Đại Nhân Vật
Hồi 35
Giai nhân và rượu

Thư Hương vẫn phải công nhận đó là một người đàn bà quả thật đáng đợi.
Một người đàn bà quả thật đáng nhìn.
Thế nhưng nàng vẫn cứ cắn môi cúi gầm mặt xuống.
Trương Dị và Lữ Ngọc Hồ cứ nhìn chăm chăm vào mặt người đàn bà đó.
Bà ta nâng cái chén đang đặt trước mặt Trương Dị, và Lữ Ngọc Hồ lật đật cầm bầu rót vào chén bà ta.
Người thiếu phụ nâng chén lên uống cạn.
Chỉ uống một hơi.
Uống rất nhanh.
Đàn bà đáng lý không nên uống như thế.
Thế nhưng người đàn bà đó uống, không ai ngó thấy đó là cử chỉ thô lỗ mà lại còn thấy cả một cung cách tao nhã, phong lưu.
Chỉ cần nhìn vào cung cách đó của người thiếu phụ, người ta đã nghe ngây ngất.
Có lẽ vì bà ta đẹp quá.
Không phải vẻ đẹp sắc sảo, mà là cái đẹp của chiều sâu, cộng với số tuổi, người ta không thấy cái đẹp “ồn ào”, người ta không phân tách được cái đẹp đó vì người ta đang say đắm.
Người thiếu phụ uống luôn một hơi sáu chén đầy rồi bà ta mới ngẩng mặt lên nhìn Thư Hương bằng cái mỉm cười.
Nhìn vào đôi má ửng hồng, màu da pha men rượu của người thiếu phụ, người ta bỗng cảm nghe con người của mình phiêu phiêu y như đang trôi theo mây vào chốn non tiên.
Thư Hương ngẩng mặt nhìn mấy vì sao nhấp nhánh trên trời.
Nàng không biết những vì sao sáng hay đôi mắt bà ta quá sáng.
Người thiếu phụ cạn chén rượu thứ mười.
Thư Hương lại cắn môi và nàng bật nói:
- Ở đây, người ta đang chờ đợi...
Người thiếu phụ đáp lời vẫn bằng một cái cười... mê mẩn...
Cố tình không nhìn bà ta nữa, Thư Hương nói bằng một giọng lạnh lùng:
- Bao giờ mới nói, còn những điều trọng yếu phải làm ngay.
Trương Dị mỉm cười điềm đạm:
- Khi rượu còn chưa đủ, Vương tam nương chưa thích nói.
Vương tam nương?
Vương đại nương?
Hai cái tên tương tự, giá như bình thường chắc Thư Hương hỏi ngay về chuyện đó, bây giờ tâm tình của nàng đang nôn nóng, nàng không chú ý cái tên, nàng hỏi:
- Bao giờ thì mới đủ?
Bây giờ thì người thiếu phụ Vương tam nương mới chịu hé môi, bà ta cười:
- Bao giờ say mới đủ.
Thư Hương hỏi:
- Say rồi thì còn nói những gì?
Tay nâng chén rượu, mắt Vương tam nương nhìn vào khoảng trống trước mắt, giọng bà ta bỗng như xa vắng:
- Cái ta nói vốn là những chuyện... say.
Thư Hương đã bất mãn, bây giờ càng bất mãn hơn nữa:
- Thật không ngờ lời nói của người say mà lại cũng có kẻ thích nghe.
Trương Dị cười:
- Hằng hà sa số thiên hạ, có ai mà không nói những lời say?
Vương tam nương lại cười, bà ta vỗ vỗ tay Trương Dị:
- Cậu được lắm, gần đây thật tôi chưa thấy người đàn ông nào như cậu, thảo nào mà lại chẳng có người ghen!
Thư Hương cố hết sức để dằn, thế nhưng vẫn phải hỏi:
- Ai ghen?
Vương tam nương không trả lời mà lại quay mặt qua phía có ánh sáng và hỏi lại:
- Cô nhìn xem mặt tôi đã có nhiều vết nhăn rồi chớ?
Ánh đèn thật là yếu ớt.
Thư Hương không nhìn rõ được vết nhăn trên mặt bà ta nhưng nàng vẫn thấy được thần sắc thật vô cùng tiều tụy, mệt mỏi...
Vương tam nương lại nói:
- “Người đẹp dưới ánh đèn”... bất cứ người đàn bà nào ở dưới ánh đèn cũng đều được trẻ thêm đôi chút.
Thư Hương nghiêm mặt:
- Sao?
Vương tam nương điềm đạm mỉm cười:
- Người đàn bà đến một cái tuổi như tôi, thế mà có lúc cũng không tránh khỏi ghen, huống chi cô nương còn quá trẻ.
Thư Hương hất mặt lên:
- Bà đang nói những lời say đó chớ?
Vương tam nương nhè nhẹ thở ra:
- Lời say thường thường là lời thật, chỉ tiếc là thế nhân lại không thích nghe những lời say.
Trương Dị nói:
- Tôi rất thích nghe.
Ánh mắt long lanh của Vương tam nương lướt qua mặt hắn:
- Những lời mà cậu nghe vốn không phải là lời giả.
Trương Dị hình như có hơi đổi sắc, hắn nói:
- Tam Nương vốn biết là không phải giả.
Vương tam nương gật gật đầu nhưng lại làm thinh.
Trương Dị cũng làm thinh, đôi mắt hắn như sửng sốt, một lúc lâu hắn nói:
- Đa tạ.
Vương tam nương nói:
- Sau này chắc chắn cậu sẽ có cơ hội để tạ tôi, bây giờ thì...
Bà ta vụt quay qua phía Thư Hương và mỉm cười:
- Các vị cũng nên đi, đừng để vị tiểu muội muội đây đợi đến nôn nóng... Người đàn ông nếu để đàn bà đợi thì không phải đàn ông tốt.
Thư Hương hỏi:
- Nhưng nếu đàn bà để đàn ông đợi thì sao?
Vương tam nương đáp:
- Không có gì quan hệ, tuy nhiên...
Thấy bà ta không nói tiếp, Thư Hương hỏi:
- Tuy nhiên sao?
Ánh mắt của Vương tam nương lại hướng về xa, giọng bà ta cũng trầm trầm:
- Tuy nhiên, cô cũng nên nhớ rằng đàn ông họ không có tánh nhẫn nại giỏi, cho dầu cô có đáng để cho họ đợi, họ cũng không thể đợi lâu.
Thư Hương lặng thinh.
Môi nàng hơi máy động, hình như nàng đang nhai đi nhai lại câu nói mang nhiều chua xót ấy.
Trương Dị nói:
- Chúng tôi đi, còn Tam Nương thì sao?
Vương tam nương đáp:
- Tôi ở lại đây, vì tôi còn uống rượu.
Lữ Ngọc Hồ nói nhanh:
- Tôi sẽ hầu rượu với Tam Nương.
Vương tam nương hỏi:
- Tại sao lại muốn bồi rượu với tôi?
Lữ Ngọc Hồ thở ra:
- Bởi vì tôi rất biết mùi vị của kẻ uống rượu một mình.
Tự nhiên ai cũng biết mùi vị đó rất là khốn đốn...
Vương tam nương cười:
- Bất cứ một mùi vị như thế nào, quen rồi thì cũng chẳng sao, cậu đi đi, không cần phải bồi bạn cùng tôi.
Bà ta cũng nâng chén lên.
Dáng cách chậm chạp như uể oải.
Không hiểu sao, không khí chợt có khí vị cô độc lạ lùng...
Bây giờ, cho dầu có hàng trăm hàng ngàn con người quanh đây, không khí vẫn là cô quạnh.
Trương Dị làm thinh, hắn đứng lên chầm chậm như uể oải và đưa tay vẫy vẫy về phía bóng tối, phía xa xa.
Từ trong bóng tối, chợt thấy một bóng người.
Không ai có thể thấy được bóng đó từ đâu tới, người ta chỉ thấy nơi con người của hắn phảng phất có cái gì đặc biệt, hình như hắn là con người của bóng tối, hắn có mặt trong bất cứ một bóng tối nào...

*

Bóng người lồ lộ trong bóng tối, nhưng y như hồn tan trong bóng tối.
Hình như bóng đó có nghiêng mình đối với Trương Dị nhưng hắn vẫn đứng y một chỗ.
Trương Dị quay lại nhìn người thiếu phụ:
- Tam Nương, tôi xin kính Tam Nương một chén.
Giọng nói của Vương tam nương trầm lắng:
- Chỉ mong rằng đây không phải là chén cuối cùng.
Trương Dị đáp:
- Tự nhiên là không phải.
Vương tam nương nâng chén lên uống cạn.
Thư Hương hỏi:
- Chúng ta đi bây giờ?
Trương Dị gật đầu.
Thư Hương hết sức ngạc nhiên:
- Không nói chuyện sao?
Trương Dị đáp:
- Chuyện đã nói rồi.
Thư Hương càng ngạc nhiên hơn:
- Chỉ có nói thế thôi sao?
Trương Dị hình như có vẻ nặng nề, hắn lặng đi một lúc khá lâu rồi mới chậm rãi nói:
- Có lúc, người ta chỉ cần một câu, trong một câu chỉ cần một tiếng nhưng nó lại bằng thiên ngôn vạn ngữ...
Hắn chầm chậm đi về hướng bóng tối, hướng có người đang đứng.
Bóng người trong bóng tối vụt thoáng lên và y như một bóng ma, mất hút.
Trương Dị bước nhanh theo.
Lữ Ngọc Hồ và Thư Hương lật đật bước lên, họ cũng vội vàng đi vô bóng tối đã nuốt người kia.
Thật lâu, một lúc khá xa, Thư Hương mới quay đầu lại...
Vương tam nương vẫn ngồi một chỗ quay lưng về hướng bọn Trương Dị vừa đi, bà ta không nhìn theo, không nhúc nhích.
Thư Hương chỉ nhìn phía sau lưng của bà ta, tuy đã lớn tuổi, nhưng vóc người thật đẹp, tuy nhiên trong cái đẹp đó, nàng có cảm giác như cái lưng thon nhỏ của bà ta hơi khom xuống, phảng phất đang có một gánh nặng trên vai...
Phải chăng đó là cái gánh nặng của kiếp người?
Thư Hương chợt thấy trước mặt mình một bức tranh xơ xác, trong đó có một nhân vật cô đơn...
Trương Dị đang chờ phía trước.
Bóng tối phía trước, phảng phất có một bóng người, hình như đang dừng lại.
Thư Hương bước nhanh lên hỏi nhỏ:
- Làm gì cứ bám theo người đó vậy?
Trương Dị đáp:
- Hắn là kẻ dẫn đường.
Thư Hương hỏi:
- Có phải người què chân đưa mình đến ngôi chùa đó không?
Trương Dị đáp:
- Không phải người què, đó là Ngô Bán Thành.
Thư Hương nhún nhún vai:
- Anh giao du rộng quá, không ngờ lại kết bạn với hạng người như thế ấy?
Trương Dị hỏi:
- Hạng người nào?
Thư Hương đáp:
- Tôi thấy khinh công của người đó khá cao.
Trương Dị hỏi:
- Gì nữa?
Thư Hương đáp:
- Gì nữa? Không gì hết.
Trương Dị cười cười.
Hắn vụt đưa tay vẫn vẫy người phía trước.
Bóng người nhoáng lên, Trương Dị cũng nhoáng lên.
Hai người vừa sát vào nhau, Thư Hương nhìn thấy hình như Trương Dị có nói gì với người đó, nhưng nhỏ quá mà cũng nhanh quá, vì nàng chỉ thấy “hình như” hắn nói thì bóng người đó đã lướt phớt qua sát bên nàng, y như một luồng gió nhẹ.
Trương Dị cũng quay trở lại mỉm cười.
Thư Hương cau mặt:
- Làm cái trò gì vậy?
Trương Dị đáp:
- Đâu có trò gì, tôi chỉ muốn cho cô biết hắn là hạng người nào vậy thôi.
Thư Hương nói:
- Biết cái gì mà biết? Tại sao anh không bảo hắn đứng lại trước mặt tôi? Bây giờ tôi biết cái gì về hắn? Biết hắn như... hơi gió đấy chớ biết cái gì. Cái mặt hắn trắng hay đen tôi cũng không biết nữa là...
Trương Dị nói:
- Mặt hắn thì không có gì đáng coi, nếu cần thì cô nên nhìn chỗ khác.
Thư Hương hỏi:
- Chỗ nào?
Trương Dị đáp:
- Chẳng hạn như... tay của hắn.
Thư Hương trề môi:
- Tay của hắn thì có gì mà xem? Chẳng lẽ đầu ngón tay của hắn rẽ ra nhiều nhánh?
Trương Dị cười:
- Giá như thế thì hắn đã được gọi là quái nhân rồi còn gì? Không có đâu, chẳng qua tay hắn hơi dài...
Hắn ngưng một chút rồi lại cười:
- Trong người cô có rơi cái gì không vậy?
Thư Hương dòm lại mình rồi nói:
- Không...
Trương Dị gặn lại:
- Không thật à?
Thư Hương cười:
- Có cái gì trong mình nữa đâu mà rơi với rớt?
Trương Dị hỏi:
- Trong mình không có nhưng trên đầu thì chắc có?
Thư Hương nói:
- Càng không có...
Nàng không nói hết câu vì nàng chợt thấy tóc mình xõa xuống bờ vai...
Tóc nàng vốn đã được buộc gọn lên bằng một giải lụa màu hồng, bây giờ lại xõa xuống và giải lụa không biết rơi đâu mất!
Thư Hương sửng sốt...
Chẳng lẽ chỉ xẹt phớt ngang như gió mà hắn lại có đủ thì giờ mở được giải lụa của mình?
Không phải ngủ, càng không phải mê, làm gì hắn mở giải lụa mà nàng không biết?
Nhất định nếu hắn lấy thì hắn phải mở chứ không giựt ngang được, vì nàng buộc tóc rất chắc, phải mở mới lấy được, giựt ngang cũng có thể vuột ra đàng ngọn, nhưng nếu như thế thì nàng chắc chắn phải hay, chỉ xẹt qua nàng không thấy rõ bóng mà hắn mở ra được như thế thì quả... hắn có tài!
Trương Dị cười:
- Bây giờ thì chắc cô đã biết hắn là người như thế nào rồi chớ?
Thư Hương bĩu môi:
- Thật không ngờ bằng hữu của anh lại có đến ba tay!
Trương Dị cười:
- Đâu chỉ ba, mười ba đó chớ.
Thư Hương tuy trong bụng nàng đã phục tài, nhưng ngoài miệng nàng vẫn nói:
- Cho là mười ba tay đi, nhưng bất quá cũng chỉ là tên... ăn cắp.
Trương Dị hỏi:
- Ăn cắp cở đó đã gặp được mấy người?
Thư Hương lại trề môi:
- Chưa gặp, cũng may mà không gặp.
Nàng vừa nói vừa liếc lén về phía trước, người đó đã đứng y chỗ cũ như đợi chờ...
Hắn đứng im lìm, như chưa bao giờ xê dịch.
Thư Hương chớp chớp mắt:
- Có thể gọi hắn lại cho tôi xem rõ hắn không?
Trương Dị đáp:
- Ăn cắp mà có gì để xem?
Thư Hương nói:
- Xem... coi hắn có mấy tay mà.
Trương Dị nói:
- Tay hắn không thấy được đâu mà xem mất công.
Thư Hương bĩu môi:
- Vậy thì xem hắn được không?
Trương Dị đáp:
- Lại càng không được.
Thư Hương hỏi:
- Tại sao không được?
Trương Dị đáp:
- Không ai có thể thấy được mặt hắn.
Thư Hương hỏi:
- Còn anh? Anh có thấy không?
Trương Dị đáp:
- Tự nhiên là có.
Thư Hương hỏi:
- Tại sao anh thấy được mà người khác không thấy được?
Trương Dị đáp:
- Tại vì hắn là bằng hữu của tôi.
Thư Hương hỏi:
- Ngoài cái loại ăn cắp ăn trộm, què chân què cẳng ra, anh còn có thứ bạn nào khác nữa không?
Trương Dị lắc đầu:
- Không.
Thư Hương bật cười:
- Rồng chơi với rồng, cọp chơi với cọp, còn chuột nhắt thì chơi với thứ... đào hang, câu nói đó tôi nghe lâu rồi, thật quả là đúng hết sức!
Trương Dị nói:
- Tôi còn có một thứ bạn nữa, nói ra sợ cô cười đến văng răng...
Thư Hương hỏi:
- Thứ nào?
Trương Dị nói:
- Đây là bạn gái, cái hay của cô ta là chỉ có cái tài gây họa, còn ngoài ra thì không có làm chuyện gì nên thân cả.
Thư Hương lừ mắt:
- Thây kệ người ta...

*

Đúng là chuyện đã làm cho Thư Hương giận muốn bể bụng luôn.
Trước khi gặp Trương Dị, nàng chưa từng biết một con người, người khác chọc tức mà có thể chết được là thế nào.
Có ai nói như thế, nhất định nàng cũng không tin.
Nàng bảo, không có chuyện gì phải tức như thế cả.
Nhưng từ ngày gặp Trương Dị, nàng cứ bị tức mãi, tức đến mức muốn bỏ cơm luôn.
Bây giờ thì nàng lại càng tức hơn nữa, tức đến nghe đầu óc, trong bụng như người bị trúng thực.
Nàng không hiểu tại sao hắn lại luôn luôn như thế? Làm như trời sanh hắn ra để chuyên chọc tức thiên hạ chơi thôi chứ không biết chuyện gì khác cả.
Nhưng càng tức nữa chớ, bất cứ đối với ai khác, hắn đều tỏ ra rất thân thiện, rất lễ độ, chỉ riêng đối với nàng là hắn luôn luôn như thế.
Càng tức chết được là nàng nói hắn đến tệ mạt, nói đến như đào đất chôn hắn xuống, nói đến mức mà chính nàng cũng đâm ra hơi ngại miệng, vậy mà hắn không khi nào tức cả.
Nói cách nào hắn cũng lờ lờ, càng nói tệ thì hắn lại càng móc lại, mà khi hắn móc lại là nàng càng... tức.
Chẳng hạn nàng nói hắn là heo, thì hắn cười, hắn nói: “heo thì là heo, có sao đâu, chỉ có người mà cứ đi nói chuyện với heo thì mới quả là không biết... con gì?”
Cứ như thế là nàng đâm... tức.

*

Kể ra thì cũng đáng tức.
Thường thường đàn bà mới dễ làm cho đàn ông tức, luôn làm cho đàn ông tức.
Hầu hết đàn ông, đã cứ phải đỏ mặt tía tai vì sự chọc tức của đàn bà, nhiều người đàn ông đã phải đập bàn, đạp ghế, có người còn phải đấm vào ngực mình đến sưng lên, cũng chỉ vì tức nơi đàn bà.
Vì vậy, các cô thường hay nói rằng đàn ông sanh ra là để cho đàn bà chọc tức.
Nhưng bây giờ thì cô con gái Thư Hương đang lộn gan, lộn mật.
Cũng may là nàng không hề giận ai lâu, cho nên có tức ai, nàng không tức đến mãn đời.
Nhất là đối với Trương Dị, nàng chỉ tức chớ không hề giận.
Đã không giận thì chuyện tức cũng chỉ trong thoáng chốc, nếu có đổi không khí, thay đổi hoàn cảnh thì bao nhiêu cái tức đó sẽ tiêu tan ngay.
Và bây giờ thì nàng đã hết tức rồi, nàng đang bận nghĩ chuyện khác, vì nàng thấy chuyện khác...

*

Chuyện đó là “Thập Tam Chích Thủ” Ngô Bán Thành vừa tới triền núi là vụt vút mình lên.
Hắn chỉ nhóng lên một cái là mất biệt.
Triền núi.
Bên trái là cánh rừng thật rậm.
Ngôi chùa dựng lên trong cánh rừng rậm đó.
Ánh đèn lờ mờ, dưới mái ngói cong vút, thấy có ba chữ “Phàn Âm tự” thật lớn óng ánh màu kim nhủ.
“Thập Tam Chích Thủ” mất ngay trước cổng chùa.
Đêm đã về khuya, nhưng trong đại điện đèn thắp sáng choang trông thật rực rỡ.
Ánh sáng thì rực rỡ, nhưng không khí thật u trầm.
Ánh sáng bên trong vẫn không rọi thấu khoảng quanh sân, quanh sân tường cao cao, chỉ thấy mờ mờ đục đục của sương đêm, nhưng không chắc có phải sương đêm hay là khói.
Một màu đặc mờ vàng vọt nặng nề.
Thư Hương thở ra.
Hình như nàng sanh ra vốn đã không hạp với cảnh chùa.
Cứ mỗi bận gặp chùa, nhất là về đêm thì nàng có một cảm giác hết sức lạ lùng.
Nàng cứ mường tượng cảnh chùa giống như cảnh chết, nàng tưởng tượng như thấy quan tài, thấy linh vị, thấy áo tang...
Tiếng mỏ hòa trong tiếng kệ, nàng cảm nghe như tiếng khóc rên rỉ, nàng không hiểu tiếng khóc với tiếng kinh nó có dính líu với nhau không mà cứ mỗi bận nghe tiếng này là nàng liên tưởng ngay tiếng khóc.
Không khi nào nàng cảm thấy vui tai khi nghe thấy tiếng tụnh kinh. Và mỗi khi nghe tiếng khóc than ray rức là nàng liên tưởng đến tiếng chuông trầm nặng.
Nàng chỉ thích nghe tiếng cười chứ không muốn nghe tiếng khóc, nàng càng không thích nghe tiếng tụng kinh.
Cũng may là bây giờ, nơi đây, hoàn toàn không có một tiếng gì.