Đạm tiếp: - Ngay buổi chiều hôm đó tôi dự định trở về Hà Nội, để tìm Phan, xin Phan xóa bỏ hết những việc đã xảy ra ngày trước. Nhưng mười phút sau điều dự định đó thì tôi được người ta báo cho tôi cái tin Phan bị nạn. Bác sĩ Giáo nghe đến đấy một bàn tay bóp trán thong thả nói: - Nhưng bánh xe thời gian không bao giờ quay trở lại, cái gì ta đã để lỡ, ít khi ta tìm lại được nguyên lành. Chị biết nghĩ đến Phan, thì Phan đã bị số phận hại rồi, không phương cứu chữa... - Thôi, không cần suy nghĩ xem tội tôi có nặng hay không, chỉ biết rằng đời tôi, từ đây không thể nào không có Phan được. Tôi sẵn sàng hy sinh hẳn đời tôi để cho Phan đỡ đau xót... Bác sĩ Giáo cười gằn, hơi nhún vai một chút mà tiếp: - Hy sinh? Chị nói đến hai chữ ấy thực dễ dàng. Nhưng sự đời, tôi e lại chẳng dễ dàng như vậy. Bây giờ chị định đi tìm anh ấy? - Tôi tưởng anh đồng ý với tôi thì phải. Anh bảo địa vị của tôi ngày nay còn ở đâu hơn là ở cạnh Phan? Giáo tủm tỉm cười: - Ở cạnh anh Phan rồi sao nữa? - Làm sao nữa thì tôi không biết. Ái tình sẽ khiến người ta được khôn ngoan, sáng suốt và khéo léo thêm lên. Tôi chắc rằng những sự khó khăn trở ngại không còn nữa, tôi và Phan sẽ được đời đời sung sướng bên nhau. - À, đàn bà có khác! Đàn bà tính việc đời chỉ nghe theo lòng mình. Nhưng này chị Đạm, còn cái lòng người đàn ông nữa, chị không nghĩ đến nhưng nó phiền phức lắm. Thứ nhất người đàn ông đó là Phan. - Anh Giáo! Anh làm tôi lo sợ quá. - Phải, chị lo là phải. Nếu tôi nói với chị rằng bây giờ chị đến với Phan chỉ đem đến cho anh ấy cái tình yêu mà trước đây anh ấy đã xin chị mà không được, thì Phan sẽ nghĩ thế này: “Cái ái tình Đạm mang lại cho đời ta ngày nay, đó không phải thực là tình ái. Đó là lòng thương hại”. Phan thì chị cũng biết rồi, không phải là một người đàn ông chịu cho người ta thương hại, khi mình đã thực tình yêu mà bị từ chối một cách phũ phàng. Với lại, Phan chắc chẳng bao giờ chịu để cho một người đàn bà mà mình đã quý yêu như thế, san sẻ cái đời tàn tật của mình, lúc chàng chưa tin rằng người đàn bà đó đã thực hết lòng vui sướng vì được san sẻ cái đau khổ của người yêu. Vậy thì làm thế nào để Phan tin cho được sau khi đã xảy ra những sự như kia? Trước chàng còn là một kẻ đàn ông được bao nhiêu phụ nữ ao ước lấy làm chồng, thì chị đã từ chối lời anh ấy. Nếu bây giờ chị nói với Phan cái lẽ nó khiến chị không thể nhận lời, thì tôi tin rằng Phan sẽ trả lời chị thế này: “Khi tôi còn đôi mắt, khi tôi còn sáng suốt thì Đạm không tin được ở tôi, bây giờ tôi mù rồi Đạm mới yêu tôi thì tôi còn làm thế nào để tỏ với Đạm rằng tôi trung thành với tình yêu của Đạm được. Đạm chỉ đến với tôi khi Đạm được tin tôi bị nạn nghĩa là chẳng còn điều gì lo ngại cả”. Bác sĩ Giáo nhìn người bạn gái buồn rầu mà tiếp: - Đấy, hiện tình bây giờ nó như thế đấy. Tôi tin rằng thế nào Phan cũng nghĩ như tôi thôi. Cái lòng người đàn ông một khi đã bị thương thì dễ sinh nghi kỵ, dễ thành ra sắt đá. Nếu tôi ở vào địa vị Phan lúc này, tôi cũng không bao giờ để cho người mình yêu chịu sống cái đời buồn tẻ bên cạnh một người chồng tàn tật được. Đạm đứng lên hoảng hốt, mặt nàng tái hẳn đi làm cho Giáo cũng mủi lòng. Đạm nói như người sắp khóc: - Nhưng mà Phan cũng yêu tôi, anh đã biết... - Thì chính vì anh ấy yêu, nên anh ấy mới không chịu để cho chị thương hại anh ấy lúc này. - Trời! Vậy thì làm thế nào đây? Làm thế nào để anh ấy ấy tin tôi, anh Giáo? Chỉ có anh là có thể cứu được tôi lúc này thôi. Anh nghĩ thế nào? Hai người im lặng một lúc lâu. Giáo thì hút thuốc vừa đi đi lại lại trong phòng. Còn Đạm đứng cạnh cửa số nhìn ra mảnh vườn trước mặt. Thời khắc nặng nề trôi. Đạm thấy ruột gan nóng như sôi. Nàng không ngờ cơ sự lại thành ra khó khăn như thế. Một tuần này, nàng mong ngày mong đêm cho chóng đến buổi gặp Phan. Nàng tưởng rằng Phan cũng đương chờ đợi nàng từ ngày bị nạn. Đời chàng trở nên hiu quạnh hơn xưa, chính lúc này chàng cần phải có Đạm ở bên mình. Hai người sẽ gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Người ta sẽ quên hết để yêu nhau hơn trước, để cùng chịu chung một cái tai ách của trời. Vậy mà có ngờ đâu sự họp mặt lại khó khăn dường ấy. Giáo ngồi xuống chỗ cũ. Chàng nhìn ra phía người bạn gái vui vẻ nói: - Thôi, chị không nên lo ngại nữa, tôi đã nghĩ ra cách này rồi. Chị ngồi xuống đây tôi nói chuyện. Khi Đạm đã ngoan ngoãn ngồi chiếc ghế mà chàng chỉ, Giáo mới mỉm cười nói tiếp: - Tôi quên chưa nói với chị là anh ấy có một lần hỏi thăm chị. Nhưng anh ấy khéo giấu lắm. Anh ấy hỏi thăm nhà tôi, rồi dần dà hỏi đến các người quen khác, rồi sau mới đến chị. - Anh ấy hỏi thế nào, anh? - Anh Phan muốn biết chị ở đâu, có được khỏe không, và có tin gì chăng? Tôi bảo là chị cũng sắp về, thỉnh thoảng chị gửi cho tôi một tấm ảnh chụp những nơi chị đi chơi. Tôi lại nói thêm rằng chị gầy lắm trông rất thảm hại, vì gầy nên chị cần phải đi để đổi thay không khí. Tôi nói vậy, và tôi thấy Phan cười nhạt. Phan nói với tôi rằng: tôi tưởng chị Đạm thì có bao giờ yếu được? Bao giờ chị ấy không vui sướng hơn chúng mình? Anh ấy chỉ nói qua về chị có thế, rồi anh ấy quay lại bảo người nữ khán hộ của tôi đọc cho anh ấy biết một vài tin quan trọng trong báo, hay mở một vài lá thư của bạn bè gửi đến hỏi thăm. Còn một lần nữa anh ấy hỏi tôi xem có thư của chị không, và chị có biết tin anh bị nạn không? Tôi trả lời rằng thế nào rồi chị ấy cũng được tin, và sẽ gửi thư thăm. Phan lại cười nhạt, có vẻ chán nản và trào lộng. Đạm gục đầu xuống ngực trong khi nghe Giáo thuật lại chuyện người đàn ông mà nàng yêu. Lúc ấy nàng ngửng lên thì má nàng đã đầy nước mắt: - Ồ anh Giáo, tôi không thể chịu thế này được nữa. Thế nào tôi cũng gặp Phan mới được. - Không, chị chưa nên gặp Phan trước khi Phan hiểu kỹ càng tấm lòng cao quý của chị. Chị phải nên kiên nhẫn mới được. Chàng đứng lên cười vui vẻ: - Kiên nhẫn như người soát vé ngoài ga. Có việc gì hệ trọng, đứng đắn ở đời mà thành được khi người ta làm một cách vội vàng hấp tấp. Bây giờ chị đi ăn cơm, xong tôi sẽ nghĩ cho chị một cái thư gửi cho Phan.