Tuy nơi này rừng núi bao la hiểm trở, nhưng nhờ Bạch Vân Phi đã quen địa thế, cứ theo lối tắt băng qua các đồi cao suối sâu, giở khinh công chạy mãi, chỉ hơn nửa đêm là tới chân núi Bạch Vân Hiệp. Bấy giờ đã hết canh một, mặt trăng đã lên cao, chiếu sáng khắp các ngọn đồi. Từng cơn gió khuya lành lạnh thoảng qua, làm cho rừng cây xào xạc như cựa mình thức giấc. Bạch Vân Phi đã đặt Quân Vũ nằm xuống một tảng đá, đưa tay chỉ về đồi núi phía Tây, nói: - Chúng ta quẹo qua hướng Nam đồi đó thì tới Bạch Vân Hiệp... Thanh Loan bước tới, ngồi xuống đưa tay rờ ngực Mã Quân Vũ, buồn bã than: - Vũ ca ca! Vũ ca...! Sao hơi thở Vũ ca còn yếu quá! Tỷ... tỷ... Bạch Vân Phi thở một hơi dài não nuột, nói: - Ôi! Không biết sư phụ của ta đã về chưa? Nói đến đây, mặt Bạch Vân Phi bỗng biến sắc, ngơ ngác nhìn tứ phía, đôi dòng lệ rưng rưng, thầm sợ hãi: “Ta đã cố tâm về Bạch Vân Hiệp để gặp sư phụ, mà tông tích người không có ở đây...” Chỉ thấy Bạch Vân Phi nhìn Mã Quân Vũ đến sững sờ như một pho tượng đứng giữa trời. Trán nàng ướt đẫm mồ hôi. Thanh Loan xót xa đưa tay áo lau mồ hôi cho Bạch Vân Phi và nhỏ nhẹ hỏi: - Đại tỷ! Từ đây đến Bạch Vân Hiệp còn bao xa? Bạch Vân Phi giật mình, bâng quơ chỉ lên đồi núi nói: - Chúng ta qua khỏi đồi đó là tới Bạch Vân Hiệp. Thanh Loan gượng cười nói: - Đại tỷ! Thôi chúng mình đừng nghỉ nữa nhé! Mau đi tới đó tìm sư phụ tỷ để kịp thời chữa bệnh cho Vũ ca. Chắc Vũ ca không chết đâu há Đại tỷ! Vốn tánh Thanh Loan quá ngây thơ, lúc ở núi Nga Mi nghe Bạch Vân Phi đoán bệnh của Mã Quân Vũ trong ba ngày nếu tìm không được con Vạn Niên Hỏa Quy, thì chắc không thể sống. Nhưng đến hôm nay đã hai chục ngày, con Vạn Niên Hỏa Quy chưa bắt được, mà Quân Vũ vẫn còn sống. Thanh Loan tuy đau khổ lo sợ, nhưng thấy Quân Vũ không chết theo những ngày dự đoán, nên nàng rất tin tưởng cách chữa bệnh của Bạch Vân Phi, và bớt phần tuyệt vọng. Bệnh tình của Quân Vũ rất nặng, đã hao mòn hết chân lực, mà tánh mạng được kéo dài đến hai chục ngày, chính Bạch Vân Phi cũng không ngờ được. Tuy hàng ngày nàng phải dùng hết chân khí để tiếp lực cho Quân Vũ, nhưng nàng cũng thất vọng sợ Quân Vũ chết. Thật ra, Mã Quân Vũ nhờ gặp cô gái mặc trang phục trắng choàng khăn xanh ở trên thuyền đi Gia Định đã cho chàng hai viên linh đơn thần diệu. Lúc đó chàng đã uống một viên, nên mới được cái công hiệu thần kỳ của sức thuốc đó còn giữ lại một ít chân khí. Vì vậy Mã Quân Vũ mới chịu đựng được sức công phạt của bệnh tình mà không tắt thở. Bạch Vân Phi tuy có tánh cang cường, nhưng giờ này lại trở thành yếu ớt, than với Thanh Loan: - Loan muội! Nếu sư phụ của tỷ chưa về thì tính sao bây giờ? Tỷ lo quá! Thanh Loan giật mình, gượng nói: - Rủi vậy cũng không can gì, chúng ta có thể ở Bạch Vân Hiệp đợi sư phụ tỷ, thế nào người cũng về. Vân Phi than: - Ôi! Sư phụ của tỷ từ trước đến giờ hành tung không nhứt định, có nhiều lúc hai ba tháng, hoặc nửa năm cũng chưa về tới Bạch Vân Hiệ... Nói đến đây, mặt Bạch Vân Phi bỗng biến sắc, lòng thầm nghĩ: - “Sư phụ từ xưa nay, hết lòng chiều chuộng ta, nhưng vừa rồi sao sư phụ lại khác thường, đến nỗi không nói chuyện với ta? Nếu không phải việc khẩn cấp thì sư phụ đâu có đi gấp như vậy? Nhưng không lý nào người đã có nội công tuyệt đỉnh rồi mà còn phải cần đến con Vạn Niên Hỏa Quy để tăng thêm võ công nữa sao?” Đang suy nghĩ, bỗng nghe tiếng hạc kêu. Bạch Vân Phi giật mình ngẩng mặt lên thấy bóng con hạc trắng hạ nhanh xuống vùng Bạch Vân Hiệp như sao rơi. Nỗi thất vọng như tiêu tan, Bạch Vân Phi mừng rỡ thầm nói: - Linh hạc đã về, chắc sư phụ cũng về rồi. Bạch Vân Phi cúi xuống bồng Mã Quân Vũ rồi quay lại nói với Lý Thanh Loan: - Sư phụ tỷ đã về rồi! Chúng ta đi mau một tí nữa! Mấy người liền giở khinh công băng qua đồi cao chạy đến dưới thung lũng sâu, rẽ về chân núi phía Nam. Bỗng nhiên, nghe “tưng tưng...” mấy tiếng đàn tỳ bà từ sau núi đưa đến. Âm thanh không lớn, nhưng mỗi tiếng đàn ngân lên như sầu thảm, oán hận muôn điều. Bạch Vân Phi, Lý Thanh Loan và Phàn Tú Vỹ đều ngừng bước. Con hạc trắng kêu “oan oác” bay vòng trên đầu Vân Phi, rồi tung cánh bay vút đi mất. Chăm chú nhìn theo hướng bay của con hạc, Bạch Vân Phi xoay lại kêu lớn: - Loan muội! Mau mau chạy... Chưa dứt lời, Bạch Vân Phi lao mình chạy như tên bắn. Cử chỉ gấp rút của Vân Phi làm cho Thanh Loan, Phàn Tú Vỹ cũng vội vã chạy theo. Ba người đều giở khinh công chạy vòng qua chân núi hướng Nam. Đột nhiên, Bạch Vân Phi dừng chân, xoay mình lại, giao Mã Quân Vũ cho Thanh Loan bồng, rồi tung mình nhảy đi như chim bay. Trong chớp mắt, nàng đã tiến tới bụi cỏ xanh. Thanh Loan và Tú Vỹ nhìn theo, thấy một lão già mặc áo dài xanh, râu dài chí ngực, khoanh chân ngồi trên bãi cỏ. Cách bên mình cỡ chừng một trượng, có một thiếu nữ mặc trang phục trắng, choàng khăn xanh, ngồi ôm chiếc đàn tỳ bà. Sau lưng thiếu nữ đó có bốn cô nữa mặc áo rộng tím đứng thành hàng ngang. Mặt mũi người nào cũng đẹp mê hồn. Thiếu nữ choàng khăn xanh đôi mắt ngấn lệ, nhìn sững lão già đang khoanh chân, ngồi nhắm mắt như một thầy tu đang tịnh tâm. Vẻ mặt thiếu nữ rất buồn, đôi tay run run như muốn gảy lên những tiếng não nùng, trút khổ vào âm thanh, nhưng chỉ thấy nàng ngơ ngác dù là đàn không ra tiếng. Bạch Vân Phi nhảy tới trước mặt lão già đó, kêu lớn: - Sư phụ! Sư phụ! Con... Con về đây... Lão từ từ mở mắt lạnh lùng nói: - Bây giờ ngươi về làm gì? Đi mãi đi! Hãy tránh khỏi nơi này! Vừa nói, lão đưa tay xua đẩy Bạch Vân Phi không ngớt. Thiếu nữ choàng khăn xanh liền khảy mấy tiếng “tưng tưng”. Mọi người đều chấn động cả tâm hồn. Lý Thanh Loan “ớ” lên một tiếng, buông Mã Quân Vũ rơi “bịch” xuống đất! Còn Phàn Tú Vỹ bất giác nhảy theo nhịp của tiếng đàn tỳ bà. Bạch Vân Phi tuy giữ được bình tĩnh, nhưng cũng cảm thấy nao nao khó chịu. May thay thiếu nữ đó chỉ khảy có ba tiếng rồi ngưng ngay. Thần trí mọi người mới dần dần trở lại. Thanh Loan vội cúi xuống, đỡ Mã Quân Vũ dậy. Thấy chàng còn thở, nàng vừa mừng vừa sợ, than: - Ôi chao! Tiếng đàn gì mà khó nghe... Lão già trợn mắt nhìn Bạch Vân Phi, quát lớn: - Người hãy đi đi! Nếu trễ một tí nữa không thể đi được! Ta đã bị trọng thương rồi! Bạch Vân Phi thấy thần sắc của sư phụ nàng quá khác thường, biết lão nói thật, nên hoảng hốt tung mình nhảy tới trước mặt cô gái choàng khăn xanh. Thiếu nữ choàng khăn xanh tuy thấy thân pháp của Vân Phi lẹ như chớp, nhưng vẫn ngồi yên, không hề đứng dậy đối địch. Bốn thiếu nữ áo tím thấy vậy hoảng hốt cùng xông tới, cản bước tiến Bạch Vân Phi tức khắc. Bạch Vân Phi đang lúc quá thương xót sư phụ, nên căm giận vô cùng. Nàng liền ra tay nhanh như chớp, bên tả đánh ra chiêu Di Sơn Đảo Hải, tay hữu phất một chưởng Thần Long Bái Vỹ. Hai luồng chưởng phong công mạnh đến bốn thiếu nữ áo tím như vũ bão. Bốn thiếu nữ áo tím nhảy lui lại, tránh luồng chưởng lực ác độc của đối phương, rồi lẹ làng hợp sức phản công một lượt. Tám cánh tay mềm mại điểm vào các yếu huyệt của Bạch Vân Phi. Phàn Tú Vỹ thấy bốn người hợp sức đánh một người, lòng quá tức giận, hét lên một tiếng tung mình nhảy tới, đưa nắm Thất Bộ Đoạt Hồn Sa ném vào mặt bốn thiếu nữ áo tím. Lão già áo xanh vội la lớn: - Đại nhi! Hãy ngừng tay! Nó là Tiểu Điệp, muội muội của con đó! Nhưng con đấu không lại nó đâu. Bạch Vân Phi thất kinh, đánh luôn ra bốn chiêu, ép lui bốn thiếu nữ áo tím rồi nhảy ra hơn năm sáu bước. Bốn cô áo tím cũng không công tới nữa, chỉ đứng hàng ngang trước một thiếu nữ choàng khăn xanh đang ngồi ôm cây tỳ bà. Tú Vỹ tay nắm Thất Bộ Đoạt Hồn Sa chuẩn bị ném vào bốn thiếu nữ, nhưng khi lão già hét lớn, lại thấy Bạch Vân Phi nhảy lui lại, và đứng im nhìn trân trối. Mọi người không hiểu gì cả. Đang lúc bối rối, thiếu nữ choàng khăn xanh lại đứng dậy, bước đến trước mặt lão già. Bạch Vân Phi muốn nhảy ra cản đường, nhưng sợ sư phụ nàng quở trách, đứng do dự nhìn theo mà không quên đề phòng cử chỉ của thiếu nữ đó. Chỉ trong chớp mắt, thiếu nữ đó đã bước tới bên lão già áo xanh, nàng cúi đầu từ từ bỏ cây đàn xuống đất, nhỏ nhẹ nói: - Lão trượng! Khi mẹ tôi sắp chết có dặn tôi phải tới Quát Thương sơn, Bạch Vân Hiệp tìm lão già áo xanh, dùng Huyền Âm Hao Tâm để giết lão. Chẳng ngờ lúc tôi đến đây gặp lão trượng, đúng là lão già áo xanh mẹ tôi bảo giết, lại được lão trượng đối đãi với tôi quá tốt, đưa nội đan của con Vạn Niên Hỏa Quy cho tôi uống. Vì vậy tôi không thể thực hiện được lời di huấn của mẹ tôi. Ôi! Nếu mẹ tôi được uống nội đan Vạn Niên Hỏa Quy thì đã khỏi chết rồi. Con Vạn Niên Hỏa Quy đó chắc là vật quý trên đời... Lão già áo xanh toàn thân run rẩy, thở dài nói: - Mẹ con nói không sai. Một đời của bà ta, thiệt thòi đau khổ đều do ta gây nên cả. Giờ này, dù con có chặt nát thân ta làm trăm mảnh cũng chưa bù đắp được tội lỗi. Nhưng ta chỉ tiếc mẹ con chết quá sớm, chưa thể giết ta, một kẻ quên ơn phụ nghĩa... Thiếu nữ quá ngạc nhiên, ngắt lời nói: - Sao? Lão trượng biết mẹ tôi sao? Lão già nghe qua như nát cả tim gan, ngẩng mặt nhìn mây ngàn lạnh lẽo che khuất ánh trăng vàng. Lão hồi tưởng dĩ vãng xa xôi, buột miệng than: - Ôi! Thúy Điệp! Chúng ta chỉ gặp nhau qua mấy lần... Nét mặt ngơ ngác của lão già làm cho Bạch Vân Phi không còn hiểu được tâm trạng của sư phụ nàng ra sao nữa. Nhưng nàng chỉ sợ thiếu nữ áo xanh có hành động bất thường diễn biến, nên vội bước đến, xen vào nói: - Sư phụ! Sư phụ biết mẹ của cô gái này, sao sư phụ không chịu nói rõ để... Nàng nói chưa dứt lời, đột nhiên như nhớ lại điều trọng yếu, nên kinh hãi kêu to một tiếng “ồ” rồi im bặt. Lão già và thiếu nữ choàng khăn xanh đều giật mình vì tiếng la của Bạch Vân Phi nên nhìn sững vào mặt nàng. Nét mặt Bạch Vân Phi biến đổi quá khác thường. Đôi mắt lệ rơi lã chã, hàm răng cắn chặt như cố nén lòng đau khổ, bất giác nàng hét lên một tiếng rồi thầm nghĩ: - “Sư phụ đem nội đan Vạn Niên Hỏa Quy cho thiếu nữ này dùng, thì làm cách nào chữa thương cho Mã Quân Vũ?” Lão già ho một tiếng, đứng phắt dậy đưa thẳng hai tay lên, nhẹ bước chung quanh bụi cỏ hai vòng, rồi khoanh chân ngồi lại chỗ cũ. Bạch Vân Phi thấy vậy biết ngay đó là thuật luyện nội công thường ngày của sư phụ, nên nàng kinh sợ thầm lo: “Không lẽ sư phụ bị nội thương? Cứ như nội công tinh diệu và những môn võ học uyên thâm của sư phụ, thì trên thế gian này có người nào hạ nổi?” Thiếu nữ choàng khăn xanh thở dài nói: - Mẹ tôi di mệnh bảo tôi phải hại lão trượng. Nhưng theo tôi xét đoán thì lão trượng là người rất hiền từ. Ôi! Mẹ tôi sao thù oán lão trượng? Tôi nỡ nào tuân theo lời của mẹ tôi mà hại một người hiền từ như thế này! Lão áo xanh mỉm cười nói: - Ngày nay, trên thế gian chỉ có mẹ ngươi và ngươi mới giết ta được. Nhưng mẹ ngươi đã chết rồi. Còn ngươi nếu không tuân theo lịnh của mẹ ngươi hại ta chết, thì dù ta muốn chết cũng không thể tự chết được. Bạch Vân Phi vội cúi xuống, lượm cây tỳ bà đang để dưới đất. Thiếu nữ choàng khăn xanh vẫn điềm nhiên, quay lại nói với với Bạch Vân Phi: - Tốt lắm! Ngươi cứ đập nát cây tỳ bà ấy đi thì may ra ta mới tránh được một tội lỗi hại người hiền trên thế gian này. Lão áo xanh kinh ngạc hỏi: - Sao? Ngươi đổi ý rồi sao? Này, ngươi nhớ rằng làm con không nghe lời cha mẹ là kẻ bất hiếu. Thiếu nữ bỗng khóc òa lên nói: - Nhưng tại sao lão lại đối với tôi tốt như vậy? Nếu tôi hại lão chết thì lòng tôi chắc không thể chịu được nỗi đau đớn. Lão áo xanh liền ngắt lời, nói: - Mẹ của ngươi bị mấy chục năm đau khổ, cố sống trong hận thù để dạy đỗ ngươi cho thành người. Nay ngươi lại phản lời di huấn của mẹ ngươi mà không giết hại ta. Như thế ngươi không sợ trọng lỗi đối với linh hồn mẹ ngươi hay sao? Thiếu nữ run động cả người, vội giật cây đàn tỳ bà trên tay Bạch Vân Phi. Bạch Vân Phi nắm cây đàn tỳ bà, lẹ làng nhảy ra hơn năm sáu bước, nói: - Nếu ngươi thật tình muốn giật lạ, thì ta đập nát cây đàn này tức khắc. Bốn thiếu nữ áo tím hét lên, tung mình nhảy tới tấn công Bạch Vân Phi. Vừa lúc ấy, Phàn Tú Vỹ và Lý Thanh Loan cũng lao mình tới lẹ như tên bắn, cản bốn thiếu nữ lại. Lão áo xanh quát lớn: - Hãy mau ngừng tay lại! Không... Chưa dứt lời, tay hữu lão đã đánh ra một chưởng. Chỉ thấy những luồng gió lạnh rợn người cuồn cuộn ép tới. Thanh Loan, Tú Vỹ và bốn thiếu nữ áo tím, đều bị sức mạnh của chưởng phong đẩy lui lại cả. Bạch Vân Phi hai tay nắm chặt cây đàn tỳ bà, đưa lên cao, dùng hết sức lực đập mạnh xuống một tảng đá. Lão áo xanh tung mình qua trước mặt Bạch Vân Phi. Loáng mắt, lão đã đưa tay đoạt ngay cây tỳ bà, giao lại cho thiếu nữ choàng khăn xanh. Cùng một lúc, lão dùng chưởng lực đánh lui Phàn Tú Vỹ, Lý Thanh Loan và bốn thiếu nữ rồi nhảy tới đoạt cây tỳ bà trong tay Bạch Vân Phi. Như thế đủ biết thân pháp của lão cao diệu đến bực nào rồi. Mọi người đều đứng ngơ ngác nhìn thân pháp kỳ quái của lão áo xanh mà họ chưa bao giờ thấy. Vân Phi kinh hãi, thầm lo: “Nếu để thiếu nữ ấy đàn lên thì ta cũng không đủ nội lực để chống lại tiếng đàn quái ác ấy, đừng nói gì đến Thanh Loan và Tú Vỹ. Nhưng tại sao sư phụ đã nhứt quyết chịu chết dưới tay thiếu nữ ấy? Hay bên trong có gì sầu khổ bí mật mà sư phụ chưa kịp suy nghĩ, đành hủy hoại tánh mạng như vậy? Thôi, ta phải đoạt lại cây đàn tỳ bà này mới yên.” Thiếu nữ choàng khăn xanh vừa chạm tay vào cây tỳ bà thì Bạch Vân Phi cũng lẹ làng nhảy tới đoạt lấy. Lão già áo xanh quắc mắc nhìn Vân Phi, la lớn: - Đại nhi! Con thả tay ra lập tức! Lúc nãy sư phụ nàng đã nhường nội đan của Vạn Niên Hỏa Quy cho thiếu nữ uống. Điều đó đã làm nàng căm tức vô cùng. Bây giờ nàng lại bị sư phụ gắt giọng nữa nên nàng không còn chịu được, cắn răng cương quyết nói: - Sư phụ! Sư phụ cứ đánh chết con đi! Con nhất định không thả cây đàn quái gở này... Lão già áo xanh chau mày nói: - Không lẽ ta không dám đánh ngươi sao? Tay trái lão quét nhẹ ra một thế. Bạch Vân Phi xưa nay vốn được lão nuông chìu, không bao giờ có một lời quở phạt, nên thấy sư phụ ra uy, mà nàng vẫn đứng yên không hề tránh đỡ. Lão già, vì quá thương quý Bạch Vân Phi, nên cố xua đuổi để nàng đi nơi khác để khỏi bị thụ thương do những tiếng đàn tỳ bà. Ngờ đâu ông đã dùng đủ cách mà Bạch Vân Phi cũng không đi, lại còn liều mạng đoạt cây đàn nữa. Cực chẳng đã lão phải dùng uy lực để quở phạt. Tuy vậy, luồng chưởng phong mạnh như chuyển núi lấp sông của lão vừa phát ra thì lão đã giật mình thu lại. Nhưng đã muộn! Chỉ nghe “bịch” một tiếng, bàn tay lão đánh trúng vào mặt Bạch Vân Phi rồi. Đòn ác độc này, nếu Bạch Vân Phi không có nội lực thâm hậu và lão cố sức đánh mạnh ra, chắc thân xác Bạch Vân Phi phải nát tan như cám. Bạch Vân Phi chỉ bị lảo đảo, rồi vẫn đứng yên tranh cây tỳ bà với thiếu nữ choàng khăn xanh. Lão già áo xanh lỡ đánh trúng Bạch Vân Phi, lòng quá hối hận. Nhưng cơn tức giận lại không dằn được, lão thọc tay đánh thẳng xuống đất. Cánh tay lão ghìm sâu hơn nửa thước. Bạch Vân Phi không chịu nổi xót xa đau đớn khóc òa lên nói: - Sư phụ! Nếu sư phụ muốn chết thì ít ra cũng nhìn mặt con mà nói rõ những gì đã... Chưa dứt lời, Vân Phi đã vận sức giật được cây tỳ bà. Thiếu nữ choàng khăn xanh buông tay ngơ ngác nhìn theo cử chỉ Bạch Vân Phi, thầm nghĩ: - “Cây tỳ bà là vật của mẹ ta di lưu lại, nếu để người ta đập bể, thì ta mang tội bất hiếu!” Bỗng thiếu nữ nhỏ nhẹ nói: - Này tỷ, tỷ đừng đập nát cây tỳ bà của mẹ muội! Nó là vật kỷ niệm. Lúc nào buồn khổ, nhớ nhung, muội sẽ đem ra mộ mà đàn cho mẹ muội nghe! Thấy Bạch Vân Phi đã đoạt cây tỳ bà của thiếu nữ, lão già giật mình nhảy vội tới, đưa tay nắm lấy cây đàn, nói: - Đại nhi! Có việc gì con cứ nói, chứ đừng đập cây đàn. Vân Phi thấp giọng nói: - Con không đập cũng được, nhưng sư phụ phải nói câu chuyện liên hệ giữa mẹ cô gái này với sư phụ cho con nghe. Lão già chau mày suy nghĩ một hồi lâu mới nói: - Việc này... việc này phải để ta nghĩ kỹ lại thử! Nghe Bạch Vân Phi nói như vậy, thiếu nữ choàng khăn xanh sực tỉnh, thầm nghĩ: - “Từ khi ta biết học hành, đến lúc mẹ ta chết, chưa thấy lúc nào mẹ ta rời khỏi Bách Hoa cốc một bước nào. Tại sao mẹ kết oán với lão này.” Bỗng thiếu nữ chợt nhớ lại việc xưa, liếc mắt nhìn kỹ Bạch Vân Phi, rồi đưa tay vào túi, lấy ra một cái khăn trắng có nhiều hình vẽ. Trên khăn trắng có thêu hình một đứa bé gái độ ba bốn tuổi, ăn mặc theo kiểu con nhà vua, đứng bên thiếu nữ đẹp tuyệt sắc. Thiếu nữ đẹp mặc áo gấm màu tím, trạc tuổi hai mươi, trước mặt là cung điện nguy nga. Bạch Vân Phi thấy hình đứa bé trên khăn, bỗng “ý” lên một tiếng. Lão già áo xanh nhìn chiếc khăn, hai hàng nước mắt chảy ra như mưa, cả thân đều rung động. Thiếu nữ choàng khăn nhìn Bạch Vân Phi một lát, bỗng kêu lên: - Lang Đại công chúa! Lang Đại công chúa! Vân Phi nghe thiếu nữ gọi tên tộc của nàng, nhưng lại có thêm hai tiếng “Công chúa” làm cho nàng quá ngạc nhiên. Trong lúc đó, lão già áo xanh mặt biến sắc, hai tay chắp lại xá dài trước mặt Vân Phi, nói: - Lão phu tội đáng chết... Mười mấy... mười mấy nay năm lão phu cố tình không nói... Bạch Vân Phi kinh hãi kêu lên: - Sư phụ! Sư phụ! Như thế nghĩa là gì? Sao sư phụ lại có cử chỉ khác thường... Lão già hai tay ôm chặt vào ngực, miệng há hốc nói: - Khoan đã! Khoan đã, để cho lão phu... Miệng lão phun ra một bụm máu tươi. Lão chạy vòng quanh vạt cỏ. Một hồi lâu, lão ngừng lại, khoanh chân ngồi lại chỗ cũ, nói: - Lão phu bị thương nặng lắm. Chắc không còn sống lâu nữa. Thiếu nữ choàng khăn xanh cảm động, bước tới thở hổn hển, nói: - Lão trượng! Lão trượng đang bị thương nặng lắm sao? Lão già áo xanh vẻ mặt trở nên hiền từ, đưa tay vuốt tóc thiếu nữ, như tình âu yếm của người cha đối với đứa con ngoan. Lão cười nói: - Ta bị thương tuy nặng, nhưng chưa chết liền đâu. Ôi! Mười mấy năm nay, ngày đêm ta nghĩ đến một việc, nhưng không biết phải xử sự bằng cách nào... Lão nhìn Mã Quân Vũ đang nằm thiêm thiếp dưới đất, rồi thở dài nói: - Bây giờ ta hiểu rõ lắm. Nhưng trễ quá! Mẹ của con chết cũng không để lại di ngôn nào hay sao? Thiếu nữ nói: - Khi mẹ tôi gần tắt thở, có dạy tôi: “Trên thế gian dễ sợ nhứt không phải là rắn độc hay dã thú, mà là đàn ông. Nếu con thấy người đàn ông nào hiền từ, làm cho con cảm động thì con nên giết hắn lập tức. Vì hắn là một kẻ đáng sợ nhứt của đời con.” Lão áo xanh gật đầu nói: - Đúng lắm! Mẹ của con nói rất đúng! Nếu nàng không mến ta, thì nàng đâu có theo ta chịu khổ cực trong núi cao rạch sâu này trên hai chục năm. Nàng đành hủy bỏ cuộc đời sang trọng, hủy cả thanh danh của gia đình nàng. Cũng vì yêu ta mà nàng bỏ cái ngôi vị hoàng phi, để bị người ta tra khảo tàn nhẫn. Ôi! Ái tình sâu hơn biển cả, mà ta không có cách nào giúp cho nàng sống sung sướng được một ngày. Dĩ vãng đau buồn chan chứa trong lòng ta đã bảy tám năm trời, nhưng suy nghĩ mãi ta cũng không biết phải làm sao để cởi mở. Bây giờ ta thấy thiếu niên bị thương kia, ta mới hiểu thấu đáo nỗi đau khổ của ta và nàng. Tuy ta không đánh nàng một tát tai nào, hay trách lời gì, nhưng ta đã tàn nhẫn để cho nàng phải chịu cảnh cô độc... Như có một cuộn phim quay trong đầu óc làm ông lão rối loạn. Bạch Vân Phi cũng như hiểu được, liền nói: - Sư phụ! Sư phụ nói nàng đó là ai vậy? Lão áo xanh thở dài, than: - Ta nhất định không nói chuyện xưa cho các con nghe. Nhưng sợ sau khi ta chết, thì việc này chôn sâu trong bí mật của thời gian, mà các con sẽ vĩnh viễn không biết được lai lịch của chính mình. Còn ta chết đi cũng không nhắm mắt đưọc. Thiếu nữ choàng khăn xanh hỏi: - Lão trượng đã biết được dĩ vãng của mẹ tôi, thì chắc xưa kia lão trượng đã sống chung với mẹ tôi phải không? Lão già tỏ vẻ thất vọng: - Ôi! Mẹ của con chắc không bao giờ nhắc đến người cha của con? Thiếu nữ gật đầu, nói: - Đúng vậy, có một ngày tôi thắc mắc nghĩ tới cha tôi, nên bắt buộc mẹ tôi giải thích về tông tích của cha tôi... Lão già mừng rỡ hỏi: - Mẹ con có kể lại cho con nghe không? Thiếu nữ lắc đầu, nói: - Tôi mới hỏi đến thì sắc mặt của mẹ tôi đổi khắc, và bảo tôi đừng hỏi đến chuyện đó nữa. Tuy không nói rõ tông tích cha tôi là ai, nhưng mẹ tôi cũng cho tôi biết đại khái cha tôi là một người sâu xa bạc ác. Bởi tôi không có cha nên mẹ tôi nuông chiều gấp bội, không bao giờ trách mắng. Lão già cười ha hả nói: - Rất đúng! Cha của con không phải là người tốt! Lời nói của lão già chứa đầy bí ẩn khác thường khiến Bạch Vân Phi nghi ngờ thầm bảo: “Tại sao sư phụ ta lại biết rõ lai lịch mẹ của thiếu nữ này? Chắc sư phụ có điều gì quan hệ với thiếu nữ này mà chưa nói ra được. Nhưng tại sao thiếu nữ này lại giữ nhiều di vật lạ thường như vậy?” Lão già áo xanh chắp tay, ngửa mặt nhìn muôn sao lấp lánh, miệng lâm râm một hồi lâu, rồi quay lại nhìn Bạch Vân Phi nói: - Xin Công chúa tha cho lão nô đã nghịch phạm thì lão mới dám nói. Vân Phi vội ngắt lời: - Sư phụ có việc chi cứ nói cho con rõ. Sư phụ đừng đối xử với con như vậy mà lòng con không yên. Lão già áo xanh nói: - Sau khi Tiên Hoàng băng hà, trong cung gặp nhiều buồn khổ. Lão phu và Thúy Điệp lén đưa Công chúa lên ẩn nơi thâm cốc này. Vì vậy sau khi lập Hưng Hiến Vương thế tử nối ngôi, mà trong triều không ai hiểu giòng máu của Hoàng thượng đã lưu lạc nơi nào. Bạch Vân Phi nhìn Mã Quân Vũ đang nằm thiêm thiếp trên vạt cỏ, bỗng quay lại nói: - Trong cung điện có gì đáng lo đâu. Sư phụ cũng đừng nhắc đến làm chi nữa. Lão gật đầu, nói: - Ôi! Công chúa là giòng máu của Hoàng thượng thì cung điện là của Công chúa. Nhưng nay Công chúa không muốn nhắc đến lai lịch thân thế của Công chúa, chắc là Công chúa không muốn hủy bỏ mối tình sư đồ giữa lão phu và Công chúa chứ gì? Ôi! Việc này đúng hay sai, đến giờ này lão cũng chưa rõ được... Bạch Vân Phi gật đầu, nói: - Sư phụ! Con không muốn sư phụ làm mất mối tình sư đồ thiêng liêng này. Mấy mươi năm nay sư phụ không nhắc đến chuyện đó rất phải. Lão già áo xanh nói: - Lúc còn nhỏ lão thích nghề võ lắm, nên đã chạy khắp nơi tìm các danh sư để học tập. Sau khi thành nghề, lão đi hành hiệp ở kinh đô, gặp vị sư huynh đồng môn giới thiệu làm quan thị vệ ở triều đình. Ba năm sau lão được thăng chức quan cận vệ, hầu hạ bên Minh Hiếu Tôn. Nói đến đấy, lão quay sang thiếu nữ choàng khăn, thở dài nói: - Cũng vào năm đó, ta quen với mẹ của Tiểu Điệp. Lúc đó, nàng chỉ là một thiếu nữ mười lăm mười sáu tuổi, mới được tuyển vào cung. Thiếu nữ choàng khăn xanh giật mình “ồ” một tiếng, nói: - Lão trượng! Ông biết mẹ tôi? Vậy ông có phải... Lão gật đầu cười nói: - Phải! Ta là cha ruột của con! Vì mẹ con giận ta, nên không muốn nói cho con rõ. Ôi! Việc này cũng không đáng trách... Làn gió lạnh buốt thoảng qua, làm xào xạc cảnh núi rừng tịch mịch của đêm khuya. Dưới ánh trăng vàng nhạt, nhấp nháy hai hàng nước mắt của lão già áo xanh đang chảy ròng ròng. Bạch Vân Phi thò tay vào túi, lấy ra một chiếc khăn trao cho lão và than: - Sư phụ! Sư phụ chớ buồn khổ về dĩ vãng mà tổn thương. Nếu sư phụ có bề nào, con phải chịu cảnh đau khổ suốt đời. Lão già áo xanh cầm chiếc khăn, lau nước mắt, rồi thầm quay lại cuốn phim dĩ vãng cho Bạch Vân Phi và Tiểu Điệp nghe. Chính lão áo xanh đó tên là Lam Hải Bình, làm quan cận vệ bên vua Minh Hiếu Tôn. Vì Lam Hải Bình võ công rất cao, được Minh Hiếu Tôn tín nhiệm cho ra vào trong cung điện tự do. Minh Hiếu Tôn thấy Hải Bình cực nhọc đêm ngày hầu hạ, nên thương tình tuyển cho một cung nữ tuyệt đẹp, tên là Thuý Điệp. Đâu ngờ Lam Hải Bình chỉ say mê về võ nghiệp, không muốn thành gia thất. Tuy Thuý Điệp là một thiếu nữ duyên dáng tuyệt thế, nhưng không làm lay chuyển được lòng sắt đá của Hải Bình. Hai người ở bên nhau ở một năm, mà Lam Hải Bình tuyệt nhiên chưa tỏ một lời tình cảm nào đối với Thuý Điệp. Mặc dầu vậy, Thuý Điệp lại hết lòng yêu mến Lam Hải Bình. Có một đêm, Lam Hải Bình bắt được tên cướp lẻn vào cung, soát trong mình tên cướp đó có một tấm Tạng Chánh đồ chỉ nơi để bộ vũ thư Quy Nguyên mật tập. Trước kia, Lam Hải Bình đã nghe đồn Quy Nguyên mật tập có ghi nhiều môn võ học tuyệt kỹ mà Hải Bình đã từng mơ ước. Bấy giờ ông đoạt được tấm Tạng Chánh đồ nên không không còn luyến tiếc gì với triều đình nữa, liền trốn đi trong đêm đó, không cho một ai biết. Quan cận vệ của Hoàng đế, thình lình mất tích, làm cho tất cả triều thần hoang mang vô cùng. Hoàng đế Minh Hiếu Tôn thương nhớ, hạ lệnh cho các quan phải đi tìm kiếm khắp nơi, để đưa Lam Hải Bình về. Nhưng, qua một năm, tất cả các tay cao thủ ở kinh đô họp với quân lính trong Hình Bộ đi lùng khắp chốn mà vẫn tuyệt nhiên không biết được tông tích của Lam Hải Bình. Thời gian thấm thoát như mây trôi. Một năm, rồi hai năm... Sự tình dần dần phai nhạt, không còn ai để ý đến nữa. Lam Hải Bình tuy võ công cao cường nhưng ít tung hoành trên giang hồ, vì vậy hiểu biết về địa thế rất kém. Hải Bình có Tạng Chánh đồ mà đi hơn nửa năm mới tới núi Quát Thương. Tại núi Quát Thương, ông ta cũng bị bối rối với ba đồi suối đó. Mất mấy ngày tìm kiếm, ông vẫn chưa tìm được nơi nào cất bảo vật. Tuy gặp nhiều khó khăn hiểm trở, nhưng Lam Hải Bình vẫn một lòng kiên trì. Lão thấy thời gian lặn lội trong núi rừng còn lâu, nên phải trở ra ngoài mua thật nhiều lương khô dự trữ, rồi mới trở lại dọ dẫm ba đồi suối mà đi lần vào. Lão nhọc tâm tìm kiếm, len lỏi qua các hang cùng ngỏ hẻm trong ba đồi suối ở Quát Thương sơn đến hơn nửa tháng trời. Tìm mãi chưa gặp được nơi cất Quy Nguyên mật tập, nhưng lão gặp được một nơi phong cảnh tuyệt đẹp. Đó là Bạch Vân Hiệp. Bạch Vân Hiệp này trước kia là nơi ẩn cư của Thiên Cơ chân nhân. Cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ, lại được bàn tay kiến trúc của bậc tiền bối trước đây tạo thành một nơi thắng cảnh chưa nơi nào sánh bằng.