Dịch giả: LÝ TRƯỜNG CHIẾN
CHƯƠNG BA
KHÔNG QUÊN TRI ÂN NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG

“Trong số các bạn trẻ, có nhiều bạn hiện đang cố gắng giải quyết các vấn đề trước mắt. Nhưng cố mãi mà vẫn chưa có kết quả. Tuy vậy, các bạn hãy thử nỗ lực đến tột cùng - tới mức không thể nỗ lực hơn được nữa – xem sao. Nếu đã cố gắng được đến như vậy thì thế nào cũng tìm được lời giải tuyệt vời như thể món quà mà ông Trời ban tặng. Và nhất định sẽ xuất hiện những người hiểu và thừa nhận sự nỗ lực của bạn.”
CÂU CHUYỆN THÀNH LẬP CÔNG TY KYOCERA
Tôi đã kể cho các bạn về những khó khăn, những vấp váp trong quá trình nghiên cứu gốm làm vật liệu chế tạo ống chân không cho Công ty Hitachi, về việc tôi phải ra đi do đối lập ý kiến với ông phó giám đốc phụ trách kỹ thuật mới lên chức. Người ta đơn phương ra quyết định với tôi: “Đề tài nghiên cứu này vượt quá khả năng của anh. Hãy đứng sang một bên để nhường chỗ cho người khác.” Và tôi rời khỏi công ty. Nếu có ở lại thì cũng không thể biến giấc mơ thành hiện thực vì người ta có chịu hiểu cho mình đâu.
Nghe tin tôi rời công ty, toàn bộ nhân viên dưới quyền do tôi đảm trách kéo đến phòng ở của tôi trong khu tập thể công ty. Họ đồng thanh nói: “Chúng tôi cũng sẽ thôi việc để đi với anh”. Không ai chịu nghe theo lời khuyên của tôi là nên ở lại để tiếp tục công việc. Đến cả cấp trên của tôi, ông Aoyama Masaji cũng nói với tôi: “Tôi cũng thôi việc theo cậu. Tôi sẽ tìm nguồn vốn, thành lập công ty mới để cậu tiếp tục nghiên cứu.”
Ông Aoyama đến gặp hai người bạn đồng học thời còn là sinh viên khoa Công nghiệp trường đại học Kyoto. Đó là ông Nishieda Ichie và ông Majikawa Tamotsu. Cả hai ông đều đang giữ trọng trách trong Công ty Sản xuất Bảng điện Miyaki Denki.
Ông Aoyama ra sức thuyết phục hai ông bạn. Mặc dù họ không mấy tin tưởng (“Chúng tôi chẳng biết cái cậu Inamori ấy giỏi giang đến mức nào, nhưng giỏi thì giỏi chứ mới 26, 27 tuổi đầu thì làm nên trò trống gì”), nhưng cuối cùng họ cũng đồng ý. Họ còn kéo được cả ông Miyaki Otoya, giám đốc Công ty Miyaki Denki cùng bỏ vốn ra lập công ty cho tôi.
Để đưa công ty vào hoạt động, cần phải có vốn đầu tư thiết bị như lò nung điện, cần vốn mua nguyên liệu, cần vốn lưu động… Số vốn đó lên tới cả 10 triệu yên. Thời đó, mười triệu yên là khoản tiền rất lớn, nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải vay ngân hàng.
Để vay ngân hành thì phải có tài sản thế chấp. Ông Nishieda – phó giám đốc Công ty Miyaki Denki, bạn đồng học và là người được ông Aoyama thuyết phục – mang luôn căn nhà đang ở làm tài sản thế chấp ngân hàng. Vì tôi - người mà ông ấy chưa từng gặp – và vì công ty mới ông ấy dám chấp nhận rủi ro không biết chừng mất hết cơ nghiệp.
Tôi nghe kể lại, khi đem chuyện thành lập công ty ra bàn với vợ, ông Nishieda nửa đùa nửa thật: “Này bà nó ơi. Bà chuẩn bị tinh thần ngôi nhà bị phát mãi đấy nhá…”. Tức thì vợ ông ấy vừa cười vừa đáp lại: “Biết làm sao được. Đàn ông các anh đã phải lòng nhau thì cái gì mà chẳng mang cho nhau hết…”.
Nhờ những tấm lòng hào hiệp giúp đỡ, tôi ra độc lập được.
QUA LÒ LUYỆN IBM ĐỂ TRỞ THÀNH CÔNG TY HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI
Công ty Gốm Kyoto ra đời ngày 1 tháng 4 năm 1959 với hai mươi tám nhân viên. Trụ sở công ty là một nhà kho đi mượn.
Tôi đặt tên công ty là Gốm Kyoto (Kyoto Ceramics) vì Kyoto là thành phố nổi tiếng trên thế giới, không ai không biết. Hơn nữa, tôi nghĩ nếu sau này có làm việc với các công ty ngoại quốc thì cái tên đó sẽ làm họ dễ nhớ.
Chức giám đốc công ty tôi nhờ ông Miyaki, giám đốc Công ty điện Miyaki, đảm nhận giúp. Ông Aoyama làm phó giám đốc. Còn tôi làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Trên thực tế, tôi được giao toàn quyền nắm công ty.
Ngay từ năm đầu tiên, chúng tôi đã làm ăn có lãi. Điều này hoàn toàn bất ngờ đối với cả ông Miyaki và ông Nishieda - người đã thế chấp căn nhà đang ở cho ngân hàng để vay tiền lập công ty. Vì cả hai ông đều cho là nhanh nhất cũng phải mất vài năm, công ty mới ăn nên làm ra được. Có kết quả này là nhờ tinh thần làm việc quên mình của tất cả mọi người.
Khi công ty mới ra đời, tôi luôn phải trăn trở với nỗi bất an trong lòng: “Nếu mình thất bại, trước hết tất cả anh em tin mình, đi theo mình sẽ phải ra đứng đường.” Vì thế nên tôi dốc sức làm việc như điên, kết quả này là ngay năm đầu tiên công ty đã có lợi nhuận.
Vào năm 1960 – năm sau khi công ty Gốm Kyoto ra đời - chất bán dẫn transistor được thế giới sự dụng rộng rãi để chế tạo những bộ phận chính yếu trong các sản phẩm điện tử như radio, tivi… Công ty Kyocera chúng tôi đã tổng hợp thành công vật liệu gốm để chế tạo các linh kiện cho những bộ phận quan trọng ấy. Thế là chúng tôi nhận được hàng loạt đơn đặt hàng từ các công ty Microelectronics Hồng Kông, Fairchild Hoa Kỳ…
Năm 1965, linh kiện rod ceramics (dùng sản xuất linh kiện kháng trở) của Công ty Gốm Kyoto được Công ty Instrument Texas Hoa Kỳ chọn sử dụng vào việc chế tạo máy điện toán lập trình cho tàu vũ trụ Apollo. Như vậy, sản phẩm do chúng tôi sản xuất được sử dụng trong chương trình thám hiểm vĩ đại: đưa con người lên Mặt Trăng.
Năm 1966, chúng tôi nhận được một đơn đặt hàng khổng lồ từ Công ty IBM, họ đề nghị cung cấp 25 triệu bảng vi mạch Substrate (IC board). Với đơn hàng này, doanh số của công ty Gốm Kyoto chúng tôi tăng vọt. Từ 500 triệu yên lên đến 10 tỷ 50 triệu yên một năm.
Thế nhưng yêu cầu của IBM về quy cách tiêu chuẩn, độ chính xác của sản phẩm chặt chẽ gấp mười lần so với quy cách và độ chính xác của công ty chúng tôi. Khó khăn đầu tiên khi thực hiện đơn hàng này là trong tay chúng tôi còn chưa có những thiết bị đo lường tinh xảo đến như thế.
Tuy vậy, chúng tôi không bỏ cuộc. Tôi suy nghĩ thế này: năng lực kỹ thuật của công ty tôi lúc đó chưa cao, vì thế sản phẩm do công ty chúng tôi sản xuất khó mà lọt qua nổi quá trình kiểm định hết sức chặt chẽ của IBM. Nhưng sau này, khi trình độ kỹ thuật được nâng cao thì chúng tôi sẽ giải quyết được vấn đề. Và như vậy thì đến một lúc nào đó, trình độ kỹ thuật của Công ty Gốm Kyoto sẽ được thừa nhận ngang với trình độ thế giới.
Hơn nữa, mặt hàng bảng vi mạch IC mà chúng tôi nhận sản xuất lại chính là linh kiện nằm trong sản phẩm chiến lược của IBM dưới tên gọi “System- 360”. Thử nghĩ xem: Công ty Máy tính hàng đầu thế giới IBM đặt hàng cho một công ty Nhật Bản, để sản xuất một linh kiện cơ bản trong bộ phận chính cho sản phẩm chiến lược của mình! Vấn đề ở chỗ IBM không đặt hàng một công ty lớn mà lại chọn Gốm Kyoto - vốn chỉ là một công ty nhỏ ở Nhật Bản. Điều này chứng tỏ các công ty Hoa Kỳ chọn bạn hàng không phụ thuộc vào quy mô và tiếng tăm, mà cứ có đủ năng lực kỹ thuật thì một công ty dù nhỏ họ cũng đặt hàng. Các công ty Hoa Kỳ đánh giá khả năng một công ty dựa trên trình độ kỹ thuật hiện tại chứ không dựa vào bề dày lịch sử của công ty theo kiểu Nhật Bản.
Để đáp ứng đơn đặt hàng, tôi quyết định đầu tư đầy đủ các thiết bị máy móc cần thiết và tự mình đứng ra trực tiếp chỉ đạo mọi mặt. Cũng vào tháng 5 năm ấy, tôi nhận chức giám đốc công ty. Khi đó tôi mới 34 tuổi. Và công ty thành lập mới được tám năm.
Sau khi nhận chức giám đốc, tôi vẫn tiếp tục ở ngay trong khu tập thể của nhà máy Shiga. Hàng ngày, không quản sớm tối, nhiều đêm thức trắng, tôi vùi đầu trong công việc. Ba tháng trôi qua. Năm tháng trôi qua, thời gian trôi đi vùn vụt. Cuối cùng chúng tôi đã tạo ra sản phẩm đúng theo quy cách tiêu chuẩn được yêu cầu. Chúng tôi giao lô hàng đầu tiên gồm 200 ngàn sản phẩm cho khách hàng. Thế nhưng, lô hàng đó bị trả lại toàn bộ vì không lọt qua được quá trình kiểm định chặt chẽ của IBM. Tôi lại bắt đầu nghiên cứu làm lại từ đầu.