Dịch Thuật: Lão Sơn Nhân
Hồi 1
Trung Nguyên Tứ Quân Tử

Mặt trời từ từ chìm sau dãy núi phía tây, khắp trời mây ráng ửng đỏ, cảnh sắc đó thực là ngoạn mục.
Một thiếu niên anh tuấn, vận áo dài màu lam, đương bồi hồi đi lại trên bãi cỏ rộng. Có lúc chàng chợt cất đầu nhìn lên đầu ngọn núi cao, thần sắc có vẻ lo lắng.
Cảnh mặt trời lặn đẹp vô cùng, gần hoàng hôn cảnh sắc càng ngoạn mục, nhưng chỉ chốc lát, áng mây đỏ tía biến dần thành bóng tối bao trùm muôn vật.
Dưới một gốc bách cổ kính, hai thiếu niên áo xanh đương chăm chú vào nước cờ. Một thiếu niên, trên vai gài đôi Phán quan bút, ăn vận áo chẽn, ngồi bên lặng lẽ theo dõi từng nước.
Hoàng hôn tắt hẳn bóng. Trời tối sập hẳn.
Thiếu niên áo chẽn, vai gài Phán quan bút, bỗng thở dài:
- Trời tối rồi! Còn thấy gì nữa mà cứ...
Thiếu niên áo xanh ngồi quay mặt về hướng bắc cười ha hả:
- Liễu huynh à! Hết lối gỡ. Xe đệ lấp mất tượng. Pháo đập vào... hà hà...
Thiếu niên áo màu lam đương thơ thẩn đi lại trên bãi cỏ chợt quay lại, rảo bước tới bên, cất tiếng nói:
- Hai tay cùng cao hứng, chơi từ sớm tới giờ mà vẫn chưa hả... Nghỉ tay đi thôi!
Thiếu niên họ Liễu mỉm cười:
- Bạch huynh chớ giục! Mau gỡ cho đệ một nước.
Thiếu niên áo lam cười:
- Đệ bữa nay không có hứng thú! À! Ra xe hai nước giữ mã!
Cả bốn người đều có nhãn lực khác thường. Trời tối như vậy họ vẫn trông rõ từng tý!
Thiếu niên áo chẽn, tay mặt nắm chặt đập lên lòng bàn tay trái, gật đầu nói:
- Cao thật! Vừa giữ mã, vừa uy hiếp pháo!
Thiếu niên ngồi quay mặt về hướng bắc, tay mặt bóp trán, cau mày lại nghĩ. Nước cờ ấy khiến chàng đương thắng hóa bại.
Thiếu niên áo dài lam, lắc đầu:
- Thế cờ này còn lâu mới tàn cuộc được.
Thiếu niên áo chẽn ngẩng đầu nhìn trời:
- Trời tối lắm rồi! Mấy vị lão gia còn làm gì chưa về?
Thiếu niên họ Liễu sẽ đưa tay xoá bàn cờ, nói:
- Ván này đệ nhận thua! Không gỡ được!
Thiếu niên ngồi quay mặt phía bắc, nghiêng đầu nhìn thiếu niên áo dài lam, mà rằng:
- Bạch huynh nóng ruột làm gì? Võ nghệ của gia sư với mấy vị lão tiền bối, vả lại danh vọng của các vị trong làng võ, thiết tưởng chẳng có gì đáng ngại...
Một tiếng cú đêm kêu lên, tiếng vang dội lại, càng thêm ghê rợn.
Thiếu niên áo chẽn thở dài một tiếng:
- A! Đệ nhớ tới một việc! Mai là ngày sinh nhật sư muội của tại hạ. Chồng chưa cưới của nàng từ tận Tĩnh Xuyên đem đồ mừng tới. Gia sư dưới gối chỉ được một mình nàng, cưng như hạt châu trên tay, quyết không để lỡ việc sửa soạn bữa mai. Vậy mà tới giờ còn chưa về! Lạ thật!
Thiếu niên áo xanh ngồi quay mặt phía bắc, hình như bực tức điều gì, đưa mắt nhìn thiếu niên áo chẽn, cười nhạt mà rằng:
- Lệnh sư muội chê chỗ gần, kén chỗ xa... Tỳ bà thuyền ai.
Thiếu niên áo chẽn vội ngắt lời:
- Tống huynh! Xin tự trọng! Việc ấy không thể nói giỡn đùa đâu!
Thiếu niên họ Liễu chép miệng nói:
- Năm trước, tại hạ tới bái phỏng Diệp sư bá, nhân được chiêm ngưỡng ngọc dung của lệnh sư muội. Thực là hoa hờn nguyệt thẹn, đẹp tuyệt nhân hoàn... Chà!
Thiếu niên họ Tống, vốn tính tự nhiên thoát lạc, mỉm cười hỏi:
- Sao? Liễu huynh có vẻ khó quên đi được... hà hà...!
Chàng cười một trận, quay lại nhìn thiếu niên họ Bạch:
- Bạch huynh à! Bọn bốn người chúng ta đây, đã có hai người là kẻ... đau lòng...!
Thiếu niên áo chẽn cau mày, lườm:
- Tống huynh! Ăn nói phải có đức độ một chút! Nếu như đến tai gia sư thì phiền lắm đó!
Thiếu niên họ Tống cười ha hả:
- Diệp sư thúc vốn tánh hào phóng, sai thoát khác tục. Dù có đến tai người, chắc chắn cũng chẳng quở trách đệ.
Thiếu niên họ Liễu lặng ngặt một lúc, cất tiếng:
- Chắc hẳn vị hôn phu của lệnh sư muội phải là một nhân vật có danh tiếng lớn lắm!
Thiếu niên áo sắc lam đột nhiên nói gạt đi:
- Chúng ta ruột gan nào mà cứ lai nhai câu chuyện phiếm ấy! Việc cần kíp trước nhất là việc...
Thiếu niên họ Tống vụt đứng thẳng lên, nói:
- Bạch huynh, có gan hãy lên núi coi xem sự thể... Đệ tình nguyện chịu các vị tiền bối quở phạt.
Thiếu niên áo lam ngẩn mặt ra. Một lúc mới nói:
- Lệnh của gia sư nghiêm hệ vô cùng. Chưa được lệnh, sao dám...
Thiếu niên họ Vạn cười nhạt mà rằng:
- Bạch huynh đã không dám lên núi coi... vậy thì sốt ruột cũng vô ích...!
Thiếu niên áo lam nói:
- Đệ cảm thấy như có điều gì chẳng lành...!
Thiếu niên họ Tống cười hềnh hệch:
- Bạch huynh quá lo xa! Đừng nói là bốn vị lão nhân gia cùng họp ở một nơi! Giả như độc một mình thôi, thử hỏi trong làng võ đương kim, còn kẻ nào dám tới vuốt râu cọp...?
Thiếu niên áo lam sẽ thở dài, yên lặng!
Thiếu niên họ Liễu chợt giơ tay vẫy, hỏi:
- Nghe! Tiếng chi vậy?
Bốn người cùng lặng yên, vểnh tai lên. Quả nhiên có tiếng bì bạch bì bạch từ xa đưa lại.
Thiếu niên áo chẽn cau mày:
- Tiếng vó ngựa trên đường núi?
Thiếu niên áo lam lắc đầu:
- Không đúng...! Không phải..!
Họ Tống nối lời:
- Hoang sơn cùng cốc này, xa đường cái quan, đêm khuya làm gì có tiếng vó ngựa?
Tiếng “bì bạch” mỗi lúc một rõ, chốc lát chỉ còn cách vài trượng.
Thiếu niên áo chẽn có vẻ sốt ruột, nghiêng mình bước ra định xông lại coi, nhưng bị chàng họ Liễu nắm áo giữ lại!
Thiếu niên áo dài sắc lam, vận dụng hết sức mắt ra nhìn chỉ thấy như một đoàn bóng đen từ từ di động trong đêm tối mờ mịt.
Gió thổi ào đi, cành lá cây cỏ như múa lên, chỗ nào cũng có bóng đen lay động với tiếng sột soạt. Chàng vốn tính cẩn thận, chưa nhận rõ ra vật gì nên cứ yên lặng chờ!
Thiếu niên họ Tống hình như nhận ra cái hình bóng đen di động từ từ. Chàng cúi xuống lượm một cục đá.
Tính chàng ngổ ngáo, nhưng trước mặt ba người kia chàng cũng không dám làm liều hấp tấp, vì sợ họ chê cười, bèn cũng chú ý ngầm ngầm chuẩn bị.
“Bì bạch” “lộp độp” tiếng đó lại gần hẳn, mọi người nhìn rõ sự vật!
Một người ăn vận toàn sắc đen, nách chống nạng, men theo con đường nhỏ đi lên. Tiếng “bì bạch” là do chiếc nạng chống xuống đá, phát ra.
Bốn người cùng cảm thấy rằng sự xuất hiện của người chống nạng trên đường núi, đêm tối, có vẻ thần bí, khủng bố...!
Bất luận là ai trong bốn người, giả như một mình mà gặp sự kiện như thế, nhất định là nhảy tới chặn giữ người kia lại, hỏi cho rõ lai lịch. Nay bốn người đứng cả một chỗ, tự nhiên là chẳng ai bảo ai – không nhúch nhích – tám con mắt đều chú vào nhìn người kia, không ai nói năng gì.
Nguyên vì cả bốn người đều là học trò các bậc võ lâm cao thủ, họ giữ phong độ đứng đắn, nhất là trầm tĩnh. Trước sự xuất hiện đột ngột kỳ lạ của người chống nạng, ai cũng giữ tiếng, không nhảy ra tra hỏi làm gì.
Người chống nạng hình như cũng không trông thấy bốn chàng thiếu niên, nên cứ việc “bì bộp” từ từ tiến đi, cũng chẳng ngó nhìn xung quang làm gi. Một lúc tiếng “bì bộp” xa dần, biến thành tiếng “bạch... bạch...” rồi chìm mất vào trong yên lặng.
Thiếu niên có đôi Phán quan bút, chợt thở dài một tiếng:
- Tên thọt cẳng sao đi lẹ vậy...?
Chàng nói với giọng đầy ngờ vực. thiếu nữ áo dài lam cũng nói:
- Liễu huynh nói đúng lắm! Đệ nghe tiếng chiếc nạng chạm xuống đá... có vẻ là nạng bằng thép vậy...?
Thiếu niên họ Tống đưa mắt cho ba người, rồi nói:
-Chư huynh đã nhận ra người kia là tay võ công, với chiếc nạng bằng thép! Tại sao không lên tiếng hỏi và chặn ngay người ta lại?
Thiếu niên áo chẽn, nghiêm nét mặt nói:
- Chẳng lẽ Tống huynh cũng không nhận ra người thọt kia, với cử động từ từ, kỳ thực vẫn có vẻ như vội vã...?
Thiếu niên họ Liễu cũng thêm vào:
- Có thật Tống huynh không nhận ra chiếc gậy nạng của hắn ta bằng thép?
Thiếu niên họ Tống thở dài:
- Cả bốn chúng ta đều cảm thấy sự xuất hiện của người thọt có vẻ quái dị, đều biết chiếc gậy chống của hắn bằng thép, đều cảm giác hắn chẳng phải tay tầm thường – vậy mà cứ đứng ngẩn ra ở đây. Hắn đi xa rồi, còn nói với đuôi làm gì?
Vừa nói tới đây, chợt văng vẳng có tiếng hổn hển, phì phò...
Tiếng đó, có vẻ như trong tình trạng cực nguy cấp, thở hắt ra, đứt nối giữa sự yên tĩnh của rừng núi đêm khuya, thực là thê lương, hãi hùng.
Bốn người đột nhiên trầm lặng trở lại. Do kinh nghiệm vừa qua, mọi người đều ngấm ngầm chuẩn bị, cùng hết sức lắng tai nghe ngóng.
Tiếng thở nặng và gấp, cùng với tiếng chân bước trầm trọng từ xa lại gần.
Rõ ràng là có một vật gì to lớn đương đi tới.
Cách gốc cây bách chỗ bốn người đứng độ một trượng có một con đường tắt, nhỏ hẹp. Không rõ con đường này bắt đầu từ đâu và đi tới đâu. Một cái bóng đen, lớn, đương lù lù tiến lại. Dưới ánh trăng yếu ớt, mọi người nhận ra đó là một con trâu nước.
Trên mình trâu, một đứa con gái nhỏ, tóc bện thành đôi bím buông xuống vai, ngồi ngược chiều, quay mặt về phía đuôi trâu.
Đêm tối mơ hồ, càng không nhận rõ được mặt mũi, đại để chỉ đoán ra rằng đứa con gái cỡ mười ba, mười bốn tuổi.
Lần này, mọi người lại càng kinh ngạc hơn, cũng cảm thấy máu trong người chạy như cuồng, trái tim đập liên hồi.
Thiếu niên áo chẽn họ Vạn vốn tính cấp táp, không thể trấn tĩnh được, bất giác “hừ” một tiếng, đột nhiên rộng bước tiến ra, ngăn lối đi của thiếu nữ.
Chàng nhảy ra, thì cả ba chàng kia hầu như đồng thời cùng vọt theo thành một hành, chặn ngang lối.
Thiếu nữ quay phắt lại. Lúc đó hai bên chỉ cách nhau độ vài thước, sức mắt của bốn người lại sáng tỏ khác thường, nên nhận rõ hình dáng, diện mạo đối phương.
Đôi mắt nàng lớn, tròn thao láo dưới bộ lông mày cao, hơi xếch lên chân mái tóc. Hai bên mái tóc là hai chiếc bím, kết thành cánh bướm có đuôi buông xuống. Đêm tối, tuy không rõ màu da, sắc mặt, nhưng cứ hình dáng cũng ước đoán là một cô bé xinh xắn.
Ngồi trên lưng trâu, hai chân huy động cùng một lúc, nàng đã xoay ngược, ngồi ngay ngắn lại, dáng bộ rất trầm ổn, sẽ sẽ vỗ tay lên sừng trâu một cái. Con trâu ngừng ngay lại. Nàng đưa mắt nhìn mọi người ra vẻ ngạc nhiên, không nói năng gì hết.
Thiếu niên họ Vạn cười nhạt hỏi:
- Con bé con này! Đêm khuya còn cưỡi trâu đi đâu? Không biết sợ hay sao?
Đứa con gái lắc đầu lia lịa, đưa ngón tay bên mặt lên chỉ chỏ vào miệng!
Thiếu niên họ Vạn “a” một tiếng:
- Sao? Té ra câm à?
Con bé nhoẻn miệng cười, phô ra đôi hàm răng trắng nõn, vừa nhỏ vừa đều.
Vẻ mặt con bé tự nhiên, thơ ngây, chẳng ai hiểu là nó có nghe hiểu hay không.
Thiếu niên họ Vạn quay lại nhìn chàng họ Tống, sẽ gọi:
- Tống huynh!
Họ Tống cười tủm tỉm hỏi:
- Gì vậy?
Họ Vạn sẽ nói:
- Con bé này, lai lịch có vẻ khả nghi? Nó từ đâu tới?
Thiếu niên áo lam đưa mắt nhìn xa xa, lạnh lùng nói:
- Hình như nó từ phía núi cao kia tới?
Họ Liễu cũng nói tiếp vào:
- Đường núi chật hẹp, đi chân cũng khó. Nay cưỡi trâu mà đi thông suốt cả dãy núi kỳ khu hiểm trở thế kia...!
Họ Vạn nói:
- Chính vì thế mà đệ có điểm lấy làm ngờ!
Thiếu niên họ Tống cười nhạt, tay mặt lanh như chớp đưa ra chộp, miệng quát lên:
- Ranh con! Dám vờ vịt giở trò bịp bợm với ta.
Bất thần bị họ Tống đưa tay ra chộp, con bé ra vẻ kinh hãi vội ưỡn người về phía sau định tránh.
Nhưng trên lưng trâu chật hẹp, tránh sao thoát, cổ tay nó đã bị họ Tống chộp trúng, tê dại hẳn đi. Họ Tống xách cao nó lên khỏi mình trâu, bất thần buông xuống “huỵch” một tiếng, cát đá bay mù lên.
Bản tâm họ Tống nghĩ rằng khó lòng mà chộp bắt ngay được con bé. Không ngờ vừa ra tay đã tóm được cổ tay nó một cách dễ dàng. Chàng hơi giật mình, thuận tay buông ra, cũng chẳng ngờ rằng nó không gượng nổi, té lộn ngay xuống.
Một lúc sau con bé mới lóp ngóp bò dậy được. Trán nó bị sướt da, máu chảy đỏ lòm. Nhưng hình như nó gan lỳ, không thấy rên la, không thấy nước mắt.
Thiếu niên họ Liễu chợt thở dài:
- Chắc con bé chẳng biết chút võ nghệ nào.
Thiếu niên áo lam, lấy ở bọc một chiếc bình ngọc đưa ra và nói to lên vì sợ nó điếc:
- Thuốc trong bình này chữa thương tích như thần! Cầm lấy, dùng một viên, bóp nhỏ ra, rắc lên vết thương một lần là khỏi.
Con bé cầm lấy chiếc bình, cố sức leo lên lưng trâu, vỗ lên đầu nó một cái. Con trâu thở phì phò từ từ tiến bước.
Tám con mắt cùng nhìn theo. Người và trâu dần dần biến vào trong tối.
Thiếu niên họ Vạn thở dài, nói:
- Con bé! Thực là tai bay vạ gió! Ngã một cái khá đau.
Trong bốn người, chàng là kẻ thô bạo nhất, nhưng cũng là kẻ từ thiện nhất!
Chàng áo lam nói:
- Đệ quyết chẳng tin! Con bé đã từ dãy núi hiểm trở cao vót kia lại, thì dù nó biết võ hay chẳng biết võ, mà hành tung của nó cũng đáng ngờ lắm!
Chàng họ Tống bỗng quát to lên:
- Con ranh con lắm quỷ kế thiệt! Chúng ta lại bị nó bịp rồi!
Họ Liễu ngạc nhiên, hất hàm:
- Nó bịp cái gì chứ?
Họ Tống dậm chân:
- Con oe con ấy... (chàng bỗng im bặt...)
Họ Vạn cười hỏi:
- Con oe ấy sao chứ?
Họ Tống chép miệng:
- Nó... nó lừa chúng ta...
Họ Liễu cũng hỏi:
- Thì nó lừa cái gì chứ?
Họ Tống lại dậm chân:
- Nó khéo che mắt chúng ta. Và lừa... lừa lấy mất của Bạch huynh cả bình thuốc quý.
Họ Vạn nói:
- Bạch huynh tự ý cho nó, để nó rịt vết thương. Sao gọi là nó lừa được. Còn như nói rằng nó che mắt Tống huynh, điều đó cũng khiến ta không hiểu.
Họ Tống lắc đầu, cười nhạt:
- Anh em nghĩ lại coi! Thoạt tiên thấy nó, phải chăng anh em đều có cảm giác rằng nó chẳng phải hạng thường?
Họ Liễu gật đầu:
- Đại để ai cũng cảm thấy như thế?
Họ Tống cười nhạt, nói:
- Liễu huynh chớ ngắt lời nói ngang, cứ để đệ nói nghe xem! (Họ Tống đằng hắng một tiếng, tựa hồ nhắc mọi người chú ý nghe rồi nói tiếp:) Vừa rồi đệ ra một đòn khá nặng. Đừng nói là con ranh mới trên mười tuổi – ngay đến hạng trai tráng khoẻ như trâu, cũng không đương nổi, tất nhiên phải ngất lịm đi. Vậy mà con nhãi ấy tự động trở dậy được, lại leo được lên mình trâu?
Chàng áo lam đột nhiên ngắt ngang lời:
- Hàng năm, cuộc họp của bốn vị tiền bối chưa từng bao giờ quá canh một. Nay canh một qua rồi vẫn chưa về. Đệ muốn lên núi coi xem. Anh em nghĩ sao?
Thiếu niên họ Liễu gật đầu:
- Đệ cũng có ý ấy!
Họ Vạn nói:
- Đệ xin theo!
Họ Tống chậm rãi nói:
- Nếu như Bạch huynh không sợ bị trách phạt, thì đệ cũng xin theo.
Họ Bạch, chàng áo lam nói:
- Dù bị gia sư trách phạt nặng nề, cũng còn hơn là cứ đứng đây mà sốt ruột lo ngại!
Dứt lời, chàng quăng chân chạy đi trước.
Họ Tống, họ Vạn, họ Liễu cùng thi triển khinh công vọt theo.
Bốn cái bóng người bay nhảy trong bóng đêm, theo con đường ngoằn ngoèo ruột dê leo lên vách núi chênh chênh.
Họ đều ra sức thi triển thân pháp, không ai nhường ai đi trước. Mỗi người đều tự phụ ở công phu của mình.
Lên đến đầu ngọn núi cao hàng trăm trượng, người nào người nấy đều mồ hôi đầm đìa. Họ Tống với họ Bạch cùng lên tới đỉnh ngọn đầu tiên, chính ra họ Tống chạy sau, vậy mà lại cùng tới với họ Bạch, đủ thấy khinh công của chàng nhất bọn.
Họ Vạn với họ Liễu tụt lại sau vài ba bước. Bốn người bắt đầu chậm bước, thần sắc đều có vẻ nghiêm trọng, nghe nhìn.
Chỏm núi bất quá rộng chừng trên dưới mười trượng, bốn bề toàn là đá mọc lởm chởm đủ các hình dạng kỳ lạ, vây quanh lại nhưng một bức tường thiên nhiên.
Trong vùng quái thạch gồ ghề có một toà đá lớn vụt nhô lên. Bốn người đều dồn mắt nhìn lên phía trên toà đá ấy.
Dưới ánh sao mờ tỏ ẩn hiện có thể trông thấy xung quanh toà đá lớn ấy có bốn người vận áo bào chia ngồi ở bốn góc. Với sức mắt tuyệt luân của bốn người có thể nhìn rõ ràng sự vật ban đêm. Họ để ý coi không có gì kỳ lạ xảy nên cũng được yên dạ, không sốt ruột như trước nữa.
Chàng họ Tống dừng chân trước tiên, giơ tay chỏ, sẽ nói:
- Gia sư cùng ba vị sư bá, sư thúc hình như đương vận hành nội công. Chúng ta chớ ồn ào, càng không nên leo lên đó. Cứ ở đây canh chừng cho các vị luyện xong công phu.
Họ Vạn cùng họ Liễu cùng gật đầu, thì thầm:
- Tống huynh nói phải lắm!
Duy có họ Bạch, chỉ sẽ cau mày, lặng thinh.
Một trận gió lùa tới, thổi tung bốn bộ râu dài cùng áo bào rộng của bốn ông già lên. Trận gió qua rồi, đâu đấy lại yên lặng dưới ánh sáng thê lương, mờ mờ.
Chàng áo lam họ bỗng thở dài, lẩm nhẩm nói:
- Bốn vị lão nhân gia, nội công vào hạng tinh thâm bậc nhất, có thể lấy tai thay mắt, dùng tay thay cho tai. Tại sao chúng ta leo lên tới đây rồi mà các vị hình như không hay biết?
Họ Vạn gật đầu:
- Bạch huynh nói phải lắm! Gia sư bình sinh rất cưng sư muội, vô luận là có việc gì cần gấp không khi nào không lo về sớm để liệu lý công việc của sư muội ngày mai.
Họ Tống len vào giữa hai người nói góp:
- Trung Nguyên Tứ Quân Tử, sau mỗi lần tụ họp như thế này, thể nào cũng sáng tạo vài đòn lạ cho ra đời. Ba sư huynh đều là người từng được thấy qua hẳn cũng biết là đệ nói đúng... (ngừng một chút, cố ý nói to hơn) Hoặc giả bốn vị lão nhân gia, mới tìm ra được phương pháp nội công gì lạ, lúc này đương tụ tập cả tinh thần để thể nghiệm chăng?
Chàng như cảm thấy có điều gì chẳng lành, cố ý nói to lên làm kinh động bốn ông già đương ngồi trên toà bàn thạch.
Tám con mắt cùng với nhìn lên cao, chỉ mong các vị trên đó hoặc lắc đầu, hoặc vẫy tay ra hiệu là họ hết nghi hoặc.
Nhưng bốn ông già vẫn ngồi yên như cũ, không chút động cựa.
Chàng họ Bạch hình như sốt ruột, không phép nào tự kìm chế lại nữa, sẽ “hừ” một tiếng, gấp bước chạy vọt lên. Phía sau chàng tiếng áo quạt gió phạch phạch 3 người kia cũng vội theo lên. Họ cùng ngừng bước trố mắt ra nhìn. Bốn ông già ngồi xếp bằng tròn, đôi mắt hơi nhắm, tựa hồ như đương vận hành khí huyết, điều hoà hơi thở... Trên bàn đá, rượu với đồ nhắm còn thừa, bừa bãi ra đó.
Bốn chàng thiếu niên đưa mắt cho nhau, cùng quỳ xuống rập đầu lạy, miệng: “Thưa sư phụ!”
Theo lệ, Trung Nguyên Tứ Quân Tử mỗi năm có một cuộc tụ họp, đó là một thịnh sự rất lớn trong võ lâm. Bởi vì sau mỗi lần tụ hội như vậy, tất nhiên bốn người lại sáng nghĩ ra được một vài ngọn quyền cước, binh khí hoặc chưởng pháp, nội công tân kỳ. Có điều rằng cuộc tụ hội của bốn vị Quân tử này đầy vẻ thần bí, nghiêm túc, chẳng những không cho ai tham gia, cả đến tụi học trò cũng không được đi theo.
Để giữ cho cuộc tụ họp cho thực bí mật, kín đáo, mỗi lần họ tụ hội ở một nơi, có khi ở dưới thuyền, có khi trong rừng thẳm, và lần này trên tuốt đỉnh núi.
Cũng chẳng ai rõ vì sao họ lựa chọn ngày này tháng này, chỉ biết rằng mười năm như một, chưa năm nào gián đoạn.
Nhân đó, trên chốn giang hồ đồn đại ra nhiều giả thuyết. Có tin đồn rằng Tứ Quân Tử mượn tiếng là tụ họp để nghiên cứu võ công, thực ra để mưu toan việc gì bí mật. Có thể là theo tình hình làng võ hiện tại, các vị tụ họp là cốt để sáng lập ra một phái chủ yếu ngoài các Đại môn phái hiện hữu.
Người thì đoán rằng họ tiến hành một âm mưu oanh động giang hồ.
Lại cũng có tin loan truyền Tứ Quân Tử ngấm ngầm lãnh đạo các tay lục lâm đại đạo cả vùng Đại giang Nam Bắc và mỗi lần tụ họp mục đích là hoạch định mọi hành động cho bọn lục lâm phải theo trong mỗi năm.
Kỳ thực thì chỉ là lời đồn đại! Ngay đến bọn đệ tử thân cận cũng chẳng hiểu biết gì hết.
Lần này là lần họp thứ mười của Tứ Quân Tử, nơi họp là Bách Trượng Phong trên dãy núi chỗ tiếp giáp của hai tỉnh Triết Giang và An Huy tức là tỉnh Hoãn xưa.
Lại nói chuyện bốn thanh niên họ Tống, Vạn, Bạch, và Liễu tự biết rằng đã phạm vào cấm lệ của sư phụ sau khi leo lên Bách Trượng Phong, nên cùng quỳ cả xuống, miệng kêu “sư phụ” xin chịu quở phạt, trong bụng tin chắc rằng có thể nào sư phụ cũng nổi giận sấm sét và hình phạt hẳn là khốc liệt. Họ quỳ xuống rồi, một lúc sau không thấy động tĩnh bèn ngước mắt nhìn.
Bốn vị lão nhân vẫn ngồi yên như bốn toà bụt mộc, chỉ thấy râu tóc với áo bào lay động trước gió. Mỗi vị sư phụ đều có một mảnh lụa trắng đeo ở trước ngực.
Mảnh lụa trắng cột chặt trên hàng cúc áo nên dù gió to vẫn không chút lay động.
Dưới ánh sao mờ, phảng phất như có hàng chữ viết trên mảnh lụa. Thiếu niên họ Bạch thò tay vào túi lấy ra “ống mồi lửa” giơ lên phất tay một cái. Ánh lửa bừng lên, nhìn vào mảnh lụa thấy hàng chữ rằng:
“Truyền cho đồ đệ là Thiết Sinh: Cái tin thầy đã chết, tạm thời không được loan truyền trong làng võ lâm. Nhân đêm tối, đem xác thầy trở về quê, đình quan tài, đặt ở nơi thư xá sau vườn. Đợi ba tháng sau hãy phát tang.
Chu Thiên Thượng tuyệt bút.”
Nét chữ sương kính đúng là thủ bút của sư phụ.
Mỗi hàng chữ khác nào một nhát gươm đâm vào ruột gan Bạch Thiết Sinh, chàng cất tiếng khóc rống lên.
Một người khóc, ba người kia khóc theo, trong khoảnh khắc, trên đỉnh núi cao, giữa cảnh hoang lương, vang dội lên chỉ có tiếng gào khóc.
Trong bọn, có họ Tống là người sai thoát hiểu việc hơn cả. Khóc một trận rồi, chàng chợt gạt nước mắt, gọi to lên:
- Xin các bạn chớ khóc nữa! Lúc này phải lo sửa soạn mọi việc thì hơn!
Bạch Thiết Sinh tuy ngừng tiếng khóc, nhưng thương tâm đầy uất, nước mắt cứ tuôn ra như suối, không phép cầm lại.
Họ Tống trước hết tới gỡ những mảnh lụa trắng ra, trải ở trên bàn đá, gọi mọi người lại và nói:
-Chư huynh! Hãy nhận kỹ xem chữ viết ở đây có đích xác là nét chữ của các vị sư trưởng mình không?
Bạch Thiết Sinh để ý nhìn, thấy trên bốn mảnh lụa, ngoài trừ đề tên họ cho mỗi người học trò với tên ký của mỗi vị sư trưởng là khác nhau, còn lời lẽ, từng câu từng chữ đều hệt một điệu. Chàng hơi ngờ vực, nghĩ thầm:
- Lẽ nào trước khi chết, các vị sư trưởng còn bàn nhau cả đến cách viết nữa hay sao?
Chợt nghe họ Liễu nói:
- Nét chữ của gia sư, chỉ cần liếc qua là nhận rất được. Chữ này đúng là thủ bút của Người!
Họ Vạn cũng nói:
- Di thư này, đúng là tự tay gia sư viết ra!
Chàng họ Tống đưa mắt nhìn bốn mảnh lụa trắng, trầm ngâm giây phút rồi nói:
- Bạch huynh! Xin nhận kỹ lại. Trong hàng Tứ Quân Tử thìChu sư thúc nổi tiếng về thư pháp với nét bút già dặn có sức, khó ai bắt chước lối được. Bạch huynh nhận kỹ xem, may có tìm ra điều chi lạ. Đệ quyết không tin rằng, trước khi chết các vị còn bàn nhau cách đặt câu, dùng chữ hệt nhau như vậy...!
Lúc này ống dẫn lửa vừa hết mồi, phụt một cái, lửa bùng lên rồi tắt ngấm, đêm tối lại che phủ hết thảy.
Chỉ nghe tiếng Bạch Thiết Sinh thở dài, nói:
- Coi nét chữ đích xác là chữ gia sư rồi. Đệ cùng ý nghĩ như Tống huynh, không tin rằng bốn vị lão nhân gia, tới khi chết, còn ung dung thương lượng cách viết di ngôn giống hệt nhau? Ở trong hẳn là còn có điều gì khác!
Họ Liễu cũng góp ý kiến:
- Coi vậy thì bốn vị sư trưởng hẳn là đã có chuẩn bị sẵn. Trên Bách Trượng Phong làm gì có bút mực, làm gì sẵn lụa trắng?
Họ Vạn gật đầu:
- Liễu huynh nói có lý! Nếu chẳng phải bốn vị lão nhân gia cố ý tự sát, thì trong làng võ nghệ đương kim, ai mà dám động chạm tới các vị...
Bạch Thiết Sinh đưa tay ra vơ lấy một mảnh lụa trên phiến đá, đoạn cất tiếng gọi:
- Văn Quang huynh à!
Chàng họ Tống đương mải miết suy nghĩ, nghe gọi đến tên mình, vội hỏi:
- Việc gì thế! Bạch huynh?
Bạch Thiết Sinh ngửa mặt nhìn trời rồi nói:
- Giờ đã khuya! Nếu theo đúng di ngôn của các vị sư trưởng thì ngay lúc này ta phải làm việc, đưa di hài xuống núi trước khi trời sáng!
Tống Văn Quang quay sang hỏi Liễu sinh:
- Vân Phi huynh có ý kiến gì chăng?
Liễu Vân Phi nói:
- Tiểu đệ rối cả ruột lên, không có ý kiến gì khác. Tống huynh hẳn là có chủ ý, đệ xin theo!
Văn Quang lại nhìn chàng áo chẽn, và hỏi:
- Xung huynh! Thế nào?
Vạn Xung vén tay áo quết nước mắt, nói:
- Di thư đã do các vị lão nhân gia chính tay viết ra, chúng ta là học trò, chỉ việc tuân theo. Theo ý đệ, trước hãy lo đem thi thể các vị sư trưởng về quê quán, sau ra công truy xét nguyên nhân cái chết này!
Văn Quang nhìn mấy mảnh lụa trắng, rồi nói:
- Liễu huynh, Vạn huynh trước hãy thu những mảnh lụa lại, đó là tuyệt mệnh di thư, và là một tài liệu can hệ trong việc điều tra nguyên nhân sau này.
Liễu Vân Phi và Vạn Xung đều lượm lấy mảnh lụa trắng cất vào trong bọc.
Văn Quang nhìn đuôi sao Bắc Đẩu rồi nói:
- Giờ ước chừng canh tư. Còn một canh nữa trời sáng. Theo đệ nghĩ, đợi mờ sáng hãy dời khỏi cũng không muộn.
Vạn Xung lắc đầu:
- Giữa ban ngày, mỗi người vác một cái xác trên vai, đi trên đường cái lớn, thiên hạ chết khiếp cả đi!
Tống Văn Quang giơ tay ra hiệu:
- Xung huynh chớ nóng nảy! Nghe đệ nói hết đã. Bốn vị sư trưởng đột nhiên chết một cách thần bí, để lại tuyệt mệnh thư cũng có vẻ thần bí, thực là không ai có thể ngờ tới. Trước biến cố này, đừng nói là thiếu kinh nghiệm như bọn ta, ngay các tay có định lực và kinh nghiệm tuyệt luân, cũng phải hoang mang quẫn óc. Đệ tuy lòng đau như cắt, nhưng vẫn ức hận về cái chết này quá ư ly kỳ. Hồi tưởng lại vài tháng trước đây, không thấy có một dự liệu nào lạ hết, càng khiến đệ thêm ngờ vực. Nay giữa đêm tối, không tài nào nhận ra chút vết tích gì khác. Thầy chết vẫn y nguyên chỗ như kia, hoặc giả có thể tìm ra dấu vết gì khác nữa chăng. Nếu như di động đi ngay, e rằng phương hại đến việc tra xét vết tích. Cho nên đệ có ý đợi sáng rõ, xem xét cẩn thận lại xem. Sau đó chuyển vận di hài cũng không muộn.
Liễu Vân Phi gật đầu:
- Tống huynh trầm tĩnh suy tính như vậy, thực đáng phục!
Văn Quang quay sang nhìn Vạn Xung rồi nói:
- Còn như việc đem di hài đi, nên như thế nào, đệ đã nghĩ kỹ! Phải chờ Vạn huynh vất vả một phen!
Vạn Xung nói:
- Tống huynh cứ sai bảo! Vất vả cái gì!
Văn Quang nói:
- Xung quanh Bách Trượng Phong đều là núi cao liên miên lấy gì ra để chuyển vận bốn cỗ di hài. Lại còn lo giữ sao cho kín tiếng. Theo như di thư đã dạy, hẳn là có ý nghĩa gì đó. Vậy chỉ còn một cách là phiền Vạn huynh gấp đường trở về núi lao trúc, đem một chiếc xe ngựa nhẹ, có mui che kín, tới đây làm phương tiện di chuyển di hài.
Vân Phi gật đầu khen:
- Ý kiến đó quả nhiên là cao minh!
Văn Quang nói tiếp:
- Đệ ước lượng hành trình thì đêm mai, khoảng canh hai Vạn huynh đã trở về tới chân núi Bách Trượng này!
Vạn Xung đứng phắt lên, nói:
- Không nên chậm trễ! Đệ đi ngay!
Quay mình đi vài bước, chàng bỗng dừng chân quay đầu lại:
- Đệ đi rồi, đối với cái chết của gia sư, không được tự tay điều tra, coi xét lại....?
Văn Quang nói:
- Vạn huynh yên trí! Trong cái chết của bốn vị lão nhân gia dù có khác nhau, cũng chẳng khác mấy chút.Và chúng tôi cứ giữ nguyên như đây, đợi Vạn huynh về mới di chuyển mà!
Vạn Xung giơ tay chào, quay mình tung bước chạy xuống núi.
Trong khi đó Bạch Thiết Sinh ngồi lặng nghĩ. Chàng cố nén bi thương, để ý phân tách tình hình, bụng nghĩ:
- Bốn mảnh lụa vuông vắn hệt nhau. Nhất định là có sự sửa soạn từ trước rồi. Nhưng Tứ Quân Tử ngoài việc mỗi năm một lần tụ tập, ngày thường rất hiếm đi lại với nhau. Xét vậy trừ phi trong lần hội họp năm trước đã có ước hẹn cùng chết và đều dùng lụa trắng viết sẵn tuyệt mệnh thư. Xét ra việc đó vô lý hết sức. Nhưng ngoài cái lý ấy ra, chỉ còn có một lẽ nữa là giữa lúc Tứ Quân Tử tụ họp trên núi, đột nhiên có kẻ dùng võ công hoặc dùng thuật gì khác, cưỡng bách bốn người hạ bút viết vào bốn mảnh lụa do kẻ đó sửa soạn sẵn. Viết song, kẻ kia hạ độc thủ giết cả bốn người đi.
Nghĩ vậy, nhưng rồi chàng lại vội vã bỏ ý nghĩ ấy đi? Chàng luận lý rằng: Đừng nói là võ nghệ của Tứ Quân Tử ít kẻ nào đối địch nổi, dù là một chọi một. Giả như có kẻ nào võ nghệ cao siêu hơn cả bốn vị, thì bốn vị ấy quyết cũng chẳng chịu khoanh tay cho mà giết. Ít nhất cũng phải có một cuộc vật lộn đã. Nay bốn vị cùng ngồi xếp bằng tròn, bộ điệu êm ả như kia, không có di tích gì là kháng cự phản ứng hết. Giả thử như bị đầu độc đi nữa, thì ít nhất cũng phải lăn lộn với dáng điệu khác hẳn.
Chợt nghe Văn Quang thở dài, hỏi:
- Bạch huynh! Có tìm ra được đầu mối gì chăng?
Thiết Sinh lắc đầu, nhăn nhó:
- Trăm đầu ngàn mối! Không biết đâu mà lần gỡ...!
Tống Văn Quang nói:
- Hiện giờ chúng ta đều rối loạn cả óc. Theo đệ, xin hãy gác sự bi thương ra, ngồi lặng yên dưỡng thần đã. Chừng nào tâm thần lắng tĩnh, sẽ tìm xét nguyên nhân!
Bạch Thiết Sinh nói:
- Xin tuỳ ý nhị huynh!
Văn Quang nói:
- Vậy thôi, xin Liễu huynh đứng canh chừng cho Bạch huynh cùng đệ toạ công điều tức. Sau đó đến lượt Liễu huynh toạ công.
Văn Quang ngồi xuống, nhắm mắt nói:
- Bạch huynh hành công ngay đi. Chẳng mấy lúc trời sáng.
Bạch Thiết Sinh nhắm mắt lại, nhưng trong lòng thì lớp lớp sóng nhồi, không sao lắng tâm được.
Tai nghe gió thổi, thông reo, càng nghĩ càng thấy sự thể ly kỳ quái đản, càng như mê lạc trong sương mù vô hướng.
Chàng mở mắt nhìn, thấy Liễu Vân Phi tựa mình chống tay lên má mà ngồi, đương ngó nhìn sao trên trời, còn Văn Quang thì thở ra hít vào rất đều. Chàng vội nhắm mắt lại, điều hoà hơi thở, chợt thấy động tâm, nghĩ rằng:
- Lần này Tứ Quân Tử họp ở đây, các tay võ lâm khó mà biết được. Vậy trừ bốn người học trò chúng ta ra, không còn kẻ thứ năm nào rõ được nơi chốn tụ họp. Nếu bảo rằng Tứ Quân Tử bị kẻ nào ám toán, chỉ trừ một trong bốn người học đã tiết lộ tin tức ra ngoài...?
Nghĩ vậy bụng càng ngờ vực, chàng mở mắt thao láo nhìn vào mặt Tống Văn Quang.
Chợt nghe Văn Quang thở dài, mở bừng mắt rồi nói:
- Đệ suy nghĩ rất kỳ, càng thấy cái chết này khả nghi nhiều lắm!
Thiết Sinh gật đầu:
- Đệ cũng nghĩ vậy.
Văn Quang đưa mắt nhìn Liễu Vân Phi rồi nói:
- Việc tụ họp ở Bạch Trượng Phong này không ai biết tới!
Vân Phi gật đầu:
- Đúng thế...
Thiết Sinh nói luôn:
- Vậy là bọn anh em ta không tránh khỏi được sự hiềm nghi..?
Văn Quang nói:
- Đệ nghĩ hơi khác!
Thiết Sinh hỏi:
- Xin cho biết cao kiến?
Văn Quang hỏi:
- Theo đệ thì ngoài bốn ta ra, còn có kẻ khác cũng rõ việc này?
Thiết Sinh cau mày:
- Việc Tứ Quân Tử mỗi năm một lần tụ họp, thiên hạ võ lâm ai mà chẳng biết! Duy có thời gian với nơi tụ họp thì người ngoài không ai biết nổi. Theo đệ nghĩ thì lần này gia sư tới đây, trừ đệ ra, không ai biết hết. Cho nên nếu nghĩ rằng sự tình tiết lộ, thì đệ là kẻ duy nhất đáng ngờ mà thôi!
Liễu Vân Phi đưa tay lên vỗ vào đầu rồi nói:
- Gia sư cũng vậy! Lần đi này cũng chỉ một mình đệ biết!
Văn Quang nói:
- Về phần gia sư, trừ việc truyền dạy võ công cho đệ, rất ít gặp mặt người lạ. Lần này một tháng trước khi lên đường dự cuộc họp, chưa hề thấy một kẻ lạ nào tới gặp mặt. Ngay như việc đến Bạch Trượng Phong thì cũng tới khi lên đường mới nghe sư phụ nói ra. Như vậy, trừ đệ ra, không ai được rõ hành tung hết!
Liễu Vân Phi nói:
- Trong gia đình Diệp sư thúc, vì người nhiều, lắm miệng. Ngoài Vạn huynh ra còn có cô con gái cưng đã lớn. Nếu quả cái chết của Tứ Quân Tử đúng là bị mưu sát, thì việc tiết lộ thời gian với địa điểm tụ họp, về phía Vạn huynh có thể coi là quan hệ lớn!
Bạch Thiết Sinh nói:
- Theo đệ thì bốn chúng ta, không ai thoát khỏi hiềm nghi!
Văn Quang nói:
- Bạch huynh nói phải lắm!
Liễu Vân Phi cau mày:
- Bạch huynh nói vậy, không khỏi là võ đoán!
Thiết Sinh từ từ đưa mắt nhìn Vân Phi rồi hỏi:
- Liễu huynh có vẻ như trong lòng không yên?
Vân Phi nhảy chồm lên, quát:
- Bạch huynh! Ăn nói phải thận trọng...
Văn Quang vôi can:
- Hai vị chớ tranh chấp! Đợi Vạn huynh trở về, bốn chúng ta đều có lời thề rất độc trước di thể ân sư, để tỏ rõ lòng ngay thẳng....
Bạch Thiết Sinh cười nhạt:
- Thề thốt thì làm gì! Ở đời miệng nói một đằng, bụng nghĩ một nẻo! Giả thử bắt thề năm mười lượt thì cũng vẫn vậy thôi!
Văn Quang hỏi:
- Theo Bạch huynh thì...?
Thiết Sinh đón lời:
- Thì bốn người chúng ta kết nhà cỏ trên Bạch Trượng Phong, suốt đời coi giữ nấm mồ của bốn vị sư phụ. Một thằng trong bọn mà dời khỏi đây, thì ba thằng kia hợp lực lại giết quách đi!
Chàng gằn giọng, nói từng tiếng một, mặt mũi trang nghiêm cả quyết, mỗi lời là một uất hận phát ra từ gan ruột.
Văn Quang và Vân Phi đều ngẩn ra, cùng hỏi:
- Chúng tôi thực không hiểu Bạch huynh nói vậy là ý thế nào? Bên thầy ấp mồ, đó là việc đệ tử tận hiếu đạo với thầy. Nhưng suốt đời ở đây giữ mồ thì được việc gì...?
Thiết Sinh nói:
- Đệ tin chắc cái chết của bốn vị lão nhân là có nguyên do gì khác. Dù là tự tử, thì cũng là do tình thế... bức bách...
Văn Quang gật đầu:
- Trước khi tìm ra nguyên nhân, vô luận Bạch huynh đa nghi thế nào, cũng không thể đoán liều...
Liễu Vân Phi hỏi:
- Nhưng chẳng hay việc này có quan hệ gì đến việc anh em ta phải lưu ở đây để trọn đời giữ mồ?
Bạch Thiết Sinh nói:
- Có quan hệ lắm chứ! Việc bốn vị lão nhân tụ họp nơi đây, ngoài anh em ta ra không ai biết cả! Do đó ta tin rằng nguyên nhân cái chết này, nhất định phải có liên quan đến một người trong bốn anh em ta... (tia mắt lạnh lùng nghiêm lệ của chàng từ từ liếc qua, nhìn hai người kia rồi nói tiếp:)
- Nhưng chúng ta chẳng ai chịu nhận là hung thủ mưu giết ân sư! Ta tin rằng hung thủ đã có thể mưu sát ân sư, tất nhiên là có tác dụng gì đó. Có tác dụng thế tất xong việc là tìm cách xa dời nơi đây ngay. Cho nên, kẻ nào đi khỏi đây trước tiên, tức là kẻ có mưu đồ tác dụng. Dẫu kẻ đó chưa hẳn là chính tay giết người, nhưng cũng là kẻ có đồng mưu hay liên quan với hung thủ. Hãy tóm cổ kẻ ấy trước đã. Tẩn cho một trận đòn là ra manh mối!
Văn Quang và Phi Vân cúi đầu lặng yên. Họ đều nghĩ rằng lời chàng nói kể cũng có lý, nhưng cũng có điều quá đáng, không thể theo được.
Bỗng nghe Thiết Sinh cười vang lên, rồi hỏi:
- Hai vị có vẻ như sợ không dám ở ngọn núi hoang vu này chăng?
Liễu Vân Phi nói:
- Đệ rất kính phục tấm lòng Bạch huynh sùng kính sư trưởng. Nếu như không có cách gì khác tìm ra nguyên nhân câu chuyện này thì chỉ có cách y theo lời Bạch huynh là hơn!
Văn Quang nói:
- Hãy đợi Vạn huynh trở về. Ta sẽ bàn kỹ.... (chàng ngửa mặt nhìn sông Ngân Hà, rồi nói tiếp:) Nay nghĩ lại thì người chống nạng với đứa con gái cưỡi trâu, thực đáng ngờ quá...!
Liễu Vân Phi giậm chân, la:
- Đúng thế! Đệ đuổi theo, tộp cổ chúng đem về...!
Dứt lời, chàng vụt quay mình nhảy vọt đi xa đến ngoài trượng.
Bạch Thiết Sinh cau mày gọi:
- Liễu huynh! Chớ vội...!
Vân Phi quay lại:
- Sao? Anh sợ rằng ta không trở lại... ư?
Thiết Sinh nói:
- Nếu quả thực người chống nạng sắt cùng con bé cưỡi trâu có liên quan đến cái chết của các vị sư gia thì Liễu huynh chẳng tài nào đuổi kịp họ nữa. Nếu họ chỉ là kẻ thường, ngẫu nhiên qua lại, thì dù đuổi kịp, bắt về, có ích gì?
Vân Phi cố cãi:
- Nói vậy có lý lắm! Nhưng hãy cứ hết sức mình thử coi xem, càng không đuổi kịp, càng yên trí rằng hai người đó là có liên can, vậy cũng là có ích cho việc gặp gỡ sau này. Hai vị cứ đợi, trước khi trời sáng rõ, đệ đã có đây!
Tống Văn Quang nói:
- Đệ liệu trước, Liễu huynh đuổi theo, chẳng gặp ma nào hết!
Vân Phi không cãi nữa, quăng chân lên chạy. Chỉ thấy loang loáng vài lần lên xuống, bóng hình đã lẫn vào đêm tối.
Văn Quang đứng lên, đi đi lại lại, đôi mày cau nhìn, đầu óc đương chìm vào suy nghĩ.
Thiết Sinh thì ngồi xếp bằng tròn, ngửa mặt trông trời, âm thầm lặng ngắt. Cái chết của Tứ Quân Tử hiển nhiên đã gieo mối ngờ vực giữa bọn đệ tử!
Văn Quang bỗng ngừng chân, quay lại nói:
- Theo ý Bạch huynh đã xác nhận rằng cái chết này có liên quan đến bốn anh em chúng ta sao?
Thiết Sinh nói:
- Đệ không dưng có đặt điều ra làm chi! Bốn vị lão sư đều giữ bí mật thời gian, nơi họp. Trừ bốn chúng ta ra, ai mà biết được. Vậy chỉ có anh em ta đã hữu ý hay vô tình tiết lộ bí mật ra thôi! (Chàng thở dài, nói thêm:) Nếu như bốn vị ân sư định tự tuyệt mà chết thì cần gì phải lựa chọn nơi đây. Huống chi riêng đệ tin rằng sư phụ của đệ không hề có ý tự tuyệt ấy....!
Văn Quang nói:
- Đúng thế! Danh dự của các vị mỗi ngày mỗi lớn. Không lý gì....
Thiết Sinh nói tiếp:
- Vì thế đệ mới chủ trương cả bốn anh em dựng nhà ở đây. Chưa tìm ra manh mối, không ai được dời khỏi ngọn núi này!
Văn Quang hỏi:
- Nhưng di thư còn đây, đều ra lệnh cho bọn ta chuyển linh cữu về làng, định tang ba tháng. Bạch huynh muốn ở lại chẳng hoá ra trái di mệnh sao?
Thiết Sinh nói:
- Chẳng dấu gì Tống huynh! Đệ rất ngờ vực mấy mảnh di thư ấy! Dù chính do tay các vị viết ra, nhưng đều là thế không đừng được, bị bức bách mà viết!
Văn Quang hỏi:
- Trong bốn anh em ta, Bạch huynh có thể ngờ vực ai nhiều nhất?
Không ngờ Văn Quang hỏi đột ngột như vậy, Bạch Thiết Sinh ngẩn người ra, ngẫm nghĩ một lúc mới nói:
- Bốn anh em ta, ai cũng có thể là hung thủ giết ân sư được hết. Nhưng cứ theo chỗ đệ với chư huynh chơi với nhau lâu năm rồi, thì bất luận là thế nào, trước khi rõ manh mối, đệ chưa dám bàn luận, suy đoán.
Tống Văn Quang nói:
- Cứ theo hành vi công việc mà xét thì Vạn huynh chất phác, vốn ít tâm cơ. Trừ Vạn huynh ra thì Liễu huynh, Bạch huynh với đệ đều là kẻ có cơ trí, láu lỉnh.
Thiết Sinh gật đầu:
- Bình sinh đệ trầm mặc ít nói. Gặp việc là suy xét kỹ. Cho nên cũng đáng chịu nhiều hiềm nghi hơn cả.... (chàng hơi ngừng một chút, nói tiếp:) Tống huynh thì bề ngoài hào phóng, mà trong lòng thì lo lắng đủ điều, được kể là đáng hiềm nghi bậc nhì...!
Văn Quang cười nhạt yên lặng.
Thiết Sinh đưa mắt nhìn bốn cỗ thây ma, rồi nói tiếp:
- Đến như Liễu huynh lúc thì thô lồ, hào hùng, chợt lại cẩn thận từng tý, khó mà xét được tâm tình. Vậy nên ngoại trừ Tống huynh và đệ ra, Liễu huynh là kẻ đáng ngờ nhất...
Văn Quang ngửa mặt cười nhạt mà rằng:
- Lối xét đoán của đệ với Bạch huynh đại để nhiều điểm hơi khác.
Bạch Thiết Sinh hỏi:
- Xin nghe cao luận?
Văn Quang nói:
- Theo đệ xét thì trong bốn người, Liễu huynh là đáng ngờ bậc nhất... (bỗng hạ giọng nói vẻ:) Trước khi nhắc đến người chống nạng với con bé cưỡi trâu, đệ đã nghĩ đến rằng một khi nhắc đến là Liễu huynh hăng hái đuổi theo ngay. Quả nhiên là đúng. Vả lại Bạch huynh từng có lời ngăn lại, Liễu huynh cũng nhất định cứ đi??
Nghe nói vậy, trong lòng Thiết Sinh hơi ngợ tuy trong lúc đó vẫn chưa thực hiểu ý Văn Quang nói vậy là thế nào, bất quá chỉ gật gù đầu làm như bộ lãnh hội điều gì!
Văn Quang đưa mắt nhìn xung quanh một vòng rồi nói:
- Nếu như đệ dự đoán không sai, thì tình cảnh trước mắt...
Đương nói thì bỗng có một tiếng “hú” dài đưa lại làm Văn Quang không nói nữa.
Thiết Sinh đứng phắt lên:
- Tiếng hú của ai?
Văn Quang nói:
- Nghe âm giọng lạ tai hết sức!
Sắc mặt Bạch Thiết Sinh biến đổi hẳn đi. Chàng cau mày lắng tai một lúc lại ngồi xuống. Rõ ràng là trong khoảnh khắc chàng đã lo lắng quá nhiều, cuối cùng chỉ còn cách ngồi đó đợi sự biến đổi.
Văn Quang cười nhạt mà rằng:
- Lấy tĩnh chế động – lấy dài đãi lao – lối đó rất hay!
Nói rồi chàng cũng xếp chân ngồi bằng tròn, từ từ nhắm mắt lại.
Chợt nghe từ dưới chân núi có tiếng trầm trọng, rất mạnh nói:
- Hân hạnh được mời, gấp đường để tới. Nhưng đường đất xa xôi, tới nơi đã khuya. Cũng may là chưa lỡ kỳ hẹn....!
Câu nói tới đây bỗng đứt, rõ ràng là cố ý đợi người phía trên trả lời...!
Bạch Thiết Sinh và Tống Văn Quang nghe nói, cảm thấy như ngực bị người ta đấm, rùng mình lên, sẽ đưa mắt cho nhau, cùng mở miệng định lên tiếng...
... Nhưng vừa sắp lên tiếng, cả hai bỗng vội ghìm giọng kín miệng lại.