Chương 18
NHẬT Ký CHỊ HẰNG

Ngày...
Chị chọn em, cô bé ra đời sau chị chưa đầy 1 phút, mà mãi mãi thuộc thế giới chưa kịp đến, bởi chị không thể chọn chính mình để xưng tội. Quan hệ giữa chị và cái “mình” ấy từ lâu khủng hoảng nghiêm trọng, chẳng hy vọng khá lên. Còn giữa chúng ta, chị tin có 1 liên hệ nào đó, bí ẩn, bất biến, 1 hằng số bất chấp mọi chuyện có thể xẩy đến. Em như 1 nhân chứng câm lặng, thông tỏ, quyết liệt, không bao giờ quay lưng lại cuộc đời từ bấy đến nay thật ồn ào, thật rồ dại và đầy thỏa hiệp của chị.
Nên bắt đầu từ đâu?
Chỉ biết giờ đây chị muốn chấm dứt 1 lần cho mãi mãi tấn trò lật đật quay cuồng ồn ào đầy dẫy thỏa hiệp, tóm lại, muốn chấm dứt sự tồn tại rồ dại ấy bằng 1 hành động cũng rồ dại chẳng kém. Nghĩa là cán cân đã nghiêng hẳn 1 bên. Nghĩa là vẫn có 1 cán cân, dù đang nghiêng hẳn 1 bên. Nghĩa là vẫn chưa thoát tục. Thoát tục, chữ mới hay nhỉ! Nhưng chẳng thì giờ đâu bàn chuyện chữ nghĩa và các hệ định kiến chung quanh ngôn từ. Chị đang nói về 1 cán cân nào đó, 1 chọn lựa, 1 quyết định không vé khứ hồi... Không phải trò tìm chiếc kẹo giấu trong bàn tay nào sau lưng, ồ, không phải thế. Hoặc cả 2 tay đầu cầm kẹo, hoặc đều trống không, hoặc tệ hơn nữa... Chị làm rối mọi chuyện mất rồi. Dĩ nhiên, em ghét văn phạm và ngữ pháp, các Autodidakt thường thế, và chị nghiễm nhiên được quyền làm đủ mọi trò dada ngay trong cuốn nhật kí này.
Có lẽ nên bắt đầu từ chính nó, cuộn giấy toilette. Chẳng phải 1 lối chơi ngông của chị, dẫu chị sẵn thói sản xuất ngẫu hứng không mất vốn. Ý định viết cho em theo thể thức cuộn xuất phát từ đâu không rõ, chỉ biết chưa kịp ý thức về hành dộng, thì chị đã hành động rồi (Bao giờ chẳng thế?)
Số là anh ta, đức phu quân đáng kính của chị, có lệ quan tâm hết sức khác thường tới giấy toilette. Giữa trăm công ngàn việc, nào hồ sơ cấp tốc cho chuyển đi Bonn sắp tới – ở Singapur về, anh ta nhảy 1 bước vạn đặm sang khu vực Tây Âu ôn đới, vận động viên nhảy dù siêu dẳng, phải không? -, nào đảo chính ở 1 châu lục điïa xa xôi, nào chiêu đãi tiếp tân nhân kỉ niệm nước này nước nọ, anh ta không quên thường xuyên bổ sung kho giấy toilette của mình. Ít nhất phải dự trữ 10 cuộn, mức tiêu thụ tối thiểu 2 quý, thiếu hụt 1 chút, anh ta như ngồi trên đống lửa, đi lại bứt rứt, không đủ sức tập trung tâm trí vào công việc gì nghiêm túc (Mà xét cho cùng, công việc nào của anh ta, của cả chị, có thể tạm coi là nghiêm túc?) Thoạt đầu, chiï không sao hiểu nổi những cuộn giấy tầm thường, sản xuất hàng loạt phục vụ duy nhất cái thao tác không mấy sang trọng trong sinh hoạt con người kia có cái gì hấp dẫn anh ta đến thế. Sau cũng vỡ lẽ. Hình như ý định điên rồ viết cho em trên loại giấy này cũng bắt đầu từ đó.
Anh ta gắn bó với chúng. Suốt đời, anh ta chỉ gắn bó với những gì đã được định giá. Bằng cách này, cách khác, anh ta góp nhặt 1 bảng thống kê tổng hợp những giá trị dương, và chỉ việc lắp ráp chúng thành hình mẫu cuộc đời mình. Trò Tri Uẩn, em hiểu chứ? Trò lắp ghép vài mẩu gổ cố định thành muôn vàn hình thù khác nhau. Mỗi cuộc đời 1 variante. Triệu triệu phiên bản từ 1 bảng giá trị dương thuần nhất.
Giấy toilette là 1 trong những giá trị dương ấy. Một thời gian dài, anh ta, cả chị, cả em, cả 1 thế hệ chưa từng biết thế nào là cuộn giấy chế tạo riêng cho nhu cầu đơn giản mà bức thiết ấy của con người. Một thời gian dài, thậm chí thiên hạ coi nó là sản phẩm xa xỉ, vô đạo đức, thuộc ý thức hệ tư sản hưởng thụ, đấy chưa nói phản nhân đạo, bởi giấy cho trẻ đến trường còn thiếu. Một thời gian dài, chúng ta đúc mình trong cái khuôn đá của thói quen tặc lưỡi, xí xóa hết thảy những gì được mệnh danh là tiểu tiết, cuộc đời còn bao việc lớn đáng để tâm hơn, và tô điểm cái khuôn đá trơ lì đó bằng bao nhiêu étiquette, nào đức giản dị, nào đức hy sinh, nào đức khắc phục gian khổ. Chị tin, thời kì đó – sao mà dài – anh ta cũng mang dấu ấn những étiquette ấy, những giá trị dương được cả 1 cộng đồng, 1 xã hội xác nhận.
Rồi đến ngày công cán ở 1 cộng đồng khác – Singapur chăng? – toàn bộ hệ giá trị dương, sợi dây bảo hiểm đóng neo anh ta vào cuộc đời, bỗng lung lay, có cơ lộn ngược như trồng cây chuối. Anh ta đã tìm cách bảo toàn, cải biến, bổ sung hay xóa bỏ nó, tóm lại, anh ta xử lí trò xếp hình mới của mình ra sao, không biết. Chỉ biết, trong số giá trị dương hình thành sau đợt công cán, có giấy toilette. Nó gắn liền với quan niệm của anh ta về văn minh và nhân phẩm con người, thậm chí giờ đây anh ta không sao tưởng tượng, thiếu nó, việc thực hiện nhu cầu tự nhiên ở anh rồi sẽ ra sao. Hệt như, thiếu những bộ complet đắt tiền kèm giày da mềm, liệu dung mạo và tư cách anh ta sẽ ra sao? Thứ đó có thể nhập từ Singapur, hay Bonn, vả lại, chưa ai lập kỉ lục tiêu thụ 10 bộ âu phục, 10 đôi giày da trong vòng 2 quý. Tạm thời, anh ta có thể yên tâm, dung mạo và tư cách anh ta đủ khả năng cầm cự vài ba kì lên lương nữa. Nhưng giấy toilette – tần số hao mòn khủng khiếp, sáu tháng 10 cuộn – chẳng nhẽ mua bằng ngoại tệ. Để duy trì văn minh và nhân phẩm con người cách ấy, chí ít chị phải là phu nhân 1 bộ trưởng lộng quyền, hay 1 nhà tài phiệt cỡ bự. Tóm lại, bệnh si giấy toilette của anh ta bắt nguồn từ (1) quy định về hệ giá trị dương trong đời sống (2) khả năng cung ứng có hạn của 1 xã hội chưa thừa nhận những giá trị ấy (3) địa vị và tiềm năng tài chính có hạn của 1 nhân viên ngoại giao cỡ trung bình khá chưa đủ đảm bảo nguồn nhập khẩu những giá trị ấy bằng ngoại tệ hối đoái công khai. Rút cục, những cuộn giấy xấu xí đó bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội, bấp bênh và rụt rè, dấu hiệu 1 cuộc cách mạng mini. Anh ta vơ vét, anh ta tàng trữ, luôn phấp phỏng lo sợ cuộc cách mạng tiêu thụ mới manh nha này chẳng chóng thì chày tàn lụi. Anh ta trở thành kẻ đầu cơ giấy toilette thực thụ.
Xin lỗi em, chị đã mở đầu bằng 1 đề tài không mấy lãng mạn. Ồ, chị vẫn biết em dị ứng kịch liệt trước các kiểu lãng mạn. Lỗi tại mớ sương mù tình cảm che lấp tất cả, xóa nhòa tất cả mà thiên hạ ra sức tung vào mắt nhau. Em hoài nghi tình cảm, chỉ bởi em quá nhạy cảm. Em khước từ chủ nghĩa lãng mạn, chỉ bởi em là kẻ lãng mạn nhất trong những kẻ lãng mạn.
Nếu chị biết khước từ như em...
Chỉ biết hy vọng câu chuyện về những cuộn giấy xấu xí này giúp em phẫn nộ, như 29 năm qua em chưa bao giờ thôi phẫn nộ trước những ung nhọt mĩ miều con người phơi ra cùng đồng loại.
Chiều nay, đặt chân về nhà, căn nhà lắp ghép bởi bao mảnh giá trị dương, lí tưởng của bao nhiêu con cháu dòng họ philistin, tổ kén tơ lụa của bao con tằm no đủ, anh ta sẽ tái mặt thấy kho báu thiếu hụt. Giả như từ bỏ ý định chuyển đến em, chị sẽ để lẫn cuộn giấy này vào kho trở lại. Một ngày nào đó, ung dung mãn nguyện mở ra, anh ta sẽ kinh hoàng đón nhận vị thuốc chữa lành căn bệnh si giấy toilette của mình.
Còn biết bao căn bệnh khác...
Ngày...
Giá có thể đánh đổi sắc đẹp lấy 1 cái gì... Vả lại cái gì? Chị không biết mình muốn gì. Chị ghen tị những người biết rõ điều họ mong muốn, đồng thời hoài nghi họ.
Không biết tự lúc nào chị đinh ninh 1 số phận khác thường chờ đón mình. Một số phận được tôn vinh. Vượt khỏi hàng rào quy định cho số đông, quy định bởi số đông. Ý niệm về hàng rào ấy rất mơ hồ, không thể mô tả, chỉ là 1 cảm giác. Chịu đi đến đầu đến đũa cảm giác ấy rất mơ hồ, không thể mô tả, chỉ là 1 cảm giác. Chịu đi đến đầu đến đũa cảm giác ấy, đào xới nó, căng nó như căng tấm da lên mặt trống đến tột đỉnh âm vực, đẩy nó đến giới hạn tận cùng..., làm được thế, cảm giác may ra không còn đơn thuần là cảm giác, cảm giác hoàn toàn có thể trở thành kinh nghiệm vật chất. Nhưng chị không đủ sức. Cảm giác hụt hơi đuối sức – lại chuyện cảm giác –, cảm giác thiếu tháng luôn xuất hiện. Chưa bao giờ chị biết theo đuổi điều gì đến cùng. Chưa kịp học cách sống trọn vẹn, đã rơi tõm vào thói quen nửa vời êm dịu. Thảy đều lỡ dở, nửa chừng. Không say mê cuồng nhiệt, cũng chẳng hận thù đến độ. Bắt tay vào mọi việc, rồi buông trôi mọi việc với 1 cái tặc lưỡi ngon lành. Khởi bao ý đồ, để rồi bỏ lửng. Ghi nhận bao cảm giác, để rồi mãi mãi mơ hồ về chúng. Dang dở, như 1 phong cách sống không thiếu phần hiện đại. Nhìn mà xem, các nghệ sĩ tự coi mình là avantgardist có chịu hoàn thiện điều gì? Họ – may mắn lắm – chỉ biết đẩy sự dở dang lên mức tuyệt đối. Âu cũng là 1 kiểu hoàn thiện.
Thế đấy, đã không đủ sức sống hết mình, lại chẳng biết điều mong muốn, chỉ còn cái trục duy nhất là ego, mình, không gì khác hơn ngoài mình với những nhu cầu nhạt nhẽo, đỏng đảnh. Chị hoài nghi những cuộc đời xoay xung quanh 1 cái trục khác, nằm ngoài bản thân họ. Đồng thời lại ghen tị. Chí ít, những người đó hạnh phúc, bởi được choán ngợp 1 áp lực tự bên ngoài, đánh mất mình trong đó, lệ thuộc tới mức bản thân sự lệ thuộc trở thành nguyên tắc và môi trường; và thật vô nghĩa đi đặt câu hỏi về nó. Có lẽ những kẻ thật sự mưu cầu tự do phải là những kẻ hùng mạnh, bởi tự do có nghĩa là cắt đứt mọi bảo hiểm, phó mặc mình cho chính mình và sẵn lòng chấp nhận mọi biến cố. Không gì khác ngoài nỗi sợ khiến số đông tự tròng vào cổ mình chiếc phao bảo hiểm và hài lòng sâu sắc được 1 áp lực khách quan nào đó chi phối. Chi phối trọn vẹn, người ta không còn kẽ hở nào để quan tâm đến chính mình. Không thể, và không được phép dang dở, hay hụt hơi. Người ta bị cuốn đi, bị thúc vào lưng, mất hút trong ma lực của từ trường dữ dội đó, và không hiếm khi lập nên những kì tích.
Còn chị và thế hệ của chị, biết kì tích nào chờ đợi?
Hai cuộc chiến tranh lớn đã đi qua, những huân chương chỉ còn lấp lánh trong các ngày lễ, những biến cố phi thường được thu nhỏ, khổ 19X21 trong các thư viện công cộng. Người ta bắt đầu tìm được khoảng cách cần thiết nhìn lại các kì tích, và khát vọng tạo dựng kì tích, hoặc suy giảm nghiêm trọng bởi hoài nghi, hoặc rơi tõm vào 1 môi trường buồn tẻ, chỉ còn đôi khi ngúc ngắc bất lực trong những cố gắng tội nghiệp, nào hò hét, nào đấm đá, nào bắc thang lên hỏi ông trời và làm duyên với chính cái bóng ê chề của mình trong mắt đồng loại. Thế đấy, kì tích được thay thế bằng những tiêu khiển nửa mùa, và hơn hết thảy, đồng tiền có khả năng cung cấp vô tận những tiêu khiển ấy. Nhìn ra xung quanh, thiên hạ quay chóng mặt quanh cái trục tiền bạc. Kẻ mạnh trụ lại, kẻ yếu văng thân, quy luật đào thải.
Còn tiêu khiển của chị, cái trục duy nhất của chị là ego, mình, không gì khác hơn ngoài mình với những nhu cầu nhạt nhẽo, đỏng đảnh.
Và cảm giác đuối sức, hụt hơi, dang dở như dấu ấn của cả 1 thế hệ vẫn theo đuổi, trong khi khát khao toàn thiện không chịu buông tha...
Ước sao đánh đổi sắc đẹp lấy 1 cái gì... Lấy 1 chút câm lặng quyết liệt của em...
Ngày...
Anh ta đang pha cà-phê, tận tụy như 1 gã hầu phòng, say sưa như 1 chú tiểu đọc trộm kinh thày.
“Hạnh phúc 1 gia đình tùy thuộc đáng kể vào nghệ thuật pha cà-phê của người vợ đấy, em ạ!”
Chị rất muốn hất đổ chiếc khay, để tấm thảm dưới chân lĩnh trọn màu nâu sóng sánh ngoạn mục kia, 1 bức tranh siêu thực ra trò. Phải, mẹ không bao giờ pha cà-phê, thứ giải khát 4 mùa độc tôn trong gia đình là nước sôi để nguội, nên bố mẹ không hạnh phúc...? Nhưng rút cục, chiếc khay còn nguyên, chỉ lọ mực của chị lênh láng trên mặt bàn.
“Trời ơi! Anh tốn bao công mới tìm được chiếc khăn trải bàn vừa mắt!”
Trọn buổi tối, anh ta săn sóc chiếc khăn, còn chị săn sóc nỗi tủi hổ.
Ngày...
Đêm tân hôn, anh ta thắp nến. Giá thắp hương, có lẽ chị đã bất chấp mùi đàn ông xa lạ.
Dĩ nhiên, chị tự động cởi quần áo – ghê sợ những kẻ nhấp nháp cảm giác bóc vỏ 1 củ hành –, dần từng mảnh, nhẩn nha thách thức, như đã bao lần không kể xiết. Đứng trước gương, cho anh ta chiêm ngưỡng bộ ngực nhân đôi từ đằng sau, nhớ tay em vuốt ve gượng nhẹ. Chỉ có em yêu quý và gượng nhẹ. Chính chị cũng không yêu nó, đầu mối của mọi tai họa. Những kẻ khác tàn phá nó đủ cách. Mười năm sau, nó chỉ còn là 1 khối thảm hại không hình thù, chẳng đủ sức nài xin cả tàn phá lẫn gượng nhẹ...
Chị tới ngồi trên drap trải giường trắng muốt, tư thế điêu luyện, nhắm mắt, comme il faut. Nhắm mắt, những người đàn ông có khác gì nhau, em nhỉ. Mặc họ, với việc của họ chị không tham dự, tiện. Chỉ cần họ để chị được yên, dõi theo cái cơ thể không chịu cộng tác, cứ lang thang vào 1 vùng trống trải, muốn chới với mà không thể chới với, không thể tụt hẫng tràn trề, chỉ bởi dưới đáy là con quái vật ký ức 17 tuổi, chỉ bởi cảm xúc tận cùng máu thịt không ai đánh thức, tiếp xúc da thịt chỉ chấn động lớp vỏ bọc kĩ lưỡng và mĩ miều. Nhắm mắt, tránh cả những cái hôn, hơi thở và mùi môi, nếu không đủ sức gợi những dao động sâu thẳm nhất, sẽ còn để lại dư vị nhớp nhúa nhiều hơn 1 cuộc làm tình đơn phương.
Anh ta lại gần, 10 cm, 5 cm, còn 1 cm cuối cùng trước khi đụng tới người chị, bỗng đổ vật xuống giường, ôm lấy 2 bàn chân chị khóc như mưa vì hạnh phúc. Cuộc trình diễn trước gương của chị gây hiệu quả bất ngờ. Anh ta đã xong việc, thiếp mê mệt vào giấc ngủ chú rể toại nguyện đến 10 giờ sáng hôm sau. Bao giờ chị cũng còn lại 1 mình, cố xua đuổi cảm giác nhớp lạnh trên bụng và mơ ước 1 vòi hoa sen ngay tại chỗ.
Chí ít, những người đàn ông khác cũng biết xong việc 1 cách có thẩm mỹ hơn.
Ngày...
“Toàn bộ quá khứ phức tạp của em, anh coi như không có. Từ bây giờ, em phải hiểu rõ, chúng ta ở vị trí nào trong xã hội.”
Thế đấy, 1 vị trí qui định cho chị mỗi tuần 1 lần ngáp trộm sau lưng ghế bành bọc nỉ, trong khi anh ta thuyết trình về những cuộc đảo chính lớn lao ở 1 châu lục địa xa vời nào đó; trong khi thủ trưởng anh ta thuyết trình về những cuộc đảo chính kém phần lớn lao hơn ở ngay tại tòa công sở màu vàng nổi tiếng; trong khi bà vợ của ông ta chưa kịp dẹp cơn phẫn nộ kinh niên về những bất công nhân sự mà chồng bà gánh chịu, không người vợ chân chính nào không đi guốc vào bụng đồng sự chồng mình; và trong khi cô con gái bà ta thân ái giới thiệu đủ 10 000 tên tuổi nam nữ danh tiếng, những bản mẫu xuất sắc nhất của xã hội mà chị buộc lòng phải ghi nhớ để nhập môn. Ở vị trí đó, sắc đẹp của chị là huân chương, công danh của anh ta là huân chương, hạnh phúc gia đình là huân chương, hết thảy là huân chương áp đảo, chị biết trốn vào đâu? Trốn về với em trong cuộn giấy này?
“Em làm gì mà hí hoáy suốt ngày! Nhật kí chắc? Chưa đủ hạnh phúc chắc?”
Phải, khi hạnh phúc choáng ngợp, người ta không thể viết.
Trốn đến những cuộc tình nhạt thếch?
“Cô đừng lạm dụng ưu thế! Rút cục, cũng phải biết điều dần đi! Rút cục, cô cũng chỉ là 1 người đàn bà bình thường, hơn thiên hạ ở cái nhan sắc! Chấm hết!”
Chấm hết! Chẳng nhẽ chị đã đánh dấu chấm hếtcho cuộc đời rồ dại của mình bằng cuộc hôn nhân vàng bạc này? Nào đâu 1 số phận khác thường? Nào đâu vượt khỏi hàng rào qui định cho số đông, qui định bởi số đông?
Ngày...
Chị đã đốt 300 lần Ph., xua đuổi định mệnh, run sợ đương đầu với đói rét và hắt hủi của người đời, e ngại vong thân và chạy trốn điều không lường trước.
Chị đã bắt lên bàn cân, 1 bên là Ph., người không sùng bái chị, không sùng bái bất cứ ai, không giành giật chị, không giành giật bất cứ điều gì, không hứa hẹn, không ràng buộc, không bảo hiểm, chỉ yêu chị và còn yêu tự do ít nhất ngang bằng; và bên kia là thế giới đàn ông, những kẻ cầu xin, tranh cướp, thề thốt, trói buộc và bủa vây chị.
Chọn lựa cũng như 1 kinh nghiệm không thể né tránh. Các nhà xã hội học tha hồ lí giải hành động chọn lựa của chị như 1 hệ quả tất yếu, phù hợp quy luật phổ biến và khách quan của xu hướng pháp triển xã hội hiện tại, tha hồ quy nó về 1 mẫu số chung nào đó, thiết lập các giả thiết, đề xướng các luận đề, tranh cãi bạc đầu trong các hội nghị chuyên đề có phụ cấp ăn trưa, và công bố trang trọng trong những chuyên san không ai buồn đọc, xin mời. Thiên hạ tha hồ gật gù tán thưởng, hay nhăn mặt bĩu môi, xin mời. Em không 1 lời bình luận, nhà thơ không 1 lời bình luận, duy nhất 2 con người kiên nhẫn và kiêu hãnh.
Biết bình luận gì, khi người đàn bà trong chị khước từ chia sẻ số phận âm thầm tủi nhục của kẻ mộng mơ cuối cùng sót lại giữa thế kỷ này, khước từ chỗ dựa lớn lao là bí ẩn và hư vô, khước từ 1 lần vong thân, vĩnh viễn thoát cảm giác nửa vời êm dịu. và khước từ tự do mở ra choáng ngợp dưới hình hài của Cô Đơn? Và không biết mình muốn gì, không đủ sức theo đuổi tới cùng 1 xúc cảm nội tại nào, buông thả vào 1 hợp đồng an toàn, tối ưu, cái hợp đồng quy định vị trí mỗi tuần ngáp trộm 1 lần sau lưng ghế bành bọc nỉ và đầu cơ huân chương nuôi béo 1 dấu chấm hết khổng lồ. Biết bình luận gì nữa? Không ai quyết định thay ai, và chẳng hiếm những qui định táo bạo nhất chỉ nảy sinh từ ngẫu nhiên, hay từ thúc bách xô đẩy của các dữ kiện. Người ta mạnh dạn quyết định lắm, chừng nào còn nắm trong tay chiếc vé khứ hồi, chừng nào tình thế bắt buộc thực chất là 1 ngụy tạo và chọn lựa không hề là tranh chấp giữa ít nhất 2 xung lực có thật...
Chị lại làm rối mọi chuyện... Thực ra, chẳng cần tốn nhiều giấy bút đến thế để thông báo 1 điều giản dị đến thế; lúc nào nhà thơ cũng mở rộng vòng tay đón chị, và chị về với Ph. (Bài hát của P.F. “Open your heart, I am coming home”) Toàn bộ tấn trò quay cuồng lật đật vừa rồi sẽ tan biến trong nụ cười dịu dàng của ông hoàng mộng mơ ngây ngất...
Cuộn nhật kí viết dở để lẫn trong kho giấy toillette dự trữ. Người chồng mang đến ném vào lòng cô bè Hoài, không giấu vẻ ghê tởm: “Tôi không đọc được những gì không dành cho tôi. Nguyên tắc nghề nghiệp!” Và trước khi lịch thiệp quay góit “Tôi độ chừng 5 hôm nữa chị cô ắt phải quay về, làm gì còn ở tuổi đi đến nơi vô tăm tích tìm kiếm vật vô danh nữa!”
Quả 1 tuần sau, chị Hằng trở về, không bao giờ còn phàn nàn về căn bệnh cuồng si lạ lùng ở người chồng và mỗi tuần 1 lần ngáp trộn, càng ngày càng đẹp khác thường và chẳng mấy chốc trở thành 1 trong những nhân vật danh tiếng nhất thuộc 10 000 bản mẫu xuất sắc nhất của xã hội. Chị 29, trước tôi 1 phút, chưa bao giờ được làm mẹ, dù làm mẹ 1 đứa con bằng vàng nguyên chất.
Nhà thơ bị bắt giữa 1 câu thơ về biển. Cũng “Quang lùn” dẫn anh đi. Họ không bao giờ còn gặp nhau nữa.