỉ có ánh đuốc chập chờn, hình ảnh anh chàng ca sĩ trẻ, đeo kính cận thị, có đôi bàn tay như là nhuốm máu và cái miệng la hét om sòm trông cũng có vẻ mới lạ và hấp dẫn đấy chứ? Phạm Đình Viêm cũng là ca sĩ được khán giả hoan nghênh. Anh rất thành công với những "bài hát có điệu bộ" của Nguyễn Xuân Khoát như Con Voi, Con Mèo Mà Trèo Cây Cau, Thằng Bờm Có Cái Quạt Mo...Đó là chưa kể sự thành công của anh ta trong loại "nhạc hùng" dù là đơn ca hay hợp ca.